SONG NHỊ
Trong gần mười năm sinh hoạt với Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn, tôi có cơ hội được tiếp cận với nhiều nhà thơ và nhiều tác phẩm của các nhà thơ hải ngoại. Nhưng lần này, thật đúng là tình cờ của duyên hội ngộ giữa Thơ với Thơ, khi tôi nhận được tập Vọng Khúc từ tay một người bạn – anh ThânTrọng Nhân, trong một buổi họp mặt giữa các giáo sư và cựu Sinh viên Đại học Vạn Hạnh, tại San José.
VỌNG KHÚC, ấn bản thứ nhất theo tác
giả cho biết có những thiếu sót do kỹ thuật in ấn nên tập thơ được bổ túc thêm,
được in lại, như quý vị đã thấy hay đang cầm trên tay.
Vọng Khúc, bản tôi có khi viết bài này, hình thức và độ dày không có cái nhìn của một quyển sách bề thế. Nhưng khi tôi mở ra từng trang, dừng lại ở mỗi bài, tôi đã “gặp” tác giả – Hay đúng ra là đã có một cuộc gặp gỡ vô hình giữa Thơ với Thơ. Sự kỳ diệu của sản phẩm tinh thần này là ở chỗ đó.
Vọng Khúc, bản tôi có khi viết bài này, hình thức và độ dày không có cái nhìn của một quyển sách bề thế. Nhưng khi tôi mở ra từng trang, dừng lại ở mỗi bài, tôi đã “gặp” tác giả – Hay đúng ra là đã có một cuộc gặp gỡ vô hình giữa Thơ với Thơ. Sự kỳ diệu của sản phẩm tinh thần này là ở chỗ đó.
Thơ đến với người và nguời đến với
thơ hoàn toàn không có một sự sửa soạn, sắp đặt nào trước. Thơ không giống như
các bộ môn nghệ thuật khác. Nhà nhiếp ảnh có thể ôm máy, ngồi đợi trăng lên để
thu vầng trăng vào ống kính. Người họa sĩ hay điêu khắc gia có thể “đặt” vầng
trăng trước mặt để thực hiện tác phẩm của mình. Một nhà văn có thể làm dàn bài,
bố cục trước khi viết truyện về trăng, nhưng người làm thơ không thể có những
động tác tương tự như các văn nghệ sĩ ấy. Nhà thơ chỉ bắt gặp ánh trăng và ánh
trăng ấy bất chợt “chạm mặt” với thơ rất tình cờ, rất ngẫu nhiên. Thơ bộc phát
từ trăng, từ tâm hồn, từ cảm xúc bất chợt của nhà thơ, và có khi của cả vầng
trăng nữa. Tất cả cảm xúc và ngôn ngữ đó chỉ thể hiện trong cái khoảnh khắc
rung động ấy thôi, sau đó là hết, là mất hẳn. Sau đó nếu có cố vận dụng cách
nào đi nữa thì cũng không bao giờ tái tạo được cái cảm giác kỳ ảo cùng với
những ngôn ngữ tuyệt diệu kia. Một bài thơ hình thành trong trường hợp đó mới
là một bài thơ có hồn, có sức truyền cảm đến người thưởng ngoạn.
Trong Vọng Khúc tôi bắt gặp được
nhiều bài thơ từ những khoảnh khắc của cảm xúc bùng vỡ bất ngờ để hiện lộ những vần thơ tuyệt cú.
Vào đầu tập thơ, bạn đọc sẽ nhìn
thấy tác giả đang đứng một mình nơi góc sân trường cũ, đang nép mình bên hành
lang vắng để nước mắt chợt tuôn tràn trước những vật đổi sao dời, trước những
đổi thay tàn nhẫn. Một thời tà áo trắng bay trong chiều gió lộng, tiếng guốc
giòn gõ nhịp đường trưa, dòng lưu bút thầy cô, bè bạn... tất cả chỉ còn là những cái chớp mắt, phù
phiếm, mịt mờ:
Tôi về đứng trước ngôi trường cũ
...
Giật mình lòng bỗng khóc ngu ngơ
(Áo Trắng trường Xưa)
Từ bước chân vạn dặm tìm về, tác giả
sững sờ đến buột miệng kêu lên “Khi trở lại Sài gòn sao lạ thế!” Lạ – vì phố đã
thay tên, đường đã đổi chủ; cái cũ thân yêu không còn, cái mới ngỡ ngàng xa lạ:
Khi trở lại Sài Gòn tôi xưa cũ
Nghe chênh vênh ngơ ngác một chốn về
(Sài Gòn Khi Trở Lại)
Mỗi con người trong cõi nhân sinh,
ai mà không có quá khứ, không có dĩ vãng, không có một thời, một chỗ để tìm về.
