Saturday, November 17, 2012

XUÂN ĐỨC




Cội Nguồn Ngõ Đến
Từ Lạ Đến Thân
       
Ngày - thì tôi không nhớ rõ. Nhưng vào giữa tháng 3 năm 2010, một buổi sáng tôi vừa ngồi vào bàn làm việc ở tòa soạn báo Văn Nghệ Tiền Phong (VA), thì tiếng chuông điện thoại reo. Từ bên kia đầu dây, một tiếng nói nghe khá quen thuộc. Đó là chủ nhân của L-A Boutique, ở tận thành phố Lyon, Pháp Quốc. Cô nhờ tôi tìm mua giúp cho cô 5 cuốn tạp chí Nguồn số xuất bản mới nhất, do nhà văn Song Nhị làm chủ  nhiệm - chủ bút. Tạp chí nầy xuất bản ở California. Lần đầu tiên tôi nghe tên tạp chí  Nguồn từ một đại lý báo Văn Nghệ Tiền Phong ở bên Pháp, thú thực tôi vô cùng bỡ ngỡ, và có phần hỗ thẹn cho người làm báo như tôi.

 - “Em cho anh xin địa chỉ của Cội Nguồn, anh đặt mua, sau đó gởi kèm theo báo VNTP trong kỳ tới nầy luôn”.
- “Chính vì em không biết, mới nhờ qua anh. Anh trả lời cách ấy cũng bằng thừa. Ở đây có một vài vị khách đến hỏi mua tạp chí Nguồn. Em cũng chưa biết mặt mũi tạp chí đó ra sao cả. Theo yêu cầu của khách hàng, anh cố gắng giúp giùm em, càng sớm, càng tốt. Cảm ơn anh…”
Cuối cùng tôi cũng đã nhờ được một người bạn cho tôi địa chỉ rõ ràng của Cội Nguồn.

Từ lạ, bởi khi nghe hai tiếng Cội Nguồn - tên của tổ chức chủ trương và xuất bản tạp chí Nguồn. Dù tôi chưa biết nội dung bên trong nói gì, viết gì. Song tôi đã liên tưởng được phần nào những bài viết, cho dù bất cứ dưới hình thức, thể loại nào, tôi nghĩ tờ báo phải chứa đựng nội dung rất rõ nét của nhóm chủ trương sáng lập Cội Nguồn và người đứng tên chủ nhiệm, chủ bút tạp chí Nguồn. Phải chăng tờ tạp chí có sự “can thiệp” tác thành từ sâu thẳm đáy lòng của hàng triệu con người Việt Nam đã đành phải xa quê hương sống rải rác khắp 50 tiểu bang Hoa Kỳ, và các lục địa Châu Âu, Châu Úc…

Khi cầm được tờ báo trên tay, tôi cảm nhận ra ngay quả thật Nguồn đã đáp ứng được sự mong đợi của độc giả năm châu.

Từ ngày đến làm quen và dần dà tìm hiểu, đến một lúc tôi cảm nhận ở Cội Nguồn có một cái gì thật dễ… làm quen, thật dễ gần gũi. Ở Cội Nguồn, không có rào cản, nhưng lại có ranh giới trong lãnh vực văn chương, văn học… Và có một lằn ranh chính kiến bền vững giữa văn hóa, tình tự dân tộc và văn hóa Mac-Xit ngoại lai, phi dân tộc.

Ở trong nước, tinh thần Văn hóa bị che chắn, văn học là công cụ phục phụ chính trị, người dân không được nhìn thấy thế giới bên ngoài, ít nhất vài ba thế hệ đã không được tiếp cận với các trào lưu tư tưởng phóng khoáng của thế giới văn minh, do đó họ trở thành kẻ mù lòa, xa rời nguồn cội.

Nếu một người không đi trên con đường suy lý và trực giác để nhận thức chân lý thì họ trở thành kẻ bên lề, lạc lõng. Chân lý chính là Nguồn Cội. Không có trực giác, đơn thuần suy lý cảm nhận sẽ bất lực, không hiểu được sự thật trọn vẹn.
Qua hàng loạt Tạp chí Nguồn đã phát hành đến tay bạn đọc, và gần đây “Nửa Thế Kỷ Việt Nam” của nhà văn Song Nhị, người chủ biên Cội Nguồn và các tác phẩm khác do Cội Nguồn xuất bản đã nói lên được ý hướng phục vụ văn học của Cội Nguồn ở hải ngoại.

- Sau khi từ “lạ” đến quen thân, tôi muốn nói đến tình thân. Tình thân ở đây nó chứa đựng nhiều nghĩa: Thân quen, thân mến, thân thương, thân thiết. Ở đây tôi muốn dùng từ ngữ “Thân thiết” với Cội Nguồn.

