Thursday, February 28, 2013

Tổ Ấn Bay Về - Võ Ý













TỔ ẤM BAY VỀ
tạp văn
tác giả  : V Õ Ý
Cội Nguồn Xuất Bản 3-2013

SONG NHỊ giới Thiệu

***

TỔ ẤM BAY VỀ TIẾP NỐI ĐƯỜNG VĂN

Xưa nay những bậc văn võ song toàn không phải là nhiều. Võ Ý có thể có hoặc không ở trong đội ngũ đó, nhưng rõ ràng ông là người đã bước đi vững chãi trên hai con đường: Đường binh nghiệp và đường văn nghiệp. Trên bước đường binh nghiệp ông đi từ quân trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt đến Không Gian bao la của chàng phi công - Trung tá Phi Đoàn trưởng Phi Đoàn 118 Bắc Đẩu.

Thế rồi do sự “oái oăm lịch sử hay một sắp đặt ẩn mật trớ trêu của dòng Sử Mệnh Việt Nam”, cuộc nội chiến 20 năm kết thúc, quê hương hòa bình giữa làn sóng đỏ ngập tràn hung hãn, chàng phi công cùng chung số phận lưu đày trong đoàn quân thúc thủ. Mười ba năm trả nợ quỷ thần đày đọa trong chốn ngục tù, thoát khỏi cũi lồng, cánh chim tự do bỏ lại cánh rừng điêu linh vút bay đến vùng trời nắng mới.
Rời bỏ bầu trời quê hương một thời ngang dọc, chàng phi công đi vào con đường văn nghiệp. Con đường văn nghiệp của tác giả không lớn lao đồ sộ nhưng không thể nói con đường đó không phải là đường văn.

Trong “Lý Lịch Dọc Ngang Của Thảo” tác giả đã trải lòng mình, bộc bạch hết tâm tư để trình làng những vóc dáng Không Quân, những kỉ niệm trầm kha của con người, những chặng đường thăng trầm của đất nước. Từng sự kiện được diễn đạt bằng lối văn giản dị, chân thật mà hóm hỉnh khiến người đọc dễ đem lòng cảm mến.
Trong “Tổ Ấm Bay Về”, tác giả - cũng với con người ấy - một con người rất từ tâm và lý tưởng, Võ Ý viết bằng cái tâm dạt dào hiếu hạnh, nồng nàn lòng yêu nước và thiết tha với chiến hữu đồng đội, từ kẻ mất đến người còn.

- Ở chương Không Quân Ngoại Truyện, tác giả ghi lại những nhân sự điển hình, tiêu biểu ý chí dũng cảm của những cánh chim thời loạn, lòng trung trinh tiết liệt của những chinh phụ thời bình.
Một góa phụ chinh nhân Văn Ngọc Của đã mấy mươi năm ngồi đợi tin chồng từ cõi hư vô, “đá mòn nhưng dạ không mòn”, vẫn “lấy cây hương thật quý thắp lên thương tiếc chàng”. Một “hiệp sĩ không gian” Lê bá Định đã trở thành một trong những nhân vật của “Không Quân Ngoại Truyện” qua “Tin đồn chết người”. Và những KQ Nguyễn Quí Chấn, Bà Tường Mực, nữ Trung tá Hạnh Nhơn, Duy Năng, Trần Duy Đức, Cung Trầm Tưởng, Phạm Huấn… qua ngòi bút của tác giả đã trở nên nổi bật sống động tựa như các nhân vật trên khung màn bạc. Bằng lối văn không màu mè trau chuốt, như câu chuyện kể giữa hai người đối diện, tác giả đã thể hiện với tất cả tấm lòng thành.

- Ở chương Hai, tác giả đem suy nghĩ của mình viết về những sự kiện từ chuyện nội bộ giữa cựu SVSQ với nhau, nỗi ưu tư về thế hệ hậu duệ qua bài “nâng niu tuổi trẻ”… đến chuyện quốc gia đại sự trước hiện trạng “Biển Đông dậy sóng…”, tự vấn về trách nhiệm và lòng yêu nước của người Việt hải ngoại qua thánh thức này.

- Trong chương Ba - tác giả đã dành hai mươi bốn trang sách để dâng Mẹ đóa Hoa Hiếu Đạo của một người con đã gieo trồng, kết nụ và mãn khai trong “Kỳ Quan Mẹ”, “Trăm tuổi mẹ nguy nga”, “Cảnh giới nào mẹ vẫn vô cùng”, “Vãng sanh cực lạc”… 

Bên những bài viết về Mẹ về Cha, tác giả cũng “Gởi Ngọc Yêu dấu” bài thơ “Sáng tim ta Ngọc này”, cùng ôn lại quãng đời gian truân của nàng chinh phụ riêng ông trong số trăm nghìn nàng chinh phụ trước cảnh nước mất nhà tan: “Lặn lội thăm chồng” chốn lao tù nơi rừng xanh núi thẳm. Bài viết để tri ân người bạn đời yêu dấu của ông.

Hình như đã mang lấy nghiệp con tằm thì không thể không nhả hết đường tơ. Đọc những bài “Đi tìm nàng thơ”, “Lý Xuân Trinh”, người ta vỡ lẽ ra cái phong cách hào hoa bay bướm của những chàng phi công, dù xuân xanh đã ngả màu muối bạc, nhưng vẫn bay bướm hào hoa như thuở còn lên trời xuống đất.

Ngoài phần văn còn có những bài thơ rải rác xen kẽ trong sách. Bạn đọc yêu thơ không thể không tâm đắc với Thơ Võ Ý. Đọc những bài “Xuống núi mà lo chuyện bao đồng, Lên núi tỏ tình cho chắc ăn, Có cái gì khác lạ, Xanh đêm diệu kỳ” v.v.. Lời thơ như gần như xa, ý thơ nhuốm màu triết lý nội tâm; như để thổ lộ, để phân trần bày tỏ.
Về hình thức, thơ Võ Ý bố cục chặt chẽ, kỹ thuật và thi ngữ vững vàng, phối hợp hài hòa điêu luyện.
Chắc hẳn trong “Cõi Thơ Tìm Gặp”, quyển II của nhà văn Diên Nghị rồi đây những bài thơ này sẽ được… tìm thấy.

Và tôi tin “Tổ Ấm Bay Về” cũng sẽ được bạn đọc đón nhận bằng tất cả nhiệt tình, cảm mến như đứa con tinh thần - Lý Lịch Dọc Ngang Của Thảo mười năm về trước.

