Sunday, July 10, 2011

Quê Cha Đất Tổ - Một chuyến Hành Hương (2)


2.
Dưới khung trời quê xưa
Một ngày sau khi về tới nhà, tôi bắt đầu tham dự những buổi họp mặt thân tình đã được gia đình sắp xếp trước. Cuộc hội ngộ gia tộc nếu quy tụ được hết, có cả gần vài trăm người đang cư ngụ trên bốn vùng trái đất: Á, Âu, Úc, Mỹ. Lần này không có hẹn hò sắp đặt mà cả bốn... châu cùng về lại dưới một mái nhà, như truyền ngôn của người xưa “ngũ đại đồng đường”. Cụ ông 97 tuổi, khỏe mạnh, minh mẫn, là ông sơ, ông cố, ông nội, ông ngoại, là cha của bốn thế hệ chúng tôi, ngồi nhìn mấy chục đứa con, cháu, chắt, chiu quây quần rộn rã, vui tươi chúc thọ cụ. Trước hạnh phúc này chúng tôi quên đi tất cả.

Tuần lễ thứ hai sau đó, một “phái đoàn” gia đình chúng tôi gồm mười người, lớn tuổi nhất 97, nhỏ tuổi nhất - đại diện thế hệ thứ ba, ba mươi tuổi, “bao” một góc phi cơ bay về khung trời xưa cũ của tuổi ấu thơ, đầy ắp những kỷ niệm, buồn nhiều hơn vui, khổ đau nhiều hơn hạnh phúc. Chiếc xe bao chở đoàn, đón khách từ phi trường Vinh chạy về thị trấn Hương Khê. Từ Quốc lộ I, xe rẽ qua đường mòn HCM, từ huyện Đức Thọ, qua Vũ quang, Hương Khê vào Phúc Trạch, Quảng Bình... Đường tráng nhựa, một lane mỗi chiều, cải biến thành trục lộ giao thông Bắc Nam. Đến thị trấn, xe dừng lại, đoàn nghỉ tại khách sạn Trường Sơn. Khách sạn ngoảnh mặt ra hồ Bình Sơn. Hồ rộng bao la, mặt nước trong xanh, cảnh trí khá thơ mộng. Một số người cho rằng Bình Sơn đẹp hơn Hồ Hoàn Kiếm. Tôi đã từng đứng ngắm cả hai phong cảnh đó nhưng không so sánh được.  Tôi cảm nhận hồ Bình Sơn là quà tặng quý báu của thiên nhiên dành cho vùng quê xa biển, gần rừng này.

Đền Trăm Năm:
Đêm khách sạn khá tĩnh mịch. Tiếng máy lạnh xè xè, tiếng muỗi vo ve, mọi người trong đoàn sau một hành trình dài, ngủ đầy một giấc. Bốn ngày ở lại dưới khung trời quê cũ, bà con thân thuộc, họ hàng xúm xít chào mời. Đoàn ưu tiên tất cả cho những chuyến thăm viếng, hành hương, thắp nhang, dâng cúng tổ tiên ở nhà thờ họ. Đoàn đi viếng các nghĩa trang, nơi cải táng, quy tụ mộ phần các đấng tiên linh.

Giếng đền Trăm Năm
Hơn nửa thế kỷ, giòng họ, gia đình chia ly, tan tác, những đứa con, cháu, chắt mấy đời tán lạc khắp nơi tìm về nguồn cội tổ tiên. Tôi được tham dự lần đầu một buổi họp mặt bà con sau lễ cúng ở nơi ngôi nhà thờ họ, được trùng tu, xây cất lại trên đất hương hỏa cuối thập niên 90, như một di tích văn hóa.

