Sunday, July 10, 2011

Quê Cha Đất Tổ - Một chuyến Hành Hương (1)














1.
Sài Gòn Và Những Đổi Thay
Khi gia đình tôi rời quê hương sang Mỹ theo diện H.O, có một bé gái vừa chào đời. Bé gái đó nay là một nữ sinh xuất sắc tại một trường Trung học ở Hoa Kỳ.

Với cuộc sống an bình, phẳng lặng, như cô gái ở tuổi tròn trăng kia, mười lăm, mười sáu năm ngó lại, qua lúc nào không hay. Nhưng như mấy người bạn tôi, sau năm 1975 lê lết mười sáu năm trong các trại tù cải tạo, khi sống sót trở về, ngó lại, mười sáu năm ấy là một khối nặng đè lên tâm, thân tưởng là bất tận. Thời gian – một ý niệm vô hình. Ý niệm thời gian tương đối, nhanh chậm, lâu mau thuộc phạm trù tâm lý.

Mười sáu năm xa đất nước, nửa thế kỷ xa xóm làng – quê hương của tuổi thơ, nơi chôn nhau cắt rún, tôi trở về hành hương quê cha đất tổ, với tâm trạng của một kẻ “lạc loài”. Tôi không có cái nao nức nhìn lại những đổi thay. Tôi thản nhiên bước lên chiếc phản lực khổng lồ. Sau mấy chặng bay, phi cơ sà xuống trên bầu trời Tân sơn Nhất, ánh nắng miền nhiệt đới phủ trên những mái nhà tôn, nhà ngói như hững hờ với khách phương xa. Xuống phi cơ, xong thủ tục hải quan, đẩy xe hành lý ra ngoài, một đoàn người trên hai chục, gồm anh chị em và những đứa cháu trong gia đình thân thuộc, ùn tới chào hỏi, choàng ôm, tay bắt mặt mừng, đón một người biền biệt mười sáu năm trở lại.

Con người nếu không có gia đình, họ sẽ lạc lõng biết chừng nào! Nỗi bơ vơ, cô quạnh sẽ vô cùng khủng khiếp. Người ra đi mong buổi về tổ ấm. Kẻ ở lại chờ đợi phút đoàn viên. Nhiều anh chị, em tôi ràn rụa nước mắt, mấy đứa cháu tôi rưng rưng dòng lệ. Thật là cảm động giây phút trùng phùng. Tôi không biết gì xung quanh, ôm bó hoa lên taxi về nhà trao tặng lại bố tôi, ở tuổi đời 97, bao năm như trông ngóng, chờ đợi “đứa con hoang” trở về. Có phải tôi là đứa con đi hoang? Hay là người buộc phải tha phương biệt xứ?

Mẹ tôi, người đã từng chịu những trận roi đòn trong cuộc đấu tố năm 1955, một đời mẹ vất vả gian lao, tận tụy với chồng, con. Người đã dành tất cả thương yêu cho con cái, và tôi là người được mẹ cưng chiều từ bé cho tới ngày “mãn tù ” đem vợ con rời xa xứ sở. Mẹ tôi mất bảy năm trước đây. Một sự trắc trở vô hình ngăn tôi về thọ tang mẹ, cho đến mười sáu năm sau, tôi mới được đứng trước phần mộ Mẹ mà nói lời tạ tội.

Không có một mệnh lệnh hay một lời nào cấm cản, nhưng xung quanh tôi nhiều lắm, bao người chưa có một lần quay lại cố hương. Có một bức tường tâm lý, chính kiến, ý thức hệ sừng sững ngăn cách họ.

Để chuyến tìm về được suôn sẻ cho một cuộc hành hương, trong hai tuần lễ tôi dành trọn cho gia đình, người thân, đền thờ, lăng miếu tổ tiên. Chuyện “thiên hạ sự ”, nói tới lợi ích có là bao, chỉ là những đối tượng mù mờ. Thiên hạ đua nhau tìm giàu sang phú quý, kiếm tiền bằng bất cứ thủ đoạn nào. Kẻ giàu – giàu “xiêu vách đổ tường”, người nghèo – nghèo xác xơ, tận mạt.

Nửa thế kỷ trở lại vùng quê, ruộng đồng vẫn từng ngăn ô, trên đồng cạn, dưới đồng sâu, con trâu đi trước, cái cày theo sau. Những cô gái quê, những bà mẹ, những người nông dân vẫn lam lũ, chân bùn tay lấm trồng tỉa hoa màu, cấy cày dăm ba sào lúa, hy vọng trong năm không đói, thiếu.

Có người hỏi tôi “Ông thấy đất nước thế nào? Sài Gòn thay đổi nhiều không?

