Tuesday, August 2, 2011

Nói Chuyện Với Thơ (2)

 Thơ Và Tù Ngục

Lời mở đầu.- Vào thượng tuần tháng 8- 1999, Hội Trao Đổi Văn Học Nghệ Thuật, Thi Đàn Lạc Việt, Bắc California có tổ chức một buổi nói chuyện về thơ. Diễn giả được mời gồm có các nhà thơ Huệ Thu, Khương Hạ, Dương Huệ Anh, Hà Thượng Nhân và Song Nhị. Đề tài “Thơ Và Tù Ngục” do Song Nhị trình bày được cử tọa chú ý theo dõi đặc biệt vì chính diễn giả là người mang thơ tù từ tù ngục trở về nói chuyện về thơ tù. Dưới đây là bài phát biểu của Song Nhị vừa được ông hiệu chính lại. 

**                                   
1.
Thơ Và Tù Ngục là đề tài có một tầm vóc rất lớn. Bài viết này được hiệu chính từ một “bài nói chuyện” với cử tọa trong một hội trường, thời gian chuẩn bị hạn hẹp, điều kiện tổ chức có tính cách một cuộc trao đổi, mạn đàm về thơ, do đó nội dung của chủ đề này e đã không đáp ứng được tầm vóc rộng lớn của một “thiên sử ca tù ngục” thời đại. Với một số tư liệu mà tôi hiện có về thơ tù, tôi cố gắng đúc kết, trình bày những hoàn cảnh, động lực, nhất là tấm lòng của kẻ sĩ thời đại, dù trong hoàn cảnh sa cơ thất thế, vẫn đảm nhận trọng trách của giới sĩ phu, bất chấp mọi hiểm nguy để trải tim óc mình lên trang giấy.
Trong kho tàng văn học sử nước ta, thơ tù hầu như không có. Suốt một thời kỳ Văn Học sử Việt Nam chỉ có một áng thơ tù duy nhất, đó là Tự Tình Khúc của Cao Bá Nhạ. Cao Bá Nhạ là cháu gọi Cao Bá Quát bằng chú. Năm 1854 Cao Bá Quát theo Lê Duy Cự khởi nghĩa chống triều đình nhà Nguyễn. Việc không thành, nhà họ Cao bị tru di tam tộc.
Cao Ba Nhạ sau tám năm trốn tránh, cuối cùng bị bắt giam; bị bức hại vô cùng oan khiên bởi một thứ luật pháp cực kỳ phi lý và bất nhân của chế độ phong kiến. Cao Bá Nhạ đã viết Tự Tình Khúc trong cảnh ngộ oan ức đến ứa máu ấy:

Cảm hoài khi tựa mấy câu
Nghêu ngao đồng tử tiêu sầu năm ba
Đuôi con mắt châu sa thấm giấy
Đầu ngón tay máu chảy pha son.

Tự Tình Khúc là một tác phẩm gồm trên 600 câu thơ mà nhà văn Ngô Tất Tố cho rằng “đọc hết ... tưởng đến cái kết cục thê thảm của tác giả, thiên cổ phải chau mày nghiến răng”. Có dịp chúng ta sẽ trở lại với tác phẩm này.

Sang thời kỳ Văn Học Sử Việt Nam ở thế kỷ 20 chúng ta thấy rất hiếm hoi những ấn bản thơ tù có sức mạnh tác động đến cả một giai đoạn lịch sử của dân tộc, mà phải đợi đến biến cố chính trị 30-4-1975 khi miền Nam Việt Nam rơi vào tay CS. Nửa đất nước tự do bị sụp đổ, mọi giá trị tinh thần bị đảo lộn, đời sống người dân bị bóp ngẹt. Hầu hết trong giới nhân sĩ trí thức bị khủng bố, tù đày. Và chính lớp sĩ phu thời đại đó đã hình thành một trường thiên thơ ca tù ngục vô cùng cảm động và phong phú.

Cho tới nay chưa có một công trình nào có tính cách vận động quy mô để sưu tập, đúc kết và biên soạn thành một tác phẩm đồng bộ, mang tầm vóc tương xứng với biến cố lịch sử 1975. Chúng tôi cùng nhà thơ Diên Nghị có hợp tác với nhạc sĩ cựu tù Vũ Đức Nghiêm, người phụ trách biên tập và ấn hành một tuyển tập “Thơ Văn Nhạc Tù” vào năm 1996, nhưng vì thiếu sự chuẩn bị và thời gian thực hiện hơi gấp gáp nên tác phẩm chưa đạt, chưa tương xứng với tầm vóc của chủ đề. Chúng tôi đã tiếp tục một cuộc vận động khác để thực hiện một tuyển tập, hoặc những tuyển tập, những masterpieces chủ đề về Thơ Tù Ngục. Chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý, tham gia và hỗ trợ của các nhà thơ H.O. của các cựu tù nhân chính trị.