Một quãng đường dài khoảng năm cây số đang được đổ đất, mở rộng, lồi lõm, đầy ổ gà, “hố voi”, cồn cạn… chiếc xe chồm qua nặng nhọc, chở đoàn đến viếng ngôi mộ thủy tổ dòng họ, vị quan nhất phẩm thời Lê triều (đời vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa 1685) được sắc phong vị hiệu “Tiền Tướng Thần lại Trần Tướng Công Nhập thị Nội điẹân, hiệu Bố Nghệ Công”. 
  
Một góc thành Sơn Phòng
                                             
Phú Gia, vùng quê - do vị thủy tổ họ Trần thiết lập từ thế kỷ 17 - đoàn trở lại hành hương có  nhiều đền đài, chùa miếu, phần lớn đã bị đập phá hư hại trong thời kỳ Việt minh từ năm 1945 đến 1954 và những năm sau đó. Trong phong trào “hợp tự”, nhiều đền miếu được tháo gỡ, rước về thờ chung trong một ngôi đền. Tất cả đồ thờ tự bỏ phế ngoài mưa nắng, thời gian đã làm hư hỏng hoàn toàn.
Chuyến hành hương bắt đầu từ Đền Trăm Năm, miếu thờ Công chúa Liễu Hạnh, thiết lập từ thế kỷ thứ 17, với một giếng sâu, miệng giếng rộng nhiều chục mét, có nhiều truyền tích, huyền thoại linh thiêng. Khu đền rộng nhiều mẫu với rừng cây cổ thụ, không bị “hợp tự” năm 1949, nhưng trong cuộc chiến Bắc Nam, được dùng làm nơi đóng quân, bị máy bay Mỹ ném bom. Tiếp đó cả rừng cây bị đốn lấy gỗ, làm củi, trơ lại quãng đất không, ngôi đền đổ nát, giếng nước rêu phong. Dân trong vùng không một ai dám múc nước về dùng, dù thiếu nước trong những năm hạn hán.
Sau chủ trương đổi mới, khu đền thờ này được công nhận là một di tích lịch sử, được cấp ngân khoản nhiều chục tỷ đồng để bảo tồøn và phục hồi toàn bộ công trình bị phá hoại.
                                                      
Phú Gia còn có Sơn Phòng, địa danh này ít được nhắc đến, nhưng nay đã được công nhận là một di tích lịch sử, được cấp ngân khoản để trùng tu, tái tạo.
Theo sách “Phú Gia, Lịch sử, Sự tích” (Đông A Phúc Nhạc, 2001), trước khi vua Hàm Nghi bỏ thành Phú Xuân xuất bôn chống Pháp, ngài hạ chiếu đặc phái một quan đại thần cùng một đội binh lính tới Phú Gia, hỗ trợ Phong trào Văn Thân, lập đồn Sơn Phòng chống Pháp.

Đồn có một thành lũy bao bọc bốn mặt, bốn cửa: Đông, Tây, Nam, Bắc. Phía ngoài xung quanh thành lũy, một đường hào khoảng năm mét chiều sâu và năm mét chiều rộng. Hiện nay hào đầy nước trong xanh, trên mặt thành người ta trồng cây cối xum xuê. 

Năm Đinh Hợi, tháng 2-1887, khoảng nửa đêm, đoàn ngự bôn vua Hàm Nghi tới Phú Gia ngự trú một đêm tại đền Công Đồng. Sáng hôm sau ra đi, tới đại bản doanh ở Quảng Bình thì bị tên đội trưởng cận vệ Trương Quang Ngọc phản bội, bắt vua Hàm Nghi giao cho Pháp. Cuộc kháng chiến của vua Hàm Nghi bị dập tắt từ đó.

