Saturday, June 21, 2014

SÀI GÒN - SƠ LƯỢC NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ





Tháng 10-1974 Cháu Dileuth Saykham (quốc tịch Lào gốc Việt) từ Vientiane về Sài Gòn thăm cậu mợ. Sài Gòn thanh bình, phồn hoa lộng lẫy. Tháng 4-1975 khi đoàn quân nón cối giương ngọn cờ "thắng cuộc" trên Dinh Độc Lập, Sài Gòn trở thành bãi hoang lịch sử.
Dileuth Saykham nay có quốc tịch Pháp, thành đạt tại Paris.
(Ảnh Saykham chụp với mợ)





Trên đường tìm về những giai đoạn lịch sử dân tộc, xin gởi đến bạn đọc đề tài nhìn lại Sài Gòn, thành phố trái tim của miền Nam hơn ba trăm năm lịch sử đang ngày đêm làm thổn thức tâm can của hơn hai triệu người Việt Nam viễn xứ. Sài Gòn là thành phố nối liền tình cảm thiêng liêng với những người Việt Nam mất quê hương, đang lưu lạc trên khắp cùng trái đất.           

Sài Gòn dẫu với ngày tăm tối 30-4-75, dẫu đã bị lột áo thay tên, Sài gòn muôn năm vẫn là Sài Gòn của cả nước Việt Nam như nó đã từng tồn tại và phát triển trong suốt hành trình hơn ba trăm năm lịch sử đã qua. Với một số tư liệu ít ỏi, người viết xin phác họa một sơ đồ khái quát về lịch sử hình thành và phát triển của cả Nam Bộ.
                       
SÀI GÒN - TÊN GỌI, ĐẤT VÀ NGƯỜI    

Vào khoảng một trăm năm trước ngày Hoa Kỳ lập quốc, nước Chân Lạp vẫn còn tồn tại là một quốc gia với ruộng đất phì nhiêu, có cương vực xã hội. Nhưng không bao lâu sau đó, nước Chân Lạp đã mất hút trên bản đồ thế giới, khi vị vua cuối cùng của Chân Lạp băng hà. Theo tài liệu trong Gia Định Thống Chí và tư liệu được học giả Thái Văn Kiểm trình bày trong Đất Việt Trời Nam (NXB Nguồn Sống, Saigon 1960) thì vào năm 1623 vua Chetta II (1618- 1628) từ Xiêm La về nước trị vì, được Chúa Nguyễn Sãi gả con gái là Công chúa Ngọc Vạn làm Hoàng hậu nước Chân Lạp. Do từ quan hệ đó, người Việt đã được vua Chân Lạp Chetta II cho định cư đầu tiên tại Nam Bộ, vùng Bà Rịa, Đồng Nai ngày nay.
           
Năm 1658, vua Chân Lạp mất, quốc sự bất an, trong dòng tộc chú cháu tranh nhau ngôi báu, Chúa Nguyễn Hiền Vương cử một đạo binh gồm hai nghìn người kéo vào Xoài Mô (tức Bà Rịa) bắt vua Chân Lạp  Nặc Ông Chân dẫn về Quảng Bình, sau thả về Chân Lạp.
           
Năm 1674, Chúa Nguyễn lập mgười con trai trưởng của vua Chân Lạp lên làm Chánh Quốc Vương đóng đô ở Gò Bích (Lo Vek) và lập con trai thứ làm Đệ Nhị Quốc Vương đóng ở Sài Côn, buộc hàng năm phải triều cống nước Việt.
           
Năm 1679, có hai tướng Nhà Minh bên Tàu là Dương Ngạn Dịch và Trần An Bình không thần phục nhà Thanh, đem 3.000 quân và năm mươi chiếc thuyền đến Đà Nẵng xin Chúa Nguyễn cho phép được cư trú. Chúa Nguyễn phái họ vào Nam, mang theo quốc thư xin vua Chân Lạp cho họ được định cư ở Đồng Nai và Mỹ Tho. Ít lâu sau đám này nổi loạn, chém giết lẫn nhau, Chúa Nguyễn phái một đạo binh vào dẹp loạn.
           
Đến năm 1690, vua Chân Lạp mất không người kế vị, toàn bộ Chân Lạp thuộc quyền cai trị của Chúa Nguyễn. Tám năm sau đó, toàn lãnh thổ Chân Lạp được tổ chức thành doanh Trấn Biên (tức Biên Hòa) và Phủ Gia Định (tức Sài Gòn) năm 1689.
           
Năm 1773, khi Tây sơn tiến quân vào lấy thành Gia Định, Số người Hoa ở Đồng Nai chạy về hướng Tây Nam lập phố Đê Ngạn. Đó là tên gọi đầu tiên của Chợ Lớn ngày nay.      
Từ năm 1808 trở đi, Sài Gòn vẫn là thủ phủ của trấn Gia Định. Sài Gòn lúc đó cũng là tỉnh lỵ của tỉnh Phan Trấn, Phủ Bình Dương và huyện Bình Trị. Người Việt Nam thời xa xưa ấy gọi vùng nhà thương Đồn Đất, khu nhà thờ Đức Bà trở sang Đa Kao (thành phố hành chánh) là Đồng Nai, Phan An hoặc Phan Yên, Gia Định. Còn thành phố thấp (thương mại) là Bến Nghé, Bến Thành. Bến Nghé ngày xưa người Cao Miên gọi là Kompong Kraybey. (Kompong là bến; Kraybey là trâu). Bến Nghé nằm cạnh Rạch Bến Nghé chảy vào sông Sài Gòn. Bến Thành là khu vực Chợ Cũ (đường Nguyễn Huệ) ngày nay.
           
Sài Gòn hoặc Sài Côn là tên gọi thông dụng từ thế kỷ thứ mười tám. Theo các tài liệu, tên gọi này có nhiều xuất xứ khác nhau:
Theo Gia Định Thống chí của Trịnh Hoài Đức (1765-1825) thì Sài Gòn do chữ SÀI là củi, Gòn là bông gòn. Từ chữ Hán chuyển sang chữ Nôm, gòn cũng được viết là Côn. Một giả thuyết khác cho rằng Sài Gòn có xuất xứ từ tiếng Cam Bốt. Theo đó thì chữ Sài Gòn được phiên dịch từ tiếng Khơ-me Preikor có nghĩa là rừng gòn (Prei: rừng; Kor: gòn), hoặc Prei Nokor (rừng của vua).  Giả thuyết thứ hai, chữ Sài Gòn xuất xứ từ tiếng Trung Hoa. Sài Gòn do hai chữ Đê Ngạn (bờ đê) mà tiếng Quảng Đông đọc là Tai-gon. Đê Ngạn là danh từ mà người Trung Hoa đã dùng để phiên âm hai chữ Sài Gòn khi họ bỏ Biên Hòa về Chợ Lớn vào năm 1778. Theo nhà hàng hải Mỹ John White đã viếng thăm Việt Nam hồi năm 1820 thì thành phố Sài Gòn gồm có Bến Nghé và Đê Ngạn. Như vậy, phải chăng Bến Nghé là Sài Gòn nguyên thủy và Đê Ngạn là Chợ Lớn ngày nay.
           
Giả thuyết thứ ba, Saì Gòn được viết là Tây Cống. Tây Cống là phần đất mà người Chân Lạp đem cống hiến cho người Việt.
           
Từ năm 1808 về sau, Sài Gòn là thủ phủ của trấn Gia Định. Tên gọi này ngày càng phổ biến, thông dụng trong các thư từ của các giáo sĩ phương Tây đến nước ta hồi thế kỷ thứ mười tám.
           
