Nhiều người bảo: “Trời sinh ra tôi như vậy. Tôi không muốn
thay đổi bản tính của tôi để tạo cho mình một cá tính không tự nhiên – một ngụy
tính. Tôi như vậy đó. Ai chịu tôi được thì chịu, không thì thôi !…”.
Hầu hết những người nói như vậy đều cho mình có nhiều nghị
lực. Sự thật trái lại, họ bị lòng tự ái sai khiến. Họ thiếu lương tri vì không
hiểu rằng chúng ta phải hòa hợp với bản tính của mỗi tha nhân, với mọi hoàn
cảnh như phải hòa hợp với nước, với khí hậu, với một chiếc xe hơi, với một bức
tường đá… chứ không thể đối nghịch lại với những thứ này…
Không chịu cố gắng hòa hợp với người khác thì chỉ gây thêm
ác ý, sự phản kháng của người khác mà thôi. Do đó mà mất việc, mất bạn, luôn
luôn phải đối chọi với những điềụ xung khắc và đời sống hóa ra một địa ngục.
Các nhà tâm ý bảo thái độ ngoan cố, thiếu tri thức đó là một cách tự vệ của
những hạng người quá mẫn cảm.
Các nhà bác học, các sử gia và triết gia đồng ý với nhau về
một nhận định: Cuộc sinh tồn trên trái đất từ xưa tới nay và từ nay cho tới
thời gian vô cùng tận là một sinh hoạt thích ứng bất đoạn với mọi hoàn cảnh.
Trong lịch sử tiến hóa của vạn vật, vật nào không biết; hoặc không chịu thích
ứng với những sự thay đổi của hoàn cảnh thì nhất định sẽ bị luật thiên nhiên đào thải và bị tiêu diệt.
Trong cuộc sống, chúng ta cũng phải thích ứng với hoàn cảnh
và với mọi người xung quanh. Không có luật nào quan trọng bằng luật này. Vì vậy
chúng ta có thể nói rằng nếu muốn khỏi bị đào thải thì phải biết thích ứng;
phải biết nhu hòa, dễ dãi, vui vẻ… phải biết hòa hợp với người khác, làm sao
cho mục đích, quyền lợi của ta thích hợp với ý nghĩ, dục vọng, nhu cầu và hành
động của người khác.
Có thể nói chắc rằng: Chúng ta cư xử với người khác ra sao
thì người khác cũng cư xử với ta như vậy. Luôn luôn là “có đi có lại”.
[SN viết lại theo ý của cụ Phúc Minh.]
No comments:
Post a Comment