Wednesday, August 24, 2011

Trần Khải Thanh Thủy


Đến với Cội Nguồn
 
Xe bắt đầu xuất phát khỏi nhà lúc 10 giờ sáng, phải mấy tiếng đồng hồ sau (ngày 14/8/2011) tôi mới đến gặp anh chị em trong cơ sở Thi Văn Cội Nguồn, vậy mà từ lúc ra khỏi nhà, đầu óc tôi đã hướng cả về Cội Nguồn rồi... Tôi nhớ những đêm nằm trong trại giam, co ro trên manh chiếu rách, trong phạm vi chật hẹp 60 cm2 (như thời Đức quốc xã hoặc Stalin), mười đêm thì 5, 6 đêm tôi không sao ngủ được.
Để đầu óc không bị quay cuồng bởi bao nhiêu điều nhiễu nhương, khốn nạn do vụ án oan nghiệt mà lũ chó ác (c.a) của đảng cộng sản gây ra, tôi đành “thả hồn đi hoang” tìm về những vùng miền ký ức tươi tắn, êm đềm nhất, vừa ru dỗ tâm hồn, vừa để kéo giấc ngủ sớm đến với mình. Một trong những câu thơ mà tôi thường xuyên lặp đi lặp lại trong đầu  là:

Đừng rơi, đừng rơi lá ơi
Có ai góc biển, chân trời nhớ nhau?

Câu thơ như một lời thần chú, mở toang cánh cửa ký ức trong tôi (như thể câu thần chú của Ali baba trước hang thần chứa đầy vàng bạc châu báu):  “Vừng ơi mở cửa ra”. Còn tôi, hễ đọc đến câu thơ này là hình ảnh của anh chị em trong Cội Nguồn sáng lên trong trí nhớ. Tôi nhớ tới người đầu tiên đã tin cậy dẫn dắt tôi vào ngôi nhà Cội Nguồn là anh Song Nhị qua một cuộc thi truyện ngắn trên Việt No (vietno.com) của Na Uy mà anh được mời làm chánh giám khảo. Cả 7 chuyện ngắn tôi gửi đi đều lọt vào “mắt xanh” của anh và được đưa vào tuyển tập: “Bản hợp tấu”. Ngay sau đó, tôi nhận được lá thư thăm hỏi và chúc mừng của anh.
Như người trên sa mạc khô cằn bị bỏ đói, thiếu thốn cả về nguồn nước, thức ăn, cho nên vừa nhận được tín hiệu vui, tôi hăm hở trả lời. Bức thư được ký tên là Tịnh Hà, do anh viết tắt từ 3 chữ: Hà Viết Tịnh, khiến tôi cứ tưởng là của một phụ nữ (cùng “phái yếu” như mình) ...Kỷ niệm đầu tiên, sự nhầm lẫn thú vị đầu tiên cứ làm tôi nhớ mãi. Rồi cuộc đấu tranh cho một nền dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam lôi tôi đi, kéo tuột tôi vào tù, nhấn chìm cả ước mơ dang dở của  tôi là được in một cuốn sách ở Hải ngoại.
Chính nỗi đau bị bắt, nỗi đau ngồi tù khiến tôi lịm tắt tất cả mọi ước muốn ngoài đời, trừ ước muốn được tự do. Tôi không ngờ ngay sau khi tôi sa vào nanh vuốt đảng, anh Song Nhị đã quyết định làm “bà đỡ” cho tôi (Một tác phẩm gần 400 trang, dày dặn, bề thế nhất trong số hơn 20 tác phẩm của tôi từ trước đến nay, cả trong nước cũng như Hải ngoại). Ấn tượng đầu tiên bao giờ cũng đậm đà, sắc nét, quả thực nó đã ấn tôi thành tượng khi vừa chân ướt chân ráo ra khỏi cửa nhà tù và nhìn thấy cuốn: “Viết từ hang đá, nhỏ lệ cùng dân”. Cho tới giây phút này, tôi cũng không nhớ  mình đã “khóc, cười, thủ thỉ” cùng đứa con tinh thần của mình bao nhiêu lần nữa?   
Ở đời, lòng tốt cho đi rồi không phải bao giờ cũng nhận về lòng tốt, đặc biệt là trường hợp giữa tôi và Cội Nguồn. Ngay khi vừa kịp “cắt rốn”, cất tiếng khóc chào đời đầu tiên ở San Jose, nó đã gây ra bao điều tiếng thị phi do sự hiểu nhầm từ sự tốt “qúa mức cần thiết” của Cội nguồn đem lại. Tốt đến mức người trần, mắt thịt không thể nào tin được, ngờ tới... Chính vì thế mới có chuyện “ù xọe” ầm ĩ. Lòng tốt của Cội nguồn bị hiểu lầm thành “lợi dụng tên tuổi tôi để in sách kiếm lời, tận dụng nỗi đau của tôi trong nhà tù cộng sản để phát hành sách bất hợp pháp” v.v và v.v... Thôi thì cái xảy nảy cái ung, từ sự hiểu lầm ban đầu của chị Bích Huyền, mà phe của bùn đánh nhau với phe của sóng. Cả cơ sở Thi văn Cội Nguồn từ anh Song Nhị, Diên Nghị, nhóm bạn Trần Khải Thanh Thủy như chị Huệ Thu, Lê Diễm, Ngọc Bích, Diễm Hương bị bùn đánh cho tơi tả, vấy bẩn lên khắp mặt, khắp đầu, khắp người cùng quần áo. Bùn nhiều đến mức ông chồng “xã hội chủ nghĩa” của tôi cũng bị “toét mắt” vô tình đứng về phía phe của bùn, hất thêm bùn lên phe của sóng làm tôi phát xấu hổ.
Nào ai ngờ hạnh phúc và nỗi đau đôi khi lại có chung nguồn gốc. Nâng niu đứa con tinh thần trên tay tôi còn phải đèo thêm tai tiếng: “Vì tham mấy nghìn đồng nhuận bút của Cội Nguồn mà tôi biến thành kẻ vô ơn, không biết phân biệt phải trái, tốt xấu, không biết ai là người đã “co kéo” tiền về cho mình, nếu không có họ, liệu Cội Nguồn có chịu trả cho tôi không? v.v và v.v.. Điều khó nói nhất là cả chị Bích Huyền lẫn anh Song Nhị đều đứng về phe nước mắt, đều hành xử như những nhà thơ chân chính, xót thương cho cảnh khổ ải, lao tù của tôi nên muốn tôi phải được nhận về mình những đồng tiền xứng đáng nhất. Song nguồn gốc của mọi sự hiểu lầm lại ở chỗ anh Song Nhị sợ gia đình tôi bị lũ chó ác của đảng gây khó dễ nên đã không công khai số tiền gửi về. Thế là bao cảnh nực cười, gây cấn, khóc dở, mếu dở nổ ra. Theo quy luật của tự nhiên, sóng dù mạnh đến mấy, nhưng trước sự lấn lướt của bùn, cũng có lúc bị chùng xuống để bùn phủ trùm lên trên, huống hồ Cội Nguồn chỉ là những con sóng hiền từ đứng về phe nước mắt nên phải chịu ấm ức suốt một thời gian dài.
Cho đến bây giờ phe của sóng đã hoàn toàn chiến thắng, song lớp bùn cặn vẫn còn đọng dưới đáy và hễ có cớ lại đòi trào lên. Cho dù tôi đã tốn không ít giấy mực để làm sáng tỏ mọi điều, song mọi sự không phải bao giờ cũng như ý muốn. Vì thế trong khi ở tù lần thứ hai, điều làm tôi luôn canh cánh bên lòng là hình ảnh của anh chị em trong Cội Nguồn, những người mà tôi đã nặng lòng yêu mến và biết ơn, mà chưa có cơ hội để bày tỏ sự tri ân. Không ít lần trong những đêm mất ngủ tại trại giam tôi tự nhủ: “Tại sao kỷ niệm giữa tôi và Cội nguồn lại “ngậm ngùi” đến thế, hạnh phúc hòa chung nỗi đau. Hay đó chính là “định mệnh” để tôi tự nguyện bước chân vào ngôi nhà Cội Nguồn? Như câu thơ trong tù tôi thường nhắc:

Trải qua sóng gió bão bùng
Phải chăng hạnh phúc trộn cùng nỗi đau?
Cũng là định mệnh vào nhau
Trước là cay đắng, về sau ngọt bùi...

Sau 21 tháng tù oan nghiệt, hôm nay tôi đã thực sự bước chân vào ngôi nhà Cội Nguồn, gặp những con người bằng xương bằng thịt mà tôi vốn chỉ gặp trên điện thoại hoặc internet do khoảng cách về không gian và thời gian. Ngồi trên xe tôi đã nghĩ và tưởng tượng ra bao điều... Những âm tiết “nở hoa” trong trái tim tôi, tạo thành những tứ thơ mà tôi dự định sẽ nói trong buổi gặp mặt đầy ý nghĩa này... Vậy mà vì tâm trạng, vì sức khỏe, hay vì rụt rè mà tôi đã không kịp nói ra? Không hiểu bệnh tật, tuổi già hay nhà tù cộng sản đã biến tôi thành “Trần Khỉ Thanh Thủy” như thế? Đã là lời thương sao còn ngại ngùng đếm đong? Sao không mạnh dạn nói ra lại “buông chùng” trong tim?
Ở những nơi khác, dù là giữa anh em chiến hữu thân cận ít người, hay  cộng đồng bà con, nơi chốn đông người, tôi còn tán như khiếu, còn đá lưỡi lên tận... vòm họng, thế mà giữa Cội Nguồn, sao tôi như bị ai cắt mất lưỡi? Như một kẻ chân trần bụi bậm đứng trước dòng sông trong vắt không dám lội ào qua, dù đã bao lần thả mắt xuống dòng trong, để về nhà còn ngậm ngùi tiếc nuối...
Thôi thì đành tự an ủi “lời không nói ra là vàng ngọc”. Dù thế nào, dù sức tàn, lực kiệt, nhất định tôi sẽ cố góp một vài giọt nhỏ nhoi trong chõ mật văn chương của Cội Nguồn bên cạnh những tên tuổi đã quen thuộc với bạn đọc như: Song Nhị, Diên Nghị, Huệ Thu, Lê Diễm, Ngọc Bích, Diễm Hương, Triều Nghi, Thanh Thương Hoàng, Nguyễn Trung Dũng, Ấu Tím, Cung Diễm, Lê Đình Cai, Trần Hữu Từ, Duy An Đông, cùng những thân hữu Cội Nguồn: Nguyễn Xuân Hoàng, Trương Gia Vy, Bùi Ngọc Tô, Trương Đình Sửu, Nguyễn Hữu Hãn, Bùi Thanh Tùng, Nguyên Khôi, Thái Phạm, Phạm Bằng Tường, Cao Sơn, Trần Thị Thu, Phạm Chu Ánh, Hoàng Sơn Long, v.v. tôi được gặp hôm đó …
Buổi gặp mặt tuy ngắn ngủi nhưng thực sự làm tôi xúc động, mọi người hồ hởi tiếp đón tôi như đón một người thân lâu ngày gặp lại. Hai anh Song Nhị và Diên Nghị còn “phát biểu cảm tưởng” về sự “tìm về” của tôi, như thể chào đón nàng dâu mới về nhà chồng làm tôi xúc động đến lặng người. Luật sư Nguyễn Hữu Thống còn ví tôi với hai nhân vật nổi trội của nước nhà là chị Dương Thu Hương cùng bà Trần Thụy An. Thú thực, trong suy nghĩ của mình, tôi chỉ dám coi mình là một kẻ bất trị giữa xã hội cộng sản, luôn gieo rắc mầm mống “nổi lọan” trong đám quần chúng thất học vì bị đảng lừa. Cũng may, sự can đảm của tôi đã được mọi người yêu thương đón nhận, sau cả chục năm trời ấp ủ đau thương để sinh nở cái oai hùng...
Vừa “được ăn”, “được nói” tôi còn được “gói đem về” cả chục cuốn “Nguồn” có in tác phẩm của  mình, cùng  sách của hai anh Song Nhị, Diên Nghị và luật sư Nguyễn  Hữu Thống.
Cuộc vui nào cũng đến lúc tàn, 3 giờ chiều cùng ngày tôi ra bến xe đò để trở về, lòng còn dào dạt mãi những âm hưởng vui vẻ, thân mật mà trong cuộc đời không dễ gì có, nhất là đối với một người vốn sống hai phần ba cuộc đời trong bóng tối của độc tài cộng sản như tôi.
Không kịp nói trong cuộc gặp mặt, nên trong suốt hai tiếng đồng hồ chờ xe để về nhà sau đó, trái tim tôi cứ ngân nga mãi những vần thơ ngọt ngào. Thôi đành mượn bút thay lời, gọi là một chút tri âm với anh chị em thi hữu của Cội Nguồn, dù muộn còn hơn không:

Cội Nguồn thật đáng tin yêu
Vì tôi mà đã chịu nhiều xót xa
Trái  tim tôi đủ thiết tha
 Để yêu cả Cội Nguồn và... nỗi đau./.

Sacramento 20-8-2011
Trần Khải Thanh Thủy
(Hội viên)

Thursday, August 18, 2011

Thơ Tình Song Nhị (2)

Ngày Đón Em Về (*)

Mai anh trải chiếu hồng trên lối lạ
để em về êm ái gót chân nhung
em sẽ có thơ tình làm chăn nệm
ngủ giấc ngoan hiền chim én mùa đông
Ngày đón em buổi chiều qua rất nhẹ.
sáng mai hồng tươi mát ánh bình minh
cơn gió sớm thổi bay tà áo lụa.
ngày trần gian diễm tuyệt của đôi mình
Em sẽ có những niềm vui trẻ dại
của những ngày thơ ấu đẹp xa xôi
đôi tay nhỏ em xây lầu hạnh phúc
mỉm cười nhìn thằng bé ngủ trong nôi
Anh sẽ lãng quên chuyện đời mưa bão
mình kể nhau nghe những chyuện vui buồn
Cuộc sống rộn ràng như ngày anh đón
tiếng trẻ đầy nhà và những nụ hôn.

Saigon 24/12/1972


(*) Trích "Thơ Tình Việt Nam và Thế Giới Chọn Lọc"
Nguyễn Hùng Trương sưu tầm và tuyển chọn.
NXB Thanh Niên, Sài Gòn 1998, trang 902.