SONG NHỊ
San Jose, 2/2013

Saturday, February 16, 2013

Lê Đình Cai - HUẾ: Trong Ký Ức Của Một Thời Trai Trẻ

















LÊ ĐÌNH CAI

Sinh ngày 3/8/1942 tại Bo Ban, Triệu Phong, Quảng Trị (trong thế vì khai sinh ghi ngày 01/01/1941).
 Tốt nghiệp cử nhân năm 1966 Cao học (1968), Tiến sĩ (1996)
 Trước 1975: Làm việc tại Văn phòng Thượng Nghị Viện VNCH (1968) Dạy ngành Sử học tại Viện Đại Học Đà Lạt, trường Võ Bị QGVN và trường Đại Học Văn Khoa Huế (1968-1975)
 Cộng tác với các báo: Tự Do (của GS Phạm Việt Tuyền), Chính Luận (của BS Đặng Văn Sung), Da Vàng (của GS Nguyễn Lý Tưởng) Biên tập viên thường trực nhật báo SỐNG (của nhà văn Chu Tử) Phụ trách mục “Diễn Đàn Thanh NIên” cùng với nhà báo Trần Tu
 Sau 1975:  Bị bắt giam dưới chế độ cộng sản (từ ngày 9-6-1975 đến năm 1982)   Qua Mỹ theo diện H.O (1994)   Dạy học tại các trường  Southern California University for Professional Studies   National University of America   New Bridge College   Berlitz Int’l Language Center (1996-2011)
 Hiện đã nghỉ hưu từ ngày 1 tháng 7 năm 2011

 Cộng tác với các báo tại Hoa Kỳ, Pháp, Úc, Gia Nã Đại… Tại Bắc California thường viết bài cho các báo Việt Nam, Cali Today, Thời Báo, Ý Dân, Đời Mới

 Là thành viên Ban Điều Hành CSTV Cội Nguồn và Tạp chí NGUỒN từ 1996 đến nay.


HUẾ: Trong Ký Ức
Của Một Thời Trai Trẻ

Những ngày tháng theo học ở Saigon, tôi rất thích những cơn mưa rào dữ dội của miền Nam. Mưa đổ xuống như thác, tạo thành những dòng sông trên mọi ngã đường. Rồi cơn nóng hừng hực của thành đô bỗng chốc tan biến. Mưa dứt hạt rất nhanh. Mọi sinh hoạt thường ngày lại tái tục trong bầu không khí mát mẻ và cảnh vật như đang bừng sống lại sau những ngày hè oi bức. Cơn mưa miền Nam chợt đến, chợt đi trong thoáng chốc, khác với cơn mưa dầm ở xứ Huế miền Trung, kéo dài từ ngày này qua ngày khác, trong nỗi buồn dai dẳng khôn nguôi.

Tôi đã sống ở Huế trong suốt quãng đời thanh xuân với rất nhiều kỷ niệm. Đẹp nhất là tuổi học trò khi đang ngồi trong lớp học, nhìn mưa giăng mắc qua khung cửa sổ. Bên kia đường là trường Đồng Khánh với lá phượng tả tơi trong gió. Cơn mưa lất phất se lạnh của mùa đông khiến những thiên thần áo trắng phải thu mình, co ro trong bước chân của nàng tôn nữ.

Mùa đông xứ Huế buồn da diết, nhất là những sinh viên trọ học như chúng tôi. Có nhiều đêm cảm thấy trống vắng, chúng tôi dăm ba cậu sinh viên trong cư xá Hoàng Trọng Bá (đối diện với trường Thiên Hữu Huế trên đường Lý Thường Kiệt) rủ nhau xuống phố mua bắp nướng sẵn ở bên vệ đường Trần Hưng Đạo, rồi cùng bá vai nhau cùng hát vang trên hè phố vắng mặc cho những giọt nước mưa xát vào mặt lạnh buốt. Tuổi trẻ có những giây phút ngông cuồng đáng yêu mà ngày nay khi đã xế bóng, nhìn lại đoạn đời đi qua với ít nhiều nuối tiếc.

Tôi bỏ Huế ra đi vào mùa thu 1966, rồi lại trở về Huế cũng vào mùa thu thu năm 1971 để tiếp nối con đường của các bậc đàn anh, đứng trên bục giảng của đại học đường Văn Khoa để truyền thụ kiến thức cho các thế hệ tương lai của đất nước cố đô mà mình đã học hỏi được từ các bậc thầy đáng kính. Tuy rằng giờ đây không còn là chàng sinh viên với lứa tuổi mộng mơ của một thời cắp sách, không còn những chiều lang thang dươí cơn mưa dầm, cùng nhai bắp nướng và đếm bước chân đi trên hè phố vắng. Không còn cái thú nhìn mưa bay giăng giăng khi cùng bách bộ ngang qua cầu Tràng Tiền mầu trắng tinh nguyên. Phía dưới kia là thôn Vỹ dạ với hàng cau mờ ảo trong làn mưa bụi. Nhìn xa hơn tháp chùa Linh Mụ lung linh huyền ảo trong cơn buốt của chiều đông. Xa rồi tuổi thanh xuân với ước vọng tràn đầy!
Tôi trở lại Huế trong lứa tuổi “tam thập nhi lập” với trách nhiệm nặng nề trên đôi vai của kẻ mới bước vào đời. Tôi tự thấy mình nghiêm trang hơn, đứng đắn hơn, tuy chưa già dặn đủ để cáng đáng trọng trách trên bục giảng đại học.

Tôi đã sống với Huế hết mình, yêu thương Huế như người tình muôn thuở, cũng buồn với Huế về những cơn mưa dầm bất tận và những đêm đông lạnh buốt thấu xương. Nhưng tôi vẫn thương Huế  qua từng con đường rợp đỏ mùa hoa phượng. Tôi thương Huế với những cơn lũ cuồng nộ đầu nguồn. Tôi thương Huế với những thành quách lâu đài cổ kính của kinh đô một thời vang bóng và thương Huế qua tiếng mưa rơi tí tách ở hàng hiên khi ngồi bên cốc cà phê với điếu thuốc lá trong quán Lạc Sơn, bên bờ sông Hương dạo đó.

Biết bao mùa mưa ở Huế đi qua trong đời tôi, với biết bao kỷ niệm của một thời dĩ vãng….
Tôi lại rời Huế một lần nữa vào tháng tư đen 1975, để vào trại cải tạo. Tôi chỉ trở lại với Huế vào đầu năm 1982, khi được phóng thích từ trại tù ở vùng núi Trường Sơn Đông. Tôi được thả cùng với một số bạn tù vào một buổi sáng mưa rơi lất phất trong giá buốt của mùa đông. Xe đò chở những người tù đỗ lại ở bến xe An Cựu, tôi lang thang khoác ba lô trên vai đi bộ qua cầu Tràng Tiền trong làn mưa bay nhè nhẹ. Cầu Tràng Tiền còn đó, nhưng đâu rồi những dáng nét kiêu sa của thuở nào! Dòng sông Hương vẫn phẳng lặng chỉ điểm vài đợt sóng lăn tăn. Thỉnh thoảng, dăm ba đám lục bình trôi dật dờ về phía biển. Huế của tôi mới gần bảy năm xa cách sao mà tang thương quá vậy!

Tôi không tìm lại được một dấu nét thân quen nào của bảy năm về trước. Ngôi trường Đại Học Văn Khoa nằm cạnh cầu Tràng Tiền mà tôi đã có một thời là sinh viên nay bỗng nhiên xa lạ qúa chừng! Dưới làn mưa bay dăng dăng, tôi nhìn lại ngôi trường cũ mà thấy như có cái gì cay cay trong lòng mắt. Quả thật “tôi đã bước đi không thấy phố, thấy nhà. Chỉ thấy mưa sa trên mầu cờ đỏ”. Tâm sự của nhà thơ Trần Dần trong nhóm “Nhân Văn Giai Phẩm” thời đó sao giống nỗi lòng tôi trong giờ khắc này quá thế. Tôi cảm thấy hụt hẫng như đã đánh mất quê hương yêu dấu trong sự vong thân của chính mình. Huế của tôi ngày đó bây giờ loang lỗ rách nát, đau thương, câm nín và chịu đựng!

