Sunday, May 25, 2014

Lời Rao Giảng của THƠ. Trần Tuấn Kiệt




TRẦN TUẤN KIT/ Nhà Thơ

Chất Trữ Tình Say Đắm Trong VỀ LỐI ĐI XƯA

Tôi đọc trong thi phẩm Về Lối Đi Xưa của Song Nhị có hai câu:
Mai kia tàn cuộc nhục vinh
Con về bên mẹ tạ tình núi sông.

Rồi lại đọc tiếp:
Cũng đành thưa mẹ, vong thân
Mai con nhập tịch làm dân xứ người!

Thưa anh,

Thế sự phế hưng coi vẫn rộn!
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau.

Đại thi gia phái nữ là Bà Huyện Thanh Quan đã nói lâu rồi. Và cũng trong tinh thần người đàn bà lớn lao đó đã lấy làm thường! Có chi mà rộn! Với những kẻ lên voi xuống chó những lớp lang lịch sử ấy!

Trong trường danh lợi vinh liền nhục
Vào cuộc trần ai khóc lộn cười!

(Có phải thơ của Đặng Trần Thường chăng! Lâu quá nên tôi đã quên tác giả của hai câu này).

Tôi lại nhớ tới “Cũng đành thưa mẹ, vong thân” trong bài viết cho Bùi Ngọc Tuấn trên báo Khởi Hành của Viên Linh. Tôi đã viết “Có những kẻ vong thân ở tại đất nước này” những kẻ đó hiện đang được Đười ươi khỉ vượn tôn lên ngôi báu phong tước vị Anh Hùng, có chứng minh nhân dân là gốc Kinh, là dân tộc Việt Nam chính hiệu và hơn nữa là người Vô Sản Vô Thần chính cống! Thật là khôi hài cho lớp lang lịch sử hiện đại Việt Nam.
Đối với chúng ta, anh có làm thơ hay, có tâm tình cao thượng hơn bọn họ hay không là điều đáng nói hơn. Vì dường như tôi thấy không lầm, thơ Song Nhị là một giòng nước sa từ cội nguồn kia mà! Dù anh có nhập tịch Nga, Mỹ, Anh, Úc... hay Phi châu hay Iran, Iraq hay Hy Lạp anh vẫn không từ chối được anh là người Việt đâu.

Có lần tôi ở tù chung với một đám du đãng, tù chung thân ở trại Gia Trung, trong buổi cơm, có một anh bạn tù đột nhiên hét lớn: Mẹ nó! Vái Trời cho tôi chết đi, khi sống lại đừng cho tôi đầu thai làm người Việt Nam. Tôi chán làm người Việt Nam quá rồi! Anh này cũng giống như dân Vô sản bỏ gốc Việt lấy tổ quốc Liên Xô vậy. Cũng có lần Bùi Giáng đưa tôi coi bức thư của Renéchard gởi cho Bùi Giáng khi ông hỏi về tương lai đất nước Việt Nam. Renéchard trả lời. “Anh đừng lo, Việt Nam sau này là một thánh địa!”

Tôi thêm một ý nữa với Bùi Giáng: Thánh địa là Thiên Đường Cộng Sản đó, ông có thích không!

Từ đó Bùi Giáng ngao du cho đến ngày Tận Thế 75 và sau 75 cho đến khi về với cội nguồn tổ tiên.... Bây giờ thì chúng ta đang ở vào buổi bình mình sáng thế của nhân loại. Song Nhị ơi! Tặng bạn mấy câu thơ mình viết trong tập Nai từ lâu:

Trăng ơi ngủ với hồn ta
Đầu hôm nghe vọng tiếng gà Bình minh
Lá kia sương bỗng run cành
Khói đồi chim lạ kêu thành xuân thu

Ngàn hoa mai trắng lũng sâu
Hương đèo bóng núi tìm đâu tiếng rừng
Cách tràng giang đến ngàn trùng
Mà ta vẫn nhớ thương từng bước Em.
(TTK)

Nay tôi đi tìm những lúc “Em còn hái trái bên cây, vết son mùa để dấu hài đầu tiên” đó trong thơ Song Nhị, với Về Lối Đi Xưa của anh.
Và xin mời các thi hữu, thi gia, các bạn yêu thơ cùng đọc với tôi qua các bài sau đây:

