Monday, February 2, 2015

HỌP MẶT MỪNG NĂM M ỚI VÀ PHÁT HÀNH TẠP CHÍ NGUỒN



HÀ VIẾT TỊNH tường thuật













Ngày 1 tháng 2/2015, tại CLB Báo Chí T/P San Jose, Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn họp mặt mừng năm mới và phát hành Nguồn Magazine Xuân Ất Mùi. Buổi họp mặt ngoài các tác giả,văn thi hữu còn có sự hiện diện của Luật Sư/tân Nghị Viên Nguyễn Tâm, cô Madison Nguyễn, nguyên Phó Thị Trưởng T/p San Jose, LS Nguyễn Hữu Thống và phu nhân, LS Nam thị Hồng Vân, BS Nguyễn Thanh Xuân, tức nhà thơ Đông Nghi, nguyên Thư Ký Toà soạn Nguồn trong nhiều năm. Ngoaì ra còn có sự hiện diện của nhân sĩ Nguyễn Đức Chung, LS Ngô Văn Quang, các chiến hữu Lực Lượng Sĩ Quan Thủ Đức, nhà văn Thanh Thương Hoàng, cựu chủ tịch Nghiệp đoàn Ký Giả Việt Nam (đệ Nhất và đệ Nhị VNCH), Nhạc sĩ Phạm Mạnh Đạt, Hoạ sĩ Đào Hải Triều, cùng một số ân nhân, các nhà thơ nhà văn,bạn đọc và thân hữu của Cội Nguồn.

Số khách mời giới hạn dưới 100 người. Mấy văn thi hữu trong BBT bị vướng mùa cúm, lại trùng hợp vào “ngày hội” SuperBall nên có một số khách vắng mặt.

Buổi sinh hoạt diễn ra trong không khí vô cùng ấm cúng, thân mật.
Mở đầu, nhà báo Lê Văn Hải, Chủ nhiệm CLB Báo Chí, thay mặt BTC chào mừng quan khách và điều khiển chương trình, nghi thức khai mạc. Nhà văn Diên Nghị giới thiệu quan khách hiện diện. Nhà văn Song Nhị, chủ nhiệm, chủ bút Nguồn được giới thiệu lên diễn đàn ngỏ lời cùng cử tọa, với nội dung bài phát biểu sau đây:
…………..
…………..


- Xin thưa, đây là một buổi họp mặt thân tình, đón mừng năm mới. Và cũng để nhân dịp này chúng tôi muốn được gặp gỡ quý vị, các tác giả, ân nhân, bạn đọc và những người bạn thân thiết của Cội Nguồn và tạp chí Nguồn, để bày tỏ lòng tri ân của chúng tôi đến quý vị đã dành cho Nguồn sự yểm trợ từ nhiều năm qua.
Tạp chí Nguồn hôm nay còn hiện diện trên văn dàn hải ngoại chính là nhờ sự yểm trợ thiết thực của quý vị.
Trong thư tòa soạn trên số báo, chúng tôi đã bộc bạch, trần tình cùng quý vị và bạn đọc về một chặng đường dài mà chúng tôi cùng TC Nguồn đã bước qua năm thứ 11.
Vừa qua sau một thời gian thăm dò để chuyển giao Nguồn cho một BBT khác, bên vùng Hoa Thịnh Đốn, trong một buổi họp mặt đầu tháng này, tất cả BBT quyết định duy trì Nguồn như hiện trạng và sẽ ấn hành mỗi năm từ 2 đến 4 số báo. Vì vậy hôm nay có cái hộp “Tấm Lòng” của độc giả để trước bàn.

Kính thưa quý vị, đã 40 năm chúng ta rời xa quê hương, sống tỵ nạn tại Hoa Kỳ, anh em chúng tôi, nhóm thi văn Cội Nguồn đã sinh hoạt 20 năm, trong đó có 10 năm ấn hành tạp chí Nguồn. Và hiện nay, Nguồn là một trong những tạp chí VHNT hiếm hoi còn lại.
Trung thành với tôn chỉ, mục đích từ đầu, tạp chí Nguồn vẫn đi theo đường hướng đã vạch, tiếp tục đi lên. Nội dung Nguồn số 55 là một tập hợp bài vở của những cây bút đầy tâm huyết với văn chương nghệ thuật, và với quốc gia dân tộc.

Trong số báo này, chúng tôi xin ít phút giới thiệu sơ lược nội dung vài bài viết tiêu biểu thể hiện điều vừa nói.

Trước hết là tác giả Nguyễn Ngọc Già, một cây bút hiện đang ở trong nước, năm 1975, ông còn là một vị thành niên, trong một gia đình VC nằm vùng, có cha đi tập kết ra Bắc,
Là người chứng kiến tận mắt biến cố lịch sử 30-4-75, đến nay hiện ở tuổi 50, sau 40 năm nhìn lại, ông mô tả một cách thấu đáo thực trạng VN như sau: 

Sài Gòn vào những năm đó, như trong bàn tay đạo diễn phim kinh dị với thủ pháp nghệ thuật thể hiện độc đáo, ghê rợn, rùng mình báo hiệu cho "khán giả" dấu hiệu chết chóc lừng lững đến gần, do hàng đàn ma quỷ chuẩn bị đội mồ hiện lên, trong khi người dân trong phân cảnh đó không hề hay biết... Những Sự Thật không thể chối cãi vào lúc bấy giờ trong "Bộ phim kinh dị" mà lại có thật.

