Monday, February 4, 2013

Bài Thơ Viết Trước Cổng Trường Vạn Hạnh

Tôi trở về thăm lại trường xưa
Khuôn viên cũ đã thay lề đổi thói
Câu Duy Tuệ (*) xoáy lòng người nhức nhối
Từng nỗi buồn thấm lạnh từng cơn

Tôi trở về văng vẳng nỉ non
Ngọn tháp rưng rưng giữa chiều cuối hạ
Rên rỉ oán hờn
Quằn quại hồn Chiêm quốc
Mười năm núi lở đá mòn
Mười năm hồn người nhập viên đá cuội
Chìm lặng giữa dòng sông
Từng đợt sóng ngược dòng cuồn cuộn
Kéo tan hoang một cõi cơ đồ

Tôi trở về thăm lại trường xưa
Trong thác nguồn của thời Vọng Nghiệp
Cuốn đời theo thiên tai
Ngỡ ngàng hư thực
Mở cửa chân như: Lệ thấm Phật đài!

Tôi trở về thăm lại người xưa
Người xưa xuống núi
Tôi lục lọi từ hư vô
Tìm sắc hoàng y một thời rạng rỡ
Người năm xưa tán lạc mơ hồ
Ôm kinh điển trá hình vào cõi tục
Đám sinh đồ nhìn theo lơ ngơ
Gẫm từng trang Thị Nghiệp (*)

Tôi trở về thăm lại trường xưa
Cổ tháp rêu phong giữa đời gió bụi
Bầy chim nhỏ ẩn mình sau mái ngói
Kinh sách cuộn mình phủ bụi nằm mơ

Tôi trở về thăm lại trường xưa
Hồn mê mải góc giảng đường thư viện
Một thuở lòng say mê 
Một thuở đời rộn rã...

Mười năm tơi tả tôi về
Chập chờn ác mộng
Thiện ác chân giả lập lờ
Một cõi trần ai nhốn nháo
Bặt tiếng kinh cầu
Trời đất hoang sơ ./

Song Nhị
Sài Gòn 1985

-------------------------------------------------
(*) Duy Tuệ Thị Nhgiệp là châm ngôn trên huy hiệu (logo) Đại Học Vạn Hạnh.


 



















Diên Nghị - Nhận Định Phê Bình

BÀI THƠ
VIẾT TRƯỚC CỔNG TRƯỜNG VẠN HẠNH
Của SONG NHỊ

**
‘Trước năm 1975, Viện Đại Học Vạn Hạnh đã đào tạo nhiều thế hệ sinh viên miền Nam. Viện có những phân khoa: Phật học, Khoa học Xà hội, Văn Học và Khoa Học Nhân Văn, Báo chí. Thượng Tọa Thích Minh Châu giữ chức Viện Trưởng, giảng viên. Ngoài các giáo sư chuyên khoa, thính giảng, còn có nhiều tu sĩ Phật giáo. Phù hiệu nhà trường chạm thêu 4 chữ: “Duy Tuệ Thị Nghiệp” *.

Nhà thơ Song Nhị xuất thân từ lò đào tạo này và tiếp tục sinh hoạt nhiều năm, đồng thời cũng là nhân chứng trong cuộc đấu tranh ý thức hệ Quốc Gia- Cộng Sản của một bộ phận sinh viên - Một nhóm nhỏ bí mật hoạt động thân cộng Hà Nội, thời điểm 1967-1968, và qua thời gian đã minh chứng rõ ràng sau 30 /4/1975, những người này là cán bộ của “mặt trận thôn tính”, có mặt trong những cơ sở chính quyền của họ tại thành phố Sài gòn.

Nhận diện rõ bạn, thù từ đó. Song Nhị, trong hàng ngũ quân đội Việt Nam Cộng Hòa, cùng số phận với hàng triệu con người bị lùa vào các trại tù từ Nam ra Bắc. Khổ sai lao động, cải tạo tư tưởng khốn đọa, đói rét, tưởng không còn có ngày về!
Sau 10 năm, Song Nhị may mắn trở về thành phố Sài gòn. Một chiều cuối hạ, tác giả đến viếng ngôi trường cũ, tất cả đã đổi thay. Khung cảnh rộn rã ngày nào, bấy giờ là hoang tàn vắng lặng. Bằng cảm xúc thiết tha, nỗi buồn man mác, tiếc sự đổi thay mất mát bẽ bàng:
Tôi trở về thăm lại trường xưa
Khuôn viên cũ đã thay lề đổi thói
Câu Duy Tuệ xoáy lòng người nhức nhối
Từng nỗi buồn thấm lạnh từng cơn

