Saturday, July 9, 2016

‘Tuyển Tập Văn 50 Năm Cầm Bút’ - Người Việt WESTMINSTER, California



Ra mắt ‘Tuyển Tập Văn 50 Năm Cầm Bút’ của Song Nhị
July 8, 2016

Share on Facebook
Tweet on Twitter


                  Nhà văn Song Nhị (phải) ký tên vào tác phẩm của mình. 
                  (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

 WESTMINSTER, California (NV)  – Trưa Thứ Bảy, ngày 2 Tháng Bảy, buổi ra mắt “Tuyển Tập Văn 50 Năm Cầm Bút” của nhà văn thơ Song Nhị, được tác giả và một số thân hữu tổ chức tại hội trường Việt Báo, Westminster.

“Đây là tuyển tập thứ hai trong 10 tác phẩm của tôi. Riêng về tuyển tập văn thì tôi có chú ý đến hai cuốn, đầu tiên là ‘Nửa Thế Kỷ Việt Nam’ và ’50 Năm Cầm Bút.’ Quyển này, gồm những bài viết mà tôi gom góp lại được trong 50 năm, từ năm 1965, năm tôi bắt đầu vào nghiệp viết lách cho đến năm 2015,” tác giả nói với nhật báo Người Việt.

Ông cho biết thêm, “Bài viết của tôi thì nhiều, nhưng biển dâu thời cuộc đã làm tôi không còn giữ lại được bao nhiêu, và những gì tôi còn giữ lại được, cảm thấy tâm đắc thì tôi đưa vào tuyển tập này. Thực ra, tôi cũng không dám nói, tuyển tập này nói lên được những gì.”
Cũng theo nhà văn Song Nhị, trong tuyển tập này có nhiều thể loại. Thể loại thứ nhất là những bài phỏng vấn của đài VOA, của các chương trình nói về chiến tranh Việt Nam…

“Còn chương kế tiếp là chương về sáng tác, trong đó có tùy bút, có truyện ngắn hay một vài bài thơ tiêu biểu mà tôi đã sáng tác vào thời trai trẻ, cách đây 50 năm. Ngoài ra, còn có thêm nhiều chương về nhận định, phê bình, giới thiệu tác phẩm, biên khảo, tạp văn, hay nhưng bài phiếm luận… Dù hay, dù dở, thì quyển sách này cũng được gom góp từ tâm huyết hơn nửa đời người của tôi gởi đến đọc giả và xem như một lưu bút cho mình,” tác giả chia sẻ thêm.
Buổi ra mắt sách do xướng ngôn viên Như Hảo, Radio Mẹ Việt Nam, và ông Lê Văn Hải, chủ nhiệm tuần báo Thằng Mõ, San Jose, làm điều hợp chương trình.

Nhà văn Võ Ý, trưởng ban tổ chức, ngỏ lời chào mừng mọi người đến tham dự.
Ông Lê Văn Hải, thay mặt ban tổ chức, phát biểu: “Cách đây trên cả hàng trăm năm, một nhà thơ đã từng than: ‘Văn chương hạ giới rẻ như bèo.’ Đến bây giờ thì không biết là xuống cấp như thế nào, nhất là thời đại điện tử, nhấc ‘con chuột’ thì văn chương tràn ra như dòng suối, đọc không hết, không phải tốn tiền. Trong cộng đồng tị nạn của chúng ta, gần ba triệu người tản mát khắp nơi trên thế giới, những tác phẩm phát hành hầu như là không độc giả, nên tất cả những cây bút của hải ngoại, hầu hết phải nói là không có một cây bút nào sống với ngòi bút của mình, tất cả những người cầm bút, cầm bút để viết được chỉ nằm trong hai lý do mà thôi, một là đam mê, hai là lý tưởng. Và chính vì thế mới có buổi ra mắt sách thân mật ngày hôm nay,” ông Hải nói.
Ông nói thêm, “Chúng tôi là một phái đoàn từ Bắc California xuống đây, với các anh chị em nghệ sĩ của Nam California, tất cả chỉ để khuyến khích một người cầm bút liên tục nửa thế kỷ này.”

