3. Phú Quốc – Biển, Rừng và khu di tích nhà tù
Trong hai tuần lễ ở Sài Gòn với các thủ tục lễ nghi tang chế, lo việc xây mộ, viếng mộ, thời gian còn lại chỉ còn non một tuần, để tránh sự căng thẳng, lo sợ bâng quơ, gia đình tôi đến “Vietnam Travel”, một công ty du lịch của …. Bộ, tìm một chuyến đi xa, nhiều nơi hết chỗ, cuối cùng cũng có được chuyến đi Phú Quốc. Đường bay từ Sài Gòn ra đảo này mất một giờ, buổi sáng đến nơi, gió biển và nhiệt độ thấp hơn Sài Gòn cho đoàn khách phương xa một cảm giác lâng lâng thoải mái.
Phú Quốc, chưa phải là một điểm du lich đúng nghĩa. Các tiện nghi ăn ở và giải trí cho khách nước ngoài còn quá “thô sơ”. Nhà cửa và các tiện nghi tập trung ở khu thị trấn. Gần các bãi tắm có khách sạn ba sao, có nhà ăn khang trang lịch sự. Các danh lam thắng cảnh để hấp dẫn khách tới lui không có gì lôi cuốn, ngoại trừ biển, khí hậu, rừng nguyên sinh và … địa danh. Cái quý của Phú Quốc là biển và rừng. Rừng chưa bị khai thác, chưa có hiện tượng “phá rừng” như những khu rừng già nguyên sinh suốt dọc dài núi non Trung Nam Bắc.
Nghe nói Pháp đã ký dự án khai thác Phú Quốc, biến đảo này thành một khu du lịch quốc tế. Nhiều người trong đoàn chúng tôi nghe tin này tỏ ý hy vọng Pháp sẽ nhẹ tay với rừng Phú Quốc. Trong ba ngày ở đây, người hướng dẫn viên du lịch đưa chúng tôi đi xem một số “thắng cảnh”. Ngày đầu đi xem Suối Tranh. Con suối này theo người hướng dẫn cho biết dài 15 km. Suối Tranh chỉ là …một con suối, không có gì đặc sắc.
Những con suối trên rừng Trường Sơn từ Nghệ Tĩnh tới Quảng Bình mà chúng tôi từng đi qua đẹp và hùng vĩ hơn nhiều.
Sau Suối Tranh chúng tôi được dẫn đi thăm ngôi chùa Hùng Long Tự toạ lạc trên một ngọn đồi cao và Dinh Cậu nằm trên vách đá dựng ven mé biển. Đi xem chợ Dinh Cậu – chợ sáng, chợ chiều và chợ đêm. Một nơi khác là khu nuôi ngọc trai. Tại đây có một gian hàng rộng bán đủ mọi loại ngọc trai trang sức cho phái nữ. Các ông đi theo làm nhiệm vụ tháp tùng, bảo vệ và xem cho biết. Từ khu Ngọc Trai, khách đi tiếp đến Đồi Sim. Đồi Sim không biết rộng đến cỡ nào nhưng ở đây có khu trưng bày và bán những chai rượu mật sim đặc sản và các sản phẩm địa phương.
Nước mắm Phú Quốc, một đặc sản nổi tiếng từ thời VNCH cũng được bày bán la liệt. Tiêu và các loại tôm, cá, mực khô là những món hàng được mời chào phổ biến.
Thật ra Phú Quốc không có gì là danh lam thắng cảnh. Khách được dẫn tới những nơi này để thấy ở trên hòn đảo giữa biển mà có được những công trình như thế.
Trong ba ngày đi đây đó trên đảo, có vài giờ tắm biển và buổi chiều ngồi ngắm mặt trời lặn chìm khuất dần vào lòng đại dương, một ký ức từng gây cảm giác “đau đớn” khi chúng tôi tới xem “Khu Di Tích Lịch Sử Nhà Tù Phú Quốc”.