Thơ Tình Song Nhị (1)


Về Lối Đi Xưa

Trời đã vào đông trở mùa lành lạnh
em đã về chưa trên lối trăng đầy
ta vẫn thèm nhìn áo tóc mây bay
ngắm lũ trẻ tung tăng sau chiều tan học
Em đã về chưa lối đầy sao mọc
ta xin trao em nốt nửa phần đời
những lúc buồn lòng vẫn gượng cười vui
nói thật khẽ sợ chính mình nghe được
không dám nghĩ tới những điều ao ước
e nỗi băn khoăn làm rối tăm hồn
cuộc sống dẫy đầy toan tính thiệt hơn
trái đất vẫn xoay vần theo thế sự
Cứ mỗi đêm nằm vỗ về giấc ngủ
ta lại miên man nghĩ ngợi trăm điều
nghĩ một đời người chăm chút thương yêu
ngày hai buổi đi về qua một ngõ
ta nằm mộng dưới vầng trăng sáng tỏ
và thâu đêm đốt nến viết thơ tình
cả tinh cầu còn sót lại mình em
(khi yêu mến không tiếc lời nói quá)

Ta kiếm tìm em giữa hành tinh lạ
bỏ trống sau lưng một quãng đời dài
ta nhởn nhơ làm cánh bướm rong chơi
từ độ mùa hoa mùa trăng mười sáu
em đến bên ta mỉm cười hiền hậu
ôi, những nụ cười in dấu nghìn năm
Từ buổi loài chim tan tác bỏ rừng
ta chán mộng đời khoanh tay gục ngủ
ta sợ mỗi ngày đi về hai bữa
trên lối đi xưa đau buốt dấu giày
em xõa tóc sầu vướng lá me bay
dòng nước vẫn trôi im lìm về biển
Em đã về chưa - lối đầy kỷ niệm
có những hương hoa có những nụ cười
có đôi mắt buồn lấp lánh sương mai
có những hàng cây suốt đời quấn quít
thành đá rêu phong mang đầy chứng tích
một nửa khung trời én liệng nghiêng nghiêng
tiếng gió reo vui trên ngọn cỏ mềm
kỷ niệm bốn mùa luân lưu ở đó

Ta đứng từ xa trông về bỡ ngỡ
thơ viết một đời không đủ nguồn cơn
những nẻo đường xưa lá đổ thật buồn
dĩ vãng xôn xao sáng chiều sớm tối
em đi qua xin chớ dừng bước vội
hãy nhặt cho ta những kỷ niệm đầu
giữ lấy một đời ước vọng cho nhau.
***

Wednesday, August 17, 2011

Nhà văn Trần Khaỉ Thanh Thủy gặp gỡ lần đầu tiên với Cội Nguồn

- Luật Sư Nguyễn Hữu Thống: ba vị nữ lưu anh kiệt trong lịch sử cận đại Việt Nam: Thụy An, Dương Thu Hương và Trần Khải Thanh Thủy.


Cách nay hơn một tháng nhà văn Trần Khải Thanh Thủy đã đặt chân đến bến bờ tự do.
Từ khi bước xuống phi trường San Francisco, bà đã được nhiều hội đoàn tiếp đón; đồng thời bà cũng đã tiếp xúc, trả lời phỏng vấn của các cơ quan truyền thông báo chí khắp nước MỸ. Bà được cổ vũ hoan nghênh nồng nhiệt về thành tích đấu tranh bất khuất với bạo quyền Cộng Sản trong nước.

Bà đã đến với Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn trưa Chủ nhật 14-8 vừa qua trong buổi tiếp tân thân mật mà trang trọng với trên 40 quan khách và thân hữu hiện diện tại Club House, số 455 Capitol Ave thành phố San Jose.

Đuợc biết tác phẩm Viết Từ Hang Đá-Nhỏ Lệ Cùng Dân” của bà đã được Cội Nguồn xuất bản tại hải ngoại năm 2007 trong khi bà đang bị cộng sản cầm tù. Tác phẩm đã được cộng đồng tỵ nạn nồng nhiệt đón nhận. Qua tác phẩm này, bà được Văn Bút Quốc Tế công nhận là hội viên Danh Dự, sau đó bà nhận thêm ba giải Nhân Quyền do Human Right Wacht, Ủy Hội Nhân Quyền và Mạng Lưới Nhân Quyền trao tặng về thành tích đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền của bà.

12 giờ trưa, mở đầu buổi tiếp tân, nhà văn Diên Nghị tuyên bố khai mạc và giới thiệu một số quan khách, văn nghệ sĩ thân hữu như: LS Nguyễn Hữu Thống và phu nhân, nhà văn Thanh Thương Hoàng, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng và phu nhân, bà Trương Gia Vy (Chủ nhiệm tuần báo Việt Tribune), GS Lê Đình Cai, BS Bùi Ngọc Tô,
Các cụ Trương đình sửu, Nguyễn Hữu Hãn, Bùi Thanh Tùng… Quý ông Nguyên Khôi và Thái Phạm, đài Phát Thanh Và Truyền Hình Quê Hương, Ô bà Phạm Bằng Tường, Ký giả Cao sơn và phu nhân, bà Trần Thị Thu (Chủ nhiệm tuần báo Tin Việt News), Ông Phạm Chu Ánh, Ô. Hoàng Sơn Long, nhà văn Nguyễn Trung Dũng, nhà văn Ấu Tím, nhà thơ Huệ Thu, Họa sĩ Đào Hải Triều, quý văn thi hữu Cung Diễm, Ngọc Bích, Trần Hữu Từ, Duy An Đông, Lê Diễm, …

Tiếp đó, nhà văn Song Nhị, Trưởng Điều Hành CSTV Cội Nguồn chào mừng quan khách và thay mặt toàn thể văn thi hữu thuộc CSTV Cội Nguồn chào mừng nhà văn Trần Khải Thanh Thủy. Trình bày cùng cử tọa, Ô. Song Nhị giới thiệu tác phẩm “Bản Hợp Tấu” - tuyển tập truyện ngắn, Cội Nguồn xuất bản năm 2005. Ông SN cho biết tác phẩm này là đầu mối “duyên văn nghệ” giữa Cội Nguồn và nhà văn TKTT qua giải thi truyện ngắn toàn thế giới vietno.com ở Na-Uy tổ chức mà nhà văn Song Nhị được mời làm Chánh Giám khảo. Sau khi đọc một số truyện của nhà văn TKTT ghi là hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam. Ô SN đã liên lạc với nhà văn TKTT tại Hà Nội và qua liên hệ đó nhà văn TKTT đã gửi bài và mong muốn Cội Nguồn in cho bà một “tác phẩm để đời” ở hải ngoại.
Năm 2007, sau khi nhà văn TKTT bị cộng sản bắt giam, Ô SN đã mời các thành viên CN họp để xin ý kiến và quyết định in tác phẩm Viết Từ Hang Đá-Nhỏ Lệ Cùng Dân (Tựa đề này do NXB đặt và nhà văn TKTT nói là bà rất tâm đắc với tên gọi này).
Ô SN nói tiếp: tác phẩm Viết Từ Hang Đá – Nhỏ Lệ Cùng Dân là một quyển sách gây ồn ào - cả tiếng tăm và tai tiếng - trong cộng đồng người việt hải ngoại và cả trong nước, nhưng trong cái rủi có cái may. Khi sách vừa in xong, Cội Nguồn đã gửi sách tặng Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam tại Thụy Sĩ qua văn hữu Nguyễn Hoàng Bảo Việt và Văn Bút Quốc Tế ở Luân Đôn, nhờ đó mấy tuần lễ sau VBQT công nhận nhà văn TKTT là hội viên danh dự. Quyển sách cũng được văn hữu Diễm Hương trao tặng tận tay ông Michael W. Michalak, Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội và Dân biểu Liên Bang, bà Loretta Sanchez trong một dịp gặp gỡ cộng đồng tại Nam California. Giữ đúng lời hứa, khi trở sang Hà Nội, ông Michalak đã đã cử viên chức sứ quán Hoa Kỳ mấy lần tới nhà thăm hỏi gia đình và can thiệp cho nhà văn TKTT.