Đồn Sơn Phòng sau khi hoàn tất được trang bị hai khẩu súng Thần công và hai con voi. Một con có sợi dây nịt bằng vang y. Sau ngày vua Hàm Nghi rời Phú Gia, binh lính đồn Sơn Phòng cũng rút đi. Trước lúc đồn rút, hai khẩu súng thần công được chôn giấu bên bờ thành. Khi bị phát hiện, đồn Pháp ở Chu Lễ lấy về đặt trước cửa đồn. Hai con voi tự động trốn vào rừng trước ngày đồn rút. Năm 1948 một người thợ săn tên là Bộ Điền bắn hạ con voi (còn mang dấu vết dây nịt vòng quanh lưng với cặp ngà rất lớn) tại vùng núi Vũ Quang. UBND Huyện Hương Khê nghe tin đã đến thương lượng đổi năm tạ thóc lấy cặp ngà voi này.

Theo dân địa phương, công trình trùng tu, phục hồi đồn sơn Phòng đang được bắt đầu khởi công. Đoàn sau khi đến thắp hương tại đền Công Đồng, cũng tới thăm, dạo xem phía ngoài thành Sơn Phòng.
Ngọn Giăng Màn và thác Vũ Môn

Trên đường đến hành hương một ngôi đền ở Trại Trụ, chúng tôi nghe kể lại những chuyện linh thiêng huyền bí và lai lịch ngôi đền. Ngôi đền này nay cũng đã được đưa vào danh mục là di tích lịch sử để trùng tu, bảo tồn. Đền tọa lạc sâu trong rừng, xe phải leo dốc, qua một đoạn đường đèo chênh vênh, phía dưới là lũng sâu thăm thẳm. Tại đây hàng ngày có những gia đình dân địa phương đến cúng vái, cầu con, cầu phúc. Thỉnh thoảng một vài đoàn khách xa đến du lịch.

Đi qua Trại Trụ, lên cao thêm một quãng đường dài là ngọn núi Giăng Màn. Theo sách Địa lý của Giáo sư Tăng Xuân An (Sài Gòn trước 1975), Giăng Màn là ngọn núi cao thứ hai sau Hoàng Liên Sơn. Từ trên đỉnh núi, ngọn thác Vũ Môn –  nước đổ xuống, như một giải lụa trắng kéo những đám mây bạc trải lên thảm rừng xanh mênh mông, nối liền trời với đất. Tuổi thơ chúng tôi thường ước mơ được đến đó để xem những nàng tiên nhảy múa, để được thấy những con cá chép thi nhau vượt thác, hóa rồng bay lên trời, như huyền thoại người lớn kể cho nghe.

Người hướng dẫn đoàn cho hay trong hai năm nữa, một “xa lộ” sẽ chạy thẳng lên đỉnh ngọn Găng Màn và thác Vũ Môn trong dự án biến nơi này thành một khu du lịch.

Khu di tích, tưởng niệm Nguyễn Du.
Khu tưởng niệm Nguyễn Du (Ảnh Kim Vân)

Khu tưởng niệm Nguyễn Du (Nhìn ra cổng). Ảnh Hà Viết Tịnh
Nửa ngày trước khi bay trở lại Sài Gòn, chuyến hành hương được kết thúc với thời lượng hai giờ viếng thăm khu tưởng niệm Thi hào Nguyễn Du. Cô gái hướng dẫn đoàn thăm các di tích cho biết tổng quát, khá rành mạch về khu di tích này. Khu tưởng niệm trải dài trên xã Tiên Điền, bao gồm một quần thể các di tích của dòng họ, không riêng Nguyễn Du.

- Một đàn tế và bia Lễ bộ Thượng Thư Nguyễn Quỳnh là ông nội của Nguyễn Du, được Nguyễn Nghiễm, thân phụ Nguyễn Du dựng vào triều đại Cảnh Hưng, năm 1762. Năm 1954, theo người hướng dẫn, nền bia bị máy bay Pháp bỏ bom, hư hại, sau con cháu tu sửa lại.

