Saturday, June 9, 2012

Cội Nguồn PARIS


PARIS - CHIỀU SINH HOẠT VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

Nguyễn Mây Thu

Chiều Sinh Hoạt Văn Học Nghệ Thuật do Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris tổ chức ngày 27-05-2012 tại Conflans Saint-Honorine, một thành phố ở phía Tây Bắc Paris. Khách mời là những người trong giới sinh hoạt Văn Hóa và Cộng Đồng ở Paris, có những người đến từ Úc, Mỹ… Những khuôn mặt quen thuộc như: GsTs, Hàn Lâm Viện Sĩ Lê Mộng Nguyên, Bác sĩ Phan Khắc Tường, Bs Phạm Kim Xuyến, Bs Phan Dương, Ts Trần Văn Thu, Ls Nguyễn Văn Hoàng, GsTs âm nhạc Quỳnh Hạnh, Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện, Nhà thơ Phương Du Nguyễn Bá Hậu, Nhà thơ Đỗ Bình, Nhà văn Hồ Trường An, Nghệ sĩ Thúy Hằng, Kim Lan, Mây Thu, Mỹ Phước Nguyễn Thanh, Kim Long, ông Đặng Vũ Lợi, ông Dương Tấn Lợi, ông Lê Minh Triết... cùng sự hiện diện của phu nhân và gia đình Nhà văn Song Nhị.
Mở đầu chương trình là lễ chào quốc kỳ và phút mặc niệm. MC nghệ sĩ Thúy Hằng, giới thiệu chương trình. Bác sĩ Phan Khắc Tường, chủ tịch CLBVHVN Paris phát biểu: "Cảm tạ các quan khách đã không quản ngại bỏ thì giờ quý báu đến tham dự. Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris thường giới thiệu những bạn hữu văn nghệ sĩ ở phương xa đến, hôm nay chúng tôi xem là một ngày đặc biệt, nhân dịp để tiếp đón và giới thiệu nhà văn Song Nhị là chủ nhiệm cơ sở thi văn Cội Nguồn từ Mỹ sang"...
Với đề tài "Thơ, Nhạc, Paris và Tâm hồn người viễn xứ". GsTs Lê Mộng Nguyên trước hết nói về nhà thơ Đỗ Bình: "Là một nhà thơ khiêm tốn, song anh cũng là một nhạc sĩ rất lãng mạn, ngoài CD Mộng Vàng của anh được ra mắt ở W.DC năm 2008. Các bài Thu Cảm, Chiều Trên Sông Seine trình bày trong CD Tình Khúc Tha Hương của ba tác giả Lê Mộng Nguyên, Phạm Đình Liên, và Đỗ Bình rất thành công". Sau đó nói đến nhà thơ nữ Việt Dương Nhân: "Luôn trung thành với nước Việt xa xôi và thủ đô của Việt Nam bao giờ cũng là Sài Gòn", Và nhà thơ Minh Hồ-Minh Hồ Đào: "Cũng như hầu hết các văn nghệ sĩ sống tạm bợ trên đất khách Úc, Mỹ, Gia Nã Đại... quyết và tiếp tục tranh đấu bằng ngòi bút, lời ca tiếng nhạc với những dòng thơ ái quốc..."
Đến phần giới thiệu Tác Giả và Tác Phẩm, sau khi nói sơ lược về tiểu sử tác giả, nhà thơ Đỗ Bình điểm qua về tác phẩm Nửa Thế Kỷ Việt Nam của nhà văn Song Nhị: "Là một bút ký, sách dày 500 trang, chia làm 16 chương đã ghi lại nhiều sự kiện khác nhau về những biến động của đất nước trải dài hơn nửa thế kỷ từ năm 1945 đến nay, tác giả vừa là nạn nhân vừa là chứng nhân vì đã được chứng kiến tận mắt những sự kiện xảy ra trên quê hương. Để có thể ghi lại một cách trung thực, tác giả đã phải bỏ ra nhiều năm hồi tưởng lại ký ức về những chuyện xảy ra như những đoạn phim cũ được ráp nối với một nghệ thuật tả chân rất linh động bằng một tâm thức tình quê. Cũng như bao nhiêu người thuộc chế độ cũ, ông đã phải chịu gần 10 năm trong các trại tù Cộng Sản, dù thế ông vẫn không mang lòng thù hận.    
