LƯU DÂN THI THOẠI
bút luận 25 năm thơ
hải ngoại
(Phần I)
A Selected Works of Poetry Critique
© 2003 Coi Nguon Publishing House
All Rights Reserved
Printed in The United States of America
Library of Congress Control Number: 2002116107
ISBN 0-9712626-6-7
By DIÊN NGHỊ - SONG
NHỊ
Chủ trương Biên tập/Trình bày: Song Nhị
Sửa Bản In: Cung Diễm
Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn xuất bản 2003
Bản quyền thuộc Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn.
Mục lục tác giả theo mẫu tự kèm số trang đầu
******************************************
CAO MỴ NHÂN 201 CHU VƯƠNG MIỆN 315 CUNG DIỄM 53 DUY NĂNG 109 DZẠ CHI 339 DƯ THỊ DIỄM BUỒN 373
ĐÔNG ANH 87 ĐỖ BÌNH 383 HÀ THƯỢNG NHÂN 15 HÀ TRUNG YÊN 65 HÀN THIÊN
LƯƠNG 213 HOÀNG NGỌC LIÊN 27 HOA VĂN
77 HUỆ THU 247 HUY LỰC 149 KHANG LANG
191 KIỀU MỘNG HÀ 473 LALAN 555 LÊ NGUYỄN 327 LÊ MAI LĨNH 301 LINH QUÂN 439 LƯU
TRẦN NGUYỄN 289 MẠC PHƯƠNG ĐÌNH 223 MINH KHOA 525 NAM GIAO 463 NGÂN PHI THƯ 567
NGUYỄN PHÚC SÔNG HƯƠNG 261 NGUYỄN THÙY 123 NGUYỄN TƯ 393 NGUYÊN PHƯƠNG 403 NGÔ ĐỨC DIỄM 417 PHAN KHÂM
429 PHƯƠNG TRIỀU 235 QUAN DƯƠNG 485
QUANG TUẤN 159 SƯƠNG MAI 499 THÁI QUỐC
MƯU 363 THƠ THƠ 545 TÔ THÙY YÊN 135 TRÀM CÀ MAU 351 TRẦN THIỆN
HIỆP 179 TRẦN THIỆN ĐẠT 449 TRIỀU NGHI 275 TRUNG THÀNH VĂN 509 TUỆ NGA 109 VI KHUÊ
39 VÕ Ý 169 VƯƠNG THANH 535
TỔNG
LUẬN
Thi ca gắn liền thời đại, phản ảnh, phóng chiếu chuyển biến
từng giai đoạn lịch sử đất nước. Thời chiến tranh ác liệt, thơ xao động, chát
chúa tiếng đạn bom, khét lẹt mùi lửa khói. Đó đây, trên từng địa danh, trên mỗi
tọa độ núi rừng, đồng bằng, thôn xóm, thị thành, hiện thực đổ nát, tàn phá hằn
sâu, con người bị ám ảnh, bất an, sợ hãi trước tai họa bất ngờ, không lường
trước.
Từ biến cố 30 tháng Tư 1975 đến nay, đã hơn một phần tư thế
kỷ, cuộc chiến Bắc- Nam đã ngã ngủ, nhưng hậu quả và hệ lụy chưa bao giờ chấm
dứt. Đêm đen thời Trung cổ của hội chứng Việt Nam khó mờ nhạt đối với lịch sử và
lòng người trong cũng như ngoài nước. Và dòng thơ dưới vòm trời tự do ở hải
ngoại, trong hai mươi lăm năm qua đã hiện diện như một di chứng thời đại trong
văn học sử nước nhà.
Thơ Văn là một viện bảo tàng, nơi lưu trữ mọi bóng dáng thời
đại, mọi biến cố lịch sử, mọi ưu tư, hệ lụy trên thân phận của mỗi con người,
mỗi đất nước, mỗi dân tộc. Đối với người Việt Nam, do lịch sử trầm kha của dân
tộc nên Thơ là chỗ trú ngụ cho đau khổ, cho thở than, là nơi giải tỏa ẩn tình,
ẩn ức và là thứ vũ khí đề kháng, chống đối mọi bất công, áp bức, bóc lột của
cường quyền, bạo lực.
Một đặc điểm chung trong Thơ Việt Nam là khuynh hướng 'Về Nguồn’.
Nguồn đây là Nguồn Cội, Nguồn Gốc. Về Nguồn là trở về với truyền thống Văn hóa
Dân tộc, với Quê Cha Đất Tổ, với buổi đầu lập quốc của tiền nhân. Cái khuynh
hướng 'Về Nguồn’ nơi thơ Việt Nam
chính là khuynh hướng ‘trở về với
Nguồn Cội' và đó là cứu cánh của cuộc sống, cuộc đời của con
người và của chung vạn hữu. Trong tâm thức nhà thơ, Nguồn Cội chính là cái “Quê
hương tình mộng ban đầu” mà con người đã
lìa bỏ, ra đi để đắm mình trong cõi ta bà tại thế, chìm nổi truân chuyên trăm bề vạn
mối. Nói theo Nguyễn Du “Kể từ lạc bước, bước ra ; Tấm thân liệu những từ nhà
liệu đi”.(*)
Trong ý nghĩa đó, ‘Về Nguồn’ là một đòi hỏi, một cần thiết,
một sứ mạng của tất cả mọi người, của tất cả mọi dân tộc, dù tha phương nơi đất
khách hay vẫn lưu cư nơi quê nhà để đưa dẫn cuộc tiến hóa của nhân sinh.
Cái ‘Hướng vọng Về Nguồn’ nơi Thơ Việt Nam, ngoài tính cách
gần gũi là trở về với truyền thống Văn hóa Dân tộc, cơ sở từ truyền thống Văn
hóa Dân tộc để xây dựng Đất Nước, còn mang một hướng vọng cao xa là ‘trở về với
Nguồn Cội’ ban đầu.
Khuynh hướng 'Về Nguồn’ đó là chất sống âm ỉ đêm ngày nơi nhà
Thơ Việt Nam, nơi con người Việt Nam, mà hơn ai hết là những nhà thơ lưu vong,
những người con xa lìa đất Mẹ, luôn luôn ước vọng Trở Về, trở về với Quê Hương,
với tình tự Dân Tộc.
Mỗi con người Việt Nam đều bàng bạc một hồn thơ. Tính
‘yêu Thơ’ của người Việt Nam
là một trong những điều kiện đưa dân tộc ta hòa nhập vào diễn trình tiến hóa
của Nhân loại hướng về Nhân bản hóa toàn diện, hướng về Nhất Thể, mà khuynh
hướng 'Về Nguồn’ đã nuôi dưỡng, mơ màng, tiềm phục nơi tâm thức. Còn yêu Thơ,
còn ‘làm Thơ’, dù hay, dù dở, là còn âm ỉ tinh thần Dân tộc, là còn hướng về
thánh thiện, thăng hoa.*
Trong hai mươi lăm năm qua, với trên hai triệu người Việt
sống lưu lạc trên khắp cùng các lục địa năm châu, số lượng người làm thơ có thể
lên đến hàng ngàn. Có nhiều nhóm thơ sinh hoạt theo chủ trương, khuynh hướng
của mỗi nhóm. Có nhóm chủ trương họp mặt, giới thiệu, trao đổi, diễn ngâm,
thưởng ngoạn. (Câu Lạc Bộ Văn Hóa Paris). Có nhóm chủ trương quy tụ tất cả mọi
người biết làm thơ, thu nhận không giới hạn số người góp thơ vào một tập thơ
chung, bất luận hình thức thế nào, nội dung bài thơ của các tác giả ra
sao. Có nhóm chủ trương in lại những tác
phẩm thơ văn giá trị xuất bản tại miền Nam trước năm 1975. (nhóm Tủ Sách
Quê Hương của Uyên Thao - Tạp chí Khởi Hành của Viên Linh). Có nhóm quy tụ
những nhà thơ trẻ tại hải ngoại, gặp gỡ, sinh hoạt qua mạng Internet, góp thơ
in chung những thi tập của nhóm (Suối Nguồn).
Khuynh hướng sáng tác của các tác giả thơ hải ngoại cũng rất
đa dạng. Về hình thức, các thể loại“cổ điển” như lục bát, thơ mới, cổ phong,
ngũ ngôn, thất ngôn, tứ tuyệt trường thiên... vẫn chiếm ưu thế, vẫn có sức thu
hút người sáng tác cũng như giới thưởng ngoạn. Một số nhà thơ sáng tác theo thể
loại thơ tự do, phá thể, có vần điệu, có nhạc tính theo “kiểu mẫu” Màu Tím Hoa
Sim (Hữu Loan), Bên Kia sông Đuống (Hoàng Cầm), Giấc Ngủ Chân Đèo (Duy Năng).
Đa số thành công và coi như là một sở trường sáng tác.
Một số khác sử dụng thể loại thơ tự do, thơ phá thể, thơ
không vần, thơ văn xuôi. Thật ra, loại thơ này đã có từ rất xa xưa. Sau năm
1954, tại miền Nam
với sự khởi xướng thơ-tự-do của Thanh Tâm Tuyền, được sự cổ vũ của nhóm Sáng
Tạo, nhưng không bao lâu loại thơ này bị người đời quên lãng. Trên báo chí hải
ngoại thường vẫn thấy xuất hiện những bài thơ thể loại tương tự. Giới chủ
trương loại thơ này như cố ý tạo một bước bứt phá khỏi “xiềng xích” thơ vần,
một cuộc “cách mạng”, đổi mới hình
thức thơ. Tuy nhiên, xem ra không
được giới đọc giả yêu thơ mặn nồng đón
nhận, thậm chí không được quan tâm.
Về nội dung, lớp nhà thơ cũ, và những người thuộc thế hệ
cùng thời, mới làm thơ sau khúc ngoặt định mệnh 1975, thường làm thơ hoài niệm,
gởi gắm tâm tư, thổ lộ lòng “trung quân ái
quốc” cùng chí khí, hoài bão của mình trước sứ mệnh “quốc
gia hưng vong thất phu hữu trách”. Có một khuynh hướng tuy không đông đảo nhưng
tương đối ồn ào với loại thơ tranh đấu. Nhiều người gọi đó là loại “thơ khẩu
hiệu”, nó có tác dụng phục vụ nhu cầu đấu tranh chính trị giai đoạn. Một khuynh
hướng phổ quát nhất, đông đảo nhất từ xưa nay là Thơ Tình. Thơ tình thuộc phạm
trù tâm cảm, phóng tứ từ “mệnh lệnh” của con tim, có liên hệ mật thiết với chủ
thể của mối rung động, do đó thơ tình có nhiều trình độ từ a đến z.
Một khuynh hướng khác có tính thời thượng, được một số tờ
báo và tạp chí hỗ trợ bằng cách ưu tiên đăng tải, đó là loại thơ tối nghĩa.
Ngôn ngữ của loại thơ này có tính cách “siêu phàm”, xa lạ. Người đọc không thể
hiểu được ý nghĩa của bài thơ. Có người cho rằng đây là một cách phô trương
kiến thức (rỗng) và chữ nghĩa (mù mờ) mà có thể ngay cả tác giả cũng không biết
mình đang nói gì!
Một khuynh hướng khác nữa là loại thơ dâm tục. Bằng “ngôn
ngữ thơ”, tác giả của nó đã trần tục hóa con người, trần tục hóa tình ái, đồng
hóa lộ liễu thực thể con người với con vật. Loại thơ dâm tục hoàn toàn đi ngược
lại đạo đức trong văn hóa Đông phương, nói chung và văn hóa Việt Nam
nói riêng. Điều đáng suy nghĩ là loại
thơ này không phải xuất hiện trên những tờ báo chợ, báo quảng cáo thương mại,
mà lại được trải đầy trên một vài tờ tạp chí, tự nhận là thơ, là văn học.
Đứng trước tình trạng của những khuynh hướng thơ như vừa
nói, một số người cho rằng đó là cái tất yếu của chủ nghĩa tự do, nhất là cộng
đồng người Việt hải ngoại đang sinh hoạt trong một môi trường vô chính phủ. Có
nhiều người tỏ ra quan ngại “cỏ dại sẽ che lấp hoa màu”, cái xấu sẽ trùm lên
cái hay, cái đẹp. Thơ hải ngoại sẽ bị đánh giá là một mớ tạp nham. Nhiều
người khác vẫn
tỏ ra bình thản, lạc
quan, đặt hết tin tưởng vào những
nhóm thơ, những tập san, tạp chí văn học có chủ trương đúng đắn. Tin vào sự đào
thải tất yếu của thời gian.
Tình trạng xuất bản thơ, in thơ tại hải ngoại có lúc gần như
là một phong trào. Nhiều tập thơ được sáng tác, in ra vội vã, chứa đựng một nội
dung hoặc tẻ nhạt vô bổ, hoặc thù tạc, tình cảm riêng tư, không nói lên được
điều gì bổ ích (cho văn học) hay làm đẹp (cho văn chương). Nhiều tập thơ như
vậy đã được tác giả tổ chức ra mắt tốn kém, long trọng, với bảng hiệu, bích
chương, thư mời: “Chiều Văn nghệ Ra Mắt Thi Phẩm XYZ của Thi
Sĩ RMK...” Những người này thật sự bất cần và không tự nhìn vào khả năng làm
đẹp văn chương, làm giàu văn học mà chỉ cốt tạo cái danh (nhà thơ, thi sĩ).
Hiện tượng đó xem ra vẫn tiếp diễn đều đặn, thường xuyên ở một số tiểu bang tại
Hoa kỳ.
Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn với chủ trương chọn lọc, nhằm góp
phần nhỏ nhoi vào dòng văn học hải ngoại bằng những tác phẩm khả dĩ tồn tại với
thời gian. Việc tuyển chọn dựa theo tiêu chuẩn: Thơ phải sáng lạng, phải có khí
lực, phải có tác dụng ‘thăng hoa’, hướng tới cứu cánh chân, thiện, mỹ’. Thơ
phục vụ nhân sinh, hướng thiện; Thơ thể hiện, hòa nhập nỗi thao thức, trăn trở
của tác giả, của nhà thơ vào những giai đoạn thăng trầm, vào vận mệnh chung của
đất nước, của dân tộc, chứ không chỉ rên rỉ đau thương, thở than thân phận, oán
trách cuộc đời, hoài cổ mênh mang, hận thù bất tận.
Trong hơn năm năm qua, Cội Nguồn là nơi gặp gỡ của những tâm
hồn đồng điệu đó. Các nhà thơ đã đến với Cội Nguồn cùng một ý hướng. Bỏ quê
hương ra đi, Quê hương lùi vào quá khứ, nhưng hình bóng quê hương, quá khứ vẫn
mãi hiển hiện, hằn sâu giữa hiện trạng tâm thức người dân lưu lạc. Hai mươi lăm
năm, luân lưu theo chiều dài năm tháng, tiếng nói ấy đã hiện thực thành vần
điệu tiêu biểu. Tiếng nói ấy chính là nhịp cảm xúc của thi ca, vọng về từ nghìn
trùng cách trở đại dương của những người con, lưu dân xa xứ.
LƯU DÂN THI THOẠI, tác phẩm hình thành hôm nay là kết tụ từ
những trăn trở, thao thức qua trình tự của một giai đoạn lịch sử đầy biến động
tai ương, đổ ập xuống thân phận, khoét sâu vết thương lòng của hàng triệu người
con, lưu dân Việt khắp chân trời góc bể, cùng nhìn về một hướng: nguồn cội quê
hương.
Khi chúng tôi bắt tay hoạch định hình thành tác phẩm này,
Cơ Sở
Thi Văn Cội
Nguồn dự liệu chủ yếu nhắm vào thành phần người làm
thơ thuộc thế hệ trẻ sau năm 1975. Trải qua sau hơn năm năm tìm đọc, sưu tầm
những bài thơ đăng rải rác trên các báo, tập san, tạp chí văn học nghệ thuật có
uy tín tại hải ngoại, cùng những tác phẩm đã xuất bản, con số tác giả trẻ ghi
nhận có hàng trăm người, không chỉ riêng tại lục địa Hoa Kỳ mà cả các quốc gia
và lục địa khác.
Tuy nhiên, khi tiến trình thực hiện bắt đầu, nhiều vấn đề
được đặt ra, cần xem xét lại, có những trở ngại nổi lên.
- Có một số tác giả chúng tôi không liên lạc được vì không
có địa chỉ, hoặc địa chỉ đã thay đổi.
- Có những tác giả chúng tôi tiếp xúc được, đa số hoan
nghênh, ủng hộ việc làm của chúng tôi, nhưng khiêm tốn hứa hẹn sẽ tham gia tích
cực trong tương lai gần.
- Một số tác giả khác, ngoài dự liệu, được sự giới thiệu qua
trung gian của những văn thi hữu khác, nhưng chúng tôi cần thêm thời gian tìm
hiểu, thẩm định thơ của các bạn ấy (theo tiêu chuẩn chúng tôi đặt ra từ đầu).
Sau cùng tuyển tập quy tụ 48 tác giả gồm 11 nữ, 37 nam, hiện
sinh sống tại hải ngoại, trong đó có 18 tác giả làm thơ từ trước năm 1975, số
còn lại làm thơ sau khi định cư ở nước ngoài. 32 tác giả là quân nhân, viên
chức VNCH. Có 5 là nhà giáo, 5 làm nghề tự do tại Sài Gòn trước năm 1975. 4 tác
giả sinh sau năm 1975 hoặc còn thơ ấu khi miền Nam đổi chủ. 1 nhà thơ quá cố (Duy
Năng).
Danh tính tác giả không xếp theo vần mẫu tự, mà theo thứ tự
năm sinh. Về danh xưng đại từ ông, bà, anh, chị hay cô là nhằm phân biệt tuổi
tác và phần nào cũng do ý muốn của tác giả.
Phần tiểu sử được lồng vào nội
dung luận giải, tạo thành toàn bộ nhận định về cuộc đời và tác phẩm của
tác giả, khuynh hướng, đặc thù, trước khi giới thiệu một số bài thơ chọn lọc.
Trong tập này thế hệ nhà thơ trẻ đứng cuối sách, nhưng chúng
tôi tin rằng bạn đọc sẽ đồng ý với chúng tôi rằng ở đó là những bài thơ hay,
những bông hoa mới lạ, có sức mạnh thu hút, quyến rũ người thưởng ngoạn nghệ
thuật.
Phần thơ trích của mỗi tác giả, chúng tôi chọn lựa mỗi tác
giả năm bài, hay nhiều hơn, tùy theo dài, ngắn. Số trang có thể chênh lệch,
không đồng đều nhau, điều đó ngoài ý muốn của chúng tôi. Mỗi tác giả có thể sẽ
chiếm từ 10 đến 15 trang sách. Tuyển tập sẽ dày, nhưng nếu trích ít bài hơn sẽ
không nói lên hết được nội dung và quá trình sáng tác của mỗi nhà thơ.
