Friday, May 31, 2013

NỬA THẾ KỶ VIỆT NAM - Ý Kiến. Nhận Định (4)





















LÊ ĐÌNH CAI - GIÁO SƯ SỬ HỌC

Năm 1955, nhà văn Song Nhị lúc đó 15 tuổi đã phải chứng kiến những giờ phút kinh hoàng của hai bản án tử hình đầu tiên trong đợt phát động Cải Cách Ruộng Đất (CCRĐ) ở quê ông (Hương Khê, Hà Tĩnh). Những gì ông viết về nạn đói Ất Dậu năm xưa và nhất là những điều ông đã chứng kiến trong chiến dịch CCRĐ đã được thể hiện lại hết sức sống động, thương cảm, khiến người đọc không ai có thể cầm được nước mắt.

*Trước đây, chúng tôi cũng có đọc được nhiều tài liệu viết về cuộc CCRĐ và về tòa án nhân dân, đấu tố khủng khiếp này, nhưng phải nhận rằng lời kể của người trong cuộc, tác giả Song Nhị, với giọng văn sắc bén, đầy hình tượng đã làm lay động lòng người. Chính tác giả là người đã làm sống lại dòng chảy của thời gian đã qua, khơi lại nhịp thở của xã hội đương thời, lay động được những hồn ma ngủ quên trong nấm mồ oan khiên của lịch sử, dựng họ dậy để cùng ông lên tiếng thêm một lần nữa trước công luận thế giới về một giai đoạn tối tăm và bi thảm của lịch sử Việt tộc. (Chương I, II).

Nửa Thế Kỷ Việt Nam kể lại những biến cố trải qua trong cuộc đời của tác giả từ năm 1945 -1995. *Sau thảm họa của CCRĐ là cuộc vượt thoát kỳ diệu của toàn thể gia đình sang đến đất Lào. Những cam go trong bước đầu hội nhập vào một xã hội mới, những thử thách đôi khi tưởng chừng khó vượt qua được, với ngòi bút ý nhị của tác giả, được ghi nhận lại hết sức sinh động và trở thành bài học kinh nghiệm quý giá cho nhiều thế hệ về sau (Chương III, IV).

Rồi tác giả quyết định trở về quê nhà vào ngày 10-4-1960, “Tôi tung cánh bay về vùng trời Miền Nam Tự Do qua chuyến bay Paksé - Sài Gòn, chấm dứt giai đoạn tị nạn chính trị tại Vương quốc Hoàng Gia Lào, dưới chính thể quân chủ Lập Hiến” (Song Nhị sđd, tr 170).

Kể từ đây, tác giả bắt đầu một cuộc chiến đấu mới đầy thử thách và cam go hơn. Mặt trận mà Song Nhị phải dấn thân là “mặt trận văn hóa với cuộc đối đầu giữa Sinh Viên Quốc Cộng”.  Tôi tâm đắc nhất là khi đọc đến chương V, VI của cuốn sách này. Tác giả trình bày bối cảnh miền Nam sau khi nền Đệ Nhất Cộng Hòa của cố Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, cùng các hoạt động của giới Sinh viên Sài Gòn sau khi cuộc cách mạng 1.11.1963 thành công. Đây cũng là giai đoạn mà cá nhân tôi đã tham dự vào các biến động Miền Trung qua các phong trào tranh đấu của Sinh viên thuộc viện Đại học Huế. Từ ngày đó đến nay tôi chưa thấy một quyển sách nào ghi nhận đầy đủ toàn bộ các phong trào đấu tranh của Sinh Viên các viện đại học Sài Gòn, Huế, Đà Lạt... Và mong ước của tôi là viết lại bộ sách ghi nhận trung thực phong trào đấu tranh của Sinh viên miền Nam từ năm 1963 -1966. Vì thế Nửa Thế Kỷ Việt Nam của tác giả Song Nhị đã cung cấp cho các nhà nghiên cứu sử học những tư liệu hết sức quý giá của giai đoạn biến động Sinh viên này.

*Chương VII đề cập đến đoạn đường bi thương của miền Nam vào tháng 4 đen (1975) mất nước. Những hệ lụy kéo theo sau khi miền Nam hoàn toàn bại trận. Cuộc đời đày ải của tác giả trong trại tù cải tạo bắt đầu.

Với những nhận xét tinh tế của một nhà văn, với tâm hồn nhạy cảm của một nhà thơ, tác giả Song Nhị, qua tám năm lao khổ  từ trại tập trung Long Thành đến nhà tù Quảng Ninh, rồi Lam Sơn Thanh Hóa, và cuối cùng là trại Z30A Xuân Lộc, đã để lại cho thế hệ sau một bản cáo trạng về chế độ tù đày khắc nghiệt có một không hai trong lịch sử (Chương IX đến XIII).
*Riêng chương XIII tác giả kể lại chi tiết chuyến tàu xuôi Nam của những người tù bị đưa ra Bắc. Những nghĩa cử ân tình mà người tù đón nhận được từ đồng bào miền Nam khi con tàu vào các sân ga của những địa giới như Quảng Trị, Huế, Diêu Trì, Đà Nẵng, Nha Trang tới Phan Thiết, Dầu Giây... được tác giả ghi lại hết sức xúc động. 

