Friday, October 12, 2012

KỶ YẾU HAI MƯƠI NĂM CỘI NGUỒN



Tuyển tập Thơ Văn gồm 55 tác giả trong nuớc và hải ngoại. Thơ, Truyện, Tùy Bút, Biên Khảo, Nhận Định, Phê Bình Văn Học... Nội dung đặc sắc, với nhiều hình ảnh 20 năm sinh hoạt VH.CN có giá trị với thời gian và không gian Văn hóa của dân tộc. Sách in màu và đen trắng, dày 650 trang. Phát hành trong tháng 10-2012.
Chủ trương Biên tập: Song Nhị với sự cộng tác của Diên Nghị, Cung Diễm, Lê Đình Cai và các tác giả trong Ban Biên Tập tạp chí Nguồn.
Liên Lạc: Cội Nguồn - P.O. Box 3648 San Jose, CA 95156-3648 USA. E-mail: coinguonus@gmail.com





Nhìn Lại Một Chặng Đường Văn Học

Kể từ ngày “đặt viên đá” khởi đầu cho sinh hoạt của Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn đến nay, khi bước sang năm 2012, và năm 2013 đang ngấp nghé phía trước Cội Nguồn đã đi được những bước đi vững chãi trong 20 năm liên tục với những thành tựu đáng khích lệ.
Trong tuyển tập Kỷ Yếu “5 Năm Văn Học Cội Nguồn” ấn hành năm 2000, chúng tôi đã bộc bạch cùng độc giả và bạn hữu về chặng đường ngắn ngủi 5 năm trong hành trình lịch sử vô tận của dân tộc.

Từ năm 1993 đến nay, suốt hai thập kỷ, đoạn đường đã bước qua và con đường sẽ đi tới vẫn cùng một mục đích mà Cội Nguồn đã đặt định hướng tới. Tôn chỉ, mục tiêu của Cội Nguồn đã được khẳng định từ 15 năm trước qua bài Quan điểm “Năm Năm, Một Chặng Đường Văn Học” cho dấu mốc kỷ niệm 20 Năm Văn Học Cội Nguồn, với phần tóm lược thành quả gần 20 năm sinh hoạt của các văn thi hữu và thân hữu Cội Nguồn trong suốt thời gian qua.

**
15 năm, hay 20 năm cũng chỉ là một giây phút ngắn ngủi so với chiều dài Năm Ngàn Năm Lịch Sử của dân tộc. Năm ngàn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước đó cũng là năm ngàn năm hình thành, tạo dựng và phát triển của nền văn hóa và văn học nước nhà. Kể từ mấy tác phẩm hiếm hoi bằng chữ Hán vào đời nhà Triệu (năm 207 - 111 trước Tây lịch), thời thượng cổ:
- Thư Triệu Vũ - vương Đà trả lời Hán Văn đế.
- Chiếu của Triệu Vũ- vương cáo cùng thần dân, và Hịch của Tể tướng Lữ Gia kể tội mẹ con Cù - thị Triệu Ai- vương, đến một kho tàng văn học ở thế kỷ 19 và thế kỷ 20, các bậc tiền nhân đã để lại một gia sản tinh thần đồ sộ, quý giá: Hịch Tướng Sĩ, Bình Ngô Đại Cáo, bài tứ tuyệt của Lý Thường Kiệt như một bản tuyên cáo, một tuyên ngôn độc lập:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhử đẳng hành khan thủ bại hư.

Nền Văn Học đó tiếp nối theo chiều dài lịch sử với dòng văn chương cô đọng, trong sáng qua Đoạn Trường Tân Thanh, khơi động não nùng trong Cung Oán Ngâm Khúc. Lục Vân Tiên, một kho tàng đồ sộ của từng thế hệ tiếp nối từ thời buổi yên ổn quang vinh cũng như giữa lúc biển dâu bất hạnh.

Quy luật tiến hóa tự nhiên tác động lẽ sinh tồn dân tộc đã buộc thời đại Hán Nôm – một thời vang bóng chịu nhường bước cho trào lưu văn hóa phương Tây, một giao điểm hội tụ giữa cũ và mới, không nặëng tính chất loại trừ, tiêu hủy mà tương tác hài hòa, lọc lựa, ổn định thế đứng nhằm góp sức, góp lòng khai quật, khám phá những tinh túy tư duy, truyền thống đạo lý, tiếp tục định hình, định tính, nâng văn học lên tầm mức cao sang.