Sau gần một thế kỷ Việt Nam bị thực dân Pháp đô hộ, từ năm 1859 đến năm 1949 Quốc Hội Pháp mới biểu quyết đạo luật trả lại Nam Bộ cho nước Việt Nam. Năm 1955, Sài Gòn là thủ đô của miền Nam Việt Nam tự do. Sài Gòn đã trở thành một trong những thủ đô chính trị, là một trong thành phố thương mại lớn nhất ở Đông Nam Á. Sài Gòn đã từng được báo chí ngoại quốc tặng danh hiệu là Hòn Ngọc Viễn Đông.

Sau năm 1975, con dân của thủ đô Sài Gòn thân yêu tản mác, lưu lạc khắp cùng trên thế giới. Tên tuổi, hình ảnh và biểu tượng Sài Gòn hiện diện khắp mọi miền trên trái đất. Sài Gòn dẫu đã bị CS đổi tên là thành phố HCM từ năm 1976, nhưng trong tâm khảm người dân từ Nam chí Bắc và trên cửa miệng mọi người, Sài gòn vẫn là Sài Gòn. Sài Gòn trong câu chuyện, Sài Gòn trong bài thơ, Sài Gòn trong tiếng hát.
           
SÀI GÒN - MẬT ĐỘ DÂN CƯ XƯA VÀ NAY

Cùng với công cuộc mở mang đất đai, tính từ 100 năm trở lại đây, dân số Sài gòn đã gia tăng với một nhịp độ phi mã. Theo những con số thống kê ghi nhận được thì năm 1884 Sài Gòn chỉ có 13.348 người. Trong đó có 5.246 người Việt, 5.595 người Hoa, 966 người Âu. Đến năm 1923 dân số đó đã  tăng lên đến 95.437 người, trong đó có 61,498 người Việt, 28.914 người Hoa, 5.301 người Âu. Vào cuối năm 1951 toàn Sài Gòn Chợ Lớn có 1.603.831 người, gồm 998.000 người Việt. 583.000 người Hoa, 2.181 mgười Cam Bốt và Lào. 17.140 người Âu và 3.200 ngoại kiều khác.
           
Năm 1954 sau Hiệp định Genève, Sài Gòn, Thủ đô nước VNCH có dân số lên đến hai triệu người, đứng vào hàng một trong những thành phố đông dân cư nhất châu Á, sau Tokyo, Yokohama, Calcutta, Bắc Kinh và Thượng Hải. Vào năm đó có 620.000 người Hoa, 20.000 người Âu, 5.300 ngoại kiều người châu Á và 1,200 ngưòi Mỹ. Năm 1974 dân số Sài Gòn tăng lên bốn triệu.
Sau ngày 30-4-75, gần một triệu người rời Sài gòn ra nước ngoài định cư, nhưng số dân cư từ các nơi đến, phần đông từ ngoài vĩ tuyến 17 vào. Dân số Sài Gòn, theo thống kê do nhà cầm quyền CSVN công bố ngày 10-01-1996 đã lên tới 4.075.000 người. 

Ngày 2 tháng 7 năm 1976 nhà cầm quyền CS sát nhập tỉnh Gia Định vào TP Sài Gòn và đổi tên  T/p Hồ Chí Minh trên giấy tờ, vì thực tế trong mọi sinh hoạt mọi người vẫn sử dụng tên Sài Gòn.

Theo thống kê của Wikipedia, nếu tính cả dân cư Thủ Dầu Một, Dĩ An và Biên Hòa thì đến năm 2025 dân số Sài Gòn sẽ là 13 triệu 900 ngàn người. Hiện đang có kế hoạch đến năm 2020 sẽ sát nhập tỉnh Tiền Giang và Long An vào Sài Gòn. Và lúc bấy giờ diện tích Sài Gòn sẽ là 30 ngàn km2 với dân số 20 triệu người.

Theo sắp hạng của Mercer Humam Resource, Economic Intelligence Unit International thì đối với những người lao động nhập cư, Sài Gòn đứng hàng thứ 132 trong số những thành phố đắt đỏ nhất thế giới.

Sài Gòn vừa trải qua hai mươi năm (1975 - 1995) buồn tẻ tối tăm. Sài Gòn ngày nay đang thay da đổi thịt với nền kinh tế thị trường, cùng sự tái nhâp trở lại của nền khoa học kỹ thuật phương Tây. Sài Gòn sau ba mươi chín năm dưới chế độ cai trị của “giai cấp vô sản”, nhanh chóng biến chất thành giai cấp tư bản đỏ,  ngày nay Sài gòn đang bị tha hóa, trụy lạc, băng họai... Ngoài lớp vỏ và bộ mặt hồi sinh, thay đổi bên trong, mọi nền tảng văn hóa dân tộc thoái hóa, đạo đức, luân lý suy đồi. Mọi giá trị tinh thần bị bóp nghẹt.

Sài Gòn của 1975 trở về trước vẫn mãi mãi ngọt ngào, trìu mến. Sài Gòn, do đó hàng chục năm rồi vẫn đang đứng đợi những đứa con đi xa. Và những đứa con lưu lạc cũng đang ngày đêm chờ cuộc hồi hương, trở về với Sài Gòn yêu mến.

SONG NHỊ
San Jose, 4-1995
Hiệu chính tháng 4-2014                                                                                                                      
                                               


Friday, June 6, 2014

LÝ LỊCH CON CHỮ H.O. SONG NHỊ























Trong những cuộc thương thuyết sơ khởi, vì chúng tôi không hy vọng hai bên sẽ có ngay những giải pháp chính trị, cho nên tất cả những hành động mở đường cho những thỏa ước tương lai đều được mang danh “Humanitarian Operation” (chiến dịch nhân đạo), gọi tắt là H.O ...
... at the time of the original negotiations, there was no hope of any immediate political resolution between the two nations, all actions taken in furtherance of the agreements reached were termed "humannitarian operations". Consequently, the term HO. [John W. Vessey]

1. Đã gần 20 năm kể từ ngày nghe đến tên tuổi người đàn bà xa lạ - bà Khúc Minh Thơ - mà tôi, một trong số hàng trăm ngàn tù cải tạo và đại gia đình HO mang ơn, lần đầu tiên gặp bà tại San Jose, tháng 2- 2005.

Trong bộ y phục giản dị, với phong cách người phụ nữ Nam Bộ, thoải mái, tự nhiên bà tiếp chúng tôi tại phòng khách tư thất của ông bà Minh Triết, một thương gia của Sài Gòn trước năm 1975. Sau nụ cười và hỏi chào vồn vã, câu nói đầu tiên của tôi: “Tôi rất hân hạnh được gặp chị để nói lời cảm ơn mà tôi canh cánh trong lòng mấy chục năm qua”. Nở nụ cười thật tươi trên khuôn mặt đôn hậu hằn nét thời gian, bà đáp lời tôi mà cũng như nói cho mọi người cùng nghe: “Tôi đã được đọc một hai số Nguồn khi đang nằm trong bệnh viện. Khuôn khổ tờ báo rất gọn, dễ đọc. Tôi phải mổ cái chân, nên còn chống gậy đây nè.”
Tôi nói với bà: “Còn đau chân, mà chị về San Jose đi chơi hay có việc gì?”, bà cười: “Nơi nào có tù nhân chính trị kêu, nơi nào có gia đình HO gọi là tôi tới ngay”.

