Thursday, July 14, 2011

Quê Hương và Máu Thịt

1. Nghĩa tử là nghĩa tận

Được tin bất ngờ Cha mất, tôi bỏ lại mọi công việc đã sắp đặt trong tuần. Hai tiếng đồng hồ trước khi ra xe đến phi trường San Francisco, nhà in gọi cho biết tạp chí Nguồn đã in xong, có thể lấy trước 100 quyển cho buổi họp mặt vào chiều thứ Bảy 18-7 đĩn tiếp Ô Bà BS Phan Khắc Tường, người sẽ thay nhà thơ Đỗ Bình làm chủ tịch Câu Lạc Bộ Văn Hóa Paris tại một nhà hàng đã đặt chỗ trước. Vì đã vào giờ buổi tối, không thể gọi cho ai ra nhà in lấy báo, đành bỏ Nguồn lại ba tuần lễ sau mới phát hành. Tôi không thể gặp được Ô Bà BS Tường dù trước đó nhà thơ Đỗ Bình từ Paris goi sang dặn dò chu đáo. Tuy vậy, các anh chị trong nhóm đã có cuộc gặp gỡ thân mật với khách phương xa.
Từ mấy năm qua, nhất là từ sau ngày anh Cả tôi qua đời, tôi cứ băn khoăn không biết ngày Cha tôi mãn phần tôi có về thọ tang được hay không? Năm 2002 Mẹ tôi tạ thế tôi không về thọ tang được. Một ân hận cả đời, mặc dù tôi vẫn tự “an ủi” có rất rất nhiều người không về như tôi. Mười bảy năm tôi chưa về một lần, mãi cho tới năm 2009. Nhiều thân hữu và anh chị em trong đại gia đình khuyên tôi không nên về. “Cuốn sách ‘Nửa thế Kỷ Việt Nam’ là một cái tội của ông đấy” – theo suy nghĩ của những lời khuyên.
10 giờ sáng thứ Sáu 17 tháng 6/2011 nhận tin bố tôi đã qua đời, nhà tôi gọi phone cho cô em và “rủ” con trai tôi – từ UC San Diego về nghỉ hè ba tuần lễ đi VN với mẹ thọ tang ông Nội. Cháu gật đầu, nhưng… passport còn để lại nơi nhà trọ ở miền Nam. Nhà tôi chạy ra phố mua vé máy bay. May quá có được bốn vé, bay vào khoảng sau 11 giờ đêm cùng ngày. 12 giờ trưa cô em gái tôi từ Úc gọi sang. “Anh về đi! Cha chết về thọ tang Cha, có gì mà …do dự ”. – “Anh không lo ngại nhưng bà con bạn bè lo ngại giùm anh. Thôi được, anh về…”.
Tôi quyết định đột ngột. Nhà tôi gọi ra nơi bán vé, book thêm một chỗ. Có luôn. Thật may mắn. Thế là đàn con cháu 5 người từ Mỹ ngày hôm sau đã có mặt tại Sài Gòn. Có người ra đón chúng tôi tại phi trường phải thốt lên: Mừng quá! Tưởng như là có máy bay riêng vậy!
Rắc rối Visa và cửa ải Tân Sơn Nhất.
Tôi đã từng từ Hoa Kỳ đi ra nước ngoài, đến nước khác khi tới phi trường chỉ việc chìa cái passport ra, nhân viên hải quan với một lời chào, nhìn ảnh, nhìn mặt rồi đóng con dấu vào sổ thông hành một cách nhanh chóng, giản dị. Không có gì phiền hà, mặc dù tôi là công dân Mỹ, chẳng phải là công dân nước họ.
Tôi về Việt nam, về quê hương đất nước tôi. Tôi là “khúc ruột nghìn dặm”, tôi có quốc tịch Mỹ, nhưng tôi vẫn là công dân Việt Nam theo luật “nhà nước”, tôi chưa làm đơn xin chủ tịch nước CHXHCN/VN bỏ quốc tịch gốc. Thế nhưng khi đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất tôi gặp rắc rối với cái visa, mặc dù tôi đã có visa tạm của sứ quán VN do hãng máy bay xin cho.
Vợ chồng tôi, cô em gái và hai đứa cháu nội, ngoại của bố tôi phải ngồi gom vào một chỗ đợi gần ba tiếng đồng hồ trong buổi chiều chủ nhật khu hải quan TSN vắng vẻ khách đến, khách đi. Mỗi người chúng tôi phải làm một tờ khai có mẫu sẵn, ghi sơ yếu lý lịch, lý do đến VN. Mỗi người phải đóng tiền chụp một tấm ảnh, với một cái máy chụp hình nhỏ hơn nửa bàn tay của một công an, nói là để làm visa, nhưng trong visa không hề có dán ảnh. Tờ khai và passport nạp cho phòng visa hải quan.
Nhân viên dịch vụ hãng máy bay cho hay Công an đòi phải có Giấy khai tử.
– “Chúng tôi từ Mỹ về làm gì có giấy khai tử đây”.
Một lúc sau chúng tôi lại được yêu cầu cho CA số điện thoại gia đình. Số điện thoại này CA cho biết “gọi không được”. Chúng tôi gọi về người nhà đem giấy BS cho xuất viện ra nhưng không thể nào đem vào trong đệ trình được. Chờ đợi đã hơn hai tiếng đồng hồ cô em gái tôi ngỏ ý bồi dưỡng mấy chú CA hải quan cuối tuần phải trực ca, làm việc mệt nhọc, nhưng cậu dịch vụ cho biết “Hai xếp lớn đang nói chuyện với nhau, các anh ấy phải đợi quyết định trên thôi”.
Khoảng 45 phút sau đó chúng tôi được trả lại passport với visa cho vào VN một tháng.
Cô em gái út tôi và ba đứa cháu từ Úc về sáng hôm sau, đã có sẵn visa nên đỡ rắc rối. Nhưng hai đứa cháu tôi từ Pháp về thọ tang Ông Ngoại chiều hôm sau, vì không có visa nên phải “giằng co” với thời gian và thủ tục. Sau cùng đóng hai trăm đô và lọt qua cửa ải.
Có anh công an thắc mắc “Ông này (bố tôi) là gì mà sao kéo nhau về đông thế”! Nhưng sau đó họ biết chúng tôi về thọ tang cha, thọ tang ông nội, ông ngoại nên họ để cho vào. Nghĩa tử là nghĩa tận!
Song Nhị

No comments:

Post a Comment

Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...