Tuesday, September 27, 2011

Thơ Tình Song Nhị

Khúc Ca Dao Tình


Phải là em đến hay không
Ðể tôi biết chắc mùa Ðông qua rồi

Hình như cây cỏ trên đồi
Hẹn nhau một lượt trổ chồi lộc non

Phải là nhịp gõ guốc dòn
Xôn xao lối lạ thuở tròn trăng xưa

Phải là một buổi chiều mưa
Ðể tôi chung nón che đưa em về

Phải em đến buổi trưa Hè
Rừng hoa bướm lượn đứng mê mải nhìn

Phải câu thơ viết rất tình
Bởi tôi biết chắc rằng mình yêu thơ

Phải là một buổi vào Thu
Ðể tôi gọi gió về ru lá vàng

Bao nhiêu hoa lá trên ngàn
Gọi nhau mở hội hẹn nàng bến Xuân.

(Thi phẩm Về Lồi Đi Xưa, 4-97)

Truyện

DUYÊN NỢ TIỀN THÂN

Đặng Tâm là đứa con thứ sáu trong một gia đình có tám anh em. Tâm xuất gia từ năm lên tám tuổi với hòa Thượng Tuệ Giác, một vị cao tăng tại chùa Long Thọ. Năm ba mươi tuổi, nghĩa là hai mươi năm sau, kể từ ngày Đặng Tâm theo thầy học đạo, chàng nổi tiếng là một sa môn uyên bác về kinh điển của nhà Phật và là người có đức độ khó ai bì kịp.

Từ ngày quy y, Đặng Tâm có pháp danh là Pháp Không. Sư Pháp Không có dáng người thon cao, vẻ mặt quắc thước, sáng sủa. Đôi mắt của nhà sư như ẩn chứa một cái gì vừa ấm áp, vừa mênh mông huyền diệu. Giọng nói trầm trầm, truyền cảm làm cho người đối diện phải đem lòng mến mộ. 
Một lần, sau buổi thuyết pháp về đề tài “luật nhân quả”, thầy về tới tăng phòng thì gặp một người con gái đứng chờ trước cửa. Người thiếu nữ ấy khoảng hai mươi tuổi, ăn mặc theo lối Âu, gương mặt đẹp, sắc sảo, quý phái. Vừa thấy thầy, thiếu nữ chắp tay, cúi đầu:
- Bạch thầy, xin thầy hoan hỉ cho con được vấn đạo.
- Mô Phật, nếu câu hỏi của tín nữ thuộc lãnh vực hiểu biết của bần tăng, bần tăng xin sẵn lòng.

Thiếu nữ cung kính cúi đầu:
- Bạch thầy, theo như bài luật nhân quả mà thầy vừa thuyết giảng, con thấy không phù hợp với những gì đang diễn ra trong xã hội hôm nay. Như kẻ hiền lành thì lại bị đói khổ, bị áp bức.  Kẻ độc ác, gian manh thì lại được giàu có, uy quyền. Người lương thiện thì chết yểu, kẻ hung tàn lại sống lâu. Nếu có luật nhân quả sao lại còn những trái ngược đó?

Sư Pháp Không chậm rãi trả lời:
- Nhân quả là gọi tắt của Nhân Duyên Quả Báo. Nhân Duyên có hòa hợp mới sinh ra Quả. Ví như  hạt lúa là Nhân mà hợp với đất, nước, phân bón là Duyên mà sinh ra cây lúa. Về phương diện nhân sinh, người có Nhân từ kiếp trước, hiện tại mới gặp Duyên mà sinh ra Quả. Có người kiếp trước đã gieo Nhân mà mãi đến đời sau, đời sau nữa mới gặp Duyên để thành ra Quả. Bởi lẽ ấy nên có người đời này tu nhân tích đức nhưng lại bị tai họa. Người khác, đời này ác độc, hung tàn mà lại được hưởng giàu sang, quyền quý.

Người tín nữ vẫn tỏ vẻ chưa hài lòng với lời giải thích của sư Pháp Không. Nàng nhỏ nhẹ:
- Bạch Thầy, như vậy là luật nhân quả cũng có kẽ hở? 
Sư Pháp Không vẫn ôn tồn:
- Bởi vì người đời không rõ lẽ ác báo và phúc báo. Nhân Ác trồng ở kiếp này chưa đủ thời gian để thành Quả Ác. Nhân Lành gieo ở kiếp trước chưa đủ thời gian để thành Quả Phước cho đời hiện tại. Tất cả đều là do vòng chuyển hóa của luân hồi định nghiệp. Không có kẻ hở như luật pháp của thế gian. Bánh xe quay nhanh hay chậm thì chỗ ráp nối đến chậm hay nhanh, tùy thuộc vào vòng quay, vào nội tại của người đạp xe. Bánh xe pháp luân tùy thuộc vào Nhân Duyên. Người thanh thản đạp xe chậm rãi, kẻ âu lo đạp xe vội vàng. Người thiện nhiều, nghiệp báo chậm, kẻ ác hung nghiệp báo nhanh. Chậm hay nhanh là do Nhân Duyên. Lành dữ cũng do Nhân Duyên. Nghiệp báo cũng thế. Tựu Trung không sớm thì muộn: Nhân nào Quả ấy.