Ông Võ Ý giới thiệu quan khách và những nhà thơ, nhà văn, nhà báo đến tham dự.
Nhà văn Diên Nghị giới thiệu tác giả và tác phẩm.
Ông cho biết, nhà văn Song Nhị sinh ra và lớn lên trong vùng đất khô cằn nhất của miền Trung Việt Nam đó là quê hương Hà Tĩnh. Đất cằn, nhưng thiêng liêng cho nên sinh ra nhân kiệt.
“Song Nhị, từ đấu tranh để trở thành một người viết, và từ những cuộc đấu tranh đó để Song Nhị có những tài liệu, những điều mắt thấy tai nghe để trở thành một chứng nhân của thời đại, và ghi lại cho chúng ta ngày hôm nay. Điều mà chúng tôi trân trọng và cảm kích nhất đó là một ngòi viết của sự thật, là vì chỉ có sự thật, từ tiếng gọi của lương tri, mới giải quyết mọi vấn đề còn tồn tại. Ai là những kẻ né trách sự thật của lịch sử, ai không dám nói sự thật, người đó không thể lãnh đạo quần chúng,” ông Diên Nghị nói

          Đồng hương và thân hữu đến tham dự. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Cũng theo nhà văn Diên Nghị, nếu hôm nay nhà văn Song Nhị không nói sự thật của lịch sử thì thế hệ kế tiếp sẽ đứng lên nói.
“Hôm nay anh không dám nói sự thật của lịch sử thì anh sẽ bị ám ảnh bởi những sự thật ấy, và thế hệ kế tiếp sẽ lớn lên, bắt tay cùng lịch sử để hỏi cho ra sự thật. Cho nên hôm nay, Song Nhị đã viết được khá nhiều, viết bằng tâm huyết của mình, viết bằng sự thật, viết bằng cốt cách của một người viết văn chân chính, bằng một phẩm hạnh chân chính của người cầm bút,” ông Diên Nghị nói tiếp.

Vì thế, nhà văn Diên Nghị mới khẳng định, “Anh ta viết, anh ta để lại cho mai sau, bởi vì chính anh ta là nạn nhân, chính anh ta là người trong cuộc. Cho nên tôi nghĩ rằng, hôm nay, quý vị đã đến đây để tham dự buổi ra mắt sách này, và 50 năm của Song Nhị, quý vị sẽ tiếp cận với tác phẩm để có thể cảm thông, chia sẻ và mong rằng quý vị khích lệ cho tất cả những người còn tâm hồn, tất cả những người đã vì lẽ phải, vì sự thật và dám đứng lên làm những công việc, mà có lẽ quý vị đã từng ao ước.”

Sau đó, tác giả Song Nhị thay mặt gia đình “Cội Nguồn” chân thành cảm tạ quan khách, đồng hương và bạn hữu đến tham dự.

Diễn giả Cao Ánh Nguyệt, chủ nhiệm tuần báo Phụ Nữ California, San Jose, phát biểu.
“Vào những năm đầu đời, tôi đọc được những bài thơ tình yêu đôi lứa và tình yêu quê hương rất mượt mà, bay bướm của anh Song Nhị. Sau 50 năm cầm bút và trải qua những biến cố lịch sử của dân tộc và những năm tháng tù đày, sau đó, thơ văn của anh bây giờ không còn mượt mà nữa mà mang tính chất khắc khoải, trăn trở và mãnh liệt hơn, vì đó là những dòng văn và thơ tranh đấu,” diễn giả Ánh Nguyệt nói.

Cô nói thêm, “Song Nhị tranh đấu cho quê hương dân tộc và cho những lý tưởng của mình, đó là điều mà những người cầm bút luôn nghĩ đến. Tất cả những người lính VNCH đã chiến đấu vì lý tưởng tự do giờ không còn vũ khí, nhưng bây giờ chúng ta có một vũ khí sắc bén hơn mà Song Nhị đã nói với tôi rằng, vũ khí đó chính là ngòi bút. Vì chúng ta bắn một viên đạn có thể có một người chết, hay thậm chí có nhiều người chết, nhưng chúng ta bắn ra một tác phẩm, thì chúng ta có thể giết chết cả một thế hệ.”

Sau đó, còn nhiều diễn giả lên phát biểu.
Sau cùng là lời cảm tạ của ban tổ chức.
Xen kẽ chương trình ra mắt sách có phần phụ diễn văn nghệ với những tiếng hát thân hữu của nhà văn Song Nhị từ hai miền Bắc và Nam California.

