Saturday, June 21, 2014

SÀI GÒN - SƠ LƯỢC NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ





Tháng 10-1974 Cháu Dileuth Saykham (quốc tịch Lào gốc Việt) từ Vientiane về Sài Gòn thăm cậu mợ. Sài Gòn thanh bình, phồn hoa lộng lẫy. Tháng 4-1975 khi đoàn quân nón cối giương ngọn cờ "thắng cuộc" trên Dinh Độc Lập, Sài Gòn trở thành bãi hoang lịch sử.
Dileuth Saykham nay có quốc tịch Pháp, thành đạt tại Paris.
(Ảnh Saykham chụp với mợ)





Trên đường tìm về những giai đoạn lịch sử dân tộc, xin gởi đến bạn đọc đề tài nhìn lại Sài Gòn, thành phố trái tim của miền Nam hơn ba trăm năm lịch sử đang ngày đêm làm thổn thức tâm can của hơn hai triệu người Việt Nam viễn xứ. Sài Gòn là thành phố nối liền tình cảm thiêng liêng với những người Việt Nam mất quê hương, đang lưu lạc trên khắp cùng trái đất.           

Sài Gòn dẫu với ngày tăm tối 30-4-75, dẫu đã bị lột áo thay tên, Sài gòn muôn năm vẫn là Sài Gòn của cả nước Việt Nam như nó đã từng tồn tại và phát triển trong suốt hành trình hơn ba trăm năm lịch sử đã qua. Với một số tư liệu ít ỏi, người viết xin phác họa một sơ đồ khái quát về lịch sử hình thành và phát triển của cả Nam Bộ.
                       
SÀI GÒN - TÊN GỌI, ĐẤT VÀ NGƯỜI    

Vào khoảng một trăm năm trước ngày Hoa Kỳ lập quốc, nước Chân Lạp vẫn còn tồn tại là một quốc gia với ruộng đất phì nhiêu, có cương vực xã hội. Nhưng không bao lâu sau đó, nước Chân Lạp đã mất hút trên bản đồ thế giới, khi vị vua cuối cùng của Chân Lạp băng hà. Theo tài liệu trong Gia Định Thống Chí và tư liệu được học giả Thái Văn Kiểm trình bày trong Đất Việt Trời Nam (NXB Nguồn Sống, Saigon 1960) thì vào năm 1623 vua Chetta II (1618- 1628) từ Xiêm La về nước trị vì, được Chúa Nguyễn Sãi gả con gái là Công chúa Ngọc Vạn làm Hoàng hậu nước Chân Lạp. Do từ quan hệ đó, người Việt đã được vua Chân Lạp Chetta II cho định cư đầu tiên tại Nam Bộ, vùng Bà Rịa, Đồng Nai ngày nay.
           
Năm 1658, vua Chân Lạp mất, quốc sự bất an, trong dòng tộc chú cháu tranh nhau ngôi báu, Chúa Nguyễn Hiền Vương cử một đạo binh gồm hai nghìn người kéo vào Xoài Mô (tức Bà Rịa) bắt vua Chân Lạp  Nặc Ông Chân dẫn về Quảng Bình, sau thả về Chân Lạp.
           
Năm 1674, Chúa Nguyễn lập mgười con trai trưởng của vua Chân Lạp lên làm Chánh Quốc Vương đóng đô ở Gò Bích (Lo Vek) và lập con trai thứ làm Đệ Nhị Quốc Vương đóng ở Sài Côn, buộc hàng năm phải triều cống nước Việt.
           
Năm 1679, có hai tướng Nhà Minh bên Tàu là Dương Ngạn Dịch và Trần An Bình không thần phục nhà Thanh, đem 3.000 quân và năm mươi chiếc thuyền đến Đà Nẵng xin Chúa Nguyễn cho phép được cư trú. Chúa Nguyễn phái họ vào Nam, mang theo quốc thư xin vua Chân Lạp cho họ được định cư ở Đồng Nai và Mỹ Tho. Ít lâu sau đám này nổi loạn, chém giết lẫn nhau, Chúa Nguyễn phái một đạo binh vào dẹp loạn.
           
Đến năm 1690, vua Chân Lạp mất không người kế vị, toàn bộ Chân Lạp thuộc quyền cai trị của Chúa Nguyễn. Tám năm sau đó, toàn lãnh thổ Chân Lạp được tổ chức thành doanh Trấn Biên (tức Biên Hòa) và Phủ Gia Định (tức Sài Gòn) năm 1689.
           