Đoàn được hướng dẫn dẫn đến xem tiếp:
- Một cây muỗm (cây xoài) cổ thụ, khoảng 300 năm do Nguyễn Quỳnh trồng, với một cây Bồ Lỗ và một cây Rói. Ba cây này cụ Nguyễn Quỳnh trồng để ba người con trai cụ là Nguyễn Huệ, Nguyễn Nghiễm và Nguyễn Trọng, theo lý số cụ biết về sau sẽ đậu đạt làm quan to, về thăm cụ, có chỗ cột ngựa.
- Nhà Tư Văn có từ đời vua Lê Thần Tông (1732-1735), trước đó gọi là Văn Thánh, thờ Khổng Tử. Sau năm 1735, đời vua Lê Y Tông, dòng họ Nguyễn Tiên điền nổi lên, phát đạt, Văn Thánh thuộc về dòng họ Nguyễn và Quận công Nguyễn Nghiễm cho đưa về dựng tại khu vườn của ông tổ họ Nguyễn. Tài liệu của khu di tích có ghi: “Theo truyền thống tốt đẹp của dòng họ về mặt văn chương, ngôi nhà này là nơi các tao nhân mặc khách bình thơ, bình văn. Những người vào đây đều là ‘Phượng trì long bảng’, từ Tú tài trở lên…. Nhà Tư văn cũng là nơi thờ ‘Đạo Học’ của huyện Nghi Xuân”.
- Nhà lưu niệm, sảnh chính là nơi trưng bày thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Du. Bước vào, khách thẩn thờ dừng lại, đứng trước chữ “TÂM” mà ngẩn ngơ liên tưởng đến “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”, với bao nhiêu đảo điên ngoài xã hội, xưa và nay! Trong nhà trưng bày, các hiện vật không nhiều. Có mấy quyển sách bằng chữ Hán hay Nôm, người xem không ghi nhận kịp, phải theo đoàn và cô hướng dẫn. Có nhiều hình ảnh treo trên tường như để trang hoàng, minh họa.
Bước lên lầu, đặt giữa gian nhà rộng là một “cuốn thư pháp độc bản Truyện Kiều”, người hướng dẫn cho biết, nặng 75 kg, bề ngang 1,20m, bề dọc 1,60m do một người có tên là Nguyệt Đình thực hiện. Không ai được xem trang nào để hình dung được nét thư pháp trong “sách”, vì –  cô hướng dẫn viên nói, “máy đã hỏng”. Khách được hướng dẫn đi thăm các di tích khác, trước khi ghé lại văn phòng mua quà lưu niệm và một vài chai rượu để đến ngôi mộ rót... mời thi hào.

- Đền thờ Nguyễn Nghiễm (thân phụ Nguyễn Du) ở thôn Bảo Kê. Sau khi mất, Nguyễn Nghiễm được triều đình phong “Thượng Đẳng Tôn Thần”, “Huân Du Hiến Đô Đại Vương”, hàng năm quốc gia làm lễ tế. Đền có khắc tấm biển lớn do Chúa Trịnh viết: “Phúc lý Vĩnh tuy” (Phúc ấm lâu dài). Một tấm bảng khắc bốn chữ “Dịch Tế Thư Hương” (dòng hương thư đời nối đời) do Đức Bảo, sứ thần nhà Thanh đề tặng. Một bảng khác “Quang tiền du hậu” (Đời trước rạng rỡ thế hệ sau phúc ấm) do Tô Kính, người Viễn Đông (?) đề tặng. Năm 1954 bom Pháp đánh trúng nhà thờ, thượng điện bị hỏng hoàn toàn.
Nguyễn Nghiễm mất năm 1776, thời Tây Sơn. Mộ được Nguyễn Khản, đang làm quan ở triều đình xin về nuôi cha ốm bệnh, theo di huấn để lại, mộ được con cháu táng chìm. Sau khi Nguyễn Khản mất, không ai biết mộ ở đâu. Sau nhiều năm mưa gió xói mòn, mộ phần lộ ra, con cháu trong dòng phát hiện, hàng năm cúng tế. Năm 1993, một Việt kiều ở Mỹ về thăm, tặng 25 ngàn Mỹ kim, huyện Nghi Xuân và con cháu xây thành bao quanh, dựng bia, mở đường vào mộ khang trang.

