Dòng Tâm Thơ Nồng Nàn Lãng Mạn
Cao Mỵ Nhân, tên thật cũng là bút hiệu, sinh trưởng tại lâm
nguyên Chapa, một thắng cảnh du lịch hiện nay tại miền Bắc VN. Nhà thơ với một
tâm hồn tràn ngập tứ thơ nhưng “sự nghiệp ngoài đời” lại là một sĩ quan cấp Tá
QLVNCH, tốt nghiệp Cán Sự Xã Hội.
Làm thơ từ thuở mười ba, đến nay đã có khoảng mười tập thơ.
Thi phẩm đầu tay “Hoa Sao” ấn hành năm 1959. Về Văn có hai tập “Chốn Bụi Hồng I
& II. Trước 1975 là hội viên Thi Đàn Quỳnh Dao và tại hải ngoại là thành viên
CSTV Cội Nguồn. Tác giả đã đến với Cội Nguồn rất sớm, cộng tác thường xuyên với
tạp chí Nguồn. Và nổi trội hơn cả là hai thi phẩm do Cội Nguồn ấn hành vào
những năm đầu thiên niên kỷ thứ hai: “Đưa Người Tình Đi Tu” (2001) và “Sau Cuộc
chiến” (2003) là hai thiên tình sử thể hiện tâm hồn “nồng nàn lãng mạn” của nhà
thơ nữ này.
**
ĐƯA NGƯỜI TÌNH ĐI TU
Hình như có một thoảng trầm hương từ một không gian xa thẳm
tỏa mùi thơm ngào ngạt, kéo sập hồn người chìm vào những miên man tưởng
nhớ. Một khung trời của tiếng kinh ngân
nga chậm rãi ...
Hình như tôi vừa nhấp một hơi men nồng. Không hẳn, có cái gì
đó còn hơn thế nữa. Sâu lắng hơn, nồng nàn hơn, ngây ngất hơn. Tưởng như vừa
qua một cơn thiếp đồng, dưới ánh đèn vừa đủ nhìn nét chữ, một không gian tĩnh
mịch lúc về khuya. Tất cả mọi ồn ào đã lắng xuống. Tất cả mọi chộn rộn đã lắng
chìm. Tôi xả hết mọi thứ ở cõi tâm thường tình, vọng động để còn là một khoảng
thinh không thu hết vào một khung trời có mái chùa cong, có vầng trăng cổ
nguyệt, có vạt áo cà sa, có màu áo lam thấp thoáng, ẩn hiện chập chờn trong mưa
gió, trong tâm thức không rời. Có cả hạnh ngộ, luân hồi trong tâm tưởng của
người tín nữ rụt rè trước cổng tam quan, trước cánh cửa chùa khi nào cũng đón
mời rộng mơ,û mà sao như khắt khe, như ngăn cách. Phía trong thiền viện có
trang sách bồng bềnh, có lời tụng Nam Mô. Trước mái hiên chùa có vầng kim ô, có
nắng vàng rực rỡ, nhưng rồi là bóng tà huy nhàn nhạt; là sương, là gió, là đưa
tiễn ngậm ngùi.
Con người đứng trên tất cả mọi đẳng cấp của vạn vật. Đức
Thích Ca đã vượt ra ngoài cái ngã mà nhìn thấu suốt ba cõi ta bà. Chúng sinh
thì chưa rời khỏi vòng mê lộ. Có kẻ mê lầm, có người thức tỉnh. Cuộc sống đâu
là thứ hưởng thụ vật chất phù hoa. Còn cả một cõi tâm hồn dạt dào mơ mộng. Mơ
mộng không chỉ với tình ái thú vui. Tâm hồn lắm khi chùng lại lâng lâng ngây
ngất trước một mái chùa cong, trước vầng trăng lạnh, trước ánh trăng vàng. Nhà
thơ mãi mãi miên man trong cõi vô thường, ngập ngừng tại nơi tìm đến, rụt rè
như thờ ơ lãnh đạm với chỗ hẹn của lòng.
