Đây là tác phẩm đầu tay viết bằng tiếng Việt của một tác giả
ở vào lứa tuổi “tam thập nhi lập”. Và nếu nhìn lại ba mươi ba (33) năm về trước
thì đây là quyển hồi ký của một cô bé năm tuổi, cách đây ba mươi ba năm chập
chững bước vào một trường mẫu giáo Hoa Kỳ ở tiểu bang Arizona. Chỉ riêng điều
này, quyển hồi ký “Việt Nam Đến Mỹ” đã là một thành tựu ngoạn mục trên “Hành
Trình Mơ Ước” của Madison Nguyễn.
Cầm quyển sách trên tay, nhìn trang bìa, người đọc cảm nhận
được cái vẻ rạng rỡ của hành trình mơ ước qua bức ảnh chân dung tác giả đặt
trước hậu cảnh Tòa Thị Chính thành phố San
Jose.
Quyển sách dày chưa tới 150 trang, như quãng đời chưa đủ bề
dày của một cô gái mới thành gia thất, nhưng những thành tựu của một nữ sinh
viên gốc Việt, tốt nghiệp cao học từ đại học Chicago đến bà Phó Thị Trưởng
thành phố San Jose sau một chuỗi dài đầy hệ lụy trên bước đường dấn thân vào
chính trường, quyển hồi ký có một giá trị tinh thần nhất định, cả về phương
diện văn học lẫn lịch sử của cộng đồng tỵ nạn.
Quyển sách gồm có bảy (7) chương. Trang đầu là lời giới
thiệu của ông Norman Y. Mineta, [cựu Bộ trưởng Giao thông Hoa Kỳ, dưới thời
Tổng Thống George W. Bush, cựu Bộ Trưởng Bộ Thương Mại Hoa Kỳ dưới thời Tổng
Thống William Jeferson Clinton, cựu Dân Biểu Liên Bang và cựu Thị Trưởng Thành
Phố San Jose].
Sau Lời giới thiệu là “Lời Mở Đầu”, tác giả dành trọn bốn trang sách chỉ để bộc
bạch tâm sự về “trận chiến to lớn” bởi một cái tên “little” và không
“little”. Lời mở đầu đó như sau:
“Hơn một ngàn người Mỹ gốc Việt ngồi đầy phòng họp Hội đồng
Thành phố, họ hiện diện ở khắp tòa nhà mái tròn Rotunda, trong các phòng họp
của các văn phòng của thành phố, và kéo tận phía trước Tòa Thị chính, tất cả
bày tỏ sự giận dữ đối với tôi bởi vì tôi đã chọn tên cho khu thương mại là
“Saigon Business District” thay vì tên gọi “Little Saigon”. Một người đàn ông
gốc Việt đã tuyệt thực cả tháng để phản đối việc bỏ mất chữ “little”. Những hội
đoàn khác nhau tổ chức cuộc vận động bãi nhiệm.
Nhiều người bạn ngưng gọi điện thoại cho tôi. Nhiều người
chủ tiệm quay lưng khi tôi bước vào. Những người ủng hộ tôi trở nên ngần ngại
khi đứng bên cạnh tôi. Tôi bị gán cái nhãn là kẻ phản bội, một kẻ thù, và thậm
chí cho tôi là một người Cộng sản bởi một số người có động cơ rất đáng nghi
ngờ. Đa số không hiểu rõ câu chuyện thật; hoặc không hiểu hết vấn đề tranh cãi
là gì. Sự thật là tôi chỉ cố gắng để đại diện cho tất cả mọi cư dân trong khu
vực của mình đại diện một cách ân cần nhất bằng cách tuân theo các quy tắc
thích hợp.
Thêm một sự thật khác nữa là khi toàn thể diễn biến sự kiện
bắt đầu nổi lên, tôi đã không tiên liệu được hết đang có một cơn giông bão sẽ
kéo đến. Đơn giản là tôi chỉ thực hiện công việc với hết sức khả năng và tấm
lòng của mình.
