Saturday, February 21, 2015

ĐỌC LẠI THI NHÂN VIỆT NAM




I./ Hoài Thanh – thời kỳ văn học tự do nhân bản.

Hai tác giả Hoài Thanh - Hoài Chân biên soạn quyển Thi Nhân Việt Nam cách đây đúng 75 năm. Ngày đó, thế hệ chúng tôi còn là những đứa trẻ chập chững, nhiều lắm thì cũng chỉ mới mon men vào mấy trường “măng non, hoặc tiểu học”, ở các nơi thành thị hay thôn xóm. 75 năm, chúng tôi lớn lên, mang theo sách vở từ trường học đi vào đời, hình như luôn luôn có bên mình người bạn đồng hành “Thi Nhân Việt Nam”(TNVN).

Thế hệ sinh ra năm, bảy năm, trước và sau Thế Chiến Thứ Hai, chưa đủ tuổi đời và hiểu biết để nhận thức được sự đổi thay kỳ diệu trong cuộc sống của toàn xã hội lúc bấy giờ.
Tác giả “Thi Nhân Việt Nam”, khi biên soạn tác phẩm này đã ở vào tuổi “tam thập nhi lập”, đã đủ kiến thức để tiếp thu luồng gió mới từ trời Tây thổi đến, làm thay đổi mọi trật tự và nếp sống, thay đổi lề thói, tầm nhìn và lối suy nghĩ của con người Việt Nam ở đầu thế kỷ hai mươi.

Cuộc “Âu hóa” đó, theo tác giả đã trải dài trong sáu mươi lăm năm, “kể từ ngày người lái buôn phương Tây thứ nhất đặt chân lên đất Việt, mang theo những thứ hàng hóa phương Tây, để sau này nẩy nở thành Thơ Mới”.

Sáu mươi lăm năm, cuộc Âu hóa, không những làm thay đổi tập quán người Việt, mà còn làm thay đổi cả tư tưởng và nhịp rung cảm trong tâm hồn người dân bản xứ. Theo tác giả, một trong những “biến thiên vĩ đại”, đó khởi đi từ khi Việt Nam sáp nhập vào đế quốc Pháp, từ hồi Trịnh Nguyễn phân tranh…

Sáu mươi năm mà tưởng chừng như sáu mươi thế kỷ, luồng gió mới phương Tây thẩm nhập, đến một lúc văn học Việt Nam tiếp thu trào lưu Thơ Mới, cùng lúc đoạn tuyệt với vần điệu, niêm luật nghiêm khắc, gò bó của Đường thi, một thể thơ đã từng dự phần quyết định kết quả thành bại trên đường đời của thí sinh trong các kỳ khoa cử.

Sau một thời gian dài, cả đến mười năm tranh giành quyết liệt quyền sống giữa thơ cũ và thơ mới, đến đầu thập niên 30s, từ 1932-1941, thơ mới chiếm lĩnh thi đàn, với những tên tuổi Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên, Xuân Diệu….

Trong “Tuyển Tập Hoài Thanh”, tác giả TNVN có nói rõ, ông rất say mê Thơ Mới ngay từ khi thơ mới ra đời. Thơ Mới hầu như là “thú vui duy nhất” của ông thời bấy giờ. Chính nhờ sự say mê đó nên trong tủ sách văn học mới có tác phẩm TNVN - một cuốn sách sưu tập và nhận định thơ của 46 thi nhân, thường được gọi là các nhà thơ tiền chiến.

Quyển TNVN do Hoài Chân xuất bản lần đầu (không nói rõ vào năm nào). Quyển sách này không được phổ biến tại miền Bắc. Mãi gần hai mươi năm sau, đầu năm 1960 trường Đại Học Tổng Hợp Hà Nội mới cho in bản ronéo, làm tài liệu tham khảo cho Sinh viên. Trong khi tại miền Nam, TNVN được giới trẻ, SVHS và người yêu thơ ưa chuộng. Năm 1968, NXB Hoa Niên in lại tại Sài Gòn. Các tờ báo văn nghệ ở Sài Gòn suốt hai thập niên 50s và 60s thường trích đăng thơ của các tác giả trong TNVN. Năm 1985, NXB Đông Nam Á in lại TNVN ở Paris. Bản chúng tôi hiện có do NXB Văn Học, Hà Nội, in năm 1992.

2. Đọc lại nội dung Thi Nhân Việt Nam.
Thi Nhân Việt Nam quy tụ 46 nhà thơ, với tất cả 169 bài thơ của các tác giả được trích dẫn và bình giải.
46 nhà thơ trong sách được đưa vào theo thứ tự: Tản Đà, Thế Lữ, Vũ Đình Liên, Lan Sơn, Thanh Tịnh, Thúc Tề, Huy Thông, Nguyễn Vỹ, Đoàn Phú Tứ, Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Yến Lan, Phạm Hầu, Xuân Tâm, Thu Hồng, Bàng Bá Lân, Nam Trân, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, J. Leiba, Thái Can, Vân Đài, Đỗ Huy Nhiệm, Lưu Kỳ Linh, Nguyễn Giang, Quách Tấn, Phan Khắc Khoan, Thâm Tâm, Phan Thanh Phước, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Nhược Pháp, Phan Văn Dật, Đông Hồ, Mộng Tuyết, Nguyễn Xuân Huy, Hằng Phương, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Mộng Huyền, Nguyễn Đình Thư, T.T.K.H, Trần Huyền Trân.

Trước hết, chúng ta hãy đọc, hãy nghe những gì Hoài Thanh nói, Hoài Thanh “nhỏ to” với độc giả trong bài bạt cuối sách. Như phần đông những người làm công việc thực hiện một tuyển tập thơ, tác giả TNVN cũng bộc bạch, phân trần về những trách móc, chê bai về các nhà thơ được đưa vào sách, về nội dung thơ trích dẫn. Người ta đàm luận bài hay, bài dở, trích nhiều, trích ít, kẻ khen, người chê... Hoài Thanh phải thốt lên “biết làm sao chiều được tất cả mọi người”.

Tác giả thú nhận, có những nhà thơ có tài, mà vì lẽ này hay lẽ khác, tác giả không thể nói đến. Cũng có những bài thơ hay, không thể trích được. Tác giả TNVN không nói rõ lý do.

Trong bài bạt “tâm sự nhỏ to”, Hoài Thanh cho rằng với hơn 40 người có thơ trích sách, rồi ra, may mắn lắm có 4 người sẽ có tên lưu truyền hậu thế. Đọc được những chi tiết này, người đọc mới biết tại sao THVN lại có sự khập khễnh về tác phẩm (thơ) và tác giả (nhà thơ) được lựa chọn đưa vào sách.

Độc giả yêu thơ từng thắc mắc, tai sao TNVN không có một vài nhà thơ tên tuổi như Ngân Giang, Hồ Dzếnh..,

Sau 75 năm, qua công luận và sự sàng lọc, đào thải của thời gian, chúng tôi xin tạm đưa ra một sự “sắp xếp” các nhà thơ trong TNVN như sau:

1./ Những nhà thơ nổi bật “vượt thời gian đi vào quần chúng và văn học gồm có:
Xuân Diệu, Cù Huy Cận, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Quách Tấn,

2./ Những nhà thơ được các tạp chí văn nghệ miền Nam (VNCH) phổ biến một hay vài ba bài thơ có giá trị văn học. Trong số này có: Vũ Đình Liên với bài “Ông Đồ Già”, Thanh Tịnh với bài “Mòn Mỏi”, Thế Lữ voi71 bài "HỔ Nhớ Rừng"; Nguyễn Vỹ, với bài “Gửi Trương Tửu”, Tế Hanh với bài “Vu Vơ”, "vườn xưa"; Thái Can với bài “Anh biết em đi”, Thâm Tâm với “Tống Biệt Hành”, Nguyễn Nhược Pháp với bài
“Chùa Hương”, T.T.K.H với “bài thơ thứ nhất, “hai sắc hoa ti gôn”, Bài thơ đan áo”, ……

3./ Các nhà thơ khác trong sách còn lại, hầu như ít được nhắc tới trên thi đàn gồm có: Lan Sơn, Thúc Tề, Huy Thông, Đoàn Phú Tứ, Yến Lan, Phạm Hầu, Xuân Tâm, Thu Hồng, Nam Trân, Đoàn Văn Cừ, Bích Khê, J. Leiba, Vân Đài, Lưu Kỳ Linh, Nguyễn Giang, Phan Khắc Khoan, Phan Thanh Phước, Phan Văn Dật, Mộng Tuyết, Nguyễn Xuân Huy, Hằng Phương, Mộng Huyền, Nguyễn Đình Thư, Trần Huyền Trân.

