Monday, May 27, 2013

NỬA THẾ KỶ VIỆT NAM - Bút Ký.Tự Truyện





1. Vào Tập
CO SO THI VAN COI NGUON 
A Non Profit Organization of the Culture and Social Activities of the Vietnamese Community in the United States of America - http://www.coinguon.asia

NỬA THẾ KỶ VIỆT NAM
Bút Ký.Tự Truyện
Ấn Bản Lần Thứ Hai
thêm trang, bổ khuyết và hiệu chính

SONG NHỊ
CỘI NGUỒN Xuất Bản 2010
Bản Quyền thuộc Tác giả và CSTV Cội Nguồn

Mọi trích dịch, ấn loát phải được chấp thuận bằng văn bản của tác giả và NXB.

Tranh bìa: ĐẰNG GIAO
Tác giả biên tập và trình bày 
Đọc và Sửa Bản In:  KIM NHIỄU


NUA THE KY VIET NAM
Half Century of Vietnam 1945-1995
Personal Narratives
By SONG NHỊ
Second Edition
© 2010 Song Nhi All Rights Reserved  

Printed in The United States of America

ISBN : 978-0-9770729-9-6
LCCN : 201068016

Kính dâng anh linh Mẹ
Kính dâng Thân Phụ - Tặng Phẩm Mừng Đại Thọ 98 Tuổi Năm 2010
Kính dâng hương hồn Ba Má
Kính dâng hương hồn anh cả Phúc Minh 
Trọn vẹn Trao gởi Hiền Thê, Và các Con
Xin gửi đến các Anh Chị, các Em, các Cháu - Món quà lưu niệm Nửa Thế Kỷ Việt Nam.

Trải qua một cuộc biển dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
Nguyễn Du

**

VÀO TẬP

Thay Lời Tựa

Tôi đã viết và đã xóa bỏ từng dòng. Tôi đã viết và đã xóa bỏ từng trang. Tôi đã xóa bỏ nhiều lần như vậy. Một bài viết ngắn tưởng đã là đoạn mở đầu cho một quyển sách có nhiều tiết, nhiều chương nhưng rồi để đó mãi cho tới hôm nay... đã chẵn mười năm!

Mười năm góp nhặt, suy nghĩ, đắn đo, để một lúc hứng khởi, tôi đặt tay vào bàn phím, gõ tiếp. Những dòng chữ giàn ra trước mắt, chập chờn từng sự kiện từ quá khứ đeo đuổi đến hôm nay. Những sự việc, những con người “đi theo tôi”, tôi kể lại có khi thật là cá biệt. Nhưng những cá biệt, tản mạn đó lại tạo nên một bố cục chặt chẽ, sống động, rất thật trên một đường trường lịch sử nửa thế kỷ Việt Nam.

Người xưa kiêng cữ nói về “cái ta”. Quan niệm cũ vẫn coi “cái ta” là cái đáng ghét nhất. Nhưng khi viết, khi kể, nếu không có mình có ta trong câu chuyện, chẳng hóa ra là chuyện vu vơ.
Tôi tự nghĩ ‘ta’ chẳng là cái gì và ‘ta’ chẳng có chi
to tát đáng chuyện để mà viết, mà nói. Tôi đem ý nghĩ đó nói với những người thân, bạn hữu và những người hiểu biết những chặng đời trôi nổi của tôi, ai cũng cho rằng thế hệ của tôi không là cái gì, chẳng là cái gì, chỉ là những viên cuội, nhưng là viên cuội giữa dòng lịch sử nước nhà ở những thời kỳ bi tráng nhất, trải dài suốt một đời người.

Những gì mắt thấy tai nghe, gom góp lại hôm nay, biết đâu mai kia sẽ giúp các thế hệ hậu sinh moi tìm được đôi điều hữu ích trong đống bụi thời gian. Tôi viết, những trang sách này, ít ra sẽ là một kỷ vật trao lại cho các thế hệ con cháu sau này biết thời đại cha ông đã sống như thế nào.
Mười lăm năm tuổi thơ tôi trên mảnh đất xóm làng chôn  nhau cắt rốn. Mười chín năm ly tổ, xa quê, sau khi thoát khỏi vòng tai họa, sống trên phần đất Tự do. Bốn năm ở Lào; mười lăm năm giữa Sài Gòn hoa lệ của miền Nam cho tôi một phần đời thành đạt, mộng đầy hăm hở mai sau...
Nhưng rồi tất cả như giấc mộng Nam Kha. Năm 1975 tôi đi giữa chốn tàn quân, tám năm lưu đày nơi rừng sâu núi thẳm trong các trại tập trung cải tạo. Sau tám năm về lại mái nhà xưa như người khách trọ, thêm mười năm trong xã hội nhà tù, không kém phần khắc nghiệt. Mười tám năm lưu đày trên chính quê hương, dưới xã hội mới – xã hội XHCN. Tôi rời đất nước ra đi chẳng phải vì cơm áo. Từ bao nhiêu đời, người dân Việt dù đói khổ, khó khăn chẳng ai tìm đường bỏ nước ra đi!
Thế mà tôi đã ra đi. Hàng triệu người đã ra đi!

Giữa năm 1956, cách nay hơn nửa thế kỷ, khi vượt Trường Sơn trốn chạy, một buổi chiều dừng chân trên đỉnh Giăng Màn, ngọn núi cao thứ hai sau Hoàng Liên Sơn, phía trước mặt là xứ Lào, tôi xoay người nhìn về khoảng trời mênh mông, mờ mịt xóm làng, để chợt chùng lòng khi biết mình đã thực sự bỏ lại phía sau một thời tuổi thơ nơi quê cha đất tổ, cơ hồ như đuổi xua, bội bạc...

