LÊ ĐÌNH CAI
Sinh ngày 3/8/1942 tại Bo Ban, Triệu Phong, Quảng Trị (trong
thế vì khai sinh ghi ngày 01/01/1941).
Tốt nghiệp cử nhân năm 1966 Cao học (1968), Tiến sĩ (1996)
Trước 1975: Làm việc tại Văn phòng Thượng Nghị Viện VNCH
(1968) Dạy ngành Sử học tại Viện Đại Học Đà Lạt, trường Võ Bị QGVN và trường
Đại Học Văn Khoa Huế (1968-1975)
Cộng tác với các báo: Tự Do (của GS Phạm Việt Tuyền),
Chính Luận (của BS Đặng Văn Sung), Da Vàng (của GS Nguyễn Lý Tưởng) Biên tập
viên thường trực nhật báo SỐNG (của nhà văn Chu Tử) Phụ trách mục “Diễn Đàn
Thanh NIên” cùng với nhà báo Trần Tu
Sau 1975: Bị bắt giam dưới chế độ cộng sản (từ ngày
9-6-1975 đến năm 1982) Qua Mỹ theo
diện H.O (1994) Dạy học tại các trường
Southern California University for Professional Studies National University of America New Bridge College Berlitz Int’l Language Center (1996-2011)
Hiện đã nghỉ hưu từ ngày 1 tháng 7 năm 2011
Cộng tác với các báo tại Hoa Kỳ, Pháp, Úc, Gia Nã Đại… Tại
Bắc California thường viết bài cho các báo
Việt Nam,
Cali Today, Thời Báo, Ý Dân, Đời Mới
Là thành viên Ban Điều Hành CSTV Cội Nguồn và Tạp chí
NGUỒN từ 1996 đến nay.
HUẾ: Trong Ký Ức
Của Một Thời Trai Trẻ
Những ngày tháng theo học ở Saigon, tôi rất thích những cơn
mưa rào dữ dội của miền Nam.
Mưa đổ xuống như thác, tạo thành những dòng sông trên mọi ngã đường. Rồi cơn
nóng hừng hực của thành đô bỗng chốc tan biến. Mưa dứt hạt rất nhanh. Mọi sinh
hoạt thường ngày lại tái tục trong bầu không khí mát mẻ và cảnh vật như đang
bừng sống lại sau những ngày hè oi bức. Cơn mưa miền Nam chợt đến, chợt đi trong thoáng
chốc, khác với cơn mưa dầm ở xứ Huế miền Trung, kéo dài từ ngày này qua ngày
khác, trong nỗi buồn dai dẳng khôn nguôi.
Tôi đã sống ở Huế trong suốt quãng đời thanh xuân với rất
nhiều kỷ niệm. Đẹp nhất là tuổi học trò khi đang ngồi trong lớp học, nhìn mưa
giăng mắc qua khung cửa sổ. Bên kia đường là trường Đồng Khánh với lá phượng tả
tơi trong gió. Cơn mưa lất phất se lạnh của mùa đông khiến những thiên thần áo
trắng phải thu mình, co ro trong bước chân của nàng tôn nữ.
Mùa đông xứ Huế buồn da diết, nhất là những sinh viên trọ
học như chúng tôi. Có nhiều đêm cảm thấy trống vắng, chúng tôi dăm ba cậu sinh
viên trong cư xá Hoàng Trọng Bá (đối diện với trường Thiên Hữu Huế trên đường
Lý Thường Kiệt) rủ nhau xuống phố mua bắp nướng sẵn ở bên vệ đường Trần Hưng
Đạo, rồi cùng bá vai nhau cùng hát vang trên hè phố vắng mặc cho những giọt
nước mưa xát vào mặt lạnh buốt. Tuổi trẻ có những giây phút ngông cuồng đáng
yêu mà ngày nay khi đã xế bóng, nhìn lại đoạn đời đi qua với ít nhiều nuối
tiếc.
Tôi bỏ Huế ra đi vào mùa thu 1966, rồi lại trở về Huế cũng
vào mùa thu thu năm 1971 để tiếp nối con đường của các bậc đàn anh, đứng trên
bục giảng của đại học đường Văn Khoa để truyền thụ kiến thức cho các thế hệ
tương lai của đất nước cố đô mà mình đã học hỏi được từ các bậc thầy đáng kính.
Tuy rằng giờ đây không còn là chàng sinh viên với lứa tuổi mộng mơ của một thời
cắp sách, không còn những chiều lang thang dươí cơn mưa dầm, cùng nhai bắp nướng
và đếm bước chân đi trên hè phố vắng. Không còn cái thú nhìn mưa bay giăng
giăng khi cùng bách bộ ngang qua cầu Tràng Tiền mầu trắng tinh nguyên. Phía
dưới kia là thôn Vỹ dạ với hàng cau mờ ảo trong làn mưa bụi. Nhìn xa hơn tháp
chùa Linh Mụ lung linh huyền ảo trong cơn buốt của chiều đông. Xa rồi tuổi
thanh xuân với ước vọng tràn đầy!
