Wednesday, June 4, 2014

ĐIỂM SÁCH - DIÊN NGHỊ




 TỪ HÒN KHÓI TÔI ĐI
Hồi Ký LÊ ÁNH

Sau cuộc nội chiến Bắc Nam, một số tướng lãnh, giới chức chính quyền VNCH đã viết về quá khứ, thời đại, tương quan liên hệ, trách nhiệm, cùng nhiều góc cạnh được đề cập, góp phần soi sáng phần nào vấn nạn, hoài nghi thua thiệt vẫn đeo đẳng, ám ảnh trong từng người vượt thoát ra đi tỵ nạn cộng sản, đang có mặt khắp thế giới Tự Do.

Bên cạnh những điều chung nhất còn nhắc nhở, trao đổi, bình luận. Cũng có không ít những hồi ký riêng tư, dấu ấn hành trình một đời người, cùng những chặng dừng phấn đấu thử thách, những được mất hướng về phía trước, không thể không quan tâm, ghi nhận.

“Từ Hòn Khói Tôi Đi” của tác giả Lê Ánh là một trong những hồi ký đó. Sinh ra, lớn lên giữa miền quê Trung Bộ, cây lúa, hạt muối, thổ sản địa phương, thủy hải sản là tài nguyên thu hoạch bằng chính sức lao động của lương dân.

Giữa đồng lúa, giữa ruộng muối, giữa biển khơi, sớm chiều vất vả, nhọc nằn, bận rộn, nhưng tâm hồn vẫn lấp lánh những ước mơ đậm nét nhân văn truyền thống, đã in sâu từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Mỗi khi nghĩ đến tương lai của con cháu, khái niệm phổ quát trong nền tảng văn hóa nông nghiệp thường là “muốn con cháu có vốn liếng tương lai, nên để lại chữ nghĩa, hơn là của cải, vật chất…”

Các bậc tiền bối đánh giá con người thực tế:
“Nhân bất học bất tri lý
Ấu bất học lão hà vi…”

Sớm nhận thức hoàn cảnh, bắt nguồn từ lời khuyên của phụ thân, tác giả nuôi mộng trở lại mái trường sau bao năm gián đoạn vì thời cuộc, đã thành hiện thực. Bước qua khỏi khó khăn, lận đận lúc ban đầu, bảy năm dưới mái trường Trung học Võ Tánh, Nha Trang, mang lại kết quả và niềm tin vững chắc tự thân, nhìn con đường trước mặt đang thênh thang chờ đợi những bước đi tiếp nối của kẻ muốn dấn thân tạo dựng sự nghiệp. Vào trường Đại Học Khoa Học Saigon, năm đầu Dự bị Lý Hóa Sinh, tác giả thi đậu vào trường Quân Y, đúng như ý nguyện.

Đời sống Sinh viên, những kỳ thi cử, những khóa thực tập tại bệnh viện, cùng nhiều trường hợp đối diện bệnh nhân, đã được tác giả ghi chép chi tiết, đầy cảm xúc, với tâm niệm phục vụ, cống hiến có trách nhiệm, đề cao danh dự và rèn luyện kỹ năng, thể hiện phẩm hạnh “Lương Y như Từ Mẫu”. Vì tha nhân quên mình. Bệnh nhân dù là thành phần nào của xã hội, dù là hoàn cảnh nào, trước hết là một con người đáng quý.

Ra trường, được bổ nhiệm đến Quân Y viện Pleiku, thời điểm năm 1969. cuộc chiến đang tăng cường độ. Ngày đêm, thương binh chuyển tải đến Quân Y viện từ các mặt trận núi rừng, cũng như đồng bào Thượng rủi ro qua những cuộc pháo kích bừa bãi của cộng quân.
Người thầy thuốc nổ lực, không ngừng tay cứu chữa. Một lời an ủi, giải thích, tiếp cận thương bệnh binh, cũng đã tạo thêm niềm tin và hy vọng, vơi nhẹ phần nào âu lo, nhức nhối, bức bách… Cũng có trường hợp đối phương lỡ vận cũng được chữa trị, không phân biệt đối xử, cũng không cần thắc mặc họ là ai?
Chiến sử rẽ qua khúc ngoặt bất ngờ. Quân Đoàn II rút khỏi lãnh thổ Cao Nguyên gấp rút. Tan vỡ một mảng thịt xương quê hương. Không gian biến động. Tỉnh lộ 7 nối liền Cao nguyên – Duyên hải miền Trung, tai họa ập xuống, tang tóc trùng vây do cuộc triệt thoái chẳng đặng đừng!

Để rồi, như một tín hiệu không lành, tháng Ba, tháng Tư hồi kết thúc bi kịch nội chiến Bắc-Nam. Những tưởng “Đem đại nghĩa thắng hung tàn/ Lấy chí nhân thay cường bạo” thì, trớ trêu nghịch ngươc. Kẻ ác độc, mọi rợ lại thắng người văn minh, đạo đức!.. Câu nói khó quên của Dương Thu Hương, nhà văn nữ, sau ngày 30 tháng Tư  năm 1975, từ rừng núi về giữa phố phường Sài Gòn mà khóc!! Bà khóc khi chạm mặt với sự thật, thành phố, con người miền Nam. Bà khóc bởi tập đoàn cộng sản miền Bắc đã lừa bịp, bưng bít, đẩy tuổi trẻ của bà gần 20 năm rau rừng, muối đá dọc dãy Trường Sơn gọi là đi cứu nước!!