Bước chân lưu lạc từ Việt sang Lào, từ Lào về Việt, tám năm tù đày lê lết từ Nam ra Bắc, từ Bắc về Nam, định mệnh đẩy đưa, lê chân khắp cùng trời cuối đất – đầu non cuối biển –  trôi giạt đến cuối bờ Thái Bình dương, cách biệt quê nhà nửa vòng trái đất... Giờ đây trên xứ sở quê người, tôi đã đi, đã sống 50 năm phần đời lưu lạc. Mười bảy năm trên quê hương thứ hai này, tôi có một quãng đời đầy đủ mà sao tôi vẫn thấy thiếu, vẫn trống vắng một cái gì... Phải chăng, tôi là viên cuội đã bị từng dòng xoáy thời cuộc chà xát, nhào nặn, lăn lóc, cuốn xô đến tận cuối chân trời, vĩnh viễn cách xa quê hương, cha mẹ, người thân ruột thịt, quá khứ, kỉ niệm và nửa cuộc đời trĩu nặng những vinh nhục của một kiếp nhân sinh.

**
“Nửa Thế Kỷ Việt Nam” không thuần túy là một cuốn hồi ký, cũng không là một tập văn. Tập sách này là một tập hợp những sự kiện xẩy ra ở những thời gian và không gian khác nhau, trong suốt dọc dài những biến động của đất nước. Tất cả được ghi lại như những thước phim trung thực. Tác giả chỉ làm công việc lượm lặt, gom góp lại những gì mắt thấy tai nghe, có chính mình can dự.
Quyển sách viết về mình, viết về những sự việc, những con người, mà không hề có chủ ý bêu riếu, chỉ trích; không đem lòng thù hận, không bịa đặt thêm bớt, không cường điệu khen chê.
Người viết không có tham vọng trình bày, phân tích, phê bình bản chất những vấn đề lớn, những sự kiện tầm cỡ. Từ lâu đã có những nhà nghiên cứu lịch sử, những cây viết chuyên nghiệp làm công việc này. Ở đây chỉ xin lượm lặt, gom góp lại những sự việc có khi như là tủn mủn, riêng tư, nhưng chính những chi tiết rời rạc đó là biểu hiện cụ thể thực chất của vấn đề, đưa tới những biến cố và hậu quả hệ trọng.
Trong sách có những con số, những dữ kiện được trích từ những tài liệu giá trị, khả tín. Trong lần tái bản này chúng tôi đã có hiệu đính nhiều chi tiết, tuy nhiên, vẫn không thể không có những thiếu sót, phiến diện. Rất mong các bậc thức giả và bạn đọc chỉ dẫn để hiệu chính.
Tác giả xin cảm ơn quý thân hữu và bạn đọc đã gọi điện thoại, gửi E-mail cho biết các lỗi chính tả và góp ý về những chi tiết sai lạc. Chúng tôi cũng xin cáo lỗi với các tác giả những bài viết, những tài liệu được trích dẫn trong tập sách này, vì không biết địa chỉ để liên lạc xin phép và gửi sách tặng.

 “Nửa Thế Kỷ Việt Nam” được trình bày theo trình tự 18 chương đoạn như sau:

*Chương I: Giữa Một quê hương hiền hòa. Thời kỳ sau Cách Mạng tháng Tám. Nạn đói năm Ất Dậu 1945. 
*Chương II: Cải Cách Ruộng Đất
*Chương III: Bố tôi - một ngày vào tù Cộng sản cũng không.  
*Chương IV: Người Việt trên xứ Lào. Cuộc trốn chạy khỏi biên cương Tổ quốc.
*Chương V: Ngày bắt đầu cuộc đời
Mặt Trận Văn Hóa:  Cuộc đối đầu giữa SV Quốc Cộng.
*Chương VI: Đặc san Máu Lửa/ Chi bộ đảng Dân Chủ
*Chương VII: Miền Nam - Cơn Lũ Nghịch thường 30.4.1975 
*Chương VIII: Bản án 3 năm tập trung cải tạo
*Chương IX: Bùi Đình Thi trước Vành móng ngựa. 
*Chương X: Đoàn chiến Mã & Hành trình lưu đày biệt xứ.
Tiến vào Cam Bốt. Chuyển trại, phân tán tù.
*Chương XI: Làm Thơ trong tù. 
*Chương XII: Biểu Tình Tuyệt Thực. Rừng vang tiếng hát.
*Chương XIII: Những cảnh huống trong tù.
Cuộc chiến biên giới Việt Hoa. Trên chuyến tàu xuôi Nam. 
*Chương XIV: Châu Về Hiệp Phố - Tình dân nghĩa nước.
*Chương XV: Hy vọng trong màn đêm. Ánh sáng cuối đường hầm.
*Chương XVI: Từ cửûa ải tới cửa quyền. 5 năm quản chế.
*Chương XVII: Cuộc di cư vĩ đại bi thảm trong lịch sử dân tộc. Việt Diaspora
*Chương XVIII: Thử Tìm một Kết Luận

Phụ đính:
*Lời cảm ơn của Như Thương
*Lý Lịch Con Chữ H.O
*Anh Hùng và Tử Tội .
*Người chiến sĩ Biệt Kích 21 năm tù
*Đọc Nửa Thế Kỷ Việt Nam: Ý kiến. Nhận định

=





No comments:

Post a Comment

Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...