Tuesday, December 25, 2012

Bài Thơ Say











Tôi ngồi uống một mình tôi
Nghng chai cognac đã vơi nửa phần
Quanh tôi trời đất xoay vần
Quan quân tướng sĩ
quần thần ngả nghiêng

Tôi ngồi uống cạn niềm riêng
Con sâu trong tổ cuồng điên vẫy vùng
Con diều chết giữa không trung
Mấy con nhạn lạc mông lung cõi bờ
Mấy thằng bạn chết bất ngờ
Trong lòng tôi chết tiếng thơ tạ từ

Tôi ngồi lẩm nhẩm riêng tư
Thấy hai con mắt đỏ nhừ trăng sao
Tôi ngồi nói chuyện tào lao
Đọc bài thơ bỗng lệ trào mưa sa

Tôi ngồi uống với hồn ma
Nhốn nhao một đám tài hoa bạc phần
Thiên đình bày cuộc chương dân
Một bầy du tử quây quần áo xiêm
Phách, đàn, kèn, sáo, trống, chiêng
Thi, ca, họa, nhạc, đảo điên, loạn cuồng!

Tôi ngồi dốc cạn Hồ Trường
Rót về phương Tây
cõi vô thường mênh mông
Rót tràn về một phương Đông
Ôm bình rượu dốc vỗ lòng biển đau
Mấy mươi năm gãy nhịp cầu
Kẻ bên kia khóc người sầu bên ni

Tôi ngồi uống tiễn người đi
Người đi trở mặt từ khi trở lòng
Đuôi đầu với lại thủy chung
Nhắm nghiền con mắt lùng bùng lỗ tai!

Tôi ngồi uống với mốt mai
Vỗ đùi mà hát múa tay mà cười
Buồn trông phong cảnh quê người (*)
Con chim xa  tổ hót lời véo von

Tôi ngồi uống với nước non
Mẹ ơi tha tội ngày con không về./

song nhị / 6.2003

(*) Kiều







Wednesday, December 19, 2012

ÐỌC THƠ SONG NHỊ

Về LốI ÐI XƯA

Toàn tập thơ Về Lối Ði Xưa của Song Nhị là một thi phẩm Trữ Tình, là một bản tình ca đẹp nồng nàn muôn thuở của thi nhân.
Nói cho đúng thì thơ Song nhị có đủ mọi tính chất, mọi khuynh hướng. Anh làm thơ và xuất bản rất nhiều từ lâu nay. Muốn nhận  định về một nhà thơ nào, chúng ta phải đọc thật kỹ tất cả các tác phẩm của họ. Có nhiều vần thơ hay, sâu kín của thi sĩ, chúng ta không đọc hết mà cứ nhận xét nhận định.... thì là một sai lầm lớn. Tôi không có thời gian, không còn bao nhiêu tâm huyết, sức lực để bàn về thơ cho nên chỉ nói về cảm tưởng của mình ít nhiều về Song Nhị. Rồi đây các trang thi sử, các sách viết về thi nhân, thi ca người ta sẽ nói đến Song Nhị đầy đủ hơn. Nay xin bàn ngoài lề một chút....

= TRẦN TUẤN KIỆT
Sài Gòn, 7 – 2006

***

TIẾNG HÓT LOÀI CHIM DI

-  Sự Ðiêu Linh Nào Ðã Tạo Nên TIẾNG HÓT LOÀI CHIM DI
-  Chất Trữ Tình Say Ðắm Trong VỀ LỐI ÐI XƯA
-  Bản Trường Ca Lịch Sử Dân Tộc Nối Dài Trong TIẾNG HỜN CHIẾN MÃ