Riêng các nhà thơ Đông Hồ, Bàng Bá Lân ở miền Nam được nhiều người biết đến, có tên tuổi, nhưng ít ai nghe biết, hoặc nhớ tên những bài thơ nào của các tác giả này. 

3. Hoài Thanh – thời kỳ văn học Marxist.

Sau ngày 30-4-1975, một số nhà thơ thành danh từ miền Bắc đã có cơ hội vào Sài Gòn tìm hiểu nền báo chí, văn học của VNCH, họ đã mở mắt mà nhận ra giá trị đích thực của nền văn học nhân bản tại miền Nam. Nhà văn Nguyễn Tuân, trong chỗ riêng tư đã nói lời thú nhận “chúng tôi sống được là nhờ biết sợ”.

Hoài Thanh, giữ các chức vụ Tổng thư ký Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, Viện phó viện văn học và chủ nhiệm tuần báo Văn nghệ cho đến đầu năm 1975. Hoài Thanh đã vào miền Nam sau tháng tư bảy lăm. Có lần ông vào trại tập trung cải tạo Long Thành nói chuyện với tập thể sĩ quan viên chức chính phủ VNCH bị tập trung tại đây (trong số có người viết). Khác với giọng điệu của những cán bộ “giảng viên” hạ cấp, Hoài Thanh không đả động gì đến giới văn nghệ sĩ miền Nam, không như nhà cầm quyền cộng sản lúc bấy giờ kết án gới cầm bút miền Nam là “những tên lính xung kích của đế quốc Mỹ trên mặt trận văn hóa”.

Hoài Thanh kể chuyện những lần “gần gũi bác”, nói chuyện bâng quơ nhiều hơn là tuyên truyền hạ sách. Chắc chắn ông biết cử tọa, dù là người tù, đang ngồi nghe là ai, thành phần nào.

Đọc TNVN, ấn bản 1992, NXB Văn Học Hà Nội, người ta nhận ra con người Hoài Thanh một thời từng “say thơ như say người”, một thứ “tình say không thể nào dứt ra được”, thế mà sau sáu năm đi theo đảng, Hoài Thanh đã không còn là Hoài Thanh, từng xem thơ mới là nơi trú ngụ của tâm hồn. Ông mạnh mẽ phủ nhận tác phẩm, lên án đứa con tinh thần của mình. Hoài Thanh đã tự phê, đã tự kết tội việc biên soạn quyển sách, một thời bằng tất cả đam mê, là một việc làm tiếp tay với giặc.

Theo Từ Sơn (*) trong chương “Nhìn lại thơ cũ 1932 – 1945, ở quyển “Nói chuyện Thơ Kháng chiến”, Hoài Thanh viết:
“Xét về phương diện khách quan thì ngày trước hay bây giờ, những câu thơ buồn nản hay thơ mộng vẩn vơ cũng đều là đồng minh của giặc. Giặc chỉ có thể xây dựng cơ đồ của chúng trên phần bạc nhược của con người thì chúng nó mới có khả năng làm giặc.”

Tám năm sau, năm 1959, sau vụ Nhân Văn, Giai Phẩm, Hoài Thanh lại viết: “Thơ lãng mạn tiểu tư sản có thể xem là một sức phá hoại, vừa phá hoại chế độ thực dân phong kiến vừa phá hoại nhiệt tình cách mạng. Trong thơ lãng mạn tiểu tư sản, vẫn có một thứ lòng tin mà  bọn thống trị cũ dựa vào, tức là lòng tin rằng cuộc đời là thế, không thể thay đổi được. Nhưng bọn thống trị cũ dựa lòng tin thì ít, vào võ lực thì nhiều…”

Tháng 11-1962, trong một đề cương nói chuyện về thơ mới, Hoài Thanh viết: “Mọi người đồng ý trong thơ mới 1930 - 1945 có nhân tố tích cực và nhân tố tiêu cực…” và lại phải thòng thêm một câu: “ Tôi vẫn nghĩ tiêu cực là chính”.

Tháng 11- 1964, e sợ hai năm trước nhìn nhận thơ mới cũng có “nhân tố tích cực”, là một thái độ xét lại, Hoài Thanh lại viết trong “Một vài ý kiến về phong trào thơ mới”, với luận điệu: “Nhìn chung thơ mới chìm đắm trong buồn rầu, điên loạn, bế tắc. Đó là chưa nói đến phần hiển nhiên là sa đọa. Nguy hiểm nhất là nó lại tạo ra một thứ say sưa trong đó. Hình như không buồn rầu, không điên loạn, không bế tắc thì không hay..”

Tháng 8- 1977, hai năm sau ngày Hoài Thanh vào miền Nam, biết được giới trẻ Sài Gòn và nửa nước vẫn trân trọng và ưa thích thơ mới, vẫn chấp nhận TNVN, một tác phẩm ra đời trước ngày đất nước chia đôi, miền Bắc đặt dưới sự cai trị hà khắc của CSBV, ông bắt đầu “đổi giọng”, mà cho rằng: “Trong Thi Nhân Việt nam không có bài thơ nào là phản động và nói chung cũng không phải là thơ đồi trụy. Chẳng những thế, có không ít bài thơ rất đậm đà phong vị quê hương, rất có tình với đất nước, rất tha thiết yêu đời….”

Hoài Thanh nhìn lại “đứa con” của mình, vẫn thương yêu vô hạn, nhưng vì “phải biết sợ” để sống (như lời tự thú của Nguyễn Tuân), nên ông lại quanh co:
“Ngày nay hòa bình đã lập lại, hoàn cảnh đã đổi khác. Trong hoàn cảnh mới, nên chăng nhìn Thi Nhân Việt Nam một cách khác? Tôi nghĩ chúng ta sẽ tiếp tục trân trọng phần hay, phần đẹp trong thơ mới như ta vẫn nhận định trước đây. Nhưng phần ấy không phải là phần chính. Phần chính là thơ xuôi tay như nước chảy xuôi dòng...”

Ngoài những bài viết tự phê phán, tự lên án gay gắt của chính tác giả trong suốt 30 năm, không có một tài liệu nào cho thấy có những bài lý luân, phê bình  của các nhà văn miền Bắc viết về Hoài Thanh và TNVN, mãi cho tới ngày sau khi Hoài Thanh qua đời, nhà văn Đặng Thái Mai mới có một bài viết trên báo Văn Nghệ, số ra ngày 10-4-1982, nhận định:

“…Tác phẩm đáng nói trong những năm 1930 – 1945 có phần chắc là cuốn Thi Nhân Việt Nam, cộng tác với Hoài Chân. Chúng ta còn nhớ rằng dưới ảnh hưởng của tư tưởng Mac-Lênin, tác giả đã tự phê bình rất nghiêm khắc…" 

Thì ra như thế, dưới học thuyết Mac Lê, con người phải biến dạng từ trong suy nghĩ, tình cảm, tư tưởng để thể hiện hành động của một con người máy, phục vụ chế độ chính trị.
Nhận định này đã được Từ Sơn trình bày trong “Lời Cuối sách” (*). 