Qua một đêm, miền Nam trở thành nhà tù lớn, và hàng trăm nhà tù nhỏ mọc lên. Không riêng quần chúng miền Nam chạy thoát tìm tự do, ngay cả quần chúng miền Bắc cũng gặp vận hội có một không hai ra khỏi địa ngục trần gian cộng sản!

Thầy thuốc Lê Ánh, cũng đồng số phận. Kẻ thù dí súng dẫn vào trại tù nhỏ Pleiku dù trễ muọân hơn. Điều lý thú, cai tù buộc thầy thuốc khai trình tội lỗi bản thân. Thầy thuốc đặt câu hỏi liên quan phạm trù tội lỗi. Dĩ nhiên, cai tù không thể giải thích, ngọng nghịu, áp đặt, khỏa lấp bằng cửa miệng nhà quan (Miệng nhà quan có gang có thép).

Giữa vòng vây lưu đày, người thầy thuốc luôn tỉnh táo, sẵn sàng phục vụ, giúp đỡ chữa trị cả bạn lẫn thù, giữ đúng chức năng thầy thuốc. Và, tin tưởng một ngày không xa sẽ tái hiện đổi đời, màu trời sáng lại sau cơn mưa…

Mười hai năm lận đận, xuôi ngược, nhẫn nại, chịu đựng nghịch lý, nghịch cảnh, giờ quyết định đã điểm, không còn do dự, trì hoãn, tính toán, người thầy thuốc dắt bốn con trở lại Hòn Khói, và một lần nữa “Từ Hòn Khói… ra đi!”

Ngày xưa, từ Hòn Khói đi ra thành phố Nha Trang, theo đuổi nghiệp sách đèn, tiếp xuôi Nam bước vào đại học, cũng tại đây hình thành cơ duyên đôi lứa, đồng môn, đồng nghiệp, chung mái gia đình chan hòa hạnh phúc, thì ngày nay, cũng từ Hòn Khói quê hương, vượt biển Đông đến miền đất lạ.

Tháng 5 năm 1987, thời tiết thuận lợi hơn, nhưng cuộc vượt thoát nào chẳng giăng mắc âu lo, bất trắc. Thân phận người đi nương cậy sóng gió rủi may. Ngày đêm lênh đênh biển rộng, cho đến khi lương thực, nước uống, nhiên liệu gần cạn, cũng vừa lúc cơ may ló dạng báo mừng. Hai ghe chài của người dân Phi Luật Tân tốt bụng đã tiếp sức, hướng dẫn vào bờ. Mùa vui vẫy gọi. Cảnh mới, đồng thời cũng từ những trang giấy mới. Trại tỵ nạn, điểm tạm dừng chân, được tiếp đón chu đáo, được học Anh ngữ, được thông tin, sinh hoạt tập thể dục, văn hóa, văn nghệ, mà thành phần  trí thức đến được trại đều tích cực tham gia. Thầy thuốc cũng không bỏ lỡ cơ hội cùng những trí thức khác đến trước tổ chức mở lớp học các môn khoa học tự nhiên cho khá nhiều thiếu niên đang dở dang chương trình trung học, và truyền đạt ý thức về nguồn, tình dân tộc, quê hương  dù được đến định cư bất cứ đất nước nào.

Sinh hoạt sôi nổi, tình cảm đồng hội đồng thuyền thể hiện sự gắn bó, đoàn kết. Lạc quan, tin tưởng khi lần lượt được chấp thuận rời trại đến miền đất thứ ba. Kẻ ở, người đi, mang theo những kỉ nệm khó quên tháng năm tỵ nạn.

**
Tiếp cận, thưởng thức một tác phẩm không hề phụ thuộc vào bề dày, số trang, dài, ngắn mà phụ thuộc nội hàm chứa đựng tác phẩm mang lại. Đó có lẽ là lẽ sống, sức sống của bản văn. “Từ Hòn Khói Tôi Đi”, bản trường ca tự truyện, một hành trình đi tới sự nghiệp tròn đầy. Gia đình, cha mẹ là thầy thuốc, bốn người con sau khi ổn định trên đất hứa, cũng đã quyết tâm học hành, tiếp nối nghề nghiệp theo bậc sinh thành.

Quả xứng đáng gia đình biểu tượng thành đạt hiếm hoi trong cộng đồng tỵ nạn.
Những ghi nhận qua hồi ký đã minh chứng nhân sinh quan tác giả về đời người, tình yêu thương trước khốn đọa, hệ lụy của  tha nhân, đồng loại.

Đó cũng chính là bài thơ nhân ái và thái độ sống hướng thượng của người thầy thuốc. Tư duy khoa học, nhãn quan hiện thực đã hơn một lần xao động tâm hồn nghệ sĩ. Cảm xúc lãng mạn khi cứu vớt một cây bầu héo úa trôi theo dòng máng nước, thầy thuốc cưu mang nó để nó được hồi sinh (trang 500).

Triết lý sinh tồn, tình yêu cuộc sống luôn được ca ngợi là đẹp – gọi là đẹp – những gì bật ra từ con tim thuần hậu, chân thành.

Có người cho rằng: “tác phẩm là tấm giấy chứng nhận sự hiện hữu của tác giả giữa đồng loại”. Đúng vậy, viết là phải có điều gì để truyền tải, để nói lên đặc thù và sắc thái riêng.
Tác giả Lê Ánh, một tính cách, một tâm hồn, đã viết bằng chân tình, dung dị mà trung thực, không tính toán, thêm bớt, từ khởi đầu trang đến điểm hẹn sáng tươi, bình yên thực tại.

Diên Nghị
San Jose, 25-5-2014.

No comments:

Post a Comment

Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...