Song Nhị,
danh tính và vóc dáng quen thuộc trong sinh hoạt văn học nghệ thuật tại hải
ngoại gần 20 năm qua..
Sinh ra và
lớn lên tại quê hương Hà Tĩnh, mảnh đất miền Trung khô cằn sỏi đá, lại là đất
thiêng, sản sinh nhiều anh kiệt. Thi hào Nguyễn Du với Truyện Kiều, ngày nay
trở thành danh nhân văn hóa thế giới. Tác phẩm được chuyển ngữ hơn 40 thứ
tiếng, mang lại niềm hãnh diện cho dân tộc Việt khắp cùng trời cuối biển.
Song Nhị
thuộc dòng tộc Trần Kim, một trong những dòng tộc lớn, vào thế kỷ 17 (năm 1685)
đã có vị quan nhất phẩm thời vua Lê Hy Tông, với công lao phò vua giúp nước.
Vào lứa
tuổi học trò, niên thiếu, Song Nhị đã chạm mặt với bi kịch qua cuộc giảm tô và
cải cách ruộng đất tàn bạo, man rợ năm 1950 -51 đến 1956 do cộng sản miền Bắc
phát động. Sự việc xảy ra không từ đầu làng cuối xóm, không chỉ nghe nói, mà
xảy ra ngay tại sân nhà gia đình, nạn nhân chính thực máu thịt chính mình.
………...
…………
Sau đó, TKP
đã dẫn dắt khá đông thành viên dòng họ trốn qua Lào, tìm về miền Nam Tự do, dù
cuộc mạo hiểm đã gặp phải nhiều gian truân thử thách. Song Nhị tiếp tục sách
đèn, xong cấp Trung học, tiếp lên đại học tại Sài Gòn, và luôn kiên định lập
trường, xiển dương quan điểm quốc Gia thuần túy, đồng thời cảnh giác, đấu tranh
với những tổ chức thiên tả trong khuôn viên đại học Vạn Hạnh.
Năm 1967,
cuộc hội nghị tổ chức tại Đại học Vạn Hạnh, phe đăng cai, với tư cách Ban chấp
hành SV chủ nhà gửi thư mời ban chấp hành bốn đại học bạn, gồm Tổng hội
SVĐH Saigon, ĐH Cần Thơ, ĐH Đà Lạt, và
ĐH Huế. Thư mời do Chủ tịch Ban Chấp
hành SV Vạn Hạnh ký tên. Song Nhị được thư mời ghi rõ tham dự với tư cách
Trưởng Ban Báo chí. Chương trình nghị sự được thông báo trên thư mời có bốn
điểm vắn tắt:
1. - Thắt
chặt mối giao hảo giữa sinh viên các đại học
2. - Trao
đổi các đề án giáo khoa
3. -Trao
đổi báo chí
4. - Tổ chức giải thể thao SV liên Viện hằng
năm.
Đúng 8 giờ
sáng, trong phòng họp đã đủ mặt phái đoàn các ĐH Huế, Cần Thơ, Saigon, Đà Lạt.
Chủ tọa đoàn được Ban tổ chứ đề cử bằng cách giơ tay tán thành đơn giản, chẳng
có ai nghi ngờ. Phe chủ nhà là SV Vạn Hạnh đã kết hợp từ trước với nhóm SV Hồ
Hữu Nhật, chủ tịch Tổng hội SV Saigon. Khi buổi họp chính thức vào nội dung
thảo luận, chủ tọa đoàn đã làm cho hầu hết tham dự viên vô cùng sửng sốt khi
tuyên bố nghị trình thảo luận gồm có:
1. Nhận
định và thái độ của SV trước hiện tình đất nước.
2. Đòi hỏi
Hoa Kỳ ngưng oanh tạc miền Bắc và chấm dứt can thiệp vào nội bộ của miền Nam
Việt nam
3. Yêu cầu
Thiệu Kỳ từ chức.
4. Công
nhận Mặt trận giải phóng miền Nam
như một thực thể chính trị.
Cả phòng
họp nín thinh, mọi người im lặng như để dò xét phản ứng của nhau. Một không khí
khá nặng nề. Mới khoảng vài mươi phút trước đó còn tay bắt mặt mừng, bá vai bá
cổ, đến lúc bấy giờ là ngờ vực, xa cách, thủ đoạn. Và từ giờ phút đó, phòng họp
bắt đầu hình thành hai phe: Phe Tả và Phe Hữu.
Nhóm SV phe
Hữu mạnh mẽ yêu cầu hủy bỏ nghị trình chính trị, trở lại nghị trình văn hóa,
thể thao như đã ghi trong thư mời họp; đồng thời bày tỏ thái độ bất tín nhiệm
đối với chủ tọa đoàn. Tuy nhiên vì thiểu số, so với đám sinh viên thuộc các
phái đoàn không bày tỏ thái độ lập trường và số sinh viên phe tả áp đảo nên
cuộc thảo luận vẫn được tiếp tục.
Đến trưa,
nhóm sinh viên phe Hữu bỏ phòng họp ra ngoài để phản đối. Phe tả không ngờ và
không kịp đối phó. Cuộc tranh luận gay
go từ 8 giờ sáng đến hơn 10 giờ đêm mới đúc kết được một bản tuyên bố chung chỉ
có chữ ký của ba trưởng phái đoàn: Sài Gòn, Vạn Hạnh, Huế.
Cũng trong
năm 1967, để chuẩn bị cho cuộc tổng công kích tết Mậu Thân, nhóm SV thân cộng
tại Vạn Hạnh tổ chức bầu Ban chấp hành Tổng hội SV mới. Phe tả gồm SV thân
cộng, liên danh I. Phe hữu liên danh II do Song Nhị phối hợp điều động.
