2. Hòn Ngọc Viễn Đông – Bóng mờ dĩ vãng
Sài Gòn trước năm 1975 được báo chí nước ngoài đặt cho danh hiệu Hòn Ngọc Viễn Đông. Hòn Ngọc Viễn Đông với dân số non ba triệu. Lưu lượng xe cộ lưu thông trên đường phố lúc bấy giờ có thể áng chừng khoảng một phần ba là xe hơi, xe buýt; non một phần ba xe gắn máy và hơn một phần ba là xe đạp. Trật tự lưu thông được quy định và thi hành một cách nghiêm ngặt. Người lái xe gắn máy trên 50 cc (phân khối) phải có bằng lái. Xe đạp phải có chuông thay kèn như xe hơi, chạy ban đêm phải có đèn.
Tôi không quên câu chuyện anh bạn học ở trọ nhà tôi, khoảng 8 giờ tối nổi hứng nghệ sĩ, dắt chiếc xe đạp chạy ra phố mua cái ống tiêu, với chủ ý vào khuya hướng sang nhà hai cô nữ sinh Trưng Vương nỉ non mấy khúc. Đi một lúc anh ta trở về nhìn tôi mặt tiu nghỉu. Hỏi ra vì bị cảnh sát giao thông tặng cho một giấy phạt 3 đồng về tội chạy xe đạp ban đêm không có đèn. Ba đồng tiền VNCH năm 1960 giá trị lắm. Một người ở nhà trọ, ăn cơm tháng chỉ tốn 10đồng/ một tháng thôi.
Câu chuyện chàng Trương Chi vọng hai... Mỵ Nương này hôm sau được chuyền cho cả lớp nghe khiến “chàng” muốn trốn học và cả lớp có đề tài mua vui suốt cả tháng. Câu chuyện có thật này bây giờ chỉ là một bóng mờ với Sài Gòn dân số hơn 9 triệu, xe cộ ngập đường. Lưu thông hỗn loạn. Sài Gòn ngày nay xe gắn máy chiếm lĩnh diện địa, lấn át xe hơi và bất chấp người đi bộ. Ngược lại xe hơi cũng ngang tàng bất chấp thiên hạ. Tôi ngồi trên một chiếc Taxi, đang lúc giữa dòng xe cuồn cuộn, chiếc taxi quay vòng chặn luồng xe, đậu ngang giữa đường để U-turn quay ngược hướng. Tôi không dám đi xe ôm và đi taxi cũng nhắm mắt phó mặc cho người lái. Tôi nghĩ những người lái xe ở Việt Nam là những tài xế giỏi nhất thế giới.
Tôi hỏi một “bác tài”: - Sao họ lái xe bừa bãi thế? Họ không sợ tai nạn à?
Như được gợi trúng ý, hoặc bị chạm tự ái, người lái xe nói một mạch: - Thì ông bảo họ có cách nào hơn là chen nhau, chèn nhau để tới đích. Đâu phải họ đi chơi. Họ có công việc phải đi, phải đến. Công an giao thông cũng bó tay. Các ông này chỉ nhắm những chiếc xe nào có thể “nắn” được kỳ dư mạnh ai nấy lấn, mạnh ai nấy chạy.
Các ông trên cao họ đâu thèm để mắt tới chuyện nhỏ này. Các công trình quy hoạch khởi công rồi để đó vài ba năm, thậm chí năm mười năm. Ông này xuống, ông khác lên công trình quy hoạch thay đổi để có lót tay lót túi … Dạo này tương đối bớt được nhiều lô cốt trên mặt đường, người dân đỡ khổ...
Một lần gia đình tôi thuê bao một chiếc xe, trên một chuyến đi đang “ngon trớn” bỗng bên lề có mấy ông công an áo vàng chặn xe ra hiệu tấp vào lề. Người tài xế trước khi bước xuống xe dặn chúng tôi: “Nó có hỏi thì nói giùm xe đi đám tang”. Mấy phút sau ngời lái xe trở lại, có người trên xe hỏi:
- “Chú vi phạm gì mà bị chặn vậy?”
