Monday, February 29, 2016

QUY TẮC Y DÀI I NGẮN TRONG TIẾNG VIỆT















SONG NHỊ

Khởi đi từ một tình cờ lịch sử khi Alexander de Rhodes đến Việt Nam truyền đạo Thiên Chúa, ngôn ngữ Việt Nam thoát khỏi văn hóa chữ Nho (Hán tự) và chữ Nôm, bước sang một kỷ nguyên mới kể từ đầu thế kỷ Hai mươi. Trong suốt 500 năm từ tình trạng phôi thai, theo bước đi của từng thế hệ và từng thời kỳ lịch sử, chữ Việt và tiếng Việt ngày nay đã là một trong những ngôn ngữ hoàn chỉnh trong lịch sử văn minh nhân loại. Người Nhật và ngươi Nam Triều Tiên cũng từ hàng trăm năm cố công thoát ly ảnh hưởng và phụ thuộc chữ Hán nhưng đã không làm được.

Tuy nhiên, không phải vì vậy mà người Việt chúng ta đã bằng lòng với thành tựu đó. Cả trăm năm nay vẫn có những người bằng sáng kiến, nhận định của mình đã đưa ra những đổi mới, “điều chỉnh” cách viết chữ Việt. Có thể kể từ thế kỷ 19 với học giả Huỳnh Tịnh Của (1734 – 1907) khi ông hoán đổi (y thành i) qua cách viết tên mình (Huỳnh thành Huình). Tiếp đến là Nguiễn Ngu Í  (Nguyễn Ngu Ý - 1921 - 1979) nhà thơ, nhà giáo, nhà báo, thế kỷ 20.
Từ hai nhân sĩ này, hai mẫu tự I và Y đã trở thành “chuyện dài Y dài I ngắn”, thỉnh thoảng được nhắc đi nhắc lại suốt cả trăm năm nay....

Chỉ mới đây, chúng tôi nhận được bài viết VẤN ĐỀ MẪU TỰ Y (Y DÀI) của một tác giả ký tên Người Thơ gửi cho tạp chí Nguồn. Bài viết khá công phu, đang được gác lại và đó cũng là nguồn cảm hứng để chúng tôi góp lời bàn thảo về đề tài này.
Trước khi tham gia ý kiến câu chuyện dài “y dài i ngắn”, người viết xin được ôn lại bài học vỡ lòng từ thời mới biết đánh vần chữ Việt a b c ....

Chúng ta, ai cũng biết chữ Việt ngày nay xuất xứ từ chữ La tinh, do khởi xướng và ghép đặt của giáo sĩ Thiên Chúa giáo Francisco de Pina (1585-1625), tiếp theo là công trình hệ thống hóa của giáo sĩ Alexander de Rhodes với mục đích để truyền đạo. Chữ Việt hình thành từ một tình cờ lịch sử như thế, cho nên không ít người cho rằng chẳng có ai có công mà cũng chẳng có ai có tội.

Và chúng ta ai cũng biết chữ La tinh có các mẫu tự sau đây:
A b c d e f g h i j k l m n o p q r s t u v w x y z trong đó có 5 Nguyên âm là a e i o u y.
Khi các nhà ngôn ngữ học (F. de Pina và A. de Rodes) đầu tiên lấy chữ La tinh sáng chế ra tiếng Việt thì họ đã thêm và bớt một số chữ cái (cả nguyên âm và phụ âm).
Tiếng Việt từ đầu gồm có 23 chữ cái: a b c d đ e g h i k l m n o p q r s t u v x y, trong đó có 6 nguyên âm: a e i o u y.

Để đáp ứng thanh âm đa dạng trong tiếng Việt, các nguyên âm a e o u biến thể thêm các nguyên âm: a > ă, â; e > ê; o > ô, ơ; u > ư.
Từ các nguyên âm đơn, để thích ứng với thanh âm phong phú trong tiếng Việt chúng ta có các cặp nguyên âm kép như sau: ai ao au ay âu ây ; eo, êu ; ia, iê, iu ; oa, oe, oi ôi, ơi, ơu; ua, uê, ui , uơ, uy , uyê ; ưa, ưi, ưu, ươ ; yê. Đây là những cặp thanh âm kép bất khả phân ly để đi với các phụ âm nhằm tạo từ ghép chữ.