Tôi lại một lần nữa phải bỏ Huế ra đi vì bị chỉ định cư trú tại một vùng kinh tế mới xa xôi ở trong Nam: Vùng kinh tế mới Phú Cường gần Dầu Giây, Long Khánh. Từ ngày ra khỏi trại tù, tôi chỉ có vỏn vẹn bảy ngày ngắn ngủi để sống lại với biết bao kỷ niệm của một thời ở Huế rồi chia xa mãi mãi cho đến tận bậy giờ. Dễ chừng ba mươi năm tôi đã lìa xa thành phố với quá nhiều thương nhớ này!

Huế với những cơn mưa dầm thường khi kéo dài từ ngày này qua ngày khác, nhưng Huế vẫn tràn đầy nắng ấm vào mùa Xuân và bầu trời Huế vẫn xanh trong vào mùa thu. Huế đẹp rực rỡ trong nắng chiều nhàn nhạt và Huế kiêu sa trong dáng nét của đế đô nhà Nguyễn đã một thời vang bóng….

Nào ai biết được rồi có ngày mình sẽ trở về cố hương để thấy lại núi Ngự Bình (trước tròn sau méo), sông An Cựu (nắng đục mưa trong) và để nghe lại tiếng chuông Thiên Mụ ngân dài trầm lắng trong bóng chiều tĩnh lặng của quê nhà…….

Lê Đình Cai
(Kỷ Yếu 20 Năm VH Coi Nguon)                                                                                                                                                           






















Đao phủ thủ, ngươi giờ nơi đâu?
Bạc tiền của cải đã sang giàu?
Đầu voi mấy cái? Ngà mấy cặp?
Nghiện báo Oan hồn trả tới đâu??

Hỡi ôi, nhân thế tham sân ấy!
Thập Loại Chúng Sinh kiếp nạn này!!

Friday, February 15, 2013

Kỷ Yếu 20 Năm VH Cội Nguồn



CUNG THỊ LAN
 
Sinh quán tại Nha Trang, Việt Nam
Cựu học sinh trường Nữ Trung Học Huyền Trân Nha Trang (1968- 1975)
Cựu Sinh Viên trường Cao đẳng Sư Phạm Nha Trang (1975-1976)
Cựu giáo viên, trưởng Hướng đạo, và cán sự Xã hội
Tốt nghiệp Cử nhân Giáo dục Trẻ Em (B.A. Early Childhood Education) năm 2004 tại University of the District of Columbia (UDC)
Tốt nghiệp Thạc sĩ Giáo dục Trẻ Em Khuyết Tật (Master in Special Education) năm 2010 tại George Mason University (GMU)
Hiện làm việc cho Ban Phục Vụ Giáo Dưỡng Trẻ Em thuộc Bộ Xã Hội tại Hoa Thịnh Đốn.
Cư ngụ tại Maryland, USA

Tác phẩm đã xuất bản:

 Nha Trang Dấu Chân Kỷ Niệm (2004)
 Hai Chị Em (2005)
 Tình Trên Đỉnh Sầu (2006)
 Khoảng Cách của Biệt Ly (2009)
  Unforgettable Kindness (2011)

***
Tâm Sự Của Một Người Viết
                                                                                                                                                                                              
Một người đàn ông đứng tuổi tâm sự với tôi rằng người vợ đầu của ông và ông ly dị vì sự phá rối của người chị ruột của ông. Cũng bởi người chị ruột của ông nói xấu vợ ông với ba mẹ ông mà tình cảm của vợ ông với gia đình ông và tình cảm của riêng họ sứt mẻ dần. Họ đã bất hòa, cãi vả với nhau rất nhiều lần cho đến khi quyết định chia tay. Ông nói rằng sau khi ly dị, ông nhận rõ sự mâu thuẫn giữa chị dâu em chồng là nguyên nhân của sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình ông, nhưng ông không hề thố lộ chuyện này với ai. Ông còn nói rằng ông không hề trách móc chị ruột của ông bởi vì ông quan niệm vợ thì ông có thể kiếm được người khác nhưng chị em ruột hay cha mẹ ruột thì ông chỉ có một. Ông chứng minh rằng ông đang có đời sống êm đềm, hạnh phúc với người vợ thứ hai của ông trong lúc vẫn còn mối quan hệ bạn bè thường tình với người vợ đầu tiên, người đàn bà sau khi ly dị cho đến nay vẫn còn độc thân.

