Monday, February 9, 2015

SÀI GÒN MƯA VẪN RƠI CỦA PHONG THU



Vài Nhận Định nhân đọc tập truyện song ngữ
SÀI GÒN MƯA VẪN RƠI CỦA PHONG THU

Sài Gòn với người dân miền Nam là tiếng gọi thiêng liêng, thân thương như máu thịt dù đang ở bất cứ nơi nào trên trái đất. Không chỉ những người con của Sài Gòn sinh ra và lớn lên, nối tiếp dòng sinh mệnh từ bao đời của cha ông tiên tổ mà cả những người dân từ mọi miền đất nước, từ Quảng Trị đến Cà mau tới đó lưu cư, hít thở không khí an lành trong hơn hai mươi năm tồn tại của thể chế Miền Nam Tự Do. Khi xa Sài Gòn, không ai khỏi quặn lòng thao thức, nhớ về núm ruột của quê hương.
Trong hơn ba trăm năm lịch sử từ Sài Côn, Bến Nghé đến Hòn Ngọc Viễn Đông, đã có biết bao nhiêu những áng văn, thơ, nhạc viết về Sàigòn, viết về những bước đi lớn mạnh, về những thăng trầm buồn vui của Sài Gòn theo vận nước.
Sài Gòn ngày nay là tên gọi trìu mến trong trái tim dân Việt từ Bắc chí Nam. Tháng Tư 1975, trong cơn lũ nghịch thường, ngọn sóng chủ nghĩa ngoại lai phi nhân bản ào tới thổi tung, làm bật gốc mọi giá trị đạo lý truyền thống. Sài Gòn đổi chủ, mất tên. Hàng triệu người con Sài Gòn lưu lạc. Từ đó xuất hiện một trào lưu thơ văn hoài niệm tưởng tiếc, thương cảm thành phố thân yêu phải sa vào cảnh sống luông tuồng bệnh hoạn dưới một xã hội đảo ngược mọi tôn ti.
Nhà văn Phong Thu, một cây bút thành danh tại hải ngoại, tiếp cận với thực trạng xã hội Việt Nam sau cuộc đổi đời, đã gởi gắm tình cảm cùng nỗi xót xa ngậm ngùi qua những tác phẩm tiêu biểu “Sài Gòn Một Thuở Hẹn Hò”, “Sài Gòn Mưa Vẫn Rơi”, “Tiếng Khóc Trong Đêm Mưa”, “Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên”, “Mưa Hạ”, “Bác Khải”....