Cũng như hầu hết trong giới làm thơ, Phan Thị Ngôn Ngữ đã “chẻ thơ tìm bóng”,
quay về lục lọi quá khứ, tìm lại bóng thời gian, tìm lại thời thanh xuân, tìm
vầng trăng cũ, tìm cái thuở hoa lòng vừa chớm nụ, để rồi giật mình trước hiện
hữu, trước những mất mát, đổi thay, mà thốt lên: “Còn lại gì đây chẳng thể
ngờ!” Tất cả chỉ còn trong ảo giác.
Trong tâm trạng của người viễn xứ,
từ những hoài vọng, dồn nén, trăn trở cưu mang, tác giả đã diễn đạt ý tưởng,
tâm sự thương quê, nhớ nước một cách chân thành:
Một nửa khóc rồi một nửa lại cười
Nửa lãng du xứ lạ, nửa ngậm ngùi cố
hương.
(Chia Nửa)
Nghĩ về mình lại ngó đến người, đến
cảnh ngộ chung của những người con xa rời quê mẹ. Dù trong đầy đủ, tự do, vẫn
cảm thấy một nỗi niềm trống vắng. Tác giả nói với người hay đang nói với chính
mình:
Mai rồi nắng sớm mưa trưa
Lạc loài xứ lạ ai đưa bậu về
(Bậu ơi)
Vẫn dòng tâm cảm đó. Vẫn tâm trạng
của kẻ ly hương, không riêng của Phan Thị Ngôn Ngữ mà là tâm trạng của mỗi
chúng ta. Chúng ta sẽ tìm thấy chính mình trong mỗi câu thơ của tác giả:
Khói sương mờ tỏ hồn lưu lạc
Biệt khúc trường giang vọng chốn
nào?
(Biệt Khúc)
Khác với một số nhà thơ nữ chú trọng
khuynh hướng thơ tình – tình yêu và những tình cảm lãng mạn không chủ đề, tác
giả Vọng Khúc đã chia nửa tâm hồn, đã chia hai cuộc đời “Nửa lãng du xứ lạ, nửa
ngậm ngùi cố hương” (Chia Nửa). Ngậm ngùi về một thời bão giông, về khúc ngoặt
nghiệt ngã 30 tháng Tư - 75. Tháng Tư mùa phượng đỏ khiến tác giả liên tưởng
đến màu đỏ hãi hùng của cơn bão giông thời cuộc:
Cánh phượng đầu mùa báo tháng Tư
Báo mùa giông bão vẫn còn như ...
Và kể từ đó:
Từ hôm ráng đỏ trời quê
Chim xưa lạc tổ trăng thề vỡ tan
Chim xưa lạc tổ, hàng triệu người đã
đành đoạn bỏ nước ra đi, hơn hai mươi năm mà tưởng chừng vời vợi, “tưởng chừng
nghìn thuở cách chia phôi”. Con chim lạc tổ
thì “ngó tới ngó lui” mà
tìm về tổ cũ, nhưng con người Việt Nam
tha hương thì đành ẩn thân như viên đá cuội, còn đâu một chỗ để tìm về. Quê
hương giờ đây đang do cường quyền bạo lực thống trị, ngày đêm cạm bẫy rập
rình.
Con chim lạc bầy đứng ngó tới ngó
lui
Ta xa quê lòng lặng câm như đá cuội
Với 75 bài thơ trong VỌNG KHÚC, còn
có nhiều lắm những đoạn, những câu đắt giá.
Bài thơ “Em Vẫn Bên Đời Anh Lặng Lẽ” tôi đọc được cái tâm sự chân thành,
thủy chung, tận tụy đáng kính phục của một người vợ, một đạo nghĩa phu thê rất Việt Nam mà tác giả đã gửi gắm, bày tỏ
với chồng:
Em cám ơn anh nghĩa vợ chồng
Mặn nồng như biển ngọt như sông
Sàng rau đĩa muối đời gian khó
Chia bảy sẻ ba cũng toại lòng
Về hình thức tác giả sử dụng nhiều
thể loại, Thơ mới, thơ ngũ ngôn, thất ngôn, lục bát. Nói chung kỹ thuật sử dụng
ngôn từ, thi ngữ vần điệu của tác giả rất vững vàng. Nhạc tính phong phú. Nhiều
bài Lục Bát của tác giả có những câu đạt ý đạt lời, như ca dao:
Hắt hiu một chỗ ta ngồi
Lòng ta nhớ bậu như vôi nhớ trầu.