Nỗi buồn nối tiếp nỗi buồn, như đợt sóng lùa vào tâm cảm, mỗi đợt sóng thấm vào da thịt, xoáy xốc sâu nhức nhối, buốt tê - lề thói đã lạc thời, phai dấu! Đứng trước cổng trường nhìn khuôn viên lạ lẫm, biển dâu nào biến thể sông đồng như Tú Xương thuở trước “Sông kia giờ đã nên đồng, chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai”. Ngoại cảnh đập vào tâm thức, thấy mà chưa nghe - Thấy đã buồn đã xót - Đến khi nghe những gì hiện hữu, giữa chiều cuối hạ, ngọn tháp giữa khuôn viên trường, văng vẳng âm thanh trầm lụn nỉ non. Lời rên rỉ mang nặng oán hờn hồn Chiêm quốc, cuộc suy vong lịch sử tái hiện:
Tôi trở về văng vẳng, nỉ non
Ngọn tháp rưng rưng giữa chiều cuối hạ,
Rên rỉ oán hờn
Quằn quại hồn Chiêm quốc

Mười năm nghiệt ngã theo dòng lưu đày tại thế, người sinh viên cũ về thăm trường xưa. Ngoại giới thẩm nhập sâu nội tâm, hòa chung giọng điệu, phát ra suy tưởng về một cơ đồ, một sự nghiệp, một quá khứ, chìm đắm giữa không gian tàn nhẫn - Những ngọn sóng bạc đầu ngược ngạo, hung hiểm phủ lấp cõi người yếu đuối, thất cơ nhẫn nhục, chịu đựng âm thầm như những viên đá cuội vô tri giác, dưới đáy những giòng sông!
Mười năm núi lở đá mòn
Mười năm hồn người nhập viên đá cuội
Chìm lặng giữa dòng sông
Từng đợt sóng ngược dòng cuồn cuộn
Kéo tan hoang một cõi cơ đồ..

Lần trở về chẳng khác một giấc mơ. Đứng trước cổng trường ngỡ ngàng, đơn độc - Như vừa trải qua cơn thiên tai - Cuộc đời của vạn cuộc đời trong thời Vọng Nghiệp. Hy vọng, tin yêu dựa vào sự cứu rỗi thiêng liêng giáo thuyết Đức Thích Ca. Nhưng niềm tin muộn màng- Vội mở cánh cửa tâm linh - Phật đài đẫm lệ - nhìn vạn hữu chúng sinh giữa ta bà bất ổn thực hư:
Tôi trở về thăm lại trường xưa
Trong thác nguồn của thời Vọng Nghiệp
Cuốn đời theo thiên tai
Ngỡ ngàng hư thực
Mở cửa chân như: lệ thấm Phật Đài!

Thăm trường - trường còn đó, cảnh vật đã đổi sắc màu - Người muôn năm cũ, còn ai để gặp. Người xưa đáng nhớ, đáng nhắc: các vị Thầy, quý Thượng Tọa, Đại Đức - Vị Viện trưởng - Hình ảnh tráng sĩ hạ sơn khác biệt tu sĩ hạ sơn - Tráng sĩ hạ sơn hành hiệp cứu người, giúp người yếu bị kẻ mạnh đàn áp, ức hiếp; tu sĩ hạ sơn gợi tưởng một thời Mạt Pháp. Bỏ chùa xuống núi không cứu khổ cứu nạn, mà tín hiệu của kẻ vụng đường tu, nửa đường lui gót. Từ bỏ hoặc phủ nhận “xin trở về cõi tục để làm dân” ( Vũ Anh Khanh).
Viện trưởng, Thượng Tọa Thích Minh Châu đã trở thành đồ đệ Mác Xít miền Bắc. Song Nhị xót xa, nuối tiếc, lồng trong ẩn dụ mỉa mai, khinh bạc kẻ “ôm kinh điển trá hình vào cõi tục” của “sắc hoàng y của một thời rạng rỡ” đã loãng lem, mờ nhạt, khuất tất vào hoang thẳm hư vô.
Đạo và Đời - Tôn giáo và Chính trị đến đây như một vấn nạn, một hoài nghi về tâm thức, tư tưởng các bậc chân tu:
Tôi trở về thăm lại người xưa
Người xưa xuống núi
Tôi lục lọi từ hư vô
Tìm sắc hoàng y một thời rực rỡ
Người năm xưa tán lạc mơ hồ
Ôm kinh điển trá hình vào cõi tục
Đám sinh đồ nhìn theo lơ ngơ
Gẫm từng trang Thị Nghiệp!

Khi gặp lại cảnh - buồn theo cảnh. Không gặp được người - nuối tiếc cho người. Diễn tiến tâm trạng trong hiện thế, thời gian ngưng đọng, đủ cho người xưa lưu luyến kỷ niệm một thời.
Càng trông nhìn càng rõ, cổ tháp đã rêu phong, còn có bầy chim nhỏ, ẩn mình sau mái ngói, tạo một liên tưởng về cuộc sống của biết bao người tán lạc, không nơi nương thân, không mái ấm gia đình, chẳng khác đàn chim không tổ, lạc loài tan tác, lang bạt đó đây. Rồi nữa, kinh sách quằn quại dưới lớp bụi phủ dầy - chôn chặt giấc mơ thời Thịnh Pháp:
Tôi trở về thăm lại trường xưa
Cổ tháp rêu phong giữa thời gió bụi
Bầy chim nhỏ ẩn mình sau mái ngói
Kinh sách cuộn mình, pbủ bụi nằm mơ

Người trở về đứng trước cổng trường, chưa nỡ vội rời chân. Hồn đê mê hòa nhập quá khứ - Đây giảng đường, kia thư viện, những lối ngõ vào ra. Một thời tuổi trẻ nhiệt thành hoài bão. Một thời ngẩng đầu cao nhìn lên phía trước, rộn rã lứa tuổi hai mươi:
Tôi trở về thăm lại trường xưa
Hồn mê mải góc giảng đường thư viện
Một thuở lòng say mê,
Một thuở đời rộn rã.