Thiếu nữ  ngước lên nhìn nhà sư, hỏi tiếp:
- Bạch thầy, thế nào là lòng từ bi?
- Từ bi là tình thương. Bất cứ là thứ tình thương nào mà người thương biết quên mình, không đòi hỏi một tình thương được trả lại. Từ bi là một thứ vị tha nhân, không vị kỷ, là một thứ cho mà không nhận.
- Bạch thầy, thế nào là cho? Thế nào là nhận?
- Cho là “xả”, nhận là “thọ”. Cho là “vô”, nhận là “hữu”. Cho là vì người, nhận là vì ta.
- Như vậy một người nữ yêu một người nam là “cho” hay là “nhận”.
- Đó là nhận.
- Tại sao?
- Yêu người muốn được người yêu lại, đó là vì yêu mình chứ không phải yêu người

Vậy thế nào mới được gọi là “yêu người”?
- Hy sinh, quên mình.
- Khó quá.
- Khó, dễ tại tâm sanh. Không khó, không dễ thì tâm diệt.
- Tâm diệt thì được gì?
- Tịnh lạc.
- Thưa thầy, muốn “lạc” mà không muốn “tịnh” được không?
- Muốn có gió mát mà không muốn cành lá lay động, đó là ảo tưởng.
- Tình yêu có tịnh lạc không? 
- Có và không?
- Xin thầy cho thí dụ.
- Nước biển mặn là do chất muối. Muối thành do nước biển. Tình yêu là “dụng”, còn tịnh lạc là “thể”. Bản chất của “dụng” là động. Bản chất của “thể” là tịnh. Đã động thì bất tịnh. Động thì không có Tịnh Lạc.
- Nói như vậy chẳng khác nào khuyên người ta đừng yêu nhau. Nòi giống loài người làm sao tồn tại và phát triển để phụng sự Phật pháp.
- Không phải con người phụng sự Phật pháp, vì Phật pháp vốn là không có. Nói Phật pháp như một thể “hữu” để cho con người dễ hiểu. Đúng ra, Phật pháp phụng sự con người. Phật pháp là phương tiện đưa con người đến sự giải thoát. Khi cứu cánh ấy đã đạt đến thì phương tiện kia không còn.

Người thiếu nữ đứng khoanh tay, xưng tên là Hoàng Bích Vân, nhìn nhà sư rồi nói thật nhỏ:
- Dù sao thì... “em” vẫn muốn cái “tịnh lạc” kia chính là cái “tình yêu” mà em đang mơ ước kiếm tìm.
Sư Pháp Không chắp tay:
- Mô Phật, điều đó ngoài sự hiểu biết của bần tăng.
- Xin từ biệt.
Nhà sư quay lưng bước về phòng. Bích Vân gọi với theo:
- Thầy..! Thầy!..
Nhưng cánh cửa sau lưng nhà sư đã đóng lại.

**
Hòa thượng Tuệ Giác nhìn môn đệ đệ của mình là sa môn Pháp Không rồi nói:
- Thầy muốn con hoàn tục.
Sư Pháp Không giật mình, sợ hãi:
- Bạch sư phụ xin minh xét cho con.
Hòa thượng Tuệ Giác vẫn giọng ôn tồn:
- Sư Pháp Không nước mắt đã ràn rụa, nhạt nhòa, quỳ xuống lạy thầy:
- Xin sư phụ hỉ xả. Đừng đuổi con. Con đã nguyện trọn đời nương thân chốn thiền môn.
- Thầy đã nói hết lời rồi. Đó là nghiệp quả của con. Kiếp trước con đã hẹn hò với người ta nên đời này con phải trả, phải làm tròn lời hẹn ước.