Con số 48 trong tuyển tập này mới chỉ là một phần so với số
lượng người làm thơ đông đảo hiện nay trong vườn thơ hải ngoại đang nở rộ,
phong phú cả sắc lẫn hương.
Sau hơn ba năm, kể từ phiên họp đầu tiên của Ban Điều Hành,
và từ khi Thư Mời được gửi tới các thi hữu, (ngày 12-12-1999), công việc thu
nhận bài, viết khảo luận và tiến trình
thực hiện các khâu làm bìa, in ấn kéo dài đến cuối năm 2002 sách mới in xong.
Đây là một công việc đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Chúng tôi đã cố gắng
bằng tất cả thiện chí để tác phẩm đạt được phẩm chất cao nhất về nội dung và
hình thức.
Khi làm công tác biên soạn, chúng tôi cố gắng khách quan
nhận định, luận bàn vô tư, nhưng chắc chắn không thể không có những thiếu sót,
phiến diện. Chúng tôi thành khẩn lắng nghe những lời chỉ giáo của các bậc cao
minh, những góp ý của bạn đọc yêu thơ xa gần.
Nhằm đóng góp khả năng giới hạn của mình vào kho tàng văn
học Việt Nam tại hải ngoại đang ngày càng lớn mạnh, chúng tôi hy vọng sẽ được
sự tiếp tay của những nhà văn, nhà thơ, của các mạnh thường quân, đặc biệt là
các bạn trẻ đang hăng hái bước đi trên đường Thơ, hợp tác, trao đổi, bằng cách
gửi cho chúng tôi tác phẩm đã in, hoặc thơ chưa in để chúng tôi có cơ hội
nghiên cứu thực hiện tiếp LƯU DÂN THI THOẠI tập II trong tương lai.
Trân trọng,
San José, tháng Mười năm 2002
DIÊN NGHỊ - SONG NHỊ
*************
HÀ THƯỢNG NHÂN
Khoảng tháng Sáu năm 1973, nhân buổi họp mặt văn nghệ tại
tòa soạn nhật báo Tiền Tuyến, tọa lạc tại số 2bis đường Hồng Thập Tự, Sài Gòn,
có chiến hữu hỏi ký giả Lô Răng Phan Lạc Phúc, Chủ bút báo này về vị Chủ nhiệm
Hà Thượng Nhân – Hà Thượng Nhân tên thật hay bút hiệu? Và ý nghĩa như thế nào?
Ký giả Lô Răng cười đáp: Hà Thượng Nhân là bút hiệu, là con nguời của làng Hà
Thượng. Thế thôi.
Người làng Hà Thượng được động viên vào Quân Đội Quốc Gia
(*) những năm đầu thập niên 1950, khi ông từ
“Vùng Kháng chiến” trở về Hà Nội, di cư vào Nam, bởi ông đã sớm nhận
chân được chủ trương, đường lối của đảng Lao Động (tiền thân đảng Cộng sản)
Việt Nam, ngày càng lộ rõ chân tướng chư hầu, tay sai của Cộng Sản Quốc tế.
Thành phần, giai cấp tiểu tư sản như ông, sớm muộn cũng bị loại bỏ, thanh
trừng:
Nói nhân nghĩa chẳng qua lừa bịp
Nói hy sinh
có dịp giàu to
Chết vì một
chữ Tự do
Là thôi! Lỡ
cả chuyến đò hoa niên.
Vào Quân đội, cấp bậc Đại Úy, làm việc tại Nha Chiến Tranh Tâm
Lý, Năm 1957 lên Thiếu tá, giữ chức Phụ Tá Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu tại Sài
Gòn. Ông chứng tỏ là mẫu người giàu kinh nghiệm về công tác Văn Hóa, tâm lý;
đồng thời cùng là một người yêu thích thi ca. Có điều lạ, ông không bao giờ
chạy thơ ông trên mặt báo, dù là báo nhà. Theo lời yêu cầu của nhà báo Như
Phong, ông nhận phụ trách mục “Đàn Ngang Cung” trên nhật báo Tự Do. Năm 1958
ông phụ trách thêm mục “Những Điều Trông Thấy”, viết hàng ngày trên báo Ngôn
Luận dưới bút hiệu Nam Phương Sóc.
Những bài thơ trào lộng đều đặn trong mục này đã nói lên
nhiều điều, nhiều vẻ về những con nguời quyền chức, về những hiện tượng “khó
coi” trong xã hội miền Nam thời bấy giờ. Vừa nhận diện, điểm mặt, vừa xây dựng
từ “thói hư tật xấu” chuyển hóa thành
cái lành mạnh, cái tốt đẹp cho chế độ chính trị và cuộc sống của quần chúng
miền Nam.
Thơ ông viết với số lượng đáng kể, đủ thể loại dành cho sinh
hoạt thi đàn, cho bạn hữu thưởng thức, cho những trao đổi, đàm đạo... Ông sở
trường và rất yêu thích xướng họa thơ. Ông rất nhạy cảm chữ nghĩa, “xuất khẩu
thành thơ” mà người xưa từng trân trọng khả năng này. Giới thi nhân quý trọng
và cảm mến thi tài Hà Thượng Nhân, khi ông thể hiện những bài thơ ông làm tức
thời trước một số bạn hữu hiện diện với đầy đủ tên gọi mỗi người và ý nghĩa của
nó.
Hình như ông làm thơ đúng với nhận định “cuộc đối thoại giữa
nhà thơ với cõi đời” thầm lặng, sâu kín hơn là in thơ thành sách, phổ biến trên
thị trường văn chương chữ nghĩa. Chúng tôi nghĩ rằng, giá như ông làm thơ trước
năm 1945, tên tuổi và thơ ông sẽ ngang tầm với Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng
Lư... Và có lẽ ông còn đứng trên một số nhà thơ tiền chiến khác trong “Thi Nhân
Việt Nam”
của Hoài Thanh, Hoài Chân. Đọc một số thơ Ông trước năm 1975, so chiếu thơ ông
ngày nay tại hải ngoại, dáng dấp, giọng điệu thơ ít thay đổi, vẫn là dòng cảm
xúc tinh tế, mượt mà, trẻ trung, ấn tượng trong các thể loại truyền thống chân
phương. Bản tính vốn hiền hòa, đôn hậu, khiêm tốn, ông hòa nhập xuôi dòng tư
tưởng Lão Trang, một phong cách sống an nhiên giữa trần lụy đầy bon chen, phức
tạpï:
Sống chỉ
lấy cái tâm làm trọng
Gửi ngàn
sau mấy giọng tiêu tao
Cuộc đời thế chẳng đẹp sao?
Lựa là cứ
phải anh hào thần tiên
Chẳng cầu
cạnh, chẳng ưu phiền
Miễn sao
lòng cứ an nhiên là mừng.
(Không
Đề)
Qua lăng kính nhiều mặt của thi nhân, quan niệm tình yêu
phải là tình yêu rộng lớn, không biên cương, và một khi tình yêu được khắc chạm
vào thi ca nghệ thuật, tình yêu càng bất tử:
Ta có một
tình yêu
Bao la như
trời đất
Ta viết vào
trang thơ
Tình yêu ta
không mất
(Tình
Yêu)
Nội hàm chí thiết, đồng thời cũng là nhu cầu hòa cảm, kiếm
tìm hạnh phúc giữa đời thường, tình bạn tạo động lực liên kết chuyển đổi tâm tư
tình cảm, chắp cánh cho ý sống vươn lên:
Ta từ có
bạn đến giờ
Lời thơ lại
bỗng bất ngờ thành vui
Khi đã coi thường danh vọng phù phiếm, quyền lợi nhất thời,
ông càng gần gũi đồng đội, bạn bè giữa vòng vây tù ngục cải tạo. Trung tá Hà
Thượng Nhân thường nói với những ai dễ yếu lòng, sợ hãi bạo lực của kẻ thù
rằng: “Nếu không có phong ba - Thì cây lớn và cỏ hèn cũng vậy”. Phải biết chịu
đựng khổ đau, thử thách, đó chính là sự tôi luyện nhân cách để vươn lên phía
trước ngày mai:
Nếu như không đau khổ
Làm sao biết căm hờn
Càng muôn trùng sóng gió
Tay chèo càng vững hơn
Đêm âm u của vũ trụ, nhân sinh quan lạc quan – bó đuốc thắp
sáng của niềm tin - tín hiệu cùng tồn tại bền bỉ ý thức tự do của con người:
Chúng ta
cùng có nhau
Nhìn nhau
vui hớn hở
Trên luống
cày khổ đau
Hoa Tự do
vẫn nở
Nhà thơ Hà Thượng Nhân đã ngẩng cao đầu khi ra khỏi trại tù
cải tạo trên đất Bắc, rồi cùng với bạn
bè, đồng đội lần lượt đến quê hương mới tỵ nạn, thấm thía, chua xót cuộc bể dâu
lịch sử. Từ lục địa Hoa Kỳ mênh mông, vĩ đại, ông nhìn về thủ đô Sài Gòn ngày
cũ mà cảm nhận như xa xôi diệu vợi hơn cả từ trái đất đến mặt trăng, cũng chỉ vì
khoảng cách chia của hệ tư tưởng khác biệt:
Người ta lên mặt trăng
Mặt trăng gần quá nhỉ!
Anh muốn về Sài Gòn
Sài Gòn xa đến thế!
Sài Gòn xa hơn trăng
Trăng đêm đêm vẫn thấy
Lòng Anh, em thấu chăng
Thấm trên từng trang giấy.
(Nhìn
Trăng)
Kinh qua hiện thực đầy biến động lịch sử, thơ ông biểu hiện
lời tâm huyết của thời đại. Phong phú ngôn ngữ, ý tưởng, thơ biểu đạt được phần
sâu chính luận lý tưởng, mẫu người quân tử, đạo lý Nho giáo thanh lịch, tài
hoa...Thơ Ông tự nhiên như hơi thở - một chân khí tác dụng của sự sống con
người vượt lên tầm cao trí tuệ.
Không cần thép, thơ vẫn là bó đuốc
Thơ nâng người cao sát với thần linh.
Thơ Hà Thượng Nhân đủ thể loại: Lục bát, Thất ngôn Đường
thi, Ngũ ngôn, Song thất lục bát, Cổ phong trường thiên, thơ mới, thơ phá thể,
Tứ tuyệt... dù ở thể loại nào thơ ông cũng điêu luyện, đặc sắc. Trong giới thơ
văn người ta vẫn thường gọi ông là Hà Chưởng môn để tỏ lòng ngưỡng mộ thi tài
đáng kính.
(*) Nghị định do đích thân Tổng thống Ngô Đình Diệm ký,
nguyên văn:
Vì nhu cầu công vụ, nay điều động Ông Phạm Xuân Ninh phục vụ
Quân Đội với cấp bậc Đại úy Sĩ quan Trừ Bị.
Thơ trích
S A Y
Viết gì đây? Nói gì đây?
Ồ Xuân! rượu có làm say chúng mình?
Đỏ hoe bóng điện đô thành
Nhắc làm chi bãi dâu xanh đường mòn?
Sắt son, thôi kệ sắt son
Chưa vui gọi cả Saigon cùng
vui
Ở đâu rộn rã tiếng cười?
Ở đâu tìm lại con người ngày xưa?
Nhiều đêm trở gối nghe mưa
Dẫu chưa rượu đắng vẫn thừa lòng đau
Áo cơm lầm lỡ mãi nhau
Văn chương chung một mối sầu cổ kim
Bên ta bóng vẫn lặng im
Khó trong bọt rượu đánh chìm nhớ thương.
hà thượng nhân
MÙA THU NHỚ
Ngõ hẹp rụng hoa vàng
Bướm bay đầy cửa sổ
Ta bỗng gọi tên nàng
Áo vàng lồng lộng gió
Ta bỗng rưng rưng nhớ
Mùa Thu vàng ánh trăng
Mùa Thu từ dạo đó
Mùa Thu lại vừa sang
Ta nhớ con chim nhỏ
Hót trên cành bằng lăng
Ta nhớ câu thơ cổ
Bông cỏ may bên đàng
Ta nhớ, ôi ta nhớ
Mùa Thu ta gặp nàng.
hà thượng nhân
MAI EM, ANH VỀ
Anh cầm tay em
Bàn tay khô héo
Anh nhìn mắt em
Gió lùa lạnh lẽo
Anh nhìn lòng mình
Mùa Đông mông mênh
Cỏ xanh mùa Xuân
Còn in dấu chân
Trăng non mùa Hạ
Ướt đôi vai trần
Có xa không nhỉ?
Ngày xưa thật gần
Mai em, anh về
Cỏ ôm bước đi
Mưa dầm rưng rức
Chạy theo bờ đê
Sài Gòn! Sài Gòn!
Không là quê hương
Mà sao mình nhớ
Mà sao mình thương?
hà thượng nhân
KHÔNG ĐỀ
Thơ lúc trẻ chán chường bi phẫn,
Tuổi trẻ ta cùng quẫn vậy sao ?
Đời dù là giấc chiêm bao,
Trăm năm lại có lẽ nào xem khinh ?
Nay tóc bạc thình lình ngoảnh lại,
Nhớ những năm trẻ dại ngông cuồng.
Sống chưa thực, dám buông tuồng,
Chẳng qua mấy chén rượu suông canh tàn,
Nhục đất nước ruột gan lửa đốt,
Nghĩ đến người khí cốt trượng phu.
Những mong liều sức đuổi thù,
Râu mày thẹn với cơ đồ tổ tiên.
Rồi đất nước triền miên súng đạn,
Bạn bè thêm dày dạn phong trần.
Riêng mình dừng bước phân vân.
Ừ đâu cách mạng ? Đâu cần chúng ta !
Nói nhân nghĩa chẳng qua lừa bịp,
Nói hy sinh có dịp giàu to.
Chết vì một chữ tự do,
Là thôi ! Lỡ cả chuyến đò hoa niên.
Ta chẳng phải người hiền thuở trước,
Giữa ban ngày đốt đuốc tìm ai.
Chẳng mong bước tới thiên thai,
Chỉ mong gặp được một vài tri âm.
Sống chỉ lấy cái tâm làm trọng,
Gửi ngàn sau mấy giọng tiêu tao.
Cuộc đời thế chẳng đẹp sao ?
Lựa là cứ phải anh hào thần tiên ?
Chẳng cầu cạnh, chẳng ưu phiền,
Miễn sao lòng cứ an nhiên là mừng.
Người đừng hỏi cũng đừng thắc mắc,
Chuyện thị phi nào chắc đúng sai.
Trời ban cho một chữ tài,
Không dùng đem bán cho ai bây giờ ?
Thì ta lại làm thơ vì bạn,
Kẻ đồng tâm chán vạn gần xa.
Nếu người chịu khó đọc ta,
Trăm muôn ngàn chữ chỉ là men thu .
hà thượng nhân
******************
HOÀNG NGỌC LIÊN
Kể từ Hiệp định Genève 1954 chia đôi đất nước, một nền văn
học mới hình thành và phát triển tại miền Nam Việt Nam theo trào lưu tự do tư tưởng,
tự do ngôn luận. Nền Văn Học đó đã đem lại cho đời sống tinh thần người dân nửa
phần đất nước một luồng sinh khiù mới. Giới cầm bút, các văn nghệ sĩ đã một
thời tự do sáng tác, tự do thể hiện tình cảm, suy nghĩ theo tư duy của mình.
Hai mươi năm Văn Học Miền Nam từ 1954 đến 1975 phong phú về số lượng cũng như
nội dung tác phẩm. Hoàng Ngọc Liên là một trong nhiều nhà văn, nhà thơ đã thành
danh vào thời kỳ này. Điểm qua các tác phẩm mà ông đã in, cho thấy tác giả là
một cây bút sung sức trong hai mươi năm tồn tại của Văn Học Miền Nam
với bảy tập thơ, văn:
Hình Ảnh Những Mùa Trăng *tập truyện (NXB Nam Sơn, Sài Gòn
1959) Nhớ Thương *thơ ( Lê Thanh Thư Xã, Sài Gòn 1962)
Vẫn Còn Thương *thơ (Giao Điểm Sài Gòn 1964) Khung Trời
Tưởng Nhớ *thơ (Trí Dũng, Sài Gòn 1966) Đoàn Quân Mũ Đỏ *truyện dài (Chấn Mỹ,
Sài Gòn 1969) Theo Bước Anh Đi * truyện dài (Khai Trí, Sài Gòn 1972) Tuyến
Lửa Đầu *phóng sự tiểu thuyết (Khai Trí, Sài Gòn 1974)
Hoàng Ngọc Liên bị tù Cộng Sản suốt 13 năm, từ 1975 đến
1988. Ông được định cư tại Hoa Kỳ (HO 12) từ tháng 6 năm 1992. Ông làm báo Văn
Nghệ Tiền Phong (Virginia) 2 năm 1992-1994 sau đó ngụ tại thủ phủ Raleigh của tiểu
bang North Carolina, tiếp tục viết cho nhiều
báo tại Hoa Kỳ và Canada.
Năm 1999, Hoàng Ngọc Liên cho in Tập Tản Văn “Viên Đạn Cuối Cùng” do tạp chí
Văn Tuyển ấn hành. Năm 2001, Văn Tuyển tái bản cả hai cuốn “Viên Đạn Cuối Cùng”
và “Đoàn Quân Mũ Đỏ”. Tác giả dự định sẽ in tuyển tập thơ “Một Phương Trời
Nhớ”.
Vẫn với “văn phong” của thời “Nhớ Thương” nở rộ trong làng
thơ của Sài Gòn thập niên 60, nhưng âm điệu trong thơ ông hôm nay, từ sau cuộc
đổi đời 30-4-1975 mang nỗi u uất nặng nề
trên cả những bước chân. Năm tù Cộng Sản đầu tiên trôi qua trong trại “cải
tạo”, mới bước đầu nếm vị phong trần, nhà thơ đã thấy mình tàn tạ, già nua
trong sự tàn tạ chung của giang sơn đất nước, dẫu lòng còn náo nức trước buổi
xuân về:
Tết năm Bính Thìn (*) đầu đã bạc
Thân nặng nề trên những bước chân
Kiếng mắt lại nhòa thêm nửa độ
Làm thơ thiếu hứng chẳng ra vần
Mà nghe nao nức mùa Xuân tới
Còn có gì đâu để đón Xuân.
