DÒNG CỔ NGUYỆT
Thơ Tuệ Nga
Cội Nguồn XB tháng 12-2013
Sách khổ 17 x 29cm dày 484 trang
Bìa hai lớp bọc, ngoaì bản thường trên giấy màu kem nhạt
Còn có 50 quyển in trên giấy láng mịn.
Sách để làm tặng phẩm, không bán.
MộT NHậN ĐịNH TổNG THể Về THƠ TUệ NGA
Trong văn học Trung Hoa, từ thời đại xa xưa, Chu Hy cho rằng
“nhân chi sơ tính bản tĩnh”. Từ “bản tĩnh”, do cảm xúc của dục tính mà “tĩnh”
chuyển sang “động”. Và một khi tâm đã động thì trí sẽ vận dụng đến suy tư, khi
đã suy tư thì phải thốt lên bằng tiếng nói. Lời nói không đạt tới được cái tận
cùng của cảm xúc nên sinh ra vịnh thán. Khi đã vịnh thán thì không thể không
vận dụng đến tiết tấu tự nhiên từ mối rung động xốn xang... Và từ mối rung động
đó mà một thể tính cảm xúc xuất hiện. Người ta gọi đó là nguồn thơ.
Tất cả những người làm thơ đều có nguồn cảm xúc giống nhau,
như nhau. Khác nhau là ở cái căn nguyên từ đối cảnh, đối tình của mối rung
động. Nguồn cảm xúc ấy vượt lên trên, không chỉ là một tâm sự tách bạch. Một
bài được gọi là thơ, diễn đạt để phô bày một tâm trạng chưa hẳn là một bài thơ,
đó không phải là nguồn thơ. Nguồn thơ là dòng chảy mênh mông bất tận, dẫu cho
đến khi cuộc sống có mỏi mòn, thể xác kia có già nua thì nguồn thơ vẫn không
tàn héo.
Tuệ Nga chưa hẳn đã đi tìm ngọn ngành của nguồn thơ như ý
người xưa mà tôi vừa biện dẫn. Cũng không phải ngẫu nhiên để bà có những tác
phẩm với các tựa đề: Suối, Suối Hoa, Suối Trầm Tư, Hoa Đài Dâng Hương, Hoa
Sương, Về Bên Suối Tịnh, Từ Giòng Sông Trăng và nay là Dòng Cổ Nguyệt… đó là
những thi phẩm tập hợp nhiều mối cảm xúc từ một nguồn thơ lai láng trong tâm
hồn tác giả.
Thơ Tuệ Nga thường tập trung vào ba chủ đề chính, thể hiện
cảm xúc chất chứa dạt dào từ trong tâm khảm: Mẹ, Quê Hương và Tâm Đạo. Ba chủ
đề, ba nội dung này có khi trộn lẫn, chan hòa, xen kẽ vào nhau, người đọc dễ
dàng nhìn thấy trong từng bài thơ, trong từng chương đoạn, dù không được sắp
xếp rạch ròi.
Mẹ – một hình ảnh, một biểu tượng đẹp tự nhiên muôn thuở của
nhân loại, nhất là đối với Á Đông, và với con người Việt Nam.
Mẹ - với Nhà thơ Tuệ Nga không còn trong phạm trù mẫu tử, Mẹ
là vầng trăng vằng vặc, là đóa hoa tươi thắm, là làn hương thơm ngát, là thanh
âm dịu ngọt:
Từ tình cảm mẫu tử thiêng liêng đằm thắm, dưới ngòi bút Tuệ
Nga, mẹ đã hoá thân thành quê hương, hay đúng hơn quê hương đã hoá thân thành
người mẹ, một sự đồng hóa chỉ có ở những tâm hồn dạt dào lòng yêu nước, yêu quê
hương của mình. Với Tuệ Nga, hai hình ảnh – quê hương và mẹ đã hòa nhập thành
một chủ thể cảm xúc trong tâm hồn nhà thơ: Tình Mẹ và Tình Quê. Mẹ và Quê Hương
là một.
Đọc những bài thơ Tuệ Nga nói về trăng, về quê, về mẹ mới
thấy ở tâm hồn nhà thơ là cả một trời cảm xúc dạt dào, cả một nguồn cảm hoài
lai láng về tình mẹ, về vầng trăng Việt Nam, về mảnh vườn, về con sông, thành
phố, ruộng đồng: Bắc Ninh, Hà Nội, Huế, Sài Gòn...
Từ nơi đây, trên quê
người xứ lạ, nhà thơ chắt chiu từng hình ảnh, từng kỷ niệm để mà bâng khuâng,
để mà hoài vọng: Từ hoài vọng đó nhà thơ ngồi soi rọi, nhìn vào tâm khảm để
thấy, để biết mình có gì, còn gì và mong ước những gì.
Về Thơ Đạo, Tuệ Nga không đi tìm nguyên khởi của Đạo mà từ
Đạo, chứng nghiệm lẽ đạo vào cuộc nhân sinh, vào nhân duyên nghiệp quả để “ngộ”
lẽ vô thường, từ đó phóng suy tư vào cuộc sinh tồn, vào lẽ sắc không thanh
thản.