1. Chợt nghĩ về Xuân (trang 19)
2. Về lối đi xưa (trang 20, 21, 22)
3. Oan khiên
4. Nhớ lắm Saigon (trang 53)
5. Bốn (trang 69)
6. Đóm lửa cuối năm (trang 74, 75)
7. Khúc ca dao tình (trang 83)
8. Ngày đón em về (trang 85, 86)
9. Sơ ý (trang 131)

Toàn tập thơ Về Lối Đi Xưa của Song Nhị là một thi phẩm Trữ Tình, là một bản tình ca đẹp nồng nàn muôn thuở của thi nhân.

Nói đến Tình Ca, thơ Song Nhị đã là một bản Tình Ca rồi, nói như thế tôi nhớ tới một câu chuyện ở tại La Pagode trước 75 - Anh Phạm Duy ngồi gần tôi với các thi văn hữu khác. Chợt Phạm Duy nói với tôi “Thơ ai tôi cũng phổ nhạc được. Chỉ có thơ cậu là tôi không phổ nhạc được!” - Tôi nhìn Phạm Duy cười không trả lời. Riêng tôi không thích đưa thơ của mình cho người khác phổ nhạc. Thơ là thơ. Nhạc là nhạc. Thơ đã là tình ca rồi thì cần nhạc làm gì cho lạc mất tính chất, và hơn nữa tinh thể của thơ mà ít khi âm nhạc đạt tới được. Chỉ có thế thôi! Cũng vì thế tôi chỉ đi học nhạc có vài năm rồi bỏ trường Quốc Gia Âm Nhạc để quay về với Thơ. Tôi nói như thế, ý cũng mời bằng hữu yêu thơ đọc bản Tình Ca Về Lối Đi Xưa của Song Nhị, vừa ngâm vừa hát cho thật đúng tinh thần Trữ Tình say đắm của nhà thơ.

Nói cho đúng thì thơ Song nhị có đủ mọi tính chất, mọi khuynh hướng. Anh làm thơ và xuất bản rất nhiều từ lâu nay. Muốn nhận định về một nhà thơ nào, chúng ta phải đọc thật kỹ tất cả các tác phẩm của họ. Có nhiều vần thơ hay, sâu kín của thi sĩ, chúng ta không đọc hết mà cứ nhận xét nhận định.... thì là một sai lầm lớn. Tôi không có thời gian, không còn bao nhiêu tâm huyết, sức lực để bàn về thơ cho nên chỉ nói về cảm tưởng của mình ít nhiều về Song Nhị. Rồi đây các trang thi sử, các sách viết về thi nhân, thi ca người ta sẽ nói đến Song Nhị đầy đủ hơn. Nay xin bàn ngoài lề một chút....

Từ việc đọc thơ Song Nhị, tôi muốn nhắn với lớp trẻ, sau chúng ta, khi làm thơ ngoài thi hứng và tài năng của mình, cũng nên đặc biệt trải qua mọi khuynh hướng như Lãng Mạn, Tượng Trưng, Hiện Thực, Siêu Thực... Sử Thi... qua các vần điệu của luật xưa, của lục bát, song thất lục bát của Việt Nam, và thể hiện căn bản nghệ thuật thật vững vàng rồi hãy bắt đầu tung hoành, tự do sáng tác theo chiều cảm hứng và tư tưởng của mình. Có nhiều bạn trẻ ở Việt Nam ngày nay có tinh thần, vượt qua mọi ràng buộc về tư duy tuyên truyền của duy vật Xã Hội Chủ Nghĩa. Họ viết thật mạnh, tuy nhiên chưa đạt tới một nghệ thuật tinh tế và sáng tạo lớn được vì không học, vì bất cần, nên vô tình để rơi vào khuôn sáo tầm thường chỉ tạo ra được cái loạn vô ý thức của thi ngôn thi ngữ, chứ không tạo ra nổi những vần thơ đích thực có tầm vóc lớn, nhất là cứ ở trong các nhóm, các hội thơ của nhà nước không biết mở tầm học hỏi ra khỏi phạm vi của vòng vây nghiệt ngã của bức màn Cộng Sản đã diệt hết mọi tự do và tiếng thơ chân tình của chính mình. Thay vì ra khỏi các trường trại sáng tác thi ca để đạt tới tinh thể của nghệ thuật đương đại, nhất là tự mãn với một tí hư danh của mình. Thơ muốn đạt tới đỉnh phải tử công phu, cũng như các môn nghệ thuật khác. Sự khinh bạc coi thường người trước chỉ là một hành động ấu trĩ mà thôi.