***

Tôi bàng hoàng khi nghe câu chuyện kể vì điều ông thố lộ hoàn toàn trái ngược với điều ông nói với tôi sau khi coi cuốn sách Hai Chị Em của tôi. Lúc đó, ông nói với tôi rằng ông chưa bao giờ thấy một người em chồng nào đối với chị dâu như tôi tả. Chau mày nghĩ ngợi nhưng tôi đã điềm tĩnh nói với ông rằng: “Cháu hiểu bác tiết lộ chuyện như thế này với cháu hôm nay do một sự tình cờ chớ không ai muốn kể chuyện như vậy với người không phải trong gia đình. Nếu bác ghi lại những điều bác vừa kể với cháu với những chi tiết rõ ràng để chia xẻ những kinh nghiệm mà bác trải qua với người khác thì người đọc truyện của bác sẽ gọi bác là nhà văn. Khi bác dùng bút pháp đặc biệt làm rõ mục đích câu chuyện và người đọc học hỏi được những điều bác nhắn gởi trong truyện thì người ta sẽ gọi bác là nhà văn có tài... nhưng cháu biết bác sẽ không viết ra những điều bác vừa mới tâm sự với cháu bởi vì bác muốn bảo vệ danh dự gia đình của bác. Giống như bao người khác, họ có biết bao chuyện éo le, ngang trái và bi thảm nhưng họ không bao giờ chia xẻ cùng ai cũng chỉ vì muốn bảo vệ danh dự của chính họ hay những người thân của họ.”
Ông cười và nói rằng tôi thông minh, lý luận rất đúng. Còn tôi, tôi đã kết thúc cuộc đối thoại bằng đề tài khác vì tôi không muốn nói thêm những gì mình đang nghĩ quanh chuyện viết của tôi và những vấn đề liên quan. Đó là chuyện bất ngờ ngoài dự định, sở thích không mục đích, và những vui buồn khi tôi trở thành một người viết thực thụ. Những điều mà tôi tâm sự trong những giòng chữ sau đây.
Tôi đã không hề thích làm văn sĩ ngay từ khi tôi bắt đầu viết những bài tập làm văn trong thời tiểu học. Từ những bài tập làm văn trong năm học lớp Ba như  tả cái cặp, con chó, cây chuối, cây dừa, và “mẹ của em”, tôi cảm thấy viết là một sự gò bò, khuôn khổ và mẫu mực. Bài nào cũng loanh quanh trong phạm vi mở bài, thân bài và kết luận. Bài nào cũng tả từ xa đến gần, từ ngoài vào trong, từ ngoại diện đến phẩm chất, từ các xấu đến cái tốt, cái tiêu cực đến tích cực và bài học lợi ích.Vượt qua sự nhàm chán, tôi đã thử phóng viết tự do theo ý mình trong thời gian học trung học. Kết quả là mỗi khi nhận bài trả từ các giáo sư Việt Văn, tôi luôn có một câu phê giống y nhau rằng: “Câu văn dài dòng, luộm thuộm!”
 Biết làm sao hơn khi tôi không hề thích lối viết ngắn ngủn. Tôi thường có cảm tưởng những dấu phẩy và những dấu chấm là sự nhát gừng của người ngần ngừ không muốn trả lời hay không muốn nói một cách suôn sẻ và mạch lạc. Lúc đó, tôi đã tự bảo vệ mình bằng cách không viết ra giấy mà chỉ viết trong đầu. Nếu viết ra giấy thì chỉ là những tờ giấy trong nhật ký chứ tôi không bao giờ nghĩ mình gửi bài cho bất kỳ Bích Báo hay Đặc San nào. Tôi sợ rằng sau khi đọc thơ văn của tôi, độc giả trở thành nhiều giáo sư Việt Văn với nhiều câu phê bình mà tôi từng có: “Văn dài dòng và luộm thuộm.”
Tôi không muốn trở thành văn sĩ/nhà văn còn bởi vì tôi thấy đời sống của nhà văn/văn sĩ thường bị tò mò và xoi mói bởi những người xung quanh. Đời sống họ không còn được tự nhiên nếu không nói là tội nghiệp. Nhất cử nhất động của họ đều bị theo dõi và phê bình. Tôi tự nghĩ tại sao phải đem cái khổ vào thân như vậy? Làm người bình thường, không viết văn, không làm thơ, không gửi bài, không ai biết đến tên tuổi thì đâu phải bị dòm ngó? Đâu phải giữ kẽ, e dè? Hơn nữa làm văn sĩ hay thi sĩ thì có được lợi lộc gì mà cứ phải viết cặm cụi như làm các bài luận văn rồi chờ các giáo sư Việt Văn “không lương”phê bình? Những người bạn trong lớp C (Ban Văn Chương thời trước năm 1975) chê tôi khùng điên khi nghe những câu hỏi ngớ ngẩn này của tôi. Họ nói thơ văn tô điểm thêm cuộc đời thơ mộng, ghi dấu những kỷ niệm đẹp thời học sinh và làm tươi mát cuộc đời của con người. Hơn thế nữa, khi văn chương lên đến tuyệt đỉnh, văn sĩ, thi sĩ nổi tiếng sẽ được trọng vọng, và tên tuổi của những người này sẽ được lưu danh đến ngàn đời, sao lại nói không thích?
Nghe lời bạn bè, mặc dù chưa thực sự viết thơ văn chuẩn mực, chưa có thơ văn để gửi cho tòa soạn nào và cũng chưa được nhà xuất bản nào phát hành sách, tôi đã tưởng tượng mình là nhà văn nổi tiếng, và mơ mộng về những thành công của nhà văn nổi tiếng. Thế nhưng, sau một hồi tưởng tượng và mơ mộng, tôi đã khư khư với ý nghĩ ban đầu là không bao giờ thích làm văn sĩ hay thi sĩ.
Nguyên do từ những câu trả lời cho những câu hỏi mà tôi tự đặt cho tôi. Nếu khi còn nhỏ tí teo, tôi hỏi mẹ  tôi  rằng “Má ơi, ai sinh ra má vậy?” ,“Là bà ngoại con chớ ai!” ,“ Ai sinh bà ngoại vậy  má?”, “Là bà cố!”, “ Ai sinh bà cố vậy má?”, “Là bà sơ!”, “Ai sinh bà sơ vậy má?”, “Là bà sít!”, “Ai sinh bà sít vậy  má?” “ Là bà... mà mày hỏi làm gì hỏi hoài vậy?”, “Dạ con muốn biết ai là người đầu tiên trên trái đất này sinh ra má con mình thôi đó mà!” ....thì lúc bấy giờ, tôi tự hỏi rằng “Nếu mình là nhà văn và được nổi tiếng thì sao?”, “Thì mọi người sẽ đọc hết tất cả sách của mình và biết tên mình chớ sao!”, “Nhiều người biết tên mình, thì sao?”, “Thì khi mình chết, tên mình vẫn còn sống bởi những người còn sống đang đọc sách mình chớ sao!”, “Những người còn sống đọc sách mình, nhắc nhở tên mình rồi sao nữa?”, “Rồi những người đọc sách mình hết còn nhắc nhở tên mình vì  họ sẽ chết nhưng họ sẽ lưu sách của mình lại cho con họ đọc!”, “Rồi con của những người đọc sách mình chết nữa thì sao?”, “Thì con của con của những người đọc sách mình chết đó đọc!”, “Rồi con của con của những người đọc sách mình chết, nghĩa là cháu của những người đọc sách mình chết, chết nữa thì sao ?”, “Thì chắt của những người đọc sách mình chết đọc!”, “Rồi chắt của những người đọc sách mình chết, chết nữa thì sao?”, “Thì chít của những người đọc sách mình chết đọc!”, “Rồi chít của những người đọc sách mình chết, chết nữa thì sao?”, “Thì chút của những người đọc sách mình chết đó đọc!”, “Rồi hết thảy con, cháu, chắt, chít, chút của những người đọc sách của mình chết, chết hết thì sao?”, “Thì không ai biết tên mình cả!”, “ Như vậy có nghĩa là làm nhà văn hay nhà văn nổi tiếng hay không nổi tiếng cũng chỉ là hư danh mà thôi! Có khi đến đời con của người mê đọc sách của nhà văn nổi tiếng không muốn đọc sách của nhà văn nổi tiếng cùng thời với cha mẹ họ, thì sự lưu danh sẽ bị cắt đứt một cách ngọt xớt.... thế thì tại sao mình phải khổ cực viết sách để làm nhà văn làm gì?” Với lý luận như vậy mà tôi không hề viết bài, và gửi bài cho các bích báo của lớp của trường chớ đừng nói chi đến việc tơ tưởng đến các danh xưng văn sĩ hay nhà văn.
Mặc dù tôi chưa bao giờ nghĩ, chưa bao giờ mơ mình sẽ trở thành nhà văn, văn sĩ hay thi sĩ nhưng tôi thích viết. Tôi đã viết hàng ngày trong đầu mình và ghi lại những gì xảy ra trong trí mình những sự việc đáng nhớ và cảm nghĩ của mình trước những sự việc xảy ra quanh tôi. Tôi thường xuyên tâm tình với ý nghĩ của mình và ghi lại những gì xảy ra trong nhật ký của tôi. Tôi đã giấu kỹ những cuốn nhật ký ấy, nhưng có lúc lại muốn chia xẻ ý nghĩ của mình với những người quanh tôi. Tôi nghĩ giá như tôi mạnh dạn cho mọi người biết những ý nghĩ thật của mình, biết những gì mình đã trải qua, biết đâu tôi chia xẻ kinh nghiệm của mình cho người có cùng tình trạng để họ phản ứng hay hơn tôi, hạn chế những thiệt thòi mà tôi mắc phải đồng thời có được đời sống tốt đẹp hơn đời sống của tôi.
Bản thân tôi cũng đã học nhiều kinh nghiệm từ những gì ghi trong sách vở. Đó là những người bạn tốt giúp tôi mở mang kiến thức và cho tôi nhiều bài học bổ ích trong việc hiểu biết hoàn cảnh khác biệt của mọi người, thông cảm và tôn trọng sự khác biệt ấy. Tôi đã ứng dụng những kiến thức trong sách vở vào đời sống hàng ngày của mình và nghiệm ra rằng cuộc sống của mình thành công là do ứng phó với những nghịch cảnh xung quanh mình. Từ kinh nghiệm này, tôi muốn lưu lại những gì tôi đã trải qua cho người đọc, mà người gần nhất là các em Hướng Đạo. Tôi đã thực hiện dự định của mình bằng lối viết đơn giản, dễ hiểu và đúng với trình độ đọc tiếng Việt của các em. Tôi muốn biến những cuốn sách của mình là hành trang trong cuộc sống của các em nhưng tôi đã ngần ngừ chuyện phát hành bởi vì tôi hình dung được cảm giác mất mát của mình khi phải tung ra những chuyện tôi giấu kín hàng bao năm trời.
Là người yêu bí mật, tôi không muốn ai biết những gì mình đang giấu kín. Viết về một mối tình câm, về một cuộc tình đuổi bắt, một sự hoang tàn, một sự tuyệt vọng, một cuộc sống nghèo hèn, sự đối xử không công bằng trong gia đình là niềm đau xót khôn nguôi. Làm sao có thể giải thích cho những người đọc hiểu được tâm trạng của người viết đang trang trải những niềm đau xót trên những trang giấy bằng những giọt nước mắt hơn là mực viết. Làm sao có thể cho mọi người hiểu được sự thố lộ những gì có tính cách riêng tư là sự bày tỏ chứ không phải là sự đánh đổi hai chữ nhà văn.
Tuy nhiên, sự ra đời nào cũng do số phận và sự an bài của thượng đế. Những bản thảo như những cuốn nhật ký nằm im trong tủ ngỡ sẽ ra đời bất ngờ khi chủ nhân của chúng đi vào chốn vĩnh hằng. Ngờ đâu, chúng đã xuất hiện một cách vội vã. Nguyên nhân vì em gái ruột của tôi, người mà tôi nghĩ sẽ là người đầu tiên bất ngờ đọc những điều bí mật sau khi tôi không còn trên cõi đời, bị chứng bệnh hẹp cơ tủy xương cổ. Tình trạng sức khỏe nguy kịch của em gái tôi khiến tôi quyết định phát hành cuốn sách đầu tiên của mình. Việc phát hành không có một sự thuận lợi nào khi tôi đang ở trong tình trạng thất nghiệp và không hề quen biết một nhà văn, nhà thơ hay một nhà xuất bản nào ở Hải Ngoại. Có lẽ kỳ vọng và tin tưởng khả năng của tôi, một họa sĩ trong nước - tại Việt Nam, đề nghị sẽ giúp đỡ tôi trong việc phát hành sách. Ngoài chuyện vẽ hình bìa ông còn hết lòng giúp tôi làm người đại diện ký giao kèo với một nhà xuất bản có uy tín trong nước. Ông nói rằng nhà xuất bản này đã xuất bản rất nhiều sách của miền Nam Việt Nam trước năm 1975 ngay cả những chuyện kiếm hiệp của Kim Dung. Tôi vui vẻ ưng thuận với tâm trạng tin tưởng tuyệt đối vào sự cởi mở và đổi mới trong nước.
Việc xuất bản cuốn sách đầu tiên tưởng sẽ được tiến hành thuận lợi, người đại diện ký giao kèo cho tôi biết là nhà Thông Tin Văn Hóa, nơi kiểm duyệt các tác phẩm văn chương trong nước, yêu cầu tôi đổi hai chữ Việt Cộng bằng ba chữ Giải Phóng Quân thì cuốn sách “Nha Trang Dấu Chân Kỷ Niệm” của tôi mới có thể được ấn hành trong nước. Nghe xong những lời này, tôi đã tức tốc yêu cầu người đại diện xóa bỏ hợp đồng với nhà xuất bản mà ông ta đã ký. Tôi nói rằng những gì tôi ghi lại là những gì tôi chứng kiến khi Việt Cộng tấn công Nha Trang vào năm 1975 chớ tôi không hề biết chữ giải phóng quân là gì. Trong tâm trạng bàng hoàng, tôi cho ông biết rằng tôi không ngờ có sự thỏa hiệp kỳ lạ giữa nhà xuất bản và bộ phận kiểm duyệt văn hóa thông tin như thế, rồi tôi khẳng định rằng tôi sẽ không bao giờ đổi trắng thành đen. Đến lúc đó, tôi nhận rõ vai trò quan trọng của người viết trong sự bảo vệ tính trung thực và cũng từ lúc đó tôi không còn có ý nghĩ sẽ giao kèo với bất cứ nhà xuất bản nào trong nước. Để bảo vệ tính trung thực tác phẩm của mình, tôi đã tự phát hành, và phát hành vội vã đến độ không kịp biên tập.