Tôi trở lại Huế trong lứa tuổi “tam thập nhi lập” với trách
nhiệm nặng nề trên đôi vai của kẻ mới bước vào đời. Tôi tự thấy mình nghiêm
trang hơn, đứng đắn hơn, tuy chưa già dặn đủ để cáng đáng trọng trách trên bục
giảng đại học.
Tôi đã sống với Huế hết mình, yêu thương Huế như người tình
muôn thuở, cũng buồn với Huế về những cơn mưa dầm bất tận và những đêm đông
lạnh buốt thấu xương. Nhưng tôi vẫn thương Huế
qua từng con đường rợp đỏ mùa hoa phượng. Tôi thương Huế với những cơn
lũ cuồng nộ đầu nguồn. Tôi thương Huế với những thành quách lâu đài cổ kính của
kinh đô một thời vang bóng và thương Huế qua tiếng mưa rơi tí tách ở hàng hiên
khi ngồi bên cốc cà phê với điếu thuốc lá trong quán Lạc Sơn, bên bờ sông Hương
dạo đó.
Biết bao mùa mưa ở Huế đi qua trong đời tôi, với biết bao kỷ
niệm của một thời dĩ vãng….
Tôi lại rời Huế một lần nữa vào tháng tư đen 1975, để vào
trại cải tạo. Tôi chỉ trở lại với Huế vào đầu năm 1982, khi được phóng thích từ
trại tù ở vùng núi Trường Sơn Đông. Tôi được thả cùng với một số bạn tù vào một
buổi sáng mưa rơi lất phất trong giá buốt của mùa đông. Xe đò chở những người
tù đỗ lại ở bến xe An Cựu, tôi lang thang khoác ba lô trên vai đi bộ qua cầu
Tràng Tiền trong làn mưa bay nhè nhẹ. Cầu Tràng Tiền còn đó, nhưng đâu rồi
những dáng nét kiêu sa của thuở nào! Dòng sông Hương vẫn phẳng lặng chỉ điểm
vài đợt sóng lăn tăn. Thỉnh thoảng, dăm ba đám lục bình trôi dật dờ về phía
biển. Huế của tôi mới gần bảy năm xa cách sao mà tang thương quá vậy!
Tôi không tìm lại được một dấu nét thân quen nào của bảy năm
về trước. Ngôi trường Đại Học Văn Khoa nằm cạnh cầu Tràng Tiền mà tôi đã có một
thời là sinh viên nay bỗng nhiên xa lạ qúa chừng! Dưới làn mưa bay dăng dăng,
tôi nhìn lại ngôi trường cũ mà thấy như có cái gì cay cay trong lòng mắt. Quả
thật “tôi đã bước đi không thấy phố, thấy nhà. Chỉ thấy mưa sa trên mầu cờ đỏ”.
Tâm sự của nhà thơ Trần Dần trong nhóm “Nhân Văn Giai Phẩm” thời đó sao giống
nỗi lòng tôi trong giờ khắc này quá thế. Tôi cảm thấy hụt hẫng như đã đánh mất
quê hương yêu dấu trong sự vong thân của chính mình. Huế của tôi ngày đó bây
giờ loang lỗ rách nát, đau thương, câm nín và chịu đựng!
Tôi lại một lần nữa phải bỏ Huế ra đi vì bị chỉ định cư trú
tại một vùng kinh tế mới xa xôi ở trong Nam: Vùng kinh tế mới Phú Cường gần
Dầu Giây, Long Khánh. Từ ngày ra khỏi trại tù, tôi chỉ có vỏn vẹn bảy ngày ngắn
ngủi để sống lại với biết bao kỷ niệm của một thời ở Huế rồi chia xa mãi mãi
cho đến tận bậy giờ. Dễ chừng ba mươi năm tôi đã lìa xa thành phố với quá nhiều
thương nhớ này!
Huế với những cơn mưa dầm thường khi kéo dài từ ngày này qua
ngày khác, nhưng Huế vẫn tràn đầy nắng ấm vào mùa Xuân và bầu trời Huế vẫn xanh
trong vào mùa thu. Huế đẹp rực rỡ trong nắng chiều nhàn nhạt và Huế kiêu sa
trong dáng nét của đế đô nhà Nguyễn đã một thời vang bóng….
Nào ai biết được rồi có ngày mình sẽ trở về cố hương để thấy
lại núi Ngự Bình (trước tròn sau méo), sông An Cựu (nắng đục mưa trong) và để
nghe lại tiếng chuông Thiên Mụ ngân dài trầm lắng trong bóng chiều tĩnh lặng
của quê nhà…….
Lê Đình Cai
(Kỷ Yếu 20 Năm VH Coi Nguon)
No comments:
Post a Comment