Dùng dằng nửa đứng nửa ngồi
Lên non nhớ phố xuống đồi nhớ trăng
Dùng dằng con mắt lá răm
Theo mưa ra biển lại băng về rừng
Ở một nơi khác, tôi đã lặng người
đắm chìm vào dòng thơ đích thực của Phan Thị Ngôn Ngữ khi đọc những bài thơ có
tựa đề: “Một Góc Thơ Tôi”, “Tuổi Thơ Con Là Chỗ Ngoại Nằm”, “Sa Di”, “Trong cha
còn đó nỗi buồn”... Nội dung, Ý tưởng, thi ngữ, nhạc tính qua đó đã định vị chỗ
đứng của nhà thơ nữ này trong làng thơ hải ngoại hiện nay – một trong những nhà
thơ vững chãi nhất.
Bảy mươi lăm bài thơ trong Vọng Khúc
không dài câu, không nhiều chữ nhưng có đủ hương vị của một ly ruợu nồng, của
một tách trà ngon để khách thưởng ngoạn nhấm nháp hương hoa mùi vị của thơ, của
một tâm hồn thơ còn nhiều hứa hẹn. [Giới thiệu tác phẩm trong ngày Ra Mắt Sách tại Westminster 13-9-2003].
***
Phan Thị Ngôn Ngữ là nhà thơ nữ xuất hiện tại hải ngoại vào năm đầu của Thiên Niên Kỷ Thứ Hai, do sự khám phá tình cờ của một cựu Sinh Viên đaị học Vạn Hạnh khi anh từ một tiểu bang xa đến thăm người bạn cũ. Anh đọc được một tập thơ chép tay mà tác giả là chủ nhà, có tuổi đời là vai chị của mình. Anh mừng rỡ như vừa khám phá được một kho tàng quý báu ẩn khuất từ lâu. Anh thông báo cho Ban Chấp hành Hội Ái Hữu S.V. Vạn Hạnh và mượn tập thơ mang về. Một năm sau tập thơ được bằng hữu Vạn Hạnh ấn hành với tựa đề “Vọng Khúc” 2001. Năm 2003 Vọng Khúc tái bản, do tạp chí Khởi Hành in lại.
Phan thị Ngôn Ngữ làm thơ từ lâu,
những bài thơ chép kín cả tập giấy học trò, để vào một góc ngăn kéo. PTNN làm thơ
cho mình, không hề có ý nghĩ sẽ in thành sách, mãi cho tới khi thơ và nét tài
hoa kia “bị phát hiện” thơ PTNN mới có mặt trong làng văn chương, trên thi đàn
hải ngoại với tác phẩm đầu tay VỌNG KHÚC, như vừa nói trên.
Sau Vọng Khúc, Phan Thị Ngôn Ngữ đã
liên tiếp cho ra đời ba thi phẩm khác: *Tạ Tình Khúc (Cội Nguồn 2005), *Dùng
Dằng và *Lỗi Một Vần Gieo. Hai thi tập này cũng do Cội Nguồn xb năm 2010.
Tôi đã từng đọc từng chữ, từng câu
mỗi bài trong ba tập thơ khi tôi biên tập, trình bày cho NXB Cội Nguồn. Nếu
Vọng Khúc là hoa trái đầu mùa của vườn thơ Phan Thị Ngôn Ngữ thì ba tập thơ kế
tiếp là cả một rừng hoa lá đủ mọi hương sắc khiến người thưởng ngoạn phải ngẩn
ngơ.
Tôi không có ý cường điệu khi đưa ra
nhận định này. Tôi không viết cho tôi và cũng không phải viết cho tác giả. Sự
khen chê thiếu vô tư trong sáng sẽ là điều lố bịch.
Xin hãy đọc đi những bài trong Vọng
Khúc (Khởi Hành 2003).