Hình ảnh của cuộc nội chiến tàn khốc tái hiện. Người cộng sản thật mâu thuẫn khi họ phủ nhận tính cách đích thực của cuộc chiến tranh Việt Nam là Nội Chiến. Nhưng họ lại trưng bày những cái gọi là “tội ác của ngụy quân ngụy quyền” với những ngụy tạo cường điệu nhằm tuyên truyền, gây ngộ nhận với các thế hệ sinh sau cuộc chiến và với lịch sử.
Hình ảnh của cuộc nội chiến tàn khốc tái hiện. Người cộng sản thật mâu thuẫn khi họ phủ nhận tính cách đích thực của cuộc chiến tranh Việt Nam là Nội Chiến. Nhưng họ lại trưng bày những cái gọi là “tội ác của ngụy quân ngụy quyền” với những ngụy tạo cường điệu nhằm tuyên truyền, gây ngộ nhận với các thế hệ sinh sau cuộc chiến và với lịch sử.
Giữa buổi trưa nắng gắt, chúng tôi xuống xe bước vào mấy bước gặp ngay tấm bảng xi măng “Khu di tích lịch sử nhà tù Phú Quốc”. Chúng tôi được dẫn vào một căn nhà xây, mái ngói, theo người hướng dẫn “thuyết minh” là một nhà tù “thời ngụy”. Giữa nhà có lối đi, hai bên là hai dãy nhiều bệ xi măng được sắp xếp ngay ngắn. Trên mỗi bệ xi măng ấy là những bức tượng hình dạng người, lớn bằng người thật, mặt mũi da dẻ nhìn qua khá giống. Bố cục trình bày trên mỗi bục xi măng là một người lính VNCH, cái lạ là thuộc đủ mọi sắc phục quân binh chủng, trong đó đang thể hiện động tác tra tấn một “tên Việt Cộng”. Những cảnh tra tấn được diễn tả một cách khá sống động với chủ đích hoàn toàn có tính cách tuyên truyền, cường điệu bất chấp sự thật lịch sử. Ở mỗi bệ xi măng đều có bảng ghi nội dung những cảnh tượng tra tấn: Một người lính Quân Cảnh VNCH đang dùng kềm bẻ răng một VC. Kế đó là một quân nhân QL/VNCH đang cầm búa đục lấy xương bánh chè đầu gối một VC khác. Chỉ riêng “hoạt cảnh” nguời lính Quân Cảnh và lính Bộ Binh đục lấy răng và đục lấy xương bánh chè đầu gối trên cơ thể một người đang ngồi yên cho thấy đầu óc tượng tượng của hoạt cảnh đã vượt quá xa tính hữu lý logic và sự thật có thể chấp nhận được, một sự bịa đặt khiến người xem phải đặt câu hỏi về bảng hiệu “Di tích lịch sử” của nhà tù Phú Quốc. Làm gì có chuyện lính Quân Cảnh và lính Bộ Binh lại làm nhiệm vụ điều tra viên ở các nhà tù miền Nam!! Nó có tính cách phản tuyên truyền hơn là thuyết phục người xem. Có lẽ xưa nay ít có một bộ óc nào “thông minh” đến độ đưa ra chủ trương khai thác, tra tấn để moi tin lại cố tình để lại thương tích trên cơ thể nạn nhân như kiểu đục lấy xương bánh chè đầu gối!!
Trước năm 1975, chúng tôi chưa có dịp đến Phú Quốc và thăm nhà tù này, hồi đó cũng ít nghe báo chí nói đến nhà tù P.Q mà chỉ nghe đám ký giả phản chiến làm ồn ào về “chuồng cọp Côn đảo”.
Không biết nhà tù P.Q có từ năm nào, nhưng tính từ 75 đến nay đã hơn 36 năm, thời gian và mưa nắng đã đủ làm hoen rỉ sắt thép, nhưng những mái tôn và lớp kẽm gai bao quanh khu nhà tù chúng tôi nhìn thấy còn sáng loáng như mới. Không rõ có sự “đổi mới”? hay tôn thép kẽm gai của “đế quốc Mỹ” chống được sự tàn phá của thời gian.
