Tuesday, December 31, 2013

Chúc Mừng Năm Mới



Chúc Mừng Năm Mới

Xuân Giáp Ngọ 2014

Ban Điều Hành Cơ Sở Thi Văn CỘI NGUỒN
   Bộ Biên Tập TẠP CHÍ NGUỒN

Trân Trng Kính Chúc
 Quý Ân nhân    bn đc     Tác Gi     Văn Thi Hu
  cùng toàn th đng bào hi ngoi và quc ni 

Xuân Giáp Ngọ - Năm Mới 2014
được Dồi Dào Sức Khỏe  
Khang An   Hạnh Phúc   
Gặt Hái Nhiều Thành Đạt Mới. 

Saturday, December 28, 2013

Tác Phẩm Mới



DÒNG CỔ NGUYỆT
Thơ Tuệ Nga
Cội Nguồn XB tháng 12-2013

Sách khổ 17 x 29cm dày 484 trang
Bìa hai lớp bọc, ngoaì bản thường trên giấy màu kem nhạt
Còn có 50 quyển in trên giấy láng mịn.
Sách để làm tặng phẩm, không bán.

MộT NHậN ĐịNH TổNG THể Về THƠ TUệ NGA

Trong văn học Trung Hoa, từ thời đại xa xưa, Chu Hy cho rằng “nhân chi sơ tính bản tĩnh”. Từ “bản tĩnh”, do cảm xúc của dục tính mà “tĩnh” chuyển sang “động”. Và một khi tâm đã động thì trí sẽ vận dụng đến suy tư, khi đã suy tư thì phải thốt lên bằng tiếng nói. Lời nói không đạt tới được cái tận cùng của cảm xúc nên sinh ra vịnh thán. Khi đã vịnh thán thì không thể không vận dụng đến tiết tấu tự nhiên từ mối rung động xốn xang... Và từ mối rung động đó mà một thể tính cảm xúc xuất hiện. Người ta gọi đó là nguồn thơ.

Tất cả những người làm thơ đều có nguồn cảm xúc giống nhau, như nhau. Khác nhau là ở cái căn nguyên từ đối cảnh, đối tình của mối rung động. Nguồn cảm xúc ấy vượt lên trên, không chỉ là một tâm sự tách bạch. Một bài được gọi là thơ, diễn đạt để phô bày một tâm trạng chưa hẳn là một bài thơ, đó không phải là nguồn thơ. Nguồn thơ là dòng chảy mênh mông bất tận, dẫu cho đến khi cuộc sống có mỏi mòn, thể xác kia có già nua thì nguồn thơ vẫn không tàn héo.
Tuệ Nga chưa hẳn đã đi tìm ngọn ngành của nguồn thơ như ý người xưa mà tôi vừa biện dẫn. Cũng không phải ngẫu nhiên để bà có những tác phẩm với các tựa đề: Suối, Suối Hoa, Suối Trầm Tư, Hoa Đài Dâng Hương, Hoa Sương, Về Bên Suối Tịnh, Từ Giòng Sông Trăng và nay là Dòng Cổ Nguyệt… đó là những thi phẩm tập hợp nhiều mối cảm xúc từ một nguồn thơ lai láng trong tâm hồn tác giả.

Thơ Tuệ Nga thường tập trung vào ba chủ đề chính, thể hiện cảm xúc chất chứa dạt dào từ trong tâm khảm: Mẹ, Quê Hương và Tâm Đạo. Ba chủ đề, ba nội dung này có khi trộn lẫn, chan hòa, xen kẽ vào nhau, người đọc dễ dàng nhìn thấy trong từng bài thơ, trong từng chương đoạn, dù không được sắp xếp rạch ròi.

Mẹ – một hình ảnh, một biểu tượng đẹp tự nhiên muôn thuở của nhân loại, nhất là đối với Á Đông, và với con người Việt Nam.
Mẹ - với Nhà thơ Tuệ Nga không còn trong phạm trù mẫu tử, Mẹ là vầng trăng vằng vặc, là đóa hoa tươi thắm, là làn hương thơm ngát, là thanh âm dịu ngọt:
Từ tình cảm mẫu tử thiêng liêng đằm thắm, dưới ngòi bút Tuệ Nga, mẹ đã hoá thân thành quê hương, hay đúng hơn quê hương đã hoá thân thành người mẹ, một sự đồng hóa chỉ có ở những tâm hồn dạt dào lòng yêu nước, yêu quê hương của mình. Với Tuệ Nga, hai hình ảnh – quê hương và mẹ đã hòa nhập thành một chủ thể cảm xúc trong tâm hồn nhà thơ: Tình Mẹ và Tình Quê. Mẹ và Quê Hương là một. 

