Nửa Thế Kỷ
Việt Nam - Cuộc Nội Chiến Và Hành Trình Bi Thảm Của Dân Tộc Việt Nam
(Giới
Thiệu Tác Phẩm )
Từ năm 1980, trong trại tù Thanh Hoá, người tù Song Nhị đã
từng viết:
Ta chờ xóa vết chân
hoang
Về đem huyết sử viết
trang chuyện đời
Ta chờ người lại với
người
Xoá tan huyền thoại
những lời võng ngôn
Và sau 10 năm miệt mài, trang huyết sử đã ra đời. Nó thấm
đẫm nước mắt và xương máu của hàng triệu người tù cải tạo. Tôi nhận được quyển
sách của tác giả gởi tặng khi vừa in xong và tôi là người đầu tiên đã phân tích
tác phẩm của ông. Chỉ trong vòng 3 tháng, “Nửa Thế Kỷ Việt Nam” đã tái bản lần thứ nhì, số
trang từ 467 tăng lên thành 500 trang, bổ sung thêm những ý kiến chọn lọc, đầy
ngợi khen của tất cả các văn thi hữu, những nhà phê bình văn học khắp nơi ở hải
ngoại.
Vì sao quyển sách thu hút người đọc đến như vậy? Vì ông là
một nhà giáo, một nhà báo một nhà binh, một nhà thơ, một nhà văn, và sau cùng
ông là một người tù lương tâm như hàng vạn người tù của Miền Nam Việt Nam
sau biến cố 30/4/1975. Những yếu tố trên đã hình thành nên phong cách của ông
trong sự nghiệp văn học. Ông đã sống trọn vẹn với chính mình, với đời và với
văn học. Một cuộc đời lênh đênh, trôi giạt từ miền Bắc Việt Nam sang nước Lào, từ Nam Quan cho
đến Mũi Cà Mau, từ Sài Gòn cho đến các nhà tù cộng sản.
Ngay từ trang 7 “thay Lời Tựa”, tác giả viết “...Tôi đã viết
và đã xoá từng dòng. Tôi đã viết và đã xoá từng trang. Tôi đã xoá nhiều lần như
vậy...”.
Quyển sách gây cho tác giả nhiều trăn trở, đau xót nên phải
xoá đi xoá lại nhiều lần trước khi đến tay người đọc. Quyển sách dày 500 trang
bao gồm 16 chương. Mỗi chương chia làm nhiều tiểu đoạn. Tác giả đã lấy mốc thời
gian từ năm 1945 cho đến năm 2009 để sàng lọc, biên soạn, tìm kiếm tài liệu
thông qua kinh nghiệm cuộc đời và ghi chép lại trung thực những gì mắt thấy,
tai nghe những sự kiện, con người mà ông đã từng chứng kiến, gặp gỡ, và tìm ra
nguyên nhân của cuộc nội chiến và hành
trình bi thảm của dân tộc Việt Nam suốt nửa thế kỷ.
Nỗi gian truân của ông bắt đầu từ quê hương Hà Tĩnh, nơi mà
một đứa trẻ tiểu học như ông phải chứng kiến những cuộc đấu tố tàn ác trong
chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất của cộng sản mà gia đình và dòng họ ông chính là
nạn nhân.
Rồi 8 năm trong nhà tù cộng sản từ tháng 6 năm 1975 đến
tháng 5 năm 1983, ông đã bị giam giữ nhiều nơi, từ Long Thành, Quảng Ninh,
Thanh Hoá, Xuân Lộc, ông đã nhìn thấy được sự va chạm và “cọ xát” giữa con
người với con người, giữa thiện và ác, giữa nhân ái vị tha và bần tiện, giữa
nhân cách cao trọng và lối sống ti tiện, hèn mọn.
Vụ án điển hình làm rúng động trong và ngoài nước là vụ án
Bùi Đình Thi mà LM Nguyễn Hữu Lễ đã viết trong quyển Hồi Ký “Tôi Phải Sống”.
Nhà thơ Song Nhị đã nhắc lại vụ án nầy trong chương VIII “Bùi Đình Thi Chiêm
Nghiệm Nhân Duyên Nghiệp Quả”. Chúng ta cũng sẽ thấy trong quyển sách hình ảnh
nhạc sĩ Vũ Thành An, khi vào tù đã từng viết “...Nay mới biết đế quốc Mỹ là
quân xâm lược. Bọn nguỵ quyền là lũ tay sai. Bao nhiêu năm cung cúc tận tụy
miệt mài. Cứ ngỡ rằng mình lo việc nước...”.
Bạn đọc cũng sẽ nhận ra những con người hạ tiện vì muốn có
một miếng ăn với đặc quyền đặc lợi trong tù, họ sẵn sàng làm tôi tớ cho bọn
cộng sản bức hại anh em.
Nhà thơ Song Nhị tố cáo chế độ tàn ác, bất nhân của nhà tù
cộng sản. Nó thể hiện rõ nhất trong chương 10 (X). Nơi giam giữ tù nhân như
giam súc vật (Lý Bá Sơ, Danh Bất Hư Truyền (trang 222). Thê thảm và khủng khiếp
hơn là trại tù cải tạo đã biến con người thành con vật: “...Người nào đầu cũng
lớn hơn thân mình. Hai hàm răng nhô ra, cặp mắt lõm vào sâu hoẳm. Tay chân khẳng khiu như que củi...” (Đoàn Ma Đói Chờ Điểm
Số Lên Đồi (trang 256). Không những hành hạ về tinh thần, bỏ cho đói khát,
tuyệt vọng. Cộng sản còn hành hạ thể xác bằng cách làm lao động khổ sai đi vác
đá. (Tôi Đi Giữa Đoàn Tù Vác Đá” (Trang 226).