Đời là một cõi hợp tan, cả cái Tâm kia cũng vô thường chuyển
hóa, huống chi duyên nợ hẹn hò, huống chi hữu duyên mà không nợ. Rồi một người
ra đi, một người ở lại, hai bên, giữa ranh giới cuộc đời “Phật có bao giờ muốn
xiết tay” cho nên:
Thôi nhé người vô miền tĩnh lặng
Tôi về thương nhớ áo màu lam
Từ đó hình như có một hồn thơ khi thấp thoáng, khi chực chờ
trước cửa cổng tam quan, trước cổng chùa vắng lặng, để “thơ buồn ướt cánh dưới
sương lam”.
Thế rồi làm sao vượt ra ngoài cái lẽ hợp tan, tan hợp. Một
người ra đi, một người ở lại. Từ một góc trời thăm thẳm trong hồn thơ, kẻ viễn
hành vẫn ắp đầy hình ảnh của những cảnh cũ người xưa:
Áo người vẫn đậm màu lam
Hay phai từ độ tôi sang Hoa Kỳ
Áo màu lam vẫn nguyên trinh màu của nó. Hỏi làm chi màu lam
y của người nơi thiền viện? Có phải cứ mãi băn khoăn cái lẽ “cách mặt xa lòng”
mà nghĩ lan man sang màu áo? Biết rồi, màu lam y như một ám ảnh hồn thơ. Cả một
khoảng trời chỉ còn lại một hình ảnh lam y, để mà tưởng tượng, để mà hình dung,
để mà mơ tưởng.
Hiên sau chỉ có áo lam
Phơi trên dây đợi nắng sang, phai màu
Thật tội nghiệp cho tâm hồn thi sĩ:
Chan hòa lệ ướt tóc mây
Tờ thư nước mắt trong tay nghẹn ngào
Chao ôi, bạn chẳng nhớ sao
Người đi khấn nguyện xưa, sau một lời
Năm xưa trường hạ xa vời
Ai về Vạn Hạnh cho tôi bái từ.
Nỗi nhớ như quay quắt, niềm xót xa như quặn lòng. Nhưng
không! Tâm hồn thi sĩ không chỉ dành cho những cảm lụy sụt sùi mà còn bao nhiêu
những cảnh huống của tha nhân cũng đầy thương cảm. Cho nên lại bồi hồi về nơi
quê mẹ bão bùng mưa lụt, ở nơi quê người thì thương nhớ quạnh hiu.
Đã nói mà! Chỉ một sợi râu bạc cũng đủ xoáy vào lòng người,
làm rung nhịp giao thoa của tâm hồn đa cảm. Nhưng không, vòng tay đã trống
vắng, lạnh tanh như lời tự thú. Có gì có thể thay thế được cái bóng dáng như vô
hình mà hiển hiện dưới mái tam quan. Biết là vậy. Biết là như thế. “Tất cả là
khói sương”. Thế mà mấy ai vượt ra khỏi cái ngã vô minh. Và nhà thơ tự hỏi: Tại
sao ta không rất bình an, rất đại thừa như người sư nữ với nụ cười dung dị, với
ánh mắt đăm chiêu:
Có chi tất cả trong đời sống
Biến diễn qua cô rất mỹ miều.
Biết vậy mà lòng ta vẫn không bắt nhịp được với cái tâm pháp
kia của nhà sư nữ. Cõi tâm là cả một kho tàng chứa đầy sức huyền diệu. Nghệ
thuật của sự sống là làm đẹp cho đời bằng vô số mầm gốc thiện mỹ chất chứa ở
mỗi tâm hồn. Từ cõi tâm, từ cái vô ngã, từ cái huyền nhiệm mà chiếc bóng lam y
kia cứ trên đường bước tới tự tại an nhiên. Người đã bỏ lại phía sau tất cả.
Người để mặc phía sau mọi thứ rộn ràng, mọi điều hệ lụy mà thảnh thơi bước tới
trên con đường vô ngã, rọi ánh hào quang. Thì người tín nữ hãy cứ đứng nhìn
theo như nàng chinh phụ trong huyền thoại ngàn xưa đứng nhìn, dõi theo một bóng
hình từ muôn dặm quan san, vẳng bên tai khúc nhạc truyền hịch “lệnh vua hành
quân trống kêu dồn” rồi quay về bế con đứng đợi. Đó cũng là hình ảnh mà tôi bắt
gặp hôm nay: Nàng thơ đưa người tình đi tu để để lại di sản một áng thơ và một
cõi tâm hồn rất đẹp.
