Monday, July 30, 2012

Đặng Lệ Khánh - Từ Một Người Tình Nghe đọc thơ Song Nhị



 Đặng Lệ Khánh

[Chương Trình Thơ Nhạc ĐÀI TIẾNG NÓI HOA KỲ VOA]


Chứ sao. Thơ Song Nhị là thơ tình. Giọng thơ ông là giọng thơ của một thi sĩ si tình, dù giọng ấy cất lên từ bên ngôi trường đưa đón, từ nơi đồn trú xa xôi, hay từ trong ngục tù đày đọïa. Và ngay cả bây giờ, khi mái tóc đã thôi mượt, và thời gian chất chồng lên đôi vai của cả hai người, giọng thơ ông vẫn còn âu yếm như thế khi nói về người tình đầu gối tay ấp của ông. Thật mà. Cứ đọc thơ ông đi, rồi biết.
Ở đây, xin không bàn về thơ Song Nhị, chỉ xin bàn về những gì Bích Huyền nói về thơ Song Nhị thôi.
Bích-Huyền có cảm tình với thơ Song Nhị, hẳn thế. Bích Huyền khen thơ Song Nhị đã mang ý nồng nàn, đôn hậu và lời thơ trong sáng, chân phương. Đồng ý với Bích Huyền thơ ông nồng nàn nhé, đôn hậu nhé, nhưng chân phương??
Mai anh trải chiếu hồng trên lối lạ
Để em về êm ái gót chân nhung
Em sẽ có thơ tình làm chăn nệm
Ngủ giấc ngoan hiền chim én mùa đông

Trời, thơ vậy là lãng mạn quá đi chứ, đâu phải thấy gì nói đó, thiếu chữ, thiếu lời đâu nào. Nhìn vào đâu, ông cũng thấy bàng bạc nét thơ mộng quyến luyến, nét mơ màng, diễm ảo của thi ca mang dáng dấp của người tình. Không chừng ông còn dám kéo nắng về dệt áo cho nàng của ông, để áo nàng không chỉ mềm như lụa mà còn óng ả nắng bình minh nữa kìa.
Ngày đón em buổi chiều qua rất nhẹ
Sáng mai hồng tươi mát ánh bình minh
Cơn gió sớm thổi bay tá áo lụa
Ngày trần gian diễm tuyệt của đôi mình
Đấy, thấy chưa, nói có sai đâu. Chàng thi sĩ si tình này đi đến đâu là lo mua quà cho nàng đến đấy. Túi rỗng không nên phải tìm những món quà vừa túi tiền, nằm khắp cùng trời đất. Ngoài chuyện tặng nắng cho nàng dệt áo, tặng gió cho nàng rửa mặt, tặng hương hoa đất trời cho nàng cài lên tóc, tặng hết cả trăng sao trên trời cho nàng tha hồ kết chuỗi, xâu vòng, hãy nghe ông "nói quá " chỉ vì yêu:

Ta nằm mộng dưới vầng trăng sáng tỏ
Và thâu đêm đốt nến viết thơ tình
Cả tinh cầu còn sót lại mình em
(khi yêu mến không tiếc lời nói quá)
Nghe như thế, dù biết là... xạo quá đi chứ, mà vẫn mềm lòng vì lời nói chất chứa thương yêu vời vợi, và tin chắc rằng ông nói thật với lòng, cả tinh cầu dù có ngàn vạn hành tinh, hàng triệu những mắt nai quyến rũ thì ông vẫn chỉ thấy có mình mà thôi. Thơ ông đẹp và... điệu như thế mà Bích Huyền bảo thơ tình cảm của Song Nhị, do đó, đẹp nhưng không kiêu kỳ và làm dáng. Song Nhị không cần làm dáng, tự thơ ông đã có nét mềm mại, ngọt ngào khi nói đến tình yêu rồi.
Thơ Song Nhị đẹp. Nhưng nghe Bích Huyền đọc thơ Song Nhị lồng trong những nét nhạc lãng mạn, giọng hát đa tình thì thấy thơ hay gấp bội, như một người con gái mặn mà bỗng trở nên lộng lẫy hơn lên trong những ngày Hội Tết.
Thơ Song Nhị đôn hậu không có nghĩa là yếu ớt, nhút nhát. Những bài thơ viết trong tù của ông mang nét ngang tàng của những con ngựa hoang, dù sống sau những song sắt lạnh buốt đòn thù, hồn vẫn tung vó trên đồng cỏ xanh ngút mắt, dưới bầu trời thênh thang tự do. Ngang tàng mà không oán hận, không sắt máu. Ở đó là ghi dấu bạn bè, đồng đội, thân ái, nâng đỡ, kiên cường, và đầy lòng nhân ái. Và ở đó, trong tâm tưởng, ông cũng vẫn chỉ là một người tình, một thi sĩ si tình trong thương nhớ mênh mông:
Anh lại viết bài thơ này kỷ niệm
Tặng em ngày sinh nhật thứ hai lăm
Trời sáng nay trải đầy sân nắng đẹp
Và anh ngồi trong những lớp chắn song
Có thể chính cái hình bóng thương yêu ấy đã giúp ông qua đi những ngày thống khổ kiếp người, nâng ông lên bằng niềm hy vọng, kéo ông dậy bằng những cơn mơ, làm dịu nỗi đau bằng những kỷ niệm êm đềm ngày cũ. Để sống còn. Để tin yêu. Để... làm thơ.
Bích Huyền thông cảm ông hơn ai hết dù chị chưa hề ở tù một lần. Nhưng chị mang nỗi đau tháng năm không nhạt khi người chồng yêu quý của chị đã vĩnh viễn ra đi, không còn một dịp nào cho chị được đọc những lời trăn trối đẹp như thơ. Lời trăn trối nào của môt người tình cho một người tình mà không đẹp.
Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Hẳn Bích Huyền thấy trong thơ Song Nhị chút lòng của mình, của người chồng yêu dấu, nên giọng đọc của Bích Huyền có mang thêm lòng ưu ái, nhạc chọn lọc có chút lựa chọn nghiêm túc, và không gian bàng bạc nỗi trầm thống của những con ngựa gan dạ, ngẩng cao đầu mà sống, không khuất phục. Và trong tận cùng những lời thơ quật cường, vẫn âm ỉ cháy một tình yêu tha thiết không nguôi:
Đã bốn năm qua đời như lớn dậy
Từ những ngày dài Mùng Chín tháng Giêng
Có bản trường ca những người đi tới
Anh trích đoạn này tù khúc cho em
Cám ơn Bích Huyền rất nhiều đã trao những lời thơ trau chuốt mà nồng nàn thương yêu, vô cùng nhân hậu, mà cũng vô cùng bất khuất của Song Nhị đến cho thính giả của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ. Cám ơn anh Song Nhị đã thắp dùm ngọn nến chung thuỷ một đời với người thương của anh, với bè bạn của anh, và hơn hết với chính anh, để từ đó tin yêu được theo làn sóng lan xa. Ngày hình như đẹp hơn Bích Huyền ơi.

 Đặng Lệ Khánh

Qúy bạn có thể vào hai địa chỉ sau đây để nghe hai chương trình thơ nhạc này cuả Bích Huyền:
http://www.art2all.net/tho/tho_sn/tho_songnhi.html 
http://dactrung.net/phorum/tm.asp?m=176782

VỀ LỐI ĐI XƯA
Phát ngày 22-4-2005

Bích Huyền thân ái kính chào tái ngộ quý thính gỉa và các bạn đang lắng nghe chương trình chương trình thơ nhạc do bích huyền thực hiện trên làn sóng đài tiếng nói hoa kỳ. Trong chương trình này, mời quý vị và các bạn nghe thơ Song Nhị. Bích Huyềân biên tập cùng với những bài viết của Diên Nghị và Trần Kiêm Đoàn. Nhạc trong chương trình của Phạm Duy - Lê Uyên Phương và nhạc nền là cỏ hồng...
(Nhạc chuyển ...)
Bỏ làng bỏ nước bỏ người đi
Buổi ấy Trường Sơn đứng hẹn về
Từ cuộc phân tranh, từ cải cách
Mà buông tay súng thẹn câu thề
Đó là nỗi kinh hoàng tiềm tàng từ thuở thiếu thời của Song Nhị, khi cùng gia đình phải rời bỏ quê hương 99 ngọn Non Hồng hùng vĩ để ra đi, trốn chạy Cộng Sản. Vào đầu thập niên 50, với chính sách cải cách tàn bạo, mà gia đình Song Nhị cũng nằm trong danh sách địa chủ, đã phải vượt biên giới phía Tây Hà Tĩnh đến đất Lào.
Cuộc ra đi ấy từ nơi Non Hồng đỏ máu hận thù, đã tới được nơi tạm dung thân ở xứ Lào, trên đường về với miền Nam, với Sài Gòn một thuở rạng ngời tình tự dân tộc. Cuộc hành trình hai mươi năm đi tới, từ một cậu học trò, đến một sinh viên, rồi nhà giáo, nhà binh, nhà báo, nhà thơ ... Song Nhị lại tiếp theo một cuộc ra đi, khi nửa đường đứt gánh, cuộc đời cuốn trôi theo sinh mệnh chính trị rủi ro của miền Nam mà đắm chìm trong vực sâu ngục tù đày đọa.
Thế nhưng những vần thơ khảng khái vẫn ngân vang:                  
Dây cương kéo ngược đời. thô bạo
Phủ khắp tang thương xứ sở này
Nợ nước non mang ngày chiến trận
Trả bằng nghìn kiếp nỗi chua cay