Năm 1773, khi Tây sơn tiến quân vào lấy thành Gia Định, Số người Hoa ở Đồng Nai chạy về hướng Tây Nam lập phố Đê Ngạn. Đó là tên gọi đầu tiên của Chợ Lớn ngày nay.      
Từ năm 1808 trở đi, Sài Gòn vẫn là thủ phủ của trấn Gia Định. Sài Gòn lúc đó cũng là tỉnh lỵ của tỉnh Phan Trấn, Phủ Bình Dương và huyện Bình Trị. Người Việt Nam thời xa xưa ấy gọi vùng nhà thương Đồn Đất, khu nhà thờ Đức Bà trở sang Đa Kao (thành phố hành chánh) là Đồng Nai, Phan An hoặc Phan Yên, Gia Định. Còn thành phố thấp (thương mại) là Bến Nghé, Bến Thành. Bến Nghé ngày xưa người Cao Miên gọi là Kompong Kraybey. (Kompong là bến; Kraybey là trâu). Bến Nghé nằm cạnh Rạch Bến Nghé chảy vào sông Sài Gòn. Bến Thành là khu vực Chợ Cũ (đường Nguyễn Huệ) ngày nay.
           
Sài Gòn hoặc Sài Côn là tên gọi thông dụng từ thế kỷ thứ mười tám. Theo các tài liệu, tên gọi này có nhiều xuất xứ khác nhau:
Theo Gia Định Thống chí của Trịnh Hoài Đức (1765-1825) thì Sài Gòn do chữ SÀI là củi, Gòn là bông gòn. Từ chữ Hán chuyển sang chữ Nôm, gòn cũng được viết là Côn. Một giả thuyết khác cho rằng Sài Gòn có xuất xứ từ tiếng Cam Bốt. Theo đó thì chữ Sài Gòn được phiên dịch từ tiếng Khơ-me Preikor có nghĩa là rừng gòn (Prei: rừng; Kor: gòn), hoặc Prei Nokor (rừng của vua).  Giả thuyết thứ hai, chữ Sài Gòn xuất xứ từ tiếng Trung Hoa. Sài Gòn do hai chữ Đê Ngạn (bờ đê) mà tiếng Quảng Đông đọc là Tai-gon. Đê Ngạn là danh từ mà người Trung Hoa đã dùng để phiên âm hai chữ Sài Gòn khi họ bỏ Biên Hòa về Chợ Lớn vào năm 1778. Theo nhà hàng hải Mỹ John White đã viếng thăm Việt Nam hồi năm 1820 thì thành phố Sài Gòn gồm có Bến Nghé và Đê Ngạn. Như vậy, phải chăng Bến Nghé là Sài Gòn nguyên thủy và Đê Ngạn là Chợ Lớn ngày nay.
           
Giả thuyết thứ ba, Saì Gòn được viết là Tây Cống. Tây Cống là phần đất mà người Chân Lạp đem cống hiến cho người Việt.
           
Từ năm 1808 về sau, Sài Gòn là thủ phủ của trấn Gia Định. Tên gọi này ngày càng phổ biến, thông dụng trong các thư từ của các giáo sĩ phương Tây đến nước ta hồi thế kỷ thứ mười tám.
           
Sau gần một thế kỷ Việt Nam bị thực dân Pháp đô hộ, từ năm 1859 đến năm 1949 Quốc Hội Pháp mới biểu quyết đạo luật trả lại Nam Bộ cho nước Việt Nam. Năm 1955, Sài Gòn là thủ đô của miền Nam Việt Nam tự do. Sài Gòn đã trở thành một trong những thủ đô chính trị, là một trong thành phố thương mại lớn nhất ở Đông Nam Á. Sài Gòn đã từng được báo chí ngoại quốc tặng danh hiệu là Hòn Ngọc Viễn Đông.

Sau năm 1975, con dân của thủ đô Sài Gòn thân yêu tản mác, lưu lạc khắp cùng trên thế giới. Tên tuổi, hình ảnh và biểu tượng Sài Gòn hiện diện khắp mọi miền trên trái đất. Sài Gòn dẫu đã bị CS đổi tên là thành phố HCM từ năm 1976, nhưng trong tâm khảm người dân từ Nam chí Bắc và trên cửa miệng mọi người, Sài gòn vẫn là Sài Gòn. Sài Gòn trong câu chuyện, Sài Gòn trong bài thơ, Sài Gòn trong tiếng hát.
           