Những quyển sách của tôi ra đời một cách rất đột ngột nhưng tôi đã cố gắng hết mức trong vai trò của người tự xuất bản. Tôi đã cố gắng chuyển đến tay người đọc sớm chừng nào hay chừng nấy vì ngại rằng sẽ có những cuốn sách với tên mình, với những sự việc xảy ra cho mình bằng những tên gọi bịa đặt. Sự cố gắng của tôi nhằm để bảo vệ sự thật nhưng vì gấp rút, cuốn sách đầu tay của tôi đã có khá nhiều lỗi chính tả. Bất kể nội dung cuốn sách trung thực thể nào, khuyết điểm của phần hình thức khiến tôi không hề nghĩ cuốn sách mình được độc giả chấp nhận là một tác phẩm chuẩn mực. Ngạc nhiên thay, tôi đã được sự ủng hộ của rất nhiều độc giả; không những các em Hướng Đạo, mà còn là những người có học vị khá cao, các phụ huynh, các trưởng Hướng Đạo, bạn bè và người quen. Họ cho rằng “Nha Trang Dấu Chân Kỷ Niệm” có giá trị như một tác phẩm lịch sử bởi vì nó đã trung thực ghi lại những gì xảy ra trong những thời gian trước và sau năm 1975.
Dù là người mới tập tễnh bước vào khu vườn văn chương, tôi hình dung được những phản ứng khác nhau của người đọc đối với các tác phẩm của mình. Tôi đón nhận những ý kiến khác nhau cho kinh nghiệm của mình, nhưng tôi đã chán nản khi tôi thấy thái độ của những người nhạy cảm quá khích; hay những lời phán đoán không chính xác về nội dung. Đó là những người chỉ đọc lướt qua vài trang đầu, đọc sơ sài vài trang sách hay không hề đọc chữ nào trong những cuốn sách của tôi. Trong khi tôi đang bỡ ngỡ trước những lời khen về trí nhớ siêu việt, tính trung thực của ngòi viết của mình thì tôi thấm thía những phản ứng của vài người bà con cho rằng tôi mạ lỵ danh giá của đại gia đình. Điều này làm tôi cảm thấy nỗi đau của mình to lớn hơn khi thấy rõ tâm ý của một số người.
Vì danh giá và danh dự, con người chỉ muốn che đậy những điều tiêu cực, phủ nhận công lý để nuôi dưỡng những bất công tiếp tục diễn biến từ đời này đến đời khác. Sự dửng dưng, lạnh lùng và giận hờn của một số người làm tôi cảm thấy đau xót. Tôi làm sao có thể giải thích cho họ hiểu những nghịch cảnh ghi ra trên giấy là niềm đau khôn nguôi của tôi. Những giòng chữ trên những trang sách của tôi không phải chỉ bằng mực mà với rất nhiều nước mắt. Tôi làm sao nói cho họ hiểu rằng những đứa bạn gần gũi với tôi vào thời niên thiếu đã phán với tôi rằng: “Mày là con nhà văn nương tay!” Như vậy, phải chăng viết sách đối với tôi không phải là phương sách chờ đợi một danh xưng, sự giải tỏa hay xoa dịu. Viết sách đối với tôi cũng không phải là hình thức nhằm phỉ báng, mạ lý hay bêu xấu cá nhân nào. Thời gian sẽ làm sáng tỏ rằng: Viết sách đối với tôi là một hình thức nghệ thuật chuyển tải ý tưởng đến người đọc trong tinh thần khách quan.
Có lúc, tôi nghĩ rằng người đàn ông có kinh nghiệm bản thân về hậu quả của sự xích mích giữa chị em dâu với chị em chồng nhưng không ghi lại những điều ông trải qua trong sách là người may mắn. Chữ may mắn có vẻ dị hợm khi ông đã mất hạnh phúc gia đình, và con cái của ông đã phải sống trong cảnh xa cha gần mẹ hay gần cha xa mẹ nhưng dù sao ông đã không bị mất tình cảm của ba mẹ và các chị em gái của ông. Nhờ tâm huyết bảo vệ danh dự của gia đình, mà ông không bị tẩy chay, biệt lập hay ruồng bỏ bởi những người thân trong đại gia đình của ông. Tuy nhiên, nếu tất cả mọi người trên đời không hề đề cập đến những tiêu cực của những sự việc quanh mình thì e rằng chúng ta khó lòng thấu hiểu, thông cảm hay học tập kinh nghiệm trong thế giới không hoàn hảo của loài người.
Với duyên nghiệp và sở thích, tôi đã tiếp tục viết cho dù những tác phẩm của tôi đem đến cho tôi nhiều lời khen tiếng chê của độc giả. Qua bình luận của nhiều người, tôi nhận thấy rằng hiếm có người đọc kỹ sách của tôi. Có lẽ do thời gian hạn chế nơi xứ người, hiếm có người đọc sách kỹ như đã từng. Ngoài ra, qua những lăng kính màu khác nhau, những lời khen ngợi hay phê bình thường là kết quả từ các kinh nghiệm cá nhân hay môi trường cuộc sống mà người đọc trải qua. Hiểu được điều đó, tôi đã không từ nan việc chờ đợi người hiểu rõ điều tôi muốn nhắn nhủ trong những đứa con tinh thần của tôi.
Để tạo điều kiện cho độc giả trong nước đọc các tác phẩm của mình, tôi đã gửi chúng vào trang Việt Nam Thư Quán. Dù không được hoa lợi trong việc viết lách nhưng tôi đã được những lời góp ý và bàn luận chân thật của những độc giả sau khi đọc các tác phẩm của tôi. Đã có nhiều lời góp ý của độc giả trong nước làm tôi rất cảm động. Thương cảm nhất là khi tôi đọc lời bàn bạc trong phần góp ý của độc giả, rằng “Dù được các tác giả ở Hải Ngoại cho coi sách miễn phí trên mạng nhưng em cũng phải trả tiền giờ cho các dịch vụ vi tính.” Với câu nói này thì lợi nhuận có đáng là bao?
Các tác phẩm của tôi đã giúp tôi ngày càng gặp lại nhiều người thân quen. Sự quảng bá những tác phẩm viết trên hệ thống toàn cầu đã giúp tôi tìm lại nhiều người thân mất liên lạc hàng chục năm. Qua họ, tôi biết được nhiều tờ báo đã lấy và trích đoạn một số bài viết của tôi đăng trên mạng. Điều đó không hề hấn gì bởi vì có nhiều người đọc hết sách tôi trên các trang mạng vẫn ưu ái mua sách ủng hộ tôi. Điều quan trọng là những người thân quen của tôi đều nói rằng họ đã xúc động khi đọc các bài viết của tôi vì  họ tìm thấy sự hiện diện của họ trong đó. Quan trọng hơn nữa là có lần một độc giả ở California gọi điện cho tôi và thố lộ rằng: “Chị ơi, em cảm ơn cuốn “Hai Chị Em” của chị. Nhờ cuốn sách này mà đứa con gái em gần gũi em hơn đứa con trai đầu của em. Phải chi em được đọc sớm hơn câu: “Buồn thay, mẹ nó vì quá lo lắng cho kế sinh nhai mà chẳng bao giờ để ý đến niềm ao ước nhỏ nhoi của chị em nó. Trong niềm ao ước nhỏ nhoi ấy, chỉ được mẹ dẫn đi bộ đến biển chơi cũng sẽ là hạnh phúc tuyệt đỉnh của chúng rồi…'’ đọc xong em áp dụng cách gần gũi con, chớ không bỏ bê nó mà lo kinh doanh như trước. Phải chi em có cuốn sách này sớm hơn thì em đã không bị đứa con trai em lợt lạt như bây giờ đâu chị!”
Chỉ có vậy! Cuối cùng tôi đã tìm được người nhận được thông điệp của mình. Thông điệp này không những cho độc giả của tôi mà còn chính cho tôi, người viết.
Với những lời tâm sự trên đây của tôi, tôi hy vọng bạn sẽ viết ra những thông điệp bạn muốn gửi cho người đọc. Mỗi người trong chúng ta đều có những kinh nghiệm khác nhau. Kinh nghiệm san sẻ của bạn sẽ cho người đọc bài học ý nghĩa. Cứ thế, chúng ta sẽ cùng chuyền cho nhau những kinh nghiệm khác nhau để cùng xây dựng một cuộc sống hoàn thiện hơn. Nếu bạn chưa từng viết, hãy viết đi. Nếu bạn đã và đang viết, xin hãy tiếp tục, đừng từ bỏ.
                                                                                   