Tôi không biết trả lời thế nào cho vừa ý họ. Tôi liên tưởng tới đất nước và những thành phố lớn của các quốc gia Đông Nam Á như Mã Lai, Singapore, Thái Lan, Nam Hàn … trước năm 1975 họ đi sau Sài Gòn rất xa, thế mà giờ này Sài Gòn tụt lại sau họ cả trăm năm. Sài Gòn giờ đây có nhiều cao ốc mọc lên lởm chởm, rải rác trên những con đường, tạo thành một cấu trúc tổng thể rời rạc, luộm thuộm.

Với dân số trên tám triệu người, số đông sử dụng xe gắn máy. Tất cả mọi con đường, xe gắn máy tràn ngập, chạy dọc ngang, xuôi ngược, vô kỷ luật, bất kể nguyên tắc an toàn tối thiểu. Làn sóng người, khói xe, bụi bặm đổ đầy trên mọi nẻo đường Sài Gòn, tạo cho thành phố này một bộ mặt ngột ngạt đến chóng mặt, khó thở, bất an... Phần đông người lái xe gắn máy đều trang bị tấm che mặt, bịt miệng, bịt mũi, doi mu an toan.

Sài Gòn bây giờ không tìm thấy hình ảnh những cô thiếu nữ trên yên xe đạp, với tà áo dài phất phơ trước làn gió nhẹ, buổi sớm mai, buổi trưa chiều, khi đến trường, khi tan học. Tôi mường tượng nhớ về những ngày rời bục giảng ra về nhìn thấy những “đàn bướm trắng” rợp trời trên dọc dài con đường Phan Thanh Giản từ các trường Trung học Pham Sào Nam, Văn Học, và Gia Long, Lê Bảo Tịnh... Các cô gái ngày nay mặt che kín, dau doi mu “phi hanh gia”, mang bao tay, chân đi giày vải, lạng lách trên yên xe Honda, Yamaha và các hiệu xe khác, hối hả chạy đua với thời gian, với nhịp sống ồn ã, bon chen... Còn đâu “Hòn Ngọc Viễn Đông”, một thời hoa mộng!

Mang tấm bịt mặt, đeo khẩu trang hình như đã trở thành quán tính của các cô gái Sài Gòn. Trên chuyến bay từ thành phố này ra Vinh, sang Đài Bắc, vài ba cô vẫn giữ nguyên tấm khẩu trang che miệng. Hình ảnh lạ này không bao giờ tìm thấy nơi nào khác.

Có người nói với tôi tình trạng xe cộ bất kể quy luật an toàn, trước hết phải nói nhà cầm quyền vô trách nhiệm, thiếu năng lực điều hành. Người ta buông thả hoặc dễ dãi cho các tệ đoan xã hội, nhưng lại khắt khe, chặt chẽ với những nhà báo, những nhà hoạt động dân chủ, những thanh niên, sinh viên yêu nước chống Trung quốc cướp đất, cướp biển, lấn đất, bắn giết đồng bào ngư dân.
Có những đêm ngồi xem ké TV ở nhà, hay ở khách sạn, tôi chợt không tin vào mắt mình khi nhìn thấy trong một chương trình quân đội, tất cả những người lính trong màn diễn tập đều mặc đồ “rằn ri”. Một hôm tôi nhìn thấy một tốp “bộ đội” mặc quân phục hoa dù. Tôi nhìn kỹ thì đó là loại quân phục của binh chủng Biệt Động Quân QL/VNCH trước 75. Nhớ lại, sự đổi thay này là tất yếu của xu thế thời đại. Sau khi mã quy” (Mỹ qua), và sau khi “ôm chân đế quốc”,  mấy năm qua Hoa Kỳ đã huấn luyện cho các binh chủng VN, kể cả Cảnh sát dã chiến, an ninh, tình báo… Số học sinh VN du học Mỹ đứng vào hàng thứ tư trên toàn thế giới.

Câu hỏi “ông thấy đất nước thế nào?”.
Không phải một người mà hàng triệu người trong nước và ngoài nước đều thấy những đổi thay cực kỳ to tát của xã hội Việt nam ngày nay: đó là nạn tham nhũng tràn lan từ trên xuống dưới, từ trung ương đến địa phương. Tất cả mọi giao tế xã hội, mọi tiếp xúc giữa người dân và công quyền, người cần việc, muốn được việc phải thông qua đút lót, hối lộ, tiền, quà cáp, bao thư… Một xã hội không còn thủ tục hành chánh vô tư, lương thiện. Những kẻ cầm quyền từ chóp bu ăn cắp của công, hối mại, tham ô, ăn chơi trác táng, bất chấp sỉ diện.