Câu chuyện giữa những người xa lạ lần đầu tiên gặp nhau mà không mấy chốc trở nên giòn dã, thân tình như đã có một sự đợi chờ từ lâu lắm. Bà kể vắn tắt một vài việc bà đã làm cho tù nhân chính trị, cho chương trình HO. Bà nhắc đến một số nhân vật Việt Mỹ đã có công giúp bà thiết lập được nền tảng cho cơ cấu Families of Vietnamese Political Prisoners association (Hội Gia Đình Tù Nhân Chính trị Việt Nam). Bà nhắc đến ông Robert Funseth, Thứ trưởng Ngoại Giao đặc trách Á Châu Sự Vụ, người đã bỏ ra 10 năm theo đuổi cuộc mặc cả với CSVN về chương trình HO.

Tôi nhắc lại bài báo của ký giả Nguyễn Ngọc Chấn viết cho CNN ngày 16 tháng 6 - 2004 nhân lễ tang TT Reagan (ngày 11 tháng 6) dưới tựa đề: “Bà Khúc Minh Thơ, hai lần khóc Tổng thống Ronald Reagan”. Bài báo viết: “Trong cuộc tiếp kiến tháng 12, 1988, bà Khúc Minh Thơ khẩn cầu:
-“XinTổng Thống và nước Mỹ đừng bỏ rơi những tù nhân Việt Nam Cộng Hòa”.
Tổng thống Ronald Reagan ôn tồn:
- “Những người anh hùng Việt Nam sẽ không bao giờ bị bỏ quên”.
Bà Khúc Minh Thơ đã bật khóc vì không ngăn được nỗi xúc động.

Nghe tôi nhắc lại, bà nói:
“Phải rồi, hồi đó TT Reagan tiếp tôi tại phòng danh dự, Phòng Bầu Dục của Bạch Cung. Ý nghĩa của cuộc tiếp xúc nói lên rằng các anh tuy phải chịu đựng những đớn đau tủi nhục, bị mất mát gần như tất cả, có người mất cả gia đạo vợ con, nhưng cái lớn lao mà các anh không mất là phẩm giá; các anh vẫn còn nguyên vẹn danh dự. Cuối cùng các anh ra khỏi tù, các anh đi ra, cả thế giới chào đón các anh.”

Nghe bà nói, đến lượt tôi rướm cay trong đôi mắt. Dĩ vãng ấy, quá khứ ấy không dễ gì để quên. Tôi xúc động vì vết thương kia tưởng đã lành mà khi bị khều lại vẫn còn nhức nhối. Tôi xúc động vì những gì tôi suy nghĩ, tôi cưu mang nay chính con người “liễu yếu đào tơ” kia; chính con người nữ nhi đã ra tay hành hiệp ấy nói cho tôi nghe. Tôi được bà hứa sẽ cho tôi thêm một số hiểu biết khác về những con người, về những chặng đường gian nan của hành trình nhân đạo ấy. Tôi được bà hứa sẽ “release” cho một ít tài liệu liên quan khi tôi cần tìm hiểu.

2.
Đã có nhiều bàn luận ở chốn riêng tư và một số bài viết về hai con chữ có tầm vóc thời đại gắn liền với một giai đoạn lịch sử của dân tộc sau cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn kéo dài trong hai mươi năm trên hai miền đất nước, kết cuộc chỉ có hận thù, đổ vỡ tan hoang, mọi giá trị truyền thống dân tộc băng họai như hôm nay.

Nếu nhìn lại những ngày ảm đạm của tháng 6-1975 khi tất cả sĩ quan, viên chức VNCH bị lùa vào các trại tập trung, rồi lần lượt được phân bố đi các trại tù nơi rừng sâu núi thẳm trong Nam và các trại tập trung tận các vùng núi rừng heo hút, trùng điệp miền Bắc, đến khi - trừ những người đã chết - tất cả lần lượt được thả về, rồi nườm nượp lên máy bay rời bỏ quê hương, thoát khỏi cảnh ngược đãi, lưu đày trên chính xứ sở của mình, thì quả là một giấc mơ của cô bé Lọ Lem trong thần thoại nghìn lẻ một đêm.

Hành trình một H.O không giản dị, dễ dàng như những gì người ta nhìn thấy. Không đơn giản với các khâu làm thủ tục dịch vụ xuất cảnh với Công an, khám sức khỏe với IOM, và lên máy bay với HCR... Không mau chóng như trường hợp nhiều gia đình người chồng vừa được thả về năm 1988 thì đầu năm 1990 cả nhà lên máy bay sang Mỹ. Hành trình này khởi đầu bằng nhiều nỗi cam go, bằng tấm lòng và công sức của nhiều người mới hình thành và đem lại kết quả đó. Hành trình này, nếu nhìn xa hơn từ ngọn nguồn thì phải kể trước hết là chính sự chịu đựng mọi cực hình, tủi nhục của người tù bị đày đọa trong các trại cải tạo.

Con người khi đứng trước mọi tai họa đang dẫn tới đường cùng nếu không có niềm tin tuyệt đối và không vì bản năng sinh tồn mà vươn tới thì chắc chắn sẽ khó mà tồn tại. Tôi đưa ra kết luận này từ kinh nghiệm sống chết mà tôi nhìn thấy, tôi trải nghiệm trong hơn ba ngàn ngày nơi các trại tù từ Nam ra Bắc. Một trong những niềm tin phải có của người tù tập trung cải tạo, không án văn, không thời hạn giam giữ, là niềm tin phải tồn tại, phải có ngày về, phải có ngày làm lại, như Linh mục Nguyễn Hữu Lễ đã viết thành tác phẩm “Tôi Phải Sống”. Tôi phải sống, tôi phải về và tôi có toàn quyền hy vọng... đó là điều đã được người tù cải tạo thể hiện bằng nhiều phương cách.

Tháng 2 năm 1979, CSVN đem quân sang đánh chiếm Cambodia, khi ra lao động ngoài ven rừng, thấy máy bay trực thăng bay từ lãnh thổ VN băng qua biên giới sang phần đất Miên Lào, cả đoàn tù ngừng tay, bỏ cuốc, ngả nón nhìn lên trời. Trong đám, có người la lên “Anh em ơi máy bay tới rồi!” Đêm về bị đám “tự quản”, “ăng ten” đem ra kiểm điểm hạch hỏi, kết tội “còn hướng vọng đế quốc Mỹ, còn mong máy bay Mỹ đến giải cứu”.

Phải chăng “Hành trình H.O” khởi đi từ đó, từ một sự thiêng liêng huyền nhiệm mơ hồ. Hành trình H.O khởi đi từ sự sống khốn cùng và từ cái chết bi thương của những người tù cải tạo. Lê Quảng Lạc, bị cùm đến chết chỉ vì lá thư gửi về cho gia đình: “Xin bố mẹ yên tâm. Chúng con ra đi vì lý do chính trị thì chúng con cũng sẽ trở về bằng con đường chính trị”.
Lá thư viết trong trại tù Lam Sơn, Thanh Hóa năm 1979 đúng vào lúc từ bên Genève, quốc tế đang họp bàn về “con đường chính trị” mà Lê Quảng Lạc như được mặc khải từ một nguồn sáng siêu nhiên. Lá thư không về được với gia đình. Lá thư bị chặn lại và tác giả đã đổi sinh mạng của mình bằng lá thư viết về cho người vợ và bố mẹ của anh.

