Wednesday, March 5, 2014

TÌM VỀ VĂN HOÁ VIỆT - VƯƠNG NHÂN



 Sc Truyn Cảm Thu Hút Qua Đ Tài,
Kỹ Thut, Âm Điu, Và Ngôn Ng, Trong Tác Phm 

Năm 2005, Cội Nguồn xuất bản thi phẩm Dấu Xưa của Vương Nhân, tập thơ được thân hữu và giới thưởng ngoạn đón nhận với cảm tình trân trọng. Tác phẩm cũng đã được đưa vào thư viện Quốc Hội (Library of Congress) và một số thư viện khác tại Hoa Kỳ.

Nhà thơ cũng là tác giả cộng tác với tạp chí Nguồn từ nhiều năm qua. Phần nhiều bài ông đóng góp cho Nguồn là Thơ. Và nhiều người vẫn gọi ông là nhà thơ Vương Nhân.
Lần này tác phẩm Vương Nhân ủy thác Cội Nguồn ấn hành gồm hai phần Văn và Thơ.

“Văn là người”. Đọc Vương Nhân người ta dễ dàng cảm tình với tác giả - một nhà mô phạm. Mô phạm là một khuôn mẫu đạo đức trong xã hội miền Nam trước 1975. Vương Nhân đã thể hiện “văn là người” trong văn cũng như trong đời sống mà những ai, là thân hữu hay người quen biết đều nhìn nhận như thế.

Vốn tốt nghiệp Đại học Văn Khoa Sài Gòn, xuất thân là một Giáo sư Trung Học dạy Việt Văn, sang Mỹ định cư, ông lại tiếp nối “nghề mô phạm” trong ngành giáo dục  Hoa Kỳ. Những bài tản văn, những tiểu luận, nghị luận của tác giả đều tập trung nội dung vào chủ đề Truyền Thống, Nền nếp  Văn Hóa, Cương thường Đạo lý, và Ngôn Ngữ Việt. Những bài viết này được trình bày với một bố cục chặt chẽ, lập luận sắc bén và thuyết phục.

Trong phần văn, sau các tản văn, tiểu luận, là phần truyện ngắn. Truyện của Vương Nhân, phần nhiều trình bày cảnh ngộ và tâm trạng của những “mảnh đời” trôi nổi từ quê nhà ra hải ngoại trên những phần đất tự do nhưng lại trống vắng một khoảng lớn trong tâm hồn, nhất là vào những ngày giáp Tết, vào những dịp xôn xao của dĩ vãng nơi quê nhà. Hầu hết các truyện ngắn của Vương Nhân, được xây dựng từ chuyện thật từng đi qua trong đời lồng vào những chi tiết hư cấu khiến câu chuyện trở nên gần gũi với người đọc.
Với thể loại tùy bút, giọng văn của tác giả như tiếng thầm toát ra từ tâm sự của lòng, mơ hồ mà tha thiết:

“Một con chim nhỏ chuyền qua chuyền lại giương cổ cao hơn, mắt chớp để giã từ se lạnh. Một chút nắng yếu ớt vương trên màu hoa lãng đãng trong mây mù khiến tôi lại nhớ đến em…
“…. Tuyết trắng vẫn vây quanh, tôi kéo cổ áo cao hơn bước lần về con phố nhỏ. Như lệ thường tôi đến quán cà phê đó mỗi khi tuyết bay bay ngập trời. Chỉ có tuyết mới tạo cho làn khói từ ly cà phê kết thành sợi mỏng. Sợi khói ấy càng lên cao càng cong kết hình chữ S. Khi lên cao trên tầm mắt, chữ S hòa vào không gian lần vào tâm tư những kẻ tha hương phiêu bạt, buồn như những cánh chim cô đơn xa bầy, xa xăm hoài vọng”. (Nàng Tiên Bốn Mùa, tr. 100).

Tất cả các truyện ngắn của Vương Nhân đều là những mẩu chuyện liên quan cuộc sống từ trước bảy lăm, bỗng ngẫu nhiên tái hiện trên quê hương mới một cách tình cờø thú vị. Đó là truyện nối lại cuộc tình của Dung và Hùng trong “Đoản Khúc Tái Ngộ”, là liên hệ bạn bè của Phương dù trong “Chiến Sĩ Vô Danh”; là người láng giềng “Gia Đình Bác Tám”; là sự xuất hiện của giọng ca “Thằng Mặt Choắt” tại một giáo đường ở thành phố San Francisco mà tác giả đã từng nghe “nó” hát tại một nhà thờ ở Sài Gòn trước 1975.

Trong truyện ngắn “Mộng và Thực”, tác giả kể lại câu chuyện mối tình với một nhân vật nữ tên là Hoàng – một câu chuyện tự sự rất thật mà tất cả bạn hữu, người quen thân với tác giả đều biết và đều cảm nhận được tâm tình tác giả qua đoạn văn:

“Phải nói rằng niềm hân hoan sống động thời trai trẻ trong tôi từ hơn 40 năm nay tưởng đã chai đá, nào ngờ lại sôi nổi khi nhìn thấy cử chỉ, nghe được những lời lẽ chân tình, dáng dấp người con gái, một người đàn bà rất Việt Nam ở Hoàng tại xứ người. Thực mà không kịch. Tôi gật đầu và ôm chầm lấy nàng sung sướng.
Tình yêu vẫn là tình yêu. Tình không biên giới. Nó không bị ràng buộc tuổi tác, sắc tộc, giàu nghèo, mới cũ… Già trẻ giống nhau. Khi cảm nhận được lòng mình, được lòng người mình yêu, qua cử chỉ, qua ngôn từ thì tình yêu tự nó được tinh luyện trở thành những cái bóng không thể thiếu. Nó được đặt trong một góc kín rất thâm sâu rất trân trọng trong tâm khảm của chúng ta.
Tôi và Hoàng cũng không ra ngoài quỹ đạo ấy. Cái bóng mà chúng tôi tạo cho nhau bằng những kỷ niệm êm đềm, ngây thơ, duyên dáng, bằng những cử chỉ vô cùng lãng mạn, e thẹn, trong sáng, bằng những ngôn từ âu yếm, dịu dàng, bao dung”. (Mộng Và Thực, tr. 106).

Thơ Vương Nhân, như nhận định của Giáo sư Duy Khang Đinh Khang Hoạt: Nội dung cũng giống như bao thi sĩ khác đều viết lên tình yêu trai gái muôn thuở, tình yêu đất nước, tình yêu xóm làng, nghĩa bạn bè, tình thầy trò, công ơn cha mẹ, vẻ đẹp thiên nhiên... (Dấu Xưa, Cội Nguồn 2005 tr.118)
Theo cảm nhận của chúng tôi, trong thi văn hợp tuyển này, thơ của Vương nhân từ hình thức đến nội dung có một bước đi xa hơn về kỹ thuật, âm điệu, thi ngữ, đề tài và sức truyền cảm thu hút.
Xin mời các bạn hãy cầm quyển sách lên để thưởng thức hết được vẻ đẹp của ngôn ngữ Việt trong văn và trong thơ Vương Nhân.

SONG NHỊ
San Jose, Xuân Giáp Ngọ 2014


No comments:

Post a Comment

Nói Chuyện Với Thơ

MÙA HÈ CỦA TÔI Nắng ở trên trời, hè - nắng xuống Đã quen rồi từ bao lâu nay Dẫu thiên hạ lắm người than nắng nóng Với tôi thì nắng… ...