Bởi lẽ, cách đây gần hai năm, vào ngày 13 tháng 11 năm 2010, trong dịp tác phẩm Nửa Thế Kỷ Việt Nam của nhà văn Song Nhị đến với độc giả các tiểu bang Maryland, Virginia, Washington D.C. Anh Song Nhị và tôi có một vài lần trò chuyện ngắn. Qua đó giữa tôi và anh Song Nhị càng thân thiết hơn. Tôi kính trọng anh, xem anh như một người thầy của tôi lúc còn ở quê hương. Gìơ nầy cũng vậy, tôi chỉ là một cậu học trò của anh không hơn không kém. Kể cả trên bước đường chập chững bước vào làng viết lách. Những bài thơ, văn của tôi thường được anh góp ý và nhuận sắc…

Thời gian nầy có lẽ Cội Nguồn đang tập trung bài vở cho Kỷ Yếu. Bài này tôi viết vội, gởi đến anh Song Nhị và tôi mong đợi người chủ biên cũng sẽ đọc, góp ý và chấp nhận bài viết của tôi. Bài viết này, cũng như trên Tạp chí Nguồn là tâm ý xuất phát từ tận đáy lòng, mang nhiều thổn thức.

Trên đây chỉ là một vài nhận xét thô thiển của tôi, tôi chẳng có năng lực như một thủ thư của ngành thư viện học để giới thiệu sách trên báo, trên truyền hình. Hoặc điểm sách trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cuối cùng tôi xin mạn phép trích lời của tác giả Nguyễn Hưng Quốc trong tác phẩm “Văn học Việt Nam Thời Toàn Cầu Hóa” như sau để làm kết luận và để tặng Cội Nguồn:
“Tôi rất thích câu chuyện ‘Thác đao điền’ trong lịch sử Việt Nam ngày xưa. Vua Lý Thái Tông, thưởng công Lê Phụng Hiểu bằng cách cho ông lên núi Băng Sơn ở Thanh Hóa ném đao. Đao bay đến đâu vùng đất ấy thuộc về điền trang của ông.

Viết văn cũng thế. Viết văn là ném chữ vào cái thế giới tối tăm mịt mù của những điều chưa biết. Chữ bay đến đâu, Biên giới của tác phẩm trải dài đến đó. Biên giới của tác phẩm bay đến đâu, Lãnh thổ Văn học được mở rộng đến đó…”
                                                              
Xuân Đức/Virginia, Aug-2012.

**
Lòng Mẹ

Dẫu trăm trang giấy viết thành văn
Khó tả công lao mẹ nhọc nhằn
Khoai, sắn thay cơm bầu sữa cạn
Mướp, cà đổi cháo mớm con ăn
Đêm sương thao thức quầng mi xám
Ngày nắng phơi thân vầng trán nhăn
Chữ hiếu cả đời chưa trả được
Nặng lòng tôn kính mãi trăm năm.

Xuân Đức

**
Trước Mộ Cha

Kính tặng cô Khúc Minh Thơ và gia đình Việt Mỹ
nhân buổi thắp nến tại bức tường đen.

Qua rồi cuộc chiến mộ cha đâu
Con mãi mơ màng nỗi khổ đau
Chín tháng cưu mang buồn tủi mẹ
Hai dòng máu kết mối thương sầu!

Những tưởng cuộc đời sống cạnh nhau
Cùng chung lèo lái một con tàu
Ngờ đâu thế sự bày dâu biển
Để cuộc nhân duyên lỡ nhịp cầu

Con sống bơ vơ những nẻo đường
Tuổi thơ thèm khát một tình thương
Đắng cay miệng thế “con lai Mỹ”
Xa xót tâm hồn lạnh tuyết sương!

Thế rồi lối rẽ bỏ quê hương
Mẹ dắt dìu con vượt đại dương
Đến Bức Tường Đen tay mẹ chỉ
Cha con ở đó sống phi thường!

Xuân Đức
(Buổi họp mặt gia đình con lai Việt-Mỹ tại Washington D.C. June 18, 2009) 




LÊ ĐÌNH CAI



 Một Cách Nhìn Về Cơ Sở Thi Văn
Cội Nguồn Và Tạp Chí Nguồn

Tôi qua Hoa Kỳ theo diện H.O vào tháng 10 năm 1994 và định cư tại San Jose từ ngày đó cho tới nay. Tôi gần gũi với anh Diên Nghị và Song Nhị cũng vào thời gian này. Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn đã xuất bản tuyển tập thơ đầu tiên “Gởi Người Dưới Trăng”, xb vào tháng 4-1995,  gồm 20 tác giả. Tuyển tập này là kỷ niệm đẹp khó quên của cá nhân tôi với anh em Cội Nguồn từ những ngày đầu tiên đến Hoa Kỳ. Đã gần 20 năm trôi qua, tôi sinh hoạt chung về lãnh vực Văn Học Nghệ Thuật với anh Song Nhị, Diên Nghị và nhóm Cội Nguồn. Cũng từng năm ấy chia ngọt sẻ bùi với các thành viên của nhóm.