Từ những truyện ngắn gửi dự thi ở Na-Uy đến “Viết Từ Hang Đá-Nhỏ Lệ Cùng Dân”, bằng vào một quá trình đấu tranh quyết liệt với chế độ CS và những cực hình mà tác giả đã chịu đựng, hôm nay nhà văn TKTT có mặt nơi đây với chúng ta..., ô. Song Nhị kết luận. Tiếp theo chương trình nhà văn Song Nhị thay mặt CSTV Cội Nguồn tặng quà và trao nhà văn TKTT tấm danh thiếp Cội Nguồn thừa nhận bà là thành viên chính thức như bà từng tỏ ý mong muốn (thư trên Nguồn số 49-50) cùng hai ấn phẩm “Bản Hợp Tấu” và “Viết Từ Hang Đá-Nhỏ Lệ Cùng Dân”, với những số tạp chí Nguồn có bài đóng góp của bà.

Nhà văn TKTT bằng giọng chân tình, cảm động cũng đã nhắc lại quan hệ ban đầu với Cội Nguồn qua thư của Hà Viết Tịnh mà bà tưởng là một nhân vật nữ, sau mới biết là một hiệu khác của ông Song Nhị.

Bà vui mừng được gặp gỡ các anh chị em trong CSTV Cội Nguồn mà bà là một thành viên. Bà nói: kiếp sau nếu trở lại làm người xin làm người Việt Nam và cũng xin được cùng hội với Cội Nguồn vì văn chương là sức sống và sự nghiệp của bà. Bà nói lên lòng biết ơn không bờ bến của bà và gia đình đối với Cội Nguồn. Bà nhắc đến các nữ lưu như Huệ Thu, Ngọc Bích, Lê Diễm, Triều Nghi đã đem cả tấm lòng và công sức yểm trợ quyển sách của bà, và là những người đã trực tiếp gửi tiền nhuận bút về cho tác giả.
Tác giả cho biết đã bà xuất bản hàng chục quyển sách nhưng chưa có tác phẩm nào nhận được một khoản nhuận bút lớn như vậy. Nhân dịp này nhà văn TKTT trao tặng Cội Nguồn 5 tác phẩm văn học (Tản Mạn Về Lưu Hương Ký, Khúc Khích Xuân Hương, Song Hỷ Lâm Môn, Khát Sống và Âm Thầm (thơ) mà bà còn giữ được và mang theo, trong số mấy chục đầu sách đã bị nhà cầm quyền CS phong tỏa và tịch thu.   

Tiếp sau đó, nhà thơ Cung Diễm giới thiệu hơn 40 tác phẩm CN đã xuất bản từ năm 1995 đến nay và hai tập thơ hiện đang tiến hành in ấn là tập Góp Vần Hòa Điệu của Minh Đạo và Túi Vẫn Còn Thơ của Tú Lắc.

Nhân dịp này Luật Sư Nguyễn Hữu Thống phát biểu về những giai thoại văn học qua những bài thơ trao đổi giữa thi hào Nguyễn Du và nữ sĩ Hồ Xuân Hương mà LS cho rằng đó là những thiên tài, tinh hoa của văn học Việt Nam. Trong lịch sử cận đại, theo ông, về phái nữ, có ba chân dung đáng được tuyên dương là những nữ lưu anh kiệt. Người thứ nhất là bà Thụy An, một nhân vật của các thập niên 50 - 60 trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm đã đứng lên đòi hỏi tự do tư tưởng, đòi hỏi được đọc, được viết và phổ biến quan điểm của mình; đòi tự do báo chí và tự do lập hội. Bà đã bị chế độ CS bỏ tù 10 năm, 20 năm rồi 30 năm. Bà đã dùng cây bút đâm thủng mắt của mình để không phải nhìn thấy hình ảnh Hồ Chí Minh, nhìn thấy những rác rưởi của chế độ. Cả thế giới xưa nay không có một Thụy An thứ hai.

Người kế tiếp, theo ông là nhà văn Dương Thu Hương của thập niên 70-80 và người thứ ba là nhà văn Trần Khải Thanh Thủy của những năm cuối thế kỷ 20 sang đầu thế kỷ 21. Luật Sư cho rằng chế độ CS sống còn nhờ bám víu vào thần tượng Hồ Chí Minh. Nếu thần tượng HCM sụp đổ thì chế độ CS sụp đổ. Trong khi chế độ dùng mọi thủ đoạn tuyên truyền, tô vẽ hình ảnh vị lãnh tụ của họ thì nhà văn TKTT bất chấp mọi hiểm nguy vạch trần “thần tượng”, lột trần bản chất và những hành vi dối gạt dư luận, dã tâm tàn ác với đồng bào, đồng chí, những chí sĩ yêu nước và với cả những thiếu nữ, những người đàn bà mà ông ta đã từng ăn ở và có con với họ. Nhà văn TKTT là con người bất khuất, không khoan nhượng, dù bị đàn áp, khủng bố; thậm chí nhà cầm quyền CS còn sử dụng bọn băng đảng xã hội đen hành hung nhằm chận đứng tiếng nói bất khuất của bà nhưng bà đã chấp nhận mọi hiểm nguy, kể cả tính mạng để nói với quần chúng hôm nay và lịch sử mai sau biết rõ về con người thật Hồ Chí Minh đang được chế độ cố công tô vẽ.

Theo LS Thống sứ mạng người thích khách Kinh Kha băng qua sông Dịch diệt trừ bạo chúa chắc chắn dễ dàng và đơn giản hơn hành động của bà TKTT sống giữa lòng chế độ, đối diện với đủ mọi bất trắc hiểm nguy hàng ngày trong bao nhiêu năm mà vẫn bền bỉ kiên trì vạch mặt bạo chúa. Thì đây quả là một nữ anh thư thời đại, đáng ngưỡng mộ.

Trong phòng hội ấm cúng được thiết trí trưng bày hình ảnh sinh họat của Cội Nguồn từ khởi đầu đến nay cùng với 52 số tạp chí Nguồn và trên 40 tác phẩm chọn lọc do Cội Nguồn xuất bản mà thi hữu Cung Diễm trong phần giới thiệu đã nhấn mạnh đến sự chú ý của Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ đã đặt mua trọn bộ tạp chí Nguồn từ số 1 để đưa vào Văn Khố Thư Mục Văn Học Vùng Đông Nam Á. Ngoài ra, Nguồn (trọn bộ) và nhiều tác phẩm do Cội Nguồn xuất bản cũng có trong thư viện Quốc Hội, thư viện đại học Cornell, New York, thư viện Salk Lake City, Utah và trên 10 thư viện toàn cầu.