Lâm Hoài Thạch/ Người Việt

Tuyển Tập 50 Năm Cầm Bút - Westminster, Nam California (Bình Sa)



Nhà Văn Song Nhị Ra Mắt Tuyển Tập 50 Năm Cầm Bút
08/07/201600:00:00 (Xem: 64)

Westminster, Nam California (Bình Sa)- - Tại hội trường Nhật báo Việt Báo 14841 Moran ST, Westminster, CA 92683 vào lúc 12 giờ trưa Thứ Bảy ngày 2 tháng 7 năm 2016, Nhà văn Song Nhị đến từ San Jose đã tổ chức buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật ra mắt “Tuyển Tập Văn 50 năm Cầm Bút”.

Mặc dù tại Nam California một buổi chiều thật bận rộn với nhiều sinh hoạt của cộng đồng, nhưng rất đông người tham dự.

Phái đoàn đến từ San Jose có Nhà Báo Thanh Thương Hoàng và Lê Diễm, Nhà văn, nhà thơ Diên Nghị, Tiến Sĩ Lê Đình Cai và phu nhân, Nhà thơ Ngọc Bích, Nhà báo Nguyên Trung, Nhà báo Cao Ánh Nguyệt, Nhà Thơ Hùng Vĩnh Phước và phu nhân, Nhà Thơ Ngọc Bách, Kim Thư, Nhà văn Nguyễn Thiệp (Tràm Cà Mau), KQ. Lê Văn Hải… Ông bà Luật Sư Nguyễn Công đến từ San Francisco.


Nam California ngoài quý đồng hương thân hữu còn có sự tham dự của Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân và phu nhân nhà thơ Mai Hương, Cựu Dân Biểu Nguyễn Lý Tưởng, Ông Thái Tăng Hữu, Hội Đồng Hương Quảng Trị, Bác Sĩ Võ Thanh Thời, Nhà Thơ Sơn Hà Vi, Đốc Sự, Nhà Thơ Phùng Minh Tiến, ông Đinh Bá Tân, ông Phan Bá Kỳ, ông Dương Văn Duân, Giáo Sư Tôn Thất Mạnh Lương, ông Nguyễn Đăng Sửu, Cô Thu Đào Hội Phố Núi, Họa Sĩ An Phong…

Điều hợp chương trình MC. Như Hảo và KQ. Lê Văn Hải.

Trước khi chương trình khai mạc, Nhà Văn Song Nhị và phu nhân đã ký tặng sách “Tuyển Tập 50 Năm Cầm Bút” đến quý đồng hương thân hữu.

Sau phần nghi thức chào quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ và phút mặc niệm. Tiếp theo KQ. Nhà văn Võ Ý, Trưởng Ban tổ chức lên cảm ơn tất cả quý vị quan khách, văn thi hữu và đồng hương đã hưởng ứng lời mời của Ban tổ chức đến tham dự buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật hôm nay. Trong lời chào mừng thật ngắn gọn đã được những người tham dự tưởng thưởng một tràng pháo tay thật lớn để cảm ơn Nhà Văn KQ Võ Ý.

Sau đó KQ. Võ Ý giới thiệu quan khách và đồng hương thân hữu tham dự.

Sau phần giới, Ban tổ chức mời Nhà Văn Diên Nghị lên giới thiệu tác giả. Trong phần giới thiệu Nhà Văn Diên Nghị cho biết: “Song Nhị, danh tính và vóc dáng quen thuộc trong sinh hoạt văn học nghệ thuật tại hải ngoại gần 20 năm qua..

Sinh ra và lớn lên tại quê hương Hà Tĩnh, mảnh đất miền Trung khô cằn sỏi đá, lại là đất thiêng, sản sinh nhiều anh kiệt. Thi hào Nguyễn Du với Truyện Kiều, ngày nay trở thành danh nhân văn hóa thế giới. Tác phẩm được chuyển ngữ hơn 30 thứ tiếng, mang lại niềm hãnh diện cho dân tộc Việt khắp cùng trời cuối biển.


Song Nhị thuộc dòng tộc Trần Kim, một trong những dòng tộc lớn, vào thế kỷ 17 (năm 1685) đã có vị quan nhất phẩm thời vua Lê Hy Tông, với công lao phò vua giúp nước.