Bài viết này nhằm ghi lại những thoáng suy tư, những cảm nghĩ về sự đóng góp của Cội Nguồn trong dòng Văn Học Hải ngoại. Dĩ nhiên đây không phải là bài viết mang tính phê bình văn học. Trước sau chỉ là cảm nghĩ riêng tư của một thành viên vốn đã có mặt gần như từ những ngày đầu của một nhóm người yêu văn học, thong nguồn cội của quê cha đất tổ, muốn cùng nhau nổ lực để duy trì văn hóa Việt tộc trên xứ người….

Tại Paris, trong một buổi sinh hoạt Văn Học Nghệ Thuật do Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt nam Paris tổ chức ngày 27-5-2012, tại Confians saint-Honorine (một thành phố phía Tây Bắc Paris), nhà văn Song Nhị đại diện nhóm Cội Nguồn đã được Ban Tổ chức mời lên phát biểu. Nhân cơ hội này, anh Song Nhị đã giới thiệu sơ lược về sự hình thành và những đóng góp của Cội Nguồn vào sinh hoạt văn học hải ngoại trong gần 20 năm qua. (Xin xem bài tường thuật của Mây Thu).

Tôi xin được nói rõ thêm về đoạn này của anh Song Nhị, ngoài 53 số tạp chí NGUỒN đã được ấn hành, CSTV Cội Nguồn đã xuất bản được 48 tác phẩm (cộng hai tác phẩm – kỷ yếu và tập Văn/Thơ của chị Ngọc Bích - sẽ in trong năm 2012) gồm: 22 tập thơ, 17 cuốn văn, 3 cuốn thi văn hợp tuyển, 3 cuốn biên khảo về thơ, 3 cuốn hồi ký chính trị… Vì lý do giới hạn của tập Kỷ Yếu, người viết không thể trình bày cảm nghĩ của mình về hầu hết các tác phẩm mà Cội Nguồn đã xuất bản, chỉ điểm qua vài cuốn sách tiêu biểu mà người viết đã có dịp đọc kỹ và đã trao đổi quan điểm của mình với các tác giả liên hệ.

Nửa Thế Kỷ Việt Nam, Tác giả là nhà văn Song Nhị. NXB Cội Nguồn in lần thứ nhất tháng 1/2010. Tái bản (in lần thứ hai) tháng 6/2010, California, Hoa Kỳ. Sách dày gần 500 trang, gồm 18 chương, thêm phần phụ đính. Nội dung chính kể lại cuộc đời truân chuyên của một chàng trai hiền hòa chơn chất kể từ ngày Cộng sản cướp chính quyền qua cái gọi là “Cách mạng tháng Tám” (1945). Cuộc đời tác giả nổi trôi theo vận nước từ 1945 cho đến 1975. rồi những năm tháng tù tội sau khi miền Nam bị nhuộm đỏ. Cuộc đời của Song Nhị gắn liền với nỗi đoạn trường bi thương và tăm tối của cả dân tộc.

Cuốn sách của ông là bản cáo trạng thống thiết của toàn dân Việt trước thảm họa cộng sản trên toàn thế giới. Nhà văn Song Nhị đã nói thay, đã lên tiếng giùm cho hơn 80 triệu con người đang sống trong một “thời đại câm nín” như GS Tiến Sĩ Cao Thế Dung đã nhận xét trên tờ “Thủ Đô Thời Báo” ra ngày 31-3-2010 ấn hành tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn: “Bút ký Tự truyện của nhà văn Song Nhị, một tác phẩm thật giá trị về về văn phong, văn chất; thật tâm đắc về nội dung, hiếm có một bút ký nào đạt được như vậy: Những khát vọng của con người, những đau đớn của cả một dân tộc. Và là một dòng tâm khấp – khóc trong lòng một dòng tâm thanh chất chứa một trời tâm sự, không phải của riêng tác giả Song Nhị mà là tâm sự mênh mang của cả một dân tộc trong một thời đại câm nín. Song Nhị đã đứng phắt dậy phá vỡ sự câm nín ấy bằng tâm thanh từ trái tim mình, từ trái tim dân tộc, và từ kiếp người Việt Nam trong nửa thế kỷ….”
(trích trong bìa sau của cuốn sách).