- “Có vi phạm gì đâu. Nó nói sao dám qua mặt nó. Cháu bảo xe đi đám tang nên nó cho đi”.
Như để xả nỗi ấm ức, người tài xế này “tâm sự”: Các cô thấy không, đường sá như thế này, xe chen dọc chen ngang, nếu phạt mấy ngàn cảnh sát giao thông cũng chưa đủ người để ghi giấy phạt. Cũng chẳng có chính sách như vậy. Những người đứng đó (cảnh sát áo vàng) họ phải mua đất đấy chứ. Chỗ đứng của họ nhỏ hơn nửa mảnh đất mua chôn ở nghĩa địa nhưng tiền mua đắt hơn gấp mấy lần.
Chúng tôi tỏ ra không hiểu, hỏi lại – Thế nghĩa là thế nào?
- Thì ai muốn ra đứng đó phải mua chỗ nên chi họ phải lấy lại vốn chứ. Cuối cùng chỉ có người dân khổ. Tham nhũng là việc riêng của các ông ấy, từ trên chóp bu trở xuống. Người dân hay báo chí có lên tiếng kêu ca cũng chỉ là chuyện mua vui. Ngay cả việc Trung Quốc nó lấn ép mình, thuyền đánh cá bị bắt giữ đòi tiền chuộc, vùng biển của mình nó vào đánh cá như nhà nó mà người dân biểu tình chống Trung quốc cũng bị bắt.
Thấy người tài xế vui tính, cởi mở, dù biết chúng tôi là Việt kiều từ Mỹ về, tôi hỏi quê quán, chú ấy nói “Cháu quê ở Hậu Giang”. Tôi hỏi: trước năm 75 chắc còn ít tuổi, chưa lính tráng gì chứ? Chú ấy trả lời: - “Cháu là bộ đội ôngï Hồ nhưng thích xài đồ ông Thiệu. Cháu là lính lái xe không cầm súng, chưa bắn người nào”.
Tôi nói đùa “nhưng chú lái xe chở hàng trăm, hàng ngàn lính đi bắn thì người chết còn nhiều hơn một mình chú cầm súng bắn”. Người tài xế nhìn tôi cười!
Chúng tôi ở Sài Gòn hai tuần lễ, visa cho nhập cảnh còn dư hai tuần. Sài Gòn tháng sáu đã có những trận mưa chiều. Cơn mưa ào xuống cũng vội vã như … người Sàigòn. Mưa không lâu nên những người “khách phương xa” như chúng tôi không được nhìn thấy những dòng sông trên các đường phố SG như lúc ở ngoài nước nhìn thấy trên các trang mạng.
Nhờ có những cơn mưa nên Sài Gòn tháng Sáu có được những ngày tương đối mát. Nói là mát nhưng hễ ra đường là phải leo lên taxi để có máy lạnh và về tới nhà là bước ngay vào phòng có máy lạnh để tránh nóng. Chẳng phải làm sang hay làm dáng gì, nhưng vì đã hàng chục năm sống ở San Jose, Vùng Vịnh Bắc California khí hậu hầu như mát mẻ quanh năm, cơ thể đã “bị” quen rồi nên khó mà thích nghi với không khí xô bồ, ngột ngạt, ngộp thở, âm thanh xe cộ ào ào, và khói bụi mịt mù. Đã có những lần sau hơn nửa ngày cùng gia đình đi dạo và mua sắm chút đỉnh, về đến nhà tôi bị chóng mặt xây xẩm, nằm vật xuống giường thấy trời đất quay cuồng cho đến khi ngủ lịm đi một giấc, tỉnh dậy còn thấy mệt.
Đang từ một môi trường thoáng đãng, mát mẻ đi đến một nơi chen chúc ngập đường, khói xe, bụi bặm, âm thanh gầm rú của đủ loại xe làm đinh tai nhức óc… quả thật chúng tôi kinh sợ. Phải ở lâu mới có thể quen dần. Tôi thấy có những người nước ngoài mắt xanh mũi lõ, mặc quần soọc lái xe gắn máy chạy chen nhau giữa dòng xe choáng ngợp ấy.
No comments:
Post a Comment