Phong Thu đã có nhiều tác phẩm đóng góp cho Văn Học hải ngoại, trong đó thể loại truyện ngắn được xem như một sở trường thành công nhất. Bên cạnh đó là những tản văn, tiểu luận và những bài quan điểm, nhận định sắc bén, tình tiết bất ngờ, lối văn chải chuốt, bố cục chặt chẽ, lôi cuốn…
Với bút pháp tự sự, khi sống lại với Sài Gòn, tác giả đã lột trần bộ mặt thật xã hộ mới, phơi bày những cảnh ngộ bi đát, những mẩu đời tận cùng bất hạnh trong cuộc săn đuổi truy lùng từ kẻ bần cùng đến giới trí thức không chịu khép mình trong mọi bức bách của chế độ mới. Họ là những ai? Vì sao họ luôn bị xã hội ruồng bỏ, săn đuổi như kẻ tử thù? Vì sao họ không có đất dung thân trên chính quê hương mình? Tác giả đã trình diện những “tội phạm” tiêu biểu này trong muôn một nạn nhân của chế độ sau ngày đất nước thống nhất.
- Đó là Thông - con của một vị tướng cộng sản đã hy sinh trên chiến trường, là một kỹ sư cán bộ bản tánh liêm chính, cương nghị đã mạnh dạn tố cáo hệ thống tham nhũng trong cơ quan nên bị trù dập, tù đày đến thân tàn ma dại. Khi anh ở tù, bé Mai, đứa con gái chín tuổi phải đi bán báo để giúp mẹ nuôi em. Ngày anh ra tù, anh đã biến thành một gã hành khuất không còn trí nhớ. Trên bước độc hành đói lạnh, anh chỉ còn biết gọi tên bé Mai, con gái của anh đã chết trôi trong cống nước, trong một trận mưa Sài Gòn.
- Đó là Lão Đồng, một sản phẩm của chế độ cũ. Chế độ mà người cộng sản thù ghét và muốn huỷ diệt tất cả: tài sản, văn hóa, tín ngưỡng, tâm trí, trái tim, tình cảm... Lão đã sống sống cô độc, đói rét, roi vọt, hành hạ trong các trại tù cải tạo non một phần tư thế kỷ. *(Sài Gòn Mưa Vẫn Rơi)
 - Đó là những thanh niên nam nữ của Sài gòn tuổi mười tám đôi mươi, mặc áo thun có in những hàng chữ U.S.A và lá cờ Mỹ quốc, chen chung trong đoàn người mặc áo in cờ đỏ sao vàng và những hàng chữ nổi bật Hoàng Sa - Trường Sa, sau lưng trước ngực.
- Đó là lớp trẻ hôm nay đã vượt qua mọi sự sợ hãi, bật tung sự kiềm tỏa của nhà cầm quyền, đứng lên đòi hỏi kẻ thù Phương Bắc phải dừng tay giết hại đồng bào và xâm chiếm bờ cõi Việt Nam. Và họ đã bị đánh đập tù đày vì lòng yêu nước!
- Đó là những kẻ ăn mày nghèo khổ, những người dân lao động lam lũ, vất vả lặn lội trong nắng mưa để tìm một bữa ăn. *(Sài Gòn Một Thuở Hẹn Hò)
 - Đó là những gia đình “tư sản mại bản”, tài sản bị tịch thu, bị đuổi đi vùng kinh tế mới thiếu thốn, đói khổ. Cha mẹ chết vì bệnh tật, con cái phải đi ở đợ cho cán bộ, bị cưỡng bức tình dục, bị hành hạ đánh đập rồi bị đuổi đi, sống bơ vơ, cùng cực...   
- Đó là những trẻ em tám chín tuổi, thân hình còm cõi, áo quần nhàu nát dơ bẩn rách rưới hằng đêm co ro dưới mái hiên của lề đường, tiệm phở.... đứa bán vé số, đứa lượm ve chai, lượm rác... đầy đường phố, khắp nơi nơi, không đếm xuể. *(Tiếng Khóc Trong Đêm Mưa).
Sài gòn sau năm 1975, Sài Gòn dưới chế độ mới là như thế ấy, nhưng với Phong Thu “...Sài Gòn vẫn làm ai đó nhớ nhung như một người tình. Nơi đó, có biết bao người gởi lại những kỷ niệm đáng nhớ của một thời tuổi trẻ sôi nổi yêu thương, những tháng ngày bình yên và những niềm đau khổ mất mát mà họ đã từng trải nghiệm…. Người ra đi vẫn trở về Sài Gòn để tìm kiếm một cái gì nơi ao tù nước đọng ấy. Người ra đi vẫn không khinh rẻ chốn quê nghèo. Trong khi những người ở lại, lại ước mơ một ngày rời khỏi vùng đất nhầy nhụa ấy, đi xa thật xa đến một nơi cùng trời cuối đất nào đó để trốn chạy loài người...” (Tiếng Khóc Trong Đêm Mưa).
Cũng như Thạch trong truyện “Tiếng Khóc Trong Đêm Mưa”, chúng ta xin hẹn cùng tác giả và tất cả những người con xa xứ: “Ta sẽ về, Sài Gòn ơi! Hãy chờ ta nhé!”

Song Nhị
Tháng Tư, 2011


No comments:

Post a Comment

Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...