Nhân tố thúc đẩy hình thành chữ quốc ngữ La tinh như một thừa hưởng kết quả tích cực, quý giá của đất nước. Song hành với sự hiện diện của đoàn người lạ mặt, khác màu da đã tạo dựng ảnh hưởng cuộc sống thực tại tiếp cận cái mới bằng nhãn quan mới soi rọi vào tư duy những nghìn năm khép kín giữa màu xanh lũy tre làng quen thuộc và màu vàng đục bùn lầy, đồng chua nước mặn.

Nhóm Tự Lực Văn Đoàn, cùng nhiều tác giả thơ văn khác đã khai mở giai đoạn nối liền quá khứ với hiện tại bằng quan niệm và ý thức muốn đổi thay nề nếp và mẫu mực phong kiến. Trào lưu lãng mạn nổi bật - một luồng gió mát dịu thổi tới giữa môi trường oi bức ngột ngạt, được đón nhận nồng nhiệt.


Cái gọi là “cách mạng mùa thu” 1945, chối bỏ toàn bộ, kể cả quan điểm thẩm mỹ văn chương và đạo lý căn bản truyền thống dân tộc, vốn không ngừng phát huy và cần được bảo vệ. Lý thuyết và tư tưởng vô sản quốc tế được áp đặt. Thay vì xua đuổi, loại trừ kẻ lạ mặt da trắng thực dân, tập đoàn vô sản lại rước về một chủ thuyết lạ mặt da trắng khác còn trăm lần hung bạo, độc ác hơn kẻ thù cũ, gây nên cảnh “nồi da xáo thịt,” tan tác, đổ vỡ, khốn cùng suốt 30 năm chinh chiến. Và sau 37 năm thông đường Nam Bắc, đất nước trên 80 triêu người dân và 3 triệu con người mang thân phận lưu vong khắp năm châu đã thấy rõ hơn bao giờ hết, tập đoàn thống trị hiện tại tự tố cáo là tay sai, tình nguyện làm kẻ trung thành của đế quốc đỏ lỗi thời, không tưởng.

Từ lịch sử sang trang, tháng 4 năm 1975, Một cuộc vượt thoát khỏi bàn tay sắt máu của kẻ tàn ác, khỏi gông xiềng Mác-Xít có một không hai trong lịch sử nhân loại, với hàng trăm, hàng ngàn, hàng vạn đến triệu con người, và biết bao nhiêu sinh mệnh rủi ro, vùi xác dưới đáy biển Đông, hoặc trên những nẻo đường núi rừng thâm sâu biên giới.

Bỏ nước ra đi, hành trang mang theo duy nhất là ngôn ngữ của mẹ Việt Nam, huyết thống giống nòi và tình tự dân tộc với quyết tâm duy trì và bảo vệ những truyền thống văn hóa Việt Nam cao quý.

Từ nguồn cảm hứng dạt dào, bất tận nơi xứ người, cùng với khả năng sáng tạo phong phú, hàng ngàn tác phẩm văn học ngôn ngữ Việt lần lượt ra đời. Từ luồng ánh sáng tự do chiếu rọi, văn học Việt Nam hải ngoại ngày càng phát triển lớn mạnh. Một thế hệ cầm bút mới đang sẵn sàng kế thừa, đáng tin cậy, vẫn giữ gìn trọn vẹn tiếng nói quê hương, hòa đồng với hàng trăm ngôn ngữ khác nơi lục địa đa văn hóa, mênh mông này.

Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn, 20 năm qua, tuy đến sau, theo muộn, đã đem hết thành tâm thiện chí, đóng góp khả năng hạn hẹp của mình vào sự nghiệp chung của cộng đồng, cùng chung lý tưởng, cùng mục đích bảo vệ bản sắc văn hóa và đạo lý dân tộc, tình tự quê hương.