Trần Tuấn Kiệt/ Sài Gòn 7 - 2006

Lời Rao Giảng của THƠ. Trần Kiêm Đoàn

 



















Đọc VỀ LỐI ĐI XƯA

Nhà Văn/ Tiến TRẦN KIÊM ĐOÀN

Thuở thịnh Đường, Lý Thương Ẩn cho rằng, nhạc là hoa của âm thanh và thơ là hoa của tiếng nói. Thế thì vẫn còn thiếu bóng dáng một loài hoa kỳ diệu nhất: Đó là con người, vì con người là hoa của đất.

Đọc thơ Song Nhị, từ Tiếng Hờn Chiến Mã đến Về Lối Đi Xưa, gồm những bài thơ đã được sáng tác từ những năm đầu 1960 đến những năm cuối 1990 người đọc sẽ tìm thấy chân dung về những “đóa hoa của đất”, đã mọc lên từ nhiều hoàn cảnh khác nhau: Đó là mẹ hiền muôn thuở, là người tình một thời hoa mộng, người vợ một đời thủy chung, người chiến hữu can trường ngoài mặt trận, người bạn tù khổ nhục trong núi rừng, người dân lành lặng thinh và xa lạ trong ngôi nhà thừa tự...

Suốt hơn 30 năm, với bản thân cùng chìm nổi theo vận nước thăng trầm, Song Nhị đã một lòng chung thủy với thơ, lăn lóc với thơ, ôm thơ mà cúi mặt, nương thơ mà ngước lên.

Trước cảnh: “ngàn lẫm liệt tan trong chiều rã ngũ” (1). Sự im lặng, sự thờ ơ đang bủa vây thơ, Song Nhị vẫn đi tiếp con đường như Octavio Paz, một thi hào Nam Mỹ đã lên tiếng với người làm thơ: “Sự bền lòng - Một tên gọi khác của thi ca”.
Chính với sự bền lòng đó, Song Nhị đã đem tiếng nói thi ca để ghi những trang nhật ký của đời mình và những giòng sử thi buồn của đất nước (*) trong thơ anh.
Về Lối Đi Xưa, tựa đề chung cho toàn tập thơ, là tên một bài thơ mà Song Nhị đã làm từ năm 1969.  Tự bản chất, đây là một bài thơ tình, những bài thơ mang những điều chưa nói hết mà gọi theo ngôn ngữ thơ là “khoảng không gian trắng”, phảng phất hơi hướm tiên tri về một khoảng đời “không dám nghĩ tới những điều ao ước” của tác giả sau 1975.

Những lúc buồn lòng vẫn gượng cười vui
Nói thật khẽ sợ chính mình nghe được
Không dám nghĩ tới những điều ao ước
E nỗi băn khoăn làm rối tâm hồn.

Từ  “Tiếng Hờn Chiến Mã” tới “Về Lối Đi Xưa” là một sự trở về, hay nói một cách tĩnh lặng hơn là sự đi đến với cái tôi trữ tình - quê hương thiên cổ của thi nhân. Có người làm thơ như “con chim đến từ núi lạ, ngửa cổ hát chơi” (2); có người làm thơ để trở thành thi sĩ.
Song Nhị đã làm thơ từ tuổi học trò, những bài thơ tình một thuở của anh đều là những bài viết từ thời trái tim học trò còn giàu nhạy cảm và rung động như chính anh đã tự nhìn lại:
Kỷ niệm cũ như vết hằn trên đá
Trong trái tim anh chưa một lần mờ
(Mùa xuân Gợi Nhớ)

