Thursday, December 5, 2013

Giở Chồng Sách Cũ (4)



















Trên Chuyến Tàu Xuôi Nam
Trên Hành trình Xuôi Nam, có một chuyến xe lửa ngược chiều chạy ngang qua đoàn tàu chở tù. Tốc độ vừa phải. Tất cả anh em chúng tôi bảo nhau cùng đẩy cửa sổ toa tàu, giơ cao hai cánh tay dính chặt với nhau bằng một chiếc còng nội hóa. Loại còng này gồm hai vòng sắt hình chữ U, hai đầu đập dẹt có khoan lỗ. Một thanh sắt lớn cỡ ngón tay trỏ, một đầu có nút chặn, đầu kia có lỗ để móc ống khóa. Tay hai người tù đặt vừa vặn vào vòng chữ U, thanh sắt xỏ qua bốn lỗ đầu chữ U, một ống khóa tra vào bóp lại. Trọng lượng còng nặng cả kí lô, vô cùng chắc chắn.

Hành khách bên toa tàu ngược chiều cũng mở cửa sổ, quay sang nhìn. Khi thấy những cánh tay, những chiếc còng “vĩ đại” giơ lên, tôi thấy một người phụ nữ ôm mặt òa lên khóc và có tiếng nói vọng sang –“Tàu chở tù. Các anh ấy về Nam”. Đó là lần đầu tiên chúng tôi tiếp xúc với thế giới bên ngoài sau năm năm cách ly khỏi cộng đồng xã hội loài người, ẩn mình trong núi rừng với cảm giác trở về thời người vượn.

…………………..

Một trong những hành khách trên chuyến tàu ngược chiều ấy có thể có bà xã tôi. Một ngày sau khi tôi lên tàu, thì nhà tôi ra thăm. Có những người bạn của tôi từ thưở đi học, đi làm, cả “chàng rể phụ” đám cưới chúng tôi, đi lao động gặp nhà tôi giữa đường cho nhà tôi hay là tôi đã về Nam. Nhà tôi ngỡ ngàng vừa vui, vừa buồn, vừa lo. Vui khi biết chồng mình đã được trả về “nguyên quán”. Buồn vì vượt cả ngàn cây số gieo neo mà không được gặp. Không được gặp thì rồi sẽ gặp. Nhưng mà lo. Lo vì chặng đường trở về biết bao gian lao cực nhọc, “thân gái dặm trường”. Cái dặm trường từ nhà ga Thanh Hóa đi bộ vào đến trại tù, đến nhà thăm nuôi trên dưới hơn chục cây số thật là cơ cực. Nắng nóng, đất bụi, bùn sình.    
…………………..
…………………..

Những Nghĩa Cử Ân Tình  Giữa Hận Thù Giăng Mắc
Trên chuyến tàu Về Nam, từ ga Thanh Hóa qua Đồng Hà Quảng Trị, Huế, Diêu Trì, Đà Nẵng, Nha Trang, tới Phan Thiết, Dầu Giây, khi tàu chạy qua nơi nào có nhà ở, có người hai bên đường, chúng tôi đều bảo nhau mở hết cửa sổ toa tàu, giơ cao hai cánh tay dính nhau bằng chiếc còng “đỉnh cao trí tuệ” để chào mừng đồng bào, chào mừng bà con miền Nam ruột thịt.. Những bà con, đồng bào hai bên đường khi chuyến tàu chạy qua, chúng tôi không biết ai là kẻ yêu, người ghét. Chúng tôi không tin có những “cục đá ném vào đầu” mà mong chờ đón nhận những cái vẫy tay, những nụ cười, những lời chào hỏi từ đồng bào, đồng loại thương yêu mình.

Ở ga Thanh Hóa đã có những cặp mắt tò mò dửng dưng nhìn theo đoàn tù. Có một vài em bé bán nước, mời ly nước chè xanh:
– “Uống đi, cháu không lấy tiền ông đâu”.

Càng đi dần về phía Nam, chúng tôi càng gặp nhiều ngạc nhiên, xúc động, có khi đến chực rơi nước mắt. Từ ga Huế trở vào có những lúc, nhất là khi tàu ngừng lại, người hai bên đường, ném lên toa tàu tới tấp – thuốc lá, bánh mì, bánh chưng, bánh đúc, cam, bưởi... những món quà tình nghĩa từ những bà mẹ, những em nhỏ buôn thúng bán bâng, từ những cậu con trai phải bỏ học nửa chừng để kiếm sống bằng những việc làm lam lũ. Gói thuốc lá, trái cam, cái bánh... giữa cảnh ngộ và thời buổi đó đã toát ra một nghĩa tình cao quý, vượt lên trên tất cả những cái tầm thường bé mọn ở những “đồng loại” hơn năm năm bên nhau trong lao tù, đáng ra phải đồng cam cộng khổ.

Đối với chúng tôi nghĩa cử đó chính là vòng Nguyệt Quế dành cho kẻ trở về, dù vẫn đang trong bộ áo tù, tay trong chiếc còng nặng trĩu. Có một lúc tôi như giật mình khi nghe một thiếu niên hát vang vang: “như có bác Hồ trong thùng phi đậy nắp, mở nắp ra nghe cái ‘cốc’ trên đầu”.