Hành trình H.O còn khởi đi từ tấm lòng nhân đạo vô bờ bến của những con người đang sống yên lành trên nước Mỹ. Tôi muốn nói đến những nhân vật cộng đồng trong đó những vị ân nhân của người, của đời mà không ai có thể quên được, đó là Bà Khúc Minh Thơ, Chủ Tịch Hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị Việt Nam, bên cạnh có các ông Nguyễn Ngọc Bích, Huỳnh Công Ánh, Nguyễn Hậu, Linh Quang Viên, Đào Văn Bình, Giao Chỉ... và nhiều cá nhân, tổ chức, hội đoàn khác đã đóng góp công sức, tài vật cho thành quả giải thoát những người tù cải tạo.

Một số trong các người vừa kể, sau khi đã hoàn thành mục tiêu xây đắp xong “con đường nhân đạo” cho “hành trình H.O” đã lui về với cuộc sống bình lặng thường ngày. Tôi vẫn băn khoăn nghĩ về những con người đã trải qua bao nhiêu chặng đường cam go, bỏ tiền của công sức, thì giờ trong nhiều năm để tiếp xúc, vận động các Dân biểu, Nghị sĩ trong Quốc Hội Hoa Kỳ hình thành “Hành trình H.O” hiện thực. Một tên tuổi mà tôi nghĩ, có lẽ số đông H.O không quên - Bà Khúc Minh Thơ, người mà nhiều anh em tù cải tạo khi còn ở Sài Gòn đã đọc, đã nghe nói đến.

“Món quà quý giá” được đám tù chúng tôi chuyền tay nhau là lá thư (đề ngày 14 tháng 6 năm 1989) của Dân Biểu Frank R. Wolf, gửi bà Khúc Minh Thơ thông báo việc Hạ Viện Hoa Kỳ, ngày 13 tháng 6 -1989 đã thông qua Nghị Quyết kêu gọi chính quyền Cộng sản VN thả hết tất cả tù cải tạo và xúc tiến giải quyết cho ra đi mọi tù nhân đã hay chưa được thả. Bản phocopy lá thư đó tôi mang theo sang Mỹ và còn giữ lại đến hôm nay. Trong nhiều năm qua, tôi chưa gặp một người nào trong số những nhân vật đã góp tấm lòng và bàn tay cứu độ ấy. Tôi cũng lại băn khoăn về một cử chỉ biết ơn đối họ, nhưng tôi chưa thấy ai làm. Tôi viết những dòng này để thấy lòng mình một chút thanh thản khi bày tỏ được đôi lời về những băn khoăn ấy.

3.
Lần đầu tiên khi hai con chữ H.O được phổ biến trên báo Công An ở Sài Gòn, trong một lần gặp gỡ nhiều bạn tù tại nhà anh Lê Đình Khôi ở đường Phan Thanh Giản (Điện Biên Phủ), Quận Mười, khi bàn đến hai chữ H.O, một anh trong đám nói: “đó là viết tắt của hai tiếng Humanitanian Organization”. Tôi, do đã tìm hiểu và suy luận trước nên “cải chính”: “không phải organization mà là operation. Không phải ‘tổ chức nhân đạo’ mà là ‘chiến dịch nhân đạo’.

Trong nhiều năm tôi vẫn cho rằng tôi suy nghĩ đúng, lập luận vững, nhưng mãi cho đến khi đọc được bài viết của Luật sư Lâm Lễ Trinh trên tờ Việt Báo San Jose (số 77 ngày 31-01-1997) thì tôi lại nghĩ rằng tôi cũng chỉ đoán mò. Bài báo của LS Lâm Lễ Trinh có đoạn: “Thế giới đã áp lực chính quyền Hà Nội chấm dứt những vụ ra đi “bán chính thức” bằng đường biển và chấp nhận một chương trình “xuất ngoại có trật tự, orderly departure hay ODP” cùng với kế hoạch cho ra đi “vì nhân đạo, humanitarian organization, HO”.
Theo tôi, những nhóm chữ LS Trinh để trong dấu ngoặc kép là chữ trích từ văn bản hay tài liệu mà người viết tham khảo, trích dẫn chứ không phải do người viết đặt ra nên tôi tin cụm từ “humanitarian organization, HO”.

Hai chương trình “xuất ngoại có trật tự, Orderly Departure” và cho ra đi “vì nhân đạo, Humanitarian Organization” đã được Liên Hiệp Quốc và đại diện 46 quốc gia đưa ra thảo luận cùng đại diện CHXHCN Việt Nam tại Geneve, đưa tới thỏa hiệp ký kết ngày 20-7-1979, mở đầu cho hai chương trình xuất cảnh ồ ạt mười năm sau đó.

Như vậy, căn nguyên hình thành hai chữ H.O bắt nguồn từ Liên Hiệp Quốc, từ Geneve, từ năm 1979, chứ không phải từ... trên trời rơi xuống, từ những suy luận, đoán mò của nhiều người.

Tuy nhiên, những ai suy luận H.O do viết tắt của hai chữ Humanitarian Operation có cơ sở  hơn, bởi nó có nghĩa tích cực, mạnh mẽ hơn và cuối cùng đã được giới chức thẩm quyền, tướng John W. Vessey  xác nhận đúng.  H.O, như vậy không phải là “Huyền Thoại H.O” như tựa đề một bài viết của tác giả Hạ Bá Chung do nhà báo Yên Mô giới thiệu trên mục Tạp Ghi của Việt Nam Thời Báo (số 2131, ngày 21-10-1997). Bài báo đó, trong phần mở đầu, người giới thiệu đồng ý với tác giả mà cho rằng: “Bài Tạp Ghi là của một HO viết về huyền thoại HO” là một bài viết đã tra cứu sâu rộng để biết rằng HO chỉ là tên gọi do sự tình cờ nhưng đã trở thành hữu danh một cách rất có lịch sử.....”. Điều này cần xem lại, như tôi đã nói ở trên.

Tôi xin nêu những dẫn chứng sau đây về sự nhất quán của con chữ HO trong Hành trình HO, nhưng trước hết xin được nói thêm về một nhóm chữ khác - re-education - tôi muốn được nói thêm, ông Yên Mô cho rằng tên gọi re-education “hoàn toàn có ý nghĩa hành chánh chứ không nhằm miệt thị”. Chúng ta, phần đông hiểu nghĩa của từ education là “giáo dục” nên khi nhìn thấy re-education thì liên tưởng ngay nghĩa của từ này là “giáo dục lại, dạy dỗ lại”. Thực ra re-education nghĩa đen là cải đổi, là sửa sang lại, là tập luyện để trở lại như cũ, theo ý muốn của mình. Người HO đã từng trải một thời gian dài “sửa sang, tập luyện lại để trở lại như cũ”, để sau khi ra trại vẫn là con người  cũ VNCH!!

Khi ở trại tù Quảng Ninh ngoài Bắc, một số anh em chúng tôi đã có bàn luận với nhau “tiếng Anh ‘cải tạo’ gọi là gì thì vài ba anh em, trong đó có anh Lâm Văn Hữu, gốc Cảnh Sát Quốc Tế (Inter-Pol) của VNCH đồng ý với nhau ‘cải tạo’ là re-education, vì nghĩa đen của từ này là... ‘cải tạo’. Cộng sản đã dùng thuật ngữ Cải Tạo để thay thế cho chữ tù, nhằm đánh lừa dư luận. Lúc mới tập trung vào trại, họ bảo “Các anh là Học Viên”, ai nói “tù” là xuyên tạc, phản động. Ít lâu sau họ nói “Các anh là Cải Tạo Viên”, hơn một năm sau có người thắc mắc, hỏi cán bộ thì họ xẳng giọng nói thẳng ra: “Học viên hay cải tạo viên gì cũng là tù cả”.
Trở lại bài báo “Huyền Thoại H.O” của ông Hạ Bá Chung, tác giả bài báo cho biết nhà văn Trà Lũ tỏ ra thắc mắc về nguồn gốc hai chữ H.O lắm nên đã viết trong “Lá thư Canada”: “Chẳng nhẽ mình phải hỏi VC việc này sao?”