Bởi bậy, từ thuở còn duyên nợ sách đèn với Đại Học Vạn Hạnh, thơ Song Nhị đã mang ý nồng nàn, đôn hậu và lời thơ trong sáng, chân phương. Người đọc thơ anh trong giai đoạn nầy bỗng cảm nhận được thế giới thơ của anh một cách tự nhiên và gần gũi. Có lẽ người tuổi trẻ làm thơ Song Nhị đã đến với thơ theo đường bay nghệ thuật và đam mê như lời nhắn gởi của thi hào Tagore: “Khi làm thơ, hãy im lặng. Gối đầu lên trời xanh, đắm mình trong nắng ấm để làm thơ. Đừng cố làm thi sĩ hay làm nhà thơ. Vì chỉ có thơ anh mới đủ sức chắp cánh cho anh bay vào khung trời của nhà thơ và thi sĩ...” (3)

Thơ tình cảm của Song Nhị, do đó, đẹp nhưng không kiêu kỳ và làm dáng:
Tôi bỏ đó niềm ưu từ tĩnh lặng
Từng phút giờ từng nỗi nhớ miên man
Bao ký ức cuốn xô về dĩ vãng
Quay lưng đi lòng chợt thấy cơ hàn
(Vùng Sau Lưng)

Hoặc:              
Ngày đón em buổi chiều qua rất nhẹ
Sáng mai hồng tươi mát ánh bình minh
Cơn gió sớm thổi bay tà áo lụa
Ngày trần gian diễm tuyệt của đôi mình
(Ngày Đón Em Về)

Đi qua những ngả ba, ngả tư, ngả rẽ... không có tên bảng đường của thi ca tư tưởng, mỗi người làm thơ sẽ rẽ về một hướng, có một phong cách thơ phong phú và độc đáo của riêng mình. Chính vì thế mà Nguyễn Bính được gọi là thi sĩ của chân quê: Vũ Hoàng Chương là nhà thơ của vũ trường, thuốc phiện; Bùi Giáng là nhà thơ của tư tưởng rong chơi...
Thơ là vũ trụ muôn màu, có ai đo đếm được thơ đâu mà phải cần so sánh. Nhưng mỗi người làm thơ đều có một chân trời, mang riêng một tên gọi tương xứng với dáng dấp thi ca của mình. Nếu có chăng một sự gọi tên cho thơ Song Nhị thì dường như không có từ nào hợp hơn là “về lối đi xưa”. Thơ Song Nhị trải dài từ sân trường, ra đến quân trường, rồi chiến trường và đấu trường sau ngày lịch sử sang trang.  Nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù xót xa hay khổ nhục, thì tâm hồn anh và thơ anh cũng hướng về lối cũ, hướng về nguồn tình cảm êm đềm, tươi mát và thuần hậu của gia đình, bè bạn, quê hương, đến thân phận của mình:

Người buồn trời đất mênh mông
Ta tên ngã ngựa giữa giòng nước xuôi
Để cho nhau những ngậm ngùi
Để vươn tay níu một thời đã xa
(Gợi nhớ)

Triết lý bàng bạc trong thơ Song Nhị là một triết lý sống còn. Sống còn trong một xã hội nhiễu nhương đầy “thế Chiến Quốc, thế xuân Thu”; vươn đầu lên khỏi giòng nước lũ của thời cuộc; và hòa điệu sống với những cảnh đời khác biệt... Thật khó! Nó không chỉ đòi hỏi cái tài mà còn đòi hỏi cái tâm đầy trăn trở nhưng không vọng động; và đặc biệt là cái trí tỉnh táo tự biết mình là ai. Lòng yêu thương tràn đầy và sự nổi giận đang lắng xuống bề sâu cùng kết tụ trong thơ Song Nhị, cho nên thơ anh mang nét buồn mà không trệ; xa cách mà chẳng chia lìa; tủi hờn, mỉa mai mà không ồn ào, đập phá:

Về đây nương náu bên cha mẹ
Quên những gian truân những giãi dầu
Cơ nghiệp mẹ buồn chi: được, mất
Lo gì con mê sẽ về đâu.
(Về Đây)

