Thursday, April 25, 2013

BIỂN GỌI - PHONG THU



PHONG THU

Sinh tại Bình Dương, Việt Nam.  Học tại Đại Học Sư Phạm Sài Gòn  Tốt nghiệp Cử nhân Văn Chương và Tâm Lý Giáo Dục  Giảng viên trường Cao Đẳng Bình Dương.
 Bắt đầu viết từ năm 1980. Hiện là Phóng viên đài Á Châu Tự Do RFA

Tác phẩm:
 The Rain Still Falls In Sai Gon – Sài Gòn Mưa Vẫn Rơi 2011 - truyển tập truyện song ngữ Anh Việt, do nhà xuất bản XLibris Corporation [www.Xlibris.com] xuất bản và phát hành toàn cầu qua các website: Amazon.com; XLibris.com; Barnesandnoble.com và Ebook.
 Tập truyện thiếu nhi: “Gấu Bông Giúp Bạn”, trong đó truyện “Vì Sao Hoa Phượng Đỏ” được xưởng phim tổng hợp dựng thành phim truyện dành cho thiếu nhi (1990).  Cô Bé Bên Giàn Hoa Giấy Đỏ, Truyện ngắn in tại Hoa Kỳ năm 2003. 
 Đóa Phù Dung, tập truyện ngắn 2005 

***

BIỂN GỌI
truyện
  
“Má ơi! Tàu ông Sấm lớn lắm. Lớn bằng cái đình làng”.
Bà Mụ đang ngồi đan lưới nghe tiếng nói hổn hển của thằng Biển, bà dừng tay lại, ngước mắt nhìn khuôn mặt khét nắng của nó đang hí hửng khoe người bạn mới quen. Nghe nó nhắc tới ông Sấm là bà không mấy thích. Bà nạt thằng nhỏ:
“Mi đừng có lại gần ông ta. Tao không thích ông ta”
Thằng Biển tiu nghĩu hỏi:
“Tại sao vậy má?”
Bà Mụ bực bội nói sẳng:
“Mi đừng có hỏi mãi làm tao bực mình. Đi ra ngoài chơi cho tao vá lưới”.

Thằng Biển bỏ đi. Nó lang thang, thơ thẩn một hồi rồi cũng đi ngang căn lều tranh của ông Sấm. Nó dừng lại ngắm nhìn con tàu to lớn, khác thường, hùng vĩ đang nằm phía sau căn chòi sát mép biển của ông Sấm. Chiếc thuyền ngạo nghễ phơi mình dưới ánh nắng gay gắt, nổi bật trên một vùng cát trắng. Thằng Biển cảm thấy tự hào, ao ước được một lần đặt chân trên con tàu đó và được ra khơi với ông Sấm. Nó còn mơ được lên trên vọng gác cao chót vót trên tàu để được ghé mắt vào cái kính viễn vọng mà người ta đồn rằng rất hiện đại.

Nó không biết tại sao má nó không thích người đàn ông dễ mến như ông Sấm. Ngay cả những người trong làng chài lưới cũng truyền miệng nhau về một người lạ mặt không rõ gốc gác. Không ai biết người đàn ông tên Sấm là ai? Ông ta từ đâu tới? Họ chỉ biết rằng đó là một người vui tính, có tiếng cười rền vang. Cái miệng rộng, vầng trán phẳng lì bướng bỉnh, mái tóc rễ tre lởm chởm và vóc dáng lực lưỡng, rắn chắc. Người trong làng ban đầu nhìn ông Sấm với vẻ e ngại vì cái tướng bậm trợn của ông. Nhưng lâu dần, ai cũng thấy ông không quấy rầy làng xóm, không làm phiền ai. Ông hiền lành và tử tế với trẻ con trong làng. Vì vậy mà ông được chính quyền địa phương và ngư dân làm lơ cho ông sống. Đặc biệt là ông mê nghiên cứu về thuyền. Những chiếc thuyền đánh cá to lớn nhất trong làng ông Sấm đều đến nghiên cứu xem thử. Chiều chiều, người ta thấy ông ngồi tư lự bên bờ biển hàng giờ. Ông thật sự cô đơn trong ngôi làng đánh cá nghèo nàn nầy.

Rồi bỗng dưng, ông Sấm mua về rất nhiều gỗ và mướn nhiều thợ tài ba trong làng đóng thuyền đánh cá. Chiếc thuyền của ông to lớn nhất làng. Hai đầu tàu nhọn như một mũi tên có vẽ bốn con mắt của con cá voi to, đen sắc lẽm. Toàn thân tàu sơn màu xanh nước biển. Một cột buồm cao, to. Bên trên có một vọng gác với một hệ thống kính viễn vọng có thể nhìn xa hàng mấy chục dặm. Ngoài ra, hai bên hông tàu còn có bốn chiếc tàu nhỏ để phòng khi gặp nạn, có thể hạ thủy để cứu người. Ông Sấm đang kêu gọi tập hợp những người yêu biển, có kinh nghiệm ngư trường, có tài bơi lội giỏi để trở thành một đội ngư phủ hùng mạnh ra khơi đánh cá. Thằng Biển mon men đến gần chiếc tàu và sờ tay lên thân tàu. Mùi gỗ và mùi nước sơn còn mới tinh xộc vào mũi nó. Bóng ông Sấm hiện ra bên căn chòi nhỏ. Không chờ cho thằng Biển lên tiếng, ông Sấm hỏi:
“Cháu có thích đi biển không?”
Thằng Biển mắt sáng rỡ đáp:
“Thích lắm.”