4. Lời Cuối Sách của Từ Sơn (*)

Lời cuối sách là một bài viết ghi lại hành trình suốt một đời người của Hoài Thanh đi theo thơ mới, từ say mê đến ân hận, từ trăn trở đến nhập nhằng lựa chọn, giữa chính trị phục vụ chế độ và văn chương nghệ thuật. Từ Sơn viết: “Nhân đây có lẽ cũng nên tìm hiểu xem vì sao Hoài Thanh có cái nhìn nghiêm khắc với thơ mới và nhất là tự phê phán Thi Nhân Việt Nam một cách quá nghiêm khắc như thế.”

Điều hiển nhiên, “dưới ảnh hưởng của tư tưởng Mac-Lênin”, thành phần trí thức tiểu tư sản phải bị đào thải, hoặc phải được cảm hóa để phục vụ chủ trương bạo lực cách mạng.

Trong cuộc “tranh luận nghệ thuật” vào những năm 1935-1936, Hoài Thanh bị xem là thuộc trào lưu lãng mạn tiểu tư sản, thuộc phái nghệ thuật vị nghệ thuật, không theo quan điểm Mac xít về văn học nghệ thuật. Hoài Thanh đã phải tự khai và tự phê bình “một cách nghiêm túc và thành thật”. Hoài Thanh đã bị tẩy não, khi chính ông đã thú nhận trong tác phẩm “Tuyển Tập Hoài Thanh”:
“hồi ấy chúng tôi bị lay dữ... chúng tôi không phải không dụi mắt một ít. Nhưng rồi chúng tôi lại nhắm nghiền mắt lại, một phần vì tự ái, nhưng phần chính là vì tâm trí hãy còn mê”.

Tuy vậy, Hoài Thanh vẫn cố níu lấy tâm tưởng của mình về thơ mới, về quan niệm “con người muôn thuở, văn chương muôn thuở”, mà đối với ông có sức quyến rũ rất ghê và rất có giá trị… Tác giả TNVN đã bị dằn vặt cả một chặng đường dài, để từ “tỉnh một nửa, đến tỉnh hẳn”. Đến một lúc Hoài Thanh nhìn nhận sai lầm lớn nhất trong đời, trước tháng Tám 1945 là “thoát ly cách mạng, lấy văn chương làm nơi lánh nạn, vùi đầu vào chuyện không đâu để trốn tránh trách nhiệm…”

Và đây là lúc Hoài Thanh đã thực sự bị tẩy não, Hoài Thanh kiên quyết phủ nhận con người cũ của mình. Có lúc Hoài Thanh đã cúi đầu nhận tội trước đảng CSVN về quãng đời trai trẻ của mình, một sự tự buộc tội, có vẻ là… “bị bức cung”:

“Trong tuổi thanh niên, tôi không phải không cảm thấy cái nhục làm nô lệ cho giặc ngoại xâm, tôi cũng muốn cất đầu lên. Bị giặc đạp xuống, tôi mất tinh thần nhưng vẫn chưa chịu cúi đầu hẳn. Tôi vẫn muốn cất đầu lên thấp hơn lần trước một ít. Nhưng cứ mỗi lần cố cất đầu lên thì lại bị chúng nó đạp xuống sâu thêm một tầng nữa. Và cứ thế cho đến lúc tôi không còn đủ sức cất đầu lên nữa…” (lý lịch khai trong học tập bảo vệ đảng, ngày 24-5-1970 - di cảo viết tay).

Người đọc, không ai hiểu Hoài Thanh đã “cố cất đầu lên” như thế nào, và đã bị “giặc ngoại xâm đạp xuống” ra sao. Tôi thấy trong thời kỳ cải cách ruộng đất không có người địa chủ nào tự nhận tội như Hoài Thanh của TNVN.

Thi Nhân Việt Nam, như nhận định của nhà văn Đặng Thái Mai, “… tập sách chưa thể nói là đã có một lập trường vững chắc và phương pháp biên soạn chưa phải là đã thật sự khoa học, cách đánh giá các tác phẩm thơ xuất bản trong mười năm 1930 - 40 cũng đang dành phần đất khá rộng để thảo luận. Người viết sách rõ ràng đã bị giới hạn về nhiều phương diện trong khi trình bày một tập văn tuyển khá phức tạp như vậy…” (tạp chí Văn Nghệ, 10.4.1982).

Thi Nhân Việt Nam, tự thân là một tác phẩm văn học, và cái công của Hoài Thanh, Hoài Chân là đã tuyển chọn được số đông những nhà thơ của một trào lưu đổi mới trong thi ca Việt Nam. Tác phẩm này đã là nguồn cảm hứng cho giới văn nghệ sĩ và những người yêu thơ qua mấy thế hệ từ thập niên 40 đến nay.

Xét về nội dung, khi thực hiện tác phẩm TNVN, Hoài Thanh cho rằng: “chừng 40 người có thơ trích trong quyển này, may mắn ra 4 người sẽ có tên lưu truyền hậu thế!”.

Bảy mươi lăm năm sau cho thấy, không phải chỉ có 4 người, mà có đến hơn 14 người tên tuổi đi vào văn học: Xuân Diệu, Cù Huy Cận, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Quách Tấn.

Hoặc được hậu thế nhắc nhở như Vũ Đình Liên, Thanh Tịnh, Nguyễn Vỹ, Tế Hanh, Thái Can, Thâm Tâm,  Nguyễn Nhược Pháp, T.T.K.H. 

Cũng như tất cả mọi cuộc “thi tuyển” hoa hậu, chạy đua Marathon, phải có một số người “làm sàn” cho những tài năng nổi bật xuất hiện, trong TNVN đã có khoảng 30 nhà thơ được chọn “làm sàn”. Cho đến 75 năm sau nhiều tên tuổi này hãy còn xa lạ, thậm chí chưa hề hay biết tới.

Một góc nhìn khác về nội dung TNVN, những “lời bình” về tác giả và những bài thơ trích đăng, có những lời bình rất thấu đáo, có những lời bình hơi sơ sài, có lẽ do từ sự cảm xúc của người đọc thơ, bình thơ… nhưng nói chung những lời bình ấy có thể gọi là những bài văn thấu đạt.

Riêng bài tựa “Một Thời Đại Trong Thi Ca”của tác giả Hoài Thanh là một tiểu luận được trình bày rất công phu, có giá trị văn học cao và với giọng văn thu hút.
Có lẽ quyển sách này được biết đến nhiều nhất, rộng rãi nhất, không phải ở miền Bắc, “quê hương” của tác phẩm mà là ở muền Nam, sau năm 1954, khi đất nước chia đôi, dưới hai thể chế chính trị Quốc Gia và Cộng sản.

Bài viết này, như tựa đề, chúng tôi chỉ làm công việc đọc lại một tác phẩm văn học được lưu hành từ hai phần ba thế kỷ qua. Đọc để tìm về với những nhà thơ một thời làm say đắm mấy thế hệ tuổi trẻ yêu thơ. Đọc để nhìn nhận được lòng say mê nhiệt thành thơ mới và tâm huyết của tác giả TNVN ở thời kỳ văn nghệ tư do nhân bản. Đọc để chia sẻ và thông cảm với Hoài Thanh, đã trải qua gần cả cuộc đời, đã phải chịu đựng những hành hạ, nhục nhằn khi phải phủ định tác phẩm của mình, đến cuối đời vẫn chưa nói lên được nỗi ấm ức vào giờ phút lâm chung.

(*) Từ Sơn, Lời Cuối Sách.