Trước khi bàn tiếp tưởng cũng nên nhắc lại định nghĩa nguyên âm (vowel) là gì và phụ âm (consonant) là gì ? Trong quyển “Đại Từ điển Tiếng Việt”, (NXB Văn Hóa Thông tin, 1998, tr.1217) định nghĩa nguyên âm là “âm mà khi phát âm, luồng hơi từ phổi ra không gặp phải trở ngại, phân biệt với phụ âm”.

Chúng tôi thấy rằng ở đây là một giải thích về hiện tượng (chưa chắc đã đúng), chứ không phải là một định nghĩa, và khi người ta thử nghiệm phát âm chữ a (nguyên âm) và chữ k (phụ âm) thì cả hai phát âm, “luồng hơi từ phổi ra” đều không “gặp trở ngại” gì cả.

Theo chúng tôi, một định nghĩa về nguyên âm và phụ âm có thể chấp nhận được, theo đó: - nguyên âm là một chữ cái có thể đứng một mình, để xướng lên một từ trọn nghĩa mà không cần ghép với một chữ cái nào khác (NV nhấn mạnh).
Ví dụ: a dua, o bế, ê chề, y phục; Ngược lại, ta không thể nói lập l (lập lờ), con d (con dê), ca h (ca hát) v.v.
- phụ âm là một chữ được dùng để đi kèm với những nguyên âm và phụ âm khác để cấu tạo thành một từ, một chữ.. Thí dụ: lập lờ, con dê, o bế, ca hát v.v..

Từ những dẫn chứng trên đây, chúng ta thấy rằng Y (dài) và I (ngắn) có một quy tắc nhất định trong tiếng Việt. Ngay cả trong Anh ngữ: cũng có một nhận định chung quyết, theo đó chữ Y có thể được xem vừa là một nguyên âm, vừa là một phụ âm. (The letter Y can be regarded as both a vowel and a consonant). Và qua tham chiếu của tác giả Thanh Thanh (*), câu trả lời Y chỉ là một từ thường được dùng cho cả nguyên âm và phụ âm trong Anh ngữ (The answer to the question is that Y is the only letter commonly used as both vowel and consonant in English).

Tham chiếu này còn ghi thêm: The letter Y stands for a consonant in "yoke" but for a vowel in "myth." chữ cái Y đứng trong “yoke” là phụ âm, nhưng chữ Y trong “myth” là nguyên âm.
Đối chiếu với kết luận trên đây về Y và I trong Anh ngữ thì trong Việt ngữ Y được coi là phụ âm trong các từ yểm (trợ), (yên) ổn, yêu (thương), yết (kiến) ...  Tuy nhiên, đúng ra lại là một nguyên âm cặp đi với các phụ âm m, n, u, t để tạo chữ yểm, yên, yêu, yết. Vậy có thể kết luận Y và I là hai nguyên âm tuyệt đối trong Việt ngữ.

Các nhà ngôn ngữ học đầu tiên kiến tạo bộ chữ Việt bằng mẫu tự La tinh đã rất chú trọng đến những âm cặp khi biên soạn bài học vỡ lòng đánh vần chữ Việt, bắt buộc học thuộc lòng 23 chữ cái: a b c d đ e g h i k l m n o p q r s t u v x y;    a ă â e ê i o ô ơ u ư.
Cùng các vần ghép (nguyên âm kép): ai  ao au ay, ây, eo êu, iu, oi, ôi ơi, ơu, ui, uy, ưu,
Và với các phụ âm: ac, ăc âc, am ăm  âm, an, ăn ân, ap ăp âp, at ăt ât, v.v...

Ghép vần chữ B: Ba bă bâ be bê bi bo bô bơ bu bư.
đến vần chữ C thì ca că câ > ke kê ki > co cô cơ cu cư.  
- kha khă khâ khe khê khi kho khô khơ khu khư
Vần chữ G thì ga, gă gâ > ghe ghê ghi > go gô gơ gu gư.