Tàn ác hơn là hình thức kỷ luật kiên giam, đánh đập tù nhân
hành sự một cách tàn bạo vì người nầy đói phải ăn cắp một bụi khoai mì:
“...Người công an mở cửa một cái hầm cầu tiêu, dắt một người tù hình sự lại
trước cửa hầm, bảo đứng quay mặt vào trong, rồi đưa chân lên cao tống một đạp
vào lưng, người tù bổ sấp xuống úp mặt vào hầm cầu tiêu. Người công an đóng cửa
hầm cầu, thản nhiên quay lưng đi...” (trang 275).
Tác giả cũng đã ghi lại những hình ảnh hiếm hoi về những
người không cùng chuyến tuyến nhưng còn biết đau khổ, xót thương cho cảnh tù
đày của người sa cơ, lỡ vận. Một nữ công an đem một chai nước mắm đến cho cả
buồng.... và nói “chắc các anh nhớ nhà, nhớ vợ con lắm phải không?”. Nói xong,
người nữ công an im lặng một lúc, hai hàng nước mắt lăn tròn trên đôi gò má...”
(Trang 187).
Trong cảnh tù đày, người lính VNCH vẫn không sợ đói, khổ,
hành hạ thân xác hay bị biệt giam. Họ dám phản kháng lại chế độ nhà tù bằng
hành động tuyệt thực để cứu bạn hoặc chống lại hình thức ngược đãi quá đáng của
cai tù ở chương 10 (X) trang 240) “Biểu Tình Tuyệt Thực Rừng Vang Tiếng Hát”.
Đây là chương gay cấn, lôi cuốn người đọc.
Trong trang 188, tác giả có nhắc đến một người tù trẻ tuổi,
một anh hùng. Anh cô đơn chống lại bầy sói dữ:” người bạn nói giọng rắn chắc:
“Hãy ngẩng đầu lên mà đi các anh ơi. Người nầy chết có người khác đứng lên...”.
Tác giả cũng nhắc đến ông Phạm Dương Đạt vì phát biểu tố cáo chế độ cộng sản,
ông đã bị bắt đi biệt tích (trang 195). Có những người tù bất khuất. Họ đã chọn
cái chết để giữ gìn khí tiết của một quân nhân như: Lê Quảng Lạc, Nguyễn Đức
Điệp, Nguyễn Mậu, Huỳnh Văn Lượm, ...
Tác giả cũng đã gởi lại trên trang sách mình lòng biết ơn
sâu sa đối với những vị ân nhân đã bền bỉ, bỏ thời gian, công sức để yêu cầu
chính phủ Hoa Kỳ can thiệp cứu giúp những người tù cải tạo như Cựu Đại Tướng
John Vessey và ông Robert Funseth, bà Khúc Minh Thơ, Chủ Tịch Hội Gia Đình Tù
Nhân Chính Trị Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Bích, Huỳnh Công Ánh, Nguyễn Hậu, Linh
Quang Viên, Đào Văn Bình, Giao Chỉ... và nhiều cá nhân, tổ chức hội đoàn khác
đã đóng góp công sức tài vật cho thành quả giải thoát những người tù cải
tạo...” (trang 420).
Đọc “Nửa Thế Kỷ Việt Nam”, độc giả sẽ soi rọi lại một
góc tối khác mà chúng ta chưa biết về nhà tù cộng sản. Từng chương, từng tiểu
đoạn tưởng chừng như giống nhau, nhưng phong cách diễn đạt rất mới mẻ. Với cách
trình bày khoa học, văn phong trôi chảy, nhẹ nhàng, tác giả đã lôi cuốn người
đọc từ trang đầu cho đến trang cuối. Chính cuộc sống dày dạn phong trần đã khiến
ngòi bút của ông tuôn chảy như những dòng máu của hàng triệu người tù, của
những giọt nước mắt đau khổ của toàn thể nhân dân Việt Nam từ Bắc tới Nam trong
suốt nửa thế kỷ. Và hiện nay, nhà tù vẫn chưa khép lại. Nó vẫn mở rộng chào đón
những người trí thức yêu nước, thương nòi mơ ước xây dựng một đất nước Việt Nam
dân chủ, phú cường.
Tôi có thể kết luận rằng “Trí thức, yêu nước, trong sạch và
nhân ái” là kẻ thù của cộng sản.
Xin được tặng nhà thơ Song Nhị 4 câu thơ:
Non nước u buồn non nước đau
Tim ta khắc khoải mắt vương sầu
Quê hương máu lệ nhoà trang sử
Ôi! Cuộc đổi đời sao bể dâu?!
Maryland, Ngày 13/11/2010
---------------------------
(Bài giới
thiệu tác phẩm tại Hội Trường James Lee Community Center Theater, 2855
Annandale, Fallschurch, Washington D.C.)
No comments:
Post a Comment