= VIỆT THẦN


Từ thời thượng cổ, người Việt thờ chim Thần - Thần điểu. Trong loại chim Thần đó có chim Trĩ Trắng là sứ giả văn hóa Việt. Việt Thường Thị đem cống (trao đổi văn hóa) chim Trĩ Trắng và Rùa Thần. Trên mai rùa có chữ Khoa đẩu của Việt tộc in rõ dấu tích, thần thoại về sự hình thành vũ trụ vạn vật của Thần đạo chính thống Việt Nam. Ngoài ra Việt tộc thờ chim Lạc - Thần điểu Việt. Sau này Đinh Tiên Hoàng lên ngôi lấy Quốc hiệu là Đại Cồ Việt. Cồ là đôi mắt lửa sáng rực của loài linh điểu. Truyền thuyết linh thiêng đó là tâm linh muôn đời của người Việt tự ngàn xưa. Không phải vô tình mà người Việt ngày nay hay nhắc tới loài Việt điểu. Thời Bách Việt, nước ta giòng Việt tộc đã cư trú gần phân nửa nước Tàu ngày nay. Sau thời chiến quốc, giòng Bách Việt bị Hán đồng hóa, còn lại giòng Lạc Việt anh hùng nhất loài Chim Việt kiêu hùng đó trải qua muôn vàn gian khổ, máu xương giữ nước cho mãi đến ngày nay. Sự tích Chim Việt đậu cành Nam cũng ghi dấu ấn đau buồn của những người phải xa quê hương cội nguồn, tổ quốc. Con Chim Việt khi bị đưa đi về đất Bắc đã chọn cành hướng Nam mà đậu mà hót... Từ trong tiềm thức, thần thức Việt đã có bóng dáng chim linh vì thế mà kẻ tha hương bốn bể không phải vì vô tình mà than mà thốt lên lời ai oán. Tinh thần đó, tâm linh đó lại bắt đầu vọng lên âm hưởng của loài chim Việt cành Nam xưa. Khắc khoải sầu đưa giọng lẳng lơ. Ấy hồn Thục đế thác bao giờ. Năm canh máu chảy đêm hè vắng. Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ (Nguyễn Khuyến).

Đến nay thì giòng lịch sử đen tối của loại ma quỷ ý thức hệ vong thân khiến người Việt lại một lần lưu vong, hằng hà sa số, hằng triệu người Việt lại bỏ quê hương trên những nẻo đường Thủy Mộ Quan (Viên Linh) để đi tìm tự do, lẽ sống nhân đạo hơn, ở đất nước người - Tiếng Hót loài Chim Di - chim Việt của Song Nhị lại một lần lên tiếng u hờn khắc khoải làm động lòng người, chấn động tâm can, tâm linh và nghĩa khí hào kiệt của dân tộc Việt ở bốn phương trời, gợi cho lòng kẻ sĩ phương Nam dấy lên những hoài vọng, hoài bão lớn lao, một ý thức về trách nhiệm của người trí thức về lịch sử của thời đại mình phải làm gì để giành lại quê hương, giữ lại tinh thần và đạo lý Việt, để thể hiện cái tự-do tuyệt đối của đời mình. Và, nói như Khổng Tử “uy vũ bất năng khuất” - nói như Nguyễn đức Quỳnh “tư tưởng bất năng hoặc” trước loại “Cùm Đỏ” của bạo lực phi nhân tham tàn này.

Tiếng Hót của loài Chim Di đã lên tiếng nhiều lắm, rất hàm xúc nhiều điều mà ở tại quê hương này khó lòng người dân nói được.
Viết đến đây tôi bồi hồi nhớ đến bao người bạn đã ra đi rời xa tổ quốc. Tôi nhớ đến bao lần nghe những con Chim Việt lên tiếng hót thần kỳ ở khắp mọi nẻo đường tha hương biệt xứ. Và ao ước tất cả những người xa xứ trở về trong bản Anh hùng ca độc lập tự do muôn thuở tại quê hương mình.
Những con Thần điểu Việt nay ở phương trời nào?
Trên núi cao có con Thần điểu
Ba năm thu cánh không tiếng kêu
Ngày hận mây mờ che bóng lửa
Đêm hờn thơ lặn rải sườn rêu
A ha! Thần điểu còn nương náu
Chờ ngày thét nở núi khe sâu....