Tác giả bài báo đặt câu hỏi “Vậy H.O. có phải là chữ viết tắt của Humanitarian Operation không?” Rồi tác giả bàn tiếp: “Cụm từ này tôi đã đọc nhiều lần trên các báo chí mấy năm nay rồi, và ngay cả vị giáo sư khả kính Lê Bá Kông viết trên Đặc san Đa Hiệu cũng cho là như vậy, vì ai cũng nghĩ là chuyện Mỹ can thiệp với VC để đưa các cựu sĩ quan Quân Lực VNCH sang định cư tại Hoa Kỳ là vấn đề mang tính nhân đạo”. Tác giả cho rằng nghĩ như vậy là “sỉ nhục”.

Tôi không bàn đến khía cạnh “tự ái dân tộc” mà tác giả bài báo nêu ra. Sự luận bàn như vậy chỉ có tính cách mua vui. Theo ông Hạ Bá Chung, “chữ H là humanitarian nghe hữu lý nhưng chữ O là Operation quá gượng ép, vì cùng là chương trình định cư mà di dân (immigrant) dùng chữ progam (Orderly Program) hay P.I.P (Public Interest Program), còn người tỵ nạn (refugee) hà tất phải đổi là Operation”.

Lý luận cách này của ông HBC là cách suy luận cảm tính. Tuy cùng là di dân, nhưng mỗi diện là một loại, đặt tên gọi khác nhau là một điều hợp lý. Diện đoàn tụ gia đình Orderly Departure Program, diện “đi theo” là Public Interest Parole (không phải program như ông HBC đã ghi), cho nên diện tù cải tạo là Humanitarian Operation, cũng như diện thuyền nhân hồi hương là ROVR.

Những năm đang ở tù ngoài Bắc, chúng tôi thường “mơ mộng” về một operation bằng viễn ảnh một cuộc chuyển dời từ trại tù đến “tập kết” tại một địa điểm nào đó ở một sân bay, hay một bãi biển, để mà tha hồ hít thở khí trời tự do. Mơ mộng đó không đến với người tù bằng những operation từ các trại giam mà bằng những “chiến dịch” nhân đạo Humantarian Operation như thực tế đã diễn ra.

Tác giả Hạ Bá Chung khẳng định “Vậy chữ H.O. không phải xuất phát từ phía Hoa Kỳ”, và theo ông “chỉ còn cách hỏi Sở Ngoại Vụ VC”. Ông không cho biết Sở Ngoại vụ VC trả lời thế nào. Tác giả lại đã nhờ một Kỹ sư Nông nghiệp học lớp phiên dịch mà ông là giảng viên, “liên lạc với tòa soạn báo Công An TPHCM đầy thẩm quyền, yêu cầu giải thích về các quy định của chương trình H.O. và chữ viết tắt của nó...”.

Tác giả viết tiếp “Vào cuối năm 1990, tuần báo Công An TPHCM đăng bài về chương trình H.O. và giải thích chữ viết tắt như sau” (??!!). Đoạn văn chấm dứt, bỏ lửng ở đó. Và một lần nữa, ông HBC lại không cho biết báo Công An giải thích hai chữ H.O. ra sao!! Theo ông HBC, “để đáp ứng yêu cầu của Mỹ, danh sách các cựu quân cán chính VNCH được thiết lập riêng để được ưu tiên phỏng vấn và ưu tiên có chuyến bay, nên Sở Ngoại Vụ VC lập danh sách bắt đầu bằng chữ H, rồi thông báo cho phái đoàn phỏng vấn Mỹ...”
Để được “ưu tiên phỏng vấn và ưu tiên có chuyến bay, nên Sở Ngoại Vụ VC lập danh sách bắt đầu bằng chữ H” nghiã là sao? Chữ H là biểu trưng cho ý nghĩa “Ưu Tiên”? Nếu biểu trưng cho ý nghĩa Ưu Tiên, sao không là chữ P (Priority)??

Theo tôi, lập luận này cũng chỉ là một sự suy đoán mà thôi. Tại sao danh sách tù cải tạo lại bắt đầu bằng chữ H mà không là chữ K, chữ X, chữ Y? Còn chữ O, tác giả bài báo đồng ý với ông Trà Lũ là khi làm danh sách “VC thường viết 01, 02... Vậy chữ O không có nghĩa gì hết. Đến danh sách H10 trở đi không còn chữ O nữa”. Quả là từ danh sách H10 trở đi không còn chữ O nữa, nhưng tất cả giấy tờ của phía VN từ các cơ quan đến báo chí luôn luôn ghi rõ diện tù cải tạo xuất cảnh là H.O.

Thông cáo của Sở Ngoại Vụ TPHCM phổ biến trên tờ SGGP ngày 1-12-1992 có đoạn ghi rõ: “Ta trao tiếp cho phía Mỹ các danh sách HO21 đến HO28 và sẽ trao toàn bộ danh sách HO còn lại trong vòng 3 tháng tới...”
Trong một văn bản mang ký hiệu (FVPPA: July, 1996), của phía Hoa Kỳ có tiêu đề như sau: [OVERVIEW OF FAMILY ELIGIBILITY IN THE PROCESSING OF THE FORMER POLITICAL PRISONERS BY THE HO SUBPROGRAM OF THE ORDERLY DEPARTURE PROGRAM (ODP)]
- When the Oderly Departue Program (ODP) began the “HO” subprogram of ODP to resettle former political prisoners and their family members...,
(Chữ HO trong câu này để trong dấu ngoặc kép).

Xin tạm dịch:
[“Văn Bản xem xét lại những người hội đủ tiêu chuẩn trong gia đình cựu tù nhân chính trị được ra đi theo chương trình phụ HO thuộc chương trình ra đi trong trật tự (ODP)]
Đoạn mở đầu viết:
- “Khi chương trình ra đi trong trật tự (ODP) bắt đầu chương trình phụ “HO” của ODP để tái định cư những cựu tù nhân chính trị và các thành viên trong gia đình của họ...,”
Như vậy con chữ HO đã được phía Hoa Kỳ xác nhận một cách nhất quán trong các văn bản và tài liệu.

Năm 1990 nhân dịp ra Hà Nội, tôi đi với một người bà con là Việt kiều ở Pháp đến trụ sở Công an ở phố Hàng Bài, tôi hỏi một nữ Trung úy CA về hồ sơ H.O của một người bạn (chết trong tù), người nữ công an này trả lời tôi với câu mở đầu “Chỉ có H, không có HO nào cả. Nói gia đình chị ấy làm tại địa phương”.

Hẳn là người nữ công an ấy cũng chỉ là một nhân viên thừa hành, thấy sao nói vậy, họ có biết gì về tính sâu sắc của chữ nghĩa như người trong cuộc hằng quan tâm. Hơn nữa người miền Bắc luôn luôn đọc chữ cái theo âm Việt. Chữ O là O chứ không đọc âm ô như người trong Nam, cũng vậy thường chúng ta đọc ô-đê-pê (ODP), nhưng người miền Bắc thì đọc o-dê-pê.

