Monday, February 20, 2012

SONG NHỊ - AUSTRALIA


Những Ngày Tình Đầy Trên Xứ Kangaroo

Chiếc phi cơ Boeing 747 rời phi trường quốc tế San Francisco của xứ Cờ Hoa đáp xuống phi trường quốc tế Sydney sau 14 giờ 30 phút bay. Chúng tôi có một tiếng rưỡi đồng hồ để chuyển sang chuyến bay quốc nội, bay về thành phố Brisbane. Trong hơn một giờ rưỡi đó mọi người phải hối hả lấy hành lý, đến trạm check-in rồi lên xe bus sang khu “Domestic Transfer”, xuống xe bus, vào trong khu check-in đủ kịp bước lên máy bay, vì vậy những người khách lạ như chúng tôi không ai được nhìn tường tận xem phi trường Sydney lớn đến cỡ nào.

Từ Sydney bay về Brisbane mất 1 giờ 30 phút. Brisbane là thành phố chính của tiểu bang Queensland, tiểu bang lớn thứ nhì sau tiểu bang Tây Úc, nằm về phía Đông Bắc châu lục này. Từ nhiều năm trước tôi cứ tưởng tượng Brisbane là một thành phố nhỏ ẩn mình sau Sydney, Melbourn. Đến tận nơi rồi tôi mới xóa được cái “ấn tượng” mà chẳng hiểu tại sao tôi lại nghĩ ra như vậy.

CẦU STORY BRIDGE VÀ BRISBANE RIVER
Brisbane đất rộng, người thưa, cảnh đẹp. Quà tặng của thiên nhiên là con sông Brisbane River chảy từ Tây sang Đông, chạy dài hàng trăm cây số. Hai bên bờ sông là những tòa cao ốc soi mình bóng nước. Hành lang hai bên bờ được thiết kế rộng bằng hai “lane” của xa lộ với những “hành lang” và bậc thềm lên xuống mỹ thuật, ở những trạm bến phà (ferry). Phía nam con sông, South Bank, cảnh trí thơ mộng, phố xá rất đẹp, tiện nghi giải trí nhiều. Có một vùng “biển nhân tạo” rộng, chứa nước mặn như ngoài biển lớn, làm bãi tắm công cộng dành cho mọi người.

Biển lớn của Brisbane nằm về phía đông. Thành phố biển của Brisbane là Gold Coast. Ở đây có nhiều tòa cao ốc sừng sững ngó ra đại dương. Bãi tắm dài và rộng hơn nhiều lần bãi tắm Vũng Tàu. Nước biển nơi đây ấm nên bãi tắm lúc nào cũng đông đúc người. Chúng tôi tới đây thời gian không đủ để tắm và thưởng ngoạn hết những cảnh đẹp của đất trời. Rời bãi biển thơ mộng, Tuyết Mai - đứa cháu gái mới ngày nào chân ướt chân ráo đến “làm dâu” xứ người nay đã hội nhập chững chạc, lái xe đưa cậu mợ đi tìm... kangaroo.

Gần Gold Coast là sở thú Wild Life. Nơi đây có nhiều loại thú nhưng du khách từ xa tới đặc biệt “ưu ái” Kangaroo và Kuala, hai loại thú biểu trưng của Lục địa mênh mông này. Nước Úc có trên 20 triệu con Kangaroo, phần lớn sống hoang dã trong các rừng thưa, bụi rậm và trên các thảo nguyên. Người ta bắt kangaroo về thuần hóa như gia súc cho các sở thú và khu du lịch. Loài thú này sinh sản nhanh và tiêu thụ hết phần lớn cỏ dành cho cừu và ngựa, vì vậy không những không bị cấm mà người ta được khuyến khích bắt kangaroo ăn thịt. Thịt Kangaroo không ngon hơn thịt bò, nhưng là sản phẩm lạ nên được xuất khẩu. Người bản xứ thích thịt cừu hơn thịt Kagaroo.
Trong khu Wild Life chúng tôi tới không có nhiều loại thú như trong các sở thú, mà đúng như tên gọi là một khu dành cho thú hoang. Có những con cá sấu dài 6 thước. Một đàn đà điểu (ostrich) sống chung với Kangaroo. Puala hình như được “ưu đãi hơn” hơn, có một khu rừng nhân tạo rộng dành riêng cho giống thú này. Puala ăn lá bạch đàn, ôm thân cây ngủ mỗi ngày hơn 2 phần ba thời gian, chỉ thức chừng vài ba tiếng đồng hồ. Khách đến thăm may mắn mới gặp được Puala mở mắt nhìn mình.