Con Thần điểu bay về đâu từ ngày núi non thay trời đổi chủ, trở thành hình bóng chim Việt cành Nam ở tận phương trời hải ngoại nào. Tôi có cảm tưởng đầu tiên như vậy khi đọc “Tiếng Hót Loài Chim Di” của Song Nhị, có lẽ tập thơ này là tập thơ “gay cấn” nhất của Song Nhị đây - nói như giọng của thi sĩ họ Bùi. Đối với họ Bùi, chuyện gì ghê gớm lắm đều dùng chữ “gay cấn” này mà diễn tả ra cho nó có vẻ... chịu chơi một chút. Sự điêu linh nào đã tạo cho Song Nhị viết tập thơ gay cấn này đến thế. Điêu linh đó thuộc về bi kịch đồi tranh “Hãi hùng bi kịch đồi tranh!” (B.G) của dân tộc Việt. Ai cũng biết là cuộc đấu tranh ý thức hệ giữa Quốc Gia Tự Do và Độc tài đảng trị Cộng Sản. Và điêu linh nhất phe Tự Do thất bại để đất nước rơi vào tay giặc Cộng khiến ta nhớ đến từ Nguyễn thái Học, Nguyễn tường Tam - Ông, trước khi tự vẫn, còn kịp ghi: “Anh em Ngô đình Diệm phải chịu trách nhiệm để nước mất vào tay Cộng Sản” - cho mãi đến ngày nay một bức màn vô hình phủ khắp non sông bằng sự dối trá tham tàn, tội ác và tham nhũng, tất cả đều được tẩy não bằng nhục hình bạo lực cho đến tận vô thức, tiềm thức tim óc của dân tộc. Mà tiếc thay một số người Việt hải ngoại quá vô tình, vô ý không nhìn thấy rõ được. Đình miếu thần linh đất Việt, chùa chiền, nhà thờ đều sống trong vòng vây ý thức hệ Xã Hội Chủ Nghĩa - đường lối tư tưởng văn hóa, nghệ thuật đều thoát thai từ trường trại Xã Hội Chủ Nghĩa. Và tất cả đều là một lũ văn nô cả đến Hoàng Cầm ngày nay cũng không hơn gì Phạm Duy, hay Trịnh Công Sơn trong chiến lược văn hóa Đảng cả.
Ngày đêm bọn giáo sư Hoàng như Mai, Trần Bạch Đằng, Trần trọng Đăng Đàn và lũ văn nô Bắc Việt ra sức đánh phá văn nghệ miền Nam tự do một cách điên cuồng u mê ám chướng... đến khôi hài! Tất cả chỉ vun hồi cho cái gốc đại thụ tham nhũng ngu dân để bảo vệ cái tổ quốc non sông mà bọn Mông Cổ này mới cướp được để phụng thờ Mác-Lê.
Nước mất nhà tan! Xưa nay cũng thế thôi! May ra thân phận và đời người còn được ra khỏi cái màn ma quỷ của Xã Hội Chủ Nghĩa - để sống lưu vong trong sự tự do quí báu nhất của cá nhân mình, dù thế nào đi nữa còn hơn vạn lần anh em mình ở lại, để hằng ngày chạm mặt với kẻ thù luôn khủng bố quanh mình loài chim Việt đó cũng có ngày quay lại. Chờ ngày thét vỡ núi khe sâu. Và anh em ta không có quyền nỉ non than vãn nữa. Tôi còn nhớ mấy vần thơ của ông Lam Giang Nguyễn trang Trứ dịch:
Đại Vương cờ phất ải xa
Ngậm ngùi thấy bạn đã là quỷ oan
Bừng sôi máu hận muốn tràn
Vần thơ mọn có muôn ngàn kiếm đao!
Hồ Hữu Tường hay Vũ Khắc Nam hay nhiều vị văn hóa lão thành từng nói. Thời đại chúng ta là thời Tân Xuân Thu - thời Chiến Quốc Mới - những con chiến mã vẫn còn đất tung hoành. Sức kiệt hơi tàn thì chiến đấu bằng văn, có tiền của thì chiến đấu bằng kinh tế tự do, bằng tất cả mọi thứ gì ta có được, thời thế Xuân Thu mà - Gặp thời thế thế thời phải thế! Trong trần ai ai dễ kém ai!
Đừng quên Chim Việt đậu cành Nam, bao giờ chân lý và nhân nghĩa cũng thắng bạo ngược tham tàn, tinh thần dân tộc Đại Việt còn đó. Bản anh hùng ca bất tử vẫn còn đúng, thì người tự do Quốc gia làm văn hóa đã thắng Cộng từ lâu rồi. Bọn Cộng Sản làm gì có văn hóa mà nói đến chen vai thích cánh với chúng ta được phải không anh em!