Tôi không nghĩ “HO chỉ là tên gọi do sự tình cờ” như ý kiến của ông Yên Mô. Đối với người cộng sản họ rất tủn mủn trong mọi lời nói, mọi việc làm, đôi khi dùng thủ đoạn vặt lộ liễu đến trẻ con. Trong thời kỳ diễn ra hòa đàm Paris, có lần Bộ trưởng Ngoại Giao Miền Bắc Nguyễn Duy Trinh gặp phái đoàn Mỹ do ông Harriman dẫn đầu. Ông Trinh bắt tay Hariman xong, liền thọc tay vào túi quần móc ra cái khăn mouchoir lau bàn tay rồi vứt cái khăn xuống đất để tỏ ý ra điều tay ông ta bị dơ vì bắt tay đế quốc. Báo chí quốc tế ngày đó đã nhìn Nguyễn Duy Trinh làm trò con nít, rẻ tiền.

Ở trại tù Quảng Ninh Tết Năm Đinh Tỵ 1977 phòng giam số 8 làm một số báo xuân, dĩ nhiên là báo chép tay, lấy tên là Giai Phẩm Xuân Đinh Tỵ, đã bị viên thiếu úy công an, quản giáo hạch hỏi điều tra tại sao lại lấy tên là “Giai Phẩm”. Cái tên này đã trở thành một thứ húy kỵ sau vụ Nhân Văn, Giai Phẩm. Rồi quay sang nhìn cái lọ cắm mấy bông hoa dại trên cái bàn, quản giáo lại hỏi “tại sao các anh hái loại hoa cứt lợn cắm vào đây”? Nhiều người không hiểu tại sao anh cán bộ quản giáo lại hỏi “tại sao”? Tại sao là tại sao? Người tù chỉ đơn giản ra khoảnh vườn hoang nhỏ sau phòng giam thấy hoa gì hái thứ đó vào cắm để biết hôm đó là ngày Tết. Nhưng người cộng sản lại nhớ mãi về hai mươi năm trước đảng vui mừng tuyên bố khi về tiếp thu Hà Nội “trăm hoa đua nở, nhà nhà đua tiếng”, mấy năm sau bị Nhân Văn, Giai Phẩm nói lại “trăm hoa đua nở, nhưng toàn là hoa cứt lợn”.

Trong những lời tuyên bố hay trong các văn bản của phía Việt Nam thảo luận với phía Hoa kỳ về việc cho xuất cảnh, họ luôn luôn nhắc tới, lặp đi lặp lại hai tiếng “nhân đạo”. Từ ngữ này do Liên Hiệp Quốc đưa ra trong cuộc họp tại Geneve với 46 quốc gia khác, có Việt Nam tham dự. Phía Việt Nam đã chộp lấy từ ngữ này để làm ra điều ta đây vì nhân đạo mà cho ra đi, chứ thực tâm đấy là cơ hội để họ tuồn hết những thứ “không xài được” ra khỏi nước. Tôi được một sĩ quan cấp tá Công An thời đó cho biết tình hình chung trong nội bộ tỏ ra thắc mắc, hoang mang khi thấy đảng làm cái việc “thả hổ về rừng”, thì chính Mai Chí Thọ đã nói với toàn thể cán bộ trong ngành công an rằng việc giải quyết cho hết đám tù cải tạo ra đi là để “làm sạch địa bàn”. Trong nội bộ riêng tư, nhân viên, cán bộ các ban sở, các ngành đều được giải thích theo lập luận ấy. Về mặt công khai, bộ máy tuyên truyền, báo, đài khi đăng tải chủ trương của nhà nước phải theo đúng từng câu, từng chữ.

Báo Tuổi Trẻ số 53 tháng 8 -1988 đăng thông báo của Phòng Quản Lý Người Nước Ngoài Và Xuất Cảnh, Nhập Cảnh do Phó trưởng phòng Đặng Chí Thành ký đã nhấn mạnh đến tính cách “nhân đạo” ấy như sau:
“... Những người được tha từ các trung tâm cải tạo cùng với thân nhân có thể được phép di cư ra nước ngoài nếu họ muốn... Đó là do tính nhân đạo, chứ không phải như một số dư luận hiện nay cho là nhà nước Việt Nam xua đuổi số ngụy quân, ngụy quyền hoặc không khả năng tạo điều kiện cho số này làm ăn sinh sống bình thường, nên khuyến khích ra đi v.v.”

Báo Sài Gòn Giải Phóng số ra ngày 14. 10. 1988 cũng loan một bản tin của Thông Tấn Xã VN, dưới tựa đề “Đồng Chí Trần Quang Cơ Gặp Giôn Vét-Xi Bàn Về Các Vấn Đề Nhân Đạo”. Đoạn văn như sau: “.... tại phái đoàn Mỹ ở LHQ, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Trần Quang Cơ đã gặp ông Giôn Vét-xi, đặc phái viên tổng thống Mỹ về vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA) và các vấn đề nhân đạo khác để thảo luận các vấn đề nhân đạo mà hai bên cùng quan tâm như... vấn đề MIA, trẻ lai Mỹ, những nổ lực của Mỹ để giải quyết các vấn đề nhân đạo của Việt Nam như nguời tàn tật trong chiến tranh, trẻ lai và trẻ mồ côi tàn tật và vấn đề người trong các trại cải tạo”.

Chỉ một đoạn văn ngắn, bài báo lặp lại nhiều lần từ ngữ “nhân đạo”, với chủ ý nhấn mạnh chứ không phải là một sự tình cờ.

Trong một văn thư Bộ Trưởng Ngoại Giao Nguyễn Cơ Thạch gửi cho tướng John Vessey, đặc phái viên của tổng  thống Mỹ, ông Thạch cũng không quên hai tiếng “kinh điển” ấy: “Trước sau chúng tôi vẫn coi việc giải quyết các vấn đề nhân đạo cần được tách khỏi các vấn đề chính trị”.
Còn rất nhiều văn bản khác nữa hai tiếng “nhân đạo” được phía Việt Nam nhắc đi nhắc lại như một điệp khúc.

**

4. Tướng John Vessey với xác nhận con chữ
H.O: Humanritarian Operation

Sau hết, tôi được nhà thơ Thanh Thanh gửi cho lá thư của cựu Đại Tướng John Vessey gửi ông Nguyễn Xuân Huấn, Chủ tịch Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị tiểu bang Minnesota. Qua lá thư này, Tướng John Vessey đã khẳng định với chúng ta lý lịch con chữ H.O một cách minh bạch. Lá thư được cô Nguyễn T. Ngọc Châu phiên dịch sang Việt ngữ cùng với nguyên bản Anh ngữ như sau:

John W. Vessey, General USA (retired). June 10, 1997
To Mr. Nguyen Xuan Huan
President, Association of Former Political Detainees in Minnesota.
1030 University Avenue. 270, ST. Paul, MN 55104.