20 năm, một chặng đường đi tới bằng vốn liếng tự lực tự cường, cùng với ý chí tự tin và lập trường khẳng định nhất quyết không chấp nhận thứ văn học Mác Xít phục vụ thể chế độc tài, đấu tranh giai cấp, phi nhân, hủy diệt mọi giá trị tinh thần của dân tộc và nhân loại.
20 năm qua, nhiều tác phẩm xuất xứ từ Cội Nguồn đã được bạn đọc nồng nhiệt đón nhận vừa khích lệ, tán đồng; vừa chân thành góp ý xây dựng. 20 năm qua, một số đông đảo văn thi hữu và thân hữu gần xa từ trong nước ra hải ngoại, khắp các lục địa Hoa Kỳ, cũng như nhiều quốc gia khác như Canada, Úc, Pháp, Bỉ, Na Uy, Nhật v.v… đã đến với Cội Nguồn, đã hứa hẹn cùng nhau bước đi trên con đường đã vạch. Phương tiện là ngòi bút và hành trang là tấm lòng với đất nước quê hương đã biểu lộ sức mạnh, với tinh thần vươn tới, chưa bao giờ mỏi mệt, giẫm lên mọi khó khăn thiếu thốn để tiếp tục bước đi trên con đường vạn dặm với ước mong ngày về điểm hẹn, đón chào bình minh rạng rỡ của quê hương tổ quốc.
Con đường mà Cội Nguồn lựa chọn và đang đi chắc chắn sẽ đến đến nơi từ đó ra đi khi hơn 80 triệu đồng bào một thịt thoát khỏi cơn ác mộng bạo lực Cộng sản cuối cùng trên hành tinh của nhân loại 

Cội Nguồn/ 8-2012

Thursday, October 4, 2012

ĐỌC BẢN CHÚC THƯ


TIN BUỒN - PHÂN ƯU

Được tin Nhà thơ NGUYỄN CHÍ THIỆN, tác giả tập thơ Hoa Địa Ngục, vừa qua đời  lúc 7 giờ 17 phút  sáng Thứ Ba, 2 tháng 10, 2012,
tại thành phố Santa Ana, Orange County, California, USA.
Hưởng thọ 73 tuổi.
Xin thành kính chia buồn cùng tang quyến.
Nguyện cầu Linh Hồn Nhà Thơ sớm về cõi vĩnh hằng

Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn, tạp chí Nguồn và các thân hữu:
Vũ Triều Nghi-Hàn Phong Cao, Thanh Thương Hoàng-Lê Diễm, Huệ Thu, Ngọc Bích, Cung Diễm, 
Hồ Linh, Lê Đình Cai, Duy An Đông, Đỗ Bình, Song Nhị.

 Từ trái: Song Nhị, Nguyễn Chí Thiện, Triều Nghi, Cung Diễm, Diên Nghị 
[San Jose 2007]


ĐỌC BẢN CHÚC THƯ

*Tặng nhà thơ Nguyễn Chí Thiện

Năm 1990, một thân nhân của tôi từ Mỹ về Việt Nam kể chuyện tập thơ tù “Bản Chúc Thư Của Một Người Việt Nam”, (tạp chí VNTP đề tựa và xuất bản tháng 10/1980) của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, với lòng cảm phục. Năm 1993, một tháng sau khi đến Mỹ tôi nhận được tập thơ  thơ do thân nhân tôi từ tiểu bang Massachusettes gửi tặng. 
Là một người từng đi qua suốt một chặng đuờng thơ ấu, chưa hết tuổi thanh xuân đã chứng kiến và là nạn nhân của những cuộc đấu tố, thanh trừng man rợ trong “Cải Cách ruộng Đất”, thời kỳ 1955 - 56; Rồi sau năm 1975 trải qua những năm bị đày ải trong các trại tù cải tạo từ Nam ra Bắc, nên khi đọc mỗi câu thơ trong “Bản Chúc Thư”, mỗi dòng chữ là một dòng nước mắt. Với cảm xúc đó, tôi đã viết bài thơ này. Bài thơ tôi viết hai tháng sau khi đến Mỹ (tháng 4-1993) và cách đây đã xấp xỉ 20 năm. Hơn 10 năm trước tôi đã có dịp trao tặng nhà thơ Nguyễn Chí Thiện bài thơ này trong một bữa ăn sáng với nhà văn Thanh Thương Hoàng và văn hữu Ngọc Huỳnh tại San Jose.
Mấy năm gần đây Nguyễn Chí Thiện từ Westminster lên San Jose thỉnh thỏang anh ghé thăm anh em chúng tôi trong nhóm Cội Nguồn. Lần gặp mới nhất cách đây mấy tháng. Nhận được tin đột ngột anh đã qua đời, xin chia sẻ cùng bạn đọc bài thơ viết tặng tác giả NCT lúc sinh thời, để bày tỏ lòng thương tiếc và thay lời tiễn biệt.  [Song Nhị]

***

Gửi anh
tác giả “Bản Chúc Thư”
dẫu chưa gặp anh bao giờ
chưa một lần bắt tay
chưa một lần cười trong mắt nhau thân ái

Hôm nay tôi  đọc anh
Hiểu lòng anh:
Yêu Tổ Quốc, yêu quê hương, đồng bào, đồng loại
Biết đời anh:
đau ốm, lao tù
hờn căm khí khái
Trong gông cùm thơ như thép đã tôi!