Đọc những bài thơ Tuệ Nga nói về trăng, về quê, về mẹ mới thấy ở tâm hồn nhà thơ là cả một trời cảm xúc dạt dào, cả một nguồn cảm hoài lai láng về tình mẹ, về vầng trăng Việt Nam, về mảnh vườn, về con sông, thành phố, ruộng đồng: Bắc Ninh, Hà Nội, Huế, Sài Gòn...
Từ nơi đây, trên  quê người xứ lạ, nhà thơ chắt chiu từng hình ảnh, từng kỷ niệm để mà bâng khuâng, để mà hoài vọng: Từ hoài vọng đó nhà thơ ngồi soi rọi, nhìn vào tâm khảm để thấy, để biết mình có gì, còn gì và mong ước những gì.

Về Thơ Đạo, Tuệ Nga không đi tìm nguyên khởi của Đạo mà từ Đạo, chứng nghiệm lẽ đạo vào cuộc nhân sinh, vào nhân duyên nghiệp quả để “ngộ” lẽ vô thường, từ đó phóng suy tư vào cuộc sinh tồn, vào lẽ sắc không thanh thản.
Như hầu hết những người Việt Nam lưu vong tỵ nạn, chưa một lần về thăm lại quê hương. Quê hương từ ngày quay gót ra đi, đã bao lần ngoái nhìn về cố xứ, quê hương từ ngày “tiễn khách sầu xa quê”, “nhìn mây trời giăng mắc. Rừng xanh chắn nẻo về” hình như không bao giờ vơi nguôi trong đoái tưởng của nhà thơ.

Trong thi phẩm Từ Giòng Sông Trăng, tác giả đã lấy hình ảnh Rừng Xanh để ẩn dụ về một quê hương còn nhiều nghịch lý, bất trắc, còn những tráo trở, bất an, chưa đủ an toàn cho một ngày sum họp hoan ca của những người con lưu lạc. Trong tâm hồn nhà thơ, ước vọng một ngày về vẫn là “Nửa đời cơn mộng huyễn. Tuyết sương chắn nẻo về” (Vầng Trăng Cổ Độ), và cứ như thế quê hương và ngày về như một ray rứt, một ám ảnh không rời.
Băn khoăn với những gì có hôm qua, với những gì mất hôm nay, thời gian và lẽ biến thiên của cuộc nhân sinh tại thế - quê hương đã xa, tuổi trẻ đã mất, người Phật tử thuần thành Tuệ Nga quán triệt cái giả tạm, cái vô thường của cuộc nhân sinh, thơ không còn là tiếng buồn của muộn phiền, ủy mị. Nhà thơ nhìn lại cuộc đời, nhìn vào lẽ đạo để thấy một thực tại phản chiếu, để rồi thấy lòng thanh thoát, an nhiên tự tại, “bởi đã hiểu đời là quán tạm” trên “một chuyến xe đời”, “một vòng tử sinh”, một “bữa tiệc đủ đầy vị chua vị ngọt ”, và có đủ tiếng chim hót, có nắng ban mai - thuở rộn ràng của buổi đầu đời hoa mộng, cho đến ngày sau, chặng cuối, có tiếng vọng đại hồng chung ngân dài, gọi con người tìm về hài hòa an lạc...

Tuệ Nga đã có trên mười tập thơ xuất bản, trong đó tập SUỐI đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa của Văn Học Miền Nam năm 1974. Tác giả đã có hàng mấy chục bài thơ được phổ nhạc; từng cộng tác với nhiều tờ báo, tâïp san, tạp chí tại hải ngoại.
Có thể nói giới nữ-thi-nhân trong làng thơ Việt Nam cận đại, Tuệ Nga là một nhà thơ đã sống trọn cuộc đời với Thơ, cho Thơ và vì Thơ. Bà là một trong số ít ỏi nhà thơ nữ tiêu biểu trong làng thơ Việt Nam hải ngoại và trong nước hiện nay. Bà đã góp vào kho tàng Văn chương Nghệ thuật nước nhà những áng thơ, những tác phẩm có giá trị văn học nhất định.  