Cung Thị Lan





Tuesday, February 5, 2013

HÀ THƯỢNG NHÂN
















Cui Năm Gi SONG NHỊ


Ông Song Nhị làm ăn khá lắm
Giữa José dám cắm ngọn cờ
Mở đầu bằng một tập thơ
Dần dà cho đến bây giờ ai hơn?
Khi mất nước có Hờn Chiến Mã(*)
Buông súng rồi bút đã cầm tay
Thì ra trong cuộc chiến này
Dân còn gục mặt đắng cay đợi chờ
Bọn nón cối lơ ngơ còn đó
Lũ tham tàn nhờ gió bẻ măng
Lẽ nào mình chịu cắn răng
Núi sông phó mặc mấy thằng lưu manh?
Nhờ bịp bợm mà thành cứu quốc
Nghĩ càng thêm nhơ nhuốc bi thương
Trót sinh vào buổi nhiễu nhương
May còn chút vốn văn chương góp vào
Lấy tự do đề cao chính nghĩa
Nhắm tham ô mà chĩa mũi dùi
Trước sau ta chẳng chịu lùi
Phong trần đã nếm đủ mùi đắng cay
Gom bè bạn nắm tay quyết liệt
Không hổ cùng hào kiệt anh thư
Lưu vong từ độ di cư
Có đi thì phải coi như có về
Phải nhớ kỹ lời thề sông núi
May mình không dấp dúi bìa rừng
Cuố năm xin có lời mừng
Nhớ nguồn nhớ cội xin đừng quên nhau.