Lòng ta như biển vắng/ Từ thuyền xưa
ra khơi
Con dã tràng chết vội/ Trên cát –
dưới chân người
“Tha Hương” tr.7)
Chỉ bốn câu thơ gồm hai mươi chữ đã
hằn lên nỗi buồn mênh mông (như biển) của một thi sĩ thuyền nhân khi nhớ lại
những ước mong hăm hở trong tâm trạng con ốc mượn hồn, giữa đêm ngày thao thức
bên góc trời tha phương.
Cũng với tâm sự miên man nỗi buồn đứt
ruột ấy, trong một bài khác, tác giả thấy tâm hồn mình nhòa theo bóng hình quê
hương thiết tha như bóng mẹ:
Quê hương là bóng mẹ/ Tan loãng giữa
đời con
….
Bóng quê nhà đâu đó/ Nghe bao nỗi
đoạn trường
“Đoạn Trường tr.13)
Nỗi nhớ nhung khắc khoải ấy vẫn cứ
tiếp nối từng ngày đêm trải dài trong suốt toàn bộ dòng thơ nhiều tập của tác
giả PTNN. Ở bài “Niệm Khúc” tr. 25:
Con chim lạc bầy đứng ngó tới ngó
lui
Ta xa quê lòng lặng câm như đá cuội
Bong bóng vỡ dưới vòng xe dong ruổi
Giòng nước kia cứ đuổi mãi chân
người
Đất Virginia ta ngồi - hồn đã chảy xuôi
Về bên ấy - những cơn mưa mùa hạ.
Có một lần tác giả trở về vùng kỷ
niệm, ngôi nhà người xưa đã đổi chủ, căn nhà mình cũng đã bán từ lâu, một mình
lầm lũi đi suốt chiều dài con hẻm cũ, lầy lội trong mưa để kiếm tìm trong hư vô
những cung bậc của tình yêu, nhưng còn đâu “Tiếng đàn xưa anh so phím/ Gởi đến
em tình câm phố biển/ Cô láng giềng, cô háng xóm, em tôi”. Cuộc đổi đời 30-4-75
xóa mất cuộc tình, đã làm đổ nhào tất cả. Đọc hết bài thơ, cảm động lắm.
(“Tiếng Đàn Xưa” tr. 30)
Bài thơ “Tuổi Thơ Con là Chỗ Ngoại
Nằm” tr. 58, là một trong những “tuyệt tác” của Ngôn Ngữ. Mỗi dòng thơ là mỗi
hàng kỷ vật cổ kính lộng lẫy chưng bày trong ngôi nhà thừa tự của các danh gia
thế phiệt ngày xưa. Những lọ sơn, thỏi mực tàu, những giấy điều giấy bổi, những
nghiên mực, những ngọn bút lông… những câu thơ Lục Vân Tiên, những câu Kiều
lẩy; những thơ Lý Bạch, Thôi Hạo, Đỗ Phủ thời Thịnh Đường, với giọng ngâm nga
dìu dặt của ông ngoại cho đến ngõ trúc vườn cau đã thấm vào tâm hồn nhà thơ
suốt thời thơ ấu
Trong tiếng gù gù của lũ chim câu
Ngoại dắt con qua từng trang Kiều
lẩy
Lục Vân Tiên như mái dầm mái đẩy
Giọng ngoại chèo lúc nhặt lúc khoan
Và:
Những lọ sơn - những thỏi mục tàu
những tờ giấy điều, giấy bổi vàng
thau
Cũng úa ố theo tuổi già của ngoại
Vết mực loang đọng trong lòng nghiên
tối
Ngọn bút tà nên cũng chẳng buồn chăm
Tuổi thơ con là chỗ ngoại nằm
Có thời Xuân Thu đi về qua trang
sách
Có thuở Thịnh Đường vang vang trên
vách
Dốc bầu thơ Lý Bạch ngửa nghiêng sầu.
***
TẠ TÌNH KHÚC
Tạ Tình Khúc, Cội Nguồn Xb 2005 là
dòng chảy nối dài trong lưu lượng nguồn thơ PTNN. Những độc giả yêu thơ, những
người dù “khó tính” đến đâu - tôi tin khi cầm trên tay những thi phẩm Vọng
Khúc, Tạ Tình Khúc, Dùng Dằng hay Lỗi Một Vần Gieo cũng khó có thể buông tập
thơ xuống.