Trong thơ cũng như giữa thực thế cuộc đời, Song Nhị đã sống qua và đã đội rất nhiều cái nón: nhà trường, nhà giáo, nhà binh, nhà tù, nhà thơ, và... nhà tôi.  Nhưng điều rất lý thú là anh đội chiếc nón nào cũng vừa vặn cả, nên thơ anh không bao giờ bị “lạc” để bứt phá mà “túy ngọa sa trường quân mạc tiếu” (4); mà “đổi kinh lấy rượu tâm hư uống tràn” (5).
Tập thơ Về Lối Đi Xưa mang nặng giòng tâm sự rất chung và rất riêng. Chung, vì tiếng thơ của Song Nhị đậm thắm tình người và riêng, như lời anh tâm sự: “Tôi trở về sau những cuộc biển dâu, sau những tan tác đổi đời; trở về góp nhặt, chắp vá lại những mảnh vụn từ một gia sản tinh thần nhỏ bé của riêng mình .” (6)

Trần Kiêm Đoàn
Sacarmento Vào Thu 1998


Friday, May 23, 2014

Sách Mới: LỜI RAO GIẢNG CỦA THƠ




MỤC LỤC
Tìm tác giả & số trang theo mẫu tự  A, B, C

PHẦN I
Chương  I -  Thơ Song Nhị

Giòng Sử Thi Buồn Của Đất Nước (**) tr.13
Nhận Định của: Diên Nghị 68  Diệu Tần 98  Duy Năng 155  Đặng Lệ Khánh 166  Đoàn Yên Linh 158  Đỗ Hữu 104  Hà Trung Yên 113  Hà Thượng Nhân 157  Hoàng Vũ Đông Sơn 81  Kha Lăng Đa 153  Lâm Thùy Giang 108  Lê Nguyễn 152  Nhất Thanh 162  Nhật Thịnh 158  Nguyễn Thùy 31  Ngô Đức Diễm 120  Phan Bá Kỳ 145  Phan Bá Thụy Dương 124  Phương Hoa Sử 111  Sa Giang 14  Trần Tuấn Kiệt 14  Trần Kiêm Đoàn 26  Tường Lưu 161  Việt Thần 14  Võ Ý 149 

Chương II - Vai Trò Và Sứ Mệnh Của Thi Sĩ tr. 181
Cao Mỵ Nhân 198   Cao Nguyên 238  Cung Diễm 269 Duy Năng 223  Hàn Thiên Lương 281  Hà Trung Yên 285  Hương Giang 265  Luân Hoán 271  Minh Đạo 294  Như Hoa-Ấu Tím 243  Ngọc Loan 297  Phan Thị Ngôn Ngữ 208  Song Thi 260  Sương Mai 254  Thường Quân 275  Tuệ Nga 183  Vi Khuê 189  Võ Ý 249  Vương Nhân 291 

Chương III -  Khúc Tâm Giao 305              
Cao Nguyên 332  Cung Diễm 325  Hoàng Cầm 306  Hà Thượng Nhân 308/310  Huệ Thu 317  Nguyễn Phúc Sông Hương 328  Quang Tuấn 324  Quế Hoa 327  Thảo Chi 324  Thường Quân 330  Tuệ Nga 309/326 

PHẦN II
Phụ Lục 1 – Ý Kiến. Nhận Định tác phẩm
NỬA THẾ KỶ VIỆT NAM tr.335

Cao Thế Dung 336  Cao Ánh Nguyệt 357  Diên Nghị 365  Dương Quân 379  Đoàn Thanh Liêm 360  Đỗ Tiến Đức 343  Đỗ Bình 374  Giao Chỉ 366  Hàn Phong Cao 367  Hà Bắc 379   Lê Đình Cai 337  Lê Văn Hải 375  Lê Nguyễn 355  Lê Thanh Phong 380  Nguyễn Ngọc Bích 371  Như Thương 382  Phong Thu 351  Thanh Thương Hoàng 363  Thư Sinh 377  Tôn Thất Tuấn 381   Võ Ý 358  

Phụ Lục 2 – Những Tâm Khúc phổ thơ Song Nhị tr.379 với các Nhạc Sĩ:
 Anh Việt Thanh  Đào Nguyên  Hiếu Anh  Hoàng Dung  Lê Quốc Tấn  Lynh Phương  Minh Sơn  Ngọc Loan  Nguyên Nhu  Nguyễn Hữu Tân
Tô Dương Tử  Trần Hưng Nguyên  Trần Thị Thu Thu  Trọng Minh  Vĩnh Điện  Võ Tá Hân  Vũ Đức Nghiêm

