Saturday, November 17, 2012

XUÂN ĐỨC




Cội Nguồn Ngõ Đến
Từ Lạ Đến Thân
       
Ngày - thì tôi không nhớ rõ. Nhưng vào giữa tháng 3 năm 2010, một buổi sáng tôi vừa ngồi vào bàn làm việc ở tòa soạn báo Văn Nghệ Tiền Phong (VA), thì tiếng chuông điện thoại reo. Từ bên kia đầu dây, một tiếng nói nghe khá quen thuộc. Đó là chủ nhân của L-A Boutique, ở tận thành phố Lyon, Pháp Quốc. Cô nhờ tôi tìm mua giúp cho cô 5 cuốn tạp chí Nguồn số xuất bản mới nhất, do nhà văn Song Nhị làm chủ  nhiệm - chủ bút. Tạp chí nầy xuất bản ở California. Lần đầu tiên tôi nghe tên tạp chí  Nguồn từ một đại lý báo Văn Nghệ Tiền Phong ở bên Pháp, thú thực tôi vô cùng bỡ ngỡ, và có phần hỗ thẹn cho người làm báo như tôi.

 - “Em cho anh xin địa chỉ của Cội Nguồn, anh đặt mua, sau đó gởi kèm theo báo VNTP trong kỳ tới nầy luôn”.
- “Chính vì em không biết, mới nhờ qua anh. Anh trả lời cách ấy cũng bằng thừa. Ở đây có một vài vị khách đến hỏi mua tạp chí Nguồn. Em cũng chưa biết mặt mũi tạp chí đó ra sao cả. Theo yêu cầu của khách hàng, anh cố gắng giúp giùm em, càng sớm, càng tốt. Cảm ơn anh…”
Cuối cùng tôi cũng đã nhờ được một người bạn cho tôi địa chỉ rõ ràng của Cội Nguồn.

Từ lạ, bởi khi nghe hai tiếng Cội Nguồn - tên của tổ chức chủ trương và xuất bản tạp chí Nguồn. Dù tôi chưa biết nội dung bên trong nói gì, viết gì. Song tôi đã liên tưởng được phần nào những bài viết, cho dù bất cứ dưới hình thức, thể loại nào, tôi nghĩ tờ báo phải chứa đựng nội dung rất rõ nét của nhóm chủ trương sáng lập Cội Nguồn và người đứng tên chủ nhiệm, chủ bút tạp chí Nguồn. Phải chăng tờ tạp chí có sự “can thiệp” tác thành từ sâu thẳm đáy lòng của hàng triệu con người Việt Nam đã đành phải xa quê hương sống rải rác khắp 50 tiểu bang Hoa Kỳ, và các lục địa Châu Âu, Châu Úc…

Khi cầm được tờ báo trên tay, tôi cảm nhận ra ngay quả thật Nguồn đã đáp ứng được sự mong đợi của độc giả năm châu.

Từ ngày đến làm quen và dần dà tìm hiểu, đến một lúc tôi cảm nhận ở Cội Nguồn có một cái gì thật dễ… làm quen, thật dễ gần gũi. Ở Cội Nguồn, không có rào cản, nhưng lại có ranh giới trong lãnh vực văn chương, văn học… Và có một lằn ranh chính kiến bền vững giữa văn hóa, tình tự dân tộc và văn hóa Mac-Xit ngoại lai, phi dân tộc.

Ở trong nước, tinh thần Văn hóa bị che chắn, văn học là công cụ phục phụ chính trị, người dân không được nhìn thấy thế giới bên ngoài, ít nhất vài ba thế hệ đã không được tiếp cận với các trào lưu tư tưởng phóng khoáng của thế giới văn minh, do đó họ trở thành kẻ mù lòa, xa rời nguồn cội.

Nếu một người không đi trên con đường suy lý và trực giác để nhận thức chân lý thì họ trở thành kẻ bên lề, lạc lõng. Chân lý chính là Nguồn Cội. Không có trực giác, đơn thuần suy lý cảm nhận sẽ bất lực, không hiểu được sự thật trọn vẹn.
Qua hàng loạt Tạp chí Nguồn đã phát hành đến tay bạn đọc, và gần đây “Nửa Thế Kỷ Việt Nam” của nhà văn Song Nhị, người chủ biên Cội Nguồn và các tác phẩm khác do Cội Nguồn xuất bản đã nói lên được ý hướng phục vụ văn học của Cội Nguồn ở hải ngoại.