Khỏi cần phải giới thiệu, phân tích,
thơ PTNN rất thật và hồn nhiên như nốt nhạc khi thốt ra những lời tình tự. Bài
thơ trang đầu thi phẩm này: “MỘt Góc Thơ Và Tôi” là những lời thỏ thẻ của một
người sau nửa phần đời nhìn lại, từ thuở ấu thơ qua thời con gái đến mỗi đoạn
đời làm con, làm vợ, làm mẹ, làm một người tình, một người dân và một “kiếp
người lữ thứ”. Hai câu thơ mở đầu, cho người đọc cảm giác thanh thản trầm lặng
của một tâm hồn thi sĩ:
Có những lúc buồn tôi trốn vào thơ
Như đứa trẻ con tìm về võng mẹ
Khi đã “tìm về võng mẹ”, khi đã
“trốn vào” một góc thơ, PTNN ngồi nhớ lại, kể lại thuở “mơ chuyện trầu cau”,
thuở mót lúa trên đồng nghe câu hò lả; thuở tản cư chạy loạn, đến thời con gái,
tuổi học trò - lớp học Võ Tánh Nha Trang, giảng đường Vạn Hạnh Sài Gòn, rồi
“cuộc tình đau”… Và ngày tháng Tư (1975) “gói lịm hồn”, “nước mắt chảy quanh”…
để rồi là một trong “những con người căm lặng bỏ quê đi” đến bên một góc thơ -
một kiếp sầu lữ thứ mà “đi giữa quê người… hoài vọng quê hương”.
Còn nhiều lắm, khó có thể nói hết
ngọn ngành, tách bạch hết mỗi tâm tư của tác giả qua tám mươi bài thơ trong “Tạ
Tình Khúc”. Xin chia sẻ tâm sự này với tác giả:
Sài Gòn xưa – giờ còn ai vắng ai?
Nay xa lạ từng tên đường tên phố
Ba mươi năm giữa chia lìa hạnh ngộ
Vẫn không sao vá được vết thương
đời.
“Sài Gòn Xưa” tr.18)
Và:
Nằm nghe gỗ nẻ sầu da diết
Tưởng gành đá xa nhịp sóng vỗ dồn
Thương con dã tràng xe cát cô đơn
Trăm năm cõng một mối hờn kim cổ
(Đêm Nằm Nghe Gỗ Nẻ, tr.44)
Trong một đời người không mấy ai
không đi qua một cuộc tình buồn. Chuyện tình buồn của Tạ Tình Khúc viết ra sau
khi nghe “trên đường phone – giọng ai buồn như khóc…”. Bài thơ thanh âm dịu
buồn tha thiết, dù không phải là tâm sự của mình người đọc cũng chùng lòng ngơ
ngẩn...
Cuối cùng – rồi cũng nhận ra nhau
Để hốt hoảng đứng bên trời lưu lạc
Hốt hoảng nhìn nhau – hai mái đầu
sương bạc
Một gánh sầu trĩu nặng cuộc tình
đau.
(Rồi Cuối Cùng Cũng Nhận Ra Nhau Tr.
73)
***
LỖi MỘT VẦN GIEO
“Lỗi Một Vần Gieo”, cũng là tựa đề
một bài thơ trong tập được chọn làm tên sách. Bài thơ gồm bốn khổ, 18 câu thuộc
thể thơ mới - tám chữ. Nội dung bài thơ mang ý bóng gió sâu kín về một cuộc
tình mà vì một sơ sót, một lỡ lầm đã để cuộc tình đi lạc hướng như bài thơ kia
lỗi nhịp:
- Khi bài thơ lỗi một vần gieo
Là lúc trái tim đập sai một nhịp
Một nhịp tim sai đi về tiền kiếp
Tan cùng ngọn triều thuở biển uyên
nguyên
- Một nhịp tim sai biết sẽ về đâu
Sau hóa thân thành hạt bụi
Hạt bui vô ưu không nơi dung rủi
Nên bài thơ lỗi một vần gieo.
(Lỗi Một Vần Gieo tr.45)
Đây là một bài thơ ý tứ, âm điệu
ngôn từ đặc sắc. Một bài thơ hay.
Không phải chỉ trong một hai năm đầu
ngỡ ngàng xa lạ, mà mãi mười lăm năm sau của quãng đời lưu lạc, những đổi thay,
khác biệt về môi trường văn hóa, phong tục... nơi vùng đất mới vẫn làm se thắt
tâm hồn đa cảm của tác giả luôn hướng vọng về quê hương cũ. Mười lăm năm chia
sẻ tình người, tình đồng hương, tình bạn nơi quê hương mới, kết cục để thấy chỉ
là phút giây mua vui tạm bợ:
Bạn bè đôi ba bận
Tương ngộ rượu tràn ly
Ngẩn ngơ lòng chai rỗng
Ân tình quyến nhau đi!