Đúng 1 giờ chiều, quan khách, thân hữu dùng bữa thân mật do Cội Nguồn khoản đãi, nâng ly chúc mừng, trao đổi, thăm hỏi, chuyện vãn với nhà văn TKTT.
Ông bà LS Nguyễn Hữu Thống bận việc cáo lui sau khi trao tặng một số hiện kim của ông bà và Bác sĩ Nguyễn Hữu Tiến (Nam Cali) tặng Bà TKTT.
Buổi sinh hoạt bế mạc vào lúc 3 giờ chiều cùng ngày.

Hàm Dương & HVT tường thuật

1. nhà văn Song Nhị và nhà văn TKTT















2. Ô Song Nhị, Ô/Bà Nguyễn Hữu Thống, Bà TKTT, Bà Ngọc Bích, 
Ô Nguyên Khôi (đài phát thanh/Truyền Hình Quê Hương)

 














Sunday, August 14, 2011

Thơ Song Ngữ - Bilingual

TỪ ĐÂY

Anh đứng đây trông về nơi em
Qua một phía trời có mây và nắng
Nắng trải rất mềm hàng cây đứng lặng
Mây xõa lưng chừng anh ngẩn ngơ thêm

Anh đứng đây trông về nơi em
Qua những lớp dày kẽm gai tường đá
Có những cảnh đời rất quen mà lạ
Lặp lại từng ngày sáng tối chiều trưa

Anh đứng đây trông về phố xưa
Cách một quãng đường vài trăm cây số
Kỷ niệm ngày nào rất nhiều để nhớ
Như nhớ thương em nhớ mấy cho vừa

Anh đứng hôm nay trông về hôm qua
Vượt mấy thời gian xô về dĩ vãng
Có một rừng thơ một trời sao sáng
Em đưa xuân về mấy độ hương hoa
           
Anh đứng hôm nay trông về hôm qua
Non nước lênh đênh phận người dâu bể
Thương quá từng đêm phòng khuê đơn lẻ
Xin hẹn nhau ngày tàn cuộc phong ba
           
Anh đứng hôm nay trông về ngày mai
Mộng ước mai sau mộng ước thật dài
Hạnh phúc. Quê hương. Tình yêu. Cuộc sống
Còn đấy rất nhiều dự tính tương lai.

Song Nhị
Z30A  Xuân Lộc 8-1981


FROM THIS

I stand here and look  at your residing place
Through a full-of-cloud-and-sunshine space
Quiet are lines of trees and mild the sun spread
Half-way clouds hang down and more moved I get.

I stand here and gaze upon the zone you abide
Over barbed wires and stony walls that divide.
Quite a lot of life sights very familiar but  unusual
Occur every morning and evening repeatedly dual.

I stand here and observe our dear former abode
Some hundreds of kilometers afar, apart a road.
Memories of those days are numerous of treasure
And countless to miss and to love you to my pleasure.

I stand here today to look back on the ancient times
Reaching to bygone dates, rushing to old climes.
A universe of muse, a sky of starlight  you did bring
Perfumes and flowers manyfold the spirit of spring.

I stand here today to think of the past and hate
The vicissitudes over our country and people’s fate.
What a pity lonely you are spending every night!
I promise to reunite with you when ends this plight.

I stand here today to look forward tomorrow
Nurturing dreams on our future free from sorrow.
There are our Happiness, Motherland, Love, Life
And for hereafter so many plans, so much to strive.

Original Poem by  SONG NHI - August 1981
Englih version by THANH THANH

= =                             

MỘT NGÀY MÙA HẠ
Ở SAN FRANCISCO

Kính tặng thân phụ
nhân dip người du lịch
Hoa Kỳø thăm con cháu

Tôi đến “Xen-Phơ-Răng”
Giữa trưa trời sẫm tối
Sương phủ mờ . dốc cao
Người đông như trẩy hội

Mặt biển mờ mờ xa
đàn hải âu nghiêng cánh
từng cánh buồm lướt qua
gió hiu hiu thấm lạnh

Đứng bên này eo biển
nhìn sang bên kia bờ
từng nhịp cầu lơ lửng
còn đọng hồn người xưa

Người xưa ơi, Strass (*)
mãi mãi dòng thời gian
tim óc người vô tận
trên đường nét kỳ quan

Tôi đến San Fran
con đường ngoằn dốc thoải
như bầy cua bò ngang
đoàn xe quành rỗi rãi

Xuống thấp rồi lên cao
bốn hướng vòng xuôi ngược
những con đường dọc ngang
dập dờn như sóng nước

Từng dãy phố chập chùng
xếp chồng bên vách núi
bàn tay nào vẽ nên
thiên nhiên nào diệu vợi?


Tôi đến San Fran
bỗng nhòe, đôi mắt ướt
trông qua Thái Bình Dương
tưởng chừng như đứt ruột ...

song nhị
14/7/2001

(*) Strass, kỹ sư thiết kế và thực hiện cầu
Golden Gate, một trong bảy kỳ quan của nhân loại.


A SUMMER DAY
IN SAN FRANCISCO

To my dear father on his visit
to his descendents  in the U.S.

I arrived in San Francisco at noon                    
on a day dark similar to nightfall.
The slopes hazed far above with fog;                           
People crowded like in a festive mall.

The distant sea surface was dim;
the petrels inclined their wings still;
the sails glided past one after another;
the breeze brought a breath of chill.

From this side of the straits,
I looked at the other along each span
and felt as if the suspended bridge
still retained the spirit of a gone man.

Oh, Strauss*, the old engineer!
your heart and mind being so sublime
with marvelous lines in your design
have and will still live through time.

I got to San Francisco on the winding
and sloping streets with pleasure;
Like the transversely crawling crabs,
the line of vehicles rounded at leasure.

Going downwards then back upwards
around in four and each way trend,
the horizontal and vertical roads
drifted up and down as if waves bend.

The rows of houses one upon another
heaping up round the mountain side
whose hands were so skillful to create?
what masterpiece nature did to us so divine!

I entered San Francisco City
feeling tears in my eyes suddenly start;
I gazed far over the Pacific Ocean
and suffered pain in my deep heart...

                                   
This interpretation by thanh-thanh
from the original poem Mot Ngay Mua
Ha O San Francisco by Song Nhi.

----------------------------
*Joseph B. Strauss, the engineer who designed and built the
Golden Gate Bridge, one of the seven wonders of the world.

Tuesday, August 2, 2011

Nói Chuyện Với Thơ (2)

 Thơ Và Tù Ngục

Lời mở đầu.- Vào thượng tuần tháng 8- 1999, Hội Trao Đổi Văn Học Nghệ Thuật, Thi Đàn Lạc Việt, Bắc California có tổ chức một buổi nói chuyện về thơ. Diễn giả được mời gồm có các nhà thơ Huệ Thu, Khương Hạ, Dương Huệ Anh, Hà Thượng Nhân và Song Nhị. Đề tài “Thơ Và Tù Ngục” do Song Nhị trình bày được cử tọa chú ý theo dõi đặc biệt vì chính diễn giả là người mang thơ tù từ tù ngục trở về nói chuyện về thơ tù. Dưới đây là bài phát biểu của Song Nhị vừa được ông hiệu chính lại. 