Sư Pháp Không năn nỉ:
- Bạch sư phụ, tất cả không phải vì con. Xin sư phụ cho con được nương thân dưới bóng từ bi của sư phụ, của Phật pháp.
- Đừng, con đừng nói thêm nữa. Khi nào con dứt căn duyên, làm xong lời thề ước với người ta, con hãy trở về đây. Còn bây giờ... con về phòng thu xếp. Đừng lại từ giã thầy. Con đi đi. Đóng cửa phòng lại cho thầy.
Nói xong, Hòa thượng kiết già, mắt nhắm nghiền, người cứng như pho tượng. Biết không còn có thể thưa gửi được gì thêm, sư Pháp Không lạy thầy rồi bước ra ngoài, vừa đi vừa khóc.
   
**
Thấm thoát đã hai năm, thời gian đi nhanh quá. Đặng Tâm ở một mình trong một am nhỏ trên mảnh đất của tổ phụ. Chàng vẫn ăn chay, giữ giới, mặc dù giờ đây chàng đã mặc áo đời. Nhiều người trước đây quen biết với gia đình chàng, thấy Đặng Tâm hoàn tục, có ý muốn gả con gái cho chàng. Nhưng chàng đều từ chối. Những lúc ngồi một mình chàng buồn vời vợi. Bạn bè khuyên chàng nên lập gia đình, chàng cự tuyệt. Đặng Tâm muốn được tâm hồn thảnh thơi nhưng đã bị những cô gái quanh vùng đến quấy rầy. Có người đến nghe thầy giảng kinh. Có kẻ đến xin thầy học đàn Tây Ban Cầm. Lại có cô xin được đến nấu cơm, giặt giũ săn sóc...Đặng Tâm khổ sở lắm.

Vào một buổi sáng, Đặng Tâm thay xong y phục, định đến thăm một người bạn thì Bích Vân, cô gái “vấn đạo” cách đây hai năm đột ngột xuất hiện. Vừa nhìn thấy thầy, cô chợt òa lên khóc. 
Đặng Tâm lo lắng: cất tiếng hỏi:
- Cô có gì buồn lắm phải không?
Bích Vân càng khóc lớn hơn, Đặng Tâm nói tiếp:
- Ở đây cô không nên làm thế. Nếu người ta hiểu lầm thì thật là tai hại cho tôi.
Bích Vân nức nở:
- Em đã tìm thầy suốt mấy năm, hôm nay mới gặp. Bây giờ thầy đã hoàn tục, còn sợ gì người ta hiểu lầm nữa.
Đặng Tâm ngạc nhiên:
- Cô tìm tôi? Nhưng để làm gì? 
Bích Vân lau nước mắt. Đôi mắt đẹp và buồn ngước nhìn Đặng Tâm:
- Em...em...không thể sống xa thầy.
Đặng Tâm cố nén cơn giận dữ vừa òa đến:
- Cô có biết vì cô mà tôi phải xuất tự không?
Bích Vân thổn thức:
- Dạ em biết.
- Đã biết mà cô còn tới tìm tôi?
- Em tìm...anh để nói cho anh hay là...

Đặng Tâm xoa tay:
- Cô đừng nói gì cả. Điều mà cô sắp nói không ý nghĩa gì. Không ích lợi gì cho cô và cho tôi. Cũng vì điều cô sắp nói, cô đã làm mà thầy tôi bắt tôi phải hoàn tục. Hai mươi năm tu hành, phút chốc vì cô mà phải uổng phí.
- Giờ đây anh đã về nhà. Cuộc sống của anh đã khác, không lẽ cứ như thế này mãi. Gia đình em giàu có. Nếu chúng ta kết hôn, anh sẽ không còn vất vả nữa.
Đặng Tâm thở dài chán nản:
- Cô vẫn giữ mãi ý định kỳ lạ đó? Tôi chưa bao giờ nghĩ đến tình ái ở cuộc đời này. Tôi tha thiết xin cô hãy bình tâm trở lại, nếu có thể chúng ta sẽ làm bạn, chứ không thể là vợ chồng.
Bích Vân gắng gượng hỏi:
- Có ai cấm anh lập gia đình đâu.
- Tâm ý của tôi không cho phép.
Không lay chuyển được lòng dạ sắt đá của Đặng Tâm, Bích Vân vô cùng tuyệt vọng, nàng đứng lên quay gót, bước đi như một kẻ không hồn.

Biết không thể ở đây được, Đặng Tâm đóng cửa am, đi tìm một nơi nào đó để được an thân, bình tâm mà tu hành. Trên đường đi, một hôm chàng ghé vào chùa Bửu Tự vấn an sư thúc là Hòa thựơng Pháp Nhãn. Sau khi kể sự việc phải hoàn tục của mình, Đặng Tâm thỉnh cầu sư thúc xin với sư phụ của chàng để trở về chùa cũ. Hòa Thượng ngồi tịnh một giờ lâu rồi mở mắt nhìn Đặng Tâm:
- Oan nghiệt! Đó là oan nghiệt, là tiền căn.

