Ta ngắt đi một cụm hoa
thạch thảo
Em nhớ chăng mùa Thu
đã chết rồi
(Mùa Thu Chết- Phạm
Duy)
Bài viết này đã đăng
trên Tạp Chí Nguồn năm 2005 giữa sự ồn ào trên các phương tiện truyền thông
trong và ngoài nước (có sự góp tiếng của NS Phạm Duy) lúc bấy giờ, khi ông
quyết định trở về Việt Nam sống phần đời còn lại. Ước vọng của ông được chết
trên quê hương hôm nay đã toại. Một lần nữa tôi xin mượn “Cụm Hoa Thạch Thảo” tiễn người nhạc sĩ
tài hoa và đa sự để lại cho đời này. Nội dung bài viết đã qua một khoảng thời
gian gần 8 năm – là một đề tài thời sự của ngày ấy và hôm nay – hẳn là chưa mất
thời gian tính, và dù hay dở, khen chê cũng là chung một tấm lòng nghĩ tới con
người và non nuớc. Xin nghiêng mình trước sự nghiệp âm nhạc mà NS Phạm Duy đã để
lại cho văn học Việt nam. SN
***
Thú thật, tôi chưa nhìn thấy hoa thạch thảo, hoặc có khi đã
nhìn thấy nhưng không biết. Có người nói với tôi hoa thạch thảo là loại hoa màu
tím thường trồng quanh các ngôi mộ ở nghĩa trang. Phải chăng vì vậy mà NS Phạm
Duy đã “ngắt cụm hoa thạch thảo” để khóc than cái chết của một mùa thu. Sau năm
75, người CS đã lên án Phạm Duy viết bản nhạc này để làm điếu tang Mùa thu cách
mạng tháng Tám. 30 năm sau, tác giả “Mùa Thu Chết” đã trở về nhận lại vòng hoa
màu tím ấy. Tôi xin mượn vòng hoa ấy để mở đầu câu chuyện người về.
Vừa qua, tình cờ tôi được các anh trong BBT tạp chí Nguồn
cho “đọc ké” trước bài viết của anh T-Vấn nói đến cái sự trở về của Nhạc sĩ
Phạm Duy. Trong vài tuần lễ trở lại đây tôi lại đọc được nhiều bài trên các
trang mạng, trên báo chí trong nước phỏng vấn NS Phạm Duy cùng những Email từ
tứ xứ bàn tán về người nhạc sĩ này.
Tôi hoàn toàn đồng ý với anh T-Vấn. Bài viết của anh có
những nhận định tinh tế, thể hiện một tấm lòng nhân bản và độ lượng. Nếu như
tôi không được đọc những bài báo, những Email; không được “nghe” những lời phát
biểu của NS Phạm Duy thì tôi sẽ “thương” người nhạc sĩ tài hoa này vô cùng khi
vắng bóng ông ở hải ngoại và cả khi vắng bóng ông trên thế gian này. Nhưng khi
đọc được những câu trả lời của ông với báo chí trong nước, tôi tiếc cho ông đã
để cho “Người ta dùng ông nhằm phục vụ cho những mục tiêu chính trị ngắn hạn,
thiển cận, và độc ác... đã để những ngày cuối đời chọn sống ở quê hương bị đem
ra làm công cụ” (T-Vấn).
Và đáng tiếc hơn, chính ông đã không biết giữ lấy cái “gia
sản tinh thần” của ông, từng đi vào lòng hàng triệu người – hàng triệu người đó
từng chung sống và chia sẻ những vinh quang cũng như bất hạnh với ông trong
suốt 60 năm của đất trời tự do, từ ngày ông bỏ vùng kháng chiến về thành, rồi
vào miền Nam và ra đến hải ngoại, cho tới ngày ông trở về quê hương, rồi quay
lại nguyền rủa, phỉ báng hàng triệu người mà ông đã rúc mình trong cộng đồng
của họ để ăn, để thở, để sáng tác, để hưởng lợi lộc. Đáng tiếc cho ông ở cái
tuổi ngoài 80 mà ông còn chạy theo cái ảo tưởng để đánh mất cái đích thực của
chữ “danh” chữ “lợi”.
Trả lời phái viên Mai Anh trên diễn đàn trang mạng Người
Viễn Xứ, NS Phạm Duy nói rằng: “Có những người chống đối không muốn cho tôi về,
vì họ sợ mất tôi”. Câu nói của người nhạc sĩ già PD gây cả ngạc nhiên, sửng sốt
cho cô phái viên, khiến cô phải hỏi ngược lại: “mất là mất thế nào?”
Ông PD đáp lại: “Mất là không ở bên hàng ngũ của họ, nhưng
họ nhầm rồi, tôi có theo hàng ngũ nào đâu”. Ông chê bai, mạ lỵ cộng đồng người
Việt hải ngoại nào là: “Suốt 30 năm vẫn còn u mê như vậy”, và: “đó chỉ là sự
nhỏ mọn trong tâm hồn họ” vân vân và... còn nhiều nữa...
Trong khi đó, trước khi về nước, ông đã đến gõ cửa các quan
Toà Đại sứ CHXHCN Việt Nam ở
Washington
trình từng bản nhạc, xin ân huệ để được mang về theo. Vì bị gặp nhiều thủ tục
gắt gao, ông than với cô phái viên phỏng vấn ông ở Việt Nam:
- “Những bài thơ phổ nhạc thì phải xác minh tư cách của
người làm thơ, có giấy minh định ông này không có chống Cộng từ xưa đến nay.
Tôi đưa giấy cho Tòa đại sứ bên kia
chứng nhận là ông Nguyễn Tất Nhiên không chống Cộng.
Nhiêu khê lắm!”