Trong các cặp nguyên âm kép dẫn đầu bài, hai cặp ui và uy ngay từ đầu đã có chỗ đứng riêng rẽ, độc lập của nó, i (ngắn) không thể thay cho y (dài) và ngược lại. U+I đọc là ui và U+Y đọc uy. Căn bản của nguyên-âm-cặp này hai chữ cái là một, là ui và uy, chỉ cần ghép với các phụ âm khác là có thể tạo thành những từ vựng, ví dụ: lui cui, thui thủi, túy lúy,  quỵ lụy.... uy tín, hiu hắt huy hoàng, biên thùy, thâm thúy, quý vị v.v.. 
Các nguyên âm cặp:
Uy + phụ âm > huynh, quỳnh, huỳnh, huỵch (toẹt)..
Uyê + phụ âm > uyên, huyên, quyết
Uya + phụ âm > khuya, phẹc-ma-tuya (zipper) 
Uya, uây, uyê, iêu, oai, uôi, ươi, ươu là những nguyên âm cặp bất khả phân ly, nó như là một nguyên âm đơn, đi theo các phụ âm tạo thành từ ngữ: khuây nguôi, trái khuấy, quây quần, quan liêu, khoái lạc, xuôi dòng, tươi tốt, hươu nai v.v..

I (ngắn) hay Y (dài) khi đứng cuối chữ:
I và Y là nguyên âm nên khi nó đứng cuối chữ thì y (dài) hay i (ngắn) đều có thể chấp nhận. Người ta khi đọc thấy các chữ lí luận, kĩ thuật, nước Mĩ, Hoa Kì.... khác với lối viết “truyền thống” lý luận, kỹ thuật, nước Mỹ, Hoa Kỳ thì vội cho là chữ y (dài) đã bị thay thế bởi chữ i (ngắn). Thật ra y hay i trong trường hợp này đều có cùng giá trị, chỉ khác là do cảm quan của người đọc không quen với i hoặc y mà thôi.

Về phương diện mỹ quan và thói quen viết Y (dài) trong các từ địa lý, kỹ thuật, Hoa Kỳ, kỷ niệm, Ký tên... theo chúng tôi nên giữ cách viết “truyền thống”, thay vì dùng i (ngắn). Có những từ y (dài) và i (ngắn) đã có vị trí cố định. Chẳng hạn những từ  sau đây chưa hề thấy hoán vị giữa y và i : thí dụ, bí thư, hoan hỉ, suy nghĩ, sinh khí, nhà in, y phục , y tế, ý niệm.. Chưa có chữ viết: thý dụ, bý thư, suy nghỹ, sinh khý, nhà yn, i phục, i tế, í niệm v.v..

Trong câu dân ca: Yêu nhau cởi áo... í.. a cho nhau/ Về nhà mẹ hỏi qua cầu... í.. a gió bay. Chưa thấy ai viết ý... a thay cho í... a. Và Ký tên luôn luôn là... ký tên, không ai viết Kí tên.
Các trường hợp khác Y và I đã có phần vụ (function) riêng của nó cho nên, bất khả hoán vị, không thể lấy i thay cho y như trường hợp học giả Huình Tịnh Của và nhà thơ Nguiễn Ngu Í. Theo chúng tôi thì hai nhân sĩ này khi dùng chữ I viết tên mình chỉ là một cách chơi, nếu không muốn nói là lập dị, chứ không có chủ đích đề xướng một khuynh hướng. Vì vậy đã mấy trăm năm chưa có một Nguiễn Thuiến (Nguyễn Thuyến) hay một Nguiễn thị Bạch Tuiết (Tuyết) nào khác.

Sau khi tìm hiểu và truy nguyên, chúng tôi mạnh dạn phổ biến biên khảo ngắn này. Mong được sự góp ý và bổ khuyết của các bậc thức giả.

 Song Nhị / 12. 2015.
          

Thursday, February 4, 2016

LỜI CẢM TẠ MỘT TÌNH YÊU






















Bài “Lời Cảm Tạ Một Tình Yêu”, sáng tác năm 1962
cho một “mối tình” học trò, một thời mơ mộng.
Năm năm sau tôi làm bài thơ thứ hai cho “cuộc tình” ấy,
bài “Chạnh Niềm Yêu Dấu”. Bài thơ này đã được Nhạc sĩ
Võ Tá Hân phổ nhạc trong một album phát hành
ở Singapore vào năm 1997 hay 1998...