Nhưng làm sao tôi có thể thuyết phục họ về việc này, khi họ
đã tập họp thành một cuộc náo động lớn? Tôi phải nói gì để họ hiểu rằng chúng
ta từng là một khối? Rằng cộng đồng chúng ta đang bị chia rẽ, đang tiêu phí cái
năng lực từ công việc chúng ta đáng lẽ nên dùng để xây dựng cho cộng đồng mình
an toàn hơn, sạch sẽ hơn và thịnh vượng hơn?
Bằng cách nào tôi có thể trình bày cho họ biết rằng chúng ta
cần phải chung sức để làm các trường học tốt hơn, cho các thế hệ kế tiếp có
cuộc sống mà chúng ta đã phấn đấu vất vả để chúng được thành đạt? Để xây dựng
một cộng đồng pha trộn những điều tốt nhất của Việt Nam
và Hoa Kỳ. Không phải chỉ dành riêng cho người Việt Nam
hay chỉ dành riêng cho người Mỹ, mà nên trở thành một người Mỹ với nền tảng văn
hóa Việt Nam.
Để tạo nên một nền văn hóa mới có nguồn gốc từ hai phía của thế giới, cộng với
tự do vừa tìm thấy được để vẽ ra hai nền văn hóa vừa truyền thống, vừa hiện đại
hỗ trợ xen kẽ cho nhau.
Sự xung đột trong cộng đồng này đang tàn phá khả năng đem
đến điều tốt lành cho mọi người xung quanh ta. Nó làm cạn kiệt thời giờ và lòng
nhiệt tình của mọi người mà đáng lẽ chúng ta nên dùng để cải thiện trường học,
giúp đỡ trẻ em, và hỗ trợ cho mọi gia đình đang chật vật kiếm sống. Thay vì làm
điều đó, một số thành viên trong cộng đồng chúng ta đã tập trung vào một vấn đề
không có tính chất gây dựng cho sự năng động của mình nhưng trái lại mình còn
làm giảm thiểu sự hiệu quả của công tác phát triển cộng đồng.
Làm sao tôi có thể nói với họ rằng trận chiến to lớn này vì
một chuyện đặt tên đã và đang chia rẽ đến sự ổn định của cộng đồng Việt Nam và ảnh
hưởng trách nhiệm của tôi trong vị trí của một người Nghị viên? Đối với người
ngoài, cộng đồng Việt Nam
đã bị chia rẽ cho một vấn đề có tính chất thật bình thường và tôi là nguyên
nhân chính gây ra sự chia rẽ này. Cuộc tranh cãi xoay quanh một cái tên đã trở
thành một biến động gây ra nhiều hậu quả tai hại cho cộng đồng Việt nam (mọi
người sẽ nhớ mãi cuộc tranh cãi này) và với cá nhân tôi bởi vì tôi không thể
hoà giải với các phe phái. Có thể vì lý do đó mà những rạn nứt trong cộng đồng
còn hiện hữu cho tới ngày nay.
Vì vậy nhiệm vụ của tôi là kể lại câu chuyện không chỉ về
một Nghị viên thành phố mà còn là hình ảnh của sắc dân Việt Nam, sống gần một
thế hệ ở đất nước Hoa Kỳ và họ đang vật lộn để tạo nên một hướng đi trong thế
giới mới và trở thành một lực lượng chính trị thật sự tại tiểu bang California
và trên khắp Hoa Kỳ. Trong hoàn cảnh trên, tôi chỉ là một cá nhân, tôi cảm thấy
mình đang ở trong một vị trí đặc biệt, và tôi muốn dùng vị trí của mình để giúp
cả hai phía mà tôi đều có dự phần. Tôi muốn làm người đại diện tốt hơn cho
những người Việt Nam đã từ lâu không có người nói lên nguyện vọng chính đáng
của họ trên đất nước này, và tôi muốn quảng bá cho toàn thể cư dân của mình
rằng tôi đại diện cho họ để làm cho thành phố San Jose, thành phố lớn thứ 10
của Hoa Kỳ trở thành một nơi sinh sống tốt đẹp hơn để sống, làm việc và gây
dựng gia đình.” (hết trích). Sau Lời Mở đầu:
Chương 1- “Cuộc Hành
Trình Đến Nước Mỹ”,
bắt đầu vào một đêm khuya cuối năm 1979 khi ba mẹ của tác giả tổ chức cuộc vượt
biên để “trốn thoát sự sợ hãi và những thảm kịch kế tiếp”, để thoát cảnh “suốt
đời nghèo đói và bị áp bức”. Tác giả cho biết thân phụ cô đã từng phục vụ trong
Quân đội Việt Nam Cộng Hòa 5 năm. Năm 1973 giải ngũ vì bị thương ở bụng và
chân. Cuộc vượt thoát thành công. Gia đình thuyền nhân này từ trại Bataan, Phi
Luật Tân đến Arizona, rồi từ Arizona
đến Modesto, California trong hành trình mơ ước của cô bé
Madison Nguyễn, lúc này đã đến tuổi 14.