Đền thờ Nguyễn Trọng, chú Nguyễn Du ở thôn Thuận Mỹ, xã Tiên Điền, khang trang, sáng đẹp. Đền có treo câu đối:
Nga nga địa vọng sơn chi Bắc
Diễm diễm thiên tài đẩu dĩ Nam
(Địa vị nguy nga vùng phía Bắc
Thiên tài rạng rỡ đẩu phương Nam)

- Nhà Thờ và mộ Nguyễn Du

 mộ Nguyễn Du. ảnh Trần Định (edit)

Nguyễn Du mất ngày 10 tháng 8 Âm lịch, niên hiệu Minh Mạng (năm đầu), tại kinh thành Huế (nhằm ngày 16-9-1820), hưởng dương 55 tuổi.

Năm 1824 con cháu bốc mộ đem hài cốt về cải táng tại quê nhà, xây nhà thờ, lập bài vị Nguyễn Du. Theo tài liệu Ban quản lý Di tích Nguyễn Du, nhà thờ gồm ba gian lợp ngói. Ở trong treo các bức đại tự: “Hồng Sơn Thế Phổ”, “Thiên Môn Tái Đăng”, và “Tinh Sà Lưỡng Kiếm”. Sau năm 1930 nhà thờ bị bỏ phế, dột nát, hư hỏng. Con cháu đưa hương án, bài vị về đền thờ Nguyễn Nghiễm. Năm 1940, Hội Khai Trí Tiến Đức quyên góp tiền giúp con cháu họ Nguyễn xây nhà thờ khác. Nhà thờ có treo ở giữa bốn chữ Địa Linh Nhân Kiệt hai bên cột có hai câu đối, một của Vua Minh Mạng:
Nhất đại tài hoa vi sứ vi khanh sinh bất thiển
Bách niên sự nghiệp tại gia tại quốc tử do vinh
(Một đời tài hoa, lúc đi sứ, lúc làm quan, sống không hổ thẹn
Trăm năm sự nghiệp, việc nhà việc nước, chết vẫn còn vinh)

Một câu đối của Nguyễn Mai, cháu mười đời của họ Nguyễn Tiên điền:
Lễ nhạc bách niên văn hiến địa
Giang sơn tứ vọng thái bình thiên
(Trời thái bình non sông bốn mặt
Đất văn hiến lễ nhạc trăm năm)

Nguyễn du mất vào năm Minh Mạng 1820, đúng vào năm Minh Mạng vừa lên ngôi, vua xuống chiếu cử Nguyễn Du làm chánh sứ đi Trung Quốc cầu phong, chưa kịp đi thì mất. Mộ ban đầu được mai táng ở xã Anh ninh, huyện Quảng điền, tỉnh Thừa Thiên. Năm 1824 hài cốt được người con là Nguyễn Ngũ, cháu là Nguyễn Thắng đang làm quan tại triều đình cải táng đem về quê, táng tại vườn nhà cũ ở thôn Thuận Mỹ, xã Tiên điền. Những năm sau đó con cháu thấy việc học hành sa sút, nên dời mộ đến táng cạnh đền thờ Nguyễn Trọng. Sau đó, do “yếu tố tâm linh”, (cô hướng dẫn viên có giải thích nhưng yêu cầu không được ghi chép lại) con cháu lại một lần nữa cải táng đến xứ Đồng Cùng. Sau nhiều năm được tu sửa, ngôi mộ ngày một tôn nghiêm hơn (tài liệu Ban Quản lý Di tích).
Sau ba lần mai táng, không biết thi hào Nguyễn Du đã được yên ổn tại Đồng Cùng này chưa? Hy vọng đã đến tận “đồng cùng” rồi, cụ sẽ được an nghỉ nơi đây.
Gia đình chúng tôi, đồng hương, hậu bối, sau cụ hơn hai trăm năm, thật không ngờ trong đời lại có được cái “Hạnh” lớn, từ phương xa tìm về, sắp hàng đứng trước phần mộ cụ thắp nén nhang, rót chén rượu rưới lên, hòa quyện khói hương mời cụ, theo như hai câu thơ cụ nói lên ý nghĩ “không biết ngày sau có ai hiểu lòng, rót chén rượu rưới lên mồ thông cảm”. (Rất tiếc cô hướng dẫn đọc lướt qua, không ai ghi lại được).
Trước mộ Nguyễn Du. Ảnh Kim Vân
(Từ trái qua: tác giả SN, thân phụ của tác giả, Trần Kim Lương (cháu đích tôn)