Bây giờ thì mời quí bạn yêu thơ, cùng tôi đọc những vần thơ, đúng nghĩa chân tình của nhà thơ Song Nhị gởi đến bằng hữu bốn phương và “Quê hương yêu dấu” của chúng ta - chúng ta không khóc lên vì quê hương nữa, như cô gái trong thơ Hoàng Trúc Ly độ nào:
Những người xưa đi rồi không trở lại
Một mình tôi lại gặp một mình em
Chiều lửng lơ nghe nắng rụng bên thềm
Em không khóc - mắt buồn ươn ướt đỏ!
Hoàng Trúc Ly

Ta hãy bắt đầu từ “Tiếng Hót loài Chim Di” để rồi chuyển âm nó thành những âm điệu cuồng phong thác lũ của mối Hờn Chiến Mã trên bãi sa trường vẫn còn đầy đủ khí độ anh hùng của những Chàng Trai Đất Việt (Nguyễn Vỹ). “Tiếng Hót của loài Chim Di” còn là tiếng hót của thơ, của kỷ niệm êm đềm, của cuộc tình nồng ấm của men tình đầy hoa trái ngọt có thủy có chung!
Thời thế này mà con người còn giữ được những thủy chung và kỷ niệm thì thật là hạnh phúc, đó là nhà thơ Song Nhị đấy bạn ạ! Chàng là một Gérar de Nerual của chúng ta đấy.

(Trích bài Tiếng Hót Loài Chim Di trang 13, 14, 15, 16)