Ông Sấm tiến về phía nó và tiếp:
“Cháu có đi ra biển lần nào chưa?”
Thằng Biển nhìn ra biển, giọng nó yếu xìu:
“Có, mấy năm trước kia. Khi cháu mới có bảy tám tuổi thôi, ba cháu thỉnh thoảng đem cháu theo khi biển êm, gió lặng. Rồi ba cháu bị tàu Trung cộng bắt, bị họ đánh đập và đòi tiền chuộc đến cạn kiệt nên không còn tiền để đi đánh cá. Năm rồi ba cháu đã bị mất tích.”
Mặt thằng Biển đầy nước mắt. Nó hỉ mũi rồn rột rồi ngước nhìn ông Sấm và nói tiếp:
“Từ khi ba cháu không trở về, má cháu và cháu sống rất khổ sở.
Má vá lưới kiếm tiền nuôi cháu. Ngày nào cháu cũng ra biển ngóng trông ba trở về mà có thấy đâu.”

Ông Sấm đưa bàn tay sần sùi, to như nải chuối sứ xoa đầu nó an ủi:
“Chú hy vọng ba cháu còn sống trở về với gia đình.”
Nó chùi nước mắt bằng vạt áo nhầu nát và hỏi:
“Ngày mai chú hạ thủy chiếc tàu nầy và ra khơi đánh cá phải không? Có bao nhiêu người đi chung?
“Mười người. Họ là những thanh niên khoẻ mạnh, có kinh nghiệm về biển, bơi lội giỏi. Tất cả đều là người trong làng mình.”
“Chú cho cháu đi theo chú cho vui. Cháu cũng biết bơi lội giỏi và còn biết nấu cơm cho chú ăn.”
Ông Sấm cười lớn:
“Cháu còn bé lắm! Nên ở nhà với mẹ. Biển của mình bây giờ không còn bình yên như xưa. Cháu không biết rằng đã có nhiều người đi đánh cá rồi không bao giờ trở về nữa cũng như ba cháu đó. Những chiếc tàu lạ, to lớn, bằng thép đã tấn công tàu ngư dân và cướp bóc, giết hại họ. Bọn nầy hung ác hơn cả hải tặc trên biển. Chú đi đánh cá để khuyến khích mọi người ra khơi. Nếu không, ngư dân mình chết đói.”
Ông Sấm dẫn nó vào trong căn chòi của ông. Ông mở lu xúc cho nó một ít gạo, một ít khô, và dúi vào tay nó một ít tiền. Ông dịu dàng nói:
“Cháu mang về đi. Chú biếu cháu làm quà. Có thể chú đi cả tháng mới quay về. Cầu nguyện cho chú nhé!”
Thằng Biển mừng rỡ cầm lấy nhưng nó cũng lo lắng nói”:
“Má cháu không cho cháu nhận quà của chú cho. Cháu phải làm sao?”
“Đừng nói chú cho mà nói ai cho cũng được. Thôi cháu về đi. Chú còn lo nhiều việc cho ngày mai.

***
Dân làng thức dậy thật sớm để xem chiếc tàu Sấm Chớp ra khơi. Nhiều người có thân nhân là thủy thủ trên tàu đã bày nhang đèn, bàn thờ gần biển để cúng bái, cầu nguyện cho con cháu mình ra đi và trở về bình yên. Chiếc thuyền của ông Sấm đã hạ thuỷ trong đêm và sáng hôm nay chuẩn bị giăng buồm ra khơi.
Mọi người ao ước sẽ đánh một mẻ lưới lớn và bắt được nhiều cá. Hàng chục thanh niên lực lưỡng, can đảm và thông thạo nghề đánh cá đã tình nguyện tham gia đội đánh cá của ông Sấm. Họ nhìn chiếc thuyền bằng gỗ nhưng vững chắc và thiết kế hoàn toàn mới mẻ nên cũng ao ước được đặt chân trên con tàu mới nầy.

Ông Sấm đeo một túi vải trên vai và xách theo một cái xách tay làm bằng da rất đẹp có in hình bản đồ Việt Nam và con tàu Sấm Chớp. Ông bước đi chậm rãi và vẫy tay chào tất cả dân làng. Mọi người chúc mừng, reo hò, tạm biệt trong nỗi vui mừng pha lẫn nỗi lo âu. Làm sao ông biết trước được ông có trở về hay không? Biển dữ dội nhưng biển không đáng sợ bằng con người. Đã có bao nhiêu ngư dân làng nầy ra đi rồi vĩnh viễn không trở về. Bao nhiêu con tàu đã bị tàu lạ đâm chìm? Bao nhiêu người mẹ khóc con, vợ khóc chồng, và bao trẻ mồ côi ngồi khóc đợi cha về? Làng chài cá nầy đã quá nghèo nàn, quá khốn khó. Còn ai mang lại cho họ một tia hy vọng vào ngày mai biển lặng sóng êm và họ có thể ra khơi đánh cá, an toàn trở về để nuôi gia đình. Hàm râu của ông động đậy và ông cố gắng nở một nụ cười như trấn an mọi người. Ông định bước lên chiếc xuồng nhỏ để ra tàu lớn thì có tiếng thằng Biển gọi:
“Chú Sấm chờ cháu với!”
Ông đưa một cánh tay ra. Thằng Biển chạy xuống ôm lấy ông. Nó vừa thở hổn hển vừa nói:
“Má cháu không cho cháu đi gặp chú. Cháu phải trốn đi đó.”
Ông xoa đầu nó đáp:
“Vậy à? Sao cháu không ở nhà để má cháu không lo lắng. Ra đây làm chi.”
Thằng bé nhìn ông. Mắt nó chớp chớp như muốn khóc:
“Cháu lo lắm! Cháu lo chú sẽ không… trở về nữa?”
“Sao cháu nghĩ vậy? Chú sẽ trở về và hai chú cháu mình sẽ có dịp đi câu cá bên kia đồi Hùng-Linh.”