Tết trong tù là một trong những cảnh huống “dữ dội” nhất,
nỗi nhớ xoáy buốt tâm trạng người tù cải tạo khi nghĩ về người thân, về mái ấm
gia đình, về hương khói bàn thờ tổ tiên cội rễ. Tác giả Hoàng Ngọc Liên trong
bài hành Những Mùa Xuân
Qua đã có lúc du hồn về cõi mộng mà nghe tiếng pháo Giao
thừa nổ giòn ran, mà mơ ơn trời cho đoàn tụ, mà nghe hồi trống chèo thôn Bắc,
hồi chuông lễ xóm Nam, trong khói hương chùa nghi ngút... để khi tiếng kẻng
trại tù xé tan bầu không khí tĩnh lặng lúc 5 giờ buổi sáng, chợt giật mình trở
về thực tại:
Trắng tay mộng vỡ đâu còn mộng
Đã hợp rồi sao lại cách ngăn?
Sông núi nào đây? Sông núi cũ
Mà trong hội tụ có ly tan!
Người tù cải tạo Hoàng Ngọc Liên đã “Chấp nhận theo dòng
lịch sử. Để xem thắng bại cuộc cờ tàn” thế mà chỉ một năm dưới ngọn đòn thù của phe thắng cuộc,
nhà thơ đã thấm thía được cái giá nước mất nhà tan mà ông phải trả:
Sau tháng Tư đen vào thử thách
Giữa cuộc chơi này tạm ghé chân
Chỉ mới bắt đầu mùi tục lụy
Nào đâu vị đắng, nỗi gian truân
(Bài Hành Những Mùa Xuân Qua)
Cảnh náo nức đón Xuân mừng Tết là một truyền thống từ nghìn
xưa đã in đậm vào tâm khảm mỗi người dân Việt. Ngày xuân, đầu năm mới là ngày
sum vầy đoàn tụ. Giao Thừa là giờ phút thiêng liêng của quây quần sum họp, của
lời chúc tụng, của ly rượu mừng, của lễ bái tổ tiên. Với tác giả, từ thân phận
ly hương, lưu lạc, mỗi độ xuân về, nhà thơ dấy lên nỗi thao thức hoài vọng, ước
mơ... rồi cất tiếng hỏi người; nhưng cũng là tự hỏi:
Có một Xuân
nào về hội tụ
Quê hương
vàng trải cánh hoa tim
Núi sông,
đồng ruộng, làng thôn cũ
Có một Xuân
nào không hỡi em?
(Có Một Xuân Nào?”
Từ tâm trạng nhớ nhà, nhớ nước, trước buổi Xuân về, tác giả
hằn lên trong tâm tư niềm ước mơ hy vọng một mùa Xuân quê hương tưng bừng rộn
rã; đất nước đổi thay, nắng vàng tươi thắm màu cờ, phất phới dưới bầu trời Dân
chủ,Tự do:
Có một Xuân nào rộn bước chân
Thánh
đường, chùa miếu tiếng chuông ngân
Hồ Gươm
thay sắc cờ dân chủ
Nắng tự do
tràn ngập Bắc Nam.
(Có
Một Xuân Nào)
Ra đi đã hai mươi lăm năm chưa một lần về lại, biết bao
người vẫn hứa với nhau một cuộc đoàn viên, nhưng thời gian cứ trôi qua, biển
vẫn mãi trùng dương cách trở, người vẫn cứ mỏi mắt trông chờ. Cửa Bình Đại, Bến
Tre hai mươi, hai mươi lăm năm vẫn ngóng theo người viễn xứ:
Năm nay chị
cũng chưa về được
Dù biết
rằng em mỏi mắt chờ
Biển vẫn
mãi trùng dương cách trở
Mênh mông
sóng nước vẫn xa bờ!
Chị đành nhắn với em:
Giao Thừa
em thắp hương thờ Tổ
Thay chị dâng lòng cúng Mẹ, Cha
Là lúc, ở
quê người chị khóc
Bao nhiêu
năm xa nước, xa nhà!
(Thư Xuân Gửi Em)
Đặt hết tâm tưởng về quê hương xứ sở, nơi có núi sông, đồng
ruộng, làng thôn cũ, người yêu xưa, bỗng một hôm, tác giả nhận được hung tin
quê nhà tơi tả giữa thiên tai bão lụt. Người xưa đã bị cuốn chìm theo dòng
nước. Một chia ly bất ngờ thắt quặn khi lá thư của nàng vừa nhận, chưa kịp hồi âm.
Trong chuỗi ngày xa cách, những cánh thư hẹn hò “nối lại giấc mơ xưa”, để không
còn nhớ thương, ray rứt, mong chờ. Tất cả đã hết khi người xưa đã từ biệt thế
gian. Tác giả cất lên tiếng buồn tự hỏi: “Có một cõi nào như vậy, không? Em!”
CÓ MỘT XUÂN NÀO ?
Có một
Xuân nào về hội tụ,
Quê Hương vàng trải cánh hoa tim.
Núi sông, đồng ruộng, làng thôn cũ,
Có một Xuân nào không, hỡi em?
H. Ng. L
Đất chuyển mùa sang, Xuân lại đến,
Quê người trong nỗi nhớ khôn quên.
Lung linh giao cảm làn hương nến,
Nghi ngút dâng lời nguyện nửa đêm.
Ánh mắt nào, Xuân lên hợp ý,
Tóc xanh nào, hoa nụ đầu Xuân?
Thơm thơm vải mới vừa “luôn” chỉ,
Bút mực nào? Thơ mới một lần?
Bâng khuâng vào mộng, còn hay muộn,
Cung phím nào đâu, nhạc khởi hành.
Làn gió nào đâu, tà áo cuốn,
Lửa nào loang sáng đỏ rừng xanh?
Tuyết trắng triền non phủ cõi xa,
Gió nào pha trắng khúc hoan ca.
Bản xa, mái lá nào lên khói,
Bướm vắng, vườn hoang nào lá hoa?
LƯU DÂN THI THOẠI 31
Bỗng nhiên Mùa Xuân qua thật mau,
Lời Xưa còn đó, người nơi đâu?
Mông lung hương khói đêm Trừ Tịch,
Quán khách âm thầm thương nhớ nhau.
Có một Xuân nào rộn bước chân,
Thánh đường, chùa miếu tiếng chuông ngân.
Hồ Gươm thay sắc cờ dân chủ,
Nắng tự do tràn ngập Bắc Nam?
Có một Xuân nào về hội tụ,
Quê Hương vàng trải cánh hoa tim.
Núi sông, đồng ruộng, làng thôn cũ
Có một Xuân nào không, hỡi em?
hoàng ngọc liên
CÓ MỘT CÕI NÀO ?
Mới nhận thư em, chưa kịp hồi âm
Đã nghe bão lụt tràn qua làng chài lưới
Trong gió thét, những oan hồn tức tưởi
Đáy sông nào vùi lấp xác thân em?
Ngày ra đi, chưa lời hứa trao duyên
Nhưng hò hẹn đã ghi trong ánh mắt
Nhưng lưu luyến đã mặc nhiên ký thác
Dù chưa ai thú nhận một lần thương.
Mỗi hoàng hôn bên ghềnh đá, bờ nương
Vẫn mỏi mắt hướng về làng thôn cũ
Vẫn ẩn hiện giữa khóm dừa lá rũ
Bên dòng sông buông lưới bóng hình em.
Đời tha hương trên đất khách, nhớ từng đêm
Giấc ngủ ru êm miền Cửu Long sóng vỗ
Những cánh nhạn đi, về chất đầy thương nhớ
Hẹn một ngày nối lại giấc mơ xưa.
Bỗng bão lụt tai ương chụp đến bất ngờ
Tàn phá thôn làng ven sông chài lưới
Em vượt thoát khỏi biên cương chờ đợi
Thân lòng sông mà hồn cõi thanh cao.
Hẹn cùng nhau, ôn lại chuyện năm nào
Trong một cõi không còn xa cách nữa
Không ray rứt chờ mong thương nhớ
Có một cõi nào như vậy không? Em!
hoàng ngọc liên
******************
VI KHUÊ
Vi Khuê tên thật là Trần Trinh Thuận, chánh quán Thừa Thiên-
Huế. Bút hiệu này đã xuất hiện từ những năm giữa thập niên 50, khi bà còn là
biên tập viên, xướng ngôn viên đài phát thanh Huế. Bà chính thức xuất hiện trên
thi đàn miền Nam
với tập thơ Giọt Lệ đã in và gửi đi dự thi Giải Văn Học Nghệ Thuật Đệ Nhị Cộng
Hòa. Giọt Lệ đã cùng hai tác phẩm khác vào chung kết. Đây là thời kỳ Vi Khuê
đang ở chức vụ Hiệu trưởng Trung Học đệ nhị cấp Văn Khoa, thành phố sương mù Đà
Lạt.
Sau biến cố 30 tháng Tư 1975, bà cùng gia đình vượt biên,
đến Mỹ định cư, bà đã sớm hội nhập vào sinh hoạt cầm bút, một lãnh vực vốn là
sở trường, sở thích và là giấc mơ một đời của bà. Từ năm 1980, Vi Khuê cộng tác
với hầu hết các tạp chí văn học tại hải ngoại của cộng đồng Việt như các tờ:
Văn, Văn Học, Thế Kỷ 21, Thời Luận ...Từ năm 1982, là cây bút chủ lực của
nguyệt san Diễn Đàn Phụ Nữ, phụ trách nhiều mục với các thể loại thơ, văn, ký
dưới nhiều bút hiệu: Vi Khuê, Đào Thị Khánh, Đoàn Văn, Nguyễn Thị Bình Thường.
Từ năm 1996 bà chuyển qua cộng tác với Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn trên nhật báo
Thời Báo, Bắc California, Hoa Kỳ.
Vi Khuê là một trong số ít người cầm bút ở hải ngoại có tên
trong Tự Điển Tiểu Sử Nhân Vật Quốc Tế (Dictionary of International Biography)
ấn hành tại Cambridge, Anh quốc; Và
trong Tự Điển American Biographical Institute, Inc (ABI), ấn hành tại Hoa Kỳ.
Ngoài thi phẩm Giọt Lệ *thơ 1971, tại hải ngoại, từ năm 1985 đến năm 2001 Vi
Khuê đã ấn hành một số lượng tác phẩm thơ văn phong phú về cả hình thức lẫn nội
dung:
Cát Vàng *thơ 1985 Ngựa Hồng Trên Đồi Cỏ * văn 1986
Tặng Phẩm Tình Yêu *thơ 1991 Những Ngày Ở Virginia *văn 1991 Vẫn Chờ Xe Thổ
Mộ *văn 1993 Hoa Bướm Vườn Thơ Tôi *thơ 1994 Băng Thơ 1995 CD thơ Vi Khuê 1997 Thơ Trong Mưa và Hoa [Poems in Rain and
Flowers] * thơ 2001. Ngoài ra Vi Khuê còn đóng góp tác phẩm trong 15 tuyển tập
thơ văn tại hải ngoại.
“Thơ Trong Mưa và Hoa” là tuyển tập thơ bằng ba thứ tiếng
Việt, Anh và Pháp ngữ. Đã có nhiều văn nghệ sĩ, thức giả nhận xét thơ Vi Khuê
dưới nhiều khía cạnh, lăng kính: tình yêu đôi lứa, đất nước quê hương, triết lý
nhân sinh, biển dâu thế sự. Nhận xét vô tư, trung thực - có, nhưng cũng không
tránh được một số ý kiến có phần chủ quan....
Thơ Vi Khuê đa dạng hơn thế, càng chịu tìm kiếm, càng phát
hiện thêm tư duy và cảm xúc đặc thù của nhà thơ nữ hiếm hoi này.
Hồi niệm về cội nguồn, nòi giống, bà không những vinh danh
truyền thuyết đã có, mà niềm hãnh diện, tự hào dân tộc còn hé lộ qua tâm tư
trăn trở, lao đao về cội rễ bám sâu đất Tổ lâu đời, lại chông chênh thế đứng,
hưng vong theo chiều dài lịch sử, như một định mệnh đang ám ảnh vật vờ những
cuộc rẽ chia, lưu lạc:
Nước có tích xưa một trăm trứng
Cha là
Rồng, mẹ vốn là Tiên
Mẹ đi lên
núi, cha về biển
con đã trăm
con, rẽ trăm miền....
Phiêu bạt giữa vòng quay nghiệt ngã thời đại, con Rồng cháu
Tiên đang thực sự lạc rẽ trăm miền trên hành tinh, khắp mọi miền xa lạ, và cùng
thấm thía nỗi đau chung đời kiếp ngóng trông:
Gửi hồn
theo sách về Non Nước
Cát bụi
thân mình lại xót xa
Ôi, hỡi hồn
thiêng sông núi hỡi
Ngày nao ta
trở lại quê nhà?
(Gửi
Hồn Theo Sách)
Đề cập đến nhiễu nhương ly loạn, nguyên nhân cũng như hậu
quả, bà cảm nhận chiến cuộc – quy luật diễn biến gần như tất yếu trong dòng
tranh chấp ý thức hệ của con người giữa hai bờ chủ nghĩa – trong đó có vai trò
người phụ nữ nhạy cảm, được khẳng định với ngôn ngữ thơ như lời tự thú:
Tôi
dang hai cánh tay đàn bà
Ôm
lấy cuộc đời đầy lửa đạn
Tôi đã sống như loài bò sát
Với đôi ngươi và những mấu chân...
...........
Tôi đã đổ một trùng dương lệ ngọc
Tôi vốn nòi khóc mướn thương vay...
(Chân Dung
Tự Họa)
“Khóc mướn thương vay” là thái độ của thức giả xưa nay,
không ngăn được lòng mình đau niềm đau chung của thiên hạ, chứ nào phải chuyện
vớ vẩn “là thi sĩ nghĩa là ru với gió” như ai kia! Cho nên, dẫu “nhi nữ thường
tình”, kẻ sĩ cũng tự vẽ chân dung mình với hai dòng nước mắt tuôn rơi trước
biển đời sóng gió, trong mệnh nước nổi trôi. Rồi khi cuộc chơi giữa thiện và
ác, giữa sáng và tối, giữa chính nghĩa và phi nghĩa...kết thúc, kẻ sĩ tự dằn
vặt mình với tội lỗi tự mình nhận lấy:
Tôi dã góp
hai bàn tay tội lỗi
Vào cuộc
đời tôi thệ thốt yêu đương
Tôi, đàn
bà, với trăm nỗi xót thương
Đã tham dự
chiến trường không dám hỏi...
(Chân Dung Tự Họa)
Không đủ uy quyền, yếu tố quyết định số phận mình, không giữ
trọn lời thề thốt thiêng liêng cùng sông núi, Vi Khuê biểu hiện lời thú tội
thành khẩn của một bản thể công dân, ý thức trách nhiệm, đóng góp phục vụ với
đôi bàn tay năng động cho tới tận phút cuối cùng ngã ngũ.
Phong cách ngôn ngữ thầm kín, bí ẩn mà tỏa rạng sức sống của
con người nặng tình quê hương, tiềm tàng xao xuyến theo triều động thăng trầm
vận nước. Vi Khuê, xoáy vào chiều sâu thẳm của Tạo Hóa với trằn trọc, hoài nghi
luận điểm có hay không có Thượng đế ”, bậc sáng tạo và quyết định số phận muôn
loài trần thế, từng in đậm tâm khảm và niềm tin con người. Vi Khuê so chiếu
cuộc đời hiện thực, phấn đấu, vật lộn, ngược xuôi với biết bao truân chuyên,
bất trắc. Tác giả đã nghĩ về “Trời” như
khi bất chợt đối diện với “người hàng xóm rất gần nhưng cũng rất xa
xôi”: “Bà hàng xóm Mỹ”! Hóa ra “Bà cũng như tôi”, cùng chia sẻ một ý niệm về
Trời, trong thân phận sức người có hạn:
À, tôi đang
nghĩ có trời chăng?
Bà trả lời
tôi với, được không?
Trong đêm
le lói, đèn leo lét
Lấp lánh
đôi ngươi, ngó lạ lùng
Có Trời, ồ
có, chớ sao không?
Trời ở đôi ngươi ngó, lạ lùng
Trời đẩy đưa tôi từ gác nhỏ
Đến cùng người khác giữa đêm đông...
(Bà Hàng Xóm Mỹ)
Ngoài luận lý nhân sinh, đức tin tôn giáo, thơ Vi Khuê còn
phác họa những bức tranh cổ độ bằng những gam màu pha trộn khéo tay, nổi bật
hình tượng quá khứ “Qua Đèo Nhớ Trấn”. Trong khoảnh khắc bàng bạc thiên nhiên
cùng nỗi ai hoài của Bà Huyện Thanh Quan “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”, cảnh
vật lắng đọng vô âm, im lìm hoang vắng:
Qua đèo nay
nhớ trấn xưa
Hoang vu
đồi hạ, đôi bờ cỏ may
Trong sâu thẳm tĩnh lặng không gian và thời gian, cồn, bến,
cỏ dại, lau thưa, đang chờ đợi. Chờ đợi biến hóa, vươn dâng, hồi sinh, đồng
thời là mơ ước của tác giả trong hiện thực:
Cồn hoang
dã, bến lau thưa
Trơ thân cỏ
dại nằm chờ nước sông
(Hoang Vu)
Đọc Vi Khuê, ghi nhận tiêu biểu rõ nét của tư duy và cảm
xúc. Ngôn ngữ thơ trong sáng, giọng điệu sang cả, thanh cao, trang nhã, xứng
đáng một dáng đứng đường bệ trên thi văn đàn hải ngoại
NHỚ NGUYỄN DU
TRÊN ĐƯỜNG
QUA QUỶ MÔN QUAN
Ngồi đây đọc sách ngàn trang cũ
ngoài đó lao xao vẫn chiến trường
tuyết bão vào song, mưa cứ đổ
tưởng người xưa dưới Quỷ Môn quan
Đường qua cửa quỷ, mây vần vũ
ngàn dặm về Nam
nhớ bóng ai
gió xác cây xao cuồng vó ngựa
đầu non trăng rụng, vượn than dài …
Ngán ngẩm mặt người không muốn ngó
ấm lòng đã có rượu vài chung
tuổi chưa già cớ sao liều lĩnh
chỉ ngắm nhà kia ngủ gác non?