Nói về lá cờ vàng, và cộng đồng hải ngoại, tác giả đưa ra kết luận:
Biến Đổi Không Thể Nào Ngờ - VNCH, với tư cách bên thua trận, đã bị sỉ nhục tàn nhẫn, bằng mọi cách hạ đẳng nhất. Cờ Vàng cũng chịu chung số phận bi đát. Cờ vàng bị dẫm dưới chân người CS.

Nhưng,
Bằng chính nghị lực, bằng chính nỗ lực kiên trì được chắp cánh từ đời sống tự do,  dân chủ, Người Vit Hải Ngoại đã giương cao Quốc Kỳ một thuở. Trong màu vàng óng ánh, những vết bẩn bị cố tình và ác tâm tạo ra năm xưa, NVHN đã gột sạch nó bằng thành công từ chính nội lực, xuất phát từ con tim nóng bỏng, chan chứa dòng máu Việt Nam nồng nàn. Tình yêu quê hương trở nên giản dị.
Giờ đây, NVHN hoàn toàn đủ tư cách ngẩng mặt nhìn đời.

Một tác gỉa khác, nhà thơ nữ Hương Giang, cư ngụ tại Cali đã góp những vần thơ tha thiết dâng mẹ VN, và nói với chúng ta như sau:

Mẹ Việt Nam ơi!
Từ bao giờ chúng con đã quay lưng
với anh em mình, với nỗi đau của mẹ
……….
“Chúng hoàn thành đường băng rồi”
tiếng biển vọng về trong gió xé
Nước mắt mẹ trào cùng bùn đỏ Tây Nguyên
Hai mươi năm sau
mảnh đất này sẽ còn tên hay mất tên
Sao bài thơ tôi hôm nay
toàn những tên người đã chết
……….
Đừng nói với mẹ rằng tự do
đã cúi đầu trước đám đông câm lặng
Dân tộc này sẽ hoài chìm trong bóng đêm
………….
Nắm tay tôi mình dựng lại mái nhà
Nơi bếp lửa mẹ nhen còn ấm
Nơi chàng Gióng vươn vai thành Phù Đổng
Nơi ta nhắm hướng tìm về
sau bão tố phong ba.
…………..
Tựa vai tôi mình cùng nhau bước tới
Nắm tay tôi đi em
Mình đưa Đặng Xuân Diệu về nhà.

- Một tác giả bên vùng Hoa Thịnh Đốn, nhà thơ: Lê Mai Lĩnh, đóng góp bài viết về nền văn học VN Hải ngoại, trong bài Góp ý với nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc,

Tác giả LML viết:
Từ sự chờ đợi, tin tưởng, rồi thất vọng của Nguyễn Hưng Quốc vào 5 tác giả Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, Phan Nhật Nam, ông Nguyễn Hưng Quốc gom lại, rồi mạt sát luôn tập thể những người cầm bút. Đã ví các nhà văn hải ngoại như một kẻ thống dâm.

Và tác giả LML lập luận:
Chiến Tranh và Hòa Bình của Tolstoi không mang hết nỗi đau của dân Nga thời bấy giờ. Truyện Kiều của Nguyễn Du không mang hết nỗi đau của người dân thời Hậu Lê, thì không một người cầm bút nào hiện nay có thể mang hết nỗi bất hạnh của dân tộc hậu 30-4-75.
Mỗi người cầm bút, tùy theo hoàn cảnh và vị trí mỗi lúc, mỗi nơi để thể hiện cái nhìn của mình, nói lên nỗi đau của phần mình trong cái đau chung của dân tộc. Rồi đây, nhà viết sử không căn cứ vào ông A hay ông B, mà căn cứ vào toàn bộ nền văn học do nhiều tác giả đóng góp.

Những người cầm bút hải ngoại đang làm vai trò bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam.
Giá Trị Văn Học Hải Ngoại và thành quả rất đáng kể của những người cầm bút, đặc biệt là những người cầm bút trong giới cựu tù nhân. Họ viết, như một cực hình tự chọn, như một sự tự đày đọa thân xác nhưng vẫn thấy hạnh phúc trong cái thú đau thương.

Họ viết, như một bổn phận và trách nhiệm của một người chiến sĩ mà ngòi bút là vũ khí. Họ viết cho một Tương Lai Văn Học Việt Nam. Họ viết, như một chứng nhân lịch sử.

Kính thưa quý vị, đó cũng là những gì mà tập thể Cội Nguồn theo đuổi Nội dung số báo này còn dày cộm với những sáng tác lôi cuốn gồm thơ và truyện. Những bài tham luận; những tài liệu văn học; những tin tức thời sự đáng ghi nhớ - như giải Nobel văn chương, giải Nobel Hòa bình 2015, Nghị quyết của Hội đồng Thành phố San Jose, cấm các phái đoàn CSVN đến thăm viếng, những sinh hoạt VHNT tiêu biểu v.v..,

Đó là món quà chúng tôi xin hân hạnh trao tới quý vị.

Kính chúc quý vị cùng thân quyến an khang, hạnh phúc, thịnh vượng.
Xin mời quý vị cùng nâng ly mừng năm mới và hàn huyên, mừng nhau sức khỏe dồi dào.




No comments:

Post a Comment

Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...