2 .
Với đề tài Thơ Tù Ngục, trước hết tôi sẽ xin kể một vài kỷ niệm tiêu biểu về thơ và bạn thơ trong tù; sau đó tôi xin trình bày một số tâm cảm quặn thắt nhất của người tù làm thơ; và sau chót tôi sẽ xin giới thiệu một vài bài thơ tù mà theo thiển ý, là những bài thơ hay.

Có thể trong hàng cử tọa khi tôi nói chuyện có những người bạn, những chiến hữu đã cùng lê gót lưu đày trong các nhà tù cộng sản, thì chắc chắn các bạn ấy trong giây phút đó đã ôn lại lại những năm tháng vô cùng khủng khiếp nhưng đầy hào khí ấy. Có những kỷ niệm thật khó quên, các bạn ấy và chúng tôi là nạn nhân và là chứng nhân của một thời kỳ lịch sử bi tráng. Thơ Tù hôm nay sẽ là chứng liệu truyền đạt đến các thế hệ tiếp nối mãi mãi theo dòng lịch sử trường tồn của dân tộc.

Những ai trong quá khứ không có cơ hội chứng kiến và thử thách với những ngón đòn độc địa trong các trại tù cải tạo, thì đây, qua những người tù làm thơ, qua những bài thơ viết từ trái tim rướm máu, từ những dòng nước mắt vì khổ đau, tủi nhục, quý vị sẽ thấy lòng mình yêu quê hương, yêu lịch sử dân tộc, yêu các thế hệ cha ông và yêu con người Việt Nam hơn. 

Ở đây chúng tôi xin thưa rằng quả thật thế hệ của chúng ta hôm nay là nạn nhân của một ván bài chính trị giữa các thế lực ngoại bang. Chúng ta tự hào là đã chiến đấu, đã hy sinh, và đã gánh chịu mọi hậu quả của canh bạc đó. Trong mọi cảnh ngộ, người chiến sĩ quốc gia vẫn luôn luôn hào hùng khẳng khái. Tính cách hào hùng được thể hiện qua nhiều hình thức, trong đó những nhà-thơ-tù-nhân-chính-trị, tù-nhân-lương-tâm đã làm sáng danh chính nghĩa.

Tôi xin được kể một vài kỷ niệm, một vài trường hợp điển hình trong vô số trường hợp lý thú liên quan đến thơ tù. Năm 1980 khi chúng tôi còn ở trại Lam Sơn, tức trại Lý Bá Sơ cũ, anh Nguyễn Văn S. (Th.tá/Phòng Giảo Nghiệm Bộ TLCSQG), một người tù, làm thơ tù bị bắt gặp, bài thơ bị tịch thu, theo luận điệu công an gác tù thì bài thơ có nội dung “nhại theo thơ Hồ chủ tịch”, cũng ngồi trong song sắt, cũng nhìn ra sân chờ đợi được chén bo bo và tỏ ra không an tâm cải tạo. Người thơ tù này bị đưa ra họp kiểm điểm, một hình thức đấu tố nội bộ giữa hai phe tù “tiến bộ” và tiêu cực, trong hai đêm liền. Người bạn tù này bào chữa rằng: “... Có nhiều người khác cũng làm thơ. Và khi tôi làm xong những bài thơ tôi đều đưa cho các anh em khác đọc, điều này chứng tỏ thơ tôi không phải là thơ phản động...”. Anh bạn này khai cả tên tôi làm thơ và đọc thơ anh.
Và thưa quý vị, kết quả Nguyễn Văn S. vào nằm xà lim ba tháng. Phần tôi, chỉ mấy ngày sau, trong một cuộc khám xét công tư trang, tất cả mọi loại sách vở, giấy tờ của tôi, kể cả những bài tôi chép từ trong báo Nhân Dân, đều bị tịch thu hết. Nhưng có mấy chục bài thơ (tập Tiếng Hờn Chiến Mã in năm 1996, tái bản năm 2002) của tôi nằm trong đầu thì họ đã không thể nào khám xét và tịch thu được.