**                                   
1.
Thơ Và Tù Ngục là đề tài có một tầm vóc rất lớn. Bài viết này được hiệu chính từ một “bài nói chuyện” với cử tọa trong một hội trường, thời gian chuẩn bị hạn hẹp, điều kiện tổ chức có tính cách một cuộc trao đổi, mạn đàm về thơ, do đó nội dung của chủ đề này e đã không đáp ứng được tầm vóc rộng lớn của một “thiên sử ca tù ngục” thời đại. Với một số tư liệu mà tôi hiện có về thơ tù, tôi cố gắng đúc kết, trình bày những hoàn cảnh, động lực, nhất là tấm lòng của kẻ sĩ thời đại, dù trong hoàn cảnh sa cơ thất thế, vẫn đảm nhận trọng trách của giới sĩ phu, bất chấp mọi hiểm nguy để trải tim óc mình lên trang giấy.
Trong kho tàng văn học sử nước ta, thơ tù hầu như không có. Suốt một thời kỳ Văn Học sử Việt Nam chỉ có một áng thơ tù duy nhất, đó là Tự Tình Khúc của Cao Bá Nhạ. Cao Bá Nhạ là cháu gọi Cao Bá Quát bằng chú. Năm 1854 Cao Bá Quát theo Lê Duy Cự khởi nghĩa chống triều đình nhà Nguyễn. Việc không thành, nhà họ Cao bị tru di tam tộc.
Cao Ba Nhạ sau tám năm trốn tránh, cuối cùng bị bắt giam; bị bức hại vô cùng oan khiên bởi một thứ luật pháp cực kỳ phi lý và bất nhân của chế độ phong kiến. Cao Bá Nhạ đã viết Tự Tình Khúc trong cảnh ngộ oan ức đến ứa máu ấy:

Cảm hoài khi tựa mấy câu
Nghêu ngao đồng tử tiêu sầu năm ba
Đuôi con mắt châu sa thấm giấy
Đầu ngón tay máu chảy pha son.

Tự Tình Khúc là một tác phẩm gồm trên 600 câu thơ mà nhà văn Ngô Tất Tố cho rằng “đọc hết ... tưởng đến cái kết cục thê thảm của tác giả, thiên cổ phải chau mày nghiến răng”. Có dịp chúng ta sẽ trở lại với tác phẩm này.

Sang thời kỳ Văn Học Sử Việt Nam ở thế kỷ 20 chúng ta thấy rất hiếm hoi những ấn bản thơ tù có sức mạnh tác động đến cả một giai đoạn lịch sử của dân tộc, mà phải đợi đến biến cố chính trị 30-4-1975 khi miền Nam Việt Nam rơi vào tay CS. Nửa đất nước tự do bị sụp đổ, mọi giá trị tinh thần bị đảo lộn, đời sống người dân bị bóp ngẹt. Hầu hết trong giới nhân sĩ trí thức bị khủng bố, tù đày. Và chính lớp sĩ phu thời đại đó đã hình thành một trường thiên thơ ca tù ngục vô cùng cảm động và phong phú.

Cho tới nay chưa có một công trình nào có tính cách vận động quy mô để sưu tập, đúc kết và biên soạn thành một tác phẩm đồng bộ, mang tầm vóc tương xứng với biến cố lịch sử 1975. Chúng tôi cùng nhà thơ Diên Nghị có hợp tác với nhạc sĩ cựu tù Vũ Đức Nghiêm, người phụ trách biên tập và ấn hành một tuyển tập “Thơ Văn Nhạc Tù” vào năm 1996, nhưng vì thiếu sự chuẩn bị và thời gian thực hiện hơi gấp gáp nên tác phẩm chưa đạt, chưa tương xứng với tầm vóc của chủ đề. Chúng tôi đã tiếp tục một cuộc vận động khác để thực hiện một tuyển tập, hoặc những tuyển tập, những masterpieces chủ đề về Thơ Tù Ngục. Chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý, tham gia và hỗ trợ của các nhà thơ H.O. của các cựu tù nhân chính trị.

2 .
Với đề tài Thơ Tù Ngục, trước hết tôi sẽ xin kể một vài kỷ niệm tiêu biểu về thơ và bạn thơ trong tù; sau đó tôi xin trình bày một số tâm cảm quặn thắt nhất của người tù làm thơ; và sau chót tôi sẽ xin giới thiệu một vài bài thơ tù mà theo thiển ý, là những bài thơ hay.

Có thể trong hàng cử tọa khi tôi nói chuyện có những người bạn, những chiến hữu đã cùng lê gót lưu đày trong các nhà tù cộng sản, thì chắc chắn các bạn ấy trong giây phút đó đã ôn lại lại những năm tháng vô cùng khủng khiếp nhưng đầy hào khí ấy. Có những kỷ niệm thật khó quên, các bạn ấy và chúng tôi là nạn nhân và là chứng nhân của một thời kỳ lịch sử bi tráng. Thơ Tù hôm nay sẽ là chứng liệu truyền đạt đến các thế hệ tiếp nối mãi mãi theo dòng lịch sử trường tồn của dân tộc.

Những ai trong quá khứ không có cơ hội chứng kiến và thử thách với những ngón đòn độc địa trong các trại tù cải tạo, thì đây, qua những người tù làm thơ, qua những bài thơ viết từ trái tim rướm máu, từ những dòng nước mắt vì khổ đau, tủi nhục, quý vị sẽ thấy lòng mình yêu quê hương, yêu lịch sử dân tộc, yêu các thế hệ cha ông và yêu con người Việt Nam hơn. 

Ở đây chúng tôi xin thưa rằng quả thật thế hệ của chúng ta hôm nay là nạn nhân của một ván bài chính trị giữa các thế lực ngoại bang. Chúng ta tự hào là đã chiến đấu, đã hy sinh, và đã gánh chịu mọi hậu quả của canh bạc đó. Trong mọi cảnh ngộ, người chiến sĩ quốc gia vẫn luôn luôn hào hùng khẳng khái. Tính cách hào hùng được thể hiện qua nhiều hình thức, trong đó những nhà-thơ-tù-nhân-chính-trị, tù-nhân-lương-tâm đã làm sáng danh chính nghĩa.