Thì ra sau hơn năm năm người dân miền Nam đã biết “bác Hồ” là ai. Tôi nhớ ngày 1 tháng 5-1975 một anh Nhân dân Tự vệ ở cạnh nhà tôi, tuổi dưới hai mươi đi ra đường xé những tấm ảnh “bác” dán ở những cột đèn, những bờ tường, dọc theo đường Trần Quốc Toản cũ (3 tháng 2) và khu ga xe lửa Hòa Hưng, cậu ta liền bị bắt đưa đi cải tạo hơn nửa con giáp mới được thả về. Cậu này tên là Thủy, được định cư tại Mỹ theo diện HO. 

Trước năm 1975, người dân miền Nam không biết “bác” và không hiểu một chút mô tê gì về chủ nghĩa mà “bác” mang về làm nền móng cai trị cho chế độ do “bác” dựng lên.    Nhờ chế độ của “bác” mà lịch sử có những trang đẫm máu của Cải cách Ruộng đất, của Nhân văn, Giai Phẩm, của Tết Mậu Thân, của cuộc nội chiến 20 năm nồi da xáo thịt, giết chết khoảng 5 triệu người VN (cả Nam và Bắc) ...

Không phải đợi đến năm năm, mà chỉ năm bảy tháng, một năm, sau khi được nhìn tận mặt, được tiếp cận từng ngày là người dân đã biết, biết rất rõ những gì “bác” làm, những gì “bác” để lại cho hậu thế trước nông nỗi trăm cay nghìn đắng. Càng hiểu biết bác, hiểu biết chế độ của bác, người dân, kể cả một bộ phận người dân miền Bắc, càng thấy thương, thấy tội nghiệp cho đoàn tù, cho quân cán chính miền Nam, lớp người đã từng đem máu xương, sinh mạng để xây dựng và bảo vệ miền Nam Tự do ấm no và hạnh phúc.

Chuyến tàu thống nhất nối lại tuyến đường sắt, nhưng đã không nối lại được tình người, không nối lại được tình tự dân tộc. Vì vậy những người cán bộ công an hộ tống trên toa mới bảo chúng tôi kéo kín cửa, kẽo người dân “còn căm thù” sẽ ném đá vỡ đầu.

Sau ngày 30.4, tuyến đường chở ngược hướng Bắc những đoàn tù biệt xứ, cùng với hàng hàng những chuyến tàu chở đầy chiến lợi phẩm nhưng đã không làm vơi dịu được phần nào cảnh bần hàn nheo nhóc của ba mươi triệu người dân suốt 20 năm gồng mình xây dựng XHCN và chiến tranh thôn tính. Thù hận vẫn thù hận. Nghèo đói vẫn nghèo đói. 

Rồi tình thế cũng đến ngày đổi chiều, xoay ngược. Từng chuyến tàu liên tiếp chở đoàn tù xuôi Nam. Đoàn tù trở về nhận từ tấm lòng người dân biết bao cảm tình nồng mặn. Khi đoàn tàu qua khỏi ga Hàm Tân, có tiếng người bên vệ đường thông báo: – Các anh về Xuân Lộc. Những người cán bộ hộ tống không bao giờ tiết lộ nơi chúng tôi sẽ đến, nhưng khoảng 30 phút trước khi tàu về đến sân ga, công an bảo vệ ra lệnh mọi người thu xếp đồ đạc gọn gàng để chuẩn bị xuống tàu. Biết được nơi đến, không ai bảo ai, mỗi người đều lấy giấy bút ghi địa chỉ gia đình để báo tin cho thân nhân. Trước đó có một vài nhân viên hỏa xa đi lại trong toa. Có người đã mạnh dạn giúi miếng giấy vào tay, người nhân viên toa tàu cầm lấy, lặng lẽ bước đi. Khi tàu giảm tốc độ xuống rất chậm, một nữ nhân viên hỏa xa trạc tuổi trên dưới ba mươi đi qua, tôi đưa cái địa chỉ và nói nhỏ. – Tôi nhờ cô gửi bưu điện giùm. Cô ta mỉm cười, một nụ cười rất thiện cảm, cầm miếng giấy địa chỉ bỏ vào túi.

Khác với một số anh em phó mặc cho may rủi, riêng tôi, tôi tin lời nhắn của tôi sẽ được chuyển tới nhà. Rất đông anh em khác, hoặc được gợi ý từ nhân viên quét dọn tàu, hoặc vì hết cách nên cứ bỏ đại vào hộc đựng tàn thước lá, hộc đựng rác cạnh thành tàu.

Có người ba ngày sau gia đình đã lên thăm. Môt số đông gia đình đến thăm sau một tuần lễ. Về sau kiểm chứng lại chúng tôi được biết tất cả những ai có miếng giấy nhắn tin đều được các nhân viên trên chuyến tàu chia nhau mang tới tận từng nhà. Gia đình thân nhân của tù xin được trả tiền xích lô, tiền xăng nhưng không một ai chịu nhận.

Nhà tôi khi đến trại tù thăm tôi cho biết có một cô mang giấy nhắn tin đến, gia đình trả tiền xích lô nhưng cô ấy từ chối. Nhà tôi hỏi thăm được biết người nữ nhân viên này quê Nam Định, vào Nam năm 1977. Đó là một con người miền Bắc từng được nhồi nhét từ nhỏ ý thức căm thù Mỹ Ngụy. Nếu như toàn thể mọi người Việt Nam xóa hết được tâm lý hận thù như những người công nhân bình thường ấy thì may mắn cho dân tộc biết chừng nào. Cho đến bây giờ chúng tôi không quên những ân tình quý báu giữa thời buổi hận thù giăng mắc ấy.


No comments:

Post a Comment

Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...