Wednesday, August 17, 2011

Nhà văn Trần Khaỉ Thanh Thủy gặp gỡ lần đầu tiên với Cội Nguồn

- Luật Sư Nguyễn Hữu Thống: ba vị nữ lưu anh kiệt trong lịch sử cận đại Việt Nam: Thụy An, Dương Thu Hương và Trần Khải Thanh Thủy.


Cách nay hơn một tháng nhà văn Trần Khải Thanh Thủy đã đặt chân đến bến bờ tự do.
Từ khi bước xuống phi trường San Francisco, bà đã được nhiều hội đoàn tiếp đón; đồng thời bà cũng đã tiếp xúc, trả lời phỏng vấn của các cơ quan truyền thông báo chí khắp nước MỸ. Bà được cổ vũ hoan nghênh nồng nhiệt về thành tích đấu tranh bất khuất với bạo quyền Cộng Sản trong nước.

Bà đã đến với Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn trưa Chủ nhật 14-8 vừa qua trong buổi tiếp tân thân mật mà trang trọng với trên 40 quan khách và thân hữu hiện diện tại Club House, số 455 Capitol Ave thành phố San Jose.

Đuợc biết tác phẩm Viết Từ Hang Đá-Nhỏ Lệ Cùng Dân” của bà đã được Cội Nguồn xuất bản tại hải ngoại năm 2007 trong khi bà đang bị cộng sản cầm tù. Tác phẩm đã được cộng đồng tỵ nạn nồng nhiệt đón nhận. Qua tác phẩm này, bà được Văn Bút Quốc Tế công nhận là hội viên Danh Dự, sau đó bà nhận thêm ba giải Nhân Quyền do Human Right Wacht, Ủy Hội Nhân Quyền và Mạng Lưới Nhân Quyền trao tặng về thành tích đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền của bà.

12 giờ trưa, mở đầu buổi tiếp tân, nhà văn Diên Nghị tuyên bố khai mạc và giới thiệu một số quan khách, văn nghệ sĩ thân hữu như: LS Nguyễn Hữu Thống và phu nhân, nhà văn Thanh Thương Hoàng, nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng và phu nhân, bà Trương Gia Vy (Chủ nhiệm tuần báo Việt Tribune), GS Lê Đình Cai, BS Bùi Ngọc Tô,
Các cụ Trương đình sửu, Nguyễn Hữu Hãn, Bùi Thanh Tùng… Quý ông Nguyên Khôi và Thái Phạm, đài Phát Thanh Và Truyền Hình Quê Hương, Ô bà Phạm Bằng Tường, Ký giả Cao sơn và phu nhân, bà Trần Thị Thu (Chủ nhiệm tuần báo Tin Việt News), Ông Phạm Chu Ánh, Ô. Hoàng Sơn Long, nhà văn Nguyễn Trung Dũng, nhà văn Ấu Tím, nhà thơ Huệ Thu, Họa sĩ Đào Hải Triều, quý văn thi hữu Cung Diễm, Ngọc Bích, Trần Hữu Từ, Duy An Đông, Lê Diễm, …

Tiếp đó, nhà văn Song Nhị, Trưởng Điều Hành CSTV Cội Nguồn chào mừng quan khách và thay mặt toàn thể văn thi hữu thuộc CSTV Cội Nguồn chào mừng nhà văn Trần Khải Thanh Thủy. Trình bày cùng cử tọa, Ô. Song Nhị giới thiệu tác phẩm “Bản Hợp Tấu” - tuyển tập truyện ngắn, Cội Nguồn xuất bản năm 2005. Ông SN cho biết tác phẩm này là đầu mối “duyên văn nghệ” giữa Cội Nguồn và nhà văn TKTT qua giải thi truyện ngắn toàn thế giới vietno.com ở Na-Uy tổ chức mà nhà văn Song Nhị được mời làm Chánh Giám khảo. Sau khi đọc một số truyện của nhà văn TKTT ghi là hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam. Ô SN đã liên lạc với nhà văn TKTT tại Hà Nội và qua liên hệ đó nhà văn TKTT đã gửi bài và mong muốn Cội Nguồn in cho bà một “tác phẩm để đời” ở hải ngoại.
Năm 2007, sau khi nhà văn TKTT bị cộng sản bắt giam, Ô SN đã mời các thành viên CN họp để xin ý kiến và quyết định in tác phẩm Viết Từ Hang Đá-Nhỏ Lệ Cùng Dân (Tựa đề này do NXB đặt và nhà văn TKTT nói là bà rất tâm đắc với tên gọi này).
Ô SN nói tiếp: tác phẩm Viết Từ Hang Đá – Nhỏ Lệ Cùng Dân là một quyển sách gây ồn ào - cả tiếng tăm và tai tiếng - trong cộng đồng người việt hải ngoại và cả trong nước, nhưng trong cái rủi có cái may. Khi sách vừa in xong, Cội Nguồn đã gửi sách tặng Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam tại Thụy Sĩ qua văn hữu Nguyễn Hoàng Bảo Việt và Văn Bút Quốc Tế ở Luân Đôn, nhờ đó mấy tuần lễ sau VBQT công nhận nhà văn TKTT là hội viên danh dự. Quyển sách cũng được văn hữu Diễm Hương trao tặng tận tay ông Michael W. Michalak, Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội và Dân biểu Liên Bang, bà Loretta Sanchez trong một dịp gặp gỡ cộng đồng tại Nam California. Giữ đúng lời hứa, khi trở sang Hà Nội, ông Michalak đã đã cử viên chức sứ quán Hoa Kỳ mấy lần tới nhà thăm hỏi gia đình và can thiệp cho nhà văn TKTT.