Nhà thơ Đỗ Bình tại Pháp đã nhận định: “Khi thực hiện cuốn sách này tác giả không nhằm mục đích phê phán hoặc chỉ trích riêng ai, cho dù ông và gia đình đã trải qua bao nhiêu nghiệt ngã! Nhất là tác giả đã nhận thức được lịch sử thuộc về dân tộc, mang tầm vóc lớn và trọng đại, viết về lịch sử là công việc của các sử gia, những nhà nghiên cứu sử. Do đó ông không có tham vọng làm công việc chép sử hay đánh giá, phân tích thời cuộc. Những điều ông viết ở đây chỉ là ghi lại những sự kiện xảy ra trong một đất nước đầy rẫy những bạo lực, hận thù bắt nguồn từ những tư tưởng ý thức hệ trái ngược nhau. Nửa Thế Kỷ Việt Nam là những trang nước mắt của những người dân Việt, nạn nhân của quyền lực và tà thuyết CS. Đây là tiếng vọng nói về một quê hương chìm đắm trong bất hạnh vì thiếu những quyền căn bản của con người, đó là Tự Do, Nhân Quyền". (Phát biểu trong buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật tại Paris ngày 27-5-2012).

Cuốn Nửa Thế Kỷ Việt Nam dĩ nhiên không phải là tác phẩm biên khảo sử học. Không ai bắt buộc tác giả phải tuân theo những quy định khắt khe của ngành này trong vấn đề trích dẫn, chú thích hay tham khảo. Điều mà người viết Điều mà người viết muốn được nhấn mạnh ở đây là tác phẩm này có giá trị đến mức độ nào đối với các nhà nghiên cứu lịch sử khi cần viết về giai đoạn tranh chấp Quốc Cộng vừa qua.

Hồi ký, bút ký hay tự truyện đều có thể là nguồn sử liệu cần thiết cho các sử gia khi nghiên cứu đến một giai đoạn lịch sử nào đó. Tuy nhiên nó phải được sàng lọc qua hai công đoạn cần thiết của phương pháp sử học: Cẩn án ngoại (External Study) và Cẩn án nội (Internal Study).
Từ tác giả đến nội dung tác phẩm đều cho phép tin cậy được thì Hồi ký, Bút ký hay Tự truyện, trong chừng mực của nó đều cho phép các nhà nghiên cứu dùng làm sử liệu cho công trình biên soạn của mình.

“Vũ Trung Tùy Bút” của Phạm đình Hổ hay Tang Thương Ngẫu Lục” của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án đều viết về chính sách kinh tế hay đời sống xã hội sa đọa dưới thời Chúa Trịnh đều được các sử gia sau này trích dẫn trong các tác phẩm sử học của họ.

“Phù biên Tạp lục” của Lê Quý Đôn hay “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” của Ngô Thời Chí cũng vậy, cũng chỉ là dạng bút ký hay “tạp lục” thế mà về sau đã trở thành những tư liệu quý hiếm khi đề cập  đến lịch sử thời cận đại.
Gần chúng ta hơn có “Tuấn Chàng Trai Nước Việt” của nhà văn Nguyễn Vỹ, lấy bối cảnh của người thanh niên Việt Nam từ sau Thế chiến Thứ nhất (1914-1918) để kể lại tâm tình, cách suy nghĩ và hành động của giới trẻ thời đó mà bây giờ nếu nhà nghiên cứu nào muốn biết về hướng đi, nhịp thở, phong cách, sự suy nghĩ của giới thanh niên vào những thập niên đầu thế kỷ 20, không ai là không tìm đọc “Tuấn Chàng Trai Nước Việt” của Nguyễn Vỹ.

Cũng vậy, theo suy nghĩ của tôi, rồi ra trong vài ba mươi năm sau nữa, cuốn sách Nửa Thế Kỷ Việt Nam (1945-1995), bút ký của nhà văn Song Nhị nói về những biến cố trọng đại qua cuộc tranh chấp Quốc Cộng ảnh hưởng lên cuộc đời cá nhân và gia đình, đến vận mệnh của dân tộc, sẽ trở thành là nguồn sử liệu hiếm quý cho các nhà nghiên cứu sử học trong tương lai.
Quả thật, Nửa Thế Kỷ Việt Nam đã được độc giả khắp nơi đón nhận rất nồng nhiệt. Nhiều nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu… đã ghi lại cảm xúc, cảm tưởng của họ với lời lẽ trân trọng như GS Cao Thế Dung, nhà văn Thanh Thương Hoàng, nhà văn Diên Nghị,LS Đoàn Thanh Liêm, nhà văn Đỗ Tiến Đức, chị Cao Ánh Nguyệt, nhà văn Phong Thu, ký giả Thư Sinh, nhà văn Giao Chỉ, nhà báo Lê Văn Hải…. Xin chia sẻ với anh Song Nhị niềm vui tinh thần đáng trân quý này.