Tương quan bè bạn là không có
thì bận lòng chi chuyện đón đưa
thôi, cảm ơn đời thêm chút nữa
cho ta quán trọ dưới trời mưa.
vi khuê
Nguyễn Du, qua bài Quỷ Môn Trung Đạo
GỞI HỒN THEO SÁCH
Gởi hồn theo sách về Non Nước
Nước mấy ngàn năm nước gấm hoa
Nước thơm trang sử thơm tình đất
Nước vẫn ngàn năm nước Việt ta
Nước có tích xưa một trăm trứng
Cha là rồng mẹ vốn là tiên
Mẹ đi lên núi cha về biển
Con đã trăm con rẽ trăm miền
Nước có con thuyền trôi ngược sóng
Có người tuốt kiếm dưới trăng ca
Câu thơ hào khí thơ hùng tráng
“Thế sự du du nại lão hà” (*)
Nước có non cao chín ngọn Hồng
Sông Hương Núi Ngự mấy hưng vong
Phù sa bãi luợn Đồng Nai rợp
Bóng rặng dừa xanh ngát Cửu Long
Nước có Vua Bà xưa cưỡi voi
Có cô công chúa lấy dân chài
Có văn chương mở ngàn pho sách
Có Bạch Đằng Giang khiếp vía ai
Nước xưa có Trạng ngồi ghi chép
Sấm truyền nghiêm trọng xuống lòng dân
Một đời gối chiếc hai dòng lệ
Thù ghét can qua, giận lũ cuồng
Nước có sao đông có sao tây
Nước có kỳ hoa dị thảo đầy
Nhưng nước ngàn năm còn nước khổ
Lịch sử cuồng trong trận gió quay!
Gởi hồn theo sách về Non Nước
Cát bụi thân mình lại xót xa
Ôi ! hỡi hồn thiêng sông núi hỡi
Ngày nao ta trở lại quê nhà ?
(*) Thơ Đặng Dung
****************
CUNG DIỄM
Cung Diễm là bút hiệu của Hoàng Kim Dũng. Quê ở Quảng Nam,
vùng đất địa linh nhân kiệt. Ông làm thơ từ những năm đầu thập niên 50 với
những đề tài bài Phong, đả Thực. Nhưng mãi đến những năm cuối của thập niên 60,
thơ của ông mới đều đều xuất hiện trên báo chí. Trước năm 1975 là biên tập viên
của báo Trường Sơn ( Quảng Nam
Đà Nẵng) khi ông tùng sự trong ngành Cảnh Sát Quốc Gia. Từng cộng tác hoặc là
biên tập viên của các nhật báo và tạp chí ở Sài Gòn như: Phụ Nữ Diễn Đàn, Thời Nay, Tin Vịt; Dân Luận,
Hòa Bình... Khi làm thơ trào phúng, ông ký các bút hiệu được nhiều người biết
đến: Tú Lắc, Nghịch Nhĩ, Lộng Giả.
Ông từng cộng tác mục thơ “Chém Treo Ngành” trên nhật báo
Hòa Bình dưới bút danh Nghịch Nhĩ . Cũng với bút danh này, ông phụ trách mục
“Thơ Ngông” trên tờ Dân Luận. Trên tờ Tin Vịt với bút danh Lộng Giả trong mục “
Thơ Vịt Tiềm”; và trên tờ nguyệt san Thời Nay dưới tiêu đề “Thơ Lên Ruột” với
những bài châm biếm thời sự. Cung Diễm sở trường với các mục thơ châm biếm, trào lộng. Tác giả coi đó như một liều
“thuốc đắng” để “dã tật”, để đánh đổ những thói hư, nết xấu của con người trong
xã hội, hầu xây dựng một cuộc sống lành mạnh, hiền hòa.
Cung Diễm cùng có quan điểm chung với mọi người: Văn Thơ là
phương tiện hữu hiệu nhất để truyền bá đến đại chúng những tư tưởng mới, những
điều hay lẽ phải, để con người theo đó mà tu thân, xử thế...
Với thơ trào phúng, Tú Lắc, hay Nghịch Nhĩ, hay Lộng
Giả đều tỏ ra là một cây bút cừ khôi,
như mũi tên bắn thẳng vào những hành vi trái tai gai mắt, thiếu đạo đức, phi
nghĩa; chọc thẳng vào những kẻ tham nhũng, lộng hành, đục khoét công quỹ, dù ở
vào bất cứ thời buổi nào:
“ Loắt
choắt nhưng ông lại đứng đầu
Mười hai
con giáp phải chơi đâu
Niêu cơm
vớ được no phình bụng
Tĩn nếp rơi vào sướng vểnh râu
Nhọn mõm
vốn hay tài đục khoét
Thính
tai nên mới giỏi bôn đào
Đeo
chuông tính chuyện trời toan vá
Khốn nỗi
mèo kia lớn tiếng ngao.”
( Ông Tí)
Và một bài khác nói về việc bầu bán:
“ Kết quả
cho hay cụ đắc rồi
Mở cờ
trong bụng khoái thì thôi
Ơn vua,
trăm xấp tha hồ móc
Lộc nước,
ngàn phương mặc sức moi
Mẹ đĩ dựa
hơi chồng tác quái
Cu con
cậy thế bố thi oai
Thay dân
ông có làm nên việc?
Cái đó
thì xin để hạ hồi”
( Đắc Cử)
Khoảng 10 năm trở lại đây, trong các sinh hoạt của giới văn
thơ ở miền bắc California,
đọc giả hải ngoại thường vẫn được đọc những bài thơ trào phúng, của tác giả có
bút danh Tú Lắc.
Bên cạnh sở trường thơ trào lộng, Cung Diễm còn là một nhà
thơ rất trữ tình. Thơ Cung Diễm niêm luật phân minh, vần điệu hài hòa nhạc
tính. Chữ dùng cổ kính nhưng đầy chất thơ và trẻ trung, gợi cảm.
Ta gửi cho em mấy đóa Đường
Đóa hờn, đóa giận, đóa yêu thương
Đóa tương tư, thoảng hương nhung nhớ
Đóa hận sầu phô sắc chán chường
Đóa đón em về ngôi ái hậu
Đóa buồn ta lỡ mộng quân vương
Sắc hương ngàn đóa dâng em cả
Còn lại riêng ta đóa đoạn trường ...
Với nước non, thế sự ông mang tâm trạng của một kẻ sa cơ lỡ
thời, tâm trạng của kẻ sĩ, chí không thành danh không toại, hổ thẹn với tiền
nhân, mượn tích người xưa mà than thở phận mình:
Tấc son trải khắp mây trời Việt
Mộng lớn tàn theo vận nước Ngô
Khanh tướng trót vương vòng hệ lụy
Công hầu, chợt tỉnh giấc hư vô
(
Vịnh Phạm Lãi)
Trong bài “Đọc Sầu Ở lại”, Cung Diễm đã mượn tâm sự của cố
thi sĩ Tạ Ký để gởi gắm nỗi lòng của kẻ sĩ thời nay. Đây là một trong những bài
thơ hay của tác giả (xin xem phần thơ trích). Một bài khác, chỉ với một khổ thơ
tứ tuyệt, Cung Diễm đã nói lên được tất cả nỗi lòng băn khoăn thao thức của một
lưu dân trước nghĩa vụ đối với quê hương, với đại cuộc:
Chẳng biết tìm đâu ngọn cỏ Bồng
Và cành dâu nữa để làm cung
Cho nên món nợ Tang Bồng đó
Cứ hẹn dần dà với núi sông.
( nợ )
Kiếp sống lưu vong, nỗi lòng tư cố, với người thơ lại càng
đòi đoạn, mượn men say để u hoài dĩ vãng:
Ôi thôi,
nghĩ hổ danh tùng bách
Đất lạ
đành cam phận sắn bìm
Nào thuở
voi thiêng gầm phá Tống!
Còn đâu
dậy đất trống bình Chiêm?
Máu xương
oanh liệt ngời trang sử
Suy thịnh,
ôi buồn chuyện cổ kim!
(Lại
say)
Một số thân hữu cho rằng Cung Diễm là một người thơ khó
tính, khi làm thơ và đọc thơ, ông rất chú trọng đến niêm luật và âm điệu. Ông
đã từng nói: “Nếu ai không biết niêm luật mà làm thơ, thì đó là người liều
mạng.”
Với văn thơ thì hơi khó tính, nhưng đời thường lại rất hòa
ái trong giao tiếp, xuề xòa vui đùa cùng anh em bạn hữu, tham gia nhiệt tình
trong các sinh hoạt, trổ tài ca hát, ngâm vịnh, nhất là môn hát bộ Quảng Nam.
Văn hữu Ngọc Huỳnh nhận định về thơ Cung Diễm đã “ví von”:
Hoàng Kim Dũng như một ông thầy đông y, với những vị “thuốc đắng”, như càn
khương, phụ tử, hoàng liên... Mong chữa lành vài căn bệnh của xã hội, qua những
bài thơ trào phúng, mang bút hiệu: Nghịch Nhĩ, Lộng Giả, Tú Lắc. Nhưng lương y
Hoàng Kim Dũng, lại cũng bốc những thang thuốc bổ dưỡng tâm can, như
sâm-nhung-thục địa cam thảo, mật ong, khiến mọi người được di dưỡng tinh thần,
qua những vần thơ ngọt ngào, mang âm hưởng cổ thi với bút danh Cung Diễm. Sống
và làm thơ như vậy, kể cũng là một điểm son trong đời.
ĐỌC VẦN THƠ CŨ
Để tưởng
nhớ Tạ Ký
Bâng khuâng đọc lại vần thơ cũ
Ai gửi sầu theo với nước mây
Nước đi ra biển, mây về núi
Sầu chẳng theo, “Sầu Ở Lại”đây(*)
Cuộc rượu ngày xưa bên chợ Đũi
Vui buồn dăm đứa gật gù say
Mà say, có lẽ là say thật
Nên để thời cơ vuột khỏi tay
Chung đỉnh đã không nên sự nghiệp
Suy tư hằn mấy nếp cau mày
Gió mưa bốn hướng mờ sông núi
Cánh hộc hồng không rộng lối bay
Ngọn bút đã không xoay vận hội
Văn chương thẹn với núi sông này
Đỏ đen vốn đã người trong cuộc
Canh bạc đời thua nhẵn cả tay
Thơ lại đành ngâm câu ẩm hận
Mềm môi men rượu lại thêm cay!
Đảo điên trong cõi trăm năm ấy
Chưa dễ gì ai đã biết ai
Sùi sụt ngoài hiên mưa nhỏ lệ
Vắn dài, ta cũng khóc ai đây!
cung diễm
1989
(*) Thơ Tạ Ký
NIỀM RIÊNG MỘT NỖI
Muốn nỗi buồn vơi theo cốc rượu
Đêm tàn chuông vọng tiếng công phu
Ôi chao, chóng thật là năm tháng
Hờ hững trôi đi chẳng tạ từ
Không gửi sầu theo mây tám hướng
Ôm ghì cho nặng mối ưu tư!
Trăm năm một cõi đời mưa gió
Dâu bể đau lòng bút Tố Như
Lê trắng chưa phai màu hạ trắng
Cúc vàng đã lại phả hơi thu
Tiếc không giữ được vầng trăng mộng
Để khuất vào sương khói mịt mù
Tâm sự không vơi theo cốc rượu
Niềm riêng đành gửi bướm Trang Chu
Ngổn ngang trăm mối ta cùng bóng
Đừng để yêu thương hóa hận thù
Hãy đốt trầm lên xông phím lạnh
So dây mà gãy bản tương tư
Đàn ơi, rỉ máu năm đầu ngón
Tan nát lòng theo khúc Sở từ!
cung diễm
San Jose, 11-2001
S A Y
Bày rượu, rủ dăm ba đứa bạn
Tạc thù chén chú chén anh chơi
Thơ xoàng ngâm toáng đôi câu cóc
Rượu nhạt buồn vui gẫm chuyện đời
Tay trắng nghĩ thương phường bạch diện
Phù vân lại trắng áng mây trôi
Ôi thôi, tất cả đều hư ảo
Thấy cảnh bon chen bỗng nực cưới
Tri kỷ, dăm ba thằng nối khố
Tửu phùng, hãy cạn
nhé, say thôi
Uống cho đất lệch trời nghiêng ngả
Thua được cầm như một cuộc chơi
Bạn hữu ngày xưa đôi đứa vắng
Chán đời chúng nó bỏ đi rồi
Đi đâu và biết về đâu nhỉ
Địa ngục? Thiên đàng? Cũng thế thôi!
Bướng bỉnh dăm chàng trai xứ Quảng
Gan lì mà lại khóc, eo ôi!
Rượu ơi, không thể tìm quên được
Rượu cạn niềm đau vẫn chẳng vơi
Tuy chẳng sa trường nhưng “tuý ngọa”
Tỉnh ra chợt hỏi ‘’kỷ nhân hồi ’’ ?
‘’Cổ lai chinh chiến”, ôi chinh chiến
Máu đỏ ngầu sông, xương trắng phơi
Khanh tướng còn mê mùi tục lụy
Thì xương còn đổ máu còn rơi
Bạc đen trong cõi đời ô trọc
Tri kỷ là ai dễ mấy người?
Trót để sầu tan trong chén rượu
Nhắp men sầu đắng tái tê môi
Đục trong mặc nước dòng Thương lãng
Vất cái phù du lại cuộc đời
Túi vẫn còn thơ bầu vẫn rượu
Thì say thì tỉnh gió trăng ơi!
cung diễm
San Jose, một chiều say
******************
HÀ TRUNG YÊN
Độc giả của Sài Gòn xưa đã bắt gặp một số bài thơ trên các
tạp chí, tập san, tuần báo phát hành tại thủ đô miền Nam trước 1975 dưới những
bút hiệu Ngọc Dạ Lý Hương, Thanh Thịnh, Hà Trung Yên, Lê Nhật Thăng về đủ thể
loại, nội dung tình yêu, xã hội, thời thế... Mãi lâu sau người ta mới nhận rõ
những bút hiệu ấy thuộc cùng một tác giả, tên thật là Nguyễn Ngọc Châu, một sĩ
quan trong Quân đội Việt Nam Cộng Hòa.
Ông sinh năm 1934 tại tỉnh lỵ Phúc Yên (miền Bắc). Thuở
thiếu thời học ở tỉnh nhà, sau lên Hà Nội tiếp tục sách đèn cho tới khi được
gọi động viên vào trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức, Khóa V “Vì Dân”, giữa năm
1954.
Cùng chung số phận với sinh mệnh chính trị miền Nam,
sau tháng Tư 1975, ông bị tập trung vào trại tù cải tạo nhiều năm. Sau khi tới
được vùng trời Tự do, sống đời tỵ nạn, ông tiếp tục cầm bút trở lại.
Nguyên Chủ bút báo Rạng Đông, tiểu bang Georgia và Tờ Việt Nam
ở Orlando. Sự
nghiệp văn chương của ông đến nay đã phản ánh qua năm thi phẩm: Hồi Tưởng
1967 Những Khối Vuông Tâm Tình 1988 Niềm Xanh 1992 Hương Xa 1993 Âm
Vang Thơ Nhạc 1994.
Ngoài ra, giới yêu thơ còn đọc được nhiều thơ ông trên các
tuyển tập và báo chí hải ngoại, mang tâm tư, dáng vẻ thời đại của kẻ lưu vong:
trầm tư, tiếc hận số kiếp một quân cờ trong ván bài quốc tế, cuộc đọ sức bằng ý
thức hệ giữa hai đối thủ, để rồi kết cục được thua: “Ẩn ước vu vơ cười thế sự.
Uổng chăng số kiếp một quân cờ”. Kết cục đó trở thành uẩn khúc, trăn trở, hoài
nghi.
Giữa không gian hiện thực, và tâm hồn thơ giữa mù sương luân
lạc, tác giả đã trở về với chính mình bên nỗi hao mòn hiu hắt, ám ảnh khi ngọn
cờ lịch sử dân tộc bị cưỡng đoạt bởi bạo lực vô thần, phi nhân, tàn bạo, hoang
tưởng:
Phất phơ cờ
lịch sử
Mênh mông
miền lữ thứ
Ngẫm thân
cuộc sống mòn
Tội cho
nghìn nét chữ
(Giấc Ngủ)
Hà Trung Yên mang nặng cảm hoài. Tâm tư ấy được giải bày
trong từng khổ thơ của ông. Tác giả gửi gắm tâm sự của con người cô đơn, lữ thứ
giữa nơi chốn thiếu hẳn hình tượng quê hương, những gắn bó máu thịt. Trước một
chuyển màu mưa nắng cũng đủ khơi gợi tâm trạng để bật thành tiếng thơ của bơ vơ
u-ẩn:
Ừ nhỉ, u
buồn mưa viễn phương
Lối nào gom
gió trắng mây sương
Nghiêng
chào năm cũ mờ trăng lạnh
Chợt cảm bơ
vơ ở giữa đường.
(Đi Trong Đêm)
Màu sắc ảm đạm trùm phủ lên không gian giữa dòng thời gian
lê thê trôi chảy, kiếp nhân sinh vốn là kẻ trọ, nên không gian, nơi chốn chỉ
mang ý nghĩa “Cõi Tạm”của triết lý Phật giáo mà thôi. Thời gian - khoảng hiện
hữu của con người trên cõi thế, đáng lẽ phải được tranh thủ, kịp thời hoàn
thành ước vọng và bổn phận làm người. Với Hà Trung Yên, tất cả là hư vô, là quá
khứ, chỉ còn một hiện tại đáng nhớ thương về:
Không phải
những ngày tôi sống
Để rồi cộng
thành thời gian
Bởi vì bao
nhiêu năm tháng
Cũng là vô
nghĩa bay tan
Tôi hỏi
thầm qua cuốn lịch
Nỗi niềm
thế sự si mê
Bước chân
hướng về trầm tích
Lạc loài
thương một phương quê...
(Vô Đề)
Không ai trách cứ một nhà thơ bi quan, sầu lụy về cuộc sống
và thời đại mình. Thơ là dòng cảm xúc dào dạt của thi nhân. Thơ đủ quyền năng
biểu cảm, cả đến thú nhận chân thành bản ngã, “cái Ta” yếu đuối của chính
mình. Hà Trung Yên ước vọng hướng tới
tương lai, nhưng tương lai vờn lên một độ màu hắc ín, đậm đặc màu cà phê mà ông
thưởng thức mỗi ngày ở đời thường. Từ đó thơ ông càng nặng cảm hoài, bức xúc về
quê hương, thân phận, chiến chinh như một dấu ấn khắc đậm vào tận xương tủy,
khó xóa mờ:
Sắc đen ơi
chảy vào xương tủy
Độ màu hắc
ín vẽ tương lai
Gác chân
khẽ thở buồn vun đọng
Vỡ tách
nghe vang ý cảm hoài
(Uống Cà Phê)
Trên bước đường lưu lạc, Hà Trung Yên mang theo nỗi cảm hoài
chất ngất trước cuộc bể dâu thời đại mà ông là một trong
hàng kẻ sĩ sa cơ theo vận nước. Con người và cuộc sống sẽ còn
ý nghĩa gì khi nước mất nhà tan? Cái còn lại theo ông là
“tiết nghĩa nhân văn”. Cái còn lại đó đã toát ra trong tiếng thơ trầm nghẹn
u-uất, trong khúc hồ trường rưng rưng hai hàng lệ tha hương qua bài Vô Biên của
tác giả:
Chúng ta
ngồi quanh đây
Những cánh
chim Hồng chim Lạc
Sẻ chia nỗi
sầu hoài man mác
Đã ngậm
ngùi từ thuở Văn Lang
Trên dọc dài lịch sử hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ
nước, nỗi ngậm ngùi lặp lại ở khúc ngoặt 30-4-1975 khi dân tộc sa vào vòng đại
họa của chủ nghĩa tam vô, đẩy hàng triệu người dân sống đời tha phương lưu lạc:
Hôm nào
xuân hiện trên môi
Chén sinh
ly ấy mộng trôi cơ đồ
đến nay đã:
Hai mươi
lăm năm buông súng
Hai trăm
tám chục mùa trăng xa quê.
