Đọc VỀ LỐI ĐI XƯA
Nhà Văn/ Tiến Sĩ
TRẦN KIÊM ĐOÀN
Thuở thịnh Đường, Lý Thương Ẩn cho rằng, nhạc là hoa của âm thanh và thơ là hoa của tiếng nói. Thế thì vẫn còn thiếu bóng dáng một loài hoa kỳ diệu nhất: Đó là con người, vì con người là hoa của đất.
Đọc thơ Song Nhị, từ Tiếng Hờn Chiến Mã đến Về Lối Đi Xưa,
gồm những bài thơ đã được sáng tác từ những năm đầu 1960 đến những năm cuối
1990 người đọc sẽ tìm thấy chân dung về những “đóa hoa của đất”, đã mọc lên từ
nhiều hoàn cảnh khác nhau: Đó là mẹ hiền muôn thuở, là người tình một thời hoa
mộng, người vợ một đời thủy chung, người chiến hữu can trường ngoài mặt trận,
người bạn tù khổ nhục trong núi rừng, người dân lành lặng thinh và xa lạ trong
ngôi nhà thừa tự...
Suốt hơn 30 năm, với bản thân cùng chìm nổi theo vận nước
thăng trầm, Song Nhị đã một lòng chung thủy với thơ, lăn lóc với thơ, ôm thơ mà
cúi mặt, nương thơ mà ngước lên.
Trước cảnh: “ngàn lẫm liệt tan trong chiều rã ngũ” (1). Sự
im lặng, sự thờ ơ đang bủa vây thơ, Song Nhị vẫn đi tiếp con đường như Octavio
Paz, một thi hào Nam Mỹ đã lên tiếng với người làm thơ: “Sự bền lòng - Một tên
gọi khác của thi ca”.
Chính với sự bền lòng đó, Song Nhị đã đem tiếng nói thi ca
để ghi những trang nhật ký của đời mình và những giòng sử thi buồn của đất nước
(*) trong thơ anh.
Về Lối Đi Xưa, tựa đề chung cho toàn tập thơ, là tên một bài
thơ mà Song Nhị đã làm từ năm 1969. Tự
bản chất, đây là một bài thơ tình, những bài thơ mang những điều chưa nói hết
mà gọi theo ngôn ngữ thơ là “khoảng không gian trắng”, phảng phất hơi hướm tiên
tri về một khoảng đời “không dám nghĩ tới những điều ao ước” của tác giả sau
1975.
Những lúc buồn lòng vẫn gượng cười vui
Nói thật khẽ sợ chính mình nghe được
Không dám nghĩ tới những điều ao ước
E nỗi băn khoăn làm rối tâm hồn.
Từ “Tiếng Hờn Chiến
Mã” tới “Về Lối Đi Xưa” là một sự trở về, hay nói một cách tĩnh lặng hơn là sự
đi đến với cái tôi trữ tình - quê hương thiên cổ của thi nhân. Có người làm thơ
như “con chim đến từ núi lạ, ngửa cổ hát chơi” (2); có người làm thơ để trở thành
thi sĩ.
Song Nhị đã làm thơ từ tuổi học trò, những bài thơ tình một
thuở của anh đều là những bài viết từ thời trái tim học trò còn giàu nhạy cảm
và rung động như chính anh đã tự nhìn lại:
Kỷ niệm cũ như vết hằn trên đá
Trong trái tim anh chưa một lần mờ
(Mùa xuân Gợi Nhớ)
Bởi bậy, từ thuở còn duyên nợ sách đèn với Đại Học Vạn Hạnh,
thơ Song Nhị đã mang ý nồng nàn, đôn hậu và lời thơ trong sáng, chân phương.