Cõi Thơ Tìm Gặp – Khảo Luận về Thơ của nhà văn Diên Nghị, NXB Cội Nguồn, California 2008. Đây là tác phẩm khảo luân về thi ca, tập hợp 40 bài bình thơ liên quan đến tác phẩm của 40 nhà thơ từ đầu thập niên 1950 tại quê nhà và kể cả các nhà thơ xuất hiện ở hải ngoại. Sách dày khoảng 340 trang.
Tuyển tập này gồm bốn chương:
- Chương I: Nói về thơ miền Nam trước 1975. Diên Nghị đã nhắc đến bảy nhà thơ nổi tiếng bây giờ như: Tạ Ký, Bùi Giáng, Nguyễn Tất Nhiên, Nguyên Sa, Hoàng Lộc, Nguyễn Bắc Sơn, và Trần Hoài Thư. Tác giả Diên Nghị đã chọn bài thơ “Thêm Buồn” của Tạ Ký để mở đầu cho phần nhận định thơ miền Nam trước 1975: “Thêm Buồn”, Tạ Ký còn ngồi trong lớp tại trường Trung học Khải Định, Huế. Trước đó anh chạy vào rừng theo “phong trào kháng chiến” với đám học sinh cùng trang lứa, hoàn cảnh quê hương Quảng Nam. Sau năm năm lăn lóc sương gió Trường Sơn, hồn thơ bừng tỉnh giữa nghi hoặc muộn màng, vội vàng rời khỏi quỹ đạo chiến khu về vùng quốc gia, tiếp tục mộng tưởng sách đèn, khoa cử. “Thêm Buồn” khơi vơi tâm trạng chính mình, bất an thời điểm bập bùng lửa khói, và xa, rộng hơn, phóng tầm nhìn trách nhiệm với đất nước đeo đẳng khổ lụy, hận thù chưa biết đến bao giờ chấm dứt.

Những bài thơ còn lại trong Chương I, của Bùi Giáng, Nguyễn Tất Nhiên, Nguyên Sa, Hoàng Lộc đã hiển lộ thời kỳ sáng tác phong phú, sung mãn trong xã hội tự do, nhân ái, và phát triển năng động. Mỗi tác giả mỗi vẻ, mỗi dáng, mỗi giọng, thanh thoát, vững vàng, giữa môi trường sáng tạo rộng lớn, hoàn toàn khác biệt với loại thơ giáo điều Mac-xít miền Bắc, khô cứng, gượng ép, vô cảm...”

- Chương II: Thơ sau cuộc đổi đời trên quê hương. Tháng Tư đen 1975 ập xuống trên quê hương miền Nam làm nát tan biết bao gia đình, đùn đẩy nhiều thân phận bơ vơ trên dòng đời nghiệt ngã. Một thế hệ Văn học của Miền Nam vẫn không vượt thoát được những bủa vây của xích xiềng ý thưc hệ Cộng sản bạo tàn – nghệ thuật không phải vị nghệ thuật (Art pour Art) mà là nghệ thuật vị nhân sinh (nghệ thuật vì chính trị; nghệ thuật trở thành công cụ tuyên truyền của đảng). Những nhà thơ của miền Nam, sau cơn hồng thủy, một số sống sót trở về, chợt thấy mình đang vong thân với chính mình, như một lữ khách đang lưu lạc trên chính quê hương mình; đang tách rời với cội nguồn thương yêu của sữa mẹ ngọt ngào mà một thời mình được nâng niu, nuôi dưỡng.

