Chiều ngaỳ 22 tháng 9-2013, một buổi sinh hoạt văn học, giới thiệu tác phẩm được tổ chức taị hội trường Học Khu Trung học Eastside San Jose cho hai tác phẩm Đường Tình Soi Bóng và Giấc Hương Quan của nhà thơ Thơ Mặc Lan Đình với một chương trình văn nghệ đặc sắc.
Sau đây là bài phát biểu của nhà thơ Song Nhị giới thiệu thi phẩm Đường Tình Soi Bóng.
Kính chào quý vị,
Xin Cảm ơn sự hiện diện quý báu của quý vị,
Cảm ơn Ban tổ chức,
Cảm ơn nhà thơ Mặc Lan Đình lần thứ hai dành cho tôi giới
thiệu thi phẩm Đường Tình Soi Bóng, sau thi phẩm Mây Trắng Còn Bay năm 2005 của
anh.
Thưa quý vị,
“Đường Tình Soi Bóng” theo như trong “Lời bày tỏ”, tác giả
cho biết trong tập phần nhiều là những bài thơ tình, trong đó có những bài thấm
đậm tình yêu quê hương đất nước. Nhà thơ Cao Mỵ Nhân là người viết tựa cho tập
thơ này.
Viết tựa cho một quyển sách hay giới thiệu một tác phẩm là
một việc làm mang tính ước lệ. Người viết thường trích dẫn từ trong sách những
đoạn văn, những câu thơ ưng ý để minh họa cho nhận định mà mình đồng cảm, tâm
đắc với tác giả. Người giới thiệu một tác phẩm thường có vai trò khác với độc
giả của tác phẩm đó – nghìa là không làm công việc bình phẩm khen chê.
Đọc “Đường Tình Soi Bóng” với chín mươi hai (92) bài thơ của
tác giả, tôi đã nhặt được những bài thơ, những khổ thơ hay. Điều thú vị sau đó là
khá nhiều những đoạn thơ tôi ghi ra trùng hợp với những đoạn thơ mà chị Cao Mỵ
Nhân đã trích dẫn trong bài tựa. Tôi nghĩ như vậy quý vị cũng sẽ như chúng tôi
đồng cảm với tâm sự tác giả qua những sáng tác mà nhà thơ Cao Mỵ Nhân đã trưng
dẫn trong bài tựa.
Về bộ môn thơ, có một nhận định chung là tất cả các tập thơ
- của bất kỳ tác giả nào, không phải toàn bộ thi phẩm đều là những bài thơ có
cùng phẩm chất. Có ý kiến cho rằng một người làm một ngàn bài thơ, có được năm,
ba bài; hoăc năm, bảy câu thơ được người đời nhắc nhở, truyền tụng thì đó là
một tác giả thành công và là một nhà thơ thành danh.
Người thưởng ngoạn thơ, khi đọc một bài thơ, một tập thơ,
cảm xúc của người đọc sẽ hòa lẫn vào cảm xúc của người viết. Tác giả truyền dẫn
tâm sự của mình vào tâm hồn người đọc nếu bài thơ được viết ra từ rung cảm, từ
sự trăn trở, từ nỗi niềm tận đáy lòng mình. Ngược lại là những bài thơ khó làm
rung động lòng người, dù bài thơ vẫn nghiêm chỉnh ngữ nghĩa, vần điệu, niêm
luật.
Nhà thơ Mặc Lan Đình là một người đã miệt mài với thơ, lấy
thơ làm bạn đồng hành trong cuộc sống từ sau ngày buông súng. Mặc Lan Đình là
một thi nhân nặng tình, đa cảm. Đã có nhiều lần tác giả ngẩn ngơ về hình ảnh
một người xưa, một nơi chốn cũ - một quê
quán thân yêu - và anh đã truyền đạt
được tâm sự của mình tới người đọc khi anh trở về tìm lại mảnh đất xưa, bỗng
thấy mình mất hút, xa lạ, man mác buồn trên “quê hương mất dấu”. Nhà thơ Mặc
Lan Đình viết:
Mảnh đất vườn xưa nay mất dạng
Về quê mà chẳng thấy quê nhà
Về quê lại thấy buồn man mác
Như thể muôn trùng mất dấu ta.
