Friday, November 22, 2013

THẦY TÔI


MIÊN THỤY

Tôi vừa nhận đưọc Cáo Phó do anh Đỗ Bình chuyển qua email thông báo đến bạn hữu về sự ra đi bất ngờ của nhạc sĩ Trịnh Hưng, rồi tôi lai nhận tin tiếp từ anh Song Nhi thông báo vừa đăng tải bài viết của NS Trịnh Hưng và mục Cáo Phó lên trang web Cội Nguồn, và theo link của anh Song Nhị vào đọc ....

http://coinguon-vietliterature.org/ hoac
http://www.coinguon-vietliterature.org

Tôi vào trang web xem thử, thấy cũng rất khang trang và dễ tìm các mục tin tức lẫn truyện ngắn và bài viết của những cây bút khá quen thuộc như Tràm Cà Mau, Quan Dương, Cao Nguyên, Xuân Bích, Tô Thùy Yên, Sưong Mai, Âu Tím, Vũ Thị Thiên Thư... Tôi tiếp tục xem tới gần cuối trang, mục này đây đập vào mắt tôi và tò mò tôi mở đọc.

3O THÁNG TƯ
KÝ ỨC BÀI HỌC ĐỔI ĐỜI
SONG NHỊ

Tôi dạy học ở trường Trung Học Phan Sào Nam Sài Gòn từ năm 1966 đến năm 1975, trừ một niên khóa gián đoạn khi tôi vào quân trường Thủ Đức. Vài tuần lễ sau khi cộng sản tiếp thu Sài Gòn, mùi vị cay đắng tôi nếm thử đầu tiên trong cuộc đổi đời ấy là khi tôi tham dự buổi họp bàn giao cơ sở Trường Trung Học Phan Sào Nam Sài Gòn cho “Sở Giáo Dục và Hội Nhà Giáo Yêu Nước” thành phố. Buổi họp, phía “bị cáo” gồm Ban Giám Đốc với Nghị Sĩ Thái Lăng Nghiêm (Hiệu Trưởng), các ông Phạm Thanh Giang (Giám đốc), Phạm Chí Chính (Giám Học), Đỗ Văn Khuôn (Tổng Giám Thị). Một số giáo sư cùng các giám thị, nhân viên văn phòng và lao công... tôi không nhớ hết tên. XEM TIEP...

http://www.mienthuy.com/tuybut-thaytoi_Songnhi.htm
-----
------

Lặng người đi thật lâu, ký ức tôi lại quay về với thời gian cũ và bóng dáng ngôi trường thân yêu Phan Sào Nam nằm gần cuối góc đường Phan Thanh Giản và Ngã Bảy Sài Gòn. Bạn bè cũ và các thầy của tôi nơi đây ít nhiều làm tôi vẫn còn nhớ đến, tôi nhớ vài đứa bạn như Lê thị Bế ở cư xá Phú Thọ, Nguyễn Thị Hoà ở chung cư Nguyễn Thiện Thuật gần phía nhà tôi, Châu Thị Mười cô bạn ngồi cạnh tôi, Trần Thị Bích Phượng rất xinh gái, Nguyễn Thị Phụng, Lâm Hoàng Hoa nổi tiếng với mái tóc dài liêu trai, Nguyễn thị Đào, Nguyễn Thị Lượm, Nguyễn Thị Hải, Thái Thị Phương thì hơi lai chà vì có làm da ngâm đen nhưng có duyên, về bạn trai tôi chỉ nhớ mỗi tên Ngô Công Đức. Riêng Hải và Bế có biệt tài viết kiểu chữ Gotich và trang trí bài vở đẹp nhất lớp v.v..
Còn thì thầy dạy môn sử địa là thầy Lâm, tôi mến thầy nhất và vì thế nên tôi rất ư là chịu gạo bài để lấy điểm cao cho môn này. Mà thầy giảng về sử thì cả lớp đều thích lắng nghe và mong tiếng chuông báo hiệu hết giờ đừng chấm dứt. Rồi thì thầy Đức dạy môn Hoá dáng rất thư sinh, người cao dong dỏng, thầy có biệt tài đánh đàn Guitar và hát hay. Thường mỗi cuối khóa chấm dứt niên học để nghĩ hè, chúng tôi thường yêu cầu thầy mang đàn vào hát hò hay đàn cho chúng tôi nghe. Rồi thầy dạy môn vạn vật và vật lý là thầy Tạ Chí Đông Hải, thầy Phuớc dạy môn hình học, thầy Phước đặc biệt là nghiện thuốc lá, thầy hút thiếu điều cháy phổi mà vẫn không bỏ nhưng thầy dạy nổi tiếng về giảng bài rất hay và dễ hiểu. Còn những môn khác thì tôi cũng quen béng mất tên thầy tôi và cũng không nhớ nổi đến gương mặt hay dáng nét của các thầy nữa ...