Như hầu hết những người Việt Nam lưu vong tỵ nạn, chưa một lần
về thăm lại quê hương. Quê hương từ ngày quay gót ra đi, đã bao lần ngoái nhìn
về cố xứ, quê hương từ ngày “tiễn khách sầu xa quê”, “nhìn mây trời giăng mắc.
Rừng xanh chắn nẻo về” hình như không bao giờ vơi nguôi trong đoái tưởng của
nhà thơ.
Trong thi phẩm Từ Giòng Sông Trăng, tác giả đã lấy hình ảnh
Rừng Xanh để ẩn dụ về một quê hương còn nhiều nghịch lý, bất trắc, còn những
tráo trở, bất an, chưa đủ an toàn cho một ngày sum họp hoan ca của những người
con lưu lạc. Trong tâm hồn nhà thơ, ước vọng một ngày về vẫn là “Nửa đời cơn
mộng huyễn. Tuyết sương chắn nẻo về” (Vầng Trăng Cổ Độ), và cứ như thế quê
hương và ngày về như một ray rứt, một ám ảnh không rời.
Băn khoăn với những gì có hôm qua, với những gì mất hôm nay,
thời gian và lẽ biến thiên của cuộc nhân sinh tại thế - quê hương đã xa, tuổi
trẻ đã mất, người Phật tử thuần thành Tuệ Nga quán triệt cái giả tạm, cái vô
thường của cuộc nhân sinh, thơ không còn là tiếng buồn của muộn phiền, ủy mị.
Nhà thơ nhìn lại cuộc đời, nhìn vào lẽ đạo để thấy một thực tại phản chiếu, để
rồi thấy lòng thanh thoát, an nhiên tự tại, “bởi đã hiểu đời là quán tạm” trên
“một chuyến xe đời”, “một vòng tử sinh”, một “bữa tiệc đủ đầy vị chua vị ngọt
”, và có đủ tiếng chim hót, có nắng ban mai - thuở rộn ràng của buổi đầu đời
hoa mộng, cho đến ngày sau, chặng cuối, có tiếng vọng đại hồng chung ngân dài,
gọi con người tìm về hài hòa an lạc...
Tuệ Nga đã có trên mười tập thơ xuất bản, trong đó tập SUỐI
đoạt Giải Văn Học Nghệ Thuật Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa của Văn Học Miền Nam
năm 1974. Tác giả đã có hàng mấy chục bài thơ được phổ nhạc; từng cộng tác với
nhiều tờ báo, tâïp san, tạp chí tại hải ngoại.
Có thể nói giới nữ-thi-nhân trong làng thơ Việt Nam cận đại, Tuệ Nga là một nhà thơ đã sống trọn
cuộc đời với Thơ, cho Thơ và vì Thơ. Bà là một trong số ít ỏi nhà thơ nữ tiêu
biểu trong làng thơ Việt Nam
hải ngoại và trong nước hiện nay. Bà đã góp vào kho tàng Văn chương Nghệ thuật
nước nhà những áng thơ, những tác phẩm có giá trị văn học nhất định.
Song Nhị
San Jose, 10.2013
***
Bài Giao Cảm
Riêng tặng Nhà thơ Tuệ Nga
Dõi bóng Sông Trăng lồng Suối Tịnh
Mà nghe âm hưởng rứt ray buồn
Nghe trong tâm thức lời tri ngộ
Và núi . Và sông . Và khói sương
“Đỉnh trời tới những dòng sông”lạ (*)
Suối Tịnh đường về bát ngát hoa
Thơ tỏa từ tâm miền tĩnh lặng
Văn khai bút tuệ cõi an hòa
Một dải Sông Trăng hồn cố quận
Người đem mây gió gửi tình riêng
Tình quê . Tình nước . Tình nhân loại
Tội quá . Lòng đau những nỗi niềm!
Thế sự vẫn đầy cơn nhiễu loạn
Quê hương còn đó nỗi thương đau
Suối xưa còn đó đài vinh dự (**)
Nghiệp bút lưu truyền đến mãi sau
Thơ mãi chảy theo vòng nghiệp dĩ!
Suối nguồn tâm đạo trải bao la
Hỡi Thơ và hỡi người Thi Sĩ ...
Thì lẽ đất trời một kiếp hoa!
Hoa của thế nhân. Hoa của mộng
Hoa mùa niên thiếu tuổi hoa niên
Tiếng thơ ươm nụ thời Quan Họ
Đã tỏa lan theo khắp mọi miền
Hàng hàng thơ phổ vào kinh kệ
Niệm khúc dâng đời đóa đạo ca
Thấp thoáng non xa. Chiều . Cánh Hạc
Thuyền trôi . Chiều lặng . Ánh trăng tà!
Song Nhị
San Jose, tháng 1-2007
(*) Tên tranh bìa/HS
Đào Hải Triều
(**) SUỐI: thi phẩm của Tuệ Nga/ Giải Văn Học VNCH 1974