LỜI CẢM TẠ MỘT TÌNH YÊU
(thưở làm thơ yêu em)

Cảm ơn nhé thùy phương
Cảm ơn những mùa xuân
Quãng đời rất lạ...

Cảm ơn em
Đã cho ta một khoảng trời xanh ngút mắt
Đã cho ta một thuở lá cành rộn tiếng chim ca
Đã cho ta những lối đi về hoa thơm cỏ lạ
Năm tháng ... tưng bừng
Nồng mặn thiết tha

Cảm ơn nhé thùy phương
Cảm ơn những mùa hè
Nồng nàn hương sắc
Cảm ơn em
Đã cho ta những buổi trưa
bóng mát ngập lòng
Đã cho ta những cơn mưa sớm
Những cơn mưa chiều
Cảm ơn những con đường
Bước chân không biết mỏi
Ghế đá công viên
Tóc vờn bóng gội
Những lối đi cát sỏi rộn ràng...

Cảm ơn nhé thùy phương
Cảm ơn những mùa thu mơ mộng
Buổi chiều tà áo gió bay
Đường sang Gia Định
Cảm ơn em
Một lần nước mắt
Một lần nước mắt
Ngọt mãi đời đời

Cảm ơn nhé thùy phương
Em viết bài thơ tựa đề giã biệt
Con chim bay đi thật vô tình
Giữa giấc chiêm bao
Mặt trời nguội lịm
Một khu rừng
mất hút lửa bình minh!

Cảm ơn nhé thùy phương
Cảm ơn
những mùa đông chớm lạnh
Cảm ơn em
Cuộc tình trôi trên biển hồn ta
Chưa một lần ngơi nghỉ

Cảm ơn em
Một thời in dấu
Năm năm. Mười năm. Hai mươi năm…

Cảm ơn những vì sao em thắp sáng
Cảm ơn tà áo xanh, áo trắng, áo hồng
Cảm ơn những lúc dỗi hờn
Những lúc nhớ mong
Những cánh thư đi
Những bài thơ lại

Cảm ơn em
Những buổi sáng buổi chiều
Những buổi đi buổi về
Những lần tìm mắt nhau qua song cửa
Những lần tìm môi nhau bên cơn mưa

Cảm ơn em
Một tình yêu
Đã tàn 
Cơn nồng nàn nắng hạ./

SAIGON 1962

***

CHẠNH NIỀM YÊU DẤU
(thưở làm thơ yêu em)


Viết một bài thơ này nữa
gởi về em nhé Thùy Phương
năm năm tưởng lòng khuây lãng
phai theo gió bụi ven đường

Năm năm vào đời giong ruổi
vào đời thử cuộc phong ba
cưu mang những hình bóng cũ
long đong mấy dặm sơn hà

Năm năm qua cầu nước chảy
năm năm qua cầu gió bay
sắt son thuở nào ước hẹn
bây giời ngọn gió thu phai

Bây giờ xanh xao dĩ vãng
một người tóc gối cô đơn
một người làm thơ hoài niệm
tìm nhau hết một kiếp buồn

Bây giờ đường xưa lối cũ
gợïi niềm yêu dấu xa xăm
năm năm thu vàng lá rụng
cũng đành giấc mộng trăm năm

Viết một bài thơ này nữa
trời vừa làm gió mưa bay
gió mưa chạnh lòng cô lữ
năm năm một tiếng than dài !

Saigon 1967

=


40 Năm Sau LẬT LẠI HỒ SƠ 16 TẤN VÀNG



HÀ VIỆT TĨNH 

Câu chuyện 16 tấn vàng đã là một đề tài úp mở trong dư luận suốt gần bốn thập niên kể từ biến cố 30-4-1975, sau khi miền Nam VN rơi vào ách thống trị của chế độ CS Bắc Việt. Người hiểu biết sự việc thì ít, phần đông người dân cả hai miền Nam - Bắc chỉ biết mù mờ qua những tuyên bố của các giới chức đảng cộng sản, cho rằng Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã chở theo 16 tấn vàng trong ngân khố VNCH khi cùng gia đình đi ra khỏi nước ít ngày trước cuối tháng 4/75.