Sá chi sinh mạng thời binh lửa
Thì tiếc gì thân  buổi đại bàng
Lê gót xích  xiềng thời đại cổ
Ngậm ngùi chiến mã bước hiên ngang
(Nhạc chuyển...)
Song Nhị đã làm thơ từ tuổi học trò, những bài thơ tình một thuỏ của anh ‘’đều là những bài viết từ trái tim học trò còn giàu nhạy cảm và rung động’’ như chính anh đã tự nhìn lại:
Kỷ niệm cũ như vết hằn trên đá
Trong trái tim anh chưa một lần mờ
        (Mùa Xuân Gợi Nhớ)
Bởi vậy, từ thuở còn duyên nợ sách đèn với Đại học Vạn Hạnh, thơ Song Nhị đã mang ý nồng nàn, đôn hậu và lời thơ trong sáng, chân phương. Người đọc thơ anh trong giai đoạn nầy bỗng cảm nhận được thế giới thơ của anh một cách tự nhiên gần gũi. Có lẽ người tuổi trẻ làm thơ Song Nhị, đã đến với thơ theo đường bay nghệ thuật và đam mê, như lời nhắn gởi của thi hào Tagore: ‘’Khi làm thơ, hãy im lặng. Gối đầu  lên trời xanh, đắm mình  trong nắng ấm để làm thơ. Đừng cố làm thi sĩ hay làm nhà thơ. Vì chỉ có thơ anh mới đủ sức chắp cánh cho anh bay vào khung trời của nhà thơ và thi sĩ ...’’ (3).

Thưa Quí vị,
Thơ tình cảm của Song Nhị, do đó, đẹp nhưng không kiêu kỳ và làm dáng:
( Nhạc chuyển...)
Mai anh trải chiếu hồng trên lối lạ
Để em về êm ái gót chân nhung
Em sẽ có thơ tình làm chăn nệm
Ngủ giấc ngoan hiền chim én mùa đông

Ngày đón em buổi chiều qua rất nhẹ
Sáng mai hồng tươi mát ánh bình minh
Cơn gió sớm thổi bay tá áo lụa
Ngày trần gian diễm tuyệt của đôi mình

Anh sẽ hái sao trời đêm nguyệt rạng
Kết thành vòng chuỗi ngọc tăng em đeo

Trang sức ấy thay bạc vàng châu báu
Với một đời đầy đủ nghĩa thương yêu
Nhạc  (1/2 bài # 8 Cỏ Hồng),
       Bài hát thật là đẹp.
Quý vị và các bạn đang thưởng thức tiếng hát Vũ Khanh, như từng giọt mật vàng óng ánh, ngọt ngào thoảng qua, nhưng nồng nàn, thả rơi trong không gian. Cảm ơn Quí vị và các bạn vẫn đang giỡ làn sóng Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ để nghe chương trình Thơ Nhạc của Bích Huyền.
Mỗi người làm thơ đều có một chân trời, mang riêng một tên gọi, tương xứng với dáng dấp thi ca của mình. Nếu có chăng một sự gọi tên cho thơ Song Nhị thì dường như không có từ nào hợp hơn là “Về Lối Đi Xưa’’.
Vâng, Về Lối Đi Xưa là tên một bài thơ, loại thơ 8 chữ của Song Nhị, đồng thời là tựa đề một trong những tập thơ ông đã phát hành tại hải ngoại.
Và bây giờ là Về Lối Đi Xưa:
(Nhạc chuyển....)
Trời đã vào đông trở mùa lành lạnh
Em đã về chưa trên lối trăng đầy
Ta vẫn thèm nhìn áo tóc mây bay
Ngắm lũ trẻ tung tăng sau chiều tan học

Em đã về chưa lối đầy sao mọc
Ta xin trao em nốt nửa phần đời
Những lúc buồn lòng vẫn gượng cười vui
Nói thật khẽ sợ chính mình nghe được

Không dám nghĩ tới những điều ao ước
E nỗi băn khoăn làm rối tâm hồn
Cuộc sống dẫy đầy toan tính thiệt hơn
Trái đất vẫn xoay vần theo thế sự
(Nhạc chuyển....)