Dear Mr. Huan.
Because I am unable to attend your important meeting on Saturday, June 21, I ask that this letter be read on my behalf to your members and guests.
It is important to honor all those who served the cause of freedom in Vietnam and Indochina. It is also important to recognize and assist those who suffered under Communist rule for their prior service to the Republic of Vietnam. Political detainees under the Communist regime after 1975 had served their country and their people in the honorable and esteemed tradition of patriotism, putting service to country above self during a long and arduous war. The sacrifices of all who served and fought in the Vietnam war, Vietnamese, Americans, and other Allies, made a difference for the important human ideals of freedom and personal dignity. The world was changed through a collective effort. The spread of Communism in Asia was harted by the sacrifices in Vietnam, Laos, and Cambodia, and with the help of other nations of Southeast Asia. All who participated in that effort can be proud of their contributions.
When President Reagan calls me back from military retirement in 1987 to be his Presidential Emissary to Hanoi, one of the highest priority tasks he assigned me was to seek  the release of our former South Vietnamese comrades who had been detained in the so-called, "reeducation camps". I was authorized to assure the Hanoi government that the United States would accept and welcome those detainees and their families in this country.
Because, at the time of the original negotiations, there was no hope of any immediate political resolution between the two nations, all actions taken in furtherance of the agreements reached were termed "humannitarian operations". Consequently, the term H.O. has been used within the Vietnamese-American community to refer to former political detainees who are now residents in the United States.
To me, the term H.O. is a badge of courage, service and sacrifice, and all those who fall within that context of the term are among the true heroes of our time.
My very best wishes to all attending your event.

Sincerely yours.
John W. Vessey.    

Bản dịch:
“Vinh danh những người đã phụng sự cho chính nghĩa tự do ở Việt Nam và Đông Dương, là một điều quan trọng. Việc công nhận và trợ giúp những người đã bị chế độ cộng sản ngược đãi vì đã phục vụ cho chế độ tự do tại các quốc gia đó, lại càng quan trọng hơn. Những tù nhân chính trị dưới chế độ cộng sản sau năm 1975, là những người đã từng phục vụ quê hương và đồng bào với truyền thống yêu nước cao cả và đáng kính, đã vì nước quên mình trong suốt cuộc chiến tranh lâu dài và ác liệt. Lòng hy sinh của tất cả những ai đã từng phục vụ và chiến đấu trong chiến tranh Việt Nam, người Việt, người Mỹ, và những đồng minh khác, đã đem lại một ý nghĩa đặc biệt hơn cho lý tưởng của con người về tự do và nhân phẩm. Thế giới đã thay đổi nhờ một nỗ lực tập thể. Sự bành trướng của cộng sản ở Á Châu đã bị ngăn chận bởi những sự hy sinh ở Việt Nam, ở Lào, và Cam Bốt, cùng với sự hỗ trợ của các nước Đông Nam Á. Tất cả những ai đã tham gia vào nỗ lực đó, có thể tự hào về những đóng góp của mình”.
“Năm 1987, khi đang hồi hưu, tôi được Tổng Thống Reagan cử làm Đặc Phái Viên đi Hà Nội thương thuyết. Một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu mà Tổng Thống giao phó cho tôi, là phải tìm cách giải thoát những cựu chiến hữu Việt Nam đang bị giam giữ trong những cái trại gọi là “trại cải tạo”. Tôi được quyền bảo đảm với chánh phủ Hà Nội rằng, Hoa Kỳ sẵn sàng chấp nhận và đón tiếp những người tù cải tạo cùng với gia đình họ sang Hoa Kỳ.
Trong những cuộc thương thuyết sơ khởi, vì chúng tôi không hy vọng hai bên sẽ có ngay những giải pháp chính trị, cho nên tất cả những hành động mở đường cho những thỏa ước tương lai đều được mang danh “Humanitarian Operation” (Chiến Dịch Nhân Đạo), gọi tắt là H.O. Do đó, danh từ H.O. được Cộng Đồng Việt Mỹ sử dụng để nói về những cựu tù nhân chính trị Việt Nam đang sống trên đất Hoa Kỳ”.
“Riêng đối với tôi, danh từ H.O. là biểu tượng của lòng dũng cảm, tinh thần phục vụ, và lòng hy sinh của người H.O. Tất cả những ai thuộc diện H.O. đều là những anh hùng thật sự trong thời đại chúng ta”    

(Bản hiệu chính tháng 4/2014)







Wednesday, June 4, 2014

ĐIỂM SÁCH - DIÊN NGHỊ




 TỪ HÒN KHÓI TÔI ĐI
Hồi Ký LÊ ÁNH

Sau cuộc nội chiến Bắc Nam, một số tướng lãnh, giới chức chính quyền VNCH đã viết về quá khứ, thời đại, tương quan liên hệ, trách nhiệm, cùng nhiều góc cạnh được đề cập, góp phần soi sáng phần nào vấn nạn, hoài nghi thua thiệt vẫn đeo đẳng, ám ảnh trong từng người vượt thoát ra đi tỵ nạn cộng sản, đang có mặt khắp thế giới Tự Do.

Bên cạnh những điều chung nhất còn nhắc nhở, trao đổi, bình luận. Cũng có không ít những hồi ký riêng tư, dấu ấn hành trình một đời người, cùng những chặng dừng phấn đấu thử thách, những được mất hướng về phía trước, không thể không quan tâm, ghi nhận.

“Từ Hòn Khói Tôi Đi” của tác giả Lê Ánh là một trong những hồi ký đó. Sinh ra, lớn lên giữa miền quê Trung Bộ, cây lúa, hạt muối, thổ sản địa phương, thủy hải sản là tài nguyên thu hoạch bằng chính sức lao động của lương dân.

Giữa đồng lúa, giữa ruộng muối, giữa biển khơi, sớm chiều vất vả, nhọc nằn, bận rộn, nhưng tâm hồn vẫn lấp lánh những ước mơ đậm nét nhân văn truyền thống, đã in sâu từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Mỗi khi nghĩ đến tương lai của con cháu, khái niệm phổ quát trong nền tảng văn hóa nông nghiệp thường là “muốn con cháu có vốn liếng tương lai, nên để lại chữ nghĩa, hơn là của cải, vật chất…”

Các bậc tiền bối đánh giá con người thực tế:
“Nhân bất học bất tri lý
Ấu bất học lão hà vi…”

Sớm nhận thức hoàn cảnh, bắt nguồn từ lời khuyên của phụ thân, tác giả nuôi mộng trở lại mái trường sau bao năm gián đoạn vì thời cuộc, đã thành hiện thực. Bước qua khỏi khó khăn, lận đận lúc ban đầu, bảy năm dưới mái trường Trung học Võ Tánh, Nha Trang, mang lại kết quả và niềm tin vững chắc tự thân, nhìn con đường trước mặt đang thênh thang chờ đợi những bước đi tiếp nối của kẻ muốn dấn thân tạo dựng sự nghiệp. Vào trường Đại Học Khoa Học Saigon, năm đầu Dự bị Lý Hóa Sinh, tác giả thi đậu vào trường Quân Y, đúng như ý nguyện.

Đời sống Sinh viên, những kỳ thi cử, những khóa thực tập tại bệnh viện, cùng nhiều trường hợp đối diện bệnh nhân, đã được tác giả ghi chép chi tiết, đầy cảm xúc, với tâm niệm phục vụ, cống hiến có trách nhiệm, đề cao danh dự và rèn luyện kỹ năng, thể hiện phẩm hạnh “Lương Y như Từ Mẫu”. Vì tha nhân quên mình. Bệnh nhân dù là thành phần nào của xã hội, dù là hoàn cảnh nào, trước hết là một con người đáng quý.

