Sunday, May 25, 2014

Lời Rao Giảng của THƠ. Trần Tuấn Kiệt




TRẦN TUẤN KIT/ Nhà Thơ

Chất Trữ Tình Say Đắm Trong VỀ LỐI ĐI XƯA

Tôi đọc trong thi phẩm Về Lối Đi Xưa của Song Nhị có hai câu:
Mai kia tàn cuộc nhục vinh
Con về bên mẹ tạ tình núi sông.

Rồi lại đọc tiếp:
Cũng đành thưa mẹ, vong thân
Mai con nhập tịch làm dân xứ người!

Thưa anh,

Thế sự phế hưng coi vẫn rộn!
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau.

Đại thi gia phái nữ là Bà Huyện Thanh Quan đã nói lâu rồi. Và cũng trong tinh thần người đàn bà lớn lao đó đã lấy làm thường! Có chi mà rộn! Với những kẻ lên voi xuống chó những lớp lang lịch sử ấy!

Trong trường danh lợi vinh liền nhục
Vào cuộc trần ai khóc lộn cười!

(Có phải thơ của Đặng Trần Thường chăng! Lâu quá nên tôi đã quên tác giả của hai câu này).

Tôi lại nhớ tới “Cũng đành thưa mẹ, vong thân” trong bài viết cho Bùi Ngọc Tuấn trên báo Khởi Hành của Viên Linh. Tôi đã viết “Có những kẻ vong thân ở tại đất nước này” những kẻ đó hiện đang được Đười ươi khỉ vượn tôn lên ngôi báu phong tước vị Anh Hùng, có chứng minh nhân dân là gốc Kinh, là dân tộc Việt Nam chính hiệu và hơn nữa là người Vô Sản Vô Thần chính cống! Thật là khôi hài cho lớp lang lịch sử hiện đại Việt Nam.
Đối với chúng ta, anh có làm thơ hay, có tâm tình cao thượng hơn bọn họ hay không là điều đáng nói hơn. Vì dường như tôi thấy không lầm, thơ Song Nhị là một giòng nước sa từ cội nguồn kia mà! Dù anh có nhập tịch Nga, Mỹ, Anh, Úc... hay Phi châu hay Iran, Iraq hay Hy Lạp anh vẫn không từ chối được anh là người Việt đâu.

Có lần tôi ở tù chung với một đám du đãng, tù chung thân ở trại Gia Trung, trong buổi cơm, có một anh bạn tù đột nhiên hét lớn: Mẹ nó! Vái Trời cho tôi chết đi, khi sống lại đừng cho tôi đầu thai làm người Việt Nam. Tôi chán làm người Việt Nam quá rồi! Anh này cũng giống như dân Vô sản bỏ gốc Việt lấy tổ quốc Liên Xô vậy. Cũng có lần Bùi Giáng đưa tôi coi bức thư của Renéchard gởi cho Bùi Giáng khi ông hỏi về tương lai đất nước Việt Nam. Renéchard trả lời. “Anh đừng lo, Việt Nam sau này là một thánh địa!”

Tôi thêm một ý nữa với Bùi Giáng: Thánh địa là Thiên Đường Cộng Sản đó, ông có thích không!

Từ đó Bùi Giáng ngao du cho đến ngày Tận Thế 75 và sau 75 cho đến khi về với cội nguồn tổ tiên.... Bây giờ thì chúng ta đang ở vào buổi bình mình sáng thế của nhân loại. Song Nhị ơi! Tặng bạn mấy câu thơ mình viết trong tập Nai từ lâu:

Trăng ơi ngủ với hồn ta
Đầu hôm nghe vọng tiếng gà Bình minh
Lá kia sương bỗng run cành
Khói đồi chim lạ kêu thành xuân thu

Ngàn hoa mai trắng lũng sâu
Hương đèo bóng núi tìm đâu tiếng rừng
Cách tràng giang đến ngàn trùng
Mà ta vẫn nhớ thương từng bước Em.
(TTK)

Nay tôi đi tìm những lúc “Em còn hái trái bên cây, vết son mùa để dấu hài đầu tiên” đó trong thơ Song Nhị, với Về Lối Đi Xưa của anh.
Và xin mời các thi hữu, thi gia, các bạn yêu thơ cùng đọc với tôi qua các bài sau đây:

1. Chợt nghĩ về Xuân (trang 19)
2. Về lối đi xưa (trang 20, 21, 22)
3. Oan khiên
4. Nhớ lắm Saigon (trang 53)
5. Bốn (trang 69)
6. Đóm lửa cuối năm (trang 74, 75)
7. Khúc ca dao tình (trang 83)
8. Ngày đón em về (trang 85, 86)
9. Sơ ý (trang 131)

Toàn tập thơ Về Lối Đi Xưa của Song Nhị là một thi phẩm Trữ Tình, là một bản tình ca đẹp nồng nàn muôn thuở của thi nhân.