Vào lứa tuổi học trò, niên thiếu, Song Nhị đã chạm mặt với bi kịch qua cuộc giảm tô và cải cách ruộng đất tàn bạo, man rợ năm 1950 -51 đến 1956 do cộng sản miền Bắc phát động. Sự việc xảy ra không từ đầu làng cuối xóm, không chỉ nghe nói, mà xảy ra ngay tại sân nhà gia đình, nạn nhân chính thực máu thịt chính mình…

Với quan điểm, lập trường Quốc gia rõ rệt, Song Nhị đã tham gia tranh đấu khéo léo nhưng không khoan nhượng, từ kinh nghiệm thu nhận qua quá khứ, và dù với cương vị, hoàn cảnh nào, sứ mạng chống độc tài cộng sản cũng được nêu cao.

Tháng Tư 1975, định mệnh miền Nam đã an bài, Song Nhị cũng chịu chung số phận lưu đày ra đất Bắc cùng với hàng vạn chiến hữu VNCH.

Anh vẫn là người tiên phong với ý thức phản kháng của một tù nhân, một nhân chứng, đồng thời là người cầm bút. Trong trại tù tỉnh Thanh Hóa năm 1980, khi có ba người bạn tù bị bắt đi trong giờ điểm danh vào phòng giam, khí thế sôi động hơn 700 bạn tù toàn trại, mỗi phòng tụ họp nhau hát những bài hát tranh đấu. Lúc đầu chỉ một tốp hợp ca, về sau hưởng ứng cả buồng thành một đại hợp xướng..


Dấu hiệu đấu tranh bắt đầu.
Sau ba ngày, lực lượng công an tràn vào trại, mở cửa phòng giam, đọc lệnh, còng tay và trói dẫn đi biệt giam một số.

Và Song Nhị là một, bị kiên giam trong sáu tháng.

Song Nhị, người đấu tranh đã trở thành người cầm bút, và là người cầm bút từ những cuộc đấu tranh suốt quá trình dài từ niên thiếu đến trưởng thành..

Anh viết khá nhiều, đủ thể loại, từ Thơ, Truyện, đến phiếm luận, phê bình.. Tác phẩm “50 Năm Cầm Bút” của một tác giả đã sống và viết, là nạn nhân, nhân chứng của chặng đường lịch sử đất nước, không chỉ mang giá trị nội dung rõ nét, còn biểu lộ tư duy và cốt cách của người viết. Song Nhị khát vọng nói lên Sự Thật, vì anh ý thức thiên chức và phẩm hạnh của người cầm bút trong thế giới Tự Do, khác hẳn với “bồi bút” của chế độ độc tài Cộng sản…

Người cầm bút kiên định, vô tư, không thành kiến cũng không thiên kiến. Lẽ phải trên hết, không khuất phục trước một áp lực nào; cũng không dễ ngã vào vòng quyến rũ cơ hội.

“50 Năm Cầm Bút” thể hiện, bày tỏ trung thực nhiều vấn đề hôm qua và hôm nay, văn hóa và văn học. Hy vọng bạn đọc tiếp cận tác phẩm để cùng cộng hưởng, chia sẻ với tác giả.”

Tiếp theo Tác Giả Song Nhị lên có đôi lời cảm tạ, trong đó có đoạn ông nói: “Thay mặt gia đình Cội Nguồn, cá nhân tôi và nhà tôi có mặt tại đây hôm nay xin chào mừng và cảm tạ sự hiện diện quý báu của quý liệt vị. Chúng tôi rất cảm kích trước tình cảm quý vị dành cho trong một buổi chiều cuối tuần của kỳ nghỉ lễ trọng đại: ngày lễ Độc lập lần thứ 240 của Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ, xứ sở mà chúng ta là công dân trên quê hương thứ hai này…


Xin cảm ơn Ban tổ chức, quý anh chị Như Hảo và chương trình Radio Mẹ Việt Nam, nhà thơ/ nhà văn Hương Giang, nhà văn/KQ Võ Ý, nhà báo/KQ Lê Văn Hải cùng các anh chị văn nghệ sĩ phái đoàn đến từ Bắc Cali và các văn nghệ sĩ Nam Cali.