Tôi có nghe một số thân hữu kể chuyện đến thăm Viện Bảo Tàng Lịch Sử, “Nhà trưng bày tôi ác Mỹ Ngụy” tại Sài Gòn mà chưa có dịp nhìn tận mắt.
Công việc lưu giữ những di tích, sự kiện, biến cố lịch sử là một việc làm chính đáng và cần thiết. Hoa Kỳ, sau cuộc nội chiến Bắc Nam (1861-1865), ngoài việc phe bại trận được tôn trọng, giúp đỡ, hòa hợp, tất cả những gì của cuộc chiến, từ một trận đánh, đến những địa danh, những con đường, những tên gọi, khí tài, sách báo, phim ảnh của phe thắng và phe bại đều được giữ lại nguyên vẹn, không sửa đổi, không thêm bớt. Sự thật lịch sử được hoàn toàn được bảo vệ.
Cuộc nội chiến Việt Nam dài gấp bốn lần cuộc nội chiến Hoa Kỳ. Những dữ kiện lịch sử của cuộc chiến tranh VN vô cùng phong phú và nếu được giữ lại một cách trung thực thì đó là một kho tàng lịch sử quý báu cho hậu thế. Tiếc rằng, sau khi chiến thắng, thống nhất lãnh thổ, giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã thủ tiêu tất cả những thành tựu về mọi lãnh vực – văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị – của miền Nam, tệ hại hơn họ đã xuyên tạc, bịa đặt, vu cáo, giàn dựng những điều xấu, những tội ác tưởng tượng gán cho quân dân và chính phủ VNCH. Chỉ nói riêng về lãnh vực Văn Học, CSVN đã cố tình xóa bỏ 20 năm Văn Học miền Nam. Nhiều tác giả và tác phẩm của Văn Học miền Nam bị xóa tên, bị xuyên tạc hoặc bị tiếm đoạt.
Xem những gì trưng bày tại “Khu di tích lịch sử nhà tù Phú Quốc”, dù tỉnh táo đến mấy, chúng tôi cũng cảm thấy nhói đau tưởng như 20 năm cuộc chiến Bắc Nam chưa chấm dứt. Hận thù còn được nuôi dưỡng và tình tự dân tộc mãi mãi tiếp tục không thể hàn gắn.
Hơn hai triệu người Việt hải ngoại bỏ nước ra đi sau năm 1975, họ đi tìm cái gì? Họ trốn chạy cái gì? Mọi người Việt trong nước, ngoài nước đều biết. Trong cơn hoảng loạn của những cuộc di tản, vượt biên, vượt biển, kể cả những người đi theo diện ODP, H.O hành trang của họ không là của cải tài sản mà là những ký ức buồn vui, những đau đớn hãi hùng từ cuộc chiến. Trong hơn 36 năm tôi chưa thấy cộng đồng người Việt hải ngoại dựng lại những khu di tích “tội các Cộng Sản”. Có chăng là những đài tưởng niệm chiến sĩ Việt Mỹ, những đài tưởng niệm thuyền nhân. Và người ta khó có thể tin được nhà cầm quyền VN hiện nay lại sợ hãi những tượng đài như thế, khi họ áp lực các nước Indonesia, Mã Lai phá bỏ những tượng đài ấy.
Cuộc chiến Bắc Nam chấm dứt xuýt xoát đã gần 40 năm, nói cho chẵn. Phần lớn những người phát động và thực hiện cuộc chiến này đã đi vào lòng đất. Thế hệ cầm đầu đảng Cộng Sản và lãnh đạo đất nước hiện nay cũng sẽ lần lượt ra đi. Nhưng đất nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam sẽ mãi mãi trường tồn. Chúng ta tin tưởng tuyệt đối, Việt Nam không thể là một Tây Tạng thứ hai trước mưu đồ xâm lấn và thôn tính của chủ nghĩa bành trướng phương Bắc.
Hơn lúc nào hết, Việt Nam đang cần một sự kết hợp lòng người của hơn 80 triệu dân từ khắp mọi miền, trong nước và hải ngoại. Nhưng bao giờ thì những di tích hận thù kia được xóa bỏ?!
Song Nhị, 14/7/2011
No comments:
Post a Comment