Quốc thể ô nhục vì những vụ phanh phui hối lộ, ăn cắp ngân khoản từ các dự án đầu tư với nước ngoài. Xã hội VN ngày nay đang hiện diện một lớp tư bản đỏ, nắm trong tay hàng tỷ, hàng trăm triệu đô-la, sống một cuộc sống vương giả, quyền uy, ăn chơi trác táng hơn bất cứ loại quan quyền nào dưới các triều đại phong kiến, thực dân, hay thời VNCH mà trước kia họ từng lên án, là phong kiến, đế quốc, “Mỹ Ngụy”...

Tất cả những sự kiện mà mọi người nhìn thấy như đã nói chính là sự thay đổi lớn lao của VN ngày nay kể từ sau ngày 40 tháng Tư 1975.

Ngoài những thay đổi như vừa nói, bộ mặt xã hội, đường sá, nhà cửa, trộn lẫn giữa giàu và nghèo, giữa văn minh và lạc hậu. Một bộ mặt tổng thể xộc xệch, nham nhở… bên cạnh những tòa cao ốc là là những dãy phố cũ kỹ, đen đúa, nghèo nàn. Ra khỏi trung tâm Sài Gòn vài ba cây số, dọc theo xa lộ Biên Hòa cũ (nay gọi là xa lộ Hà Nội), người ta thấy mọc lên lởm chởm những cao ốc của các công ty nước ngoài, một số restaurants, xen lẫn là những mái nhà lợp tôn, vách che cũ kỹ, hư nát, như những túp lều nhỏ thấp, tồi tàn, dơ bẩn. Trên mái lợp cắm những lá cờ đỏ bụi bặm, ủ dột tưởng như đồng điệu với những phận người bất hạnh trước sự giàu sang của lớp người quyền thế.
Trong khi đó, số đông giới trẻ – lớp tài nguyên nhân lực của đất nước –  đang bị ru ngủ với điện thoại cầm tay, các tiện nghi hiện đại và rượu, bia, ăn nhậu, chơi bời, miễn là “phi chính trị”.

30 tháng 4-1975, cơ hội ngàn năm một thưở cho một sự hàn gắn chia rẽ hận thù Nam Bắc, đoạn tuyệt với quá khứ, từ bỏ chủ nghĩa ngoại lai, hòa hợp hòa giải, hàn gắn tình tự dân tộc, trở về với truyền thống “lấy chí nhân thay cường bạo” của cha ông thì chắc chắn Việt nam ngày nay đã bắt kịp đà phát triển của các nước trong vùng.

Tôi vẫn băn khoăn đến bao giờ đất nước đổi thay, lấy lại trật tự xã hội, vãn hồi luân lý, đạo đức mà ít nhất phải mất nhiều thế hệ bằng một sự giáo dục cặn kẽ, nghiêm khắc. Và đến bao giờ sẽ xóa mờ được lằn ranh chính kiến - như lửa với nước - giữa người cộng sản cầm quyền và một bộ phận khá đông người dân trong nước, bị nhồi sọ, tuyên truyền một chiều với trên ba triệu người Việt ở hải ngoại không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản? Việt Nam sẽ mãi mãi đu đưa giữa hận thù, chia rẽ, chận bước đi lên của đất nước khi chưa giải tỏa được những vấn nạn này.

Cơ hội của tháng Tư, Bảy mươi lăm đã vuột khỏi tầm tay khi người cộng sản mù quáng, đầy nghi kỵ, tham lam quyền lực, sùng bái chủ thuyết ngoại lai, phi dân tộc.

Với chủ trương áp đặt chủ nghĩa cọng sản lên cả nước, phát động chiến tranh, gây bao nhiêu đổ vỡ, tang tóc, Việt nam đã mất hơn bảy mươi năm, kể từ thập niên 1930. Sau những chiêu bài chống phong kiến, thực dân, đế quốc, chống “Mỹ Ngụy”, hao tổn hàng triệu sinh linh, đất nước tan hoang, tình tự dân tộc, bắc nam chia rẽ, phân hóa, để rồi cuối cùng trở lại học đòi, rập theo khuôn mẫu những gì mà người Quốc gia miền Nam đã thành tựu.

Việt Nam ngày nay là một trong bốn quốc gia còn sót lại, là tàn dư của chủ nghĩa cộng sản đang bám vào một mớ lý thuyết pha trộn nghịch ngược – cộng sản với kinh tế thị trường – để duy trì quyền hành bằng một chế độ độc đảng.

Nhiều người tin rằng người cộng sản hôm nay đã nhìn thấy sai lầm và nhận ra hậu quả của nó, nhưng đến bao giờ thì họ xin lỗi lịch sử, dân tộc và can đảm “chia tay ý thức hệ”? Thực hiện khối đoàn kết dân tộc, kiến tạo quốc gia giàu mạnh.

(Còn nữa. Xem tiếp kỳ sau)

No comments:

Post a Comment

Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...