Tôi xin được kể một vài kỷ niệm, một vài trường hợp điển hình trong vô số trường hợp lý thú liên quan đến thơ tù. Năm 1980 khi chúng tôi còn ở trại Lam Sơn, tức trại Lý Bá Sơ cũ, anh Nguyễn Văn S. (Th.tá/Phòng Giảo Nghiệm Bộ TLCSQG), một người tù, làm thơ tù bị bắt gặp, bài thơ bị tịch thu, theo luận điệu công an gác tù thì bài thơ có nội dung “nhại theo thơ Hồ chủ tịch”, cũng ngồi trong song sắt, cũng nhìn ra sân chờ đợi được chén bo bo và tỏ ra không an tâm cải tạo. Người thơ tù này bị đưa ra họp kiểm điểm, một hình thức đấu tố nội bộ giữa hai phe tù “tiến bộ” và tiêu cực, trong hai đêm liền. Người bạn tù này bào chữa rằng: “... Có nhiều người khác cũng làm thơ. Và khi tôi làm xong những bài thơ tôi đều đưa cho các anh em khác đọc, điều này chứng tỏ thơ tôi không phải là thơ phản động...”. Anh bạn này khai cả tên tôi làm thơ và đọc thơ anh.
Và thưa quý vị, kết quả Nguyễn Văn S. vào nằm xà lim ba tháng. Phần tôi, chỉ mấy ngày sau, trong một cuộc khám xét công tư trang, tất cả mọi loại sách vở, giấy tờ của tôi, kể cả những bài tôi chép từ trong báo Nhân Dân, đều bị tịch thu hết. Nhưng có mấy chục bài thơ (tập Tiếng Hờn Chiến Mã in năm 1996, tái bản năm 2002) của tôi nằm trong đầu thì họ đã không thể nào khám xét và tịch thu được.

Một người tù, một nhà thơ khác, anh Lê Văn Ch. tức nhà thơ Lê Mai Lĩnh khi ở một trại tù ngoài Bắc, anh bị bắt gặp và bị tich thu một số bài thơ có nội dung "chống đối chế độ”. Nghĩ rằng sẽ bị xử bắn, hoặc ít ra cũng sẽ bị vào xà lim với nhiều đòn hành hạ nên nhà thơ tù của chúng ta đã viết một “thỉnh nguyện thư” gửi Trường Chinh và Lê Duẩn, nội dung nói rằng: nhân danh là một Sĩ quan QLV NCH, nhân danh là một thi sĩ, anh xin lấy thơ và tính mạng của anh để đệ đạt đến Ban CHTƯ đảng CSVN một nguyện vọng xin đảng CS hãy thay đổi đường lối, chính sách để đưa đất nước đến chỗ tiến bộ và đưa lại hạnh phúc, tự do cơm áo cho nhân dân.

Một buổi tối, sau khi cửa sắt phòng giam đã khóa chặt, nhà thơ tù này treo một sợi dây thòng lọng trên phòng giam, yêu cầu bạn tù cả phong ngồi dậy nghe anh ta đọc lá thư trước khi kết liễu cuộc đời. Đọc xong, lá thư được trao lại cho buồng ttưởng nhờ sáng hôm sau chuyển lên ban Giám thị trại. Nhà thơ tù khẳng khái bước lại leo lên cửa, đưa đầu vào sơi dây thòng lọng thì lập tức các bạn tù kéo nhà thơ xuống và giữ chặt lại, cắt sợi dây, không cho anh ta thi hành ý định. Sáng hôm sau nhà thơ tù chết hụt ấy được gọi lên phòng an ninh “làm việc” và làm bản tự kiểm suốt mấy tuần lễ. Cuối cùng anh đã được “khoan hồng” không bị thi hành kỷ luật. Nhà thơ tù này đã thắng trận thứ nhất.
Năm 1982 sau khi được chuyển về Nam, ở trại Z 30A Xuân Lộc, cũng nhà thơ này, một buổi trưa, sau khi đi lao động ngoài ven rừng về, anh ta đã vùng chạy nhiều vòng chung quanh một chu vi rất rộng bên trong trại. Vừa chạy, người tù vừa hô to: “Đả dảo Cộng sản!”, “ Lao động là khổ sai”. “Ta nhất định thắng” CS nhất định thua”.

Anh ta đã bị cán bộ trực trại, gác cổng, cùng với đám trật tự (phe ta) đuổi theo, bắt và khiêng về trạm xá. Viên công an trực trại dí súng vào màng tang và kêu: “Mày hô nữa đi”. Nhà thơ của chúng ta nằm im vì mệt. Mấy ngày sau chúng tôi gặp nhau, tôi hỏi sao hôm đó khi nó dí súng vào đầu anh không hô tiếp. Anh trả lời: “Thôi bằng ấy đủ rồi. Hô tiếp, lỡ nó bắn thật thì uổng”. Ngày về Sài Gòn chúng tôi gặp lại nhau ôn lại chuyện cũ bên ly cà phê lề đường Kỳ Đồng.

Tại trại tù Gia Rây, anh là người mỗi sáng chủ nhật tập họp anh em tù “chịu chơi” ở một phòng trống và đọc thơ tù do anh sáng tác. Những bạn từng ở Z30A hẳn không quên bài thơ Sắn của anh:
“Sắn muôn năm, sắn vĩ đại
Sắn sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”

Nếu kể cho hết chuyện thơ tù và đọc cho hết thơ tù phải mất nhiều thời gian và giấy mực.  Ở đây tôi xin giới thiệu khái lược một ít đoạn thơ, bài thơ mà người tù đã ghi lại từ nỗi ẩn ức đay nghiến trước những cảnh ngộ không thể cầm lòng.
Những ai đã từng đi trên những chuyến tàu chở tù ra Bắc, dù là bằng tàu thủy hay đường sắt đều cùng chung một ấn tượng hãi hùng, kinh khiếp.

Nhà thơ Tô Thùy Yên trong chuyến Tàu Đêm đã ghi lại cuộc hành trình trên đường lịch sử từ Nam ra Bắc với những chấn động hung hãn của thời đại. Còn nỗi đau đớn tột cùng nào bằng nỗi đau khi nhà thơ nghe cả hồn mình bị đoàn tàu cán nghiến. Xin chia xẻ một vài tâm sự với người tù xưa:
Ngồi đây giữa những phân cùng bụi
Trong chuyển dời xung xát bạo tàn
Ta trở thành than, thành súc vật
Tiếng người e cũng đã quên ngang
...

Đã mấy năm nay quằn quại đói
Thèm ăn như đứa trẻ con nghèo
Mẹ ơi, con nhớ thời thơ dại
Nhớ miếng ăn mà mẹ chắt chiu

Tàu Đêm của Tô Thùy Yên là tàu hỏa, còn có những chuyến tàu đi từ Tân cảng Xa Lộ ra biển Bắc, nỗi kinh hoàng ập lên thân phận người tù cũng không kém. Nhà thơ Nhất Tâm Lê Bá Phùng, trong bài Viễn Xứ Lao Trung đã ghi lại:
Bốn ngày dài trên biển nhồi sóng lắc
khối tù nhân ói mửa mật xanh
Người với phẩn chung nhau khốn đốn
Dưới hầm tàu la liệt hôi tanh

Thi sĩ Vũ Hoàng Chương, một nhà thơ lớn của thế kỷ Hai Mươi, một người không hề tham gia vào sinh họat chính trị hay đảng phái, nhưng với chính sách của đảng Cộng sản chủ trương “phần thư khanh nho”, tiêu diệt trí thức văn nghệ sĩ, giữa năm 1976 Vũ tiên sinh bị bắt giam tại khám Chí Hòa, năm ngày sau khi đuợc thả về nhà, ông đã từ trần ngày 9-6-1976.
Thơ tù của ông không nhiều. Tại nhà tù Chí Hòa tháng 6 năm 1976 ông có bài “Thơ Gửi Vợ” như sau:
Thấm thoắt vào đây tháng đã tròn
Lông hồng gieo xuống nặng bằng non
Một manh chiếu bả hồn ngây ngất
Ba chén cơm rau xác mỏi mòn

Ngày tới bữa ăn càng nhớ vợ
Đêm về giấc ngủ lại thương con
Bao nhiêu nuớc chảy qua cầu nữa
Chẳng dễ gì phai nhạt tấm son.

