Thursday, November 14, 2013

Giở Chồng Sách Cũ (3)



Sau 5 năm lưu đày từ Nam ra Bắc, cuối cùng thì đoàn tù biệt xứ cũng đuợc chuyển trả về Nam. Cuộc “chuyển quân” khởi động vào sáng sớm ngày 26 tháng 12 -1980. Đúng 8 giờ từng tốp cán bộ vào các buồng giam ra lệnh mọi người đem hết hành trang ra ngoài sân. Một danh sách đánh máy thành lập những đội mới đã được lập sẵn. Hệ thống biên chế tổ đội trước đó coi như xóa sổ. Các thành phần chức sắc cách đó mấy tiếng đồng hồ còn đủ uy quyền để chỉ thị, để ra lệnh cho mọi người, bấy giờ đứng lơ ngơ như gà con mất mẹ.

Cứ 29 người được biên chế thành một đội. khi lên tàu, một người được cử làm đội trưởng, được thong thả đi lại trong toa, còn 28 người kia thành 14 cặp còng chung, ngồi cùng dãy ghế.

Chúng tôi lên xe từ trại 5 Lam Sơn khoảng 9 giờ sáng ngày 28 tháng 12 -1980. Đến ga Thanh Hóa tất cả được dồn vào trong một cái kho chứa phân bón A-pa-tit. Từng lớp, từng lớp gối đầu lên nhau, nằm la liệt trên bao phân sắp ngổn ngang nơi cao nơi thấp. Mọi cảm giác khổ sở, mệt mỏi rã rời, sau một chuyến xe đường dài và nằm chen chúc trong tối tăm hôi hám được an ủi khuây nguôi trên nét mừng vui của mỗi người trước giờ phút cuộc đời tù tội bắt đầu đổi hướng quay trở ngược về Nam.  

**
Đúng 1 giời sáng chúng tôi bị đánh thức dậy mang hành trang tù ra ngoài bãi sắp hàng, ngồi xổm dọc theo đường ray chờ lên tàu. Hơn bốn tiếng đồng hồ sau một đoàn tàu  xình xịch chạy tới. Bốn tiếng đồng hồ ngồi giữa đồng không mông quạnh, giữa cái giá rét mùa đông miền Bắc, Hơi lạnh thấm vào tim gan phèo phổi, toàn thân run lên cầm cập… Trên tay với cái còng XHCN bằng sắt tự chế nặng một kg mọi người như bất động.

Khoảng 5 giờ sáng khi vầng dương đã ló dạng lờ mờ, chúng tôi lục tục lên tàu. Tù ngồi các hàng ghế phía trước. Cách hai hàng ghế trống, phía sau là công an súng dài, súng ngắn ngồi giàn hàng ngang. 28 người còng chung ngồi thành từng cặp. Người tù đội trưởng ngồi riêng một ghế, được tự do đi lại, lui tới trong toa để nhận lệnh và thi hành những điều cán bộ sai bảo. Mệnh lệnh được công bố lúc chúng tôi đã ngồi yên trên các hàng ghế trong toa tàu:
- “Tất cả mọi người phải ngồi yên tại vị trí của mình, ai cần điều gì thông qua đội trưởng để báo cáo cán bộ. Khi đi qua những khu có dân cư, và lúc tàu đậu tại các ga, phải kéo cửa sổ toa tàu xuống, nếu không dân sẽ ném đá vỡ đầu các anh. vì dân chúng còn căm thù các anh lắm”!

Luận điệu này chúng tôi đã từng được nghe, được nhắc nhở ngày chúng tôi lên tàu và lúc mới đặt chân lên miền Bắc. Nhưng thực tế, thời gian chúng tôi tới vùng Cẩm Phả, Quảng Ninh, đi lao động gặp đám tù hình sự, gặp dân họ hỏi chào vồn vã:
- “Ngoài Bắc chúng tôi chờ bác Thiệu, bác Kỳ ra giải phóng. Các bác làm ăn, đánh đấm thế nào để ra nông nỗi này?”

Nghe câu nói đó từ những người miền Bắc, dù họ cũng là người tù, là dân quê mộc mạc, tôi cảm thấy ngỡ ngàng xa xót. Một lần khác một tù cải tạo trong đội Lâm sản gặp người dân miệt núi, cả hai đều tỏ ý muốn nói chuyện với nhau. Người tù miền Nam đánh liều mon men tới hỏi thăm, sau vài câu trao đổi, người “miệt núi” ấy nói như là để trao gởi tâm sự:
– “Các anh giữ sức khỏe để còn sống mà trở về. Đừng nghe lời chúng nó. Bịp cả đấy”. 
Người tù miền Nam không dám phụ họa theo nhưng nghe mạch máu trong người chảy rộn rã. Tại trại Z30A Xuân Lộc, vào một buổi chiều người cán bộ Chuẩn úy công an vào tổ may, giọng miền Bắc, tên anh ta là K.. Trong câu chuyện giữa đám tù thợ may và người cán bộ này, ông ta nói rất mạnh dạn, rất thành thật:

–“Các anh tưởng đám lính chúng tôi sung sướng lắm hả? Ban ngày họ mang súng đi theo các anh lao động, đêm về vác súng canh gác cho các anh ngủ. Các anh đun nấu mùi thơm bay lên nức trời. Chúng tôi hưởng cái mùi thơm ấy à?”

Một anh trong đám thợ may cố ý châm thêm: “Nhưng cán bộ là sĩ quan, rồi cán bộ cũng sẽ có đủ những ưu đãi dành cho cấp chỉ huy, cho công bộc nhà nước. Cán bộ còn trẻ mà”.
- “Ưu đãi cái gì các anh? Đời sống là kinh tế, mà muốn có kinh tế thì phải có chính trị. Chính trị thì phải cỡ ông Đồng, ông Duẫn mới muốn gì được nấy chứ như chúng tôi ...”
Người cán bộ này bỏ lửng cuối câu, rồi nắm lấy cái thân áo màu rêu đang mặc, đưa cao lên và lớn giọng:
 –“Các anh bảo... hãnh diện đéo gì cái áo này”!
Tôi ngước mắt nhìn vào người cán bộ này và nhìn các anh em khác. Mọi người đều tỏ ra ngạc nhiên về tính bộc trực hiếm thấy trong gọng kìm kỷ luật sắt của đảng.  

No comments:

Post a Comment

Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...