Trích đoạn NĂM
ĐẶT TÊN ĐỨA CON TINH
THẦN
Đặt tựa cho một bài viết, đặt tên cho một tác phẩm, có khi
cũng là một điều trăn trở. Tập Bút Ký Tự Truyện Nửa Thế Kỷ Việt Nam
khi đến tay bạn đọc, có mấy nhận xét về tựa đề quyển sách. Một cựu Luật sư/ nhà
văn, khi nhận quyển sách tôi ký tặng, ông buột miệng: “Nửa Thế Kỷ Việt Nam mà
chỉ có bằng này thôi à”! Nhưng sau khi đọc, trong một bài nhận định tác phẩm,
ông đã nêu ra một số ý kiến tích cực: “Nửa Thế kỷ Việt Nam” của tác giả Song
Nhị rõ rệt là một đóng góp rất giá trị cho những ai muốn tìm hiểu về cái thời
đại nhiễu nhương của dân tộc chúng ta trong suốt nửa thế kỷ qua.... tác giả đã
cống hiến cho bạn đọc một tác phẩm biên soạn rất công phu, gọn gàng chu đáo, mà
lại hết sức trung thực…”.
Và một nhà thơ, thân hữu lâu năm trong sinh hoạt Cội Nguồn,
sau khi nhận được quyển sách tôi gửi tặng đã viết thư gửi cho tôi qua bưu điện,
với nhận xét (khi chưa đọc) mà cho rằng cái tựa “rộng lớn quá, to tát quá
…”, nhưng sau khi đọc một hai chương
đầu, nhà thơ này đã viết cho tôi ý kiến nhận định:
“… Chương đoạn này như tôi đã nói, chỉ mới là phần dạo đầu
của một nhạc khúc đại bi thiết của “Nửa Thế Kỷ Việt Nam” đã hấp dẫn đến vậy,
trung thực đến vậy, còn nói chi đến toàn bộ tác phẩm... Tôi tin chắc đây là một
pho tài liệu hiếm, quý, có giá trị vĩnh cửu sẽ giúp các nhà viết sử và và các
thế hệ mai hậu thật nhiều…”.
Tôi suy nghĩ và dè dặt khi đặt tên cho quyển sách này: “Năm
Mươi Năm Cầm Bút”, tựa đề có “rộng lớn quá, to tát quá…” không?.
Đặt tựa cho một tác phẩm, có những tác giả căn cứ vào nội
dung, hay dựa vào một sự kiện, một biến cố đáng nhớ – Nhã Ca/ Giải Khăn Sô Cho
Huế. Có tác giả lấy một giai đoạn lịch sử làm dấu mốc: “Bên giòng Lịch Sử”
1940-1965/ LM Cao Văn Luận. Có tác giả nhằm bày tỏ tâm tư của chính mình: Nguyễn
Mạnh Côn/ “Đem Tâm Tình Viết Lịch Sử”. Cố thi sĩ Vũ Hoàng Chương đặt tựa cho
một tập hồi ức: “Ta Đã Làm Chi Đời Ta” v.v…
Năm 2010, trên một tấm poster do một nhóm Sinh viên đại học
San Francisco thực hiện, nhằm quảng bá cho buổi RMS quyển Nửa Thế Kỷ Việt Nam
tại San Jose, có ghi dòng chữ: “Celebrating 45 years of Song Nhi’s Writing
Career”. Chính chi tiết này đã là cảm hứng cho tôi lấy tựa đề “Năm Mươi Năm Cầm
Bút”.
Tôi nghĩ, cầm bút cũng như người nông dân cầm cày, người thợ
nề cầm bai, người họa sĩ cầm cọ, tất cả để nói lên công việc làm của mỗi ngành
nghề.
Cầm bút là việc làm của một nhà văn. Thực ra, khi viết, tôi
không có ý nghĩ viết để trở thành nhà văn, hay để được người ta gọi mình như
thế. Tôi không sống bằng nghề viết văn. Tôi viết văn, làm thơ như một nhu cầu
tiêu khiển, do sự thôi thúc từ những sự việc luẩn quẩn trải qua trong đời, muốn
được nói ra, viết ra.
Trong tác phẩm này có những bài viết từ năm 1965 còn tìm lại
được. Phần lớn bài viết trước năm 1975, sau cuộc biển dâu 30 tháng Tư đã hoàn toàn bị thất lạc.
Tôi không muốn và cũng không thể kể ra hết được quá trình
viết lách từ năm 1965 đến nay. Ngoài ba tập thơ trước năm 1975, với ba tập thơ
tại hải ngoại và ba tác phẩm: Lưu Dân Thi Thoại (biên khảo, viết chung với nhà
văn Diên Nghị), quyển Nửa Thế Kỷ Việt Nam và mới đây là quyển Lời Rao Giảng Của
Thơ… thì đây là quyển văn thứ tư, gồm những bài tôi gom góp được in thành sách
như một tặng phẩm tinh thần cho… chính mình và cho những độc giả yêu mến văn
chương chữ nghĩa.
Nội dung tác phẩm này là ký ức và kỷ niệm, cho nên, trước khi đi vào các chương đoạn, tôi quyết
định mở đầu với những bài trao đổi, qua các cuộc phỏng vấn lien quan đến những
tham dự của chính mình trên những chặng đường đi qua. Trước nhất là bài phỏng
vấn của Sinh Viên Julie Hoài Hương Phạm về chiến tranh Việt Nam cho luận án sử học của cô.
Julie Phạm sau khi tốt nghiệp là GS Sử học tại đại học Berkeley.
Nhân đây tôi xin cáo lỗi với các văn nghệ sĩ từng dành cho
tôi những cuộc bút vấn và phỏng vấn thu âm, mà nay không còn lưu giữ được để
ghi lại: Bài trả lời phỏng vấn của Nhà văn Diệu Tần trên Việt Nam Nhật báo năm
1996, hai chương trình giới thiệu thơ Song Nhị Tiếng Hờn Chiến Mã và Về Lối Đi
Xưa trên đài VOA năm 2004, và các cuộc phỏng vấn của Radio VN Hải Ngoại, đài
phát thanh Việt Nam, Texas, những cuộc phỏng vấn của SBTN, của hệ thống Quê
Hương Media, San Jose.
Có 78 kỳ đọc truyện, giới thiệu tác phẩm Nửa Thế Kỷ Việt Nam do cô Đoan
Trang, Giám đốc hệ thống truyền thông (TV/Radio) Quê Hương đọc và giới thiệu trên đài là tài liệu quý tôi còn lưu giữ. Nhân đây xin
được gởi lời cảm ơn tới cô Đoan Trang…
Sau cùng, khi nhớ lại biến cố tai ương 30- 4- 1975, sau một
cuộc đổi đời thê thảm, tàn bạo ập xuống thân phận hàng triệu con người, trong
số có mình, không thể ngờ 40 năm sau tôi còn hiện diện bên cạnh ấn phẩm văn
chương này. Đó là điều tôi lấy làm hài lòng với số mệnh, sau những chặng đời,
cho một lần để sống và cho một lần để chết.
Song Nhị/ 8-2015
-------------
(*) Nhóm “Nồi Niêu Soong Chảo” một thời làm nổi đình nổi đám
trên nhật báo Hòa Bình của LM Trần Du, tại Sài Gòn, Năm 1972 được móc nối về
cộng tác với báo chính quyền.
No comments:
Post a Comment