Một hàng nước mắt bỗng chảy dài trên má nó. Nó thổn thức:
“Chú có biết là thằng Cẩn và chiếc ghe của ba nó đã bị tàu lạ đánh chìm. Nó chết rồi chú ơi! Nó chết đêm qua. Thằng bạn học của cháu đó mà… hu… hu. Cháu sợ chú cũng… như nó, như ba cháu và nhiều người đánh cá khác không bao giờ còn trở về… hu…hu..”
Nó khóc lớn đến mức những người xung quanh quát lớn:
“Thằng ranh nầy chỉ quở những điều xấu. Không tốt đâu… đi về đi.”
“Rõ rắc rối. Mới khởi hành đã quở rồi. Vậy còn làm ăn gì được.”
“Tàu mình lớn, đồ sộ hơn những chiếc tàu khác thì sợ quái gì. 
Ăn nói đểâu không?”
Có tiếng má nó gọi lớn:
“Biển. Mầy ở mô? Về nhà mau.”
Thằng Biển nắm tay ông Sấm từ biệt:
“Má cháu đang đi tìm cháu. Mỗi ngày cháu sẽ ra đây chờ chú. Cháu sẽ thắp nhang khấn vái thần linh, thần biển giúp chú bình an.

Đôi mắt thằng bé lo âu pha lẫn nỗi tuyệt vọng. Nó như biết trước những điều không may sẽ xảy ra cho đoàn tàu đánh cá của ông Sấm. Nó cũng nhớ lại nụ cười, nét mặt của ba nó cách đây một năm cũng trên bãi cát nầy, trên bờ biển xanh ngát, mặt nước cuộn lên những đợt sóng dội vào bờ mãi mãi giữ kín những điều bí ẩn. Ba nó mất tích trên biển không thể tìm được xác. Nó mồ côi và lang thang mỗi chiều trên bãi cát mịn màng, êm dịu dưới chân. Nó có cảm giác trái tim quặn thắt, bồi hồi và nhớ ba nó. Mỗi lần thấy một con tàu đánh cá nhấp nhô xa xa, nó cứ hy vọng chờ đợi… và rồi nó thất vọng. Nước mắt nó ứa ra. Nó nằm úp mặt xuống cát ướt và khóc một mình. Bây giờ, nó quen với một người bạn lớn là ông Sấm. Nó cảm thấy thân thiết và quý mến tình tình hào phóng, nghĩa hiệp của ông. Hôm nay, ông ra khơi đánh cá. Nó bị ám ảnh cái chết của thằng bạn đêm qua nên không thể ngủ được. Và nó đã thức dậy sớm ra đây tiễn ông đi. Nó nhét vào tay ông một cái giàn thung bắn chim:
“Chú gặp bọn ác là bắn vào đầu cho nó chết đi.”
Ông Sấm cầm giàn thung trên tay ngắm nghía cười và hôn lên tóc nó:
“Cái giàn thung nầy chỉ để bắn mấy con chim không biết bay thôi... ha ha… Nhưng chú sẽ giữ trên tàu làm kỷ niệm. Chú hứa sẽ trở về. Hãy tin như vậy nhé!”
Má nó chạy ào xuống bãi biển. Bà nắm tay thằng Biển lôi xệch lên bờ. Bà vừa đi vừa càu nhàu:
“Tao biểu mi đừng có đi gặp ông ta. Nhưng mi không nghe. Muốn ăn đòn đó hả?”
Thằng Biển không thèm nghe má nó nói gì. Nó ngoái đầu lại nhìn ông Sấm và hét vang:
“Cháu sẽ chờ chú tại đây. Chú nhớ trở về nhé!”