Tôi nhớ là tôi thường hay giữ sổ điểm cho lớp và giúp thầy giám thị cộng điểm cuối tháng, tôi có tài tính nhẫm và cộng điểm rất nhanh nên thường được tín nhiệm và nhận lãnh công việc của lớp. Tôi còn nhớ truờng thường cấp phát bảng danh dự từ hạng nhất cho tới hạng chín riêng cho các em có số điểm cao trong tháng về tất cả các môn học. Chưa bao giờ tôi nhất lớp mà chỉ từ hạng năm sáu trở đi, những tấm danh dự đó tôi cất kỷ cho đến ngày 30 tháng tư mới hủy bỏ.

Vào những năm học lớp đệ ngũ, đệ tứ (lớp 8 &9), thời gian này tôi theo nhóm bạn xuống đường chống tăng học phí, nhưng kết quả thì một đưá trong nhóm tôi bị bắt và nhốt mấy tháng. Sau đó tôi tham gia vào đoàn Công tác Xã Hội trực thuộc bên Tổng Hội Sinh Viên Học Sinh Sàigon.. Nhưng rồi tôi cũng phải từ giã ngôi trường để chuyển sang trường khác thời gian sau đó ...

=

Bây giờ ngồi đây nhớ lại một thời đã qua với từng ấy kỷ niệm thời cắp sách chưa quên trong tôi, lại biết thêm được thầy cũ của tôi cùng dưới mái trường năm xưa đó, mà bao lâu nay tôi vẫn còn liên lạc và nhận báo đều do thầy gửi, làm tôi lại thấy nhớ đầy thêm những kỷ niệm. Tôi đâu ngờ trái đất vẫn tròn, để cho tôi tìm lại thầy tôi, thế mà cũng đã lâu, tôi nhớ ngày còn góp mặt trong trang web Trinh Nữ, nhiều bài thơ quê hương viết về tâm sự người lính và cuộc chiến của nhà thơ Song Nhị đã làm tôi cảm động vì có những đoạn anh viết tôi đọc mà nước mắt rưng rưng, tôi nhớ sau mỗi bài thơ nào mà tôi cảm nhận được trong trang thơ anh, tôi thường viết vào đấy chia sẻ. Lúc ấy chưa biết anh ra sao nhưng từ những cảm nhận trong mỗi bài thơ hay đoạn văn anh viết, tôi như gần gủi với anh về cái tên Song Nhị chính bút hiệu của anh. Từ đó tôi vẫn giữ mối dây liên lạc cho đến ngày tôi sang Cali năm ngoái và lần ghé thăm anh   Mạc Phương Đình tại San Jose, lần ấy chị Sương Mai đến thăm tôi khi biết tin tôi qua chơi. Chị Sương Mai có hẹn tôi tạt qua thăm anh Song Nhị vì chị cũng quen biết và thường đóng góp bài vở cho trang báo này. Và buổi chiều hôm ấy, tôi cùng chị Sương Mai có ghé thăm anh, lúc đó tôi mới thật sự biết anh ngoài đời, nhìn mái tóc anh và cơ sở ấn loát tờ báo Nguồn mà tôi chỉ nghe và biết đến qua trang NET mà thôi. Anh rất bận bịu với tạp chí Nguồn hiện nay của anh và cầu mong tạp chí Nguồn sẽ còn tiếp tục ấn loát và đến tay đọc giả khắp mọi nơi ... Tạp chí Nguồn cũng đã giữ uy tín trong nhiều năm qua về sự phát hành đúng thời hạn và những cây viết đã cộng tác cho tạp chí này rất được tín nhiệm.

Riêng tôi, vẫn ước mong và chúc sức khoẻ đến Thầy tôi, để thầy còn tiếp tục làm tròn trách nhiệm đã được giao phó. Và tờ báo Nguồn sẽ sống mãi và là món ăn tinh thần trong lòng Người Việt Tha Phương. Và Thầy ơi, nhìn lại thầy mới biết thời gian làm thầy già đi nhiều với mái tóc pha sương trắng, nhưng vẫn diễm phúc cho tôi khi tôi còn nhìn thấy và biết thầy của tôi vẫn còn đây....