Một người tù, một nhà thơ khác, anh Lê Văn Ch. tức nhà thơ Lê Mai Lĩnh khi ở một trại tù ngoài Bắc, anh bị bắt gặp và bị tich thu một số bài thơ có nội dung "chống đối chế độ”. Nghĩ rằng sẽ bị xử bắn, hoặc ít ra cũng sẽ bị vào xà lim với nhiều đòn hành hạ nên nhà thơ tù của chúng ta đã viết một “thỉnh nguyện thư” gửi Trường Chinh và Lê Duẩn, nội dung nói rằng: nhân danh là một Sĩ quan QLV NCH, nhân danh là một thi sĩ, anh xin lấy thơ và tính mạng của anh để đệ đạt đến Ban CHTƯ đảng CSVN một nguyện vọng xin đảng CS hãy thay đổi đường lối, chính sách để đưa đất nước đến chỗ tiến bộ và đưa lại hạnh phúc, tự do cơm áo cho nhân dân.

Một buổi tối, sau khi cửa sắt phòng giam đã khóa chặt, nhà thơ tù này treo một sợi dây thòng lọng trên phòng giam, yêu cầu bạn tù cả phong ngồi dậy nghe anh ta đọc lá thư trước khi kết liễu cuộc đời. Đọc xong, lá thư được trao lại cho buồng ttưởng nhờ sáng hôm sau chuyển lên ban Giám thị trại. Nhà thơ tù khẳng khái bước lại leo lên cửa, đưa đầu vào sơi dây thòng lọng thì lập tức các bạn tù kéo nhà thơ xuống và giữ chặt lại, cắt sợi dây, không cho anh ta thi hành ý định. Sáng hôm sau nhà thơ tù chết hụt ấy được gọi lên phòng an ninh “làm việc” và làm bản tự kiểm suốt mấy tuần lễ. Cuối cùng anh đã được “khoan hồng” không bị thi hành kỷ luật. Nhà thơ tù này đã thắng trận thứ nhất.
Năm 1982 sau khi được chuyển về Nam, ở trại Z 30A Xuân Lộc, cũng nhà thơ này, một buổi trưa, sau khi đi lao động ngoài ven rừng về, anh ta đã vùng chạy nhiều vòng chung quanh một chu vi rất rộng bên trong trại. Vừa chạy, người tù vừa hô to: “Đả dảo Cộng sản!”, “ Lao động là khổ sai”. “Ta nhất định thắng” CS nhất định thua”.

Anh ta đã bị cán bộ trực trại, gác cổng, cùng với đám trật tự (phe ta) đuổi theo, bắt và khiêng về trạm xá. Viên công an trực trại dí súng vào màng tang và kêu: “Mày hô nữa đi”. Nhà thơ của chúng ta nằm im vì mệt. Mấy ngày sau chúng tôi gặp nhau, tôi hỏi sao hôm đó khi nó dí súng vào đầu anh không hô tiếp. Anh trả lời: “Thôi bằng ấy đủ rồi. Hô tiếp, lỡ nó bắn thật thì uổng”. Ngày về Sài Gòn chúng tôi gặp lại nhau ôn lại chuyện cũ bên ly cà phê lề đường Kỳ Đồng.

Tại trại tù Gia Rây, anh là người mỗi sáng chủ nhật tập họp anh em tù “chịu chơi” ở một phòng trống và đọc thơ tù do anh sáng tác. Những bạn từng ở Z30A hẳn không quên bài thơ Sắn của anh:
“Sắn muôn năm, sắn vĩ đại
Sắn sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”

Nếu kể cho hết chuyện thơ tù và đọc cho hết thơ tù phải mất nhiều thời gian và giấy mực.  Ở đây tôi xin giới thiệu khái lược một ít đoạn thơ, bài thơ mà người tù đã ghi lại từ nỗi ẩn ức đay nghiến trước những cảnh ngộ không thể cầm lòng.
Những ai đã từng đi trên những chuyến tàu chở tù ra Bắc, dù là bằng tàu thủy hay đường sắt đều cùng chung một ấn tượng hãi hùng, kinh khiếp.

Nhà thơ Tô Thùy Yên trong chuyến Tàu Đêm đã ghi lại cuộc hành trình trên đường lịch sử từ Nam ra Bắc với những chấn động hung hãn của thời đại. Còn nỗi đau đớn tột cùng nào bằng nỗi đau khi nhà thơ nghe cả hồn mình bị đoàn tàu cán nghiến. Xin chia xẻ một vài tâm sự với người tù xưa:
Ngồi đây giữa những phân cùng bụi
Trong chuyển dời xung xát bạo tàn
Ta trở thành than, thành súc vật
Tiếng người e cũng đã quên ngang
...