Nói đến Tình Ca, thơ Song Nhị đã là một bản Tình Ca rồi, nói như thế tôi nhớ tới một câu chuyện ở tại La Pagode trước 75 - Anh Phạm Duy ngồi gần tôi với các thi văn hữu khác. Chợt Phạm Duy nói với tôi “Thơ ai tôi cũng phổ nhạc được. Chỉ có thơ cậu là tôi không phổ nhạc được!” - Tôi nhìn Phạm Duy cười không trả lời. Riêng tôi không thích đưa thơ của mình cho người khác phổ nhạc. Thơ là thơ. Nhạc là nhạc. Thơ đã là tình ca rồi thì cần nhạc làm gì cho lạc mất tính chất, và hơn nữa tinh thể của thơ mà ít khi âm nhạc đạt tới được. Chỉ có thế thôi! Cũng vì thế tôi chỉ đi học nhạc có vài năm rồi bỏ trường Quốc Gia Âm Nhạc để quay về với Thơ. Tôi nói như thế, ý cũng mời bằng hữu yêu thơ đọc bản Tình Ca Về Lối Đi Xưa của Song Nhị, vừa ngâm vừa hát cho thật đúng tinh thần Trữ Tình say đắm của nhà thơ.

Nói cho đúng thì thơ Song nhị có đủ mọi tính chất, mọi khuynh hướng. Anh làm thơ và xuất bản rất nhiều từ lâu nay. Muốn nhận định về một nhà thơ nào, chúng ta phải đọc thật kỹ tất cả các tác phẩm của họ. Có nhiều vần thơ hay, sâu kín của thi sĩ, chúng ta không đọc hết mà cứ nhận xét nhận định.... thì là một sai lầm lớn. Tôi không có thời gian, không còn bao nhiêu tâm huyết, sức lực để bàn về thơ cho nên chỉ nói về cảm tưởng của mình ít nhiều về Song Nhị. Rồi đây các trang thi sử, các sách viết về thi nhân, thi ca người ta sẽ nói đến Song Nhị đầy đủ hơn. Nay xin bàn ngoài lề một chút....

Từ việc đọc thơ Song Nhị, tôi muốn nhắn với lớp trẻ, sau chúng ta, khi làm thơ ngoài thi hứng và tài năng của mình, cũng nên đặc biệt trải qua mọi khuynh hướng như Lãng Mạn, Tượng Trưng, Hiện Thực, Siêu Thực... Sử Thi... qua các vần điệu của luật xưa, của lục bát, song thất lục bát của Việt Nam, và thể hiện căn bản nghệ thuật thật vững vàng rồi hãy bắt đầu tung hoành, tự do sáng tác theo chiều cảm hứng và tư tưởng của mình. Có nhiều bạn trẻ ở Việt Nam ngày nay có tinh thần, vượt qua mọi ràng buộc về tư duy tuyên truyền của duy vật Xã Hội Chủ Nghĩa. Họ viết thật mạnh, tuy nhiên chưa đạt tới một nghệ thuật tinh tế và sáng tạo lớn được vì không học, vì bất cần, nên vô tình để rơi vào khuôn sáo tầm thường chỉ tạo ra được cái loạn vô ý thức của thi ngôn thi ngữ, chứ không tạo ra nổi những vần thơ đích thực có tầm vóc lớn, nhất là cứ ở trong các nhóm, các hội thơ của nhà nước không biết mở tầm học hỏi ra khỏi phạm vi của vòng vây nghiệt ngã của bức màn Cộng Sản đã diệt hết mọi tự do và tiếng thơ chân tình của chính mình. Thay vì ra khỏi các trường trại sáng tác thi ca để đạt tới tinh thể của nghệ thuật đương đại, nhất là tự mãn với một tí hư danh của mình. Thơ muốn đạt tới đỉnh phải tử công phu, cũng như các môn nghệ thuật khác. Sự khinh bạc coi thường người trước chỉ là một hành động ấu trĩ mà thôi.

Trần Tuấn Kiệt/ Sài Gòn 7 - 2006

No comments:

Post a Comment

Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...