Với cái nhìn từ góc cạnh “sống gửi thác về”, với cái thiền
niệm có từ tâm đạo, nhà thơ lại sững sờ suy nghĩ: Tại sao ai cũng biết cả thế
gian này là cõi tạm. Tất cả là vô thường, tất cả là biến hiện, kể cả cái hình
hài, cái châu thân kia cũng là sắc không, không sắc mà không tìm lấy một cõi
tâm an nhàn thanh tịnh; mà cứ mãi ngụp lặn trong cõi thất tình “hỉ, nộ, ái ố,
dục, ai, cụ”. Mà cứ phải đợi cho đến khi nhìn lại mình qua một dung nhan tàn
héo, một mảnh hình hài nằm bất động trước lúc di quan? Nhà thơ chợt giật mình:
Chao ôi, ai cũng rồi như thế
Mà vẫn đua tranh đến tận cùng
Tôi vừa “bám” theo tác giả suốt trên chặng đường “Đưa Người
Tình Đi Tu”, lượm nhặt những dòng cảm nghĩ, sao chép lại những ngôn ngữ, ý từ
của nhà thơ, của “Đưa Người Tình Đi Tu” mà viết nên đoản văn này. Cách đây hơn
năm năm tôi đã từng ngồi sững người “trầm ngâm như tượng đá” khi đọc Thơ Mỵ:
Hình như chính khách làm thi sĩ
Cũng dễ như đang ở chính trường
Thi sĩ một thời mê chiến sử
Đã từng lập quốc dựng ngôi vương
Có thể, có một lúc nào đó, có ai đó gọi tôi là thi sĩ, nhưng
chưa bao giờ tôi là chính khách. Thế mà không hiểu tại sao tôi lại “nhập vai”
đến lạ lùng. Trong cuộc sinh tồn và phát triển của dân tộc, các bậc tiền nhân
thiếu chi những trang anh hào thi sĩ từng mê chiến sử, từng lập quốc và dựng
ngôi vương, những Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tông...
Tôi say mê từng trang sử Việt. Tôi yêu thích thơ Mỵ từ đó. Từ đó tôi vẫn đọc và
đã đọc tiếp những tập thơ khác của chị nhưng lần này có lẽ do ma lực của thơ,
của thiền, tôi đã bị dẫn dắt đi theo suốt chặng đường “Đưa Người Tình Đi Tu”.
Đó là tựa đề tập thơ thứ Năm của nhà thơ nữ Cao Mỵ Nhân. Cái tựa đề thoạt nghe có
cái gì như là lạ, khó ưa, nhưng lại gợi tò mò. Và khi đọc một bài, rồi hai bài
thì không thể nào buông quyển sách xuống.
Đưa Người Tình Đi Tu là cả một dòng xúc cảm cuộn lên từ trái
tim son trẻ và từ tận đáy tâm hồn nồng nàn lãng mạn, từ ngôn ngữ và cách nhìn
của một con người già dặn, từng trải. Tác giả đã rào đón với tôi rằng “đó chỉ
là một thiên tình ca tưởng tượng”. Thì có sao đâu. Ước gì “thiên tình ca” đó là
một “kịch bản” dựa vào một câu chuyện thực ngoài đời.
Bản sắc của tập thơ từ bài đầu đến cuối sách toàn một màu
thiền bao phủ. Hồn thơ nhập vào tâm đạo. Tâm đạo trở thành cứu cánh giải cứu
những hệ lụy tục trần. Tình yêu do đó trở nên lẽ huyền nhiệm của cuộc sống. Khi
xếp tập sách lại tôi còn nghe đâu đó tiếng ngân vọng của hồi chuông chùa, có cả
mùi trầm hương quyện lấy tâm hồn tôi. Lâng lâng mà thanh thản.
Song Nhị
***
SAU CUỘC CHIẾN
“HÌNH NHƯ LÀ TÌNH YÊU”
“Sau Cuộc Chiến”, như tên gọi là một thi phẩm đã được sáng
tác vài ba năm sau khi cuộc chiến tranh VN kết thúc – điều đó có nghĩa là tập
thơ này đã được sáng tác cách nay 25 năm (tính tới 2003) với ý nghĩ và tình cảm
xác thực, tựa như bài bút ký ghi lại sự
kiện từ một hiện trường.