Ở Úc còn nhiều di tích của mẫu quốc từ trước thời nữ hoàng Victoria, như dưới mặt nền tòa nhà thuế quan của Bribane, cạnh bờ sông là một nhà tù bằng đá và xi măng, song sắt kiên cố còn được giữ lại y nguyên, chứng tích một thời người Anh cai trị. Tại Anh có một thành phố tên là Castle khi người Anh đến chiếm Úc đã thêm chữ New vào đặt tên cho thành phố: Newcastle – Lâu đài mới – Người Việt tỵ nạn chúng ta không phải là mẫu quốc của Mỹ nhưng lại thích có cái tên Little Sài Gòn.
Tiếp cuộc du hành, sau ba ngày ở Brisbane, chúng tôi bay đến Newcastle ở phía Nam. Newcastle nằm giữa Brisbane và Sydney. Trước nay chúng ta it nghe nói đến tên thành phố này, một thành phố cũng nằm ven biển và giàu tài nguyên. Ở đây có mỏ than Muswellbrook Coal, lớn vào hàng đầu thế giới. Chúng tôi có đứa cháu (Kim Nguyen) là kỹ sư kế hoạch (Senior Project Engineer) trong ban Điều hành và Quản trị của Công ty nên mới có cơ hội viếng thăm. Ngoài mỏ than, Newcastle còn có những “cánh đồng nho” và các nhà sản xuất rượu nho. Chúng tôi đi suốt một ngày chưa xem hết các cơ ngơi này.
Rời Newcastle đến Sydney, một quãng đường dài 200 cây số bằng xe hơi, do đứa cháu lái, chúng tôi được thưởng ngoạn nhiều cảnh thú lạ, đẹp mắt.

SYDNEY VÀ OPERA HOUSE
Sydney – thành phố lớn nhất và là trung tâm thương mãi của cả nước, như Sài Gòn của Việt Nam. Nói đến nước Úc là nói đến Sydney và nói đến Sydney là nói đến Opera House, đến cây cầu dài một nhịp bắc qua hải cảng Sydney Harbour. Opera House, tòa nhà nhạc viện còn được gọi dưới cái tên nôm na là Nhà Con Sò. Đây là một tòa cao ốc to cao sừng sững, đến gần mới thấy cái lớn lao, vĩ đại và vẻ đẹp của công trình nghệ thuật độc đáo có một không hai này. Những ai đến Úc, đến Sydney không thể không dành thời gian thưởng ngoạn công trình nghệ thuật toát ra từ một tâm hồn lãng mạn, thơ mộng đầy tính sáng tạo của một kiến trúc sư trẻ - Joern Utzon, người vẽ đồ án này khi ông vừa 38 tuổi.
Sau một ngày đến sờ tận tay, nhìn tận mắt từng góc cạnh, từng chi tiết của tòa nhà nghệ thuật Opera House, buổi tối hôm sau trở về nhà với gia đình người thân, mở TV xem, bản tin vedette mở đầu: “Utzon dies at 90 having never set eyes on his masterpiece” (Utzon tạ thế ở tuổi 90, chưa bao giờ nhìn tận mắt kiệt tác của mình). Và bản tin chi tiết tiếp theo: “Joern Oberg Utzon, Architect. Born, Hellebaek, Demark, April 1918. Died Copenhagen, November 29, aged 90”. (Joern Oberg Utzon, Kiến trúc sư, sinh tại Hellebaek, Đan Mạch tháng 4-1918. Mất tại Copenhaen ngày 29 tháng 11, thọ 90 tuổi).