Chương 2- “Công Bằng
Xã Hội”: là ký ức
của tác giả về hai vụ việc gây ấn tượng mạnh mẽ đã giúp cô gái 14 tuổi “đi làm
mướn” hái trái cây cho một nông trại xác định được điều cô muốn và phải làm cho
cuộc đời mình. Vụ thứ nhất xẩy ra khi người đốc công đã có lời nói và hành vi
xúc phạm nặng nề, mang tính miệt thị, phân biệt chủng tộc nhắm vào ba của cô và
tập thể công nhân da màu. Madison Nguyễn mang theo tâm trạng và ký ức này trong
suốt thời kỳ theo học đại học tại California, Santa Cruz University. Có lẽ nhờ động lực tâm lý
đó, cô và bảy anh chị em trong nhà đã tốt nghiệp văn bằng Cử nhân sau bốn năm
đại học.
Vụ việc thứ hai là sự dấn thân nhiệt tình của Madison khi cô
là Ủy Viên Giáo dục Học khu Franklin McKinley cùng với hơn 300 đồng hương Việt
Nam ở San Jose đòi hỏi Sở Cảnh Sát thành phố phải điều tra và giải quyết thỏa
đáng vụ một cảnh sát viên San Jose bắn chết cô Trần Thị Bích Câu.
Chương 3- “Tranh Cãi
Qua Chuyện Đặt Tên”,
tựa đề này nghe có vẻ nhẹ nhàng, hiền lành, nhưng toàn bộ chương này (gồm 32
trang sách) cùng với “lời mở đầu” là phần mô tả và trình bày tự sự của tác giả
về những tháng ngày sôi động đã biến cô Nghị viên trẻ trung năng động của cộng
đồng Việt Nam trở thành một kẻ “cô đơn nhất trên thế giới”, trong những ngày
phiền muộn và trống trải nhất của cô. Chương này gay cấn nhất, nhiều sự thật
được phô bày. Phải đọc từng dòng, từng trang mới hiểu hết được những ngõ ngách
của “cơn bão Little Saigon” đã từng gây chia rẽ cộng đồng người Mỹ gốc Việt,
chia rẽ giữa bạn bè và chia rẽ ngay cả trong gia đình, thân thuộc!!
Chương 4- “Ứng Cử Viên
Địa Phương Và Du Học Sinh” nội dung tập trung vào đề tài cuộc hôn nhân giữa du học sinh Terry và
cô nghị viên gốc Việt Madison Nguyễn. Những thông tin cố ý sai lệch, những cáo
buộc, chụp mũ vu khống ác độc gán cho cặp vợ chồng này là cộng sản, rằng đám
cưới mời 40 viên chức cao cấp từ Việt Nam sang tham dự… Sự thật hôn lễ được cử
hành đơn giản với bà con và bạn bè tại sân vườn sau của gia đình một người bạn
thân, thay vì tổ chức tại một nhà hàng sang trọng, không đủ chỗ cho ít nhất hơn
1000 khách.
Chương 5- “Sài Gòn hay
Little Sài Gòn”,
vẫn là đề tài căng thẳng và nhức nhối cho tất cả mọi phía liên quan: - Một là
Nghị viên Madison, người bị phản đối và lên án; - Hai là nhóm người có khuynh
hướng tranh đấu sôi nổi đòi tên Little Sài Gòn; và - Ba là khối đa số thầm lặng
ủng hộ Madison Nguyễn, không chấp nhận tình trạng ồn ào, gây chia rẽ... Với họ,
“Little Sài Gòn” hay không “Little Sài Gòn” không là vấn đề! Cuộc tranh cãi mau
chóng trở thành một đề tài lan rộng trong giới truyền thông khắp thế giới.