Hà Thượng Nhân
12-2004


Monday, February 4, 2013

Bài Thơ Viết Trước Cổng Trường Vạn Hạnh

Tôi trở về thăm lại trường xưa
Khuôn viên cũ đã thay lề đổi thói
Câu Duy Tuệ (*) xoáy lòng người nhức nhối
Từng nỗi buồn thấm lạnh từng cơn

Tôi trở về văng vẳng nỉ non
Ngọn tháp rưng rưng giữa chiều cuối hạ
Rên rỉ oán hờn
Quằn quại hồn Chiêm quốc
Mười năm núi lở đá mòn
Mười năm hồn người nhập viên đá cuội
Chìm lặng giữa dòng sông
Từng đợt sóng ngược dòng cuồn cuộn
Kéo tan hoang một cõi cơ đồ

Tôi trở về thăm lại trường xưa
Trong thác nguồn của thời Vọng Nghiệp
Cuốn đời theo thiên tai
Ngỡ ngàng hư thực
Mở cửa chân như: Lệ thấm Phật đài!

Tôi trở về thăm lại người xưa
Người xưa xuống núi
Tôi lục lọi từ hư vô
Tìm sắc hoàng y một thời rạng rỡ
Người năm xưa tán lạc mơ hồ
Ôm kinh điển trá hình vào cõi tục
Đám sinh đồ nhìn theo lơ ngơ
Gẫm từng trang Thị Nghiệp (*)

Tôi trở về thăm lại trường xưa
Cổ tháp rêu phong giữa đời gió bụi
Bầy chim nhỏ ẩn mình sau mái ngói
Kinh sách cuộn mình phủ bụi nằm mơ

Tôi trở về thăm lại trường xưa
Hồn mê mải góc giảng đường thư viện
Một thuở lòng say mê 
Một thuở đời rộn rã...

Mười năm tơi tả tôi về
Chập chờn ác mộng
Thiện ác chân giả lập lờ
Một cõi trần ai nhốn nháo
Bặt tiếng kinh cầu
Trời đất hoang sơ ./

Song Nhị
Sài Gòn 1985

-------------------------------------------------
(*) Duy Tuệ Thị Nhgiệp là châm ngôn trên huy hiệu (logo) Đại Học Vạn Hạnh.


 



















Diên Nghị - Nhận Định Phê Bình

BÀI THƠ
VIẾT TRƯỚC CỔNG TRƯỜNG VẠN HẠNH
Của SONG NHỊ

**
‘Trước năm 1975, Viện Đại Học Vạn Hạnh đã đào tạo nhiều thế hệ sinh viên miền Nam. Viện có những phân khoa: Phật học, Khoa học Xà hội, Văn Học và Khoa Học Nhân Văn, Báo chí. Thượng Tọa Thích Minh Châu giữ chức Viện Trưởng, giảng viên. Ngoài các giáo sư chuyên khoa, thính giảng, còn có nhiều tu sĩ Phật giáo. Phù hiệu nhà trường chạm thêu 4 chữ: “Duy Tuệ Thị Nghiệp” *.

Nhà thơ Song Nhị xuất thân từ lò đào tạo này và tiếp tục sinh hoạt nhiều năm, đồng thời cũng là nhân chứng trong cuộc đấu tranh ý thức hệ Quốc Gia- Cộng Sản của một bộ phận sinh viên - Một nhóm nhỏ bí mật hoạt động thân cộng Hà Nội, thời điểm 1967-1968, và qua thời gian đã minh chứng rõ ràng sau 30 /4/1975, những người này là cán bộ của “mặt trận thôn tính”, có mặt trong những cơ sở chính quyền của họ tại thành phố Sài gòn.

Nhận diện rõ bạn, thù từ đó. Song Nhị, trong hàng ngũ quân đội Việt Nam Cộng Hòa, cùng số phận với hàng triệu con người bị lùa vào các trại tù từ Nam ra Bắc. Khổ sai lao động, cải tạo tư tưởng khốn đọa, đói rét, tưởng không còn có ngày về!
Sau 10 năm, Song Nhị may mắn trở về thành phố Sài gòn. Một chiều cuối hạ, tác giả đến viếng ngôi trường cũ, tất cả đã đổi thay. Khung cảnh rộn rã ngày nào, bấy giờ là hoang tàn vắng lặng. Bằng cảm xúc thiết tha, nỗi buồn man mác, tiếc sự đổi thay mất mát bẽ bàng:
Tôi trở về thăm lại trường xưa
Khuôn viên cũ đã thay lề đổi thói
Câu Duy Tuệ xoáy lòng người nhức nhối
Từng nỗi buồn thấm lạnh từng cơn

Nỗi buồn nối tiếp nỗi buồn, như đợt sóng lùa vào tâm cảm, mỗi đợt sóng thấm vào da thịt, xoáy xốc sâu nhức nhối, buốt tê - lề thói đã lạc thời, phai dấu! Đứng trước cổng trường nhìn khuôn viên lạ lẫm, biển dâu nào biến thể sông đồng như Tú Xương thuở trước “Sông kia giờ đã nên đồng, chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai”. Ngoại cảnh đập vào tâm thức, thấy mà chưa nghe - Thấy đã buồn đã xót - Đến khi nghe những gì hiện hữu, giữa chiều cuối hạ, ngọn tháp giữa khuôn viên trường, văng vẳng âm thanh trầm lụn nỉ non. Lời rên rỉ mang nặng oán hờn hồn Chiêm quốc, cuộc suy vong lịch sử tái hiện:
Tôi trở về văng vẳng, nỉ non
Ngọn tháp rưng rưng giữa chiều cuối hạ,
Rên rỉ oán hờn
Quằn quại hồn Chiêm quốc

Mười năm nghiệt ngã theo dòng lưu đày tại thế, người sinh viên cũ về thăm trường xưa. Ngoại giới thẩm nhập sâu nội tâm, hòa chung giọng điệu, phát ra suy tưởng về một cơ đồ, một sự nghiệp, một quá khứ, chìm đắm giữa không gian tàn nhẫn - Những ngọn sóng bạc đầu ngược ngạo, hung hiểm phủ lấp cõi người yếu đuối, thất cơ nhẫn nhục, chịu đựng âm thầm như những viên đá cuội vô tri giác, dưới đáy những giòng sông!
Mười năm núi lở đá mòn
Mười năm hồn người nhập viên đá cuội
Chìm lặng giữa dòng sông
Từng đợt sóng ngược dòng cuồn cuộn
Kéo tan hoang một cõi cơ đồ..

Lần trở về chẳng khác một giấc mơ. Đứng trước cổng trường ngỡ ngàng, đơn độc - Như vừa trải qua cơn thiên tai - Cuộc đời của vạn cuộc đời trong thời Vọng Nghiệp. Hy vọng, tin yêu dựa vào sự cứu rỗi thiêng liêng giáo thuyết Đức Thích Ca. Nhưng niềm tin muộn màng- Vội mở cánh cửa tâm linh - Phật đài đẫm lệ - nhìn vạn hữu chúng sinh giữa ta bà bất ổn thực hư:
Tôi trở về thăm lại trường xưa
Trong thác nguồn của thời Vọng Nghiệp
Cuốn đời theo thiên tai
Ngỡ ngàng hư thực
Mở cửa chân như: lệ thấm Phật Đài!