Miên Thụy
Netherland, Europe

Thursday, November 14, 2013

Giở Chồng Sách Cũ (3)



Sau 5 năm lưu đày từ Nam ra Bắc, cuối cùng thì đoàn tù biệt xứ cũng đuợc chuyển trả về Nam. Cuộc “chuyển quân” khởi động vào sáng sớm ngày 26 tháng 12 -1980. Đúng 8 giờ từng tốp cán bộ vào các buồng giam ra lệnh mọi người đem hết hành trang ra ngoài sân. Một danh sách đánh máy thành lập những đội mới đã được lập sẵn. Hệ thống biên chế tổ đội trước đó coi như xóa sổ. Các thành phần chức sắc cách đó mấy tiếng đồng hồ còn đủ uy quyền để chỉ thị, để ra lệnh cho mọi người, bấy giờ đứng lơ ngơ như gà con mất mẹ.

Cứ 29 người được biên chế thành một đội. khi lên tàu, một người được cử làm đội trưởng, được thong thả đi lại trong toa, còn 28 người kia thành 14 cặp còng chung, ngồi cùng dãy ghế.

Chúng tôi lên xe từ trại 5 Lam Sơn khoảng 9 giờ sáng ngày 28 tháng 12 -1980. Đến ga Thanh Hóa tất cả được dồn vào trong một cái kho chứa phân bón A-pa-tit. Từng lớp, từng lớp gối đầu lên nhau, nằm la liệt trên bao phân sắp ngổn ngang nơi cao nơi thấp. Mọi cảm giác khổ sở, mệt mỏi rã rời, sau một chuyến xe đường dài và nằm chen chúc trong tối tăm hôi hám được an ủi khuây nguôi trên nét mừng vui của mỗi người trước giờ phút cuộc đời tù tội bắt đầu đổi hướng quay trở ngược về Nam.  

**
Đúng 1 giời sáng chúng tôi bị đánh thức dậy mang hành trang tù ra ngoài bãi sắp hàng, ngồi xổm dọc theo đường ray chờ lên tàu. Hơn bốn tiếng đồng hồ sau một đoàn tàu  xình xịch chạy tới. Bốn tiếng đồng hồ ngồi giữa đồng không mông quạnh, giữa cái giá rét mùa đông miền Bắc, Hơi lạnh thấm vào tim gan phèo phổi, toàn thân run lên cầm cập… Trên tay với cái còng XHCN bằng sắt tự chế nặng một kg mọi người như bất động.

Khoảng 5 giờ sáng khi vầng dương đã ló dạng lờ mờ, chúng tôi lục tục lên tàu. Tù ngồi các hàng ghế phía trước. Cách hai hàng ghế trống, phía sau là công an súng dài, súng ngắn ngồi giàn hàng ngang. 28 người còng chung ngồi thành từng cặp. Người tù đội trưởng ngồi riêng một ghế, được tự do đi lại, lui tới trong toa để nhận lệnh và thi hành những điều cán bộ sai bảo. Mệnh lệnh được công bố lúc chúng tôi đã ngồi yên trên các hàng ghế trong toa tàu:
- “Tất cả mọi người phải ngồi yên tại vị trí của mình, ai cần điều gì thông qua đội trưởng để báo cáo cán bộ. Khi đi qua những khu có dân cư, và lúc tàu đậu tại các ga, phải kéo cửa sổ toa tàu xuống, nếu không dân sẽ ném đá vỡ đầu các anh. vì dân chúng còn căm thù các anh lắm”!

Luận điệu này chúng tôi đã từng được nghe, được nhắc nhở ngày chúng tôi lên tàu và lúc mới đặt chân lên miền Bắc. Nhưng thực tế, thời gian chúng tôi tới vùng Cẩm Phả, Quảng Ninh, đi lao động gặp đám tù hình sự, gặp dân họ hỏi chào vồn vã:
- “Ngoài Bắc chúng tôi chờ bác Thiệu, bác Kỳ ra giải phóng. Các bác làm ăn, đánh đấm thế nào để ra nông nỗi này?”

Nghe câu nói đó từ những người miền Bắc, dù họ cũng là người tù, là dân quê mộc mạc, tôi cảm thấy ngỡ ngàng xa xót. Một lần khác một tù cải tạo trong đội Lâm sản gặp người dân miệt núi, cả hai đều tỏ ý muốn nói chuyện với nhau. Người tù miền Nam đánh liều mon men tới hỏi thăm, sau vài câu trao đổi, người “miệt núi” ấy nói như là để trao gởi tâm sự:
– “Các anh giữ sức khỏe để còn sống mà trở về. Đừng nghe lời chúng nó. Bịp cả đấy”. 
Người tù miền Nam không dám phụ họa theo nhưng nghe mạch máu trong người chảy rộn rã. Tại trại Z30A Xuân Lộc, vào một buổi chiều người cán bộ Chuẩn úy công an vào tổ may, giọng miền Bắc, tên anh ta là K.. Trong câu chuyện giữa đám tù thợ may và người cán bộ này, ông ta nói rất mạnh dạn, rất thành thật:

–“Các anh tưởng đám lính chúng tôi sung sướng lắm hả? Ban ngày họ mang súng đi theo các anh lao động, đêm về vác súng canh gác cho các anh ngủ. Các anh đun nấu mùi thơm bay lên nức trời. Chúng tôi hưởng cái mùi thơm ấy à?”