(Lưu Lạc tr.5)
Bài thơ “Bên Kia Sông” và cũng là
bên kia biển, thấp thoáng hình ảnh người mẹ khi thì “đốt nén hương mẹ vái thầm” khi thì “Lòng mẹ úa bầm sau giậu mồng
tơi”. Và giờ đây “Bên kia sông nhật nguyệt đã vơi đầy” mà “Quanh chân mẹ vẫn
bùn lầy nước đọng”... (Bên kia sông tr. 7).
“Cõi Thăng Trầm Hưng Phế” - Bài thơ 48 câu là
phiên bản ngôi nhà thừa tự ở bài “Tuổi Thơ Con Là Chỗ Ngoại Nằm”, nơi đó những
kỷ vật văn hóa đã phủ mờ lớp bụi thời gian, đã “thế sự thăng trầm hưng phế”:
Những tấm trướng - hoành phi - liễn
đối
Ôm cột kèo ngó sững buồn thiu
Khay tráp bút - nghiên mực giấy điều
Lủi thủi co mình trên nóc tủ
Dăm bộ tứ thư - pho đại tự
Cũng hẩm hiu côi cút lặng nằm
Và:
Đinh Lê Lý Trần… dày trang sử
Hai châu Ô Lý… rộng sơn hà
Bao năm rồi ngoại bỏ đi xa
Cõi nhà xưa ba gian trống trải.
(Cõi Thăng Trầm Hưng Phế tr. 13)
Bài thơ “Thắp Nỗi Buồn Quanh” tr.
27, vẽ lên hình ảnh người chiến binh – thân phụ của nhà thơ, cùng chung thân phận
với đoàn quân thúc thủ, ba mươi năm sau ngày gãy súng, mái đầu tóc đã điểm
sương, vết thương tưởng đã lành lặn, nỗi lòng tưởng đã nguôi ngoai, nhưng không
- cha vẫn ngồi ôm mãi nỗi đau và vết thương đời nhức nhối:
- Cha ngồi thắp nỗi buồn quanh
Ba mươi năm tưởng đã lành vết khâu
Nào hay sương điểm mái đầu
Vẫn hằn dấu sẹo hằn sâu tháng ngày
**
- Cha ngồi ôm nỗi buồn quanh
Ba mươi năm chẳng thể lành vết khâu.
DÙNG DẰNG
Thi phẩm ấn hành đồng thời với tập
“Lỗi Một Vần Gieo”, [Cội Nguồn 2010]. Tập thơ Lục Bát này nội dung giàn trải
tâm trạng cũng vẫn một con người, một dòng hoài niệm, suy tưởng gần như nhất
quán về quá khứ quê hương – chiến tranh, thù hận; về hiện tại mảnh dư đồ tả tơi
vì chế độ cường quyền dâng đất dâng biển cho ngoại bang:
Giang sơn tiên tổ đắp bồi
Mảnh lìa ải bắc vạt rời bờ đông
(Hồn Non Nước tr. 12);
về thân phận con người gắn liền với
vận mệnh đất nước:
“Quê hương sau cuộc chiến chinh
Tang thương vận nước điêu linh phận
người”.
Cả đến người già và trẻ thơ cũng
không thoát khỏi lưới định mệnh:
- Mẹ già lặn lội chợ quê
Em thơ bỏ lớp lất lê chợ đời.
(Giữa Trời Quê Hương tr. 7)
Và hơn hết là nỗi đau của những
người lính đã hiến dâng một thời tuổi trẻ để gìn giữ quê hương, bảo vệ tự do và
nhân phẩm con người để rồi phải ngậm ngùi xếp lại một thực tại đau thương:
- Đau thương xếp lại màu cờ
Cha chôn áo trận bên bờ giậu thưa
(Mộ Chiều tr. 13).