Đặng Tâm xin sư thúc chỉ rõ. Hòa thượng Pháp Nhãn chậm rãi nói:
- Ngươi đã có ấn chứng, sao không dùng mà soi lại tiền kiếp của mình.
Đặng Tâm như sực tỉnh, nhưng chàng vẫn thưa:
- Nhưng còn cô gái Bích Vân, thưa sư thúc.
- Cứ ngồi định tâm, thầy sẽ giúp cho.

Chàng ngồi vào nệm cỏ, buông xả hết mọi ưu tư, tạp tưởng. Một lúc, Đặng Tâm thấy một luồng thanh điển đưa chàng đến một nơi xa lạ. Đăng Tâm thấy mình là một thầy tu, đem lòng yêu thương một thiếu nữ con nhà giàu có. Chàng trốn chùa về ở với người con gái đó. Được vài năm, hạnh phúc đang tràn đầy thì người con gái đó chết. Chàng quá thương tiếc, thề suốt đời ở vậy, không tục huyền. Người đó là Bích Vân kiếp này.

Khi biết rõ tiền căn duyên nợ, chảng thở dài, mở mắt. Vị sư thúc của chàng an ủi:
- Bây giờ, một là con lấy nàng, hai là con phải ở vậy cho tới suốt đời. Nếu lấy nàng, trả hết nợ tiền căn con mới được quy tự, tiếp tục tu hành. Nếu không, con phải sống một cuộc đời nửa tăng nửa tục. Kiếp sau nữa con vẫn phải tái sanh mà kết duyên tơ tóc với nàng. Sẽ cứ như vậy mãi. Con đường giải thoát của con còn bất tận.

Đặng Tâm phiền muộn vô cùng.
Từ đó thỉnh thoảng người ta thấy chàng thanh niên tuấn tú ấy xuất hiện, nay tới chùa này, mai tới chùa khác để “soi căn” cho những bá tánh thỉnh cầu. Trong lời “soi căn”, chàng dùng những ẩn ngữ sâu xa, diễn tả bằng thể văn vần song thất lục bát. Lời ngâm đều, chậm, mang những dư âm buồn man mác xa xôi. 

Cũng vì căn duyên tiền định, Bích Vân vẫn lâu lâu tìm gặp Đặng Tâm một lần, dù chỉ để nhìn nhau một thoáng, nói vài câu van xin và nghe mấy lời cự tuyệt. Nhưng hình ảnh cô gái diễm kiều này đã dần dần len vào tâm tưởng Đặng Tâm. Lần gặp lại Bích Vân mới đây chàng đã có những lời lẽ thân tình gần gũi hơn. Khỏang cách biệt đã dần dần được thu hẹp, để xích lại lằn ranh kết nối của cuộc hẹn hò duyên nợ tiền thân. 
song nhị

Thursday, September 15, 2011

Tiễn Người, Ta Khóc


                     HÀ THƯỢNG NHÂN
Họa bài Người Về của Song Nhị
           
Có bẽ bàng cho nguời ngã xuống
Tự do chẳng nói để mà chơi
                     HÀ THƯỢNG NHÂN
           

Người về. Ta bỗng nghe đau đớn
Xé nát từ đây một chữ tình
Xương máu chẳng hề vì lý tưởng
Mà là thiết thực chuyện mưu sinh

Người về để đổi thù ra bạn
Tiếng thét người dân có bão bùng
Người ngoảnh mặt đi không biết đến
Mặc cho sóng gió bốn bề rung

Người về! Nơi đó là quê mẹ
Ta nhớ như nhau suốt cuộc đời
Quê mẹ bây giờ là xứ lạ
Lưu đày trên đất lạ mà chơi!

Người về. Như thế mà về được
Nếm miếng canh thừa liệu có chua?
Người vẫn đô la còn nặng túi
Việc gì chúng nó nỡ lòng xua?

Người về. Ta thực tình thương hại
Tiếng tự do gào đã đứt hơi
Mảnh áo cà sa còn vấy máu
Làm sao có thể nói nên lời

Làm sao dám viết cho dân tộc?
Chén rượu bên hè dưới ánh trăng
Có thẹn lời thề năm tháng cũ?
Có nghe tiếng ngựa hý âm vang?

Người về. Ta nói gì thêm nữa
Có nói càng thêm thấy bẽ bàng
Đào ngũ chẳng trong thời loạn lạc
Bây giờ lại trở lối sang ngang!