**
Tình thương nỗi nhớ chon von
Trưa nay bừng thức vẫn còn đổi trao
Thật rồi đâu phải chiêm bao
Tin ra Vĩnh Hội thư vào Hòa Hưng.
VHC

Dù bị hành hạ, ngược đãi, đói khổ, người tù vẫn ngạo nghễ bất chấp. Xin mời quý vị nghe nhà thơ Hà Thượng Nhân, một tiêu biểu của đại bộ phận người tù khí phách:
Chúng ta đói khổ cách nào
Nắm tay chấp cái gian lao vẫn cười
Mùa xuân cây cỏ xanh tươi
Xác tù, lòng vẫn lòng người tự do
Chia nhau từng hạt bo bo
Thương mình nghĩ lại thương cho kẻ thù.
...
Còn nhiều, nhiều lắm... những bài thơ tù chất chứa đủ nỗi niềm, tâm cảm của các tác giả ghi lại với thân thế, với tình yêu, với ân nghĩa và đặc biệt với dân với nước. Tôi đã bắt gặp rất nhiều bài thơ hay từ trong nhà tù cũng như trên các báo chí hải ngoại.
Phan Nhự Thức với bài “Thơ Tình Trong Trại Cải Tạo”:

Đã cạn dòng thơ từ buổi đó
Buổi xa rừng chim cất giọng khan
Chiếc lồng nhỏ giam đời bé nhỏ
Cõi ngồi mơ là dấu chấm than
....
Chỉ còn lại muỗi ruồi ve vãn
Nỗi buồn dài buồn tủi thịt da
Mắt sâu thẳm nửa đời chờ sáng
Một người tù gối mộng xót xa

Nguyên Huy trong bài Hai Hàng Cây So Đũa, viết sau khi vợ đến trại tù Z30A thăm, từ biệt trước khi vượt biên:

Hai hàng cây so đũa
Đứng lặng nhìn xe qua
Lên thăm anh lần cuối
Hàng cây cũng nhạt nhòa

Đường còn chao sóng biển
Trùng dương thật mênh mông
Bờ tự do réo gọi
Hợp tan rồi có không

Nhà thơ Trần Thúc Vũ trong vực sâu lao lý mãi từ rừng núi Hoàng Liên Sơn vẫn nhìn lên bầu trời cao rộng:

Ta từ sóng nước tương phân
Đó hồn lau sậy đây thân cát lầy
Ngựa cùng ganh sức chim bay
Vực sâu vẫn một cánh tay níu trời

Nhà thơ Diên nghị đón Tết mừng Xuân ở rừng Yên Bái, đã ngậm ngùi:
Ba tết lướt qua tù cải tạo
Khổ sai lao động rã mòn hơi

Nhưng lòng vẫn kiên định sắt son:
Trang sử ngàn năm sau thua trận
Tình nhà nghĩa nước thuở nào nguôi
Kề nhau ngồi sát chuyền hơi ấm
Mắt sáng niềm tin, lửa rạng ngời

Và nhà thơ Lê Khắc Anh Hào từ trại tù Sông Mao, phía Nam đã nối tiếp lời thơ Trần Thúc Vũ:

Hỡi ơi dâu bể mang mang
Ta thân chiếc lá bên đàng cuối thu
Vết thương Tổ quốc ngục tù
Còn cương dấu tủi mịt mù dặm xa
Nhà thơ Xuân Ngữ là một chứng nhân thời đại, đã viết lên giấy những bằng chứng mắt thấy tai nghe:

Có người tù tội vì chinh chiến
Rũ xác trên rừng núi thẳm xa
Có người sống về từ địa ngục
Kể chuyện thảm sầu cõi tử sinh

Có người thấy quỷ ma đú đởn
Bên tiệc máu xương của giống nòi

Có người thấy núi phun ngụt lửa
Động đất vùi, lịch sử cáo chung

Bản thân tôi, trong tám năm lê gót lao tù, đã có lúc từng bị còng tay, bị trói thúc ké, kỷ luật, biệt giam. Và Thơ như là người tình, như là bàn tay hiền dịu vô hình giúp cho tâm hồn và ý chí tôi giữ vững niềm tin mà tồn tại. Tập thơ Tiếng Hờn Chiến Mã là một lưu dấu những tháng năm đày đọa của người tù mà tôi ghi lại được. Một trong những cảnh ngộ, mang hình ảnh sống động có thể hình dung được là cảnh từng đoàn tù rách nát tả tơi, như trong những đoạn phim thời Trung cổ, luân vòng liên tục vác đá từ núi về trại tù để xây xà lim. Là một trong những người của đoàn tù đó, tôi đã ghi lại cảm nghĩ từ hiện trường qua bài thơ “Tôi Đi Giữa Đoàn Tù Vác Đá” :

Ở đây trời đất vừa thu lại
còn một vòm đen chứa thế gian
và cả loài người như đổi lốt
bày trò dã thú lối chơi hoang

Tôi tưởng như mình vừa sống lại
tự nghìn kiếp trước nối oan khiên
oằn lưng gánh lấy hồn sông núi
hiu hắt trong lòng đóm lửa thiêng

Tôi đi giữa chốn tàn quân ấy
đội ngũ hùng binh đã một thời
nghe tiếng - quân thù kia khiếp sợ
một giờ cuồng nộ súng gươm rơi

Tôi đi núi đổ đè thân phận
đá cứa vai trần máu rướm tim
cả một đoàn người xoay trái núi
dời non chuyển đá dựng xà lim.

Canh bạc đã về tay bạo chúa
tình người đạo nghĩa đã nhường ngôi
tôi đi dưới bóng thời nô lệ
ngọn núi đè lên cả kiếp người
           
Ðủ ngón đòn thù ân huệ lắm
quất lên da thịt đã chai sần
lưỡi dao sỉ nhục xuyên tim óc
vết chém khoan hồng tươm xác thân

Sắt thép nào không tan với lửa
thịt da mục rữa lẽ đương nhiên
nhưng tâm và chí đoàn ngươi ấy
lửa đốt lò nung không thể mềm

Ở đây chất ngất hồn non nước
vang bóng vua Lê buổi dựng cờ
vọng tiếng Bình Ngô hồn Nguyễn Trãi
đoàn người bước tới hẹn thời cơ.

Lam Sơn, Thanh Hóa 1978

Biến cố 30 tháng Tư - 1975 đã qua, chế độ tự do dân chủ của một nửa nuớc đã cáo chung, nhưng lịch sử dân tộc sẽ mãi mãi trường tồn. Những gì phản lại điều nhân nghĩa, phản lại lẽ phải điều hay, phản lại trào lưu tiến hóa của nhân loại sẽ phải đào thải và hủy diệt. Lịch sử của dân tộc Việt Nam sẽ trở lại với cội nguồn nhân bản của dân tộc Việt Nam. Lich sử là một cuộc tuần hoàn....

Song Nhị, 8. 2011





Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...