“Lời Cuối Sách” của Từ Sơn là một tiểu luận, đúc kết khá đầy đủ quá trình biên soạn TNVN và những hệ lụy suốt một đời người của tác giả quyển sách này. Sau khi trình bày khá cặn kẽ những gì Hoài Thanh nói, Hoài Thanh viết, những lời dặn dò, những di cảo của Hoài Thanh, Từ Sơn mới cho biết, ông chính là con trai của tác giả Thi Nhân Việt Nam. 
Từ Sơn hình như là người luôn luôn chia sẻ những vui buồn với cha mình, trước những diễn biến dưới một “thời đại” thi ca đổi mới, mà những áp lực chính trị đã hủy hoại lòng nhiệt thành hăm hở của Hoài Thanh, biến ông thành một kẻ “nửa đời sau lại vị người ngồi trên”. Và khi tỉnh lại, sau cơn mê thời thế, để thấy tất cả những gì Hoài Thanh gầy dựng đã tan vào hư vô, như đoạn thơ chân dung của Xuân Sách mô tả Hoài Thanh: 

Vị nghệ thuật nửa cuộc đời
Nửa đời sau lại vị người ngồi trên
Thi nhân còn một chút duyên
Lại vò cho nát lại lèn cho đau

Bình thơ tới thuở bạc đầu
Vẫn chưa thể tất nổi câu nhân tình
Giật mình mình lại thương mình
Tàn canh tỉnh rượu bóng hình cũng tan.

Song Nhị
California 2/2015


Monday, February 9, 2015

SÀI GÒN MƯA VẪN RƠI CỦA PHONG THU



Vài Nhận Định nhân đọc tập truyện song ngữ
SÀI GÒN MƯA VẪN RƠI CỦA PHONG THU

Sài Gòn với người dân miền Nam là tiếng gọi thiêng liêng, thân thương như máu thịt dù đang ở bất cứ nơi nào trên trái đất. Không chỉ những người con của Sài Gòn sinh ra và lớn lên, nối tiếp dòng sinh mệnh từ bao đời của cha ông tiên tổ mà cả những người dân từ mọi miền đất nước, từ Quảng Trị đến Cà mau tới đó lưu cư, hít thở không khí an lành trong hơn hai mươi năm tồn tại của thể chế Miền Nam Tự Do. Khi xa Sài Gòn, không ai khỏi quặn lòng thao thức, nhớ về núm ruột của quê hương.
Trong hơn ba trăm năm lịch sử từ Sài Côn, Bến Nghé đến Hòn Ngọc Viễn Đông, đã có biết bao nhiêu những áng văn, thơ, nhạc viết về Sàigòn, viết về những bước đi lớn mạnh, về những thăng trầm buồn vui của Sài Gòn theo vận nước.
Sài Gòn ngày nay là tên gọi trìu mến trong trái tim dân Việt từ Bắc chí Nam. Tháng Tư 1975, trong cơn lũ nghịch thường, ngọn sóng chủ nghĩa ngoại lai phi nhân bản ào tới thổi tung, làm bật gốc mọi giá trị đạo lý truyền thống. Sài Gòn đổi chủ, mất tên. Hàng triệu người con Sài Gòn lưu lạc. Từ đó xuất hiện một trào lưu thơ văn hoài niệm tưởng tiếc, thương cảm thành phố thân yêu phải sa vào cảnh sống luông tuồng bệnh hoạn dưới một xã hội đảo ngược mọi tôn ti.
Nhà văn Phong Thu, một cây bút thành danh tại hải ngoại, tiếp cận với thực trạng xã hội Việt Nam sau cuộc đổi đời, đã gởi gắm tình cảm cùng nỗi xót xa ngậm ngùi qua những tác phẩm tiêu biểu “Sài Gòn Một Thuở Hẹn Hò”, “Sài Gòn Mưa Vẫn Rơi”, “Tiếng Khóc Trong Đêm Mưa”, “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên”, “Mưa Hạ”, “Bác Khải”....

Phong Thu đã có nhiều tác phẩm đóng góp cho Văn Học hải ngoại, trong đó thể loại truyện ngắn được xem như một sở trường thành công nhất. Bên cạnh đó là những tản văn, tiểu luận và những bài quan điểm, nhận định sắc bén, tình tiết bất ngờ, lối văn chải chuốt, bố cục chặt chẽ, lôi cuốn…
Với bút pháp tự sự, khi sống lại với Sài Gòn, tác giả đã lột trần bộ mặt thật xã hộ mới, phơi bày những cảnh ngộ bi đát, những mẩu đời tận cùng bất hạnh trong cuộc săn đuổi truy lùng từ kẻ bần cùng đến giới trí thức không chịu khép mình trong mọi bức bách của chế độ mới. Họ là những ai? Vì sao họ luôn bị xã hội ruồng bỏ, săn đuổi như kẻ tử thù? Vì sao họ không có đất dung thân trên chính quê hương mình? Tác giả đã trình diện những “tội phạm” tiêu biểu này trong muôn một nạn nhân của chế độ sau ngày đất nước thống nhất.
- Đó là Thông - con của một vị tướng cộng sản đã hy sinh trên chiến trường, là một kỹ sư cán bộ bản tánh liêm chính, cương nghị đã mạnh dạn tố cáo hệ thống tham nhũng trong cơ quan nên bị trù dập, tù đày đến thân tàn ma dại. Khi anh ở tù, bé Mai, đứa con gái chín tuổi phải đi bán báo để giúp mẹ nuôi em. Ngày anh ra tù, anh đã biến thành một gã hành khuất không còn trí nhớ. Trên bước độc hành đói lạnh, anh chỉ còn biết gọi tên bé Mai, con gái của anh đã chết trôi trong cống nước, trong một trận mưa Sài Gòn.
- Đó là Lão Đồng, một sản phẩm của chế độ cũ. Chế độ mà người cộng sản thù ghét và muốn huỷ diệt tất cả: tài sản, văn hóa, tín ngưỡng, tâm trí, trái tim, tình cảm... Lão đã sống sống cô độc, đói rét, roi vọt, hành hạ trong các trại tù cải tạo non một phần tư thế kỷ. *(Sài Gòn Mưa Vẫn Rơi)
 - Đó là những thanh niên nam nữ của Sài gòn tuổi mười tám đôi mươi, mặc áo thun có in những hàng chữ U.S.A và lá cờ Mỹ quốc, chen chung trong đoàn người mặc áo in cờ đỏ sao vàng và những hàng chữ nổi bật Hoàng Sa - Trường Sa, sau lưng trước ngực.
- Đó là lớp trẻ hôm nay đã vượt qua mọi sự sợ hãi, bật tung sự kiềm tỏa của nhà cầm quyền, đứng lên đòi hỏi kẻ thù Phương Bắc phải dừng tay giết hại đồng bào và xâm chiếm bờ cõi Việt Nam. Và họ đã bị đánh đập tù đày vì lòng yêu nước!
- Đó là những kẻ ăn mày nghèo khổ, những người dân lao động lam lũ, vất vả lặn lội trong nắng mưa để tìm một bữa ăn. *(Sài Gòn Một Thuở Hẹn Hò)
 - Đó là những gia đình “tư sản mại bản”, tài sản bị tịch thu, bị đuổi đi vùng kinh tế mới thiếu thốn, đói khổ. Cha mẹ chết vì bệnh tật, con cái phải đi ở đợ cho cán bộ, bị cưỡng bức tình dục, bị hành hạ đánh đập rồi bị đuổi đi, sống bơ vơ, cùng cực...   
- Đó là những trẻ em tám chín tuổi, thân hình còm cõi, áo quần nhàu nát dơ bẩn rách rưới hằng đêm co ro dưới mái hiên của lề đường, tiệm phở.... đứa bán vé số, đứa lượm ve chai, lượm rác... đầy đường phố, khắp nơi nơi, không đếm xuể. *(Tiếng Khóc Trong Đêm Mưa).
Sài gòn sau năm 1975, Sài Gòn dưới chế độ mới là như thế ấy, nhưng với Phong Thu “...Sài Gòn vẫn làm ai đó nhớ nhung như một người tình. Nơi đó, có biết bao người gởi lại những kỷ niệm đáng nhớ của một thời tuổi trẻ sôi nổi yêu thương, những tháng ngày bình yên và những niềm đau khổ mất mát mà họ đã từng trải nghiệm…. Người ra đi vẫn trở về Sài Gòn để tìm kiếm một cái gì nơi ao tù nước đọng ấy. Người ra đi vẫn không khinh rẻ chốn quê nghèo. Trong khi những người ở lại, lại ước mơ một ngày rời khỏi vùng đất nhầy nhụa ấy, đi xa thật xa đến một nơi cùng trời cuối đất nào đó để trốn chạy loài người...” (Tiếng Khóc Trong Đêm Mưa).
Cũng như Thạch trong truyện “Tiếng Khóc Trong Đêm Mưa”, chúng ta xin hẹn cùng tác giả và tất cả những người con xa xứ: “Ta sẽ về, Sài Gòn ơi! Hãy chờ ta nhé!”