Từ những truyện ngắn gửi dự thi ở Na-Uy đến “Viết Từ Hang Đá-Nhỏ Lệ Cùng Dân”, bằng vào một quá trình đấu tranh quyết liệt với chế độ CS và những cực hình mà tác giả đã chịu đựng, hôm nay nhà văn TKTT có mặt nơi đây với chúng ta..., ô. Song Nhị kết luận. Tiếp theo chương trình nhà văn Song Nhị thay mặt CSTV Cội Nguồn tặng quà và trao nhà văn TKTT tấm danh thiếp Cội Nguồn thừa nhận bà là thành viên chính thức như bà từng tỏ ý mong muốn (thư trên Nguồn số 49-50) cùng hai ấn phẩm “Bản Hợp Tấu” và “Viết Từ Hang Đá-Nhỏ Lệ Cùng Dân”, với những số tạp chí Nguồn có bài đóng góp của bà.

Nhà văn TKTT bằng giọng chân tình, cảm động cũng đã nhắc lại quan hệ ban đầu với Cội Nguồn qua thư của Hà Viết Tịnh mà bà tưởng là một nhân vật nữ, sau mới biết là một hiệu khác của ông Song Nhị.

Bà vui mừng được gặp gỡ các anh chị em trong CSTV Cội Nguồn mà bà là một thành viên. Bà nói: kiếp sau nếu trở lại làm người xin làm người Việt Nam và cũng xin được cùng hội với Cội Nguồn vì văn chương là sức sống và sự nghiệp của bà. Bà nói lên lòng biết ơn không bờ bến của bà và gia đình đối với Cội Nguồn. Bà nhắc đến các nữ lưu như Huệ Thu, Ngọc Bích, Lê Diễm, Triều Nghi đã đem cả tấm lòng và công sức yểm trợ quyển sách của bà, và là những người đã trực tiếp gửi tiền nhuận bút về cho tác giả.
Tác giả cho biết đã bà xuất bản hàng chục quyển sách nhưng chưa có tác phẩm nào nhận được một khoản nhuận bút lớn như vậy. Nhân dịp này nhà văn TKTT trao tặng Cội Nguồn 5 tác phẩm văn học (Tản Mạn Về Lưu Hương Ký, Khúc Khích Xuân Hương, Song Hỷ Lâm Môn, Khát Sống và Âm Thầm (thơ) mà bà còn giữ được và mang theo, trong số mấy chục đầu sách đã bị nhà cầm quyền CS phong tỏa và tịch thu.   

Tiếp sau đó, nhà thơ Cung Diễm giới thiệu hơn 40 tác phẩm CN đã xuất bản từ năm 1995 đến nay và hai tập thơ hiện đang tiến hành in ấn là tập Góp Vần Hòa Điệu của Minh Đạo và Túi Vẫn Còn Thơ của Tú Lắc.