Khi thực hiện cuốn sách này tác giả không nhằm mục đích phê phán hoặc chỉ trích riêng ai, cho dù ông và gia đình đã trải qua bao nhiêu nghiệt ngã! Nhất là tác giả đã nhận thức được lịch sử thuộc về dân tộc, mang tầm vóc lớn và trọng đại, viết về lịch sử là công việc của các sử gia, những nhà nghiên cứu sử. Do đó ông không có tham vọng làm công việc chép sử hay đánh giá, phân tích thời cuộc. Những điều ông viết ở đây chỉ là ghi lại những sự kiện xảy ra trong một đất nước đầy rẫy những bạo lực, hận thù bắt nguồn từ những tư tưởng ý thức hệ trái ngược nhau. Nửa Thế Kỷ Việt Nam là những trang nước mắt của những người dân Việt, nạn nhân của quyền lực và tà thuyết CS. Đây là tiếng vọng nói về một quê hương chìm đắm trong bất hạnh vì thiếu những quyền căn bản của con người, đó là TỰ DO, NHÂN QUYỀN".
Thay mặt ban điều hành Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn, nhà văn Song Nhị đã mời chị Bạch Sương làm đại diện cho tạp chí Nguồn ở Pháp, và trao thẻ hội viên. Người đại diện trước đây là ca sĩ Opéra Đỗ Quyên. Chị Bạch Sương đã bày tỏ: "Thật là một vinh dự cho tôi, được nhà văn Song Nhị, người điều hành, chủ nhiệm cơ sở thi văn Cội Nguồn, đề cử tôi làm đại diện ở Paris và Pháp. Tôi vô cùng xúc động và hứa sẽ tiếp nối các anh chị giới thiệu tập san Nguồn đến nhiều bạn đọc". 
Trình bày về nội dung sinh hoạt của cơ sở thi văn Cội Nguồn, nhà văn Song Nhị cho biết: "Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn được thành lập năm 1994. Trong 18 năm sinh hoạt CSTVCN đã xuất bản được 46 tác phẩm gồm có thơ văn, biên khảo, hồi ký chính trị, tạp bút... Trong số 46 tác phẩm đó có 27 tác phẩm do Cội Nguồn xuất bản đã được thư viện Hoa Kỳ mua và cấp số ISBN, là số tiêu chuẩn quốc tế, mua đưa vào lưu trữ trong văn khố văn học khu vực Đông Nam Á. Năm 1998, Cội Nguồn được giao phụ trách một trang văn học nghệ thuật trên tờ Thời Báo ở miền Bắc Cali và còn giữ thường xuyên cho đến ngày hôm nay. Ngoài sinh hoạt báo chí còn có những buổi giới thiệu các tác phẩm từ xa đến, như cuốn Giòng Họ Ngô Đình Ước Mơ Chưa Đạt của Nguyễn Văn Minh, cuốn Ngã Tư Hoàng Hôn của Nhà văn Văn Quang ở Sài Gòn, Cuốn Biên Giới Việt Trung của Ngô Quốc Dũng đến từ Úc...
 Ngoài ra còn có 53 số tạp chí Nguồn, tờ báo duy nhất ở hải ngoại đã được quốc hội Hoa Kỳ đặt mua, để đưa vào lưu trữ trong văn khố của khu vực văn học Đông Nam Á. Đây là một niềm an ủi lớn bởi đã được người ta để ý đến. Một ngày nào đó, sau này nếu cần nghiên cứu đến văn học hải ngoại, người ta phải tìm đến chỗ những văn khố đó… Tuổi tác của những người cầm bút ngày càng cao; nhiều khi cũng hao mòn đi, nên Cội Nguồn cũng đang kỳ vọng vào lớp trẻ để có thể tiếp tục làm được một cái gì đó cho văn học hải ngoại. Trong những ngày sinh hoạt bấy giờ có một số anh em đã ra đi như nhà thơ Duy Năng, rồi mới đây nhà thơ Hà Thượng Nhân và một số người khác đã ra đi. Nhưng Cội Nguồn vẫn hy vọng vào giới trẻ hôm nay nên vẫn tiếp tục".