Song Nhị
Tháng Tư, 2011


Saturday, February 7, 2015

HAI MƯƠI NĂM CỘI NGUỒN



Nhìn Lại Một Chặng Đường Văn Học

Kể từ ngày “đặt viên đá” khởi đầu cho sinh hoạt của Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn đến nay, khi bước sang năm 2012, và năm 2013 đang ngấp nghé phía trước Cội Nguồn đã đi được những bước đi vững chãi trong 20 năm liên tục với những thành tựu đáng khích lệ.

Trong tuyển tập Kỷ Yếu “5 Năm Văn Học Cội Nguồn” ấn hành năm 2000, chúng tôi đã bộc bạch cùng độc giả và bạn hữu về chặng đường ngắn ngủi 5 năm trong hành trình lịch sử vô tận của dân tộc.

Từ năm 1993 đến nay, suốt hai thập kỷ, đoạn đường đã bước qua và con đường sẽ đi tới vẫn cùng một mục đích mà Cội Nguồn đã đặt định hướng tới. Tôn chỉ, mục tiêu của Cội Nguồn đã được khẳng định từ 15 năm trước qua bài Quan điểm “Năm Năm, Một Chặng Đường Văn Học” cho dấu mốc kỷ niệm 20 Năm Văn Học Cội Nguồn, với phần tóm lược thành quả gần 20 năm sinh hoạt của các văn thi hữu và thân hữu Cội Nguồn trong suốt thời gian qua.

**
15 năm, hay 20 năm cũng chỉ là một giây phút ngắn ngủi so với chiều dài Năm Ngàn Năm Lịch Sử của dân tộc. Năm ngàn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước đó cũng là năm ngàn năm hình thành, tạo dựng và phát triển của nền văn hóa và văn học nước nhà. Kể từ mấy tác phẩm hiếm hoi bằng chữ Hán vào đời nhà Triệu (năm 207 - 111 trước Tây lịch), thời thượng cổ:

- Thư Triệu Vũ - vương Đà trả lời Hán Văn đế.
- Chiếu của Triệu Vũ- vương cáo cùng thần dân, và Hịch của Tể tướng Lã Gia kể tội mẹ con Cù - thị Triệu Ai- vương, đến một kho tàng văn học ở thế kỷ 19 và thế kỷ 20, các bậc tiền nhân đã để lại một gia sản tinh thần đồ sộ, quý giá: Hịch Tướng Sĩ, Bình Ngô Đại Cáo, bài tứ tuyệt của Lý Thường Kiệt như một bản tuyên cáo, một tuyên ngôn độc lập:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhử đẳng hành khan thủ bại hư.

Nền Văn Học đó tiếp nối theo chiều dài lịch sử với dòng văn chương cô đọng, trong sáng qua Đoạn Trường Tân Thanh, khơi động não nùng trong Cung Oán Ngâm Khúc. Lục Vân Tiên, một kho tàng đồ sộ của từng thế hệ tiếp nối từ thời buổi yên ổn quang vinh cũng như giữa lúc biển dâu bất hạnh.

Quy luật tiến hóa tự nhiên tác động lẽ sinh tồn dân tộc đã buộc thời đại Hán Nôm – một thời vang bóng chịu nhường bước cho trào lưu văn hóa phương Tây, một giao điểm hội tụ giữa cũ và mới, không nặëng tính chất loại trừ, tiêu hủy mà tương tác hài hòa, lọc lựa, ổn định thế đứng nhằm góp sức, góp lòng khai quật, khám phá những tinh túy tư duy, truyền thống đạo lý, tiếp tục định hình, định tính, nâng văn học lên tầm mức cao sang.

Nhân tố thúc đẩy hình thành chữ quốc ngữ La tinh như một thừa hưởng kết quả tích cực, quý giá của đất nước. Song hành với sự hiện diện của đoàn người lạ mặt, khác màu da đã tạo dựng ảnh hưởng cuộc sống thực tại tiếp cận cái mới bằng nhãn quan mới soi rọi vào tư duy những nghìn năm khép kín giữa màu xanh lũy tre làng quen thuộc và màu vàng đục bùn lầy, đồng chua nước mặn.

Nhóm Tự Lực Văn Đoàn, cùng nhiều tác giả thơ văn khác đã khai mở giai đoạn nối liền quá khứ với hiện tại bằng quan niệm và ý thức muốn đổi thay nề nếp và mẫu mực phong kiến. Trào lưu lãng mạn nổi bật - một luồng gió mát dịu thổi tới giữa môi trường oi bức ngột ngạt, được đón nhận nồng nhiệt.

Cái gọi là “cách mạng mùa thu” 1945, chối bỏ toàn bộ, kể cả quan điểm thẩm mỹ văn chương và đạo lý căn bản truyền thống dân tộc, vốn không ngừng phát huy và cần được bảo vệ. Lý thuyết và tư tưởng vô sản quốc tế được áp đặt. Thay vì xua đuổi, loại trừ kẻ lạ mặt da trắng thực dân, tập đoàn vô sản lại rước về một chủ thuyết lạ mặt da trắng khác còn trăm lần hung bạo, độc ác hơn kẻ thù cũ, gây nên cảnh “nồi da xáo thịt,” tan tác, đổ vỡ, khốn cùng suốt 30 năm chinh chiến. Và sau 37 năm thông đường Nam Bắc, đất nước trên 80 triêu người dân và 3 triệu con người mang thân phận lưu vong khắp năm châu đã thấy rõ hơn bao giờ hết, tập đoàn thống trị hiện tại tự tố cáo là tay sai, tình nguyện làm kẻ trung thành của đế quốc đỏ lỗi thời, không tưởng.

Từ lịch sử sang trang, tháng 4 năm 1975, Một cuộc vượt thoát khỏi bàn tay sắt máu của kẻ tàn ác, khỏi gông xiềng Mác-Xít có một không hai trong lịch sử nhân loại, với hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn đến triệu con người, và biết bao nhiêu sinh mệnh rủi ro, vùi xác dưới đáy biển Đông, hoặc trên những nẻo đường núi rừng thâm sâu biên giới.

Bỏ nước ra đi, hành trang mang theo duy nhất là ngôn ngữ của mẹ Việt Nam, huyết thống giống nòi và tình tự dân tộc với quyết tâm duy trì và bảo vệ những truyền thống văn hóa Việt Nam cao quý.