Tháng năm biển êm, gió lặng. Mặt nước xanh biếc và báo hiệu mùa đánh cá phát đạt. Ngư dân rất vui mừng. Họ đã chuẩn bị ra khơi đánh cá. Nhưng lệnh của bọn Tàu cộng lại tiếp tục áp đặt lên toàn bộ biển Đông là “cấm đánh cá” cho đến hết tháng 8. Dân Ngư Sơn treo lưới. Họ không sợ bọn cướp biển mà sợ bọn Tàu cộng tham lam, độc ác. Bao đời nay, người dân đánh cá, bám biển cha ông để mưu sinh. Nay, biển trở thành tử địa. Nhiều ngư dân trong làng treo lưới ngồi nhìn biển. Ngôi làng êm đềm nầy đã nghèo càng nghèo thêm. Họ là những người cả đời bám biển, sống với biển và cũng chết với biển. Có người cả dòng họ mấy trăm năm sống bằng nghề đánh cá. Họ yêu biển như yêu mái ấm gia đình. Giờ đây họ phải đối diện với hiểm họa mất biển, mất ngư trường để mưu sinh. Có hàng trăm người đi đánh cá gần Hoàng Sa đã bị tàu Tàu Cộng bắt bớ, đánh đập và đòi tiền chuộc khiến họ bị phá sản. Có nhiều người bị những chiếc tàu “Ma” mà chính quyền Việt Nam gọi là tàu lạ đâm chìm rồi bỏ chạy. Xác ngư dân phơi trên biển làm mồi cho cá mập. Chưa bao giờ dân làng Ngư Sơn ghét và sợ bọn Tàu cộng như hiện nay. Họ không dám ra khơi đánh cá và tránh xa khu vực đảo Hoàng Sa, hòn đảo đã bị Tàu cộng chiếm từ năm 1974. Chính quyền Việt Nam bất lực, không giúp được gì cho dân ngoài những lời tuyên bố chung chung. “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, nên có tiền Tàu cộng muốn chứng tỏ sức mạnh cơ bắp của một tên võ biền hung tợn, tham lam và thực dụng. Chính quyền Tàu Cộng vẽ sơ đồ chín đoạn gọi là đường lưỡi bò để liếm hết biển Đông. Tiền bạc Tàu cộng đổ vào chế biến vũ khí, máy bay, tàu chiến, tàu ngầm, tàu sân bay, hoả tiễn… hàng năm cứ tăng lên. Các nước trong khu vực sợ khiếp vía. Và dĩ nhiên, ngư dân sống quanh bờ biển Việt Nam cũng sợ vì sự tàn ác và thâm hiểm của bọn Chệt.

Ông Sấm biết tình hình biển không dễ dàng cho chuyến đi khai trương đánh cá của con tàu Sấm Chớp. Nhưng ông tin rằng nếu ông phá tan sự sợ hãi của ngư dân thì người dân sẽ nương theo ông mà làm. Chẳng lẽ mọi người ngồi bó gối chờ chết đói. Có tàu, có nghề mà không tìm ra được một con cá để ăn thì khốn nạn biết bao. Sao dân mình phải khổ đến như vậy? Đại dương do trời đất sinh ra, cá không ai nuôi dưỡng sao lại có kẻ mặc nhiên tự nhận là của mình. Bọn tham tàn nầy muốn vơ vét của cải thế gian để làm giàu bất chấp đạo lý. Ông Sấm biết rõ, tàu ngư dân nho nhỏ, bằng thúng, bằng gỗ làm sao chạy và địch nổi tàu của Tàu cộng. Tàu chúng làm bằng sắt của quân đội nguỵ trang, có súng ống và sẵn sàng bắn giết ngư dân rồi đổ thừa cho cướp biển hoặc tàu các nước khác. Chúng xuất hiện bất ngờ rồi đâm ngang thân tàu làm tàu vỡ làm đôi rồi bỏ chạy, để mặc cho ngư dân bị thương và chết chìm dưới biển.

Ngày đầu tiên ra khơi, tàu ông Sấm lưới được rất nhiều cá. Mọi người vui mừng. Họ đem cá ướp vào những thùng nước đá lớn và chờ những thương thuyền mua cá cặp vào để bán. Tiếng hò reo, cười nói, vui mừng của họ làm ông Sấm cũng vui lây. Đêm xuống nhanh, mặt biển đen sẫm. Những đợt sóng lao xao vỗ vào mạn tàu. Những con chim hải âu bay chập chờn trên gợn sóng đớp mồi. Tiếng kêu của nó vang dội giữa không gian bao la. Ánh trăng khuyết vừa nhô khỏi chân trời và ló dạng trên mặt biển cuối đường phẳng của chân mây. Ánh sáng màu bạc nhả những tia sáng lấp lánh trên mặt biển. Buổi ăn tối dọn ra trên khoang tàu. Mọi người râm ran trò chuyện. Họ chuyền cho nhau những ly rượu nấu bằng nếp uống cho ấm bụng. Nửa đêm, ông Sấâm vẫn chưa ngủ. Cảm giác bồn chồn, lo lắng không yên làm ông không thể chợp mắt. Giác quan thứ sáu báo cho ông biết sắp có biến cố xảy ra. Mảnh trăng lưỡi liềm trắng sáng, long lanh nghiêng mình làm duyên trên bầu trời đêm với hàng triệu tinh tú bao quanh. Ánh trăng soi rõ mặt nước đen thẩm. Điện thoại trong túi quần của ông reo vang. Tiếng của Ngà từ trên vọng gác gọi báo động:
“Có tàu lạ đang tiến về phía chúng ta”
“Anh có xác định cờ của nước nào không?”
“Tối quá nên tôi không thấy gì cả. Chỉ thấy một vệt sáng và một bóng đen lớn đang di động.”
Ông Sấm hối hả nói:
“Báo động gấp để mọi người chuẩn bị kế hoạch.”