Mười năm, mười năm vật đổi sao dời. Người về đã trải cuộc thách thức nghiệt ngã. Mang hành lý khốn đọa của tháng năm. Khốn đọa trở về - Về đây- như cơn ác mộng!
Sau những ngỡ ngàng, bức xúc, người về hồi tỉnh dần, cảm nhận rõ bối cảnh sống của một xã hội khác lạ, vong bản, tha hóa. Âm dương lập lờ, lẫn lộn giữa Thiện - Ác - Thánh Thần, cùng chung nơi chốn với Qủy Ma - Một xã hội đã quay ngược giai cấp, giao động tâm tư con người. Khuôn phép rẻ rúng, quyền sống bị đe dọa, đạo lý đã ra đi. Một xã hội coi tôn giáo - một thứ thuốc phiện của quần chúng:
Mười năm tơi tả tôi về
Chập chờn ác mộng
Thiện-Ác, Chân Giả lập lờ
Một chốn trần ai nhốn nháo
Bặt tiếng kinh cầu
Trời đất hoang sơ.

Bài thơ, tự sự theo trình tự lớp lang, cách dẫn truyện qua cảnh xúc, cảnh vật trước mắt (khuôn viên, ngọn tháp, bầy chim trong thế tĩnh), trải dần dần đến thế động âm thanh (văng vẳng, nỉ non, rên rỉ, oán hờn) - Trong không gian ba chiều, ngang, dọc khắc họa rõ nét nơi chốn - Chiều sâu giữa những câu thơ ẩn chứa tư tưởng, phản chiếu ý nghĩa cốt lõi cao xa “Duy Tuệ Thị Nghiệp” trên thân tháp đã bị đục rỗng. Cơ sở trường ốc không còn được xử dụng đúng chức năng, vị thế. Giảng đường, thư viện thành nơi lưu cư của đám người xa lạ, mà đàn chim ẩn mình trên mái ngói là biểu tượng, của biết bao người tan cửa nát nhà! Khi chế độ mới chủ trương tước đoạt và thanh lý.

Bài thơ không chỉ nói lên nỗi tiếc thương, cho số phận nhà trường, của tư tưởng “Duy Tuệ Thị Nghiệp”, bài thơ còn minh hoạ bối cảnh xã hội đương đại dưới ách độc tài, độc đảng Mác-xít, bóp nghẹt quyền làm người, không còn tự do ngôn luận, tự do suy tưởng, tự do tín ngưỡng. Quần chúng đã tự hóa thành những khoáng thể (đá cuội) cam chịu, lặng lẽ chôn chặt dưới lòng sông, do bản chất bạo lực của kẻ cầm quyền (đợt sóng ngược dòng cuồn cuộn).
Tâm linh hoảng loạn bởi bặt tiếng kinh cầu. Niềm tin tôn giáo hư hư thực thực, kinh sách lép mình dưới lớp bụi lãng quên, cả đến nhân vật trách nhiệm trường xưa - màu hoàng y luốc lem, phai nhạt - Kẻ trá hình đã ôm kinh điển vào tục lụy đa đoan (kinh điển trá hình).

Nhà thơ, người chiến sĩ miền Nam, sau mười năm tơi tả trở về - Người trong cuộc bộc bạch tâm sự khi đối diện với thực tại trớ trêu “một cõi trần ai nhốn nháo”, “thiện ác chân giả lập lờ” - Một mẫu người cô đơn giữa hồng hoang thời đại. Phải là con người thiết tha, thành khẩn gắn bó với kỷ niệm, với quá khứ mới bày tỏ được tình cảm chân thực chính mình, gửi gắm vào những dòng thơ khúc chiết.

Toàn bộ bài thơ, cấu trúc gọn gàng, hài hòa kỹ thuật. Âm hưởng thơ len lỏi vào hồn người đọc những dấu lặng từ chữ nghĩa dâng trào thương hận xót xa...
Tự sự riêng của Song Nhị, cũng là tâm tình của người cùng trang lứa, cùng thời điểm, cùng kỷ niệm. Từ góc độ của quá khứ với dấu ấn lãng mạn tâm tình, thì quá khứ nào cũng đậm nét mỹ cảm, khó phai quên. Nhưng từ góc độ quá khứ lịch sử, hẳn không thiếu những nghịch cảnh đáng nguyền rủa.

Diên Nghị
(Cõi Thơ Tìm Gặp, Coi Nguon 2008)

* Trích thi phẩm “Về Lối Đi Xưa” Cội Nguồn 1999
* Do trí tuệ để thấy rõ mình




 

No comments:

Post a Comment

Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...