Nhân dịp này Luật Sư Nguyễn Hữu Thống phát biểu về những giai thoại văn học qua những bài thơ trao đổi giữa thi hào Nguyễn Du và nữ sĩ Hồ Xuân Hương mà LS cho rằng đó là những thiên tài, tinh hoa của văn học Việt Nam. Trong lịch sử cận đại, theo ông, về phái nữ, có ba chân dung đáng được tuyên dương là những nữ lưu anh kiệt. Người thứ nhất là bà Thụy An, một nhân vật của các thập niên 50 - 60 trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm đã đứng lên đòi hỏi tự do tư tưởng, đòi hỏi được đọc, được viết và phổ biến quan điểm của mình; đòi tự do báo chí và tự do lập hội. Bà đã bị chế độ CS bỏ tù 10 năm, 20 năm rồi 30 năm. Bà đã dùng cây bút đâm thủng mắt của mình để không phải nhìn thấy hình ảnh Hồ Chí Minh, nhìn thấy những rác rưởi của chế độ. Cả thế giới xưa nay không có một Thụy An thứ hai.

Người kế tiếp, theo ông là nhà văn Dương Thu Hương của thập niên 70-80 và người thứ ba là nhà văn Trần Khải Thanh Thủy của những năm cuối thế kỷ 20 sang đầu thế kỷ 21. Luật Sư cho rằng chế độ CS sống còn nhờ bám víu vào thần tượng Hồ Chí Minh. Nếu thần tượng HCM sụp đổ thì chế độ CS sụp đổ. Trong khi chế độ dùng mọi thủ đoạn tuyên truyền, tô vẽ hình ảnh vị lãnh tụ của họ thì nhà văn TKTT bất chấp mọi hiểm nguy vạch trần “thần tượng”, lột trần bản chất và những hành vi dối gạt dư luận, dã tâm tàn ác với đồng bào, đồng chí, những chí sĩ yêu nước và với cả những thiếu nữ, những người đàn bà mà ông ta đã từng ăn ở và có con với họ. Nhà văn TKTT là con người bất khuất, không khoan nhượng, dù bị đàn áp, khủng bố; thậm chí nhà cầm quyền CS còn sử dụng bọn băng đảng xã hội đen hành hung nhằm chận đứng tiếng nói bất khuất của bà nhưng bà đã chấp nhận mọi hiểm nguy, kể cả tính mạng để nói với quần chúng hôm nay và lịch sử mai sau biết rõ về con người thật Hồ Chí Minh đang được chế độ cố công tô vẽ.

Theo LS Thống sứ mạng người thích khách Kinh Kha băng qua sông Dịch diệt trừ bạo chúa chắc chắn dễ dàng và đơn giản hơn hành động của bà TKTT sống giữa lòng chế độ, đối diện với đủ mọi bất trắc hiểm nguy hàng ngày trong bao nhiêu năm mà vẫn bền bỉ kiên trì vạch mặt bạo chúa. Thì đây quả là một nữ anh thư thời đại, đáng ngưỡng mộ.

Trong phòng hội ấm cúng được thiết trí trưng bày hình ảnh sinh họat của Cội Nguồn từ khởi đầu đến nay cùng với 52 số tạp chí Nguồn và trên 40 tác phẩm chọn lọc do Cội Nguồn xuất bản mà thi hữu Cung Diễm trong phần giới thiệu đã nhấn mạnh đến sự chú ý của Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ đã đặt mua trọn bộ tạp chí Nguồn từ số 1 để đưa vào Văn Khố Thư Mục Văn Học Vùng Đông Nam Á. Ngoài ra, Nguồn (trọn bộ) và nhiều tác phẩm do Cội Nguồn xuất bản cũng có trong thư viện Quốc Hội, thư viện đại học Cornell, New York, thư viện Salk Lake City, Utah và trên 10 thư viện toàn cầu.

Đúng 1 giờ chiều, quan khách, thân hữu dùng bữa thân mật do Cội Nguồn khoản đãi, nâng ly chúc mừng, trao đổi, thăm hỏi, chuyện vãn với nhà văn TKTT.
Ông bà LS Nguyễn Hữu Thống bận việc cáo lui sau khi trao tặng một số hiện kim của ông bà và Bác sĩ Nguyễn Hữu Tiến (Nam Cali) tặng Bà TKTT.
Buổi sinh hoạt bế mạc vào lúc 3 giờ chiều cùng ngày.

Hàm Dương & HVT tường thuật

1. nhà văn Song Nhị và nhà văn TKTT















2. Ô Song Nhị, Ô/Bà Nguyễn Hữu Thống, Bà TKTT, Bà Ngọc Bích, 
Ô Nguyên Khôi (đài phát thanh/Truyền Hình Quê Hương)

 














No comments:

Post a Comment

Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...