Cứ mỗi đêm nằm vỗ về giấc ngủ
Ta lại miên man nghĩ ngợi trăm điều
Nghĩ một đời người chăm chút thương yêu
Ngày hai buổi đi về qua một ngõ
Ta nằm mộng dưới vầng trăng sáng tỏ

Và thâu đêm đốt nến viết thơ tình
Cả tinh cầu còn sót lại mình em
(khi yêu mến không tiếc lời nói quá)

Ta kiếm tìm em giữa hành tinh lạ
Bỏ trống sau lưng một quãng đời dài
Ta nhởn nhơ làm cánh bướm rong chơi
Từ độ mùa hoa mùa trăng mười sáu
Em đến bên ta mỉm cười hiền hậu
Ôi, những nụ cười in dấu nghìn năm
(Nhạc: 1/2 bài # 1 Uống nước bên bờ suối)
Có phải vì thời thế chăng? Bao cuộc hẹn không về. Suối ơi, sao vẫn nói lời dịu dàng làm chúng ta, lòng đôi khi chùng xuống. Ca khúc Uống nước bên bờ suối của Lê Uyên Phương, Quí vị và các bạn vừa nghe Lệ Thủy và Song Nguyễn cùng hát.
Từ buổi loài chim tan tác bỏ rừng
Ta chán mộng đời khoanh tay gục ngã
Ta sợ mỗi ngày đi về hai bữa
Trên lối đi xưa đau buốt dấu giày
Em xỏa tóc sầu vướng lá me bay
Dòng nước vẫn trôi im lìm về biển
Em đã về chưa lối đầy kỷ niệm
Có những hương hoa có những nụ cười
Có đôi mắt buồn lấp lánh sương mai
Có những hàng cây suốt đời quấn quít
Thành đá rêu phong mang đầy chứng tích
Một nửa khung trời én liệng nghiêng nghiêng
Tiếng gió reo vui trên ngọn cỏ mềm
Kỷ niệm bốn mùa luân lưu ở đó
Ta đứng từ xa trông về bỡ ngỡ
Thơ viết một đời không đủ nguồn cơn
Những nẻo đường xưa lá đổ thật buồn
Dĩ vãng xôn xao sáng chiều sớm tối
Hãy nhặt cho ta những kỷ niệm đầu
Giữ lấy một đời ước vọng cho nhau./
(Nhạc: 1/2 bài : # 2 Đá Xanh....)
Vẫn là nhạc Lê Uyên Phương, ca khúc Đá Xanh – giọng hát Lệ Thủy. Bích Huyền rất yêu Lệ Thủy hát nhạc Lê Uyên Phương cùng với nghệ thuật hòa âm tươi trẻ của Vũ Cường.
Tưởng từ truyện tích nghìn xưa
Trăm năm thân thế một giờ đổi thay
Công hầu – kẻ sĩ phủi tay
Sách đèn hoạn lộ đường mây trả đời..
Xin mời Quí thính giả và các bạn theo dõi tiếp thơ Song Nhị với Tiếng Hờn Chiến Mã trong chương trình Thơ Nhạc của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ vào kỳ tới.
Bích Huyền thân ái kính chào và xin lưu luyến chia tay.  (Nhạc tiếp....)