Nhà thơ đã từng “thông báo” trên các bìa sách của chị về tên
gọi tập thơ này từ nhiều năm trước. Nhưng mãi cho tới mấy tháng trước đây như
một cơ duyên, tập thơ được giao cho CSTV Cội Nguồn ấn hành. Tôi được tác giả
trao vinh dự viết tựa cho tập thơ và giới thiệu thi phẩm này trước cử tọa trong
lần ra mắt tại San Jose.
Cùng với sự phân chia hai miền Nam Bắc, cuộc chiến ý thức
hệ, kéo dài trong 20 năm, đã kết thúc cách đây hơn một phần tư thế kỷ. Kết cuộc
đó đã đánh động lương tri loài người; làm tỉnh ngộ những kẻ từng tiếp tay cho
tội ác. Một Jane Fonda, nữ minh tinh màn bạc Mỹ từng lên tiếng xin lỗi chiến binh
Hoa Kỳ, xin lỗi nhân dân miền Nam Việt Nam vì sự lầm lạc của bà khi đứng vào
hàng ngũ phản chiến; một Eddie Adam, ký giả tờ Newsweek, người nhận giải
Politzer với tấm ảnh chụp tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn tên VC giữa mặt trận, hơn
hai mươi năm sau đã tìm đến đứng bên giường bệnh nói lời xin lỗi vị cựu tướng
QL/VNCH và trong lễ tang tướng Loan, Eddie Adam gửi vòng hoa phúng điếu với
hàng chữ: “General, I am so, so... sorry. Tears are in my eyes” (Thưa vị Tướng,
tôi rất, rất lấy làm tiếc. Lệ đã tràn trong mắt tôi).
Sau cuộc chiến ấy là cơn chấn động lịch sử đã đẩy đưa hàng
chục triệu số phận mỗi con nguời Việt Nam vào một khúc ngoặt nghiệt ngã.
Hàng trăm ngàn nguời vào chốn lao tù; hàng triệu người liều chết bỏ nước ra đi;
hàng chục ngàn người bỏ xác nơi rừng sâu, đáy biển.
Sau cuộc chiến ấy đã có hàng trăm, hàng ngàn những truyện
kể, những tác phẩm thơ văn của các chứng nhân, của người trong cuộc ghi lại
điều mắt thấy tai nghe.
Cao Mỵ Nhân, nhà thơ nữ vào làng văn từ tuổi mười ba, nguyên
là một sĩ quan cấp tá, một cán sự xã hội cũng không thoát khỏi lưới định mệnh
của biến cố 30 - 4 - 75.
Sau cuộc chiến ấy cùng với hàng chục ngàn quân cán chính
VNCH, nhà thơ cũng bị đưa vào trại tập trung cải tạo. Sau ba năm ở trại tập
trung, bà được chuyển sang lao động tại nông trường Tây Nam, nằm giữa khu tam
giác Sắt Đồng Xoài - Rạch Bắp - Bình Dương. Cùng với bà, một số sĩ quan viên
chức chế độ cũ cũng được gom về đây trong một toán kỹ thuật, đem chất xám xây dựng nông trường. Nhà thơ nghiễm nhiên trở
thành y tá bất đắc dĩ và là “chị nuôi” cho toán chuyên viên này.
Lịch sử đã sang trang, nhưng lịch sử cũng là sự tái diễn
không ngừng (L’histoire est perpétuel recommencement). Có một chàng trai trong
toán kỹ thuật vẫn ôm bầu nhiệt huyết với hoài bão và lý tưởng của một Nguyễn
Trãi, của một Kinh Kha, mơ xoay chiều lịch sử.
Chàng trai đó là một Th/úy hai mươi lăm tuổi - là người em, cả về tuổi
đời lẫn cấp bậc trong quân ngũ. Mối đồng điệu trong suy nghĩ, trong tâm tư cùng
những chia sẻ gian lao khốn khó trong cùng cảnh ngộ, người “chị nuôi” mới ngoài
ba mươi này, lúc ấy đã dành hết tình cảm quan tâm cho người em, người đồng đội
– một chàng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết.