Tiếng còi hụ từng chập vang lên trên boong tàu. Tiếng chân chạy rầm rập và mọi người hối hả thả những chiếc thuyền cấp cứu xuống nước. Ông Sấm ra lệnh:
“Mọi người xuống tàu nhỏ, mặc phao an toàn vào và chuyển cá đi gấp. Nhanh lên.”
Ông chạy lên chạy xuống nhắc nhở mọi người. Khi tất cả đã ở trên ghe nhỏ, ông ra lệnh:
“Bơi thật nhanh và nhẹ nhàng đừng gây tiếng động. Không được nói chuyện và sử dụng đèn để tránh phát hiện. Nhớ mặc áo bơi. Điện thoại di động nên bỏ vào bọc ny-lon để tránh bị ướt. Nhớ có chuyện gì thì bỏ thuyền và bơi cho nhanh rồi gọi cấp cứu.”
Nhiều anh em lo lắng hỏi:
“Còn thuyền trưởng? Ông không đi với chúng tôi sao?”
“Tôi không thể bỏ tàu. Các anh còn có vợ con, gia đình. Còn tôi chỉ có một mình. Tôi không sao đâu. Đi nhanh lên.”
Một người khác lên tiếng:
“Anh không đi thì tôi cũng không đi. Chúng tôi sống chết với anh.”
“Đúng rồi. Tại sao gặp nạn lại bỏ anh một mình chớ. Chúng tôi không đi.”
“Tôi cũng vậy.” - Người thanh niên da bánh mật, nét mặt đanh lại quả quyết nói.
Ông Sấm giải thích:
“Như hợp đồng các anh ký với tôi là nếu có biến động bất thường, tôi là người có quyền quyết định. Các anh còn có gia đình để lo. Còn tôi chẳng có ai. Nếu tôi bị bắt một mình thì các anh còn lo cho tôi. Nếu tất cả cùng bị bắt thì ai lo đây? Nhanh lên… đừng chậm trễ. Nhớ tắt hết đèn pin và cho tàu chạy thật nhanh. Có tôi đón đầu họ.
Mọi người ôm ông lần sau cùng rồi lặng lẽ xuống những chiếc thuyền nhỏ nổ máy và chạy hết tốc lực. 

Khi chiếc thuyền cuối cùng vừa chìm vào bóng đêm của biển thì con tàu đồ sộ đã tiến gần chiếc tàu Sấm Chớp. Nó như một bóng ma lao vun vút và không hề giảm tốc độ khi đến gần tàu ông. Một đợt sóng cao ngất cuồn cuộn tung lên mặt biển va đập vào mạn tàu làm nước bắn tung toé. Chiếc Sấm Chớp chồm lên rồi hụp xuống. Ông Sấm định thần nhìn kỹ và nhận ra hàng chữ Tàu in rõ trên hông tàu. Bốn người đàn ông ăn mặc như ngư dân, tay lăm lăm dùi cui trong tay nhảy sang tàu ông. Bốn người khác dùng neo quăng sang và cột con tàu Sấm Chớp dính với con tàu sắt. Một người đàn ông vóc dáng lực lưỡng, cằm bạnh, tóc cắt ngắn có lẽ là thuyền trưởng nói như hét bằng tiếng Việt giọng Bắc rặc khiến ông Sấm hết sức ngạc nhiên:
“Ai cho mấy người đến đây đánh cá? Đây là vùng biển thuộc chủ quyền của chúng tôi. Các người đến đây cướp tài nguyên của chúng tôi.”
Ông Sấm nghe những tên Tàu cộng khác nói tiếng Tàu xí xa, xí xố chửi bới, la lối om sòm. Một nhóm người khác lại nhảy sang tàu ông và chúng bắt đầu lục xét trên tàu. Nồi niêu, xoong chảo, chén bát bị đập phá tan tành. Quần áo bị vứt tứ tung trên sàn nhà. Chúng vừa tìm kiếm vừa hét, vừa chửi bới. Ông Sấm phản đối:
“Các ông không có quyền làm như vậy vì đây thuộc hải phận của Việt Nam. Tôi đánh cá trong vùng biển của nước tôi. Các ông mới là những người ngang ngược.”
Một cái dùi cui quất thẳng trên lưng ông làm ông té nhào xuống sàn tàu. Dù đau đớn ông không rên một tiếng nào. Ông Sấm chưa kịp đứng dậy thì một đám người xúm nhau lại, kẻ đá, người đấm tới tấp. Ông chỉ còn ôm đầu, khoanh người lại để tránh không bị trúng chỗ nhược. Một người trong nhóm họ la lên vẻ tức giận:
“Trên tàu hắn không có gì cả. Cũng không có cá luôn.”
Tên thuyền trưởng hỏi: 
“Không có cá hả? Trên tàu rất nhiều đồ đạc mà chỉ có một mình ông thôi sao? Mấy người kia đâu rồi?”
“Không có ai cả.” - Ông Sấm đáp.
Hắn dùng đèn pin rọi vào mặt ông rồi ra lệnh:
“Ông có tiền, có vàng để đền bù thiệt hại về tội xâm phạm lãnh thổ chúng tôi ăn trộm cá thì tôi tha cho. Bằng không thì ngồi tù.”
“Tôi đi biển làm gì có tiền.” - Ông Sấm nói.
“Hứ! Tàu ông đồ sộ, hiện đại hơn những chiếc tàu khác. Ông giàu hơn những người kia. Nếu ông không có vàng, hay tiền thì chúng tôi nhốt tù ông không có ngày về.”
Ông Sấm nhìn hắn một phút rồi ông chậm rãi đáp:
“Được rồi. Ông chờ tôi một lát. Tôi có một vali vàng và tiền đô.”
“Thật không?”
“Tôi giấu dưới hầm tàu. Các ông chờ tôi đi lấy cho.”
“Được. Tụi tao chờ. Nếu mầy nói láo thì đừng có trách tụi tao. Đi nhanh lên.”