Chương 6- “Bãi Nhiệm”, là nỗ lực tiếp theo của phía đòi
cái tên “Little Sài Gòn” mà “chỉ đơn giản là một hình thức trả thù”. Trong
chương này, tác giả kể lại cảm xúc mãnh liệt khi thân phụ cô đến tham dự buổi
họp báo. Sau lời phát biểu, ông đã trưng ra lá cờ vàng ba sọc đỏ với hai chứng
minh thư cựu quân nhân QL/VNCH và chứng minh thư giải ngũ vì bị thương trong
khi chiến đấu mà ông đã mang theo trên chuyến tàu vượt biên.
Cuộc chống bãi nhiệm đã được hầu hết các vị dân cử và các
chức sắc liên bang cũng như tiểu bang Califronia ủng hộ. Cuối cùng bão tố đã
qua, sự thật đã được khẳng định qua lá phiếu của cử tri đem lại chiến thắng cho
Nghị viên Madison Nguyễn tiếp tục hành trình mơ ước...
Chương 7- “Giấc Mơ Mỹ
Quốc”, đây là phần
tự sự của tác giả sau khi trời quang mây tạnh, đám mây đen chính trị vần vũ đã
loãng tan và bầu trời đã trở lại màu hồng quang đãng trong ngày tuyên thệ nhậm
chức Phó Thị Trưởng T/P San Jose – ngày 25-01-2011 tại tòa Thị chiùnh. Đó là
thời khắc mà tác giả thực sự bước lên đài danh vọng Giấc Mơ Mỹ Quốc của cô.
Madison Nguyễn đã dành chương 7 cho phần kết của tác
phẩm. Toàn bộ nội dung chương này tác giả đã đúc kết, rút tỉa những bài học trong
đau đớn lẫn vinh quang về cách hành xử, đối phó với mọi cảnh huống của cuộc
sống. Những bài học ấy không phải chỉ riêng của Madison mà là bài học của tất
cả mọi người có tâm thành, biết tôn trọng sự thật, lẽ phải và cống hiến hết
mình để thực hiện giấc mơ Mỹ quốc mà Madison Nguyễn nhìn lại từ nơi chốn đã ra
đi và nơi cô đang đứng tuyên thệ trước Quốc kỳ nước Mỹ và lá cờ vàng Quốc Gia
Việt Nam.
“Tôi đã đến quốc gia này để chạy trốn khỏi chế độ Cộng sản ở
Việt Nam…”
Lời khẳng định này là một phủ nhận những vu cáo, chụp mũ ác độc trong cơn bão
“Recall”.
Về hình thức, tác phẩm được viết dưới dạng hồi ức tự truyện
pha lẫn giãi bày tâm tình tự sự. Mạch văn trong sáng, giọng văn nhẹ nhàng,
thẳng thắn mà chân thực dễ gây cảm tình với độc giả. Người đọc dù “phía này hay
phía kia” đều thấy có mình can dự trong một biến động đã lắng chìm.
Ngoài ra, quyển sách còn dành đăng 22 trang hình màu về
những quan hệ, sinh hoạt của tác giả trong đó có những tấm ảnh tác giả chụp với
Tổng Thống Barack Obama, cựu T.T Bill Clinton, Ngoại trưởng Hillary, Nữ Dân
biểu Liên bang, cựu Chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ bà Nancy Pelosi, DB Liên bang
Michael Honda và các giới chức cao cấp khác.
Trang bìa sau là phần trích lời giới thiệu của ông Robert Kieve, Phụ tá đặc biệt văn phòng
Nhà Trắng và là người viết văn cho TT Dwight Eisenhower. Ông Chuck Reed, Thị trưởng TP San Jose và
Giáo sư Tiến Sĩ Kiều Linh, Đại học
UC David, California.
SONG NHỊ
No comments:
Post a Comment