Từ nguồn cảm hứng dạt dào, bất tận nơi xứ người, cùng với khả năng sáng tạo phong phú, hàng ngàn tác phẩm văn học ngôn ngữ Việt lần lượt ra đời. Từ luồng ánh sáng tự do chiếu rọi, văn học Việt Nam hải ngoại ngày càng phát triển lớn mạnh. Một thế hệ cầm bút mới đang sẵn sàng kế thừa, đáng tin cậy, vẫn giữ gìn trọn vẹn tiếng nói quê hương, hòa đồng với hàng trăm ngôn ngữ khác nơi lục địa đa văn hóa, mênh mông này.

Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn, 20 năm qua, tuy đến sau, theo muộn, đã đem hết thành tâm thiện chí, đóng góp khả năng hạn hẹp của mình vào sự nghiệp chung của cộng đồng, cùng chung lý tưởng, cùng mục đích bảo vệ bản sắc văn hóa và đạo lý dân tộc, tình tự quê hương.
20 năm, một chặng đường đi tới bằng vốn liếng tự lực tự cường, cùng với ý chí tự tin và lập trường khẳng định nhất quyết không chấp nhận thứ văn học Mác Xít phục vụ thể chế độc tài, đấu tranh giai cấp, phi nhân, hủy diệt mọi giá trị tinh thần của dân tộc và nhân loại.

20 năm qua, nhiều tác phẩm xuất xứ từ Cội Nguồn đã được bạn đọc nồng nhiệt đón nhận vừa khích lệ, tán đồng; vừa chân thành góp ý xây dựng. 20 năm qua, một số đông đảo văn thi hữu và thân hữu gần xa từ trong nước ra hải ngoại, khắp các lục địa Hoa Kỳ, cũng như nhiều quốc gia khác như Canada, Úc, Pháp, Bỉ, Na Uy, Nhật v.v… đã đến với Cội Nguồn, đã hứa hẹn cùng nhau bước đi trên con đường đã vạch. Phương tiện là ngòi bút và hành trang là tấm lòng với đất nước quê hương đã biểu lộ sức mạnh, với tinh thần vươn tới, chưa bao giờ mỏi mệt, giẫm lên mọi khó khăn thiếu thốn để tiếp tục bước đi trên con đường vạn dặm với ước mong ngày về điểm hẹn, đón chào bình minh rạng rỡ của quê hương tổ quốc.

Con đường mà Cội Nguồn lựa chọn và đang đi chắc chắn sẽ đến đến nơi từ đó ra đi khi hơn 80 triệu đồng bào một thịt thoát khỏi cơn ác mộng bạo lực Cộng sản cuối cùng trên hành tinh của nhân loại 

Cội Nguồn/ 8-2012

15 năm, Cội Nguồn



Soi Rọi, Kiểm Điểm, Khẳng Định, Hoàn Thiện Chính Mình.













DIÊN NGHỊ
Tháng Tư lại đến. Tháng Tư khơi động ray rứt vết thương quá khứ đã hơn ba thập niên qua, trong từng bản thân tị nạn trên khắp miền đất tạm dung. Khi xác nhận hàng triệu người miền Nam tự do phải xa lìa quê hương đi tị nạn, đang có mặt nơi chốn tạm dung, cũng hàm ý sẽ có lúc trở về bằng ý chí, sức mạnh đấu tranh, lấy lại những gì đã mất.

Xuất phát từ quan niệm và ý thức vai trò tị nạn, chúng tôi, một số công dân miền Nam từng trải đoạn đường đày đọa giữa quê hương, khi gặp nhau tại thành phố San Jose, đã đồng lòng tham gia sinh hoạt sáng tác thơ văn, trong cùng tổ chức, dưới danh xưng “Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn”, và nhà thơ Song Nhị đảm nhiệm Trưởng Điều hành, điều hợp từ tháng Tư -1995.

Ngày qua tháng lại, thấm thoắt đã 15 năm. Khởi đi từ những bàn tay trắng, chỉ có thơ văn đóng góp in thành tuyển tập, cung cấp bài viết cho một vài tờ báo bạn, rồi như một cơ duyên Cội Nguồn dần dà nhận được những tác phẩm của nhiều tác giả gần xa gửi đến, gợi ý được xuất bản dưới danh nghĩa Cội Nguồn.

Từ tản mạn những bài viết cho báo chí, đặc san, Cội Nguồn đã được giao phụ trách trang Văn học Nghệ thuật hàng tuần trên Việt Nam Thời Báo của chủ nhiệm Vũ Bình Nghi từ năm 1998, đồng thời cũng phấn đấu hoạch định, tiến tới hình thành Tạp chí Nguồn – tạp chí Nhận Định, Phê Bình, Văn Học Nghệ Thuật - phát hành ngày 15 mỗi tháng từ tháng Tư  2004 với Ban Chủ trương và biên tập khá hùng hậu. Ngoài ra, trang báo điện tử cội nguồn cũng góp mặt thường trực, song hành với những sinh hoạt khác.

Cội Nguồn cũng đã tổ chức hoặc bảo trợ những buổi “Ra Mắt Sách” cho nhiều tác giả tại Hoa Kỳ, tiêu biểu như cuốn Nguyễn Khoa Nam do Hội Phát Huy Văn Hóa VN ấn hành, cuốn Dòng Họ Ngô Đình - Ước mơ chưa đạt của Nguyễn Văn Minh, cuốn Ngã Tư Hoàng Hôn của Văn Quang, cuốn Cung Oán Ngâm Khúc (bản dịch và chú thích của GS Nguyễn Ngọc Bích...). Một số tác giả đến từ các nước khác: nữ nghệ sĩ Bích Thuận, GS Vũ Ký (từ Bỉ), cuốn Biên giới Việt Trung của Ngô Quốc Dũng và cuốn Tự điển Pháp luật của Lê Đình Hồ (từ Úc) v.v.. cùng với hàng chục buổi tổ chức RMS và bảo trợ cho các tác giả tại địa phương.

15 năm qua, 45 tác phẩm đủ thể loại đã được ấn hành, hàng ngàn trang viết chuyên đề văn học nghệ thuật trên nhật báo Thời Báo và 50 số tạp chí Nguồn đã đến với bạn đọc. Hàng trăm người cầm bút và bạn hữu quan tâm đã hợp tác, tham gia các sinh hoạt của Cội Nguồn. Hàng trăm ngàn độc giả đã thường xuyên theo dõi, đọc và viết cho tờ báo mạng www.coinguon.us (do bị hacker đột nhập, nay chuyển sang địa chỉ http://www.coinguon.asia)
Tạp chí Nguồn, ngay từ Số Một đã được Thư viện Cornell University, New York và thư Viện Salt Lake City Library, tiểu bang Utah là “độc giả” dài hạn. Vừa mới đây Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ đặt mua 50 số tạp chí Nguồn (từ số 1 đến số 50 và các số kế tiếp) để đưa vào văn Khố Sưu Tầm Và Lưu Trữ Các Tác Phẩm Văn Học khu vực Đông Nam Á, cùng với trên dưới 20 tác phẩm Cội Nguồn xuất bản đã có trong văn khố từ nhiều năm trước. Đồng thời Tạp chí Nguồn (kể từ số 1) cũng đã được Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ cấp số lưu ký thư mục (tiêu chuẩn quốc tế) ISSN 2157-6440.

Những con số thống kê này ắt hẳn chưa nói lên đủ giá trị chất Văn Học Nghệ Thuật dàn trải, tiềm tàng, lấp lánh trong từng trang viết, sau từng dòng chữ mà chúng tôi nghĩ, bạn đọc là thẩm quyền định tính và nhận xét trung thực nhất.

Thành quả này tuy khiêm tốn, nhưng rõ ràng thể hiện phần đóng góp của Cội Nguồn cho sự nghiệp đấu tranh mọi mặt của cộng đồng tị nạn, để sớm hoàn thành sứ mạng trở về.