Sau hơn tám năm trời khổ sai trong các trại tù cộng sản, vượt qua biết bao thử thách cam go, có những lúc phải giành giật với tử thần trong đường tơ kẽ tóc, không biết phép lạ nào đã cho mình tồn tại, sống sót để trở về từ cuối tầng địa ngục. Tác giả Song Nhị tâm sự: “Tôi nếm trải hơn ba ngàn ngày trong các trại tập trung cải tạo, nếm trải từng phút giờ, từng tháng ngày trong nỗi chết, cận kề sự sống. Cái đói khát cào xé ruột gan bao tử, cái chịu đựng nỗi đắng cay tủi nhục như từng mũi kim chích vào thần kinh tâm não, cái đói triền miên từ ngày này sang tháng nọ làm cho thể xác người tù kiệt rạc, hơi thở thoi thóp... Nhưng trong thể xác tàn tạ, điêu linh ấy vẫn còn một sinh lực vô hình ngấm ngầm, chìm lặng để giữ cho thể xác kia không sụp đổ, cho nhân cách phẩm giá không bị ố nhòe. Người ta gọi cái nguồn sinh lực ấy là tinh thần. Đời sống tinh thần không là miếng cơm manh áo, không là ăn ngon mặc đẹp, mà là cái gì sâu thẳm nhất, cái tinh chất nuôi sống con người, chủ động của mọi hành vi, thái độ. Có mấy ai cảm nhận cái sức mạnh “tinh thần” ấy như thế nào trong cuộc sống bình thường êm ả...” (Song Nhị sđd, tr 151).

*Chương XIV với tựa đề “Hy vọng trong màn đêm, ánh sáng cuối đường hầm”, tác giả nhắc đến chương trình HO nhằm đưa tù cải tạo của chế độ miền Nam qua định cư tại Hoa Kỳ. Hành trình của một HO được tác giả trình bày khá rõ ràng thuyết phục với nhiều tư liệu đáng tin cậy.

Thật ra, với dạng bút ký, tự truyện như “Nửa Thế Kỷ Việt Nam” không ai bắt buộc tác giả phải làm việc cẩn trọng đến vậy. Song Nhị là nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo văn học (Lưu Dân Thi Thoại, viết chung với Diên Nghị, California, Cội Nguồn 2003) nên tính cẩn trọng trong tác phẩm được đánh giá rất cao.

Tôi đón nhận cuốn sách Nửa Thế Kỷ Việt Nam (1945-1995) của tác giả Song Nhị do nhà xuất bản Cội Nguồn ấn hành tháng 1 năm 2010 tại San Jose, California trong cảm tình nồng hậu vì tôi biết tác giả là một con người có lý tưởng. Khi đọc đến chương II nói về cuộc CCRĐ tại quê nhà tác giả vào những năm 1953 -1956 mà toàn thể gia đình Song Nhị bị quy tội thuộc thành phần địa chủ, tôi thật không cầm được nước mắt trước những vết hằn đau thương mà cậu bé chưa đầy 15 tuổi đã phải chịu đựng. Rồi cứ thế, tôi theo chân cậu bé 15 đó trên bước đường vượt Trường sơn qua Lào để tìm hơi ấm của tự do. Ngày 10-4-1960, cậu bé ngày nào của nạn đói Ất Dậu bây giờ đã là chàng thanh niên căng đầy nhựa sống (22 tuổi) đã đặt chân xuống Sài Gòn hoa lệ, thủ đô của miền Nam sung túc và giàu có.

Chàng trai bị đuổi học thời Cải Cách Ruộng Đất ở miền Bắc nay đang là Sinh Viên ngành Luật của miền Nam và cả tương lai đang chờ đợi anh phía trước. Nhưng thực sự thì anh đang bước vào cuộc chiến tuy âm thầm nhưng rất mãnh liệt mà anh gọi là “Mặt trận Văn hóa: Cuộc đối đầu giữa Sinh viên Quốc Cộng” khi anh đang theo học ngành cử nhân Khoa học Nhân Văn tại trường Đại học Vạn Hạnh và đang là Chủ bút của Bán nguyệt san Hướng Đi của Tổng Hội sinh viên (Đại Học Vạn Hạnh 1965-1968). Anh đã trốn chạy chế độ cộng sản khi còn là cậu bé 15 tuổi nên không lạ gì khi anh dùng ngòi bút để chiến đấu chống lại sự xâm nhập của cộng sản trong hàng ngũ Sinh viên miền Nam vào đầu thập niên 1960.