Kết quả
kiểm phiếu, Liên danh II chỉ hơn 1 phiếu. Ban tổ chức bầu cử tìm cách trì hoãn
công bố kết quả chính thức. Vài hôm sau, họ tuyên bố Liên danh II hơn một
phiếu, nhưng là “phiếu bất hợp lệ”.
Liên danh
II khiếu nại lên Hội đồng Viện, nhưng không được trả lời.. LD II bèn trương
biểu ngữ, xếp hàng trước hành lang viện Vạn Hạnh, tuyên bố tuyệt thực vô hạn
định. Sau ba ngày tuyệt thực, thầy Viện trưởng Thích Minh Châu từ trên lầu
xuống nói với SV của thầy: “Thứ bảy này có phái đoàn người Mỹ và tổ chức Asia
Foundation đến thăm trường, vì danh dự, thầy đề nghị ngưng tuyệt thực, giải
tán, sáng thứ hai thầy sẽ giải quyết theo nguyện vọng. Nhưng tuần sau Hội đồng
Viện thông cáo hủy bỏ kết quả bầu cử. !
Sau khi
thất bại công tác “Hội nghị hiệp thương” và bầu cử tại Vạn Hạnh, “Đêm Quang
Trung” đốt lửa trại phải dời từ Vạn Hạnh sang trường Quốc Gia Hành Chánh cũng
không đạt kết quả nào, và mục tiêu “Tổng công kích nổi dậy” Tết Mậu Thân hoàn
toàn bị vô hiệu hóa.
Đám SV cán
bộ Thành đoàn cộng sản Saigon - Gia định và nhóm thiên tả không nắm được Ban
chấp hành Tổng hội SV Vạn Hạnh, họ cay cú mất quyền lãnh đạo cả BCH tổng hội SV
Saigon, Song Nhị trở thành mục tiêu nhắm vào của phe tả với các biện pháp –
cách chức chủ bút Bán nghuyệt san Hướng Đi, gửi thư Nha Động viên Bộ Quốc phòng
nhằm thu hồi chứng chỉ hoãn dịch của Song Nhị, và có những đe dọa khủng bố trực tiếp vào bản thân Song Nhị.
Với quan
điểm, lập trường Quốc gia rõ rệt, Song Nhị đã tham gia tranh đấu khéo léo nhưng
không khoan nhượng, từ kinh nghiệm thu nhận qua quá khứ, và dù với cương vị,
hoàn cảnh nào, sứ mạng chống độc tài cộng sản cũng được nêu cao.
Tháng Tư
1975, định mệnh miền Nam
đã an bài, Song Nhị cũng chịu chung số phận lưu đày ra đất Bắc cùng với hàng
vạn chiến hữu VNCH.
Anh vẫn là
người tiên phong với ý thức phản kháng của một tù nhân, một nhân chứng, đồng
thời là người cầm bút. Trong trại tù tỉnh Thanh Hóa năm 1980, khi có ba người
bạn tù bị bắt đi trong giờ điểm danh vào
phòng giam, khí thế sôi động hơn 700 bạn tù toàn trại, mỗi phòng tụ họp
nhau hát những bài hát tranh đấu. Lúc đầu chỉ một tốp hợp ca, về sau hưởng ứng
cả buồng thành một đại hợp xướng.. Dấu hiệu đấu tranh bắt đầu. Sau ba ngày, lực
lượng công an tràn vào trại, mở cửa phòng giam, đọc lệnh, còng tay và trói dẫn
đi biệt giam một số. Và Song Nhị là một, bị kiên giam trong sáu tháng.
Song Nhị,
người đấu tranh đã trở thành người cầm bút, và là người cầm bút từ những cuộc
đấu tranh suốt quá trình dài từ niên thiếu đến trưởng thành...
Anh viết
khá nhiều, đủ thể loại, từ Thơ, Truyện, đến phiếm luận, phê bình.. Tác phẩm “50
Năm Cầm Bút” của một tác giả đã sống và viết, là nạn nhân, nhân chứng của chặng
đường lịch sử đất nước, không chỉ mang giá trị nội dung rõ nét, còn biểu lộ tư
duy và cốt cách của người viết. Song Nhị khát vọng nói lên Sự Thật, vì anh ý
thức thiên chức và phẩm hạnh của người cầm bút trong thế giới Tự Do, khác hẳn
với “bồi bút” của chế độ độc tài Cộng sản.
Viết lên sự
thật và dám nói sự thật, không dễ dàng, đơn giản, nếu thiếu lý tưởng, ý chí và
chẳng bao giờ dám vượt qua chính mình.
Sự thật,
tiếng gọi từ lương tri người cầm bút – Nếu anh không dám nói sự thật, thì sự
thật vẫn đeo duổi anh và đòi hỏi anh phải thực hiện. Nếu lịch sử hôm nay chưa
nói hết sự thật, thì thế hệ tiếp theo sẽ nắm tay lịch sử và chỉ cho bằng được
ngày mai.
Người cầm
bút kiên định, vô tư, không thành kiến cũng không thiên kiến. Lẽ phải trên hết,
không khuất phục trước một áp lực nào; cũng không dễ ngã vào vòng quyến rũ cơ
hội.
“50 Năm Cầm
Bút” thể hiện, bày tỏ trung thực nhiều vấn đề hôm qua và hôm nay, văn hóa và
văn học. Hy vọng bạn đọc tiếp cận tác phẩm để cùng cộng hưởng, chia sẻ với tác
giả.
Diên Nghị/ 17/4/2016