* * *


TIẾNG HỜN CHIẾN MÃ
Phát ngày 29 tháng 4-2005

TƯỞNG NIỆM 30/4 
(Dòng nhạc trẻ...)
Với âm thanh tấu khúc Tình Khúc Chiến Trường mở đầu, Bích Huyền thân ái kính chào tái ngộ Quí thính giả và các bạn đang lắng nghe chương trình Thơ Nhạc do Bích Huyền thực hiện trên làn sóng của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ.
Chúng ta cùng nghe tiếp thơ Song Nhị, các bạn nhé. Và nghe nhạc: Phan văn Hưng – Nam Dao – Phạm Duy – Ngô Đình Vận.  (Nhạc chuyển....)
Trong chương trình Thơ Nhạc trước, Bích Huyền đã mời Quí vị và các bạn cùng Song Nhị Về Lối Đi Xưa.
Nói như nhà văn Trần Kiêm Đoàn là sự đi đến với cái tôi trữ tình – quê hương thiên cổ của thi nhân – Với những bài thơ thấm đẫm tình yêu. Và nói như nhà văn Ngô Đức Diễm, thì: Nếu đời sống là một cuộc trở về – sống gửi thác về – thì hẳn cuộc hành trình trở về nguồn cội đó đã được Song Nhị đem hết tâm lực để tô điểm và cổ võ. Phải chăng đó là lý do khiến Song Nhị đã đứng ra thành lập Cơ sở Thi văn Cội Nguồn.
Thật vậy, trở về đã trở thành một ám ảnh thường xuyên trong thơ của Song Nhị. Lối Đi Xưa chính là dĩ vãng và dĩ vãng thì vẫn luôn luôn đẹp hơn hiện tại:
Tôi bỏ đó nắng sân trường một nửa
Màu áo học trò trắng mãi không thôi
Nhưng ở đây, trong tập thơ Tiếng Hờn Chiến Mã chúng ta thấy sự trở Về Lối Đi Xưa của Song Nhị với bước ung dung thư thái sau một cơn hồng thủy dập vùi. Ông đã trải qua một đoạn đời bi phẫn, bắt đầu từ lúc xuống con tàu đầy ải tù ra miền Bắc:
Tay chung sợi xích khóa chuyền
Anh em chung một bến thuyền có nhau
So chân bước xuống gầm tàu   
Không gian thu lại một màu đêm đen

để:
Rồi những sớm mai thức dậy
Bỗng dưng người hóa kiếp thú hoang
Sống lây lất bên cánh rừng cỏ dại
Nhìn lũ mục đồng nhớp nhúa nghênh ngang

Rồi những sớm mai thức dậy
Đường đi qua trái đắng bốn mùa
Mang thương tích trên hình hài nhức nhối
Ngày đã dài mờ mịt những cơn mưa
Thưa quý vị và các bạn, có rất nhiều người đã chết trong các trại cải tạo từ Nam chí Bắc. Bao nhiêu bài thơ khúc nhạc đã viết trong tù? Thơ hay là nước mắt? Nhạc hay là những vết thương? Vâng, dù chúng ta không muốn đọc, không muốn nghe, không muốn nhìn lại... nó vẫn có đó.
Ai biết anh đi rồi vĩnh biệt
Đường trần đôi ngả rẽ đôi nơi
Đứa con vĩnh viễn thèm hơi bố
Vợ trẻ vành tang quấn bạc đời
(Nhạc: 1/2 bài #7 Nếu Em Nghe Bài Hát Này...)

Cảm ơn quý vị và các bạn vẫn đang theo dõi chương trình Thơ Nhạc Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ đặc biệt tưởng niệm 30-4, với thơ Song Nhị do Bích Huyền thực hiện:
Kẻ khuất người còn
Như một rủi may
Rải rác ven rừng
Những nấm mồ đâu đó
Và xin mời nghe tiếp lời trăn trối của người tù trong ca khúc: ‘’Nếu em nghe bài hát này’’ của anh Phan Văn Hưng và Nam Dao, do tác giả Phan Văn Hưng trình bày.
Thưa quý vị, dù đã trải qua 30 năm, nhưng nỗi đau vẫn còn đó. Làm sao có thể quên?
Nhạc tiếp: Nếu em nghe qua bài hát này thì anh đã khuất theo rặng đường mây, nếu con nghe qua bài hát này thì con sẽ biết cha mình là ai. Nếu con đi qua vùng nước này dẫy mộ cha nằm đó trái tim nằm đây.
Tại miền Bắc, ngày 9.1.79 toàn thể tù cải tạo trại C Lam Sơn biểu tình, tuyệt thực trong ba ngày đêm. Ngày 11.1 lực lượng công an và dân quân địa phương dùng vũ lực bắt 60 người, trói thúc ké, dẫn bộ chuyển trại biệt giam và cùm trong xà lim, nhưng tất cả số người này vẫn tiếp tục tranh đấu.
Và tất cả bị bắt biệt giam trong đó có Song Nhị. Đúng vào ngày sinh nhật 25 tuổi của người vợ trẻ. Song Nhị đã làm bài thơ ‘’Một Tù Khúc Cho Em’’
(Nhạc chuyển....)