Đọc hết tập thơ tôi cảm nhận đây là một tập nhật ký ghi lại
những suy nghĩ, những tình cảm đang làm xốn xang, chộn rộn trong cõi lòng từng
ngày, từng giờ, từng phút của tâm hồn
thơ Mỵ.
Trái tim, tự bản chất vốn yếu mềm và đầy ham muốn. Có một
lúc chúng ta cảm thấy hình như là những lời nói, những cử chỉ vỗ về chăm sóc
của người chị dành cho đứa em:
Nghe em kể chuyện ấu thời
Chị thương đứt ruột những lời trẻ thơ
Một góc khác là chuyện giữa những người chiến hữu, cùng lý
tưởng, chung màu cờ, chung lời ước nguyện:
Tôi vừa thoát khỏi đam mê
Lại thêm vướng bận lời thề vừa trao
Bên cạnh đó là tình cảm thiêng liêng dành cho quê hương, Tổ
quốc:
Non sông hiu quạnh nỗi mình
Sang trang lịch sử trở thành ước mơ
Và với vai trò người chị, tác giả đã trao gửi đến chàng trai
những lời nhắn nhủ dặn dò:
Như dòng máu đỏ về tim
Em ơi giữ mãi ảnh hình quê hương
(Về Tim)
.....
Hỡi em Tổ quốc mênh mông
Lửa thiêng em đốt cho hồng chí trai
(Những lần ngồi bên bếp lửa)
Một khoảnh góc khác, nhìn vào “hình như là tình yêu”. Sự
quan tâm gần gũi, sẻ chia, chung đụng dành cho nhau giữa cảnh đời cá chậu chim
lồng, bên những mầm chồi niềm tin, hy vọng đã nảy nở đóa hoa lòng, như lời thú
nhận: “Phải rồi mình đã si mê”; Và chàng tuổi trẻ đã đi vào thơ Mỵ:
Đêm ơi, đêm tự bao giờ
Và em, hiển hiện trong thơ tôi hoài
Một sự nhập nhằng đắn đo giữa lý trí và tình cảm, giữa con
tim và khối óc, nhưng chắc chắn trong tình yêu, sự lựa chọn bao giờ cũng dành
phần quyết định cho nhịp đập của trái tim:
Nhiều lần thổ lộ cùng thơ
Thương yêu nhưng lại giả vờ là không
Có sum họp là phải có chia ly. Người trai trẻ ấy, để thực
hiện hoài bão của mình, để có thể tìm cách thoát thân, đã mượn cớ xin đi đánh
“bá quyền” Trung Quốc trong cuộc chiến tranh biên giới Việt Hoa năm 1979. Người
cộng sản cũng mượn cớ này để đem chàng trai đi biệt tích. Tình chị dành cho em,
tình người chiến sĩ cho non sông Tổ quốc, và hơn hết sự trống vắng của “đôi
bạn” chung lòng đã khiến tác giả dội lên nỗi dày vò, thao thức, nhớ nhung, để
không còn úp mở:
Mấy hôm nay khóc thật nhiều
Thương em hay chỉ là yêu cuộc tình
Có lúc tác giả thấy mình như lỡ làng, như ân hận:
Nhưng đã lỡ thương em thành khờ dại
Tôi thả em đi lặng lẽ một lần
“Tôi thả em đi” để rồi tôi thơ thẩn, tôi cô đơn, như vừa
đánh mất một cái gì mơ hồ ảo thực, không hình, không bóng, lãng đãng nơi cuối
đất, cùng trời:
Tôi đi giữa lối hoa tươi
Tìm em khắp nẻo chân trời buồn tênh
Và để rồi chung cuộc:
Hai năm kể chuyện sông hồ
Người quen lặng lẽ ngó gò mối cao!
Đóa Hoa Lòng này đã choán phần lớn tập thơ “Sau Cuộc Chiến”
với gần như toàn tập là những bài Lục Bát có những đoạn những câu đắt giá. “Sau
Cuộc Chiến” có giá trị đặc biệt là một tác phẩm đặc thù của hoàn cảnh và giai
đoạn hình thành mà người viết là nhân chứng sống của một thời đoạn lịch sử.
“Sau Cuộc Chiến” là một kỷ niệm quý, đáng trân trọng của tác
giả và của cả chúng ta.
Song Nhị
No comments:
Post a Comment