Buổi sáng tại tòa nhà Con sò trên hải cảng Sydney Harbour, chúng tôi đã chụp một tấm hình ghi lại tên tác giả kiệt tác của ông nên khi nghe và nhìn tên người kiến trúc sư Utzon chúng tôi nhận ra ngay, trong giây lát tôi cảm thấy sững sờ. Thât là một ngẫu nhiên hiếm hoi khi chúng tôi được chứng kiến một “giây phút lịch sử, con người và sự việc” mà cả thế giới quan tâm.
Báo chí tại các thành phố ở Úc ngày hôm sau đồng loạt đăng tin Utzon từ trần và thuật lại lai lịch Nhạc viện Opera House, theo đó kế hoạch xây dựng nhạc viện Sydney Opera House bắt đầu từ cuối thập niên 1940. Năm 1954, Thủ Hiến bang New South Wlales kêu gọi các kiến trúc sư vẽ kiểu tạêng cho công trình này. Tháng 9 năm 1955 một cuộc thi vẽ kiểu được phát động, kết quả có 233 bản vẽ từ 32 quốc gia đệ trình. Năm 1957 bản đồ án thắng giải được công bố cho kiến trúc sư Utzon, người Đan Mạch. Cùng năm đó, Jorn Utzon đến Sydney để giám sát đồ án xây dựng. Năm 1959 công trình xây dựng bắt đầu. Mặt ngoài các “vỏ sò” được xây dựng giữa năm 1963 tới năm 1967. Phần trong xây tiếp từ năm 1967 đến năm 1973.

Do có sự bất đồng giữa tác giả công trình với Bộ Trưởng đặc trách công ích (Public Work), Utzon bỏ việc trở về quê hương Đan Mạch, sống cho tới ngày qua đời. Công trình dang dở sau đó được người con trai của ông, Jan Utzon cũng là kiến trúc sư tiếp tục hoàn tất. Cuối cùng Opera House được Nữ Hoàng Elizabeth Đệ Nhị chính thức cắt băng khánh thành vào ngày 20 tháng 10 năm 1973, với phí tổn xây dựng 120 triệu đô Úc.

Thủ tướng Úc, ông Kevin Rudd gọi Jorn Utzon là một thiên tài, một người đã biến đổi nước Úc, đã đem đến niềm hãnh diện cho người dân Úc. Kevin Rudd nói: “Tòa nhà là biểu tượng của thế giới, là biểu tượng của Úc châu đối với toàn thế giới, phần lớn là thuộc về con người vĩ đại này. Utzon là người con của Đan Mạch, nhưng về phương diện tinh thần Utzon cũng là người con của nước Úc”.
Còn nữa, còn rất nhiều lời ca tụng con người vĩ đại và tòa kiến trúc kiệt tác Opera House từ những nhân vật ở Úc và khắp nơi trên thế giới mà chúng tôi đọc được trên báo chí Úc trong những ngày vui chơi ở đó.

Hải cảng Sydney Harbour rộng lớn, chúng tôi ngồi du thuyền đi ngắm cảnh mấy tiếng đồng hồ. Du khách được hướng dẫn đến xem từng địa danh nổi tiếng vòng quanh hải cảng, một địa điểm mà chúng tôi để ý là giữa một thiên nhiên bát ngát, dưới bầu trời tự do, con người như những cánh chim tha hồ bay lượn thì một đảo nhỏ giữa lòng hải cảng này là một nhà tù, khách có thể ghé vào thăm viếng.

THỔ DÂN ABORIGINAL
Thổ dân ở Úc có tên gọi là Aboriginal. Tổ tiên của họ từ Đông Nam Á đến châu đại lục này bằng thuyền vào thời kỳ Băng Hà cuối cùng, ít nhất 50 nghìn năm trước. Khi châu Âu được khám phá và thiết lập thì ở châu Úc đã có tới một triệu thổ dân Aboriginal, sinh sống bằng nghề săn bắn và gặt hái. Thổ dân Aboriginal có 300 bộ tộc, nói 250 ngôn ngữ và 700 thổ ngữ.
Vào thế kỷ thứ 17, khi các nhà thám hiểm người Anh đi thuyền đến Úc tuyên bố miền duyên hải phía đông là của Anh quốc, một tiền đồn được dựng lên để giam giữ người nô lệ. Năm 1788 người Anh đã chở đến hải cảng Sydney 1,500 người, một nửa trong số này là tù nhân. Năm 1868 khi chuyến tàu chở tù cuối cùng đến Úc đã có 160 ngàn đàn ông và phụ nữ là tù nhân.