Ông Sấm leo xuống hầm tàu. Ông cầm đèn pin soi khắp nơi và ông cuối cùng ông lôi từ trong một chiếc thùng gỗ lớn một cái vali mạ vàng còn mới tinh và óng ánh. Ông chuyển chiếc va-li lên sàn tàu. Bọn Tàu nhìn chiếc va-li sang trọng, óng ánh thì biết là có của qúy bên trong. Mắt chúng sáng lên. Chúng trao đổi với nhau rất sôi nổi. Bọn chúng thay phiên nhau cố gắng mở cái vali nhưng không thể mở được. Chúng hỏi ông Sấm:
“Chìa khóa đâu?”
Ông Sấm cười khẩy đáp:
“Nó tự động.”
“Vậy mầy mở ra cho tụi tao.”
Ông Sấm lắc đầu nói:
“Tôi không nhớ hết những con số để mở cái vali nầy. Các ông có thể mang đi và tìm cách mở ra.”
Cả bọn giận dữ, quát tháo. Một tên định dùng dùi cui đánh ông. Ông phân trần:
“Các ông đánh tôi vô ích vì đây là tài sản chung của mọi người trên tàu nầy. Họ không có ở đây nên những con số họ không cho tôi biết hết. Nhưng chắc chắc trong đó là 100 lượng vàng và 200.000 tiền đô. Các ông mang về rồi mở ra đâu có muộn. Tôi chỉ van xin các ông tha cho tôi trở về quê hương.”
“Thằng nầy muốn chết chắc. Không có chìa khoá thì tụi tao phá ra là được ngay. Cần gì điều kiện.”
“Quăng nó xuống biển.”
“Ừ quăng nó xuống biển đi.”
Ông Sấm lùi lại. Ông cố gắng giải thích:
“Tôi đã đánh tín hiệu vào bờ. Tàu hải quân Việt Nam sẽ ra đây cứu tôi. Nếu các ông muốn giết tôi thì bạn bè tôi và chính phủ tôi sẽ lên tiếng với báo chí quốc tế. Điều nầy sẽ làm cho hình ảnh của nước ông xấu đi. Các ông sẽ mang tiếng là những tên cướp biển tàn bạo.”
Tên thuyền trưởng gầm lên:

“Câm miệng. Tao giết mầy như giết một con cá tanh hôi. Mầy tưởng tụi tao sợ hải quân của mầy hả. Mấy thằng chuột chết đó giờ đây chỉ lo nhậu, chơi gái, buôn lậu, làm giàu, ăn chơi. Chúng nó sợ chết lắm! Tiền của nhiều quá chết thì ai hưởng. Mầy là thằng ngu mới tin bọn đó đến đây cứu mầy. Hừm! Phải mở ngay cái va-li nầy ra để tao biết là có tiền thiệt hay giả. Không thì tao bắn mầy ngay.”
Hắn rút cây súng ngắn đeo ở thắt lưng ra và lên đạn:
“Mở ra ngay lập tức.”
Ông Sấm sợ hãi khoát tay:
“Tôi mở ra ngay với điều kiện là các ông đừng tịch thu tàu của tôi.”
“Không có điều kiện gì hết. Chết đến nơi mà còn đòi hỏi.”
Mũi súng lạnh như thép chĩa thẳng vào thái dương ông Sấm. Ông trầm ngâm suy nghĩ rồi nói:
“Thôi ông cất súng vô đi. Tôi ráng nhớ những con số và tôi sẽ mở.”
“Tốt lắm!”
Tiếng nói chuyện lao xao của bọn Tàu làm ông nhức cả óc. Ông làm bộ vặn tới, vặn lui, đổi số liên tục và cuối cùng nắp va-li bật lên. Bên trong, từng xấp tiền 100 đô la xanh lè nằm xếp hàng thẳng lối. Chúng hau háu sờ mó tiền và những thỏi vàng nằm dưới đáy va li sang lấp lánh dưới trăng. Lợi dụng lúc chúng còn đang bàn tán, đếm tiền. Ông Sầm lùi dần về phiá sau và bất thần lao nhanh xuống biển. Cả thân hình cao lớn của ông chìm khuất dưới lòng đại dương. Cả bọn nhốn nháo, la lên:
“Hắn trốn rồi. Bắt hắn lại.”
Tên thuyền trưởng nhìn biển lạnh lẽo, đen ngòm cười lớn:
“Biển mênh mông như vậy thì cá mập cũng làm thịt hắn. Tụi bây khỏi lo. Mình có chiến lợi phẩm rồi. Tiền-vàng và con tàu đẹp nầy… ha…ha.. trúng mánh rồi.”

Vừa nhảy xuống biển. Ông Sấm vội vàng lặn sâu dưới lòng tàu. Nước biển mặn và lạnh hơn ông tưởng tượng. Ông lặn sâu và bơi dần tránh xa con tàu. Đèn trên tàu của bọn Tàu cộng vẫn sáng choang. Chúng có tiền và vàng nên không màng đến kẻ liều mạng nhảy xuống biển sâu mênh mông vào nửa đêm. Chúng tin rằng ông sẽ chết. Chúng không cần phải ra tay để mang tiếng xấu là giết người, cướp của. Tàu chúng khởi động và bắt đầu di chuyển mỗi lúc một nhanh kéo theo chiếc tàu Sấm Chớp của ông Sấm.