- Sau khi từ “lạ” đến quen thân, tôi muốn nói đến tình thân. Tình thân ở đây nó chứa đựng nhiều nghĩa: Thân quen, thân mến, thân thương, thân thiết. Ở đây tôi muốn dùng từ ngữ “Thân thiết” với Cội Nguồn.

Bởi lẽ, cách đây gần hai năm, vào ngày 13 tháng 11 năm 2010, trong dịp tác phẩm Nửa Thế Kỷ Việt Nam của nhà văn Song Nhị đến với độc giả các tiểu bang Maryland, Virginia, Washington D.C. Anh Song Nhị và tôi có một vài lần trò chuyện ngắn. Qua đó giữa tôi và anh Song Nhị càng thân thiết hơn. Tôi kính trọng anh, xem anh như một người thầy của tôi lúc còn ở quê hương. Gìơ nầy cũng vậy, tôi chỉ là một cậu học trò của anh không hơn không kém. Kể cả trên bước đường chập chững bước vào làng viết lách. Những bài thơ, văn của tôi thường được anh góp ý và nhuận sắc…

Thời gian nầy có lẽ Cội Nguồn đang tập trung bài vở cho Kỷ Yếu. Bài này tôi viết vội, gởi đến anh Song Nhị và tôi mong đợi người chủ biên cũng sẽ đọc, góp ý và chấp nhận bài viết của tôi. Bài viết này, cũng như trên Tạp chí Nguồn là tâm ý xuất phát từ tận đáy lòng, mang nhiều thổn thức.

Trên đây chỉ là một vài nhận xét thô thiển của tôi, tôi chẳng có năng lực như một thủ thư của ngành thư viện học để giới thiệu sách trên báo, trên truyền hình. Hoặc điểm sách trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cuối cùng tôi xin mạn phép trích lời của tác giả Nguyễn Hưng Quốc trong tác phẩm “Văn học Việt Nam Thời Toàn Cầu Hóa” như sau để làm kết luận và để tặng Cội Nguồn:
“Tôi rất thích câu chuyện ‘Thác đao điền’ trong lịch sử Việt Nam ngày xưa. Vua Lý Thái Tông, thưởng công Lê Phụng Hiểu bằng cách cho ông lên núi Băng Sơn ở Thanh Hóa ném đao. Đao bay đến đâu vùng đất ấy thuộc về điền trang của ông.

Viết văn cũng thế. Viết văn là ném chữ vào cái thế giới tối tăm mịt mù của những điều chưa biết. Chữ bay đến đâu, Biên giới của tác phẩm trải dài đến đó. Biên giới của tác phẩm bay đến đâu, Lãnh thổ Văn học được mở rộng đến đó…”
                                                              
Xuân Đức/Virginia, Aug-2012.

**
Lòng Mẹ

Dẫu trăm trang giấy viết thành văn
Khó tả công lao mẹ nhọc nhằn
Khoai, sắn thay cơm bầu sữa cạn
Mướp, cà đổi cháo mớm con ăn
Đêm sương thao thức quầng mi xám
Ngày nắng phơi thân vầng trán nhăn
Chữ hiếu cả đời chưa trả được
Nặng lòng tôn kính mãi trăm năm.

Xuân Đức

**
Trước Mộ Cha

Kính tặng cô Khúc Minh Thơ và gia đình Việt Mỹ
nhân buổi thắp nến tại bức tường đen.

Qua rồi cuộc chiến mộ cha đâu
Con mãi mơ màng nỗi khổ đau
Chín tháng cưu mang buồn tủi mẹ
Hai dòng máu kết mối thương sầu!

Những tưởng cuộc đời sống cạnh nhau
Cùng chung lèo lái một con tàu
Ngờ đâu thế sự bày dâu biển
Để cuộc nhân duyên lỡ nhịp cầu

Con sống bơ vơ những nẻo đường
Tuổi thơ thèm khát một tình thương
Đắng cay miệng thế “con lai Mỹ”
Xa xót tâm hồn lạnh tuyết sương!

Thế rồi lối rẽ bỏ quê hương
Mẹ dắt dìu con vượt đại dương
Đến Bức Tường Đen tay mẹ chỉ
Cha con ở đó sống phi thường!

Xuân Đức
(Buổi họp mặt gia đình con lai Việt-Mỹ tại Washington D.C. June 18, 2009) 




No comments:

Post a Comment

Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...