----------------------
(*) Tranh bìa Họa sĩ Huỳnh Ngọc Điệp tặng tác giả (SN)
trong cuộc triển lãm tại PhòngThông Tin Đô Thành,
Saigon ngày 4 tháng 10 năm 1971.
(**) Chữ của TS. Trần Kiêm Đoàn

***

Thân tặng và tri ân
quý tác giả, nhà thơ và nhạc sĩ hội ngộ trong tác phẩm này

Dòng Thơ chảy đọng Niềm Thân Ái
Ngọn Búùt trôi mềm Nỗi Xốn Xang
Song Nhị

********

VÀO TẬP

Một Ý Kiến Về
Giới Thiệu Tác Phẩm & Phê Bình Văn Học

Như có lần tôi đã trình bày trong một trang viết đăng trên tạp chí Nguồn số 54 về sự tương quan như thế nào giữa việc giới thiệu một tác phẩm và bộ môn Phê Bình Văn Học.

Xin thưa, viết tựa cho một quyển sách hay giới thiệu một tác phẩm là một việc làm mang tính ước lệ. Người viết thường trích dẫn từ trong sách những đoạn văn, những câu thơ ưng ý để minh họa cho nhận định mà mình đồng cảm, tâm đắc với tác giả. Người giới thiệu  tác phẩm thường có vai trò khác với độc giả của tác phẩm đó – nghĩa là không làm công việc bình phẩm khen chê.
Về bộ môn thơ, có một nhận định chung là tất cả các tập thơ - của bất kỳ tác giả nào, không phải toàn bộ thi phẩm đều là những bài thơ có cùng phẩm chất. Và rằng một người làm hàng trăm bài thơ, có được năm, ba bài; hoăc năm, bảy câu thơ được người đời nhắc nhở, truyền tụng thì đó là một tác giả thành công và là một nhà thơ thành danh.

Người thưởng ngoạn thơ, khi đọc một bài thơ, một tập thơ, cảm xúc của người đọc sẽ hòa lẫn vào cảm xúc của người viết. Tác giả truyền dẫn tâm sự của mình vào tâm hồn người đọc nếu bài thơ được viết ra từ rung cảm, từ sự trăn trở, từ nỗi niềm tận đáy lòng mình. Ngược lại là những bài thơ khó làm rung động lòng người, dù bài thơ vẫn nghiêm chỉnh ngữ nghĩa, vần điệu, niêm luật.
Người đọc tác phẩm và giới thiệu đến độc giả tác phẩm đó rất khác với công việc phê bình tác phẩm. Người giới thiệu tác phẩm cũng có vai trò như một độc giả, đọc và thưởng thức nội dung tác phẩm rồi lượm lặt ra những bài thơ, đoạn thơ, câu thơ tâm đắc ưng ý mà viết ra, nói ra chia sẻ với người khác.

Người giới thiệu tác phẩm không làm công việc của nhà phê bình: tìm tòi, phân tích những cái hay, cái dở trong từng câu từng đoạn - văn cũng như thơ. Và sau cùng có thể định hình một cách khách quan giá trị nội dung của tác phẩm. Nhờ đó tác giả có thể nhìn nhận (hoặc phủ nhận) ý kiến của nhà phê bình, một cách không chủ quan, để hoàn chỉnh lại tác phẩm của mình. Và độc giả cũng nhờ đó mà tìm được những tác phẩm ưng ý.

Bộ môn phê bình văn học đã bị bỏ trống từ nhiều thập niên ở trong nước và hoàn toàn thiếu vắng ở hải ngoại.
Từ thời Đệ nhất Cộng Hòa, sau Bản tuyên bố trong cuộc hội thảo về “Vấn đề phê bình văn nghệ” tổ chức ngày 15 tháng 1 - 1967 tại Chợ Lớn, với trên 250 nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, ký giả, sinh viên tham dự... cho đến nay chưa có một cuộc tập họp nào thảo luận về đề tài này. Sở dĩ người ta “tránh né” vì Phê bình văn học “chính là một nguồn dư luận, với một chủ đích nhất định, nhưng lại khó chấp nhận ở loại công chúng chủ động...” (*). Bất cứ một tác phẩm nào muốn gây được sự chú ý của dư luận và muốn được dư luận chú ý thì phải chấp nhận “bị ném đá” như câu ngạn ngữ khá phổ biến trong giới văn nghệ: “Chỉ những cây có quả mới bị ném đá”.         