Vô Biên là một trong những bài thơ tự sự của Hà Trung Yên.
Cũng như bài Ngựa Vực Hồn Thơ của Đông Anh, Vô Biên là cảm hứng cho những bài
thơ họa của Hà Thượng Nhân, Huệ Thu, Thái Quốc Mưu, những bài thơ họa rất “tâm
đắc” giữa những người đồng điệu.
Là một nhà thơ kỳ cựu đã thành danh, thơ Hà Trung Yên còn
đậm nét cổ điển thi từ, dù trong đó đây, ông đã muốn bày tỏ một cách thế sáng
tạo chữ nghĩa... Sự thể nghiệm cuộc chơi còn phải cần đến yếu tố thời gian với
thiện ý, nổ lực tìm kiếm và khám phá.
Tạo một thế giới thơ riêng là ước vọng xưa nay của nhiều thi
sĩ, trong đó khái niệm và kỹ thuật làm mới ngôn ngữ là một điều kiện. Với Hà
Trung Yên, trên dặm đường đang đi tới, kiếm tìm và thu nhập chất liệu mới cho
Thơ vẫn là niềm đam mê sôi nổi của ông.
VÔ BIÊN
Chúng ta ngồi quanh đây
Những cánh chim Hồng, chim Lạc
Sẻ chia nỗi sầu hoài man mác
Đã ngậm ngùi từ thủa Văn Lang
Hơn bốn nghìn năm tâm sự úa vàng
Buồn nhân thế bàng hoàng trong lá rụng
Hai Mươi lăm năm buông súng
Hai trăm tám chục mùa trăng xa quê
Nhìn nhau tủi ánh nguyệt thề
Ngôi sao phương cũ lạnh tê tái lòng
Ngậm ngùi đôi mắt thương mong
Ôi ly rượu đắng còn hong nỗi buồn
Đây màu rượu hiu hắt bóng hoàng hôn
Trầm mạch máu chảy trong hồn lưu lạc
Ta soi đời vào ly thấy men nồng đổi khác
Giọt lệ nào nhuốm bạc chút yêu tin?
Song vẫn ngây thơ qua cặp mắt nhìn
Hỡi sắc trắng của bao miền đất lạ
Chỉ gặp mưa ròng tơi bời hoa lá
Xin cùng đốt lửa đêm nay
Để khói thơm ngần biêng biếc vờn bay
Nào ta nâng chén vui say
Hội phong vân mất, tình nầy còn thôi
Hôm nào xuân hiện trên môi
Chén ly sinh ấy mộng trôi cơ đồ
Ngày mai bão dậy sóng xô
Dạ quang lại sáng bên hồ xa xưa
Xin rót cho dài cơn mưa
Hãy hát cho mờ dặm cỏ
Tôi sẽ ngâm vang cho dạt dào mưa gió
Người uống tràn cho đỏ thắm vần thơ
Nghệ nhân ơi hôn nhẹ nguồn mơ...
Này Trúc Diệp Thanh, Bồ Đào, Mai Quế Lộ
Kia Ngũ Gia Bì, Biên Tái Tửu xanh vùng tri ngộ
Đây trên quầy bình Thiệu Hưng, Nữ Nhi Hồng
Chợt vẫy mình đang trôi nổi giữa dòng sông
Không bờ bến, quên nặng nề thân xác
Hãy cùng nhau nhắp Hennessy, Cognac
Hoặc Martell, Gin, Rhum, Whisky
Còn Champagne và chai lớn
Brandy
Ta phơi phới bay cùng trời, cuối đất
Thuyền có khẳm nhưng trùng dương rất chật
Rượu hừng rồi chếnh choáng các ngươi ơi!
Đi về đâu xa vắng những môi cười?
Ô hay khóc, nhớ gươm thần đã rỉ
Mời anh chị giơ cao bầu thanh khí
Uống cạn rồi xin đập vỡ chén ly bôi
Cho lòng ta xung động tiếng bồi hồi
Những âm nhọn càng làm ta choáng váng
Này thời gian có ngọt ngào năm tháng?
Thành sầu chừng phiêu lãng
Bầy chim uyên lơ đãng vân du
Đi đầu xuân, về cuối thu
Gào bên sóng rượu, sương mù hơi men
Hóc Môn, Bà Điểm thân quen
Ấm tình xương thịt còn chen nho hồng
Ta đi tìm nhánh xương rồng
Cất nồi ngô, nếp thêm nồng nàn hơi
Các bạn của tôi ơi!
Ngoài xa vẫn vọng bao lời Việt Nam
Nơi đây xứ sở ngàn quan ải
Mỗi trái tim thành một cái am
Mỗi thiết tha không hề trở lại
Chén rượu thanh bình đắng vị cam
Chao ôi, cố quốc muôn trùng sao khổ mãi!
Khi ra đi vườn xưa sầu hải ngoại
Lệ long lanh, ngần ngại đôi bờ
Nào biết đâu định mệnh, huyền cơ
Thơ ôi nghiêng rữa phút giờ
Rượu đời chưa cạn, ngồi chờ sao Mai
Mênh mang một ngả linh đài
Trải lòng ụa máu, vẫn nài bạn vô
Rượu đang gọi dưới nấm mồ
Luyến lưu thi sĩ tửu đồ buồn thay!
Ừ, thì ta say, ta say
Uống thêm, cứ uống chén đầy, chén vơi
Lưu Linh, Nguyễn Bính một thời
Tản Đà, Lý Bạch ấy người thành danh
Đứng lên tinh thể tan tành
Lung linh trong bước tửu hành vô biên.
******************
HOA VĂN
Cuộc chiến dài hai thập kỷ trên quê hương đã sản sinh nhiều
nhà thơ khoác áo lính. Người lính vừa đánh giặc vừa làm thơ, phản ảnh tâm tình,
cuộc sống quân ngũ, lý tưởng tôn thờ và nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ từng tấc
đất miền Nam trước ý đồ thôn tính từ miền Bắc, được ủy nhiệm bởi hệ thống “quốc
tế vô sản”, tham vọng bá quyền.
Người lính miền Nam
hiện diện khắp nơi trên giới tuyến, biên cương, hải đảo cho đến thị thành phồn
phú, cũng là nhà thơ miền Nam
với sức sáng tạo thi ca đa diện, phóng khoáng, riêng chung...
Tác giả Anh Hoa trong các thập niên 60 - 70 ở miền Nam ngày trước, là một trong số nhiều tác giả
nhà thơ lính miền Nam
đã gửi gắm cảm hứng chính mình vào dòng thơ chinh chiến ấy trong ba thi phẩm đã
ấn hành:
Đường Em Hoa Nở 1964 Thơ Anh Hoa 1965 Thơ Lục Bát 1966
Anh Hoa ngày trước chính là nhà thơ Hoa Văn ngày nay ở hải
ngoại, với một thi phẩm trình làng trong tháng 7-2002: THƠ VÀ THỜI GIAN do
Thăng Long xuất bản.
Trong dòng thơ Anh Hoa ngày trước và cả Hoa Văn ngày nay,
tình tự dân tộc chan hòa, soi sáng thế hệ trẻ dấn thân nhập cuộc, thường trực
đối diện hiểm nguy, mất còn trong mịt mù khói lửa, đạn bom. Càng hăng say chiến
đấu, thơ lính càng nổi bật lãng mạn tính, nạm vàng thành tựu chiến công, trong
đó lại không hề thiếu hình bóng giai nhân chinh phụ. Khoảng cách hậu phương
tiền tuyến, tựa hồ hai đầu sông Tương nghìn trùng vò võ, nhớ thương tưởng vọng.
Máu xương đổ xuống cho chiến trận, những tưởng sẽ đón nhận vinh quang, trớ trêu
thay, cơn lốc thời đại đã xô cuốn người lính miền Nam nửa đường gánh chịu tai ương hệ
lụy:
Tay ôm vững súng, đành buông súng
Đồng đội
tang thương cuộc đổi đời.
Trải qua cuộc lưu đày lịch sử cùng khắp cái gọi là “trại học
tập cải tạo”, khốn khổ khôn lường, biên độ sống chết mong manh như sợi chỉ,
người chiến sĩ miền Nam mà Hoa Văn đại biểu, vẫn vững niềm tin tồn tại, để có
một ngày lồng lộng nắng vàng, ngẩng bước đi dưới bầu trời tự do, tái dựng phần
đời còn lại. Trên miền đất hứa chạm mặt thực tại, hít thở không khí trong lành,
môi trường sống thuận lợi nhiều góc cạnh, người thơ vẫn không thể giải tỏa
những bức xúc thân phận, ám ảnh quá khứ, bởi “thấy cả chính mình tên mất nước”
và khẳng định ê chề : “Tôi buồn tôi, một kẻ lưu vong”.
Định cư miền Đông Bắc Mỹ, hai mùa tuyết phủ mưa vây, nỗi cô
đơn ngập hồn lưu lạc, để đủ gợi tên nỗi buồn dai dẳng, ray rứt.
Chiều mưa
Đông Bắc ôi buồn quá
Nhớ bạn bè
xưa đang lạc dần
Kẻ mất
người còn nơi xứ lạ
Chôn vùi
mộng ước với thời gian
(Chiều mưa
Đông Bắc)
không chỉ xót thương bạn bè xưa nơi xứ lạ, mộng ước cũng đã
vùi chôn sâu đáy thời gian, Hoa Văn nhìn lui, hồi tưởng bóng dáng hiên ngang,
hào hùng một thuở:
Và
nhớ thuở nào mang súng trận
Đêm
đêm khói lửa mịt mù bay.
Dải đất quê hương, định mệnh an bài trên hành lang địa lý
Đông Nam Á, tọa độ ngã ba đường tranh chấp chiến lược, và ý thức hệ đối lập
giữa khối Tự Do và Độc Tài, giữa Dân chủ và Đảng trị, bối cảnh chiến tranh cùng
thiên tai địa họa, đất mẹ đã nghèo nàn càng kiệt quệ, con người càng khốn đọa,
bần cùng.
Quê
tôi nghèo lắm, ôi nghèo lắm
Lũ
lụt từng năm đói bốn mùa.
Con
trẻ tìm ăn quanh hố rác
Mẹ già còm cõi thức canh mưa
(quê hương
còn đó nỗi đau này)
Người mẹ Việt Nam, chủ đề phong phú của thi ca cổ
điển và hiện đại đã được minh họa bằng những mảnh màu đậm nhạt. Trong mỗi đời
nhà thơ, ít nhất cũng có một bài, hoặc một đoạn, một khổ thơ vinh danh Mẹ. Bao
nhiêu huyền thoại, truyền thuyết về người Mẹ mang nặng đẻ đau, chắt chiu tần
tảo nuôi con khi chồng vắng mặt. Ơn dưỡng dục, nghĩa cù lao chính là bài học
đạo đức cơ bản, những người con chưa đủ điều kiện, cơ hội báo đáp lòng hiếu
thảo thường tỏ bày tâm trạng qua thơ với nỗi niềm thương hận. Hoa Văn rời xa mẹ
trong bước ngoặt chiến tranh. Đất nước chia hai miền Nam Bắc hai thể chếä chính
trị khác biệt.
Hy
vọng mai này nuôi được mẹ
Nào
ngờ đất nước lại chia đôi.
Mẹ
tôi bóng xế chiều phương Bắc
Tôi
xuống miền Nam
đổi cuộc đời.
Tâm cảnh thơ Hoa Văn biểu hiện rõ nét. Thơ thật đẹp mà cũng
thật buồn. Tiếng vọng từ những đoạn thơ, âm ba lời tự sự, tự thán, là tiếng thở
dài não nuột, sắt se. Tác giả mang nặng nhân sinh quan bi quan về cuộc đời, mà
bao đời, bao nhiêu người đã cùng bộc bạch.
Đời
người chẳng gió thì sương
Cái
vui về một, cái buồn muôn thu.
(nhân
sinh)
Thi sĩ xưa nay là hiện thân của đau khổ. Nỗi buồn, một chất
liệu ắt có trong nguồn sáng tạo thi ca. Với Hoa Văn, nỗi buồn chất chứa, “càng
lắc càng đầy” do động lực tình yêu sông núi, tình Mẹ và thân phận của chính
mình – người trong cuộc. Khi những bài thơ hình thành, kết hợp hài hòa ngôn ngữ
và thanh âm, tạo được một khúc ngâm buồn, cũng là lúc người thơ đã giải tỏa tâm
trạng ẩn ức, rời rã... thơ chắp cánh vút lên cõi trời ảo diệu.
Nhận định chung này cũng là cái riêng của Hoa Văn, tên thật
là Ngô Văn Hòa, sinh quán tại Phú Thọ, miền Bắc. Xuất thân từ trường Võ Bị Liên
Quân Đà Lạt (khóa 4 phụ SQ Trừ Bị Thủ Đức). Trước năm 1975 ba lần du học tại
Hoa Kỳ. Tù Cải tạo, định cư tại Boston
từ năm 1993 theo diện HO.
CHIỀU MƯA ĐÔNG BẮC
Chiều mưa Đông Bắc ôi buồn quá
Nhớ bạn bè xưa đang lạc dần
Kẻ mất người còn nơi xứ lạ
Chôn vùi mộng ước với thời gian
Chiều mưa Đông Bắc ôi buồn quá
Mấy chục năm qua vẫn lạc loài
Tổ quốc vẫn còn phiêu dạt mãi
Lòng người thì vẫn giọt mưa phai
Chiều mưa Đông Bắc ôi buồn quá
Túi tuổi đầy lên theo tháng năm
Tình cũng vôi dần theo cảm thức
Thơ ơi có lạnh chỗ thơ nằm
Chiều mưa Đông Bắc ôi buồn quá
Thương bạn thương em lòng xót xa
Thương cả chính mình tên mất nước
Ngày cao thêm tuổi tuổi thêm già
Chiều mưa Đông Bắc ôi buồn quá
Nắng gió nơi đây vẫn đậm đà
Sao thấy lòng mình hiu quạnh lắm
Úa vàng tâm sự nỗi chia xa.
hoa văn
CÁI CÒN CŨNG KHÔNG
Ba năm lưu lạc xứ người
Xuân về chất ngất cho đời phấn bay
Võ vàng từng buổi vàng mây
Nghe đời mộng mị mà ngây mắt cười
Trăm năm hưng phế đổi đời
Ta ngây ngô trước một thời suy vong
Quê mình chín đợi mười trông
Quê người sáng hạ chiều đông hững hờ
Cung thương để lịm hồn thơ
Bao giờ cung hỉ bấy giờ hoa bay
Buồn về năm tháng đầy tay
Đợi cung lưu thủy những ngày hoàng hôn
Cơm vay nước mượn cũng buồn
Đã không đến cả cái còn cũng không.
hoa văn
ĐÊM BUỒN UỐNG
RƯỢU MỘT MÌNH
Đêm nay uống rượu sầu ly xứ
ruơụ đắng hay lòng ta đắng cay
bạn cũ còn ai đâu nữa nhỉ
ta buồn nhớ lại những cơn say
Và nhớ thuở nào mang súng trận
đêm đêm lửa khói mịt mù bay
nghe đời thương gọi đêm vàng sắc
trên áo thời gian dấu bụi đầy
Quên làm sao được
thời gian ấy
mưa nắng đầy khung tình thoáng bay
lại nhớ những ngày yêu mến cũ
nghe bâng khuâng cả lối hoa gầy
Đã biết chuyện đời cơm với áo
thì vinh với nhục có ra gì
bao nhiêu cũng chỉ phù hư cả
sau trước rồi ra cũng biệt ly
Thương cho những bạn bè năm cũ
sớm phải nằm yên dưới mộ sâu
nỗi hận thù này còn mãi mãi
bạn ta ơi! thắng bại ai cầu
Ở đây xứ lạ buồn ghê gớm
có những người quen muốn lạ dần
có những tâm hồn như lá cỏ
chuyện còn chuyện mất cũng phân vân
Tình đời vẫn lạnh như mưa gió
một nỗi sầu riêng một nỗi mình
vui cứ ra đi buồn cứ lại
ly đầy đong cạn ruợu phù sinh.
hoa văn
ĐÔNG ANH
Đông Anh là bút hiệu của nhà thơ Nguyễn Đình Tạo, tác giả ba
thi tập: Chín Năm Tù Ngục (1989) . Chim Di Trú (1997) và Hoa Giáp Đông Anh
(2000). Ba tác phẩm là ba mảng đời nổi
bật mà Đông Anh đã đưa vào thơ, đã phơi trải lòng mình trong đó. Thơ Đông Anh
có phong độ vững chải, niêm luật phân minh, vần điệu và ý tứ hài hòa, không sáo
ngữ, không lòe loẹt ngôn từ tối nghĩa theo “mốt” thời thượng. Ông là người yêu
thơ, trân trọng văn chương chữ nghĩa nên trong thơ ông chữ nghĩa được dùng một
cách cẩn trọng. Sở trường của Đông Anh là thơ Cổ Phong trường thiên. Ngựa Vực
Hồn Thơ là một trong những bài thơ thuộc thể loại này. Lấy thời điểm 1954 là
năm Ngựa, đất nước ngăn đôi bờ Bến Hải, “con ngựa” Đông Anh đứng giữa hai bờ
sông Hiền Lương mà hí lộng cuộc cách ngăn ly tán tới con ngựa đầu thiên niên kỷ
2002, suốt nửa thế kỷ lưu lạc ngay trên quê hương mình cho tới ngày ngồi làm
bài thơ trên xứ người, để nhớ lại một thời trai trẻ, xuôi Nam ngược Bắc, đem lý
tưởng hiến dâng Tổ quốc:
Năm Tư chấp cánh
chuyển xoay đời
Ruổi rong cuộc sống trên lưng ngựa
Tiến Bắc bình Nam vạn dặm dài
Bến Hải Cà Mâu chừng nhỏ hẹp.