PTNN là chứng nhân của biến cố lịch
sử cuộc đổi đời này. Những vần thơ buồn tác giả viết lên chính là thực cảnh của
thân phụ tác giả - người từ tuổi hai mươi đã khoác chinh y đi vào chiến trận,
chiến đấu gìn giữ phần đất tự do. Cuộc chiến tàn, lòng cố gượng vui mà nước mắt
đoanh tròng, vào cuộc đổi đời chân bùn tay lấm, trong nỗi đời oan nghiệt, thân
xác hao mòn, người lính chiến-bại trân người khi nghĩ về non nước:
- Nhớ bữa cha về thay áo trận/ Đôi hàng nước mắt chớm rưng rưng/ Tay run lần cởi rời bao súng/ Cay đắng làm sao – chẳng
đặng đừng.
Qua bao giông bão đời oan nghiệt/ Cha đã hao mòn với tháng năm/ Chôn
xuống đào lên manh áo trận/ Chiều chiều bên giậu đứng nhìn câm.
(Trong Cha Còn Đó Nỗi Buồn tr. 25)
Sau biến cố lịch sử tang thương
30-4-75 đó, tác giả cùng với cả triệu người liều mình bỏ nước vượt biển tìm tự
do, mang tâm trạng buồn, lênh đênh theo “một dòng nước cuốn mây trôi/ một dòng
chìm nổi cuộc đời ly hương”. Nước mắt đầm đìa vạt áo, từng hàng lệ xót thương
gửi lại quê nhà, gửi lại mẹ cha, ôm cả quê hương vào lòng, “dùng
dằng”, bịn rịn bước đi, lênh đênh giữa sóng gió biển Đông trùng trùng
cuồng nộ. Trên hành trình vượt thoát đó đã có biết bao người vùi thây trên
những đảo hoang hay dưới nơi thủy mộ. “Câu
kinh đắm sóng trùng khơi/ Nổi chìm tiếng khóc cột lời trối trăn”.
Tự Do không ai cho không. Cái giá Tự
Do của người tù chính trị H.O, của người dân miền Nam sau cuộc đổi đời, cái giá
phải trả là những năm tháng trong ngục tù cải tạo, là những ám ảnh hãi hùng nạn
hải tặc, là những xác người vùi thây nơi rừng sâu biển cả.
Tác giả sau những “tả tơi hoa nụ
nhành mơ” đã may mắn sống còn, bắt đầu cuộc sống mới với tâm trạng:
Mồ côi thân gái khốn cùng
Lê chân mảnh đất lưu dung sống còn
(Bước Chân Thệ Hải tr. 14)
Sống còn để rồi: “Ở đây sáng đợi chiều mong/ Ưu tư đất lạ hồn
chong quê nhà”.
Và “Đầu nguồn trông ngóng cuối quê/ Lòng khe dạ suối bộn bề nước non”.
Ở một bài thơ khác, tôi tưởng như da
thịt mình chợt chạm vào một mạch điện hay một đóm than hồng khi đọc hai câu
thơ:
Sáng ra phố nhặt tình đời
Nhặt tâm vọng động nhặt lời vong ân.
“Ra Phố Nhặt Đời” (tr. 76)
Tôi “nghe” một cái gì đó cay cay,
nằng nặng của tình người, tình đời nhói lên trong tâm khảm.
***
Bà Huyện Thanh Quan chỉ khi “bước
tới Đèo Ngang bóng xế tà” mới chạnh lòng nhớ nước, mới tỏ bày “cảnh đấy người
đây ta với ta”, nhưng Phan Thị Ngôn Ngữ dù đang sống trên một đất nước mênh
mông giàu đẹp như Hoa Kỳ, cuộc sống đầy đủ, dư thừa mọi tiện nghi mà cứ mãi
khắc khoải hoài niệm thương đau, nhớ nước nhớ nhà từng giờ, từng ngày đêm không
nguôi thao thức...
Xuyên suốt “Dùng Dằng” và xuyên suốt
năm tập thơ là tâm trạng của một thi nhân lưu lạc trải dài với từng mảnh đất, từng
con đường, ngõ phố; từng biến động lịch sử thăng trầm của đất nước.
Đây không phải là hoàn cảnh và tâm
trạng riêng của nhà thơ mà của tôi của bạn, của tất cả chúng ta đã được ngòi
bút, với cái nhìn và cảm nhận sâu sắc của tác giả diễn đạt, trình bày lại, lên
tiếng thay chúng ta, ghi lại cho chúng ta, cho lịch sử và văn học làm chứng
liệu mai sau.
Song Nhị
San Jose, 24-12-2013
(Hiệu chính và viết tiếp “Vọng Khúc”
Westminster
13-9-2003)
No comments:
Post a Comment