Thăm trường - trường còn đó, cảnh vật đã đổi sắc màu - Người muôn năm cũ, còn ai để gặp. Người xưa đáng nhớ, đáng nhắc: các vị Thầy, quý Thượng Tọa, Đại Đức - Vị Viện trưởng - Hình ảnh tráng sĩ hạ sơn khác biệt tu sĩ hạ sơn - Tráng sĩ hạ sơn hành hiệp cứu người, giúp người yếu bị kẻ mạnh đàn áp, ức hiếp; tu sĩ hạ sơn gợi tưởng một thời Mạt Pháp. Bỏ chùa xuống núi không cứu khổ cứu nạn, mà tín hiệu của kẻ vụng đường tu, nửa đường lui gót. Từ bỏ hoặc phủ nhận “xin trở về cõi tục để làm dân” ( Vũ Anh Khanh).
Viện trưởng, Thượng Tọa Thích Minh Châu đã trở thành đồ đệ Mác Xít miền Bắc. Song Nhị xót xa, nuối tiếc, lồng trong ẩn dụ mỉa mai, khinh bạc kẻ “ôm kinh điển trá hình vào cõi tục” của “sắc hoàng y của một thời rạng rỡ” đã loãng lem, mờ nhạt, khuất tất vào hoang thẳm hư vô.
Đạo và Đời - Tôn giáo và Chính trị đến đây như một vấn nạn, một hoài nghi về tâm thức, tư tưởng các bậc chân tu:
Tôi trở về thăm lại người xưa
Người xưa xuống núi
Tôi lục lọi từ hư vô
Tìm sắc hoàng y một thời rực rỡ
Người năm xưa tán lạc mơ hồ
Ôm kinh điển trá hình vào cõi tục
Đám sinh đồ nhìn theo lơ ngơ
Gẫm từng trang Thị Nghiệp!

Khi gặp lại cảnh - buồn theo cảnh. Không gặp được người - nuối tiếc cho người. Diễn tiến tâm trạng trong hiện thế, thời gian ngưng đọng, đủ cho người xưa lưu luyến kỷ niệm một thời.
Càng trông nhìn càng rõ, cổ tháp đã rêu phong, còn có bầy chim nhỏ, ẩn mình sau mái ngói, tạo một liên tưởng về cuộc sống của biết bao người tán lạc, không nơi nương thân, không mái ấm gia đình, chẳng khác đàn chim không tổ, lạc loài tan tác, lang bạt đó đây. Rồi nữa, kinh sách quằn quại dưới lớp bụi phủ dầy - chôn chặt giấc mơ thời Thịnh Pháp:
Tôi trở về thăm lại trường xưa
Cổ tháp rêu phong giữa thời gió bụi
Bầy chim nhỏ ẩn mình sau mái ngói
Kinh sách cuộn mình, pbủ bụi nằm mơ

Người trở về đứng trước cổng trường, chưa nỡ vội rời chân. Hồn đê mê hòa nhập quá khứ - Đây giảng đường, kia thư viện, những lối ngõ vào ra. Một thời tuổi trẻ nhiệt thành hoài bão. Một thời ngẩng đầu cao nhìn lên phía trước, rộn rã lứa tuổi hai mươi:
Tôi trở về thăm lại trường xưa
Hồn mê mải góc giảng đường thư viện
Một thuở lòng say mê,
Một thuở đời rộn rã.

Mười năm, mười năm vật đổi sao dời. Người về đã trải cuộc thách thức nghiệt ngã. Mang hành lý khốn đọa của tháng năm. Khốn đọa trở về - Về đây- như cơn ác mộng!
Sau những ngỡ ngàng, bức xúc, người về hồi tỉnh dần, cảm nhận rõ bối cảnh sống của một xã hội khác lạ, vong bản, tha hóa. Âm dương lập lờ, lẫn lộn giữa Thiện - Ác - Thánh Thần, cùng chung nơi chốn với Qủy Ma - Một xã hội đã quay ngược giai cấp, giao động tâm tư con người. Khuôn phép rẻ rúng, quyền sống bị đe dọa, đạo lý đã ra đi. Một xã hội coi tôn giáo - một thứ thuốc phiện của quần chúng:
Mười năm tơi tả tôi về
Chập chờn ác mộng
Thiện-Ác, Chân Giả lập lờ
Một chốn trần ai nhốn nháo
Bặt tiếng kinh cầu
Trời đất hoang sơ.

Bài thơ, tự sự theo trình tự lớp lang, cách dẫn truyện qua cảnh xúc, cảnh vật trước mắt (khuôn viên, ngọn tháp, bầy chim trong thế tĩnh), trải dần dần đến thế động âm thanh (văng vẳng, nỉ non, rên rỉ, oán hờn) - Trong không gian ba chiều, ngang, dọc khắc họa rõ nét nơi chốn - Chiều sâu giữa những câu thơ ẩn chứa tư tưởng, phản chiếu ý nghĩa cốt lõi cao xa “Duy Tuệ Thị Nghiệp” trên thân tháp đã bị đục rỗng. Cơ sở trường ốc không còn được xử dụng đúng chức năng, vị thế. Giảng đường, thư viện thành nơi lưu cư của đám người xa lạ, mà đàn chim ẩn mình trên mái ngói là biểu tượng, của biết bao người tan cửa nát nhà! Khi chế độ mới chủ trương tước đoạt và thanh lý.

Bài thơ không chỉ nói lên nỗi tiếc thương, cho số phận nhà trường, của tư tưởng “Duy Tuệ Thị Nghiệp”, bài thơ còn minh hoạ bối cảnh xã hội đương đại dưới ách độc tài, độc đảng Mác-xít, bóp nghẹt quyền làm người, không còn tự do ngôn luận, tự do suy tưởng, tự do tín ngưỡng. Quần chúng đã tự hóa thành những khoáng thể (đá cuội) cam chịu, lặng lẽ chôn chặt dưới lòng sông, do bản chất bạo lực của kẻ cầm quyền (đợt sóng ngược dòng cuồn cuộn).
Tâm linh hoảng loạn bởi bặt tiếng kinh cầu. Niềm tin tôn giáo hư hư thực thực, kinh sách lép mình dưới lớp bụi lãng quên, cả đến nhân vật trách nhiệm trường xưa - màu hoàng y luốc lem, phai nhạt - Kẻ trá hình đã ôm kinh điển vào tục lụy đa đoan (kinh điển trá hình).

Nhà thơ, người chiến sĩ miền Nam, sau mười năm tơi tả trở về - Người trong cuộc bộc bạch tâm sự khi đối diện với thực tại trớ trêu “một cõi trần ai nhốn nháo”, “thiện ác chân giả lập lờ” - Một mẫu người cô đơn giữa hồng hoang thời đại. Phải là con người thiết tha, thành khẩn gắn bó với kỷ niệm, với quá khứ mới bày tỏ được tình cảm chân thực chính mình, gửi gắm vào những dòng thơ khúc chiết.

Toàn bộ bài thơ, cấu trúc gọn gàng, hài hòa kỹ thuật. Âm hưởng thơ len lỏi vào hồn người đọc những dấu lặng từ chữ nghĩa dâng trào thương hận xót xa...
Tự sự riêng của Song Nhị, cũng là tâm tình của người cùng trang lứa, cùng thời điểm, cùng kỷ niệm. Từ góc độ của quá khứ với dấu ấn lãng mạn tâm tình, thì quá khứ nào cũng đậm nét mỹ cảm, khó phai quên. Nhưng từ góc độ quá khứ lịch sử, hẳn không thiếu những nghịch cảnh đáng nguyền rủa.

Diên Nghị
(Cõi Thơ Tìm Gặp, Coi Nguon 2008)

* Trích thi phẩm “Về Lối Đi Xưa” Cội Nguồn 1999
* Do trí tuệ để thấy rõ mình




 

Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...