Cao nguyên biên trấn thép loang đồi
Nhưng rồi phải chăng mệnh nước, vận người đã được an bài
bởi hai ngôi sao Tuần Triệt trên lá số
tử vi để cả đất nước và con người đều chung cảnh chia lìa tan tác:
Ngựa trú thiên di cùng khốc khách
Bỗng dưng tuần triệt cắt làm hai
Kẻ đi cùng cốc mùa lao cải
Người vượt thuyền con giữa biển khơi.
Từ khúc ngoặt lịch sử
30 tháng Tư 1975, và những năm,
rồi nhiều năm sau đó, từ con ngựa Mậu Ngọ 1978, đất nước thay ngôi đổi chủ, nạn
tham nhũng, vơ vét đã làm khánh tận nguồn tài nguyên, người dân sống trong bần
cùng, xơ xác:
Bảy Tám ngựa què tan tác chạy
Đám người lốt khỉ bước lên ngôi
Dưới trên đều trổ tài vơ vét
Khánh tận non sông, bóc lột người
.........
Giặc về phố thị dân lên núi
Gió hú hồn oan lạnh núi đồi
Cỏ gục mồ hoang trơ trọi đá
Xoi mòn đến cả khúc xương phơi
Trước thảm trạng đó, nhân loại khắp năm châu đã chứng kiến
cảnh tượng kinh hoàng của hơn hai triệu người dân Việt liều chết chạy trốn
thoát cái chế độ vẫn tự cho là “ưu việt”ø:
Sài gòn vừa đổi tên đau hận
Sôi sục dân tình dậy sóng khơi
Rũ bỏ quê hường lìa bỏ nước
Đường đời ngăn cách nghĩa tàn phai.
Sau năm mươi năm làm một cuộc viễn hành từ quê quán tại
Huyện Đông Anh, miền Bắc đi suốt dọc vào miền Nam, băng nửa vòng trái đất sang
tới tận Mỹ châu, dừng lại trước thềm năm Con ngựa Nhâm Ngọ 2002, tác giả bài
Ngựa Vực Hồn Thơ nghe hồn thơ chứa chan niềm băn khoăn và hy vọng:
Bao giờ dừng bước giang hồ lại
Tháo gỡ yên cương, cất rượu mời
Thắm má điểm hồng môi thiếu phụ
Trời xuân lại ngọt gió xuân tươi.
(Ngựa Vực
Hồn Thơ)
Ngựa Vực Hồn Thơ là một trong những bài thơ đặc sắc, từ ý
lời đến tiết điệu của Đông Anh, bài thơ dài 118 câu. Cũng như bài “Sáu Mươi”
của cùng tác giả, cả hai bài thơ đã là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà thơ tham dự
phụ họa rất tâm đắc.
Người xưa, Bà Huyện Thanh Quan khi bước tới Đèo Ngang đã
nghe lòng chùng xuống mà thốt lên:
Nhớ nước
đau lòng con cuốc cuốc
Thương nhà
mỏi miệng cái gia gia
Đông Anh, sau 25 năm lưu lạc, ngồi nhìn lại cuộc đổi đời,
trước mắt chập chờn bao cảnh tượng hãi hùng đổ ập xuống con người Việt Nam kể
từ cuộc chiến Bắc Nam. Từ xứ người, tâm hồn dấy lên niềm miên man tưởng nhớ:
Bên bờ Potomac
Tưởng bến sông Sài Gòn
Gió từng cơn ly mặc
Gọi lá trút linh hồn
Người xưa nói “văn là người”. Thơ Đông Anh thể hiện rất rõ
nét con người của ông. Năm 1954 người thanh niên Nguyễn Đình Tạo theo học khóa
Cương Quyết Phụ Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, tháng 10 năm 1954 ra trường.
Phục vụ trong quân đội cho tới ngày cuối cùng của miền Nam
Tự Do. Sau 9 năm tù Cộng Sản, ông vượt biên tới Galang năm 1985. Qua Mỹ năm
1986. Là một Cán sự Xã Hội hiện cư ngụ và làm việc tại San Jose, California.
Tác giả lấy tên huyện Đông Anh thuộc tỉnh Phúc Yên, ngoại thành Hà Nội làm bút
hiệu.
NGỰA VỰC HỒN THƠ
Xoay vần trời đất năm con ngựa (1)
Cuốn bụi mù tung khắp đất trời
Bốn tám năm qua cuồng bốn vó
Thăng trầm theo gió lướt trần ai
Năm mươi năm trước, năm năm bốn
Háu đá bờm cao sấn tới đời
Thế giới tưởng chừng như hẹp lắm
Bắc Nam
phi một nhịp mà thôi
Đông Anh từ giã mùa Xuân sớm
Hà Nội mờ sương khuất núi đồi
Ánh điện Long Biên nhòa nước mắt
Hồng Hà soi bóng lạnh lùng trôi
Bên kia sông Đuống, Loa Thành khuất
Hồn gái Mỵ Châu khóc giữa trời
Một nhát gươm đưa lìa phụ tử
Hoàng bào, lông ngỗng gió chơi vơi
Quê hương bỗng chốc chìm trong tối
Vó ngựa cô đơn giữa đất người (1954)
Cương thổ hoàng triều treo vách núi
Mây mờ che khuất ánh trăng soi
Băng hồ Than Thở, đồi Nam Bắc
Lên đỉnh Lâm Viên dựng mặt trời
Mài kiếm rèn quân học chiến trận
Vó câu trui luyện với chông gai
Mai sau chân ngựa bền gang thép
Là lúc tang bồng thỏa chí trai
Bốn mũi tên bay về bốn hướng
Năm Tư chấp cánh
chuyển xoay đời
Ruổi rong cuộc sống trên lưng ngựa
Tiến Bắc bình Nam vạn dặm dài
Bến Hải Cà Mâu chừng nhỏ hẹp
Cao nguyên biên trấn thép loang đồi
Sương đêm trĩu nặng trên cành lá
Đợi ánh trăng về thổn thức rơi
Giữa chốn rừng sâu mòn giấc điệp
Vang vang ngựa hí gọi bên trời
Vào năm sáu sáu mùa bom đạn (1966)
Chiến trận tung hoành khắp khắp nơi
Ven biển kình ngư tung sóng bạc
Rừng thiêng bạch hổ cũng vươn vai
An pha lâm chiến hồn thiêng dậy
Chiến mã bay ngang động đất Hời
Suốt dãy Trường Sơn bùng chiến địa
Sông Tiền sông Hậu lửa đầy vơi
Phủ Rồng ngơ ngác thay tân chủ
Ngờ nghệch làm dơ cả cánh mai
Ngựa trú thiên di cùng khốc khách
Bỗng dưng tuần triệt cắt làm hai
Kẻ đi cùng cốc mùa lao cải
Người vượt thuyền con giữa biển khơi
Bảy Tám ngựa què tan tác chạy (1978)
Đám người lốt khỉ bước lên ngôi
Dưới trên đều trổ tài vơ vét
Khánh tận non sông, bóc lột người
Đưa nước lui về thời lập quốc
Xóm nghèo im bặt tiếng à ơi
Giặc về phố thị dân lên núi
Gió hú hồn oan lạnh núi đồi
Cỏ gục mồ hoang trơ trọi đá
Xoi mòn đến cả khúc xương phơi
Trùng trùng đánh thức căm hờn dậy
Dù chết vong linh vẫn sáng ngời
Ai luận anh hùng trong chiến bại
Kiên cường đâu thẹn chí làm trai
Chiều chiều đứng lặng trên đầu núi
Níu ánh tà dương tận cuối trời
Nhìn cánh sao băng qua đỉnh gió
Kêu sương tiếng vạc suốt đêm dài
Sài gòn vừa đổi tên đau hận
Sôi sục dân tình dậy sóng khơi
Rũ bỏ quê hường lìa bỏ nước
Đường đời ngăn cách nghĩa tàn phai
Ngựa Hồ theo bóng đàn chim Việt
Tìm mãi mùa Xuân ở xứ người
Thập kỷ Chín Mươi mòn mỏi bóng (1990)
Đường về biền biệt hỏi cùng ai
Rêu xanh trước ngõ còn chân ngựa?
Hay đã tàn theo những nhánh mai?
Bỗng một ngày Thu mờ khói lửa (2)
Đạn bom hỏa tiễn nổ lưng trời
Công trình vạn cổ nay bình địa
Tro bụi phù du một kiếp người
Thù hận tràn dâng như thác lũ
Oan hồn vất vưởng khắp nơi nơi
Tình thương vun xới bao năm trước
Phút chốc tan tành nước cuốn trôi
Quyết vượt trùng dương đòi nợ máu
Tinh cầu lênh láng máu xương phơi
U buồn đôi mắt bao sương phụ
Dang dở niềm đau suốt cả đời
Chiến mã về cùng thiên kỷ mới
Mở ra trang sử hai ngàn hai (2002)
Bao giờ dừng bước giang hồ lại
Tháo gỡ yên cương, cất rượu mời
Thắm má điểm hồng môi thiếu phụ
Trời xuân lại ngọt gió xuân tươi
Không gian trở lại thời gian cũ
Phơi phới nòi tình mọng má môi
Ngựa vực hồn thơ bừng gió cuốn
Tiếng đàn réo rắt khắp muôn nơi
Ta về sửa soạn xe song mã
Để đón đưa em trọn cuộc đời
đông anh
Xuân Con Ngựa 2002
(1) Các năm
Ngựa: Giáp Ngọ 1954; Bính Ngọ 1966;
Mậu Ngọ 1978; Canh Ngọ 1990; Nhâm Ngọ 2002
(2) Ngày 11
tháng 9 năm 2001, hai tòa nhà chọc trời tai
New York thành bình địa.
DUY NĂNG
1935 - 2002
Có nhiều bằng chứng cho rằng thơ là một thể hiện chính xác
nhất bản sắc của tác giả bài thơ. Nhà thơ còn là một nhà tiên tri, bởi vì ngôn
ngữ thơ là một thứ ngôn ngữ bộc phát từ tiềm thức, từ cõi không. Khi một số
đông người cầm bút, những nhà thơ, nhà văn, những bạn bè, chiến hữu và thân
nhân đưa tiễn Duy Năng đến nơi an nghỉ cuối cùng dưới một dãy chân đồi thơ mộng
trong một nghĩa trang ở Hayward thì nhiều người đã
thốt lên: Đúng rồi! đúng là Giấc Ngủ Chân Đèo của anh.
Nhà thơ Duy Năng đã bỏ dở cuộc chơi đầy hăm hở và hào hứng
chỉ mấy ngày sau khi anh cùng các thân hữu trong Ban Biên Tập gặp nhau bàn bạc
một số tiền đề cho tập Bút Luận 25 Năm Thơ Hải Ngoại. Anh là một trong ba người
được chỉ định viết lời giới thiệu tác giả và tác phẩm cho tập Bút Luận này. Duy
Năng đã ra đi, để lại rất nhiều thứ, trong đó có bao nhiêu việc bộn bề mà anh
đặt ưu tiên hàng đầu cho Văn Học và sinh
hoạt với Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn. Là một người làm thơ khoác áo
lính, cho đến cuối đời, Duy Năng đã để lại cho văn học bốn tác phẩm:
Giấc Ngủ Chân Đèo * thơ, nhà xb Trường Giang, Sài Gòn
1964
Vẫn Đời Đời Hoài Vọng * thơ
Dặm Nghìn * thơ. Giữa Dòng
Nghịch Lũ * truyện dài.
Bút hiệu Duy Năng khởi sắc từ những năm đầu của thập niên
50, thông qua nhiều bài thơ đăng tải trên các tờ tuần báo như: Quê Hương, Hồ
Gươm, Giác Ngộ, tại Hà Nội. Sau hiệp định phân hai Nam Bắc 1954, anh vẫn có thơ
góp mặt đều đặn trên báo chí như các tờ: Thẩm Mỹ, Việt Bút, Văn Nghệ Tiền
Phong, Đời Mới, Sáng Tạo, Bách Khoa, tại thủ đô Sài Gòn.
Sự nghiệp văn chương của Duy Năng không chỉ gói gọn vào bốn
tác phẩm văn thơ, anh có hàng trăm bài viết, đủ thể loại, đã được lưu hành phổ
biến khắp nơi, trong đó anh đã góp mặt cùng cơ sở thi văn Cội Nguồn với mười
tuyển tập. Anh là một trong những sáng lập viên Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn. Ngoài
ra, anh cũng là cây bút chính trong tập san Đa Hiệu, của trường Võ Bị Quốc Gia.
Duy Năng cũng là hội viên Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa. Tên tuổi của Duy
Năng đã được nhiều nhà biên khảo văn học đề cập đến trong các tác phẩm của họ.
Trước bình minh lịch sử của miền Nam, anh đã chọn lựa dứt khoát hướng đi tương
lai, nhắm đến cổng trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Tốt nghiệp khóa 14, và chính
từ ngôi trường mẹ, nuôi chí nguyện tang bồng hồ thỉ, anh đã được soi sáng lý
tưởng tự do, nhân ái, được đọc và nghe, về nguy cơ cái gọi là: “Chủ Nghĩa Xã
Hội”, đang áp đặt lên nửa phần đất quê hương.
Trong bốn tác phẩm của Duy Năng, nội dung thể hiện nhất quán
lý tưởng và lòng yêu nước mà tác giả đã chọn lựa để dấn thân và phụng sự:
GIẤC NGỦ CHÂN ĐÈO - Tập thơ gồm 16 bài, có hơn một nửa là
những bài thơ nói lên giai đoạn lịch sử mà quân dân miền Nam bừng bừng khí thế
đứng lên tự vệ, chống lại hiểm họa Cộng Sản. Lớp người trai trẻ mà tác giả là
một trong những biểu tượng hào hùng đó đã hùng dũng bước đi với một hào khí
ngút ngàn:
Khói lửa
mười năm ... tôi lớn
Đem thân đi
gởi thao trường
Bài thơ tiêu biểu cho thi phẩm đầu tay này có cùng tên với
quyển sách. Giấc Ngủ Chân Đèo, bài thơ dài trên 130 câu, người đọc như còn nghe
vang vọng tiếng ca của đoàn quân tây tiến ngày nào truy đuổi giặc:
Ba lô làm gối chứa mộng mười phương
Lửa không
đốt mùa thu
Thương nhớ
về nhau vừa đủ ấm.
Đoàn quân Tây tiến
của Quang Dũng là những chàng trai khi quân thù về, họ bỏ nhà đi theo kháng
chiến “Cha mẹ tiễn con đi không bịn rịn” mà “Ngày con về cha mẹ chết từ lâu”
sau những trận đòn cực hình trong các cuộc đấu tố. Đoàn quân trong Giấc Ngủ
Chân Đèo là những chàng trai miền Nam ra đi đáp lời sông núi gọi, tiếp tục cuộc
chiến đấu bảo vệ thôn làng, bảo vệ một nửa đất nước khỏi sự xích hóa của chủ nghĩa
Cộng sản. Tác giả đã vẽ lên toàn cảnh một bức tranh thời thế và xã hội Việt Nam giữa hai
miền Nam Bắc thời kỳ sau Hiệp định Genève. Bức tranh phác họa một sự tương phản
đến tàn nhẫn. Bến Hải đã ngăn chia hai bờ đất nước, Miền Bắc bị nhuộm đỏ, màn
đêm bao phủ, ngột ngạt, tối tăm, một triệu người bỏ miền Bắc chạy thoát vào
miền Nam.
Đất nước hai màu cờ, bên này bờ Nam “đêm ngàn sao rực rỡ”,
những nẻo đường anh đi qua, những bản làng anh tới, những chặng đường anh dừng
chân, nơi nơi cuộc đời rộn rã, bừng bừng sức sống. Xã hội miền Nam đã kiện
toàn về mọi mặt. Sự phát triển, thăng hoa ngoạn mục về các lãnh vực kinh tế,
văn hóa, xã hội, giáo dục và văn học nghệ thuật lúc bấy giờ đã cung cấp nguồn
cảm hứng và chắp cánh cho những tâm hồn văn nghệ bay cao.
VẪN ĐỜI ĐỜI HOÀI VỌNG - Hơn năm năm, sau tác phẩm đầu tay
Giấc Ngủ Chân Đèo, thi phẩm thứ hai “Vẫn Đời Đời Hoài Vọng” được hình thành.
Đây là tác phẩm được kết tinh bởi tư duy trăn trở, của một chiến sĩ văn nghệ
Việt Nam Cộng Hòa, đối diện cuộc chiến đến hồi ác liệt, đã hiện rõ ý thức hệ
Mác Xít. Tiêu biểu của tác phẩm “Vẫn Đời Đời Hoài Vọng” được cô đọng ở bài “Lời
Thầm Lặng cho Quê Hương.” Cả cuộc đời
trai trẻ, cả nhiệt huyết, khát vọng, và trên hết là cả tấm lòng yêu nước của
Duy Năng đã được thể hiện một cách chân thực nhất, đầy đủ nhất trong bài trường
thi này.
DẶM NGHÌN - “Dặm Nghìn.” là nơi trang trải tình yêu, khát
vọng, mối băn khoăn trăn trở của Duy Năng sau hai mươi ba năm, kể từ ngày “bỗng
dưng gãy súng đầy oan nghiệt” và luân lạc nơi xứ người. Thơ Duy Năng và Dặm
Nghìn không chỉ cô đọng ở hai chủ đề về cuộc ly tán của cả nước trước biến cố
30-4-75 với cuộc di cư vĩ đại nhất của người Việt Nam bỏ nước ra đi, sống đời
lưu lạc; trong Dặm Nghìn còn có những tình tự thiết tha với tình yêu và kỷ niệm
thời trai trẻ, với nỗi lòng tưởng nhớ đến mẹ già, với tình cảm bạn hữu, với
lịch sử dân tộc, với những tấm gương anh hùng, nữ-nhi lẫm liệt.
Dặm Nghìn gồm 23 bài thơ với các thể loại Lục Bát, thơ mới
và Cổ Phong. Thơ bảy chữ là loại thơ sở trường của Duy Năng. Thơ Duy Năng, nói
chung lời trau chuốt, chọn lọc; ý sắc sảo, thâm sâu, ý lời gắn bó hài hòa.
Duy Năng tên thật là Nguyễn Văn Trí. Sinh ngày 25 tháng 1-
1935, nhằm ngày 24 tháng 12 năm Giáp Tuất.
- Sinh quán và trú quán tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh
Hòa
- Chánh quán làng Thái Dương Hạ. Huyện Hương Trà, tỉnh Thừa
Thiên.