Đề cập đến kết quả của tổ chức, mà không nhắc tới tác nhân trách nhiệm hoàn thành, e rằng khiếm khuyết đáng tiếc. Chúng tôi xin thưa cùng quý vị ý kiến hầu như thống nhất của Cội Nguồn: “Nếu không có nhà thơ Song Nhị thì sẽ không có những may mắn đến ngày nay”. Thật vậy, Song Nhị, mẫu người tháo vát, tận tụy, đam mê, chịu học hỏi, lại chuyên tâm kỹ thuật nên một mình đã thực hiện được tất cả. Từ viết bài, chọn bài, chọn sách đến trình bày... Từ xấp giấy trắng trở thành tác phẩm, tạp chí kinh qua bàn tay, trí lực của một người.

Nếu một người không tôn thờ, ấp ủ một lý tưởng cao cả thì không thể biểu lộ được tinh thần dấn thân và sức cống hiến tràn đầy như vậy. 15 năm qua, vừa sinh hoạt, vừa học hỏi, Cội Nguồn đã lấy truyền thống đạo đức, trật tự Nho giáo làm kim chỉ nam, lấy tương thân tương kính làm phép tắc ứng xử xã hội, đề cao thiên chức người cầm bút, cố gắng rèn luyện để tránh sự quyến rũ, mê hoặc bởi cái bã lợi danh nhất thời, phù phiếm. Không sợ hãi bạo lực cường quyền, và tuyệt đối trung thành với Lẽ Phải và Sự Thật.

15 năm qua, có may, có rủi, có vui, có buồn, Cội Nguồn đã đón tiếp các hiền nhân quân tử, văn nghệ sĩ, bè bạn bốn phương. Một số gần gũi với Cội Nguồn trong những buổi đầu nâng ly rượu Đào Viên thân mật, phấn khởi; nhưng cũng có bạn đến rồi đi vì lý do riêng tư nào đó...

Cội Nguồn, một tổ chức Bất Vụ Lợi, không đặt ra tiêu chuẩn ràng buộc hội viên. Đến với CN kể cả yểm trợ, giúp đỡ CN hoàn toàn tự nguyện và không có một trao đổi qua lại nào.

Cội Nguồn cũng không chủ trương vận động hội viên gia nhập, không thu nguyệt liễm. Một bạn hữu tuy đã ra di, không còn đồng hành với CN tiến lên phía trước, nhưng CN không bao giờ dám nghĩ “con người đi ra từ ngõ VHNT dễ dàng qua đêm đã biến bạn thành thù!”. CN vẫn một lòng sau trước, vẫn truyền thống dung thông:

“Đã trót tương phùng trong một quán
Dẫu trà ôi, rượu nhạt cũng là duyên...”

Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, khoảng ba tuần lễ trước ngày xẩy ra trò vu vạ do bạo quyền Hà Nội giàn dựng, đã tha thiết nói với Cội Nguồn: Xin chấp nhận cho bà trở thành hội viên thường trực của Cội Nguồn. Con người nữ nhi bất khuất ấy, nói ngắn gọn mà chúng tôi cảm nhận được thật dài về lòng thành của một cây bút anh hùng đã tìm ra nơi tin cậy.

Thi Hào Nguyễn Du dựng nhân vật Thúy Kiều, hồng nhan đa truân, hoa trôi bèo giạt, nghiệt ngã tận cùng, nhưng đã được kết thúc trong vòng 15 năm bằng mối tình thủy chung, siêu lý tưởng hiếm có.

Với Cội Nguồn, 15 năm, chỉ một đoạn đường. 15 năm không dài, cũng không quá ngắn, 15 năm đã soi rọi, kiểm điểm, khẳng định, hoàn thiện chính mình.

15 năm qua, mỗi thành viên tự nguyện của CN đã lượng sức mình, khai đào được những vũng nước nhỏ với khát vọng đi ra biển lớn. Quý vị ân nhân, mạnh thường quân, bạn đọc, bạn viết đã đưa bàn tay hào hiệp tiếp sức để Cội Nguồn vững bước đi đến hôm nay.
15 năm ấy biết bao nhiêu tình”. Tình của quý vị, quý bạn dành cho Cội Nguồn không thể đo đếm nổi, tình đã thẩm thấu vào từng buồng tim, tế bào thành kích thích tố thúc đẩy chúng tôi tiến lên cùng ngọn trào tị nạn. Chúng tôi xin thành tâm nổ lực hơn để đáp tạ thịnh tình của quý vị và các bạn.

Qua chặng dừng 15 năm, Cội Nguồn lại tiếp tục lên đường. Chúng tôi mang theo hành trang mới: tác phẩm “Nửa Thế Kỷ Việt Nam” – bút ký, tự truyện của Song Nhị đã được quý vị thương mến, đón nhận. Chúng tôi sẽ đi tới bằng tín hiệu của niềm tin và hy vọng đó. 

 Diên Nghị 

(Bài phát biu tại San Jose ngày 11- 4
và Westminster 22-8-2010)



Monday, February 2, 2015

HỌP MẶT MỪNG NĂM M ỚI VÀ PHÁT HÀNH TẠP CHÍ NGUỒN



HÀ VIẾT TỊNH tường thuật













Ngày 1 tháng 2/2015, tại CLB Báo Chí T/P San Jose, Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn họp mặt mừng năm mới và phát hành Nguồn Magazine Xuân Ất Mùi. Buổi họp mặt ngoài các tác giả,văn thi hữu còn có sự hiện diện của Luật Sư/tân Nghị Viên Nguyễn Tâm, cô Madison Nguyễn, nguyên Phó Thị Trưởng T/p San Jose, LS Nguyễn Hữu Thống và phu nhân, LS Nam thị Hồng Vân, BS Nguyễn Thanh Xuân, tức nhà thơ Đông Nghi, nguyên Thư Ký Toà soạn Nguồn trong nhiều năm. Ngoaì ra còn có sự hiện diện của nhân sĩ Nguyễn Đức Chung, LS Ngô Văn Quang, các chiến hữu Lực Lượng Sĩ Quan Thủ Đức, nhà văn Thanh Thương Hoàng, cựu chủ tịch Nghiệp đoàn Ký Giả Việt Nam (đệ Nhất và đệ Nhị VNCH), Nhạc sĩ Phạm Mạnh Đạt, Hoạ sĩ Đào Hải Triều, cùng một số ân nhân, các nhà thơ nhà văn,bạn đọc và thân hữu của Cội Nguồn.

Số khách mời giới hạn dưới 100 người. Mấy văn thi hữu trong BBT bị vướng mùa cúm, lại trùng hợp vào “ngày hội” SuperBall nên có một số khách vắng mặt.

Buổi sinh hoạt diễn ra trong không khí vô cùng ấm cúng, thân mật.
Mở đầu, nhà báo Lê Văn Hải, Chủ nhiệm CLB Báo Chí, thay mặt BTC chào mừng quan khách và điều khiển chương trình, nghi thức khai mạc. Nhà văn Diên Nghị giới thiệu quan khách hiện diện. Nhà văn Song Nhị, chủ nhiệm, chủ bút Nguồn được giới thiệu lên diễn đàn ngỏ lời cùng cử tọa, với nội dung bài phát biểu sau đây:
…………..
…………..