Ông bơi một đoạn khá xa và biết chắc chắn đã an toàn. Lòng ông vui mừng khôn tả khi đã thoát khỏi họng súng của bọn cướp. Ông cố gắng bơi thật nhanh, thật xa để không bị bọn chúng trông
thấy. Ông còn sợ bọn chúng thay đổi ý định bắt ông trở lại. Khi ông đã bơi khá xa, cũng là lúc ông nghe một tiếng nổ lớn. Mặt nước rung chuyển, sóng dâng thật cao, to như mái nhà và ập xuống đầu ông. Tiếp theo sau là một ngọn sóng khác đưa ông lên cao rồi ném ông xuống một cái hố nước đen ngòm. Ông uống nước sặc sụa. Nhưng ông biết chuyện gì đã xảy ra nên cười lớn:
 “Ha…ha… vàng đó tụi bây hưởng đi. Đáng kiếp cho bọn tham tàn, độc ác. Một bài học cho bọn bây đó. Tao hy vọng dân tao sẽ giết tụi bây như những con giòi…. ha…ha…”
Một vùng biển bốc lửa, khói đen nghi ngút bao trùm cả mặt biển…xa xa những đàn chim hải âu bay lên hoảng loạn…

***
Thằng Biển cầm tờ báo trong tay. Nó đọc đi đọc lại hoài một bản tin mới đăng trang nhất với cái tít chạy thật lớn đập vào mắt nó:
 “Một Chiếc Tàu Ngư Chính Của Trung Cộng Bốc Cháy.”


Tin Đà Nẵng: Đêm 18 tháng 5 năm… một chiếc tàu ngư chính của Trung Cộng mang số 20129102 đã bốc cháy ngoài khơi cách đảo Hoàng Sa 200 hải lý. Cùng với chiếc tàu nầy còn có một con tàu đánh cá mang tên Sấm Chớp của ông Nguyễn Văn Sấm. Chiếc tàu nầy mới vừa hạ thuỷ vào tuần trước. Nghe nói tất cả ngư phủ tham gia đánh cá trên chiếc tàu đã được lệnh của thuyền trưởng xuống ghe nhỏ và trở về an toàn. Nhưng ông Nguyễn Văn Sấm là người đã ở lại bảo vệ chiếc tàu Sấm Chớp. Chiếc tàu ngư chính của Trung Quốc bị nổ tung và bốc cháy giữa biển. Tất cả những người trên tàu đều chết, không tìm được xác. Hiện nay, chính quyền Việt Nam và Trung quốc đang mở cuộc điều tra hỗn hợp để tìm ra nguyên nhân….
Đọc xong bản tin, tim nó đập rộn lên niềm vui. Ai chết thì nó buồn nhưng bọn Tàu khựa chết thì nó vui ra mặt. Nó cắt bản tin ra và xếp tờ báo lại bỏ vào túi quần rồi rón rén mở cửa đi ra. Nó giật thót người khi nghe tiếng má nó hỏi:
“Mi đi đâu vào giờ nầy?”
Nó gãi đầu, vò tóc cho rối nùi rồi ấp úng đáp”
“Dạ! Dạ…. Con… con đi ra biển ngắm trăng với thằng Bon.”
“Giờ ni mà ra biển ngắm trăng. Mi có điên không?”
“Tụi con có hẹn mà. Đông lắm mẹ ơi!”
Bà lườm nó một cái nhưng giọng bà dịu dàng:
“Mi đi rồi mấy giờ về nhà?”
“Khoảng 9 giờ tối nghe má.”
“Ờ! Đừng có về khuya. Tao chờ đó. Mi có gặp ông Sấm không?

Thằng Biển ngạc nhiên khi nghe má nó hỏi thăm ông Sấm. Nó không dám nói cho má nó nghe ông Sấm đã được bạn bè vớt ông trên biển. Không ai biết được người đàn ông tên Sấm đã lên kế hoạch đánh chìm tàu bọn Tàu phỉ. Đó là khởi đầu của một cuộc đánh trả, báo thù và cũng là tiếng nói cảnh báo cho bọn Tàu phỉ hiểu rằng con dân Việt Nam không thể sống hèn và nhục mãi được. 
“Má không còn ghét ông Sấm nữa sao?” - Nó ngập ngừng hỏi.
“Không. Bây giờ má hiểu nhiều về ông ấy rồi. Nhưng rất tiếc bây giờ ông ấy chết rồi. Còn một tháng nữa đến ngày giỗ đầu của ba mi. Má sẽ thắp nhang cầu nguyện cho vong linh ông Sấm được bình an.
Thằng Biển hớn hở nói:
“Ông Sấm là người hùng của làng mình phải không má?”

Người mẹ mỉm cười và mắng yêu:
“Tổ cha mi. Hỏi làm chi rứa. Đi cho sớm rồi về.”
Thằng Biển ba chân bốn cẳng chạy một mạch ra biển. Nó biết đêm nay là đêm cuối cùng nó có thể gặp được ông Sấm. Ngày mai. Căn chòi của ông sẽ có người đến tiếp thu. Chính quyền có thể vỡ căn chòi hoặc có thể cho ai đó dọn vào ở. Mấy ngày nay, chính quyền ra lệnh lục xét và tìm kiếm xem ông Sấm có liên quan gì đến vụ làm nổ chiếc tàu của bọn Trung cộng hay không? Nổ thì đã sao? Bọn chúng giết dân làng mình quá nhiều. Chúng giết ba mình, giết bà con hàng xóm và bạn của mình thì phải đền nợ máu chớ. Tại sao chính quyền có hải quân, có công an, có quân đội mà chỉ để cho dân chống chọi với bọn Tàu bằng hai bàn tay không như ba nó. Nó suy nghĩ mênh mang và quên rằng hai bàn chân nó đã ướt đẫm nước biển. Ngọn gió trong lành thổi nhè nhẹ vào bờ. Mùi nước biển quen thuộc làm nó khoan khoái. Nó đi dọc theo bờ biển khoảng mười phút thì thấy nhiều bóng người đang ngồi vây quanh sau một tảng đá lớn giả vờ câu cá. Nó hồi hộp, và lo lắng và sợ công an theo dõi nên vừa đi vừa quan sát xung quanh. Khi nó đến gần
đã nghe tiếng ông Sấm gọi:
“Chú đây!”
Ông Sấm đứng dậy. Hai cánh tay ông dang rộng ôm chặt thân hình bé nhỏ của nó. Ông nghe tiếng nó khóc thổn thức:
“Lần nầy chú đi luôn phải không? Cháu sẽ buồn và nhớ chú lắm!”
Ông Sấm ôm nó vỗ về:
“Chú không thể ở lại đây đâu. Chính quyền đang truy lùng chú. Họ thích dùng vũ khí, bạo lực với dân. Nhưng trước ngoại bang thì họ im lặng cúi đầu chịu nhục. Nếu chú bị bắt cháu cũng biết chuyện gì sẽ xảy ra phải không?”

