CƠN SÓNG THẦN HÁT Ô VỚI SONG NHỊ
NỬA THẾ KỶ VIỆT NAM
Năm nay, kỷ niệm 20 năm Hát Ô, Hà Nhân Văn đọc tác phẩm mới
của nhà văn SONG NHỊ, cựu tù nhân chính trị HO “Nửa Thế Kỷ Việt Nam”, thật tâm
đắc, nồng nàn, đầy ắp tình người. Đọc xong ta có thể lạc quan: tiếng Việt, văn
Việt vẫn trong sáng, vẫn là tinh hoa Việt, nhạc Việt trong văn.
Bút ký, tự truyện của nhà văn Song Nhị, một tác phẩm thật
giá trị về văn phong, văn chất, thật tâm đắc về nội dung, hiếm có một bút ký
nào đạt được như vậy: Những khát vọng của con người, những đau đớn của cả một
dân tộc. Và là một dòng tâm khấp – khóc trong lòng một dòng tâm thanh chất chứa
một trời tâm sự, không phải của riêng tác giả Song Nhị mà là tâm sự mênh mang
của cả một dân tộc trong một thời đại câm nín.
Song Nhị đã đứng phắt dậy phá vỡ sự câm nín ấy bằng tâm
thanh từ trái tim mình, từ trái tim dân tộc, và từ kiếp NGƯỜI VIỆT NAM
trong nửa thế kỷ. Sự thực là đã có một địa ngục Việt Nam. Song Nhị đã sống trong địa
ngục ấy và đã tìm thấy được một thiên đường Việt Nam của tình nghĩa Việt, của
hy vọng tuy đau thương, của oán hờn trong tha thiết và là của một nhân chứng
lịch sử, tuy bão tố lịch sử nhưng vẫn lóe ra ánh sáng của hy vọng, tin yêu.
Một văn phẩm giá trị cao, bát ngát tình người và chất liệu
lịch sử. Một con người là NGƯỜI trong lịch sử. Và lịch sử là thân mệnh của cả
dân tộc mà con người ấy sống với – trong
danh dự và tư cách con người, rồi trước hết và sau hết là con người Việt Nam
muôn thuở.
Thủ Đô Thời
Báo (Washington
D.C 31/3/2010)
LÊ NGUYỄN - Nhà Thơ
... Đọc “Nửa Thế Kỷ Việt Nam”, đọc nhanh, đọc rút cho “đã”!!
Tôi đọc kỹ lại lần thứ hai chương mở đầu – Chương I (Nạn đói Ất Dậu 1945) mở màn, rồi đến màn Đấu
Tố dã man! Ân nghĩa “chén cơm phiếu mẫu” của gia đình tác giả dành cho số bần cố
nông, điển hình là chú Cúc, O Thoan... những con người quê hương Nghệ Tĩnh bần
cùng, chất phác, một đời dù trước cái chết đối diện vẫn biết “cắn cỏ ngậm
vành”. Không! Thà chết, Chịu! Chứ không thể đấu tố ân nhân...
– Tôi, người đọc – hai
hàng nước mắt dẫu chưa hề được sống trong cái cảnh tận cùng địa ngục ấy, đã
ròng ròng chảy xuống những trang giấy... thơm, cay, nồng mặn khổ đau... như một
chia sẻ.
Thế mà – Song Nhị ơi! Triệu tù nhân H.O của chúng tôi ơi!
Một tên chóp bu CSVN gộc đã ngoảnh mặt quay lưng đấu tố bố mẹ để làm gương tày
đình cho cả một phần thế hệ khổ đau đã bị nhuộm đỏ. Đấy, chương đoạn này như
tôi đã nói, chỉ mới là phần dạo đầu của một nhạc khúc đại bi thiết của “Nửa Thế
Kỷ Việt Nam” đã hấp dẫn đến vậy, trung thực đến vậy, còn nói chi đến toàn bộ
tác phẩm... Tôi tin chắc đây là một pho tài liệu hiếm, quý, có giá trị vĩnh cửu
sẽ giúp các nhà viết sử và và các thế hệ mai hậu thật nhiều.
Tôi hy vọng “Nửa Thế Kỷ Việt Nam” rồi đây sẽ được chuyển thể
thành bộ phim sống động, hấp dẫn, ăn khách, gây tiếng vang lớn không thua kém
gì cuốn “Chúng Tôi Muốn Sống” của đạo diễn Vĩnh Noãn, và cuốn phim “Vượt Sóng”
(Journey from the Fall), với nữ minh tinh màn bạc Kiều Chinh, và nữ diễn viên
Diễm Liên.
Từ những ý nghĩ nhỏ này, tôi lại thấy cái tựa “Nửa Thế Kỷ
Việt Nam” không còn có gì là quá lớn rộng so với nội dung sách như ý nghĩ lúc
đầu mà qua thư vừa rồi tôi có đề cập.
Chúc buổi RMS đầu tháng Tư, 2010 tới phải thành công lớn và
vô cùng “hoành tráng”!
Lê Nguyễn, Floria
(Việt Nam Thời Báo số 5285 Thứ Bảy, Chủ nhật 3,4 tháng
4.2010)
CAO ÁNH NGUYỆT - Chủ nhiệm/Chủ bút tuần báo Phụ Nữ Cali
... Năm mươi năm quả là một khoảng thời gian quá dài, đủ để
một con người sinh ra lớn lên và bước vào tuổi xế chiều. Thế nhưng 50 năm trong
cuộc đời của Song Nhị lại gắn liền với vận nước nổi trôi, gắn liền với một giai
đoạn lịch sử đầy đau thương và xót xa nhất của dân tộc... Song Nhị không những
viết về những tháng ngày tù đày gian khổ và tuyệt vọng, cùng sự chịu đựng tủi
nhục của ông và bạn tù mà ông còn làm công việc của nhà biên khảo lịch sử.
Điều này rất cần thiết cho thế hệ con cháu chúng ta về sau.
Với cái nhìn sâu sắc, tinh tế, của một người cầm bút, những tài liệu mà ông
cung cấp trong Nửa Thế Kỷ Việt Nam
thật giá trị...
(trích giới thiệu tác phẩm tại San José - tuần báo Phụ Nữ Cali số 205, ngày
16/4/2010)
No comments:
Post a Comment