= VIỆT THẦN

****


TIẾNG HỜN CHIẾN MÃ

SA GIANG 


Một vài lần Bùi Giáng viết “Có người con gái chửa hoang. Để chàng thi sĩ lang thang suốt đời.”
Cũng có một lần tôi gởi Lê Nguyên Đại một bài thơ ngắn tặng anh có bốn câu:
Thơ văn tải đạo đến bao giờ
Tải đạo mà ra thực tải thơ
Thơ gởi mười phương trong nếp gấp
Cõi đời hư thực, huyễn hay mơ!
Cái cõi đời hư hư thực thực đó thì cần gì thi sĩ phải “dấn thân” vào đấu tranh cách mạng, cần gì phải lo cho vận mệnh đất nước, dân chủ pháp trị hay độc tài đảng trị? Làm gì có tổ quốc, nước non, cội nguồn chủng tộc, hư thực, huyễn hay mơ đó làm gì có tinh thần nhân bản tốt tươi hoa lá cành như anh bạn tôi cứ khư khư bênh vực và thích nó khi tôi đề tựa thơ cho anh tơ lơ mơ thì anh sửa lại là tinh thần nhân bản trong thơ anh! Cái nhân bản kỳ cục đó đối với thi nhân thì lạ lẫm làm sao, đảo điên làm sao ấy! Nhất là cái nhân bản ấy nó theo súng đạn bom và các chất độc rải khắp thế gian này.
Vì vậy mà tôi thích đi tìm các vần thơ của bè bạn những câu thơ nào ra khỏi cái nhân bản thuyết, cả cái siêu hình học Đông Tây để phục vụ cho nó các câu thơ nào vô tư... (tức là không có tư tưởng) nhất là các câu thơ còn nguyên vẹn cái bản chất tự-nhiên ố nhất là tính-dục như các câu thơ của Ôn Như Hầu “cỏ cây cũng muốn nổi tình mây mưa” hay hơn nữa - Các câu thơ của Hồ Xuân Hương nồng đặc mùi luyến ái chân thực của cái tính tự nhiên loài người. Thiếu nữ nằm chơi quá giấc nồng. Yếm đào để lộ dưới nương long... Tuyệt vời hơn gấp nghìn lần Hữu Thể và Thời gian của Martin Heidegger hay Tư Bản luận của K.Mars. Thật buồn cười, có lần tôi đọc tác phẩm (!)của một ông Tiến sĩ xã hội học Liên Xô tiên đoán rằng “Tư Bản đang dãy chết” - chẳng bao lâu thì Liên Xô sụp đổ! Sách vở có khôi hài không?
Thôi đi thi nhân! Cõi bờ của thực tại trần gian, tổ quốc này không phải của ta đâu, bọn bị đời coi là điên, là ngông cuồng ngạo mạn, khinh thế ngạo vật, và đủ thứ xà bần của tâm lý con người. Chúng ta cần gì phải có một Tinh Cầu Mơ Ước như Trần Dạ Từ! Bởi vì có một tinh cầu nào thực sự cho cái mộng tưởng viễn lưu đó...
Chúng ta hãy vùi đầu vào với cái ta thích đó là thân xác đam mê, quên ngày quên tháng của nhục thể đàn bà! Như một Nguyễn đức Sơn với Đêm Nguyệt Động, như các bài Thần Thi của Trần Nhựt Tân, và đừng để cho cơn buồn lạnh chết người chi phối tâm linh ta như một Viên Linh với Thủy Mộ Quan, một nỗi tủi hận như Phạm Tường với Gõ Thức Chân Mây...
Ồ! Có lẽ tôi lạc dòng khi muốn nói đến thơ của một người bạn, đó là thơ của anh Song Nhị. Trong tập Tiếng Hờn Chiến Mã có những bài rất thơ của Song Nhị. Xin trích ra đây
1. Đàn Ngựa Hồng Trên Cánh Đồng
Hoang (trang 50)
2. Gởi Người Dưới Trăng (trang 60)
3. Từ Cõi Hồng Hoang (trang 64)
Sau khi anh Nguyễn Mạnh Côn viết “Đem tâm tình viết lịch sử” - Tiếng Hờn Chiến Mã của Song Nhị hay văn thơ của Diên Nghị, Phương Triều, Trần Hoài Thư, Bùi Ngọc Tuấn, Phạm Tường, Nguyễn Tôn Nhan... cũng như tác phẩm của nhiều chiến binh khác, làm nối dài thêm bản Trường Ca bất tận của lịch sử dân tộc Việt Nam trong thời hiện đại.
4. Mưa Trên Đồi Cao Su (trang 138)
5. Ý Xuân (trang 140)
6. Viết thư cho vợ (trang 143)
7. Bắt đầu một ngày (trang 144)
8. Người lên đỉnh núi (trang 147)
9. Bài sinh nhật (trang 148)
10. Hai mươi sáu (trang 150)
11. Từ đó tình yêu (trang 153 - 154)
12. Khi tôi về (trang 159 - 160)
Đây chỉ là một ít bài trong Tiếng Hờn Chiến Mã mà cơn gầm thét của con Chiến Mã Song Nhị bớt tung hoành vì “Nợ Nước Thù Nhà” để cho quả tim bốc lửa của mình nói lên tiếng nói của Nữ Thần Tình Yêu đang dấy lên từ cõi tâm linh sâu kín nhất của thân xác con người.
Tôi trích dẫn để bạn tri âm cùng đọc và cảm thông với tâm tình viết lịch sử tình yêu của nhà thơ này vậy.

= SA GIANG


Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...