Xin cảm ơn Việt Báo cùng các cơ quan truyền thông báo chí đã phổ biến tin tức và giới thiệu về buổi sinh hoạt hôm nay…”

Ông tiếp: “Tác phẩm đệ trình trước quý vị gồm nhiều thể loại, còn gom góp được và có lựa chọn, để lưu giữ như “một chút gì để nhớ”. Mỗi bạn đọc đều có một sở thích riêng. Có người thích thơ, có người thích truyện, có người thích biên khảo, có người thích nghị luận, có người thích nhận định, phê bình.. Quý vị sẽ lật giở từng chương theo sở thích.

Trong tập này có một bài thơ tôi viết từ năm 1962 vào tuổi học trò khi trái tim còn nồng nàn lãng mạn, Và bài tùy bút “Tình ca Nhập cuộc”, viết tại quân trường Thủ Đức. Không hiểu sao tôi vẫn đọc đi đọc lại rất nhiều lần bài thơ và bài tùy bút này, mà không đọc nhiều những bài khác trong tác phẩm. Có lẽ là do bài viết xuất phát từ cảm xúc thao thức của traí tim nên dễ đi vào long người và chính tác động và cảm xúc của tác giả.

Xin cảm ơn nhà văn Diên Nghị, người bạn văn đàn anh của chúng tôi đã nói về tác giả. Và xin cảm ơn GS Lê Đình Cai sẽ trình bày đến quý vị và độc giả về tác phẩm tuyển tập văn 50 năm.”

Xin cảm ơn hai diễn giả Cao Ánh Nguyệt, Võ Ý và hai MC điều hợp chương trình một cách sống động.

Sau đó GS. Lê Đình Cai lên giới thiệu về tác phẩm, Ông cho biết:

“…. hãy trực tiếp đón nhận tác phẩm này của nhà văn Song Nhị để chia sẻ cùng ông niềm khát khao được làm nhân chứng của Sự Thật và để được bảo vệ Sự Thật ấy, như đại văn hào Voltaire (1694-1778) đã từng nói: “I may disagree with what you have to say, but I shall defend, to the death, your right to say it”.

Nhà văn Song Nhị đã xuất bản được ba tác phẩm về thơ trước 1975. Sau năm 1975, tại hải ngoại, ông đã xuất bản được ba tác phẩm nữa về thơ – Tiếng Hờn Chiến Mã (Cội Nguồân California 1996, tái bản 2002), Về Lối Đi Xưa (Cội Nguồn 1999) và Tiếng Hót Loài Chim Di (Cội Nguồn 2002). Năm 2003 ông cho xuất bản tập Lưu Dân Thi Thoại (Khảo Luận Thơ, Cội Nguồn xb), cùng viết với nhà văn Diên Nghị. Tác phẩm “Lời Rao Giảng Của Thơ” của ông được xuất bản vào năm 2014, (NXB Cội Nguồn).

Riêng về văn, ông cho ấn hành tập bút ký tự truyện “Nửa Thế Kỷ Việt Nam” vào đầu năm 2010, tái bản vào tháng 8/ 2010; và mới đây “Tuyển Tập Văn 50 Năm Cầm Bút” do NXB Cội Nguồn ấn hành cuối năm 2015 tại California, Hoa Kỳ… Chính tác giả Song Nhị là người đã làm sống lại dòng chảy của thời gian đã qua, khơi lại nhịp thở của xã hội đương thời, lay động được những hồn ma ngủ quên trong nấm mồ oan khiên của lịch sử, dựng họ dậy để cùng ông lên tiếng thêm một lần nữa trước công luận thế giới về một giai đoạn tối tăm và bi thảm của lịch sử Việt tộc…”

“Tuyển tập Văn 50 Năm Cầm Bút” của tác giả Song Nhị dày đến 450 trang, gồm có tám chương, kể cả chương dẫn nhập, đề cập đến nhiều đề tài liên hệ đến sáng tác văn học, bút ký, tự truyện, khảo luận, tạp văn, phiếm luận…. mà người điểm sách chỉ gói trọn trong vài ba trang giấy thì làm sao mà nói hết những điều cần nói, dù đã giới hạn theo cách nhìn của một nhà giáo chuyên ngành sử học.