Song Nhị
San Jose, 10.2013

***

Bài Giao Cảm


Riêng tặng Nhà thơ Tuệ Nga
               

Dõi bóng Sông Trăng lồng Suối Tịnh
Mà nghe âm hưởng rứt ray buồn
Nghe trong tâm thức lời tri ngộ
Và núi . Và sông . Và khói sương

“Đỉnh trời tới những dòng sông”lạ (*)
Suối Tịnh đường về bát ngát hoa
Thơ tỏa từ tâm miền tĩnh lặng
Văn khai bút tuệ cõi an hòa

Một dải Sông Trăng hồn cố quận
Người đem mây gió gửi tình riêng
Tình quê . Tình nước . Tình nhân loại
Tội quá . Lòng đau những nỗi niềm!

Thế sự vẫn đầy cơn nhiễu loạn
Quê hương còn đó nỗi thương đau
Suối xưa còn đó đài vinh dự (**)
Nghiệp bút lưu truyền đến mãi sau

Thơ mãi chảy theo vòng nghiệp dĩ!
Suối nguồn tâm đạo trải bao la

Hỡi Thơ và hỡi người Thi Sĩ ...
Thì lẽ đất trời một kiếp hoa!

Hoa của thế nhân. Hoa của mộng
Hoa mùa niên thiếu tuổi hoa niên
Tiếng thơ ươm nụ thời Quan Họ
Đã tỏa lan theo khắp mọi miền

Hàng hàng thơ phổ vào kinh kệ
Niệm khúc dâng đời đóa đạo ca
Thấp thoáng non xa. Chiều . Cánh Hạc
Thuyền trôi . Chiều lặng . Ánh trăng tà!
Song Nhị
San Jose, tháng 1-2007

(*)  Tên tranh bìa/HS Đào Hải Triều
(**) SUỐI: thi phẩm của Tuệ Nga/ Giải Văn Học VNCH 1974

Thursday, December 5, 2013

Giở Chồng Sách Cũ (4)



















Trên Chuyến Tàu Xuôi Nam
Trên Hành trình Xuôi Nam, có một chuyến xe lửa ngược chiều chạy ngang qua đoàn tàu chở tù. Tốc độ vừa phải. Tất cả anh em chúng tôi bảo nhau cùng đẩy cửa sổ toa tàu, giơ cao hai cánh tay dính chặt với nhau bằng một chiếc còng nội hóa. Loại còng này gồm hai vòng sắt hình chữ U, hai đầu đập dẹt có khoan lỗ. Một thanh sắt lớn cỡ ngón tay trỏ, một đầu có nút chặn, đầu kia có lỗ để móc ống khóa. Tay hai người tù đặt vừa vặn vào vòng chữ U, thanh sắt xỏ qua bốn lỗ đầu chữ U, một ống khóa tra vào bóp lại. Trọng lượng còng nặng cả kí lô, vô cùng chắc chắn.

Hành khách bên toa tàu ngược chiều cũng mở cửa sổ, quay sang nhìn. Khi thấy những cánh tay, những chiếc còng “vĩ đại” giơ lên, tôi thấy một người phụ nữ ôm mặt òa lên khóc và có tiếng nói vọng sang –“Tàu chở tù. Các anh ấy về Nam”. Đó là lần đầu tiên chúng tôi tiếp xúc với thế giới bên ngoài sau năm năm cách ly khỏi cộng đồng xã hội loài người, ẩn mình trong núi rừng với cảm giác trở về thời người vượn.

…………………..

Một trong những hành khách trên chuyến tàu ngược chiều ấy có thể có bà xã tôi. Một ngày sau khi tôi lên tàu, thì nhà tôi ra thăm. Có những người bạn của tôi từ thưở đi học, đi làm, cả “chàng rể phụ” đám cưới chúng tôi, đi lao động gặp nhà tôi giữa đường cho nhà tôi hay là tôi đã về Nam. Nhà tôi ngỡ ngàng vừa vui, vừa buồn, vừa lo. Vui khi biết chồng mình đã được trả về “nguyên quán”. Buồn vì vượt cả ngàn cây số gieo neo mà không được gặp. Không được gặp thì rồi sẽ gặp. Nhưng mà lo. Lo vì chặng đường trở về biết bao gian lao cực nhọc, “thân gái dặm trường”. Cái dặm trường từ nhà ga Thanh Hóa đi bộ vào đến trại tù, đến nhà thăm nuôi trên dưới hơn chục cây số thật là cơ cực. Nắng nóng, đất bụi, bùn sình.    
…………………..
…………………..