Thế rồi cuộc diện thay đổi, miền Nam mất vào tay cộng sản vào tháng Tư đen 1975 và tác giả Song Nhị cũng như hàng vạn người yêu nước khác của chế độ miền Nam đã phải chịu những tháng năm đày ải khổ sai trong các trại tù của cộng sản. Tháng 5/1983 tác giả được thả ra khỏi trại tù Xuân Lộc như trả xong món nợ tiền kiếp, về đoàn tụ với mẹ cha và với người vợ – chị Trần Thị Kim Nhiễu, người chinh phụ thời đại, 22 tuổi xa chồng sau hai năm hương lửa, tám năm chờ chồng và 13 năm sau kể từ ngày lập gia đình mới sanh con đầu lòng. Toàn bộ gia đình Song Nhị đã đến Mỹ trong danh sách HO14, định cư tại San Jose từ ngày 16-2-1993 cho đến nay.

Nửa Thế Kỷ Việt Nam kể lại toàn bộ cuộc đời lưu lạc nổi trôi của tác giả từ 1945 đến 1995. Đây là tác phẩm dưới dạng hồi ký, hay theo cách gọi của tác giả là tập “bút ký, tự truyện”. Dĩ nhiên, đây không phải là tác phẩm biên khảo sử học để buộc tác giả phải tuân theo những quy định khắt khe của ngành học này trong vấn đề trích dẫn, chú thích hay tham khảo. Điều mà người viết muốn được nhấn mạnh ở đây là tác phẩm này có giá trị đến mức độ nào đối với các nhà nghiên cứu lịch sử khi cần viết về giai đoạn tranh chấp Quốc Cộng vừa qua.

Hồi ký, bút ký hay tự truyện đều có thể là nguồn sử liệu cần thiết cho các sử gia khi nghiên cứu đến một giai đoạn lịch sử nào đó. Tuy nhiên nó phải được sàng lọc qua hai công đoạn cần thiết của phương pháp sử học: Cẩn án ngoại (External Study) và Cẩn án nội (Internal Study).

Từ tác giả đến nội dung tác phẩm đều cho phép tin cậy được thì Hồi ký, Bút ký hay Tự truyện, trong chừng mực của nó đều cho phép các nhà nghiên cứu dùng làm sử liệu cho công trình biên soạn của mình.

“Vũ Trung Tùy Bút” của Phạm đình Hổ hay Tang Thương Ngẫu Lục” của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án đều viết về chính sách kinh tế hay đời sống xã hội sa đọa dưới thời Chúa Trịnh đều được các sử gia sau này trích dẫn trong các tác phẩm sử học của họ.

“Phù biên Tạp lục” của Lê Quý Đôn hay “Hoàng Lê Nhất Thống Chí” của Ngô Thời Chí cũng vậy, cũng chỉ là dạng bút ký hay “tạp lục” thế mà về sau đã trở thành những tư liệu quý hiếm khi đề cập  đến lịch sử thời cận đại.

Gần chúng ta hơn có “Tuấn Chàng Trai Nước Việt” của nhà văn Nguyễn Vỹ, lấy bối cảnh của người thanh niên Việt Nam từ sau Thế chiến Thứ nhất (1914-1918) để kể lại tâm tình, cách suy nghĩ và hành động của giới trẻ thời đó mà bây giờ nếu nhà nghiên cứu nào muốn biết về hướng đi, nhịp thở, phong cách, sự suy nghĩ của giới thanh niên vào những thập niên đầu thế kỷ 20, không ai là không tìm đọc “Tuấn Chàng Trai Nước Việt” của Nguyễn Vỹ.

Cũng vậy, theo suy nghĩ của tôi, rồi ra trong vài ba mươi năm sau nữa, cuốn sách Nửa Thế Kỷ Việt Nam (1945-1995), bút ký của nhà văn Song Nhị nói về những biến cố trọng đại qua cuộc tranh chấp Quốc Cộng ảnh hưởng lên cuộc đời cá nhân và gia đình, đến vận mệnh của dân tộc, sẽ trở thành là nguồn sử liệu hiếm quý cho các nhà nghiên cứu sử học trong tương lai.

Lê Đình Cai (*)
San Jose, những ngày vào Xuân Bính Dần 2010

--------------------------------
(*) Giáo sư Lê Đình Cai là giảng sư dạy môn sử học tại Đại học Đà Lạt, Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam và Trường Đại Học Văn Khoa Huế (1968-1975). Hiện ông cũng là Giáo sư Sử học tại một số trường Đại học tại Hoa Kỳ (từ 1996 đến nay).


No comments:

Post a Comment

Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...