Trong khi người định cư tự do bắt đầu đổ xô tới Úc đầu những năm của thập niên 1790, đời sống của tù nhân càng thêm khắc nghiệt. Phụ nữ đông hơn gấp năm lần so với nam giới, thường xuyên bị đe dọa hãm hiếp. Đàn ông phạm tội lần thứ hai như ăn cắp vặt đều bị hành hạ dã man. Người thổ dân bị lớp di dân mới xua đuổi, mất nơi cư trú và phương tiện sinh sống, càng cơ cực hơn. Việc tước đoạt quyền sở hữu đất đai, bệnh tật và chết chóc vì bệnh tật đã làm sụp đổ cuộc sinh tồn truyền thống của thổ dân. Nhưng rồi đã đến lúc nước Úc thức tỉnh, sau khi giành được độc lập từ tay người Anh. Năm 1967 toàn dân Úc bỏ phiếu áp đảo chấp thuận cho chính quyền liên bang ban hành những luật lệ dành cho dân Úc gốc Aboriginal, đưa thổ dân vào những cuộc điều tra dân số trong tương lai.

Trên bến cảng Sydney chúng tôi gặp mấy người thổ dân Aboriginal nghệ sĩ vỉa hè. Họ vui vẻ mời chúng tôi chụp chung hình rất thân thiện.
Tài liệu không nói rõ hiện nay thổ dân Aboriginal có tất cả bao nhiêu người.
Đó chuyện dưới nước, còn chuyện trên bờ... trung tâm thị tứ thành phố Sydney là những tòa cao ốc 15, 20, 30 tầng lầu. Chúng tôi ngủ ba đêm trên tầng 12 ở
một khách sạn 22 tầng lầu trung tâm thành phố. Từ tầng 12 nhìn xung quanh cảnh trí thật đẹp mắt. Nhưng để nhìn toàn cảnh Sydney thì phải lên ngồi trên Tower Restaurant. “Ngọn tháp” này cũng tương tự như “Tháp quán rượu” ở San Francisco. Khách ngồi một chỗ, tòa nhà xoay vòng 360 độ để khách nhìn ngắm quang cảnh toàn thành phố.

Tháp Tower Restaurant
Chúng tôi ngồi trên Tower Restaurant khoảng ba tiếng đồng hồ, restaurant là quán ăn buffer một tầng trong bốn tầng lầu. Thực đơn phổ biến ngoài những món như beefsteak, hải sản, còn có những món đặc sản của Úc như thịt cừu, bào ngư sống... Bia rượu có đủ thứ. Bia nhập chỉ có Heineken, còn nữa là bia nội địa. Bia Úc tùy theo khẩu vị mà chọn. Phổ biến chúng tôi uống Crow hoặc Hansen.
“Người Úc là dân bia rượu”, đó là nhận xét của một người bạn mà chúng tôi gặp ở quán Tuppy dưới khách sạn Quest tại Brisbane, khi chúng tôi ngồi nhìn sang một quán rượu đối diện. Ở đó mỗi ngày người ta tấp nập như mở hội, có đủ mặt nam nữ quây quần quanh những bàn bia rượu hàng tiếng đồng hồ từ chiều tới khuya.
Nước Úc, Ngoài Kangaroo, Opera House, cây cầu một nhịp trên Sydney Harbour, cầu Story Bridge, dòng sông Brisbane River, Tower Restaurant thường là hình ảnh quảng cáo cho kỹ nghệ du lịch. Ngồi trên Tower Restaurant cứ mỗi đoạn ngắm nhìn thành phố Sydney về đêm lại giáp một nơi “service food”, cho tới khi đầy bụng lúc nào không biết, thì cũng là lúc cần trở về khách sạn nghỉ ngơi sau một ngày đi bộ “exercise” khắp các nẻo đường thành phố. Đường phố Sydney khi nào cũng đầy người tấp nập. Họ đi shopping, đi dạo ngắm, đến sở và đi làm về. Điểm đặc biệt ở Sydney đường phố xe bus và taxi chiếm lĩnh địa hạt chuyên chở công cộng. Xe bus hàng 20, 30 chiếc nối đuôi nhau tấp lề đón khách; Taxi chiếc này tiếp chiếc kia liên tục trên tuyến đường. Xe tư nhân có lẽ chỉ khoảng một nửa của lượng xe trên đường phố.
Tại Thành phố Sydney chúng tôi có ý tìm một nhà hàng hay một nhà sách Việt nam nhưng không thấy. Có một quán phở, chủ nhân là một phụ nữ trung niên người Hoa Chợ Lớn, vượt biên năm 1978. Phần đông người làm cho các nhà hàng, quán ăn Việt ở Úc là “dân du học” đến từ VN.
Rời Sydney chúng tôi mang theo nhiều ấn tượng về một thành phố văn minh hiện đại.