Những Nghĩa Cử Ân Tình  Giữa Hận Thù Giăng Mắc
Trên chuyến tàu Về Nam, từ ga Thanh Hóa qua Đồng Hà Quảng Trị, Huế, Diêu Trì, Đà Nẵng, Nha Trang, tới Phan Thiết, Dầu Giây, khi tàu chạy qua nơi nào có nhà ở, có người hai bên đường, chúng tôi đều bảo nhau mở hết cửa sổ toa tàu, giơ cao hai cánh tay dính nhau bằng chiếc còng “đỉnh cao trí tuệ” để chào mừng đồng bào, chào mừng bà con miền Nam ruột thịt.. Những bà con, đồng bào hai bên đường khi chuyến tàu chạy qua, chúng tôi không biết ai là kẻ yêu, người ghét. Chúng tôi không tin có những “cục đá ném vào đầu” mà mong chờ đón nhận những cái vẫy tay, những nụ cười, những lời chào hỏi từ đồng bào, đồng loại thương yêu mình.

Ở ga Thanh Hóa đã có những cặp mắt tò mò dửng dưng nhìn theo đoàn tù. Có một vài em bé bán nước, mời ly nước chè xanh:
– “Uống đi, cháu không lấy tiền ông đâu”.

Càng đi dần về phía Nam, chúng tôi càng gặp nhiều ngạc nhiên, xúc động, có khi đến chực rơi nước mắt. Từ ga Huế trở vào có những lúc, nhất là khi tàu ngừng lại, người hai bên đường, ném lên toa tàu tới tấp – thuốc lá, bánh mì, bánh chưng, bánh đúc, cam, bưởi... những món quà tình nghĩa từ những bà mẹ, những em nhỏ buôn thúng bán bâng, từ những cậu con trai phải bỏ học nửa chừng để kiếm sống bằng những việc làm lam lũ. Gói thuốc lá, trái cam, cái bánh... giữa cảnh ngộ và thời buổi đó đã toát ra một nghĩa tình cao quý, vượt lên trên tất cả những cái tầm thường bé mọn ở những “đồng loại” hơn năm năm bên nhau trong lao tù, đáng ra phải đồng cam cộng khổ.

Đối với chúng tôi nghĩa cử đó chính là vòng Nguyệt Quế dành cho kẻ trở về, dù vẫn đang trong bộ áo tù, tay trong chiếc còng nặng trĩu. Có một lúc tôi như giật mình khi nghe một thiếu niên hát vang vang: “như có bác Hồ trong thùng phi đậy nắp, mở nắp ra nghe cái ‘cốc’ trên đầu”.

Thì ra sau hơn năm năm người dân miền Nam đã biết “bác Hồ” là ai. Tôi nhớ ngày 1 tháng 5-1975 một anh Nhân dân Tự vệ ở cạnh nhà tôi, tuổi dưới hai mươi đi ra đường xé những tấm ảnh “bác” dán ở những cột đèn, những bờ tường, dọc theo đường Trần Quốc Toản cũ (3 tháng 2) và khu ga xe lửa Hòa Hưng, cậu ta liền bị bắt đưa đi cải tạo hơn nửa con giáp mới được thả về. Cậu này tên là Thủy, được định cư tại Mỹ theo diện HO. 

Trước năm 1975, người dân miền Nam không biết “bác” và không hiểu một chút mô tê gì về chủ nghĩa mà “bác” mang về làm nền móng cai trị cho chế độ do “bác” dựng lên.    Nhờ chế độ của “bác” mà lịch sử có những trang đẫm máu của Cải cách Ruộng đất, của Nhân văn, Giai Phẩm, của Tết Mậu Thân, của cuộc nội chiến 20 năm nồi da xáo thịt, giết chết khoảng 5 triệu người VN (cả Nam và Bắc) ...