Qua cô phái viên, NS/ PD đã nài nỉ:
- “Nếu nhà nước dễ dãi thì tạo điều kiện, vì những bài hát
ấy đã quen hết cả rồi”.
Nhạc sĩ PD trích lời một nhà thơ bên Nhật: “Ông (PD) không
phóng túng hình hài, không phóng túng cảm quan, không phóng túng tình dục... mà
ông “phóng dật”. NS/ PD nói tiếp “Tôi sống hào hùng vì đuợc làm người...”
Một E-mail ký tên Liêu Tú, từ trong nước mới gửi ra hải
ngoại những ngày cuối tháng 5 nêu lên hai ý:
Thứ nhất: Nhạc sĩ Phạm Duy nói, định về nước từ năm 1988,
khi thấy ông Nguyễn Văn Linh có chính sách cởi mở, nước VN có chuyển biến tích
cực... Người trong nước lại thấy rằng chủ trương Những Việc Cần Làm Ngay của
ông Nguyễn Văn Linh hồi đó chỉ là một khẩu hiệu... suông. Người ta đã gọi ông
là Nói Và Lờ (NVL).
Thứ hai: Nhạc sĩ Phạm Duy từng thăm quê hương cả chục lần,
vậy mà ông chỉ thấy những người có đời sống khá hẳn lên, làng quê đều khang
trang, người đi cày có xe gắn máy Honda trên bờ ruộng... Người trong nước nói: chỉ cần ra ngoại ô
Saigon, đã thấy nhà cửa bà con tiêu điều, xiêu vẹo đến chừng nào; còn số người
nông dân có xe gắn máy đó thì họ đã có từ khuya rồi, chẳng đợi tới thời “cởi
mở, chuyển biến tích cực!...”
Người viết (E-mail) cho biết sẽ mời nhạc sĩ Phạm Duy tới
quán cà phê của nhà thơ Phạm Thiên Thư, tác giả những bài thơ đạo mà nhạc sĩ Phạm
Duy đã phổ nhạc, ở số 9Y, đường Hồng Lĩnh, quận 10. Ngồi uống cà phê ở đó, hay
ngồi ở bất cứ quán cà phê tầm tầm nào ở Saigon
(và rất nhiều ở các tỉnh, thành trong cả nước), sẽ mỏi cổ vì lắc đầu không mua
vé số. Già, trẻ, trai, gái, và cả thiếu niên, nhi đồng ở trong nước không bao
giờ sợ thiếu việc làm. Bao nhiêu tỉnh thành đều có công ty xổ số, sản xuất vé
số, bán mệt nghỉ.
E-mail kết luận: “bố già” trông còn phong độ vậy, mà tinh
thần có chỗ hơi bị yếu”.
Đơn cử vài ba ý kiến của người trong nước, ngoài nước nói về
NS/ PD để thấy hình như chẳng ai welcome ông ta cả. Còn cái chế độ mà tác giả
bài viết “Trở về hay ra đi” cho rằng “cần được loại trừ càng sớm càng tốt” ấy,
xem ra cũng chỉ dùng ông ta như một con rối cho mục tiêu chính trị nhất thời mà
thôi. NS/ PD đã thiển cận chạy theo cái nhất thời đó để đánh mất nhân cách và
cái giá trị vĩnh cửu của “tài sản tinh thần” của ông, trong khi ông lại tuyên
bố với cô phóng viên: “Tôi sống hào hùng vì được làm người”. Nếu đất nước ta có
lắm những con người “hào hùng” như ông thì Tổ Quốc Việt Nam ơi, buồn
cho “gia tài của mẹ” biết chừng nào.
Vừa qua, “con người hào hùng” ấy quay lưng lại lên án người
Việt hải ngoại, phỉ nhổ vào cái quá khứ của chính ông. Không biết ít lâu nữa
ông có nói theo những người của chế độ, mà lên án người Việt lưu vong là “chống
lại Tổ quốc” không.
Thưa Nhạc sĩ, Quê hương, Đất nước, Dân tộc, Tổ quốc “là của
tất cả mọi người, không của riêng một chế độ nào, một nhóm người nào, dù đó là
nhóm cầm quyền” (T-Vấn). Chế độ nào rồi cũng tàn lụi. Tần Thủy Hoàng bên Tàu,
Napoléon bên châu Âu, Nhà Nguyễn của Việt Nam, đế quốc Cộng Sản, thành trì XHCN
Liên xô, Đông Âu... tất cả đã đi vào bóng đêm
lịch sử. Sông núi, quê hương, con người của mỗi dân tộc vẫn mãi mãi tồn
tại. Chẳng lẽ nhạc sĩ không biết cái danh lợi phù phiếm của năm ba năm còn lại
cuối đời để đi ngược chiều lương tri, chạy theo cái bã.
Tôi không bao giờ đồng tình với luận điệu những ai cho rằng
về thăm quê hương đất nước là tiếp tay làm lợi cho CS, là trở cờ, là phản bội
lý tưởng, là vân vân. Tình tự quê hương, dân tộc, tình cảm máu thịt cha mẹ, anh
em, họ hàng là những gì thiêng liêng, gắn bó. Những ai cản trở và ngăn chia
tình tự đó là những kẻ chỉ còn trái tim và tâm hồn héo rũ.
Nhưng thưa Nhạc sĩ, giá như NS cứ đi, về, ở, một cách an nhiên, quang minh
chính đại, đừng nói năng láo lếu thì Nhạc Sĩ đã giữ được trọn vẹn lòng cảm mến
của mọi nguời, trong nước cũng như ngoài nước.
Xin đây một vòng hoa thạch thảo tiễn người!
San Jose 6/2005
No comments:
Post a Comment