Đã mấy năm nay quằn quại đói
Thèm ăn như đứa trẻ con nghèo
Mẹ ơi, con nhớ thời thơ dại
Nhớ miếng ăn mà mẹ chắt chiu

Tàu Đêm của Tô Thùy Yên là tàu hỏa, còn có những chuyến tàu đi từ Tân cảng Xa Lộ ra biển Bắc, nỗi kinh hoàng ập lên thân phận người tù cũng không kém. Nhà thơ Nhất Tâm Lê Bá Phùng, trong bài Viễn Xứ Lao Trung đã ghi lại:
Bốn ngày dài trên biển nhồi sóng lắc
khối tù nhân ói mửa mật xanh
Người với phẩn chung nhau khốn đốn
Dưới hầm tàu la liệt hôi tanh

Thi sĩ Vũ Hoàng Chương, một nhà thơ lớn của thế kỷ Hai Mươi, một người không hề tham gia vào sinh họat chính trị hay đảng phái, nhưng với chính sách của đảng Cộng sản chủ trương “phần thư khanh nho”, tiêu diệt trí thức văn nghệ sĩ, giữa năm 1976 Vũ tiên sinh bị bắt giam tại khám Chí Hòa, năm ngày sau khi đuợc thả về nhà, ông đã từ trần ngày 9-6-1976.
Thơ tù của ông không nhiều. Tại nhà tù Chí Hòa tháng 6 năm 1976 ông có bài “Thơ Gửi Vợ” như sau:
Thấm thoắt vào đây tháng đã tròn
Lông hồng gieo xuống nặng bằng non
Một manh chiếu bả hồn ngây ngất
Ba chén cơm rau xác mỏi mòn

Ngày tới bữa ăn càng nhớ vợ
Đêm về giấc ngủ lại thương con
Bao nhiêu nuớc chảy qua cầu nữa
Chẳng dễ gì phai nhạt tấm son.

**
Tình thương nỗi nhớ chon von
Trưa nay bừng thức vẫn còn đổi trao
Thật rồi đâu phải chiêm bao
Tin ra Vĩnh Hội thư vào Hòa Hưng.
VHC

Dù bị hành hạ, ngược đãi, đói khổ, người tù vẫn ngạo nghễ bất chấp. Xin mời quý vị nghe nhà thơ Hà Thượng Nhân, một tiêu biểu của đại bộ phận người tù khí phách:
Chúng ta đói khổ cách nào
Nắm tay chấp cái gian lao vẫn cười
Mùa xuân cây cỏ xanh tươi
Xác tù, lòng vẫn lòng người tự do
Chia nhau từng hạt bo bo
Thương mình nghĩ lại thương cho kẻ thù.
...
Còn nhiều, nhiều lắm... những bài thơ tù chất chứa đủ nỗi niềm, tâm cảm của các tác giả ghi lại với thân thế, với tình yêu, với ân nghĩa và đặc biệt với dân với nước. Tôi đã bắt gặp rất nhiều bài thơ hay từ trong nhà tù cũng như trên các báo chí hải ngoại.
Phan Nhự Thức với bài “Thơ Tình Trong Trại Cải Tạo”:

Đã cạn dòng thơ từ buổi đó
Buổi xa rừng chim cất giọng khan
Chiếc lồng nhỏ giam đời bé nhỏ
Cõi ngồi mơ là dấu chấm than
....
Chỉ còn lại muỗi ruồi ve vãn
Nỗi buồn dài buồn tủi thịt da
Mắt sâu thẳm nửa đời chờ sáng
Một người tù gối mộng xót xa

Nguyên Huy trong bài Hai Hàng Cây So Đũa, viết sau khi vợ đến trại tù Z30A thăm, từ biệt trước khi vượt biên:

Hai hàng cây so đũa
Đứng lặng nhìn xe qua
Lên thăm anh lần cuối
Hàng cây cũng nhạt nhòa

Đường còn chao sóng biển
Trùng dương thật mênh mông
Bờ tự do réo gọi
Hợp tan rồi có không

Nhà thơ Trần Thúc Vũ trong vực sâu lao lý mãi từ rừng núi Hoàng Liên Sơn vẫn nhìn lên bầu trời cao rộng:

Ta từ sóng nước tương phân
Đó hồn lau sậy đây thân cát lầy
Ngựa cùng ganh sức chim bay
Vực sâu vẫn một cánh tay níu trời