Không phải đợi đến năm năm, mà chỉ năm bảy tháng, một năm, sau khi được nhìn tận mặt, được tiếp cận từng ngày là người dân đã biết, biết rất rõ những gì “bác” làm, những gì “bác” để lại cho hậu thế trước nông nỗi trăm cay nghìn đắng. Càng hiểu biết bác, hiểu biết chế độ của bác, người dân, kể cả một bộ phận người dân miền Bắc, càng thấy thương, thấy tội nghiệp cho đoàn tù, cho quân cán chính miền Nam, lớp người đã từng đem máu xương, sinh mạng để xây dựng và bảo vệ miền Nam Tự do ấm no và hạnh phúc.

Chuyến tàu thống nhất nối lại tuyến đường sắt, nhưng đã không nối lại được tình người, không nối lại được tình tự dân tộc. Vì vậy những người cán bộ công an hộ tống trên toa mới bảo chúng tôi kéo kín cửa, kẽo người dân “còn căm thù” sẽ ném đá vỡ đầu.

Sau ngày 30.4, tuyến đường chở ngược hướng Bắc những đoàn tù biệt xứ, cùng với hàng hàng những chuyến tàu chở đầy chiến lợi phẩm nhưng đã không làm vơi dịu được phần nào cảnh bần hàn nheo nhóc của ba mươi triệu người dân suốt 20 năm gồng mình xây dựng XHCN và chiến tranh thôn tính. Thù hận vẫn thù hận. Nghèo đói vẫn nghèo đói. 

Rồi tình thế cũng đến ngày đổi chiều, xoay ngược. Từng chuyến tàu liên tiếp chở đoàn tù xuôi Nam. Đoàn tù trở về nhận từ tấm lòng người dân biết bao cảm tình nồng mặn. Khi đoàn tàu qua khỏi ga Hàm Tân, có tiếng người bên vệ đường thông báo: – Các anh về Xuân Lộc. Những người cán bộ hộ tống không bao giờ tiết lộ nơi chúng tôi sẽ đến, nhưng khoảng 30 phút trước khi tàu về đến sân ga, công an bảo vệ ra lệnh mọi người thu xếp đồ đạc gọn gàng để chuẩn bị xuống tàu. Biết được nơi đến, không ai bảo ai, mỗi người đều lấy giấy bút ghi địa chỉ gia đình để báo tin cho thân nhân. Trước đó có một vài nhân viên hỏa xa đi lại trong toa. Có người đã mạnh dạn giúi miếng giấy vào tay, người nhân viên toa tàu cầm lấy, lặng lẽ bước đi. Khi tàu giảm tốc độ xuống rất chậm, một nữ nhân viên hỏa xa trạc tuổi trên dưới ba mươi đi qua, tôi đưa cái địa chỉ và nói nhỏ. – Tôi nhờ cô gửi bưu điện giùm. Cô ta mỉm cười, một nụ cười rất thiện cảm, cầm miếng giấy địa chỉ bỏ vào túi.

Khác với một số anh em phó mặc cho may rủi, riêng tôi, tôi tin lời nhắn của tôi sẽ được chuyển tới nhà. Rất đông anh em khác, hoặc được gợi ý từ nhân viên quét dọn tàu, hoặc vì hết cách nên cứ bỏ đại vào hộc đựng tàn thước lá, hộc đựng rác cạnh thành tàu.

Có người ba ngày sau gia đình đã lên thăm. Môt số đông gia đình đến thăm sau một tuần lễ. Về sau kiểm chứng lại chúng tôi được biết tất cả những ai có miếng giấy nhắn tin đều được các nhân viên trên chuyến tàu chia nhau mang tới tận từng nhà. Gia đình thân nhân của tù xin được trả tiền xích lô, tiền xăng nhưng không một ai chịu nhận.

Nhà tôi khi đến trại tù thăm tôi cho biết có một cô mang giấy nhắn tin đến, gia đình trả tiền xích lô nhưng cô ấy từ chối. Nhà tôi hỏi thăm được biết người nữ nhân viên này quê Nam Định, vào Nam năm 1977. Đó là một con người miền Bắc từng được nhồi nhét từ nhỏ ý thức căm thù Mỹ Ngụy. Nếu như toàn thể mọi người Việt Nam xóa hết được tâm lý hận thù như những người công nhân bình thường ấy thì may mắn cho dân tộc biết chừng nào. Cho đến bây giờ chúng tôi không quên những ân tình quý báu giữa thời buổi hận thù giăng mắc ấy.


Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...