Ta thương thơ cũ người từng viết
Mới biết không đâu cũng đoạn trường
Trước mặt kẻ thù kêu bạn thiết
Nỡ nào ta viết chữ bi thương.

HÀ THƯỢNG NHÂN

Người Về

Thơ Song Nhị

Người về. Ừ nhỉ về mà thấy
dấu vết tan hoang của cuộc tình
thuở ấy nguời trong vai vệ sĩ
đã thề quyết tử để tồn sinh

Người về mở hội vui bầu bạn
mặc gió mưa đang cứ bão bùng
dòng nước chảy đau bờ đất rạn
người về cao hứng tiếng thơ rung!

Người về. Ừ nhỉ về mà hưởng
phú quý vinh hoa hậu đổi đời
đã khuất nẻo rồi thời bão loạn
sá gì vàng đỏ một trò chơi!

Người về kẻ đợi người đưa đón
mừng rỡ thay vì tiếng mặn chua
rủng rỉnh đồng đô la nặng túi
dại gì ai kẻ đuổi người xua

Con chiến mã nằm trong ngõ tối
mang thân què cụt thở từng hơi
xác xơ nắm cỏ vàng cơm áo
mà vẫn còn nguyên vẹn ý lời

Vẫn uống nước bùn bên suối cạn
vẫn mơ thanh kiếm dưới vầng trăng
hai vai trĩu nặng thời vinh nhục
vẫn ngẩng cao đầu lộng hí vang

Còn ta đứng ngó đời. Hoài niệm
khóc gió than mây nỗi bẽ bàng
khóc mối tình xưa đành lỗi đạo
cúi đầu bỏ cuộc bước sang ngang

Người về nét chữ nhòe trang sách
gió bụi mù tung chốn hí trường
bút mực bỗng dưng buồn đọng lại
tình đời vân cẩu vẽ tang thương!!

***

Monday, September 5, 2011

Ngũ Ngôn 2


RỪNG VÀ TRĂNG

Đêm nay trăng một nửa *
Một nửa hồn chơi vơi
Lao xao từng nỗi nhớ
Bóng em cuối chân trời

Ta còn đây một nửa
Một nửa đời chia xa
Bóng em và bóng ảo
Che khuất phía quê nhà

Con ngựa hoang biên ải
Mỏi vó nơi xứ người
Trên yên cương chiến mã
Vệt máu còn đỏ tuơi

**
Ngưạ bây giờ gặm cỏ
Bên cánh rừng. già nua
Em bây giờ tiếc nuối
Mùa trăng thuở hẹn hò

Ta và con chiến mã
Mang thương tích. bỏ rừng
Em và vầng trăng lạc
Tìm nhau. hồn rưng rưng

Rừng và Trăng ở lại
Ta và Em rồi xa
Bâng khuâng chiều lữ thứ
Chia nhau bóng nguyệt tà.

songnhị
20 tháng 7/2008

-----------------------------
*thơ Thảo Chi

Ngũ Ngôn 1

MỘT NGÀY MÙA HẠ
Ở SAN FRANCISCO

Kính tặng thân phụ
nhân dip người du lịch
Hoa Kỳ thăm con cháu
=
Tôi đến “Xan-Phơ-Răng”
Giữa trưa trời sẫm tối
Sương phủ mờ . dốc cao
Người đông như trẩy hội

Mặt biển mờ mờ xa
đàn hải âu nghiêng cánh
từng cánh buồm lướt qua
gió hiu hiu thấm lạnh

Đứng bên này eo biển
nhìn sang bên kia bờ
từng nhịp cầu lơ lửng
còn đọng hồn người xưa

Người xưa ơi, Strauss (*)
mãi mãi dòng thời gian
tim óc người vô tận
trên đường nét kỳ quan

Tôi đến San Fran
con đường ngoằn dốc thoải
như bầy cua bò ngang
đoàn xe quành rỗi rãi

Xuống thấp rồi lên cao
bốn hướng vòng xuôi ngược
những con đường dọc ngang
dập dờn như sóng nước

Từng dãy phố chập chùng
xếp chồng bên vách núi
bàn tay nào vẽ nên
thiên nhiên nào diệu vợi?


Tôi đến San Fran
bỗng nhòe, đôi mắt ướt
trông qua Thái Bình Dương
tưởng chừng như đứt ruột ...

song nhị
14/7/2001

(*) Strauss, kỹ sư thiết kế và thực hiện cầu Golden Gate,
một trong bảy kỳ quan của nhân loại.

Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...