Cách hay nhất mà người viết xin được đề nghị với quý độc giả là hãy trực tiếp đón nhận tác phẩm này của nhà văn Song Nhị để chia sẻ cùng ông niềm khát khao được làm nhân chứng của Sự Thật và để được bảo vệ Sự Thật ấy, như đại văn hào Voltaire (1694-1778) đã từng nói: “I may disagree with what you have to say, but I shall defend, to the death, your right to say it”.

(Được biết trong phần giới thiệu tác phẩm GS Lê Đình Cai đã có một bài khá dài để giới thiệu chi tiết rất đầy đủ, nhưng vì bản tin có hạn nên chúng tôi chỉ trích một vài đoạn ngắn để đăng trong bản tin nầy.)

Tiếp theo cảm nghĩ của Nhà Báo Cao Ánh Nguyệt, Chủ Nhiệm/ chủ bút Phụ Nữ Cali Magazine.

Trong phần trình bày Bà đã làm cho những người tham dự say sưa theo dõi, Bà nói:

“Mọi Thứ Không Được Phép Kết Thúc. Và Đó Là

TUYỂN TẬP VĂN 50 NĂM CẦM BÚT của tác giả SONG NHỊ

.... Sau “Nửa thế kỷ Việt Nam”, Song Nhị lại tiếp tục cho ra mắt TUYỂN TẬP VĂN 50 NĂM CẦM BÚT, điều này chứng minh ông vẫn rất hăng say và bền bỉ trong sự nghiệp sáng tác của mình. Tôi thật sự không biết đúng ra nên gọi ông là nhà thơ hay nhà văn, nếu không lầm thì ông đi vào nghiệp viết mở đầu bằng những bài thơ TÌNH (không chỉ là tình yêu đôi lứa mà chữ Tình ở đây hàm chứa cả quê hương, làng mạc, gia đình...). Những bài thơ được làm khi chỉ vào lứa tuổi đôi mươi đầy nhiệt huyết, sôi nổi nhưng vẫn nhẹ nhàng, mượt mà với những trăn trở về cuộc sống và con người.

Thế nhưng với Song Nhị sau những biến động của thời cuộc và những năm tháng tù đày khổ nhục, thơ văn của ông đã trở nên đanh thép và quyết liệt hơn. Viết bây giờ hình như không còn là sự trang trải cô đơn muôn thuở của những người cầm bút, mà là sự khắc khoải của những kẻ cảm thấy mình bất lực trước những biến đổi tang thương của đất nước…

Cái tâm trạng của một người tù vừa được thả ra, ngơ ngác và thảng thốt trong cay đắng với những đổ vỡ trước mắt, tiếng kêu đau thương của thân phận là đây.

Tuy nhiên mọi thứ không được phép kết thúc. Ai đó đã từng nói: "Một viên đạn bắn ra có thể chết một người, thậm chí vài chục người. Nhưng một quyển sách viết ra đủ sức giết hay cứu cả một thế hệ..."

Cách mà nhiều người đã chọn là dùng ngòi bút để thay cho súng đạn. Tác giả Song Nhị đã tự hỏi “Đi đâu?” thì ông đã có câu trả lời là đi tìm tự do và đi theo con đường thơ văn mà ông đã chọn lựa. Bao nhiêu năm qua ông vẫn tiếp tục viết lách. Phải có sự kiên nhẫn và một sức chịu đựng nào đó, hay có thể tạm mượn một câu Kiều: "Đã mang lấy nghiệp vào thân, cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa".

Mà đã gọi là nghiệp thì khó lòng từ bỏ. Và cũng trả lời cho tâm trạng “Về đâu”?

Một lần nữa Song Nhị đã lựa chọn sự trở về với Cội Nguồn. Chỉ có nguồn gốc mới đưa ta trở về với quê hương và dân tộc.”

Xen lẫn chương trình có phần trình diễn văn nghệ của anh chị em Nghệ Sĩ thân hữu, trong đó có hát những bản nhạc phổ từ thơ Song Nhị.

Ban tổ chức mời mọi người một bữa ăn nhẹ để cùng thưởng thức văn nghệ trước khi chia tay.

Quý đồng hương thân hữu muốn có những tác phẩm của Song Nhị xin liên lạc tác giả:
Song Nhị (408) 209 0292 hoặc Email: songnhi.us@gmail.com
Nguồn: Việt Báo

Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...