Khi sinh thời cụ ray rứt: không biết ba trăm năm sau có ai khóc Tố Như ?
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ thùy nhân khấp Tố Như

Không đợi đến ba trăm năm, không phải “một ai” mà cả thiên hạ đã tưởng nhớ đến người. Năm 1965 thế giới đã tổ chức kỉ niệm 200 năm ngày sinh của cụ, để công nhận tác giả Truyện Kiều là Danh nhân Văn hóa cùng với tám nhà văn tài danh của nhân loại.

Rời khu tưởng niệm, xe chở đoàn trực chỉ phi trường Vinh. Xe đi qua những quãng đường đèo ngoằn nghoèo, lên xuống, hai bên là rừng thông, lũng sâu bát ngát, khách liên tưởng đường lên Đà Lạt. Giòng sông Lam chảy dài, hai bờ ngút mắt, mặt nước lấp lánh màu gương bạc, hắt lên những đợt nắng cố tình rọi xuống.

Một khúc sông Lam. Ảnh Hà Viết Tịnh

Khi ngồi trên phi cơ bay về Sài Gòn, và rồi bay về Mỹ, hình ảnh từng người thân, từng con đường, mái nhà, đền miếu, núi sông… và cả những chặng đường lịch sử như mãi chập chờn.

Quá khứ dài lâu, từ ba trăm năm như tái hiện trước mắt mọi người. Trong tôi chập chờn mãi với quá khứ của thời niên thiếu, của giai đoạn vùng trời quê xưa sặc mùi tử khí. Nỗi kinh hoàng khủng khiếp trong cuộc cuộc Cải cách ruộng đất chưa thể xóa nhòa trong tâm trí nạn nhân, dù chẳng ai muốn nhớ tới, hay đem lòng thù hận. Tôi nhẩm đọc bài thơ VỀ LẠI QUÊ NHÀ,

Tôi về Hà Tĩnh chiều nao
Dưới chân Hồng Lĩnh máu đào chưa khô
Quê người tôi nhớ Nguyễn Du
Quê tôi, tôi đứng giữa mù mịt xa

Tôi về đất tổ quê cha
Rưng rưng nước mắt khóc òa trẻ thơ
Hai mươi năm nước đôi bờ
Tôi về rũ bóng ngọn cờ phương Nam

Đoạn trường mấy cuộc hợp tan
Ba trăm năm vẫn tiếng đàn não nhân
“Thương người như thể thương thân”
Trách chi Ưng Khuyển - những bần cố nông
Cũng là tai họa Vương ông
Ba trăm năm đã núi sông lở bồi

Tôi về tìm lại quê tôi
Rưng rưng nước mắt khóc người nghìn thu
Quê người tôi nhớ Nguyễn Du
Quê tôi, tôi đứng giữa mù mịt xa./

Song Nhị

1 comment:

  1. Đoạn trường mấy cuộc hợp tan, tôi về tìm lại quê tôi , rưng nước mắt khóc người nghìn thu
    Quê người tôi nhớ Nguyễn du, Quê tôi , tôi đứng giữa mù mịt xa .
    ............................
    thép hòa phát | thép hộp mạ kẽm

    ReplyDelete

Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...