Nhà thơ Diên nghị đón Tết mừng Xuân ở rừng Yên Bái, đã ngậm ngùi:
Ba tết lướt qua tù cải tạo
Khổ sai lao động rã mòn hơi

Nhưng lòng vẫn kiên định sắt son:
Trang sử ngàn năm sau thua trận
Tình nhà nghĩa nước thuở nào nguôi
Kề nhau ngồi sát chuyền hơi ấm
Mắt sáng niềm tin, lửa rạng ngời

Và nhà thơ Lê Khắc Anh Hào từ trại tù Sông Mao, phía Nam đã nối tiếp lời thơ Trần Thúc Vũ:

Hỡi ơi dâu bể mang mang
Ta thân chiếc lá bên đàng cuối thu
Vết thương Tổ quốc ngục tù
Còn cương dấu tủi mịt mù dặm xa
Nhà thơ Xuân Ngữ là một chứng nhân thời đại, đã viết lên giấy những bằng chứng mắt thấy tai nghe:

Có người tù tội vì chinh chiến
Rũ xác trên rừng núi thẳm xa
Có người sống về từ địa ngục
Kể chuyện thảm sầu cõi tử sinh

Có người thấy quỷ ma đú đởn
Bên tiệc máu xương của giống nòi

Có người thấy núi phun ngụt lửa
Động đất vùi, lịch sử cáo chung

Bản thân tôi, trong tám năm lê gót lao tù, đã có lúc từng bị còng tay, bị trói thúc ké, kỷ luật, biệt giam. Và Thơ như là người tình, như là bàn tay hiền dịu vô hình giúp cho tâm hồn và ý chí tôi giữ vững niềm tin mà tồn tại. Tập thơ Tiếng Hờn Chiến Mã là một lưu dấu những tháng năm đày đọa của người tù mà tôi ghi lại được. Một trong những cảnh ngộ, mang hình ảnh sống động có thể hình dung được là cảnh từng đoàn tù rách nát tả tơi, như trong những đoạn phim thời Trung cổ, luân vòng liên tục vác đá từ núi về trại tù để xây xà lim. Là một trong những người của đoàn tù đó, tôi đã ghi lại cảm nghĩ từ hiện trường qua bài thơ “Tôi Đi Giữa Đoàn Tù Vác Đá” :

Ở đây trời đất vừa thu lại
còn một vòm đen chứa thế gian
và cả loài người như đổi lốt
bày trò dã thú lối chơi hoang

Tôi tưởng như mình vừa sống lại
tự nghìn kiếp trước nối oan khiên
oằn lưng gánh lấy hồn sông núi
hiu hắt trong lòng đóm lửa thiêng

Tôi đi giữa chốn tàn quân ấy
đội ngũ hùng binh đã một thời
nghe tiếng - quân thù kia khiếp sợ
một giờ cuồng nộ súng gươm rơi

Tôi đi núi đổ đè thân phận
đá cứa vai trần máu rướm tim
cả một đoàn người xoay trái núi
dời non chuyển đá dựng xà lim.

Canh bạc đã về tay bạo chúa
tình người đạo nghĩa đã nhường ngôi
tôi đi dưới bóng thời nô lệ
ngọn núi đè lên cả kiếp người
           
Ðủ ngón đòn thù ân huệ lắm
quất lên da thịt đã chai sần
lưỡi dao sỉ nhục xuyên tim óc
vết chém khoan hồng tươm xác thân

Sắt thép nào không tan với lửa
thịt da mục rữa lẽ đương nhiên
nhưng tâm và chí đoàn ngươi ấy
lửa đốt lò nung không thể mềm

Ở đây chất ngất hồn non nước
vang bóng vua Lê buổi dựng cờ
vọng tiếng Bình Ngô hồn Nguyễn Trãi
đoàn người bước tới hẹn thời cơ.

Lam Sơn, Thanh Hóa 1978

Biến cố 30 tháng Tư - 1975 đã qua, chế độ tự do dân chủ của một nửa nuớc đã cáo chung, nhưng lịch sử dân tộc sẽ mãi mãi trường tồn. Những gì phản lại điều nhân nghĩa, phản lại lẽ phải điều hay, phản lại trào lưu tiến hóa của nhân loại sẽ phải đào thải và hủy diệt. Lịch sử của dân tộc Việt Nam sẽ trở lại với cội nguồn nhân bản của dân tộc Việt Nam. Lich sử là một cuộc tuần hoàn....

Song Nhị, 8. 2011





No comments:

Post a Comment

Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...