Một anh trong đám thợ may cố ý châm thêm: “Nhưng cán bộ là sĩ quan, rồi cán bộ cũng sẽ có đủ những ưu đãi dành cho cấp chỉ huy, cho công bộc nhà nước. Cán bộ còn trẻ mà”.
- “Ưu đãi cái gì các anh? Đời sống là kinh tế, mà muốn có kinh tế thì phải có chính trị. Chính trị thì phải cỡ ông Đồng, ông Duẫn mới muốn gì được nấy chứ như chúng tôi ...”
Người cán bộ này bỏ lửng cuối câu, rồi nắm lấy cái thân áo màu rêu đang mặc, đưa cao lên và lớn giọng:
 –“Các anh bảo... hãnh diện đéo gì cái áo này”!
Tôi ngước mắt nhìn vào người cán bộ này và nhìn các anh em khác. Mọi người đều tỏ ra ngạc nhiên về tính bộc trực hiếm thấy trong gọng kìm kỷ luật sắt của đảng.  

Monday, November 11, 2013

Giở Chồng Sách Cũ (2)




Mấy nghìn năm trước, Khổng Phu Tử đã đề ra học thuyết “Hình Nhi Hạ” để chỉ cái hữu hình, cái vật chất, cái áo cơm, cái ăn, cái mặc; và “Hình Nhi Thượng” để chỉ cái vô hình, cái phần tinh túy, cái giá trị tinh thần của cuộc sống.

Xã hội miền Nam và cả nuớc sau ngày 30-4-1975 đã bị thứ “hạ tầng cơ sở” hủy diệt thứ “thượng tầng kiến trúc” của con người. Ngạn ngữ có câu: “Miếng ăn là miếng nhục”. Và người cộng sản đã xử dụng miếng ăn để hạ thấp phẩm giá, nhân cách, để hạ nhục con người – con người trí thức, khoa bảng hay dân dã bình dân không thoát khỏi cái thường tình của nhu cầu vật chất. Chúng tôi biết điều đó và chúng tôi đã phải nhiều phen chống chỏi với điều đó.

Tết Canh Thân 1980, gia đình cô em gái và ông anh bà chị của tôi, từ Hà Tĩnh gửi vào traị tù cho tôi một gói quà gồm hai ký nếp, một ký đậu đen và một ký đường cát. Đó là món quà của cô em gái và ông anh bà chị đã 25 năm chưa gặp lại nhau. Tôi cảm động, vui mừng một phần vì nghĩ rằng thế là tôi có một cái Tết “linh đình”, nhưng phần khác vì sợi dây máu thịt của Mẹ cha như vừa nối liền lại giữa anh chị em chúng tôi sau đúng một phần tư thế kỷ cách ly vì mối hận sông Gianh, Bến Hải chia đôi hai miền đất nuớc!
……………..
Người nữ cán bộ lấy gói quà, mở ra và câu nói mở đầu của bà ấy là: “Nghệ Tĩnh mà có nhiều nếp gạo thế này cơ à”. Tôi im lặng vì đó không phải là câu hỏi dành cho tôi và giọng điệu đã nói lên một cái gì đó của ganh tức, nếu không phải là thù hận. Rồi người nữ cán bộ hất hàm:
- “Gói quà của anh chúng tôi giữ lại đấy nha!”
Quả thật, quyết định đó của người nữ cán bộ hoàn toàn ngoài dự đoán của tôi. Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Tại sao, Cán bộ?
- Nội quy cấm đun nấu. Không được mang thức ăn sống vào trại.
Tôi vẫn ôn tồn:
-  Tôi thấy vừa rồi các anh khác được mang vào tất cả, cũng gạo, nếp, đậu và còn nhiều hơn những thứ này.
Bà cán bộ trả lời tôi:
- Chúng tôi giải quyết từng trường hợp.
…………..

Tất cả những thứ đó bây giờ nhìn lại chỉ là một phần của hạt bụi rơi rớt dọc đường. Nhưng chỉ những người trong cuộc, chỉ những người từng bước qua đoạn đường đó mới thấm cảm được nỗi buồn nhân thế.