Tâm trạng này của tác giả rải rác trong khá nhiều bài thơ
suốt trong tác phẩm. Xin mời quý vị đọc và thưởng ngoạn.
Nhân đây, tôi xin được chia sẻ cùng tác giả và quý vị tâm
trạng của tôi, cũng một kẻ lưu lạc, 32 năm sau tìm về quê cũ.
Thưa quý vị, tôi rời quê tôi - Hà Tĩnh, trốn chạy sau Cải
Cách Rộng đất năm 1957. Ba mươi hai năm sau, năm 1988-89 tôi xin được giấy phép
đi đường, từ Sài Gòn tìm về thăm lại quê xưa. Tất cả cảnh vật, con người đều xa
lạ, và chính mình cũng xa lạ với một nơi chốn mà ký ức còn in hằn, còn đầy ắp
kỷ niệm trong hơn ba mươi năm trông ngóng hướng về, chờ đợi phút giây hiện diện
đó. Nhà thơ Mặc Lan Đình thấy mình “mất hút dấu ta” khi đứng ngắm mảnh vườn
xưa, thì tôi hầu như không còn nhìn thấy quê mình, không còn tìm thấy một dấu
vết thân thuộc nào. Tôi đã háo hức, tôi đã hụt hẫng và tôi đã khóc:
Quê người tôi nhớ Nguyễn Du
Quê tôi tôi đứng giữa mù mịt xa
Tôi về đất tổ quê cha
Rưng rưng nước mắt khóc òa trẻ thơ!
Quý vị đang có tập thơ trên tay, và xin hãy cầm trên tay tập
thơ “Đường Tình Soi Bóng”, hãy đọc và đồng cảm với tác giả về tâm sự một nhà
thơ cùng chung cảnh ngộ lưu lạc như chúng ta, cũng là những người đồng điệu
mang nặng hình ảnh đất nước quê hương với ký ức, tình yêu và hoài niệm của
những người ly hương xa xứ, quê nhà khuất hút bên kia bờ Thái bình dương.
Phần nhận định về tập thơ này hay bất cứ một tác phẩm nào
đều thuộc về người đọc, thuộc về quý vị. Phần chúng tôi là đọc tác phẩm và giới
thiệu đến độc giả tác phẩm đó. Bởi như đã thưa, công việc giới thiệu tác phẩm,
rất khác với công việc phê bình tác phẩm.
Bộ môn phê bình văn học đã bị bỏ trống từ nhiều thập niên ở
trong nước và hoàn toàn thiếu vắng ở hải ngoại. Từ thời Đệ nhất Cộng Hòa, sau
Bản tuyên bố trong cuộc hội thảo về “Vấn đề phê bình văn nghệ” tổ chức ngày 15
tháng 1- 1967 tại Chợ Lớn, với trên 250 nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, ký giả,
sinh viên tham dự ... cho đến nay chưa có một cuộc tập họp nào thảo luận về đề
tài này. Sở dĩ người ta “tránh né” vì Phê bình văn học “chính là một nguồn dư
luận, với một chủ đích nhất định, nhưng lại khó chấp nhận ở loại công chúng chủ
động…”(*)
Tuy nhiên, bất cứ một tác phẩm nào muốn gây được sự chú ý
của dư luận và muốn được dư luận chú ý thì phải chấp nhận “bị ném đá” như câu
ngạn ngữ khá phổ biến trong giới văn nghệ: “Chỉ những cây có quả mới bị ném
đá”.
Thưa quý vị,
Bài nói chuyện ngắn này không có liên hệ nào với phê bình
văn học mà xin giới thiệu đến quý vị thi phẩm “Đường Tình Soi Bóng” của nhà thơ
Mặc Lan Đình, là quà tặng của những tâm hồn yêu thơ, yêu văn chương nghệ thuật.
Xin cảm ơn và kính chào quý liệt vị.
San Jose, 22-9-2013
SONG NHỊ
---------------------
(*) Những nghịch lý của phê bình - Lại Nguyên Ân