Đa số người dân miền Nam tỏ ra thờ ơ với 16 tấn vàng, bởi tài sản của người dân miền Nam bị tiêu tán, cướp đạt còn gấp mấy ngàn lần số vàng “vô thừa nhận” ấy. Hơn nữa người dân miền Nam vốn từng sống dưới một chế độ   thẳng thắn, lành mạnh, trong đó có những người lãnh đạo của họ, và họ cũng đã có quá nhiều kinh nghiệm về sự  tráo trở, vu chụp, đổi trắng thay đen của người Cộng sản nên hầu như không có ai tin là TT Nguyễn Văn Thiệu đã chở theo 16 tấn vàng để làm của riêng. Ngược lại, người dân sống dưới chế độ CS miền Bắc, họ từng quen với chính sách tuyên truyền, cai trị bằng các biện pháp bưng bít, lừa bịp, vu chụp hàng

chục năm rồi, nên họ tin theo đảng, khi miền Nam bị đánh ngã, đảng đem lại chiến thắng. Lâu dần, qua thời gian và thực tế đời sống kinh tế và nề nếp xã hội miền Nam, họ bắt đầu “phản tỉnh” nhìn ra thật giả, đúng sai, để thấy sự dối trá, bịp bợm của đảng, họ bắt đầu mất hết niềm tin...

Tuy nhiên, không phải là hầu hết, là toàn thể mà vẫn còn những thành phần hoặc do trình độ thấp kém, hoặc do còn tuyệt đối tin tưởng vào đảng (đảng luôn luôn nói đúng, làm đúng); hoặc cố tình phớt lờ sự thật để hưởng ơn mưa mốc, lợi lộc nên cứ làm cái loa phao tin nhảm: “Thằng Thiệu theo mang 16 tấn vàng ra nước ngoài”.

Trong một lần thăm quê, người viết được nghe một cán bộ cấp làng xã nói: - “Chú thấy không, thằng Thiệu mang 16 tấn vàng đi theo...”. Liền khi đó có mấy thanh niên trẻ lên tiếng: - “Không, không phải vậy. Ông nói sai rồi...”
Đã có người nói thay, tôi im lặng không lên tiếng. Mà có nói với những người không chịu nghe và tin sự thật thì nói mấy cũng vô ích.

40 năm qua rồi, thời gian chưa đủ chín muồi để 16 tấn vàng thông suốt thực hư trong dư luận. Có lẽ vì vậy mà báo Tuổi Trẻ số ra ngày 10/4/2015, trong bài viết “Thương Vụ Đặc Biệt: Bán Vàng!” đã thừa nhận 16 tấn vàng của VNCH đã được CSVN mang nộp cho Liên Xô năm 1979.
http://namviet.net/blog-thoisu/csvn-thua-nhan-mang-16-tan-vang-vnch-cong-nop-cho-lien-xo/#.VfXVdZe5WM9
Hơn ai hết, giới chóp bu cộng sản biết rõ sự thật về 16 tấn vàng của VNCH, nhưng vẫn cố tình bịa đặt, bởi một hệ thống tuyên truyền dối trá nhằm vu cáo Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

Ngay cả tướng Văn Tiến Dũng dù biết rõ 16 tấn vàng của VNCH đã được đảng cộng sản Việt Nam chở về Hà Nội, nhưng trong sách ‘Đại thắng mùa xuân’, xuất bản năm 1976, Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng quân đội cộng sản Bắc Việt lúc ấy vẫn lập lại lời vu cáo: “Cho đến ngày 26 tháng 4, khi Thiệu và gia đình hắn đem 16 tấn vàng bạc, đô la, của cải vội vã chạy sang Đài Loan...”.

Tại Hoa Kỳ, TT Nguyễn Văn Thiệu đã nhiều lần lên tiếng thanh minh, xác nhận với đồng bào hải ngoại rằng ông không hề mang theo 16 tấn vàng, tài sản của quốc gia. Có lần người viết được nghe cố TT Thiệu nói với đài BBC rằng 16 tấn vàng chứ không phải là 16 chỉ vàng, nếu ông mang theo thì hải quan Đài Loan và hải quan nước Anh phải biết và lập biên bản.
TT Nguyễn Văn Thiệu đã phải chịu sự vu oan này suốt quãng đời lưu vong cho đến ngày nhắm mắt.