**
Chuyến bay từ Sydney về thành thành phố Melbourn ở cực Nam mất hai giờ. Nhìn từ trên máy bay, Melbourn rộng lớn mênh mông. Khi dạo phố mới thấy đây là một thành phố có nhiều nét cổ kính hơn Sydney và Brisbane. Đặc điểm của Melbourn là xe điện. Xe điện hình như là phương tiện chuyên chở công cộng duy nhất của thành phố này. Xe điện chạy giữa tim đường, hai bên là lanes dành cho xe hơi, xe ngựa. Xe ngựa không nhiều vì đã bị cấm hành nghề, rồi do khiếu nại, chính quyền hỏi ý dân qua một cuộc trưng cầu dân ý. Kết quả người dân đồng ý bỏ lệnh cấm đối với một nghề kiếm sống lương thiện. Để dung hòa, xe ngựa được chạy trong thành phố những ngày cuối tuần để tránh nạn kẹt xe. Kẹt xe ở Úc cũng không thua gì traffic jam ở Mỹ.
Melbourn có một loại xe điện công cộng (Free City Circle Tram) chạy vòng quanh thành phố, dành cho du khách hay bất cứ ai muốn sử dụng để rong chơi, hoàn toàn miễn phí. Chúng tôi lên xe dạo một vòng quanh thành phố và xuống xe dừng lại ở hải cảng Victoria Harbour. Ngoài hải cảng Victoria Harbour, Melbourn còn có dòng sông Yarra River nổi tiếng. Victoria Harbour là một hải cảng lớn, có địa hình giống như Vũng Tàu. Cảng cũng là một “vũng” lớn mênh mông, thông với biển là một ngõ ra vào nhỏ hẹp so với “vũng”. Từ đó mà có nhóm chữ “thuyền ra cửa biển”. Victoria Harbour không có những công trình đồ sộ tiếng tăm như Sydney Harbour nên ở đây bình lặng với các phố xá, ngân hàng, cao ốc...

Melbourn là thành phố “hợp chủng”, nơi hội tụ đủ mọi sắc dân trên toàn thế giới. Nhiều tiệm ăn của người Hy Lạp. Nhiều tiêm buôn của gốc Trung đông. Tất cả các quầy bán hạt dẻ trên các hè phố Melbourn đều là các cô gái Ấn Độ. Hạt dẻ đóng sẵn trong từng bịch ny-lông, còn nóng, thơm bùi, mua vài bịch vừa đi dạo vừa nhâm nhi trong cơn gió chiều mùa hè phơn phớt lạnh thật là thú vị.
Chúng tôi khó khăn lắm mới đón được taxi đến khu phố Việt, vào tiệm phở Litlle Sài Gòn. Các tiếp viên đều là những em SV du học. Có em giọng “Bắc kỳ” đặc sệt, chúng tôi hỏi thăm thì được trả lời “Cháu sinh và lớn lên ở đây”. Phở ở đây ngon và món cơm thit nướng cũng rất “bắt miệng”. Một quán phở khác có tên “Dũng Tân Định”, món phở như là một “tổng hợp” giữa ba thứ phở, hủ tíu, bánh canh, nhưng dẫu sao vẫn hơn hẳn tiẹâm mì Beijing trong khu phố Tàu bên cạnh. Tiệm này gốc gác từ Trung cộng, món ăn cỡ bếp tập thể của “công xã nhân dân”, dù đói bụng nhưng nuốt khó trôi.

Rời phở Litlle Sài Gòn, chúng tôi vào một Super Market. Nữ chủ nhân là một phụ nữ Việt trạc tuổi dưới 50. Hàng hóa trong chợ cũng không thiếu một thứ gì. Rau quả tươi như vừa hái từ vườn, tôm cá tươi sống, không có loại ướp đá như chợ bên Mỹ. Là một vùng có khí hậu bán nhiệt đới, rau và hoa quả rất tươi, hương vị đậm đà. Trái cây như xoài, ổi… ngọt và thơm.
Ở Sydney và Melbourn đều có những khu phố Tàu, kiểu như ở san Francisco, cũng sầm uất lắm. Cũng có chùa Tàu, khu “Văn Hóa Tàu” (Chinese Culture), dù chỉ có một số ít biểu tượng.
“Tha hương ngộ cố tri” là một trong ba cái… “sướng” (*) của người xưa, nhưng lần này là một ngoại lệ khi chúng tôi được đón tiếp thân tình bởi những người mà chưa hề gặp nhau trước đó. Ở Melbourn, người “xa lạ” đầu tiên chúng tôi gặp là Quốc Oai và Diễm Trang - con trai và con dâu của nhà văn Thanh Thương Hoàng, một trong những “anh cả” của tạp chí Nguồn. Hai cô cậu gọi phone đến chúng tôi nhiều lần rồi một buổi tối mời chúng tôi đi ăn. Chúng tôi đến một Restaurant khá sang trọng, chủ nhân là người Hoa nhưng thực khách hầu như toàn là người Úc. Chúng tôi phải sắp hàng chờ. Món ăn ở đây ngon, đặc biệt món thịt cá sấu xào.