Trong “Lời Rao Giảng Của Thơ”, Chương I - Thơ Song Nhị - Giòng Sử Thi Buồn Của Đất Nước (*) là phần giới thiệu thơ Song Nhị của những cây bút quen thuộc như: Trần Tuấn Kiệt, Trần Kiêm Đoàn, Nguyễn Thùy, Diên Nghị, Hoàng Vũ Đông Sơn, Phan Bá Kỳ, Diệu Tần, Hà thượng Nhân… mà không phải là Phê Bình Văn học. Các tác giả chỉ lượm lặt ra những câu thơ, ý thơ hay, cốt lõi để giới thiệu…
Cũng vậy ở Chương II – “Vai Trò Và Sứ Mệnh Của Thi Sĩ” là phần nhận định của tôi về thơ của các tác giả: Tuệ Nga, Vi Khuê, Cao Mỵ Nhân, Phan Thị Ngôn Ngữ, Cao Nguyên, Cung Diễm, Duy Năng, Hương Giang, Hàn Thiên Lương,  Hà Trung Yên, Luân Hoán, Song Thi, Sương Mai, Thường Quân, Võ Ý, Vương Nhân cũng cùng “thể loại” với các tác giả viết về thơ tôi.
Nói chung trong cả hai chương I và II đều có một cách viết giống nhau, đúng như tựa đề quyển sách “Lời Rao Giảng Của Thơ”. 

Tuy nhiên, là những người cầm bút (tự trọng), chúng tôi chịu trách nhiệm về những bài viết của mình trước dư luận. Trong phần viết về thơ Phan Thị Ngôn Ngữ, tôi có lời bộc bạch như sau:
“Tôi không có ý cường điệu khi đưa ra nhận định này. Tôi không viết cho tôi và cũng không phải viết cho tác giả. Sự khen chê thiếu vô tư trong sáng sẽ là điều lố bịch”. (trang 200)
Nhân dịp ấn ấn hành tác phẩm này, đây là lúc tôi có cơ hội được nói lời cảm tạ tấm thịnh tình của các nhà văn, nhà thơ trong Chương I đã ưu ái dành cho tôi những bài nhận định công phu sắc bén về Thơ Song Nhị.

Đây cũng là dịp tôi được nói lời cảm tạ đến các Nhạc sĩ đồng cảm đã đem thơ Song Nhị lồng vào dòng nhạc của các bạn. Số nhạc phẩm tôi có khá nhiều, nhưng cho tới nay chỉ mới thực hiện được một CD “12 Tâm Khúc…”. Có một số bản nhạc của các nhạc sĩ Tô Dương Tử (Saigon 1969) và NS Hiếu Anh (Hoa Kỳ) đã qua đời, cùng một số bản nhạc khác bị thất lạc nên không có để in vào trong sách. Xin cáo lỗi cùng các vị. 

Sau cùng xin được nói lời cảm tạ đến các nhà thơ đã ủy thác cho Cội Nguồn xuất bản tác phẩm để tôi có dịp được đọc và viết về thơ của quý vị.

Xin cảm ơn nhạc sĩ trần Hưng Nguyên, người bạn tù và cũng là bạn văn nghệ đã niệt tình giúp tôi trong phần kỹ thuật thực hiện CD và các bản nhạc.

Sau hết, tôi xin cáo lỗi với một số nhà thơ khác như Ngân Phi Thư (Australia), Việt Bằng, Duy An Đông, Ngô Đức Diễm, Kha Lăng Đa, Mạc Phương Đình, Mặc Lan Đình, Lê Nguyễn…. mà bài viết của tôi về thơ của các vị phần bị thất lạc, phần chưa hoàn chỉnh nên không in được trong quyển sách này.
Một số bài viết về các tác phẩm văn/truyện của các tác giả khác sẽ in trong tập “Khoảnh Vườn Văn”, đã hoàn tất bản điện tử và đang chờ đợi... được ấn hành.

Song Nhị /4 - 2014

-------------------
(*) Những nghịch lý của phê bình - Lại Nguyên Ân




Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...