Kế tiếp là phần phát biểu của Gs Tiến sĩ âm nhạc Quỳnh Hạnh, chuyên nghiên cứu về âm nhạc cổ truyền Việt Nam, đặc biệt chú ý tới phương pháp trị liệu bằng âm nhạc (Musicothérapie). Theo Gs Quỳnh Hạnh: "Musicothérapie là một môn trị liệu có rất lâu đời. Dùng âm nhạc trị liệu giúp đỡ bệnh nhân vơi bớt đi cơn buồn khổ, thất vọng. Đó là thí dụ trường hợp các thuyền nhân, những người tị nạn chính trị v.v.. Họ phải ly hương rời xa đất nước thân yêu để sống trong một môi trường, một hoàn cảnh mà họ chưa hoàn toàn được thích nghi, không biết tiếng nói, khó kiếm việc làm, có những văn bằng trong nước không được chấp nhận phải thi lại ngỏ hầu được văn bằng cao hơn để kiếm sống. Phương pháp trị liệu này cũng thích hợp cho các trẻ em bị bịnh Autisme và những người cao tuổi trong các nhà già".
Trong phần trình bày những sáng tác mới, nhà thơ Đỗ Bình phát biểu: "Xin cảm ơn những mỹ cảm mà các bạn văn nghệ sĩ tặng. Tôi không phải là một nhạc sĩ mà chỉ là một người nghiên cứu âm nhạc, một người yêu nhạc. Nhạc của tôi là nhạc tình, nhưng thật ra tình yêu đó có một ẩn dụ là tình yêu quê hương...". Sau đó nhà thơ Đỗ Bình đã trình bày các tác phẩm mới đã sáng tác: Tình Mãi Thiên Thu và Chỉ Còn Tình Yêu, với tiếng đàn đệm tây ban cầm của anh bằng một giọng hát thật trầm ấm say sưa: "Em về miền nắng mong manh, để trăng chiếc bóng trên cành ngẩn ngơ. Em theo câu hát mơ hồ, lòng say phố mới lối xưa hững hờ...".
Tiếp theo nghệ sĩ Thúy Hằng đã diễn ngâm bài thơ Chỉ Yêu Cuộc Tình của Đỗ Bình với tiếng đàn tranh của Giáo sư Quỳnh Hạnh, bài thơ này đã được Nhạc sĩ Trịnh Hưng phổ nhạc và thực hiện trong CD Tôi Yêu, lấy số 11 với giọng ca truyền cảm của nam ca sĩ Trường Lam.
Qua phần Mạn Đàm Với Tác Giả, nhà thơ Đỗ Bình diễn ngâm bài thơ Tống Biệt Hành của Thâm Tâm và Đôi Mắt Người Sơn Tây của Quang Dũng. Thật là một mối cảm hoài, tất cả mọi người đều lắng nghe tưởng như đang trở về một khoảng thời gian xa xưa nào đó vào những tối êm đềm trong chương trình Thi Văn Tao Đàn của Đinh Hùng, Thục Vũ qua những giọng ngâm Hồ Điệp, Hoàng Hương Trang, Hồng Vân, Quách Đàm, Hoàng Thư, Tô Kiều Ngân, Đoàn Yên Linh, v.v..
Nhà văn Song Nhị đã ký tặng sách cho các văn thi hữu hiện diện, một số tạp chí Nguồn cũng có mang theo và CD “12 Tâm Khúc phổ thơ Song Nhị”, các tác phẩm đó được trao dần đến các bạn hữu gần xa.
Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris vẫn đem lòng quý mến, đón tiếp và thường xuyên tổ chức những buổi giới thiệu các sáng tác mới của các văn nghệ sĩ ở hải ngoại đến từ Mỹ, Nhật, Canada v.v... Những cuộc hội ngộ thân tình và đầy kỷ niệm, là tấm chân tình gắn bó của số đông văn thi nghệ sĩ phương xa và CLBVH Paris, như mấy năm trước đây với Thu Đất Khách, Thu Tao Ngộ... để rồi sẽ không bao giờ quên. Chương trình kết thúc vào lúc 17 giờ chiều.
Nguyễn Mây Thu

No comments:

Post a Comment

Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...