Chúng tôi cảm thấy vui tươi và như trẻ lại khi chuyện trò với vợ chồng Q.Oai và Diễm. Chúng tôi tìm thấy ở cô cậu sự gần gũi chân tình và hiếu khách. Nếu thời tiết không báo hiệu có mưa bão thì chúng tôi đã được cô cậu chở đi thăm một hang động cách xa thành phố khoảng hơn 300km, được mô tả là rất đẹp, hơn cả động Phong Nha ở Quảng Bình. Q.Oai vượt biên lúc tuổi “teen” hiện làm việc cho công ty cổ phần lớn nhất của Úc, Diễm Trang là Y tá đã hơn mười năm và ý định sẽ chuyển ngành trong vài ba năm nữa để “enjoy” cuộc đời. Nghề Y tá lương cao nhưng vất vả và kẹt thì giờ quá.

Chúng tôi có dịp gặp hai anh Phùng Mai và Phương Duy trong nhóm “Hội Bảo Vệ TKTT”. Cuộc gặp gỡ, trò chuyện thân tình, mặc dù anh Phùng Mai có nhắc lại “trong vụ RMS Viết Từ Hang Đá có lúc tôi đã nặng lời vì hiểu lầm”. Trong Phùng Mai có một sức lực tinh thần, năm 75 mới lên sáu và vượt biên sang Úc.  
Sau bốn ngày rong chơi với Melbourn, chúng tôi bay về lại Brisbane nghỉ ngơi thêm vài ba ngày trước khi trở về Mỹ. Trong bữa cơm từ giã tại một Restaurant Việt ở Brisbane, chúng tôi được gặp ông bà Bùi Trọng Cường, chủ tịch cộng đồng Việt ở thành phố này. Ông Bà Bùi Trọng Cường là hai bác sĩ Việt hành nghề đầu tiên và sớm nhất tại Úc từ năm 1977. Trong nhiều năm qua BS Cường là một khuôn mặt chính trị tiếng tăm ở Úc. Ông dành hầu hết thời gian cho sinh hoạt phục vụ cộng đồng, cho công cuộc đấu tranh vì lý tưởng dân chủ nhân quyền của dân tộc.

Nhân dịp này BS Cường tặng chúng tôi một trang tem in hình Lê Thị Công Nhân giá 50 cent của bưu điện Úc và hai tác phẩm: (1) “Nhị Kiều Nước Nam”, tác giả Bảo Giang. Uc Châu xb 2008. (2)“Hai Truyện Tù – Two Prison Life Stories” của Nguyễn Chí Thiện. Sách in ở Mỹ. Một món quà đặc biệt khác cả hai ông bà BS tặng chúng tôi là vòng dây in những lá cờ vàng ba sọc đỏ – biểu tượng căn cước của người Việt tỵ nạn.

Rời nước Úc với tất cả cảm tình lưu luyến, đất nước, con người, đồng hương và thân thuộc.
Xin cảm ơn nước Úc. Cảm ơn những gặp gỡ tiếp đón thân tình. Cảm ơn những đứa cháu hồn nhiên thân thiết, sinh trưởng ở xứ người, thành đạt mà tâm hồn vẫn rất Việt Nam.
Sau hết và hơn hết cảm ơn vợ chồng cô em gái út – Trần Thị Kim Vân – đã dành hết tình cảm ruột thịt cùng các tiện nghi cao nhất cho anh chị.
Tôi ngẫm lại mới thấm thía tại sao người xưa gọi con trai út và con gái út là Quý nam và Quý nữ.

Song NhỊ


No comments:

Post a Comment

Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...