Tôi đọc anh hôm nay
như đã gặp anh rồi
Gặp từ nỗi niềm u uất
Từ vết thương đời quá khứ máu còn tươi

Tôi gặp anh
Gặp từ trong dòng lũ bốn lăm (*)
Lửa yêu nước ngụt ngùn bốc cháy
Tôi găp anh từ sau ngày quê hương lớn dậy
Hoang tưởng đầy hồn:
Độc Lập! Hạnh Phúc! Tự Do!

Tôi gặp anh từ tuổi ấu thơ
từ mái trường tiểu học
bài học đầu tiên yêu đảng, yêu hồ

Tôi gặp anh
từ sau ngày đình chiến năm tư (*)
Gặp trong cuộc đấu tranh giai cấp
Bọn cướp của gieo chiêu bài ruộng đất
Gây nghi kỵ, hận thù
Gạt lừa, cưỡng bức
Con đấu mẹ cha
Vợ tố cáo chồng
Anh em lìa cốt nhục
Cửa mất nhà tan
Tù đày bắn giết
Trăm nghìn người chết tức tưởi oan khiên!

Tôi gặp anh trong hàng ngũ nạn nhân
Dưới nanh vuốt loài ma vương quỷ sứ
Tuổi trẻ ước mơ chân trời rộng mở
Phải chôn vùi trong vũng tối mông lung

Tôi gặp anh từ những trại tập trung
Thăm thẳm núi rừng Việt Bắc
Rận rệp, muỗi mòng, sên vắt
Lao động nhục hình đói lả cùm gông
Súng dí vào người:
“lao động vinh quang!”
Ngày ngày dầm mình hố xí hầm phân
Đêm đêm học bài ngợi ca bác, đảng

Tôi gặp anh từ củ khoai mẩu sắn
Quý giá, khát khao hơn cả bạc vàng
Tôi gặp anh từ nỗi đau chung
Thân phận con người không bằng súc vật

Bốn mươi năm
Bốn mươi triệu người dân miền Bắc
Dưới bàn tay bạo chúa hung tàn
Cuộc đời xơ xác

Hai mươi năm
Bốn mươi triệu đồng bào miền Nam
Cùng chung nghiệt ngã
Dưới bạo lực chuyên quyền
Nhìn thảo khấu say men
Thừa thế thẳng tay triệt hạ
Mọi giá trị tinh thần
Bỏ Phật, bỏ Chúa
Bỏ ông cha nguồn cội tổ tông
Phá miếu phá đình
Chiếm chùa chiếm đạo

Luật phát xít tập trung cải tạo
Trí thức, tu hành, nhân sĩ, thương gia
Chiếm đất. đuổi dân, cướp của, đoạt nhà
Kinh tế mới
trại giam, nhà tù mọc lên như nấm

Lưới chuyên chính buộc oán hờn câm lặng
Vây hãm người dân vào tận khốn cùng
Tiền đồ Tổ Quốc mông lung
Dân Chủ Tự Do chỉ là ảo vọng
Nhân loại văn minh tiến lên tột đỉnh
Việt Nam lùi về bất hạnh trăm năm
Mọi tiếng nói thương nhà yêu nước
Bị búa liềm chuyên chính vây ngăn

Anh đã thét lên từ cõi lòng sâu thẳm
Lòng yêu nước yêu tình người sâu đậm
Tiếng nói đau thương từ giữa ngục tù
Từ giữa gông cùm từ cõi chết thâm u
Tiếng uất nghẹn của hờn căm lẽ phải

Để từ đó
Khắp năm châu lương tri ngoảnh lại
Hẹn Chúc Thư đợi sống một ngày

Tôi đọc anh từ nơi đây
Giữa đất trời tự do
Mười năm lao tù không mờ phai dấu tích
Nhìn về non nước
Nghĩ về anh
Quặn đau từng khúc ruột
Tiếng ác quỷ vọng về
Ngày dẫy chết.

Song Nhị, tháng 4/1993

(*) Hiệp định Genève 20-7-1954 chia đôi đất nước





Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...