Người viết cũng đọc được bài viết của cựu đại tá Quân đội miền Bắc, ông Bùi Tín như sau:
“Trưa 30-4-1975, trong phòng lớn của Dinh Độc lập, sau khi tôi gặp và hỏi chuyện tướng Dương Văn Minh và ông Vũ Văn Mẫu, không khí dần dần bình thản. Ông Nguyễn Văn Hảo ghé tới nói nhỏ với giọng miền Nam, «Thưa tôi là Nguyễn Văn Hảo, phó thủ tướng đặc trách về kinh tế – tài chính, có chuyện cần trình bày riêng với các ông».

“Tôi cùng ông Hảo đến ngồi bên chiếc bàn nhỏ gần cửa sổ. Vừa ngồi xuống, ông Hảo nói ngay: «Chúng tôi vừa trao đổi với nhau, muốn nhờ ông báo ra ngoài đó là bọn này đã giữ lại hơn 16 tấn vàng không để họ mang đi, hiện để trong ngân khố, mong ngoài đó cho người vô nhận».

“Năm 1987, khi có dịp gặp ông Trường Chinh ở Đà Lạt, tôi kể lại chuyện này, ông (Trường Chinh) cho biết: «Tôi có biết chuyện này, nhưng hết sạch cả rồi, trong mấy năm khó khăn, cấu véo hết tấn này đến tấn khác, mua lương thực, nguyên liệu, nay còn gì nữa đâu!». Đây là câu duy nhất tôi nghe được về số phận của hơn 16 tấn vàng năm 1975, từ miệng một nhà lãnh đạo đảng CS..

**
Trả lời câu hỏi của báo Tuổi Trẻ về   16 tấn vàng VNCH được sử dụng ra sao, cựu thống đốc Ngân hàng nhà nước Lữ Minh Châu nói:
“Nó đã được bán ra quốc tế trong tổng số hơn 40 tấn vàng để giải quyết những vấn đề khó khăn cấp bách của quốc gia, trong đó có miếng ăn của người dân”.

Từ năm 1979, 40 tấn vàng đã được CSVN bí mật chở sang cống nộp cho Liên Xô, trong đó có 16 tấn vàng của VNCH. 24 tấn vàng còn lại là do cướp được của nhân dân miền Nam qua các chiến dịch đánh tư sản.

Trong bài “Thương Vụ Đặc Biệt: Bán Vàng!”, ông Nguyễn Văn Dễ, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank,  ghi lại trong cuốn Lịch sử Ngân hàng Ngoại thương VN như sau:
Chuyến hàng đầu tiên rời Hà Nội ngày 1-12-1979, số lượng 101 hòm, nặng 4.455kg. Sau đó là những hợp đồng giao vàng tái chế, vay mượn, cầm cố với số lượng hơn 40 tấn, bán và thu được trên 500 triệu USD”- 

Theo lời ông Dễ, sau năm 1975 VN rất cần ngoại tệ để giải quyết những nhu cầu cấp bách của quốc gia như mua lương thực, nguyên liệu, trả nợ quốc tế
đáo hạn phải trả... Đặc biệt là miếng ăn của người dân thiếu hụt đến mức phải ăn cả hạt bo bo chưa xay xát...

Cuốn Lịch sử Ngân hàng Ngoại thương ghi lại: “Kho vàng lúc ấy ngoài số vàng không đáng kể của miền Bắc (đơn vị tạ), Ngân hàng Nhà nước đã tiếp nhận vàng của chính quyền Sài Gòn và vàng của các nguồn khác. Số vàng tồn kho rất không “đồng bộ”: vàng thỏi của Anh mỗi thỏi nặng 12,7kg, vàng thỏi của Mỹ mỗi thỏi nặng 10kg. Các thỏi đều có mã riêng, nhãn hiệu, xuất xứ. Ngoài vàng thỏi còn có các loại vàng lá Kim Thành, các loại vàng vụn (kể cả nhẫn, vòng, kiềng)”.