Tác giả Diên Nghị đã đơn cử mười hai (12) nhà thơ tiêu biểu cho thời kỳ này như sau:  Song Nhị về đứng trước cổng trường Đại Học Vạn Hạnh, xót xa cảnh cũ người xưa, dở khóc dở cười, bâng khuâng trước giả, chân, hư, thực, ân hận nhận diện lại bạn, thù lẫn khuất... Tô Thùy Yên, Cuồng Vũ lạc loài, xa lạ, lẫn lộn thực mơ, muốn được trở về cái “Không” rỗng lặng ban đầu âm dương trời đất! Nguyễn Phúc Sông Hương đau niềm đau quá khứ núi sông, nuối tiếc những hư mất. Dở dang sự nghiệp, vin vào bài hát, câu ca xưa như nguồn sống, như niềm tin cậy giữa thế giới đảo điên, hỗn tạp. Dzạ Chi, cột chặt thân phận chiếc xích lô già, xuôi ngược dọc ngang khắp thành phố Sài Gòn tiêu điều, u ám... nghe tiếng gọi của khách bên đường, tưởng chừng tiếng đồng đội mến thân nơi đơn vị. Phương Triều cảm lụy những mảnh đời bơ vơ đầu đường, cuối chợ, vật vờ bất hạnh, mù mịt tương lai. Trần Thiện Hiệp thi thoảng gặp gỡ thân hữu văn nghệ xưa, cùng ngồi trước ly cà phê thiếu ngọt ngào mà tấm lòng dư thừa nghĩa khí. Huệ Thu, người mẹ cô đơn, chịu đựng đắng cay ly loạn, tạo dựng cho con hạnh phúc tràn đầy, mẹ vẫn nặng bồng nắng bế mưa giữa không gian bất định.  Nguyễn Xuân Thiệp, mừng vui khi hoa Phù dung trong vườn đã nở, nhưng chợt bất an trước một kiếp hoa ngắn ngủi chóng tàn. Tường Linh, ray rứt, kiểm nghiệm tự thân, sau bao nhiêu phế hưng, biến đổi, cuối cùng còn lại dư vị một triết lý hư vô... Trịnh Công Sơn lênh đênh, xô giạt, kẻ ưa, người lánh, bên này phê, bên nọ phán, miệng tiếng nặng nhẹ gièm pha, có lúc động lòng trở mình thao thức. Lúng túng, mỏi mệt, quẩn quanh cùng cõi đi về, ngày qua tháng lại cho đến phút vĩnh viễn khuất xa. Trần Tuấn Kiệt ưu tư cuộc đời hiện hữu, phố thị Sài Gòn quen thuộc đến độ nhàm chán cảnh lẫn người, trách cứ thời gian trôi chảy. Khép mình cõi thực, vẫn mộng thăng hoa, tiềm thức vươn dâng niềm hy vọng được nghe rộn rập bước chân người trở lại, thanh âm sử thi một bình minh vàng nắng hồi sinh…”.

- Chương III: Thơ Miền Nam Nối dài tại Hải Ngoại – Khi Cộng sản từ miền Bắc tràn xuống miền Nam, làn sóng người di tản ồ ạt đổ ra biển khơi để tìm con đường sống. Bao người đã bỏ mình nơi biển cả, trên rừng sâu để mong đến được bến bờ tự do. Một số nhà thơ, nhà văn đã may mắn thoát được đêm đen của quê hương và tìm thấy ánh sáng trên các vùng đất mới. Họ là nhân chứng của một cuộc đổi đời bi thảm, là chứng tích của các thân phận lưu đày. Họ đã nói lên khát vọng của tự do, họ đi tìm cái sống trong cái chết mong manh của những số phận nghiệt ngã… Một số khác đã vượt thoát ra hải ngoại sau khi đã trải qua những năm tháng dài đáy ải trong các trại tù khổ sai của cộng sản. Họ tìm lại nhau, tiếp nối sứ mạng cao cả của một chiến sĩ cầm bút, duy trì và bảo vệ thành trì của một nền Văn học tự do, một nền văn học của miền Nam nối dài tại hải ngoại.

Mười lăm nhà thơ được tác giả Diên Nghị nói đến trong giai đoạn này: Duy Năng vực dậy hồn thơ tưởng như đã khô cạn trên các vùng đất ngục tù, Triều Nghi xót đắng mỗi lần tháng Tư trở lại. Hà Huyền Chi vẫn khắc khoải những ngày tháng cũ, không quên giai đoạn chinh chiến ác liệt ở quê nhà. Vi Khuê, Tuệ Nga vực dậy những hoài niệm an bình của những ngày thơ dại. Viên Linh khắc chạm một thủy mộ quan hiện thực, nỗi hãi hùng con người lênh đênh trên biển cả.  Hoa Văn, suốt đời cách xa Mẹ, lần lữa hẹn hò và ước mong. Du Tử Lê khi lìa đời xin được mãn nguyện bằng cách đem xác thân ra biển, theo ngọn sóng thiêng liêng giạt về trọn ý nghĩa thủy chung. Luân Hoán gợi một triết lý “duy thời”, yêu đời, yêu người, chân thành với sự nghiệp phát huy Thiện Mỹ. Cao Mỵ Nhân hướng vọng tâm linh, chiêm nghiệm hào quang rực rỡ, tỏa rộng thiền tịnh, vô lượng từ bi, thu nhận thi hứng từ gia tài viên mãn của Đức Thế Tôn. Cung Diễm, nặng nỗi buồn mất quê hương, mang ước mơ chung cùng vạn hữu đang kết hợp, cổ súy “lấy lại những gì đã mất” khốn nỗi “lực bất tòng tâm” nên nợ núi sông canh cánh bên lòng, đành hò hẹn cùng tháng ngày nơi đất lạ. Huy Trâm, minh họa bối cảnh xã hội tỵ nạn qua “cây cầu cạn”, chấm phá mâu thuẫn tâm lý thông thường của con người bất cứ là ai, ở nơi đâu. Trần Vấn Lệ, Cao Tần, Nguyễn Đông Giang, những mảng tâm tình thơ mộng, đam mê, tha thiết từ quá khứ một thời, vẫn nguyên vẹn – những chuyện tình muôn thưở, vượt thời gian, kết tinh từ chiều sâu thẳm của con tim.