Anh lại viết bài thơ này kỷ niệm
Tặng em ngày sinh nhật thứ hai lăm
Trời sáng nay trải đầy sân nắng đẹp
Và anh ngồi trong những lớp chắn song

Bữa ‘’tiệc liên hoan’’ nửa ‘’gô’’ nước nguội
Có những bạn bè xúm xít bên nhau
Khung cửa sắt âm thầm như nín lặng
Nghe những trái tim máu chảy dạt dào

Hơn bốn năm qua hờn căm tủi nhục
Người đã đứng lênngẩng mặt làm người
Trước họng súng trước lưỡi lê. Cùm kẹp
Từng nụ cười vẫn nở rất tươi

Bước tiếp bước đoàn người đi dõng dạc
Sáu chục anh em tay trói tay xiềng
Anh ngước mắt nhìn mặt trời sáng chói
Nhìn mặt kẻ thù bè bạn thân quen

Trong ánh mắt sáng ngời lên ánh lửa
Ngọn lửa hồng soi tỏ vững niềm tin
Những tiếng nấc thét lên từ uất nghẹn
Đòi lại tự do cơm áo nhân quyền
Đòi lại yêu thương công bình lẽ phải
Phá tan ngục tù bóng tối đêm đen
     (Nhạc chuyển...)

Và sau những ngày núi rừng rung chuyển
Tiếng hát bay cao vút tận chân trời
Anh lại đến đây tường cao cổng kín
Cùng với anh em vẫn hát vẫn cười

Đã bốn năm qua đời như lớn dậy
Từ những ngày dài Mùng Chín tháng Giêng
Có bản trường ca những người đi tới
Anh trích đoạn này tù khúc cho em
(Nhạc: # 1 Tình Khúc Chiến Trường)

Gửi tới em một hạt mưa lẻ loi, như giọt nước mắt, như hơi thở nồng nàn... và những gì sống sót trên đời này... Ca khúc Tình khúc Chiến Trường, Phạm Duy phổ thơ Ngô Đình Vận, Vũ Khanh vừa hát cho chúng ta nghe.
Thưa Quí vị, trong lao tù với những người chiến sĩ VNCH thì đây vẫn là một chiến trường. Chiến trường không súng dao mà bằng tim óc. Và với người yêu, người vợ trẻ quê nhà nỗi thương nhớ vẫn tràn đầy – bất tận. Vâng, hạnh phúc nào mà tả tơi không đắng cay, có phải thế không Quí vị, các bạn?
(Nhạc tiếp...)
Đến đây, Bích Huyền xin trích lời cảm nhận của nhà thơ Lâm Thùy Giang để kết thúc chương trình Thơ Nhạc nói về thơ trong tù của Song Nhị:
... Những giòng thơ của Song Nhị đã liên tục xô đẩy cảm xúc người đọc: Từ yêu thương đến hoài bão, từ oan nghiệt đến từ tâm. Tất cả như ngọn lửa, lúc âm ỉ, khi bùng lên như một thời chinh chiến. Và để rồi, khi tàn cuộc binh đao, mang một tâm trạng thức giấc, như một ngỡ ngàng cho những hăm hở một thời.
Tiếng Hờn Chiến Mã rõ ràng được phát sinh từ một cuộc sống thực. Cái thực tính ấy rải rác khắp nơi trong thơ, đã nói lên một sự hiện diện, một thái độ, một sự thật, như một cứu cánh, ít nhất là trong giai đoạn đầy biến động trên một kiếp nhân sinh Việt Nam. (Nhạc chuyển...)

Chiến mã lẫy lừng bao trận chiến
Đã đi là quyết một lần đi
Giang Sơn, Tổ Quốc, lòng trung nghĩa
Một phút ... thôi đành ! Lẽ thịnh suy!!

Dù chẳng oán trời trách đất, dù không hận đời, hận người, thơ Song Nhị chỉ mô tả thôi mà cũng đủ khiến người đọc, dù cho có đến muôn ngàn năm sau, cũng còn thấy xúc động bồi hồi...
Bích Huyền thân ái kính chào tạm biệt Quí thính giả và các bạn đài Tiếng Nói Hoa Kỳ và xin lưu luyến chia tay.
(Nhạc: Tình khúc chiến trường - hòa tấu)




















Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...