Người đọc thơ anh trong giai đoạn nầy bỗng cảm nhận được thế giới thơ của anh
một cách tự nhiên và gần gũi. Có lẽ người tuổi trẻ làm thơ Song Nhị đã đến với
thơ theo đường bay nghệ thuật và đam mê như lời nhắn gởi của thi hào Tagore:
“Khi làm thơ, hãy im lặng. Gối đầu lên trời xanh, đắm mình trong nắng ấm để làm
thơ. Đừng cố làm thi sĩ hay làm nhà thơ. Vì chỉ có thơ anh mới đủ sức chắp cánh
cho anh bay vào khung trời của nhà thơ và thi sĩ...” (3)
Thơ tình cảm của Song Nhị, do đó, đẹp nhưng không kiêu kỳ và
làm dáng:
Tôi bỏ đó niềm ưu từ tĩnh lặng
Từng phút giờ từng nỗi nhớ miên man
Bao ký ức cuốn xô về dĩ vãng
Quay lưng đi lòng chợt thấy cơ hàn
(Vùng Sau Lưng)
Hoặc:
Ngày đón em buổi chiều qua rất nhẹ
Sáng mai hồng tươi mát ánh bình minh
Cơn gió sớm thổi bay tà áo lụa
Ngày trần gian diễm tuyệt của đôi mình
(Ngày Đón Em Về)
Đi qua những ngả ba, ngả tư, ngả rẽ... không có tên bảng
đường của thi ca tư tưởng, mỗi người làm thơ sẽ rẽ về một hướng, có một phong
cách thơ phong phú và độc đáo của riêng mình. Chính vì thế mà Nguyễn Bính được
gọi là thi sĩ của chân quê: Vũ Hoàng Chương là nhà thơ của vũ trường, thuốc
phiện; Bùi Giáng là nhà thơ của tư tưởng rong chơi...
Thơ là vũ trụ muôn màu, có ai đo đếm được thơ đâu mà phải
cần so sánh. Nhưng mỗi người làm thơ đều có một chân trời, mang riêng một tên
gọi tương xứng với dáng dấp thi ca của mình. Nếu có chăng một sự gọi tên cho
thơ Song Nhị thì dường như không có từ nào hợp hơn là “về lối đi xưa”. Thơ Song
Nhị trải dài từ sân trường, ra đến quân trường, rồi chiến trường và đấu trường
sau ngày lịch sử sang trang. Nhưng trong
bất cứ hoàn cảnh nào, dù xót xa hay khổ nhục, thì tâm hồn anh và thơ anh cũng
hướng về lối cũ, hướng về nguồn tình cảm êm đềm, tươi mát và thuần hậu của gia
đình, bè bạn, quê hương, đến thân phận của mình:
Người buồn trời đất mênh mông
Ta tên ngã ngựa giữa giòng nước xuôi
Để cho nhau những ngậm ngùi
Để vươn tay níu một thời đã xa
(Gợi nhớ)
Triết lý bàng bạc trong thơ Song Nhị là một triết lý sống
còn. Sống còn trong một xã hội nhiễu nhương đầy “thế Chiến Quốc, thế xuân Thu”;
vươn đầu lên khỏi giòng nước lũ của thời cuộc; và hòa điệu sống với những cảnh
đời khác biệt... Thật khó! Nó không chỉ đòi hỏi cái tài mà còn đòi hỏi cái tâm
đầy trăn trở nhưng không vọng động; và đặc biệt là cái trí tỉnh táo tự biết
mình là ai. Lòng yêu thương tràn đầy và sự nổi giận đang lắng xuống bề sâu cùng
kết tụ trong thơ Song Nhị, cho nên thơ anh mang nét buồn mà không trệ; xa cách
mà chẳng chia lìa; tủi hờn, mỉa mai mà không ồn ào, đập phá:
Về đây nương náu bên cha mẹ
Quên những gian truân những giãi dầu
Cơ nghiệp mẹ buồn chi: được, mất
Lo gì con mê sẽ về đâu.
(Về Đây)
Trong thơ cũng như giữa thực thế cuộc đời, Song Nhị đã sống
qua và đã đội rất nhiều cái nón: nhà trường, nhà giáo, nhà binh, nhà tù, nhà
thơ, và... nhà tôi. Nhưng điều rất lý
thú là anh đội chiếc nón nào cũng vừa vặn cả, nên thơ anh không bao giờ bị
“lạc” để bứt phá mà “túy ngọa sa trường quân mạc tiếu” (4); mà “đổi kinh lấy
rượu tâm hư uống tràn” (5).
Tập thơ Về Lối Đi Xưa mang nặng giòng tâm sự rất chung và
rất riêng. Chung, vì tiếng thơ của Song Nhị đậm thắm tình người và riêng, như
lời anh tâm sự: “Tôi trở về sau những cuộc biển dâu, sau những tan tác đổi đời;
trở về góp nhặt, chắp vá lại những mảnh vụn từ một gia sản tinh thần nhỏ bé của
riêng mình .” (6)
Trần Kiêm Đoàn
Sacarmento Vào Thu 1998
No comments:
Post a Comment