Thằng Biển gật đầu nhè nhẹ:
“Cháu biết. Má cháu nói rằng chú đã chết. Còn những người khác thì nói chú đã bị cá mập ăn thịt.”
“Như vậy tốt đó! Chỉ có bạn bè chú và vài người biết chú còn sống. Đêm nay chú phải rời khỏi hải phận quốc tế.”
Thằng Biển ngỡ ngàng hỏi:
“Chú vượt biên sao?”
Ông Sấm xoa đầu nó:

“Không còn con đường nào để lựa chọn. Chú phải đi. Đã có người lo cho chú. Chú không thể ở lại đây. Chú đã làm những chuyện không ai dám làm là giết bọn Tàu cộng cướp biển, cướp đất của ta. Khi cháu lớn lên đừng sống ươn hèn, hưởng thụ, ăn chơi, đâm chém nhau như nhiều thanh niên trong xã hội Việt Nam hiện nay. Có sống phải cho ra một con người, có chết cũng phải chết cho xứng đáng một con người. Nhớ lời chú dặn.”
Một chiếc tàu đánh cá xuất hiện trên biển như một chấm đen và một chiếc ghe thúng đang tấp vào bờ sẵn sàng đón ông. Ông Sấm đeo túi xách nhỏ lên vai. Ông ôm thằng Biển nói:
“Cháu ở lại học hành ngoan ngoãn. Chú sẽ gởi thư về thăm cháu.”
 “Chú là người anh hùng thời đại.”
“Thật vậy sao? Chú làm gì mà họ gọi là anh hùng?”
“Chú làm nổ tung con tàu của bọn Chệt có đuôi.”
Ông Sấm cười khà khà:

“Nầy! Đừng có nói như vậy là chú bị nhà nước bắt bỏ tù không có ngày về. Chú chẳng có làm gì hết. Trên tàu của họ có vũ khí thì phát nổ là chuyện tất nhiên.”
Thằng Biển thì thầm vào tai ông:
“Nghe nói bọn nó chết bộn. Chiếc tàu mấy trăm tấn nổ tan tành… Đáng đời bọn khốn kiếp…”
Tiếng người trên ghe thúng gọi:
“Nhanh lên để không còn kịp.”

Mọi người vây quanh ông Sấm. Họ ôm ông và chúc ông lên đường may mắn. Thằng Biển khóc sụt sùi. Nó lấy trong túi quần ra tờ báo nhét vào tay ông Sấm và nói:
 “Báo đăng hình con tàu Sấm Chớp và hình chú  nữa. Chúc chú bình an”.
“Cảm ơn cháu. Lớn rồi đừng có khóc nhè như con nít.”

Ông Sấm chùi nước mắt trên mặt nó rồi bước xuống chiếc thuyền thúng xoay tròn. Người chèo thuyền thúng từ từ đưa ông ra khơi. Trăng soi sáng mặt biển. Sóng từng lớp xô mạnh vào bờ, cuốn theo hàng ngàn bọt biển trắng xoá. Ông Sấm ngước mắt nhìn làng Ngư Sơn lần sau cùng. Ông cũng không biết đến bao giờ ông mới trở lại nơi đây. Những người bạn trong làng đã lần lượt trở về nhà. Trên bờ biển chỉ còn lại cái bóng bé nhỏ của thằng Biển đang ngước mắt nhìn theo. Ông cũng không biết rồi đây những đứa trẻ như thằng Biển, lớn lên nơi làng chày nghèo nàn, cơ cực nầy, chúng có còn mơ ước theo cha đi làm nghề đánh cá? Hay chúng sẽ phải rời bỏ mảnh đất làng quê để tha hương cầu thực? Làm sao tìm lại được cảnh an bình cho những người ngư dân khốn khổ ra khơi tìm chén cơm, manh áo. Ông muốn làm việc lớn. Nhưng ông cũng chỉ là một cánh hải âu cô đơn trên sóng nước mênh mông của đại dương. Một cánh chim hải âu không thể chống chọi được với sóng to, bão lớn… Ông ngoái lại nhìn bãi biển lần sau cùng. Bóng thằng Biển chỉ còn là một cái chấm đen nhỏ xíu lơ lững giữa bãi biển vắng lặng. Nước mắt ông bỗng lăn dài trên má.

Phong Thu

(Trích Kỷ Yếu 20 Năm VH Cội Nguồn)

No comments:

Post a Comment

Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...