Ra trường, được bổ nhiệm đến Quân Y viện Pleiku, thời điểm năm 1969. cuộc chiến đang tăng cường độ. Ngày đêm, thương binh chuyển tải đến Quân Y viện từ các mặt trận núi rừng, cũng như đồng bào Thượng rủi ro qua những cuộc pháo kích bừa bãi của cộng quân.
Người thầy thuốc nổ lực, không ngừng tay cứu chữa. Một lời an ủi, giải thích, tiếp cận thương bệnh binh, cũng đã tạo thêm niềm tin và hy vọng, vơi nhẹ phần nào âu lo, nhức nhối, bức bách… Cũng có trường hợp đối phương lỡ vận cũng được chữa trị, không phân biệt đối xử, cũng không cần thắc mặc họ là ai?
Chiến sử rẽ qua khúc ngoặt bất ngờ. Quân Đoàn II rút khỏi lãnh thổ Cao Nguyên gấp rút. Tan vỡ một mảng thịt xương quê hương. Không gian biến động. Tỉnh lộ 7 nối liền Cao nguyên – Duyên hải miền Trung, tai họa ập xuống, tang tóc trùng vây do cuộc triệt thoái chẳng đặng đừng!

Để rồi, như một tín hiệu không lành, tháng Ba, tháng Tư hồi kết thúc bi kịch nội chiến Bắc-Nam. Những tưởng “Đem đại nghĩa thắng hung tàn/ Lấy chí nhân thay cường bạo” thì, trớ trêu nghịch ngươc. Kẻ ác độc, mọi rợ lại thắng người văn minh, đạo đức!.. Câu nói khó quên của Dương Thu Hương, nhà văn nữ, sau ngày 30 tháng Tư  năm 1975, từ rừng núi về giữa phố phường Sài Gòn mà khóc!! Bà khóc khi chạm mặt với sự thật, thành phố, con người miền Nam. Bà khóc bởi tập đoàn cộng sản miền Bắc đã lừa bịp, bưng bít, đẩy tuổi trẻ của bà gần 20 năm rau rừng, muối đá dọc dãy Trường Sơn gọi là đi cứu nước!!

Qua một đêm, miền Nam trở thành nhà tù lớn, và hàng trăm nhà tù nhỏ mọc lên. Không riêng quần chúng miền Nam chạy thoát tìm tự do, ngay cả quần chúng miền Bắc cũng gặp vận hội có một không hai ra khỏi địa ngục trần gian cộng sản!

Thầy thuốc Lê Ánh, cũng đồng số phận. Kẻ thù dí súng dẫn vào trại tù nhỏ Pleiku dù trễ muọân hơn. Điều lý thú, cai tù buộc thầy thuốc khai trình tội lỗi bản thân. Thầy thuốc đặt câu hỏi liên quan phạm trù tội lỗi. Dĩ nhiên, cai tù không thể giải thích, ngọng nghịu, áp đặt, khỏa lấp bằng cửa miệng nhà quan (Miệng nhà quan có gang có thép).

Giữa vòng vây lưu đày, người thầy thuốc luôn tỉnh táo, sẵn sàng phục vụ, giúp đỡ chữa trị cả bạn lẫn thù, giữ đúng chức năng thầy thuốc. Và, tin tưởng một ngày không xa sẽ tái hiện đổi đời, màu trời sáng lại sau cơn mưa…

Mười hai năm lận đận, xuôi ngược, nhẫn nại, chịu đựng nghịch lý, nghịch cảnh, giờ quyết định đã điểm, không còn do dự, trì hoãn, tính toán, người thầy thuốc dắt bốn con trở lại Hòn Khói, và một lần nữa “Từ Hòn Khói… ra đi!”

Ngày xưa, từ Hòn Khói đi ra thành phố Nha Trang, theo đuổi nghiệp sách đèn, tiếp xuôi Nam bước vào đại học, cũng tại đây hình thành cơ duyên đôi lứa, đồng môn, đồng nghiệp, chung mái gia đình chan hòa hạnh phúc, thì ngày nay, cũng từ Hòn Khói quê hương, vượt biển Đông đến miền đất lạ.

Tháng 5 năm 1987, thời tiết thuận lợi hơn, nhưng cuộc vượt thoát nào chẳng giăng mắc âu lo, bất trắc. Thân phận người đi nương cậy sóng gió rủi may. Ngày đêm lênh đênh biển rộng, cho đến khi lương thực, nước uống, nhiên liệu gần cạn, cũng vừa lúc cơ may ló dạng báo mừng. Hai ghe chài của người dân Phi Luật Tân tốt bụng đã tiếp sức, hướng dẫn vào bờ. Mùa vui vẫy gọi. Cảnh mới, đồng thời cũng từ những trang giấy mới. Trại tỵ nạn, điểm tạm dừng chân, được tiếp đón chu đáo, được học Anh ngữ, được thông tin, sinh hoạt tập thể dục, văn hóa, văn nghệ, mà thành phần  trí thức đến được trại đều tích cực tham gia. Thầy thuốc cũng không bỏ lỡ cơ hội cùng những trí thức khác đến trước tổ chức mở lớp học các môn khoa học tự nhiên cho khá nhiều thiếu niên đang dở dang chương trình trung học, và truyền đạt ý thức về nguồn, tình dân tộc, quê hương  dù được đến định cư bất cứ đất nước nào.

Sinh hoạt sôi nổi, tình cảm đồng hội đồng thuyền thể hiện sự gắn bó, đoàn kết. Lạc quan, tin tưởng khi lần lượt được chấp thuận rời trại đến miền đất thứ ba. Kẻ ở, người đi, mang theo những kỉ nệm khó quên tháng năm tỵ nạn.

**
Tiếp cận, thưởng thức một tác phẩm không hề phụ thuộc vào bề dày, số trang, dài, ngắn mà phụ thuộc nội hàm chứa đựng tác phẩm mang lại. Đó có lẽ là lẽ sống, sức sống của bản văn. “Từ Hòn Khói Tôi Đi”, bản trường ca tự truyện, một hành trình đi tới sự nghiệp tròn đầy. Gia đình, cha mẹ là thầy thuốc, bốn người con sau khi ổn định trên đất hứa, cũng đã quyết tâm học hành, tiếp nối nghề nghiệp theo bậc sinh thành.

Quả xứng đáng gia đình biểu tượng thành đạt hiếm hoi trong cộng đồng tỵ nạn.
Những ghi nhận qua hồi ký đã minh chứng nhân sinh quan tác giả về đời người, tình yêu thương trước khốn đọa, hệ lụy của  tha nhân, đồng loại.

Đó cũng chính là bài thơ nhân ái và thái độ sống hướng thượng của người thầy thuốc. Tư duy khoa học, nhãn quan hiện thực đã hơn một lần xao động tâm hồn nghệ sĩ. Cảm xúc lãng mạn khi cứu vớt một cây bầu héo úa trôi theo dòng máng nước, thầy thuốc cưu mang nó để nó được hồi sinh (trang 500).

Triết lý sinh tồn, tình yêu cuộc sống luôn được ca ngợi là đẹp – gọi là đẹp – những gì bật ra từ con tim thuần hậu, chân thành.

Có người cho rằng: “tác phẩm là tấm giấy chứng nhận sự hiện hữu của tác giả giữa đồng loại”. Đúng vậy, viết là phải có điều gì để truyền tải, để nói lên đặc thù và sắc thái riêng.
Tác giả Lê Ánh, một tính cách, một tâm hồn, đã viết bằng chân tình, dung dị mà trung thực, không tính toán, thêm bớt, từ khởi đầu trang đến điểm hẹn sáng tươi, bình yên thực tại.

Diên Nghị
San Jose, 25-5-2014.

Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...