SÀI GÒN - MẬT ĐỘ DÂN CƯ XƯA VÀ NAY

Cùng với công cuộc mở mang đất đai, tính từ 100 năm trở lại đây, dân số Sài gòn đã gia tăng với một nhịp độ phi mã. Theo những con số thống kê ghi nhận được thì năm 1884 Sài Gòn chỉ có 13.348 người. Trong đó có 5.246 người Việt, 5.595 người Hoa, 966 người Âu. Đến năm 1923 dân số đó đã  tăng lên đến 95.437 người, trong đó có 61,498 người Việt, 28.914 người Hoa, 5.301 người Âu. Vào cuối năm 1951 toàn Sài Gòn Chợ Lớn có 1.603.831 người, gồm 998.000 người Việt. 583.000 người Hoa, 2.181 mgười Cam Bốt và Lào. 17.140 người Âu và 3.200 ngoại kiều khác.
           
Năm 1954 sau Hiệp định Genève, Sài Gòn, Thủ đô nước VNCH có dân số lên đến hai triệu người, đứng vào hàng một trong những thành phố đông dân cư nhất châu Á, sau Tokyo, Yokohama, Calcutta, Bắc Kinh và Thượng Hải. Vào năm đó có 620.000 người Hoa, 20.000 người Âu, 5.300 ngoại kiều người châu Á và 1,200 ngưòi Mỹ. Năm 1974 dân số Sài Gòn tăng lên bốn triệu.
Sau ngày 30-4-75, gần một triệu người rời Sài gòn ra nước ngoài định cư, nhưng số dân cư từ các nơi đến, phần đông từ ngoài vĩ tuyến 17 vào. Dân số Sài Gòn, theo thống kê do nhà cầm quyền CSVN công bố ngày 10-01-1996 đã lên tới 4.075.000 người. 

Ngày 2 tháng 7 năm 1976 nhà cầm quyền CS sát nhập tỉnh Gia Định vào TP Sài Gòn và đổi tên  T/p Hồ Chí Minh trên giấy tờ, vì thực tế trong mọi sinh hoạt mọi người vẫn sử dụng tên Sài Gòn.

Theo thống kê của Wikipedia, nếu tính cả dân cư Thủ Dầu Một, Dĩ An và Biên Hòa thì đến năm 2025 dân số Sài Gòn sẽ là 13 triệu 900 ngàn người. Hiện đang có kế hoạch đến năm 2020 sẽ sát nhập tỉnh Tiền Giang và Long An vào Sài Gòn. Và lúc bấy giờ diện tích Sài Gòn sẽ là 30 ngàn km2 với dân số 20 triệu người.

Theo sắp hạng của Mercer Humam Resource, Economic Intelligence Unit International thì đối với những người lao động nhập cư, Sài Gòn đứng hàng thứ 132 trong số những thành phố đắt đỏ nhất thế giới.

Sài Gòn vừa trải qua hai mươi năm (1975 - 1995) buồn tẻ tối tăm. Sài Gòn ngày nay đang thay da đổi thịt với nền kinh tế thị trường, cùng sự tái nhâp trở lại của nền khoa học kỹ thuật phương Tây. Sài Gòn sau ba mươi chín năm dưới chế độ cai trị của “giai cấp vô sản”, nhanh chóng biến chất thành giai cấp tư bản đỏ,  ngày nay Sài gòn đang bị tha hóa, trụy lạc, băng họai... Ngoài lớp vỏ và bộ mặt hồi sinh, thay đổi bên trong, mọi nền tảng văn hóa dân tộc thoái hóa, đạo đức, luân lý suy đồi. Mọi giá trị tinh thần bị bóp nghẹt.

Sài Gòn của 1975 trở về trước vẫn mãi mãi ngọt ngào, trìu mến. Sài Gòn, do đó hàng chục năm rồi vẫn đang đứng đợi những đứa con đi xa. Và những đứa con lưu lạc cũng đang ngày đêm chờ cuộc hồi hương, trở về với Sài Gòn yêu mến.

SONG NHỊ
San Jose, 4-1995
Hiệu chính tháng 4-2014                                                                                                                      
                                               


No comments:

Post a Comment

Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...