- Xin thưa, đây là một buổi họp mặt thân tình, đón mừng năm mới. Và cũng để nhân dịp này chúng tôi muốn được gặp gỡ quý vị, các tác giả, ân nhân, bạn đọc và những người bạn thân thiết của Cội Nguồn và tạp chí Nguồn, để bày tỏ lòng tri ân của chúng tôi đến quý vị đã dành cho Nguồn sự yểm trợ từ nhiều năm qua.
Tạp chí Nguồn hôm nay còn hiện diện trên văn dàn hải ngoại chính là nhờ sự yểm trợ thiết thực của quý vị.
Trong thư tòa soạn trên số báo, chúng tôi đã bộc bạch, trần tình cùng quý vị và bạn đọc về một chặng đường dài mà chúng tôi cùng TC Nguồn đã bước qua năm thứ 11.
Vừa qua sau một thời gian thăm dò để chuyển giao Nguồn cho một BBT khác, bên vùng Hoa Thịnh Đốn, trong một buổi họp mặt đầu tháng này, tất cả BBT quyết định duy trì Nguồn như hiện trạng và sẽ ấn hành mỗi năm từ 2 đến 4 số báo. Vì vậy hôm nay có cái hộp “Tấm Lòng” của độc giả để trước bàn.

Kính thưa quý vị, đã 40 năm chúng ta rời xa quê hương, sống tỵ nạn tại Hoa Kỳ, anh em chúng tôi, nhóm thi văn Cội Nguồn đã sinh hoạt 20 năm, trong đó có 10 năm ấn hành tạp chí Nguồn. Và hiện nay, Nguồn là một trong những tạp chí VHNT hiếm hoi còn lại.
Trung thành với tôn chỉ, mục đích từ đầu, tạp chí Nguồn vẫn đi theo đường hướng đã vạch, tiếp tục đi lên. Nội dung Nguồn số 55 là một tập hợp bài vở của những cây bút đầy tâm huyết với văn chương nghệ thuật, và với quốc gia dân tộc.

Trong số báo này, chúng tôi xin ít phút giới thiệu sơ lược nội dung vài bài viết tiêu biểu thể hiện điều vừa nói.

Trước hết là tác giả Nguyễn Ngọc Già, một cây bút hiện đang ở trong nước, năm 1975, ông còn là một vị thành niên, trong một gia đình VC nằm vùng, có cha đi tập kết ra Bắc,
Là người chứng kiến tận mắt biến cố lịch sử 30-4-75, đến nay hiện ở tuổi 50, sau 40 năm nhìn lại, ông mô tả một cách thấu đáo thực trạng VN như sau: 

Sài Gòn vào những năm đó, như trong bàn tay đạo diễn phim kinh dị với thủ pháp nghệ thuật thể hiện độc đáo, ghê rợn, rùng mình báo hiệu cho "khán giả" dấu hiệu chết chóc lừng lững đến gần, do hàng đàn ma quỷ chuẩn bị đội mồ hiện lên, trong khi người dân trong phân cảnh đó không hề hay biết... Những Sự Thật không thể chối cãi vào lúc bấy giờ trong "Bộ phim kinh dị" mà lại có thật.

Nói về lá cờ vàng, và cộng đồng hải ngoại, tác giả đưa ra kết luận:
Biến Đổi Không Thể Nào Ngờ - VNCH, với tư cách bên thua trận, đã bị sỉ nhục tàn nhẫn, bằng mọi cách hạ đẳng nhất. Cờ Vàng cũng chịu chung số phận bi đát. Cờ vàng bị dẫm dưới chân người CS.

Nhưng,
Bằng chính nghị lực, bằng chính nỗ lực kiên trì được chắp cánh từ đời sống tự do,  dân chủ, Người Vit Hải Ngoại đã giương cao Quốc Kỳ một thuở. Trong màu vàng óng ánh, những vết bẩn bị cố tình và ác tâm tạo ra năm xưa, NVHN đã gột sạch nó bằng thành công từ chính nội lực, xuất phát từ con tim nóng bỏng, chan chứa dòng máu Việt Nam nồng nàn. Tình yêu quê hương trở nên giản dị.
Giờ đây, NVHN hoàn toàn đủ tư cách ngẩng mặt nhìn đời.

Một tác gỉa khác, nhà thơ nữ Hương Giang, cư ngụ tại Cali đã góp những vần thơ tha thiết dâng mẹ VN, và nói với chúng ta như sau:

Mẹ Việt Nam ơi!
Từ bao giờ chúng con đã quay lưng
với anh em mình, với nỗi đau của mẹ
……….
“Chúng hoàn thành đường băng rồi”
tiếng biển vọng về trong gió xé
Nước mắt mẹ trào cùng bùn đỏ Tây Nguyên
Hai mươi năm sau
mảnh đất này sẽ còn tên hay mất tên
Sao bài thơ tôi hôm nay
toàn những tên người đã chết
……….
Đừng nói với mẹ rằng tự do
đã cúi đầu trước đám đông câm lặng
Dân tộc này sẽ hoài chìm trong bóng đêm
………….
Nắm tay tôi mình dựng lại mái nhà
Nơi bếp lửa mẹ nhen còn ấm
Nơi chàng Gióng vươn vai thành Phù Đổng
Nơi ta nhắm hướng tìm về
sau bão tố phong ba.
…………..
Tựa vai tôi mình cùng nhau bước tới
Nắm tay tôi đi em
Mình đưa Đặng Xuân Diệu về nhà.

- Một tác giả bên vùng Hoa Thịnh Đốn, nhà thơ: Lê Mai Lĩnh, đóng góp bài viết về nền văn học VN Hải ngoại, trong bài Góp ý với nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc,

Tác giả LML viết:
Từ sự chờ đợi, tin tưởng, rồi thất vọng của Nguyễn Hưng Quốc vào 5 tác giả Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Phan Nhật Nam, ông Nguyễn Hưng Quốc gom lại, rồi mạt sát luôn tập thể những người cầm bút. Đã ví các nhà văn hải ngoại như một kẻ thống dâm.

Và tác giả LML lập luận:
Chiến Tranh và Hòa Bình của Tolstoi không mang hết nỗi đau của dân Nga thời bấy giờ. Truyện Kiều của Nguyễn Du không mang hết nỗi đau của người dân thời Hậu Lê, thì không một người cầm bút nào hiện nay có thể mang hết nỗi bất hạnh của dân tộc hậu 30-4-75.
Mỗi người cầm bút, tùy theo hoàn cảnh và vị trí mỗi lúc, mỗi nơi để thể hiện cái nhìn của mình, nói lên nỗi đau của phần mình trong cái đau chung của dân tộc. Rồi đây, nhà viết sử không căn cứ vào ông A hay ông B, mà căn cứ vào toàn bộ nền văn học do nhiều tác giả đóng góp.

Những người cầm bút hải ngoại đang làm vai trò bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam.
Giá Trị Văn Học Hải Ngoại và thành quả rất đáng kể của những người cầm bút, đặc biệt là những người cầm bút trong giới cựu tù nhân. Họ viết, như một cực hình tự chọn, như một sự tự đày đọa thân xác nhưng vẫn thấy hạnh phúc trong cái thú đau thương.

Họ viết, như một bổn phận và trách nhiệm của một người chiến sĩ mà ngòi bút là vũ khí. Họ viết cho một Tương Lai Văn Học Việt Nam. Họ viết, như một chứng nhân lịch sử.

Kính thưa quý vị, đó cũng là những gì mà tập thể Cội Nguồn theo đuổi Nội dung số báo này còn dày cộm với những sáng tác lôi cuốn gồm thơ và truyện. Những bài tham luận; những tài liệu văn học; những tin tức thời sự đáng ghi nhớ - như giải Nobel văn chương, giải Nobel Hòa bình 2015, Nghị quyết của Hội đồng Thành phố San Jose, cấm các phái đoàn CSVN đến thăm viếng, những sinh hoạt VHNT tiêu biểu v.v..,

Đó là món quà chúng tôi xin hân hạnh trao tới quý vị.

Kính chúc quý vị cùng thân quyến an khang, hạnh phúc, thịnh vượng.
Xin mời quý vị cùng nâng ly mừng năm mới và hàn huyên, mừng nhau sức khỏe dồi dào.




Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...