Đến giờ này, thật sự lòng tôi có nhiều ân hận xốn xang. Tôi thật lòng thương hại người nữ cán bộ đó, cũng như những người công an mà tôi từng tỏ thái độ cự nự, khó chịu. Chúng tôi đã từng là những kẻ một thời hưởng thụ trong xã hội miền Nam sung túc, đã từng ăn ngon mặc đẹp, lên xe xuống ngựa, nhưng vơí họ trước khi khoác bộ áo quần cán bộ, công an, họ từng lam lũ, đói rách, thiếu thốn.

Biết đâu người nữ công an kia đang có những đứa con nheo nhóc, rách rưới ở nhà. Biết đâu chính bà ta cũng đang thèm thuồng đói khát như những người tù chúng tôi lúc đó. Nhiều lần tôi đã thổ lộ với nhiều bạn hữu niềm ân hận của tôi khi tôi giằng lấy từ tay người cán bộ cái thìa Inox USA, loại thìa phát cho quân đội trước 75, cái thìa ấy với tôi lúc đó là một đồ dùng cần thiết hàng ngày vì tôi không thể ăn bốc… 
  *(Nửa Thế Kỷ Việt Nam, Cội Nguồn 2010)

Wednesday, November 6, 2013

Giở Chồng Sách Cũ (1)





Mở tập lưu ảnh như lật lại những trang đời, tôi ngắm nghía một khúc phim sôi nổi của thời trai trẻ. Tôi nhớ từng con đường, tôi nhớ từng người bạn. Tôi nhớ từng giờ phút xôn xao, từ trong gia đình tới trường học. Vạn Hạnh đã để lại trong tôi nhiều dấu ấn vui có, buồn có. Tôi nhớ Tường, nhớ Hải... Tôi nhớ Long, cô bạn học Bắc kỳ thường “phớt lờ” những lời “tán tỉnh” của tôi, nhưng khi nào cũng quấn quýt... Có lần ngồi bên nhau suốt buổi chiều trên bờ sông Hương, quên cả giờ hẹn lái xe ra sân bay Phú Bài.
- “Long, sao không là Phụng?” Long trả lời tôi: “Ừ, có lẽ vì vậy mà Long không có đôi cánh mềm mại thướt tha để bay theo những lời mời gọi...”
Sau chuyến bay rời Huế về Sài Gòn, Long, rồi Phượng “của tôi” và những người ngày đó có nhau ở Vạn Hạnh đã mất nhau, như chỉ trong một ngày, hôm sau hôm trước. Tôi muốn nói đến Dũng, đến Quang, đến các thầy, các cô trong lớp áo tu hành...

***
Từ một Hướng Đi, tờ Bán nguyệt san của SV Vạn Hạnh - tôi là Chủ bút, đã đi về hai ngả. Phải chăng từ tiền kiếp cha Rồng mẹ Tiên (kẻ lên non, người xuống biển), đàn con chia làm hai miền sông núi. Một trình tự dân tộc đã mấy phen chia lìa. Trịnh Nguyễn phân tranh, sông Gianh chia cắt đôi bờ đất nước. Nguyễn Tây Sơn, Nguyễn Gia Long. Bến Hải, cầu Hiền Lương. Người Việt Quốc gia, người Việt Cộng sản. Người Việt Hải ngoại, người Việt trong nước...

Phải chăng cái nghiệp dĩ từ huyền thoại lưu truyền kia cứ mãi đeo đẳng, đè nặng trên thân phận con người Việt Nam mãi đến ngày hôm nay. Thế hệ chúng tôi sinh ra và lớn lên cùng một thời, trải qua hàng chục năm chiến tranh, hận thù, chia rẽ. Cho tới hôm nay, nhân lọai đã bước qua một thập niên đầu của thế kỷ Hai Mươi Mốt, sau hai nghìn năm Tây lịch; và sau năm nghìn năm Hùng Vương dựng nước, vết thương đó vẫn còn rỉ máu.

Tôi nghĩ cả dân tộc Việt Nam, con người lương tri không ai ưa gì thù hận. Tại sao con người Việt Nam, từ bọc mẹ trăm trứng lại là kẻ thù của nhau? Và tại sao là con người có lương tri lại chấp nhận tội ác, chấp nhận những tráo trở, bịp lừa? Là con người tự nhận là yêu quê hương đất nước lại chấp nhận một thứ lý thuyết phản logic, phi đạo đức, phi nhân bản, ngoại lai...?? (Nửa Thế Kỷ Việt Nam, Cội Nguồn 2010)

Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...