Trong lần gặp gỡ cuối cùng Duy Năng trao cho chúng tôi bài
thơ “Từ Thuở Hồn Xuân Chưa Sỏi Đá”, anh đã thổ lộ tâm sự, kỷ niệm và cảnh ngộ
khi làm bài thơ này. Anh nói: “Bài thơ chưa đăng báo, chỉ để dành riêng như một
kỷ vật lưu lại....” và anh yêu cầu chúng tôi chỉ đưa một bài này vào tập Bút
Luận. Bài thơ nói lên một mối duyên văn nghệ suốt một quãng đời dài bốn mươi
năm, qua những thăng trầm chữ nghĩa, giữa buổi loạn ly, lạc nghé tan đàn bởi
biển dâu thời thế, để rồi đến một phút giây định mệnh, bốn mắt nhìn nhau tĩnh
lặng, thả vòng tay với hẹn hò một kiếp khác. Chúng tôi trích đăng thêm hai bài
thơ khác của Duy Năng, những bài thơ Lục Bát anh viết từ hải ngoại, trao gởi cả
tâm tình, tự sự về cố quốc, về mai sau.
TỪ THUỞ HỒN XUÂN
CHƯA SỎI ĐÁ
Ta đọc nhau từ bốn mươi năm
Biết nhau qua chữ nghĩa thăng trầm
Thương ai đã viết cho người lính
Những tiếng thân thương rất mặn nồng
Thuở đó ta còn rất mộng mơ
Với bao ước hẹn để mong chờ
Với bao hoa gấm riêng thêu dệt
Hạnh phúc, niềm đau, giữa cõi thơ
Em một trời riêng, ta cõi riêng
Hào quang một góc đắp xây nền
Em bao mời gọi đời trao tặng
Ta cũng đời riêng những ước nguyền
Ngưỡng mộ nhau nhưng chẳng một lần
Tài hoa tìm hội ngộ giai nhân
Phải chăng vạn sự đều thiên định
Nên khiến thời gian nối lặng câm
Hay bởi lòng kiêu hãnh tự hào
Nhìn người thấp chỉ một mình cao
Trời xa biển rộng trong tay với
Chẳng khó khăn chi để bước vào
Than ôi, tuổi trẻ đầy tham vọng
Đâu biết chông gai giữa đất trời
Bốn mươi năm đã nay nhìn lại
Mới thấy thương cho tuổi trẻ đời
Nếu như bốn chục năm về trước
Ai gọi cho ta tựa lúc này
Chắc hẳn hồn xuân chưa sỏi đá
Dễ dàng cho mắt đắm môi say
Năm tháng dần qua, quay ngắm lại
Bỗng thấy thương cho những dại khờ
Tuổi mộng chất đầy bao ảo vọng
Những vòng nguyệt quế sáng trong mơ
Bốn mươi năm đã như người lạ
Bỗng tiếng lời trao dậy giữa trời
Làn sóng âm ba nào giục giã
Mà hồn phiêu lãng thấy chơi vơi
Ta tưởng chừng như tự kiếp xưa
Cùng ta, chung một lối đi về
Cùng ta trọn vẹn nên trời giận
Đày ải ta cùng nhau cách chia.
Cho xuống trần gian đó với đây
Tài hoa cho mỗi đứa trong tay
Nghe danh nhưng chẳng tìm nhau đến
Lớn mãi kiêu sa với tháng ngày
Trời đẩy ta vào kiếp chiến chinh
Còn em lặn lội chép điêu linh
Điêu linh chinh chiến ta cùng gánh
Chung với trầm luân đất nước mình.
Ôi những trầm luân những nổi trôi
Cánh chim tan tác bốn phương trời
Sa cơ, đồng đội, ta chung chịu
Nghé lạc đàn tan giữa cõi đời
Những tưởng không còn nghe đến nhau
(ai còn nhớ được đến ai đâu)
Trong cơn ly tán bi thương ấy
Nước mất nhà tan... cuộc bể dâu
Cuộc bể dâu nào riêng của ta
Bốn mươi năm bỗng có đâu ngờ
Tên xưa gặp lại trên trang báo
Rồi... tiếng xưa về tự cõi xa.
Tiếng của lòng ai hay của thơ
(tiếng nào cũng vẫn tưởng trong mơ)
Cho ta quên được đời đang thực
Đầy dẫy niềm đau khắp bến bờ
Nghiệp chướng nàng thơ đeo đuổi ta
Mong chờ, ước vọng... chỉ can qua
Lòng xưa tiếng nói, hư hay thực
Gần gũi mà như vẫn cách xa
Chỉ thấy gần trong cổ tích xưa
Có người tóc xõa suối nên thơ
Để chàng thi sĩ hôn lên tóc
Và thắm trên môi nỗi đợi chờ
Rồi giữa vòng tay siết chặt nhau
Mắt nhìn tĩnh lặng chỉ nên câu
Là đây huyết quản chung dòng chảy
Hiện hữu hay là mãi kiếp sau.
duy năng
RỘN RÀNG
XUÂN DẪU NƠI ĐÂY
Này xuân rộn rã làm gì
Với thân luân lạc từ khi cõi ngoài
Dặm nghìn cố quốc xa xôi
Những thao thức, những bồi hồi năm canh
Cánh chim từ buổi viễn hành
Hạc vàng lầu cũ, thôi đành một phương
Thôi đành một cõi mù sương
Nghiêng nghiêng lối dốc, hoa vườn Bích Câu
Mộng thơ từ một ý sầu
Tưởng như ngàn trước ngàn sau cuộc này
Nghe chim thủ thỉ vòm cây
Nghe ta trong nỗi riêng đầy vơi xuân
Dặm nghìn cố quận muôn trùng
Vẫn đang trăm họ tơ chùng phím lơi
Héo hon trên những nụ cười
Có đâu mà lạ giữa trời quê hương
Những lòng ly tán nhiễu nhương
Những hiu hắt mộng, những vàng vọt mơ
Những mong những ước những chờ
Sẽ thơm quá khứ về bờ tương lai
Bao nhiêu năm một chuỗi dài
Sắc hương thôi cũng u-hoài cỏ cây
Rộn ràng xuân dẫu nơi đây
Hồn ta vẫn tuyết sương ngày thu đông
Từ thân luân lạc nghìn trùng
“ Đê đầu tư cố hương”(*) lòng ngổn ngang.
duy năng
San Francisco, tháng 3-1995
Trích Dặm Nghìn, tác giả xb 1998
(*) Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố
hương - Lý Bạch
**************
TUỆ NGA
Cùng với tuổi đời, Thơ Tuệ Nga có một bề dày trong văn học,
với tám tác phẩm đã xuất bản: Suối *
1974 Suối Trầm Tư * 1982 Mây Hương * thơ đạo *1987
Chiều Phố Mây * 1991 Hoa
Sương * 1994 Hoa Đài Dâng Hương * 1995
Nửa Viền Trăng * 1997 Suối
Hoa * 1999
SUỐI là thi phẩm đầu tay của Tuệ Nga và cũng chính SUỐI là
khởi đầu dòng chảy liên tục, đằm thắm mà triều dâng của tâm cảm Tuệ Nga dành
cho Thơ. Suối đoạt giải Văn Học Nghệ Thuật tại Sài Gòn năm 1974. Là một nhà thơ
nữ, sinh trưởng tại quê hương Quan Họ, thơ Tuệ Nga có đầy chất lãng mạn, trữ
tình, đậm đà mà thanh thoát. Tuệ Nga vào làng thơ rất sớm. Bà là hội viên Thi
Đàn Quỳnh Dao, một thi đàn kỳ cựu với nhiều nhà thơ lão thành.
Đọc hết tác phẩm của Tuệ Nga, người ta có thể tìm thấy ở tác
giả một tâm hồn rất thơ, rất tình mà cũng rất cao trọng những giá trị tinh thần
trường cửu.
Có một lúc nào đó bà nhớ về Mưa Hà Nội, mà nghe mưa trong
hồn. Có một lúc nào đó bà trải lòng mình cho bằng hữu. Có một lúc khác, bà lắng
lòng dâng lên ánh đạo.
Đối với Tuệ Nga, Đạo là cả một nguồn cảm hứng của Thơ. Tuệ
Nga đã có hai tập thơ đạo Hoa Đài Dâng Hương và Mây Hương. Theo nhận định
chung, thơ Tuệ Nga có hai khuynh hướng chính, đó là thơ “hoài cảm nước non” và thơ đạo. Trong thơ
Đạo, thơ nhuốm vị sắc thiền, đời thấm nhập vào đạo và đạo huyền nhiệm vào đời:
Từ dòng trăng vô lượng
Kinh hoa nở muôn mùa
Từ dòng kinh thi hóa
Tiếng đời êm tiếng thơ
Một lúc khác bà lại
trăn trở với hoài niệm cố hương:
Em ơi! Chiều Viễn Xứ
Về đâu? hồn heo may
Về đâu? đời cỏ úa
Lệ rưng rưng bước gầy
Bao nhiêu hình ảnh quen thuộc thân thương, chung dòng quá
khứ ắp đầy ký ức, đè nặng hồn thơ:
Những con
đường chiều thương nhớ mênh mang
Mây Cổ Ngư,
nắng Nghi Tàm, Quảng Bá
Gió mùa Thu
lá vàng bay nhiều quá
Hà Nội bốn
mùa phất phới áo bay
Những con
đường Hàng Bạc, Hàng Khay
Chợ Đồng
Xuân, liễu Hồ Gươm Phố Huế
Những con
đường trải qua bao thế hệ
Gò Đống Đa,
Quốc Tử Giám, Sinh Từ
Những con
đường như huyền thoại viễn du
Bỗng trở về
ngổn ngang trong tiềm thức
(Những
con đường - Hoa Sương)
Nỗi nhớ đó như không còn bút mực nào đủ để diễn đạt hết. Nhà
thơ mang theo tình quê nghĩa nước đi suốt cuộc nhân sinh của đời mình:
Mực khô bút
cũng hao gầy
Tình non
nước khắc đến ngày tàn hơi
(Xuân Về Trên Sông Mưa)
Với tình đồng bào ruột thịt, khi nghĩ tới tưởng chừng như xé
ruột bào gan:
Tôi bâng khuâng, tôi thầm tự hỏi mình
Quê hương tôi có thật sự hòa bình?
Quê hương tôi người người đang hạnh phúc?
Quê hương tôi không còn ai oan ức?
Bị tù đầy bắt bớ oan khiên!
Có thật sự quê tôi bình yên?
Tôi thầm hỏi, rồi tôi thầm nghĩ
Vẫn trùng trùng phi lý
Vẫn trại giam cải tạo tù đày
Triệu người dân vẫn sống cảnh lất lây!
Bút bẻ cong, đâu tự do tư tưởng
(Mùa Xuân
thăm giàn Thiên Lý)
Trong cả “một trời thơ Tuệ Nga”, tác giả đã dành phần lớn
các tác phẩm để thể hiện nỗi trăn trở, thao thức, băn khoăn trước thảm họa
chiến tranh, đất nước chia cắt, tình tự dân tộc chia lìa. Cuộc chiến đấu của
nửa phần đất nước bảo vệ tự do, hạnh phúc cho con người, duy trì giường mối xã
hội... để rồi ngày kết cuộc, 30 tháng Tư
1975 miền Nam bị nhuộm đỏ, dòng thơ đó lại theo dòng Văn Học miền Nam nối dài
tới hải ngoại. Từ đây, tác giả lại tiếp nối vần điệu nỗi niềm của một người con
mất mẹ, xa quê hương, xa tổ quốc.
Người đi
nhớ nước non nhà
Ai nhìn mây trắng thiết tha cội nguồn
.........
Đường về quê mẹ mây bay
Mây giăng kín nẻo, mây đầy thơ tôi
Hăm lăm năm! Bấy ngậm ngùi
Ơi thơ, vẫn thế! Xót đời ly hương.
Ở tuổi đời bước vào Hoa Giáp, từ ngày bỏ nước ra đi, đã hết
nửa đời, nửa đời chưa một lần quay lại. Bên kia bờ đại dương là quê hương yêu
dấu, nỗi nhớ tha thiết hiện lên ánh trăng trong, vầng mây bạc, ngọn gió hắt
hiu, mái chùa cong, đồng ruộng xanh, dòng lịch sử... tất cả như xoáy vào tâm
can người con viễn xứ mà ngày về vẫn là cơn mộng huyễn, tác giả đã mượn vầng
trăng xưa để ký thác nỗi buồn xa vắng, khối tương tư mênh mông trĩu nặng, nỗi
cảm hoài, ai oán thiết tha trong bài Vầng Trăng Cổ Độ. Đây là một bài thơ diễn
đạt đủ ý tình như vừa kể lồng trong một ý thiền bát ngát.
VIỄN PHƯƠNG CHIỀU GIÓ
Ném theo
hưng phế vào hư ảnh
Có thấy
lòng sâu biển động vang
Tìm trong đáy chén lòng gương
Thấy chăng vài mảnh tang thương não nùng
Nẻo nào dẫn đến vô cùng
Thơ nào thả gió ngại ngùng vần đau
Đêm sương con Quốc vọng sầu
Đôi bờ trăng lạnh một mầu quan san
Sông thu mộng ảo kê vàng
Cánh mây lữ thứ vắt ngang lưng đèo
Viễn phương chiều gió hắt hiu
Tôi đi trong gió nghe nhiều xót xa
Bốn phương mây trắng đâu nhà
Cung đàn biệt xứ âm ba đáy hồn
Tuổi chiều đã sậm hoàng hôn
Cánh thơ thả gió nghe buồn dâng cao
Bay về đâu? Tới trời nào?
Bài thơ nhớ nước gửi vào hư vô
Nếu đời là một chuỗi thơ
Thì thơ thả gió lững lờ mây bay
Mây ơi! Mang nhé sầu này
Mang về đất Mẹ thả đầy sông xưa
Viễn phương nắng trải vàng tơ
Sao nghe xối xả cơn mưa trong hồn
Tôi đi trong gió thu buồn
Gọi thầm phố cũ, quê hương phương nào
Lạnh lùng một cánh lá chao
Lá ơi! Lá dạt phương nào gió bay!
tuệ nga
Oregon, Thu 1988
TỪ DÒNG
SÔNG TRĂNG
Từ dòng sông trăng đó
Hoa ngủ quên kiếp sầu
từ dòng sông trăng đó
Đá trầm lời biển dâu
Từ dòng sông trăng đó
Thơ ngát ý nguyện cầu
Đêm mơ dưới ánh trăng thâu
Quẩy kinh ai đổ trên cầu nhân sinh
Sáng ra thức giấc hỏi mình
Là hư hay ảo, cội hình phù du
Từ dòng sông trăng đó
Đá ướm hỏi lòng Thu
Vàng rơi bao kiếp nữa
Cây đứng lặng trầm tư
Sắc Không Vô Hình Tướng
Sao hỏi có vàng thu?
Từ dòng trăng vô lượng
Kinh hoa nở muôn mùa
Từ dòng kinh thi hóa
Tiếng đời êm tiếng thơ
Đêm qua chợp giấc lại mơ
Quẩy kinh ai đổ bên bờ suối hoa
Tiếng chim hót giữa rừng xa
Âm thanh lảnh lót Ngân Hà sông trăng.
tuệ nga
Oregon, Mùa Thu 1985
*******************
NGUYỄN THÙY
Y hướng sáng tác thi văn của Nguyễn Thùy thu gọn tiêu biểu:
“luôn mong được thấy những con lộ thênh thang và xe cộ dập dìu, mang chứa cái
‘hồn hậu đơn thuần’ của con đường điền dã”, nhưng lòng đường lại luôn luôn bảo
lưu. Cái “hồn hậu đơn thuần” định tính lối đi riêng của tác giả - một cách thế
trở về tìm căn nguyên lịch sử đất nước và bản thể dân tộc để bắt gặp được những
phế hưng, dâu biển, những bi hùng quá khứ ngàn xưa đến ngày nay, với nỗi xót
đau thương cảm:
Hỡi lịch
sử, ta thương mình quá đỗi
Ta thương
mình vì nỗi bởi ta đau
Tình huống chiến tranh trầm luân khốn đọa, tai ương, tàn
phá, lắng xuống đáy thời gian, thơ mang khí chất khác, tầm nhìn hiện thực giữa
khung cảnh phức điệu đời sống, độ nghiêng lệch rơi theo chiều sâu tâm hồn, sông
núi vào truyền thuyết và huyền thoại mang tính sử thi:
Chuyện đời xưa
Chàng chăn trâu lấy nàng chức nữ
Gái nhà vua yêu trộm kẻ chèo thuyền
Trai anh hùng sánh với gái thuyền quyên
Tinh thần tự do luyến ái, yêu chuộng bình đẳng, không phân
cách thứ bậc, giai cấp trong tình yêu là hiện thể đặc thù dân tộc tính, đã hình
thành từ buổi nguyên sơ lập quốc của giống nòi Hồng Lạc Rồng Tiên:
Từ Bố Cái
hợp hoan lịch sử
Nòi Rồng
Tiên chuyển dịch âm dương
Nguyên sơ
dựng lập cương thường
Trăm con
trứng nở một phương địa đàng
(Lập
Quốc)
Dòng lịch sử đất nước mấy khi yên ổn phẳng lặng theo chiều
dài hơn bốn ngàn năm. Luồng gió gây hấn, thôn tính của thù địch từ phương Bắc,
phương Tây, nội chiến, tranh chấp quyền lực, gây nên cảnh “củi đậu nấu hạt đậu”
đã đưa con thuyền vận mệnh đất nuớc gập ghềnh giữa cuồng phong nguy biến:
Gió vẫn gió
dập dồn gieo hiểm họa
Trùng trùng
mưa che khuất nẻo sao trăng
Anh hoảng
hốt nghe khắp mình băng giá
Lạc tay
chèo thuyền dạt sóng lênh đênh
( Gió)
Thấm nhuần lịch sử, ưu tư lịch sử để thao thức xót xa là nét
nổi bật trong thơ Nguyễn Thùy. Ông sinh ra tại Huế. Năm 1936 trở về theo học
tại quê hương Quảng Nam.
Lớn lên chạm mặt với thời cuộc sôi bỏng,
ông tham gia cuộc chiến 1949-1950 chống ngoại xâm. Rời hàng ngũ, trở về Sài Gòn
tự học, đi dạy, mở trường tư, làm công chức, tư chức, theo học Đại học Văn
Khoa. Tháng 12-1988 vượt biển sang Mã Lai. Định cư tại Pháp từ năm 1989. Nguyễn
Thùy là tác giả của nhiều thể loại: Thơ, truyện, tiểu luận, biên khảo... Ông đi
sâu vào lãnh vực thi ca
yêu nước, khơi gợi truyền thống bất khuất hào hùng của dân
tộc, và làm sống lại những trang sử bi hùng...