- Chương VI: Thế Hệ Thơ Nối tiếp. Đây là những nhà thơ trẻ với sự nghiệp văn học trưởng thành ở hải ngoại, “xin nhận nời này làm quê hương”. Thế hệ các nhà thơ trẻ này là thế hệ thơ nối tiếp đã bày tỏ khát vọng vươn lên, tìm cách vượt thoát nỗi đau vong thân của chính mình và của chính dân tộc mình, cố tìm lại bản sắc đã bị vùi dập qua bao thử thách cam go của cuộc vượt thoát.
Tác giả Diên Nghị đã ghi nhận sáu nhà thơ: Quan Dương, người tù trẻ trong hàng vạn người tù miền Nam, không chỉ ân hận, thương cảm bản thân, mà xót xa thấm đậm hơn hoàn cảnh bi đát lưu đày giữa núi rừng ma thiêng nước độc, với những nữ tù nhân, lẽ ra chưa cần chạm mặt cổng tù. Trần Trung Đạo, vượt biển đến tỵ nạn tại Đông Nam Á, mục kích sự lựa chọn cách chết của người con gái xứ Huế, sau khi bị phái đoàn Tây phương khước từ quyền tỵ nạn. Thì ra khổ đau giăng khắp, tưởng thoát ra được tay kẻ thù đời kiếp, lại gặp kẻ thù trước bao la hy vọng không ngờ. LaLan, con gái của một sĩ quan miền Nam “cải tạo”, lớn lên liên tưởng gia đình, cha, mẹ và sớm cảm nhận thống hận nước mất nhà tan. Càng trưởng thành, càng hoài nghi những lời cô giáo trong lớp học dưới mái trường gọi là “xã hội chủ nghĩa”. Phan Thị Ngôn Ngữ, hồn thơ tinh tế, trải qua ấu thơ trong sáng, suy nghĩ, quyến luyến gia đình, dòng họ, để khi khôn lớn, minh họa được trang sử gần gũi, sống động, đằm thắm, đậm nhạt sắc màu, lại sâu nặng yêu thương, tình nghĩa... Cao Nguyên, nhìn lui, nhận diện hiện thực xã hội quê nhà, với bao cay đắng, nghiệt ngã mà không thể nào không chia sẻ. Nguyện ước, cầu mong ngày mai tốt đẹp hơn cho loài người, cho những con người khốn khổ, bất hạnh.

Để kết thúc công trình “Cõi Thơ Tìm Gặp”, tác giả Diên Nghị đã tâm sự: “Bốn mươi bài thơ của 40 tác giả, thật khiêm tốn so với đội ngũ sáng tác thơ khá đông từ trước tới nay, có tác giả đã xuất bản tác phẩm, nhiều tác giả có thơ in trên trang báo, tạp chí, tập san hàng tuần, hàng tháng v.v.. Chọn lựa, phân tích, luận bình, việc làm đòi hỏi thận trọng, vô tư, nghiêm túc. Cõi Thơ bao la, sức người đi tìm thơ có hạn. Trở ngại gian nan trước mặt đang chờ. Nhập được Cõi Thơ đã khó, gặp thơ còn khó hơn, chẳng khác người xưa “ngậm ngải tìm trầm”, “mò trai đáy biển...”. 