Để bán số vàng thu được từ tài sản của VNCH, tại phiên giao dịch đầu tiên (có tính chất thăm dò) với Liên Xô thì được biết vàng giao dịch trên thị trường quốc tế phải là vàng thỏi chuẩn của Anh, Mỹ hoặc Liên Xô. Các loại vàng thỏi Anh, Mỹ có xuất xứ từ VN không thể tiêu thụ trên thị trường lúc ấy vì chính sách cấm vận gay gắt của Hoa Kỳ đối với VN.
Vì vậy, khoảng cuối năm 1979,  Ngân hàng Nhà nước ủy nhiệm Vietcombank ký với Liên Xô hợp đồng tái chế vàng theo tiêu chuẩn của Liên Xô, mỗi thỏi 1kg để dễ dàng tiêu thụ  trên thị trường thế giới.

Theo ông Nguyễn Duy Lộ, nguyên phó tổng giám đốc Vietcombank:
“Tất cả khoảng hơn 40 tấn, trong đó có 16 tấn vàng thỏi tiếp quản của ngân hàng VN Cộng Hòa, còn lại là các loại vàng khác nhau từ những nguồn khác. Ngay sau chuyến đầu tiên chuyển đi 4.455kg trong 101 hòm vào ngày 1-12-1979, chính phủ CSVN đã gửi công hàm đến Liên Xô đề nghị vay 100 triệu USD để dự phòng thanh toán nợ đáo hạn, trong khi chưa có nguồn thu xuất khẩu”.
Hiệp định vay 100 triệu USD thế chấp bằng vàng đã hoàn tất vào khoảng tháng 3-1980.

Những kiện hàng bí mật trên được vận chuyển qua hãng hàng không Nga Aeroflot.
Cũng theo tài liệu ghi nhận, khoảng năm 1988, Vietcombank đã chuyển trở về nước khoảng 2,7 tấn vàng còn gửi tại Liên Xô khi tình hình chính trị bất ổn tại Nga và đông Âu. Đặc biệt, khoảng 5,7 tấn vàng gửi tại Ngân hàng Thụy Sĩ cũng được VN chuyển về Tiệp Khắc. Họ đã bán giúp để VN lấy ngoại tệ sử dụng cho nhu cầu quốc dân. Trước khi Tiệp Khắc gặp biến động chính trị, khoảng 500kg vàng còn lại ở Tiệp cũng được chuyển kịp thời về nước.
Một nghi vấn đặt ra, 16 tấn vàng của VNCH được bí mật chuyển về Hà Nội có thật nằm trong số 40 tấn vàng bán sang Liên Xô hay không??. Căn cứ lời Tổng bí thư đảng CSVN Đỗ Mười đã xác nhận với cựu đại tá Bùi Tín:
“.... trong mấy năm khó khăn, cấu véo hết tấn này đến tấn khác, mua lương thực, nguyên liệu, nay còn gì nữa đâu hết sạch cả rồi !».

Lời xác nhận của một Tổng bí thư đảng không phải là lời nói vu vơ của một người không có trách nhiệm và không biết rõ sự việc. Như vậy, theo tôi 16 tấn vàng chiến lợi phẩm ấy đã được Bộ chính trị đảng “cấu véo chia nhau hết sạch cả rồi”. Để hợp thức hóa, xóa dấu vết vụ chia chác ấy, BCT đảng CSVN đã đưa tin 16 tấn vàng VNCH nằm trong số 40 tấn vàng đã vận chuyển sang Liên Xô vào tháng 12-1979. Sự thực 40 tấn vàng đó là số vàng thu gom qua các nguồn khác từ tài sản của người dân, đặc biệt của giới tư sản miền Nam.
Cộng Sản dám bịa đặt phao tin TT Thiệu “chở theo 16 tấn vàng cùng nhiều của cải khác chạy ra nước ngoài” thì việc họ thủ tiêu 16 tấn vàng, rồi loan tin đã chở sang bán cho Liên Xô là điều dễ hiểu, không có gì đáng nghi ngờ.

 Hà Việt Tĩnh

Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...