Cuộc chiến Nam Bắc cuối thế kỷ Hai Mươi kết thúc tháng Tư -
1975 là một kết cục bất ngờ, bi thảm mà tác giả là một nhân chứng và là nạn
nhân hứng chịu nỗi oan cừu đã vang động lời non nước cùng ước vọng của con dân
lưu lạc:
Việt Nam ơi, Việt Nam ơi
Tiếng em
tôi gọi ru lời nước non
Mai đây
nước lại về nguồn
Đầu non em
tắm sạch buồn thế gian
(Việt
Nam ơi Việt Nam)
Nếu lịch sử là một
cuộc tái diễn và mỗi dân tộc mang nặng trong hồn lịch sử của tổ quốc mình để
sống, để chiến đấu, tin tưởng và hy vọng thì những dị sử chỉ là tạm thời tồn
tại:
Trong ta
cõi đất, cõi trời giao nhau
Nghìn năm
sau trước trước sau
Dễ ai dựng
vách ngăn rào núi sông
Đứng lên
đi, giống Lạc Hồng
Xóa tan dị
sử dẹp dòng can qua
(Rồng
Tiên Vào Hội)
Không gian chân trời cũ hiển hiện lên những mảng màu pha
trộn đậm nhạt bàng bạc giữa thời gian hiện hữu, gợi thức những hồi niệm gửi gắm
vào những đoạn thơ bóng bẩy, tượng trưng, mang đủ ý nghĩa diễn đạt, có thể nói
là sở trường của Nguyễn Thùy:
Ta gọi gió
từ cuối trời dĩ vãng
Bến bờ nào thiết dựng tự nguyên sơ
Từng cơn lốc thổi tung trời hỗn loạn
Vũ trụ tình thai nghén một cơn mơ
Em có nghĩ từ xưa không gió lốc
Tình đôi ta một khối rỗng không thôi
Từ nguyên thủy một hôm trời lập cập
Gió lồng lên, một Tiếng Gọi nên lời
( Gió)
Nguyễn Thùy đã khẳng định được thơ của mình - vững vàng, bề
thế trong tư duy tình yêu đất nước, anh hùng ca, một thể loại được thêu dệt
bằng phạm trù ngôn ngữ ước lệ, giả tạo, khôâ khan thường thấy phô bày trên thị
trường chữ nghĩa tại hải ngoại. Nguyễn Thùy vượt lên khỏi vòng cương tỏa ấy.
Thơ ông óng ánh nguồn sáng của ý thơ và lời thơ. Nguồn Thơ ẩn chứa tình tự đạo
lý dân tộc, truyền thuyết. Thơ từ đó chẳng những có giá trị nhân văn lịch sử mà
còn có tính nghệ thuật.
Tư duy thời đại của thân phận lưu vong luôn đòi hỏi yêu cầu
tương ứng với cộng đồng lớn lao rằng lịch sử quê hương đất nước phải được ôn cố
tri tân. Yêu tổ quốc, trước hết phải thẩm thấu ngọn nguồn lịch sử. Nhà thơ
Nguyễn Thùy đã đáp ứng tận tụy cho sự nghiệp xiển dương lịch sử ngàn đời của
giống nòi Hồng Lạc.
G I Ó
Gió hỡi gió bốn phương trời gió dậy (l)
Chở về đây dông bão tự muôn xưa
Thuyền ta đó gió mặc lòng đưa đẩy (2)
Tình ta đây gió chở mãi không vừa
Ta gọi gió từ cuối trời dĩ vãng
Bến bờ nào thiết dựng tự nguyên sơ
Từng cơn lốc thổi tung trời hỗn loạn
Vũ trụ tình thai nghén một cơn mơ
Em có nghĩ từ xưa không gió lốc (3)
Tình đôi ta một khối rỗng không thôi
Từ nguyên thủy một hôm trời lập cập
Gió lồng lên, một Tiếng Gọi nên lời (4)
Gió chở Tiếng băng mình qua cõi tối
Dìu trăng sao vào núi biển sông hồ
Thuyền trôi mãi biết về đâu bến đợi
Gió quay cuồng lồng lộng nẻo hư vô
Gió vẫn gió từ bao đời cuồng nộ
Buồn hoang sơ từng độ trải mênh mông
Mộng kỳ dị vào trong Em buổi đó
Mà tình anh, Em hỡi, điệp trùng không!
Anh theo gió băng mình qua thế kỷ
Chuyện hải hồ phiêu bạt kiếp long đong
Để trăn trở thiên thu sầu vạn lý
Vì tình Em, ôi, gió lỗi hẹn muôn vàn!
Gió vẫn gió, từ bao đời vẫn gió
Anh kêu gào réo gọi một đê mê
« Cái gì có» trong dòng giông bão đó?
« Cuộc tình ta », Em hỡi, nói nhau nghe!
Gió vẫn gió dập dồn gieo hiểm họa
Trùng trùng mưa che khuất nẻo sao trăng
Anh hoảng hốt nghe khắp mình băng giá
Lạc tay chèo thuyền dạt sóng lênh đênh!
LƯU DÂN THI THOẠI 127
Bỗng sực tỉnh, anh trườn lên bão loạn
Vào cuồng phong, ngược lối, hướng trung tâm
Êm ả quá, giữa một vùng quang đãng (5)
Nụ cười Em óng mượt cả Thời Không.
Để hôm nay giữa chất sầu kỳ dị
Bước Em về vang động cả xưa sau
Thuyền mỏng mảnh cuối dòng thiên cổ lụy
Nhịp chèo khoan xoáy nước lại non đầu.
nguyễn thùy
CHÚ THÍCH CỦA TÁC GIẢ:
(1) Gió: mượn Gió để nói lên hình ảnh từng cơn lốc lịch sử trên thế giới và nơi từng Quốc gia, Dân tộc.
(2) Thuyền: ám chỉ định mệnh lịch sử.
(3) Em: ám chỉ Lẽ Đạo, nguyên lý sinh thành và dòng vận hành
sinh hóa của thế gian. Anh: chỉ mỗi dân tộc và cả nhân loại.
(4) Tiếng Gọi: Appel, mượn ý M. Heidegger: « Bởi Tiếng gọi
từ một nguyên sơ thăm thẳm, một miền cố quận được hoàn trả cho chúng ta » (Par
l’appel en une lointaine origine, une terre natale nous est rendue - Le Chemin
de Campagne, bản dịch Pháp ngữ của André Préau, xem « Questions 111, Gal. Paris
1989), liên hệ với Le Verbe trong Tân Ước St Jean.
(5) Nơi trung tâm cơn lốc là một vùng thanh tĩnh, quang
đãng.
***************
TÔ THÙY YÊN
Khởi đi từ Tạp chí Sáng Tạo do Mai Thảo chủ trương tại thủ
đô Sài Gòn những năm đầu thập niên 1960, thơ Tô Thùy Yên xuất hiện đều đặn và
được đón nhận như luồng sáng tạo mới về kỹ thuật cũng như cấu trúc thi ngữ.
Mặc dù nhóm Chủ Trương Tạp chí Sáng Tạo nuôi ý định triển
khai dạng thức thơ tự do của Thanh Tâm Tuyền cùng thời, nhưng chẳng được bao
lâu, loại hình thơ kỳ bí cả từ lẫn ý này đã chìm vào quên lãng. Những cây bút
quan tâm đến văn học, thi ca; và người
đọc, có ủng hộ, có công kích, chế diễu... Cuối cùng họ nhận ra một luận điểm -
Thơ Tự Do mà tạp chí Sáng Tạo coi là hiện tượng mới chỉ là để nâng bốc, cổ vũ,
chẳng mới mẻ gì. Trước 1945 đã có Nguyễn Xuân Sanh với Xuân Thu Nhã Tập, cũng
chỉ sau một thời gian - còn lại chút dư âm lạc lõng. Đổi mới, làm mới thơ luôn
là ước vọng của Văn Học thời đại và là nhu cầu nghệ thuật. Khái niệm tìm kiểu
cách mới cho Thơ từ đó đến nay đã 40 năm, phải kể đến Tô Thùy Yên...
Trước năm 1975 chưa in tập thơ nào. Từø nhận thức giá trị
Thơ xuất phát ở phẩm, không bao giờ là lượng, ông âm thầm sáng tạo. O. Valery
nhận đinh “làm thơ là xây dựng một ngôn ngữ trong ngôn ngữ”, và Tô Thùy Yên đã
tán đồng, hướng tới ... Ông vượt qua khỏi dòng thơ truyền thống bằng cách sử
dụng thi từ mới, quay đảo âm vận, mà thơ vẫn không hề suy tổn phong vị, giọng điệu, đứt đoạn cảm xúc.
Bước ngoặt lịch sử chiến tranh sau ngày 30-4-75, Tô Thùy Yên
không xác định thời điểm và sự kiện cụ thể, vẫn tìm thấy dấu ấn, bằng màu sắc,
âm thanh của một miền Nam thất trận. Cảnh tương tàn phơi bày, con người sợ hãi
con người - cùng chung dòng giống, đánh động xót thương đến trời cao, tố cáo,
oán hận chiến tranh:
Mòn mỏi,
thành Nam,
nghĩa sĩ tận
Kèn chiều
mấy tiếng lạc trời quê...
Pháp trường
úng máu, khí xung uất
Ngần ấy năm còn nghe rợn thiêng
.......
Làng đã cháy, im lìm bất trắc.
Người nhớ người mà cũng sợ người
Trời ơi, những xác thây la liệt,
Con ai, chồng ai, anh em ai?
(nhớ có lần, trên bến bắc khuya,
nghe một ông lão đàn hát)
Những người mặc áo lính, ít nhiều đều có một vai trò lịch
sử, chứng kiến và can dự cuộc chiến Bắc Nam. Lịch sử nhắc đến ít nhất hai
lần cuộc phân ranh Nam Bắc, anh em một nhà ly tán, hận thù; đất nước cách sông,
ngăn núi. Cuộc đời trăm họ, muôn nhà, một giấc chiêm bao cho cả người thua kẻ
được:
Nhớ xưa
thiên địa làm ly tán
Anh em nhà
không ngó mặt nhau
Người chạy
về thành, kẻ nhảy núi
Dốc đời cho
một cuộc chiêm bao...
Trở về với thực tại, bối cảnh xã hội miền Nam, sau khi bị
cưỡng đoạt, tập đoàn thống trị đã lộ diện - cung cách, thái độ sâu bọ trở thành
sinh vật Thượng đẳng - trưởng giả học làm sang - vênh váo, ngạo mạn, hợm hĩnh:
Giai cấp và con người mới đến đã vội vàng lột xác, từ thấp hèn cùng đinh, mang
mặt nạ giả tạo cao sang, phù phiếm:
Xuân thu, du sĩ rao phương lược
Khiến mấy đời sau còn váng đầu
Xe kiệu rộn ràng cửa lớn nhỏ
Về ngang Thánh miếu, mặt vênh cao
Có người nghề nói thơ đầu chợ
Chạy sắc phong thi sĩ với đời
Có người hàng thịt sẵn dao nhọn
Cũng rắp ranh làm tráng sĩ chơi.
(Lão Trượng)
Tô Thùy yên, phục vụ trong quân đội VNCH, tên thật Đinh
Thành Tiên, sinh năm 1938 tại Gia Định, lớn lên học Trung học, Đại học tại Sài
Gòn. Sau ngày miền Nam
bỏ súng, ông cùng đồng đội bị tập trung vào trại tù Cộng Sản. Tổng cộng 13 năm
lưu đày, và qua 3 lần bắt bớ giam cầm do liên hệ hoạt động đấu tranh đối kháng.
Qua quá trình ấy, thấm thía với thân phận con nguời và định mệnh đất nước, ông
đã viết bài thơ “Ta Về”, một biểu tượng của kiếp tù đày trên quê hương, đồng
thời thể hiện nhân sinh quan của kẻ sĩ của chính ông. Ta Về và Chuyến Tàu Đêm
là hai bài trường thi của tác giả thể hiện toàn bộ một giai đoạn thống thiết và
bi tráng của lớp sĩ phu thời đại, miền Nam trước những ngón đòn thù giáng xuống
phần đời tươi đẹp nhất của họ từ bước ngoặt lịch sử Việt Nam tháng Tư năm 1975.
Trầm luân trong khổ nạn ấy, nhà thơ luôn luôn sáng suốt nhìn
lên phía trước với triết lý lạc quan về quy luật cuộc sống con người – Cõi
người đáng yêu và đáng sống, đáng tin, đẹp tựa đời kiếp ngắn ngủi của bông hoa:
Con Loan con Phụng bay đâu lạc
Đến nỗi nào sao chẳng gọi bầy
Nếu như hoa biết chiều nay rụng
Âu cũng vui mà nở sáng nay.
(Thắp Tạ)
Thơ Tô Thùy Yên, ở khía cạnh khác, mang tính thẩm mỹ vốn có
của ngôn ngữ. Ông khắc chạm bức tranh chiều lung linh xao động qua những từ
“gom gọn”, “sóng ngất”, “bạc nhòa”, pha trộn gam màu, phản chiếu trạng thái đơn
độc giữa thung lũng hoang vu, nơi chôn chặt thân xác khổ sai lao động trên đất
Bắc.
Cuộc vong thân, chỉ trông cậy, cầu may khi cất lên tiếng hú,
để ai đó, đồng hội, đồng cảnh và đồng hành chia sẻ tín hiệu gửi trao:
Lũng sâu
gom gọn nắng tà
Dải lau
sóng ngất bạc nhòa cuối mây
Biết còn ai
đợi ai đây
Hú lên một
tiếng cầu may mới đành.
(Hái Rau)
Thơ Tô Thùy Yên từ đầu thập niên 60 đến nay vẫn nổi bật dáng
đứng riêng biệt, đặc thù. Ông là một nhà thơ nghiêm cẩn trong sáng tạo, đã có
những bứt phá để vươn tới cái mới của văn chương nghệ thuật. Thơ ông không chỉ
riêng phần ngôn ngữ mà tứ thơ cũng dàn trải phóng đạt trên mặt rộng chữ nghĩa,
ẩn chứa nhiều góc cạnh chiều sâu tư tưởng. Tác giả sở trường dùng phương thức
ẩn dụ để phản ảnh hiện thực một cách tinh vi nhuần nhị với âm điệu hài hòa
truyền cảm. Đi vào toàn bộ tác phẩm thơ Tô Thùy Yên, thật tình khó có thể có một
một kết luận nào khác hơn, đó là một pho chữ nghĩa lấp lánh những hạt trân châu
trong dòng thơ Việt hiện nay. Và từ đây, một lần nữa khẳng định chỗ đứng của Tô
Thùy Yên trong kho tàng Văn Học Việt Nam.
THẮP TẠ
Tặng Huỳnh Diệu Bích
Một mình nàng lên núi chan chứa
Hỏi tìm cho gặp đá tiên tri
Về sau, đời có ra sao nữa
Cũng đã đành tâm sẵn một bề
Đá, chẳng đá nào lên tiếng với...
Nàng đi thôi đã nát chân hồng
Nghe con vượn ẩn thân khóc hối
Một lần lỡ bỏ chuyến lìa non
Một mai nàng vô rừng u ẩn
Nhặt trái nưa về nhuộm dạ sầu
Thấy trăm họ cỏ cây chen quấn
Nương náu nhau mà tội nợ nhau
Con loan, con phượng bay đâu lạc
Đến nỗi nào, sao chẳng gọi bầy?
Nếu như hoa biết chiều nay rụng
Âu cũng vui mà nở sáng nay
Một mai nàng qua cầu cam mặc
Mưa nắng gì thôi cũng một thì...
Rau hạnh, rau vi từ lúc có
Chưa từng nguôi biếc bãi Kinh Thi
Cửa đẩy lầm, vô lường cuộc diện...
Ba ngàn thế giới đã nhà chưa?
Lâu ngày, thân thế rách như gió
Thấy lại mình như kẻ đáng ngờ...
Một mai nàng đến thành hoa gấm
Hát một chiều, tiền thưởng ngập chân
Vui nốn náo trời, thốc tới biển
Một lần, thử đổi bỏ chân thân
Gà nửakhuya gáy xộ trăng muộn
Ai hồ nghi lộn kiếp bên này?
Con chó khóc tru ngoài địa giới
Ngờ ngợ người góc biển chân mây
Một mai nàng ra bãi vô định
Nhìn sông đổi lòng, nhìn núi chuyển chân
Mây bay bay như những vẫy biệt
Nàng đứng cho tàn như một nén nhang
Thắp tạ càn khôn một vô ích
Thắp tạ nhân quần một luyến thương
Biển Đông đã một ngày xe cát...
Đắm giạt, mơ lai kiếp dã tràng
tô thùy yên
NHỚ CÓ LẦN
TRÊN BẾN BẮC KHUYA
NGHE MỘT ÔNG LÃO ĐÀN HÁT
Ông lão khô quắt như thanh đước,
Đàn hát mưu sinh bến bắc đêm,
Cổ vương oan khuất, tay u hồn,
Miết giây, xé giọng, khóc nhân thế...
Âm bóng xưa về quanh chiếu manh.
Trăng thiếp, sao mê, sông ráo gió.
Buồn như sóng nói, tản không tan.
Tiếng lân, tiếng hạc, nỗi trong đục,
Cổ bản đưa: Từ phu tướng đi...
Mòn mỏi, thành Nam, nghĩa sĩ tận.
Kèn chiều mấy tiếng lạc trời quê.
Pháp trường úng máu, khí xung uất,
Ngần ấy năm còn nghe rợn thiêng.
Biệt đảo, mùa mùa gió chướng nổi,
Bè thả về không tới đất liền.
Bao phen nước cũ thay danh hiệu
Mưa nắng bay lần hơi hướm quen.
LƯU DÂN THI THOẠI 145
Trăng chết đồng xa, buổi mạt pháp,
Áo đạo chìm cây cỏ cấm sơn.
Làng đã cháy, im lìm bất trắc...
Người nhớ người mà cũng sợ người.
Trời ơi, những xác thây la liệt,
Con ai , chồng ai, anh em ai?
Mùa nước nổi qua mùa nước giựt,
Đốt tay nào Thân Dậu niên lai?
Em về giồng dưới, qua bưng gió,
Mắt có nhòa triều bông sậy dây
Người còn, trời đất còn chan chứa.
Ghe thương hồ khẳm điệu huê tình,
Sông bảy ngã, thương, còn gặp lại,
Muối mặn, gừng cay, trắng tóc xanh...
Chỉ cho con chỗ doi xưa sụp.
Cồn mới thành, con tự nhận ra.
Nước chảy, đừng chờ khi xế bóng,
Hối không làm việc nghĩa trôi qua.
Ông lão khô quắt như thanh đước,
Cổ vương oan khuất, tay u hồn...
Tình ý theo người đi một đỗi,
Một đỗi, dài hơn bốn chục năm.
11-1999
Xem tiếp Kỳ 2