Túi Vẫn Còn Thơ
Đây là tập thơ của tác giả Cung Diễm, Cội Nguồn xuất bản, California 2011 với lời đề tựa của nhà thơ Diên Nghị và lời bạt của nhà văn Song Nhị. Sách dày khoảng 200 trang. Thi tập “Túi Vẫn Còn Thơ” chia làm hai phần: - Phần 1 gồm 54 bài thơ trữ tình chất chứa  cảm xúc về quê hương, tình yêu đôi lứa và bằng hữu. – Phần 2 gồm 79 bài thơ tròa phúng với lời thơ châm chọc ý nhị về những thói hư tật xấu trong cuộc sống hàng ngày chung quanh ta với bút hiệu Tú Lắc. Với phần thơ trào phúng, bút hiệu Tú Lắc, Cung Diễm đã trở thành một con người khác. “Thơ Chua” (như cách nói của chị Phong Thu) của tác giả Tú Lắc quả thật mang nhiều sắc thái đặc biệt. Nó cay xè đến chảy nước mắt, nó chanh chua còn hơn nuốt dấm, nó đắng nghét còn hơn ngậm trái bồ hòn nhưng nó vẫn ngọt ngào đến lịm chát khi Tú Lắc phê phán thói rởm đời của những kẻ vẫn đuổi bắt địa vị và danh vọng ảo khi đang sống lưu vong ở xứ người (bài thơ “một chút hư danh). Ở hải ngoại, nhân vật Tú Lắc quả thật đang lừng lững tiếp nối sự nghiệp của các vị tiền bối.
Nhà văn Phong Thu có lý khi viết: “...Và suốt 20 năm sống tại hải ngoại, tôi cũng thấy rất hiếm có thi sĩ nào làm thơ Chua hay. Phải nói thật rằng thơ Chua là một thể loại rất khó sáng tác. Nó chẳng những khó về tứ thơ, câu chữ và khó cả về phương thức và trình độ diễn đạt để có thể gây cảm hứng cho người đọc, nhất là gây được tiếng cười ý nhị, thâm sâu. Thế nhưng, dưới ngòi bút trào lộng của Tú Lắc, thơ Chua trở thành một sở trường của ông. Nhiều bài thơ Chua đã để lại ấn tượng cho người đọc và gây được tiếng cười..”.
Sinh hoạt lâu năm trong nhóm Cội Nguồn, tôi cảm nhận con người của bác Cung Diễm thật dễ mến. Ông sống hòa đồng với anh em, hiếm khi mất lòng ai. Ông còn có giọng ngâm thơ sang sảng truyền cảm, thực sự thu phục lòng người. 

Đời Cô Thủy – truyện dài của nhà văn Duy An Đông, Cội Nguồn xb. California 2008. Sách dày 226 trang. Song Nhị đề tựa, gồm 7 chương cùng lời “tự bạch” của tác giả. Truyện được xây dựng dựa theo bối cảnh lịch sử của dân tộc, trải dài từ 1925 đến 1980. Cô Thủy, nhân vật chính của truyện, sinh ra đón nhận một số phận nghiệt ngã qua các thời kỳ phong kiến, thực dân và cộng sản. Cuối cùng là những năm tháng lưu lạc trên xứ người.
Tác giả có lối hành văn nhẹ nhàng, giản dị, dễ dàng nhận được sự đồng cảm từ người đọc. Tôi hoàn toàn đồng cảm với nhận xét của nhà văn Song Nhị khi viết lời tựa cho tác phẩm này: “Có ý kiến cho rằng văn chương là bóng ngã thời đại vào trang sách. “Đời Cô Thủy” là một hiện thực lịch sử nối dài từ thời Phong kiến – thời ông cha – đến thời thực dân Pháp đô hộ, sang thể chế VNCH đến thời kỳ chế độ “Xã hội Chủ nghĩa”, rồi sau cùng là cuộc sống tự do trong phần đời tỵ nạn cộng sản tại Hoa kỳ. Với mạch văn giản dỵ, chi tiết mà trong sáng, mạch lạc, tác giả Duy An Đông đã sao chép lại những sự kiện và giai đoạn lịch sử một cách trung thực, khách quan qua vai Ngọc Thủy – một người đàn bà từng sống, chứng kiến và ghi nhận các bộ mặt thời đại từ phong kiến, thực dân, quốc gia, cộng sản đến thể chế dân chủ của xã hội phương Tây...”.

***
Với sự giới hạn của trang in trong tập Kỷ Yếu Cội Nguồn này, người viết không thể nào đi sâu vào từng chi tiết hay đào sâu vào nhiều góc cạnh lý thú khác của các tác giả. Hy vọng, dù chỉ phác họa những đường nét tổng quát, quý bạn đọc cũng đã thấy được những nổ lực, những đóng góp thành tâm của họ cho một chặng đường văn học hải ngoại hôm nay.
Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn quả thực đã đi qua một chặng đường khá dài (20 năm) trong sứ mệnh phát huy và bảo tồn nền văn hóa Việt tộc trên xứ người.

San Jose, kỷ niệm 20 năm Văn Học Cội Nguồn
Lê Đình Cai

Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...